NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Ông Dương Minh Trai, Phó Tư Lệnh Đệ Ngũ Quân Ở Hà Nam
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời ông Dương Minh Trai, Phó Tư Lệnh Đệ Ngũ Quân ở Hà Nam

Nói tu hành ở chốn công môn không chỉ có nghĩa là tụng kinh, trì chú, niệm Phật mà thôi, mà còn phải tận hết chức phận của mình, trừ kẻ bạo, giữ yên cho người lành, cũng như binh lính thuộc quyền mình cai quản ai nấy đều dốc chí trừ kẻ bạo, giữ yên cho người lành, bảo vệ nhân dân thì địa phương ấy được hưởng phước, mà chủ tướng, quân lính sẽ ngầm cùng được nghiệp chướng tiêu trừ, tăng trưởng phước thọ. Nếu chẳng coi trọng chuyện này, dùng tấm lòng khẩn thiết chí thành để khuyến khích binh sĩ, thì quân đi đến đâu, nơi ấy phải chịu nỗi thảm cướp bóc bừa bãi chẳng thể nào kể xiết; huống hồ thậm chí có kẻ còn hủy hoại nhà cửa, giết người để thị uy!

Nếu cư sĩ quả thật làm được như thế này: Dùng cái tâm chí thành dạy binh sĩ coi dân địa phương như người nhà của chính mình, chẳng để họ phải chịu bức bách, đè nén khổ sở vô lối thì công đức lớn lắm. Làm được như vậy, lại thêm tụng kinh, trì chú, niệm danh hiệu Phật thì sẽ được Phật, trời che chở, hộ trì. Khi vô sự thì quân oai lan xa, kẻ đớn hèn khuất phục. Khi hữu sự sẽ nương sức Phật, trời, đánh thắng quân địch, trở thành hộ quốc tướng quân, thành bậc Bồ Tát cứu thế vậy. Quang vốn thiếu đức, há kham làm thầy, nhưng nếu coi tượng đất nặn, gỗ khắc như Phật, kính trọng như đức Phật thật thì sẽ được lợi ích chẳng khác gì kính trọng đức Phật thật. Vì thế, tôi thuận theo chí ông, chịu làm thầy. Nếu ông kính Phật trọng Tăng thì cũng từ nơi ông Tăng tầm thường, chỉ biết cơm cháo này, ắt cũng chẳng đến nỗi không thể nhờ đó được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.

Nếu chỉ đòi hỏi Quang có đủ đạo đức thì Quang sẽ phụ lòng mong mỏi, chẳng thà không quy y còn tốt hơn. Nay tôi đặt pháp danh cho ông là Trí Nghị. Do bởi có trí mạnh mẽ, kiên nghị, nên trong có thể tu thánh đạo đoạn Kiến Hoặc, ngoài có thể giữ nước yên dân. Ông nghĩ tưởng đến ý nghĩa của cái tên ấy sẽ có lợi cho cả quốc gia lẫn xã hội, chứ nào phải riêng một mình ông đâu! Đối với chuyện tụng kinh, trì chú, niệm Phật, một mực dùng lòng chí thành, cung kính để thọ trì là được rồi, bất tất phải lấy chuyện mong mau hiểu được ý nghĩa làm trọng. Nếu thọ trì được như vậy thì lâu ngày nghiệp chướng tiêu trừ, trí huệ phát hiện, còn chứng được lợi ích thật sự nơi kinh, huống gì văn nghĩa! Trong Văn Sao đã từng nhiều lần đề cập đến chuyện này, nên chẳng nói nhiều. Xin hãy đọc kỹ Văn Sao, ấy chính là thường gặp gỡ lẫn nhau, chứ nào phải chỉ một hai lá thư mà thôi!