100 PHÁP (bách pháp)

Chữ “pháp” ở đây có nghĩa là mọi sự vật trong vũ trụ, cụ thể hay trừu tượng, bất cứ cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó thì gọi là “pháp”. Theo tông Câu Xá – thuộc truyền thống tiểu thừa – thì mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp. Nhưng tông Pháp Tướng thuộc truyền thống đại thừa thì chia ra có 100 pháp, gồm trong 5 loại như sau:

  1. SẮC PHÁP (là các hiện tượng vật chất), gồm có 11 pháp:
  2. nhãn: mắt
  3. nhĩ: tai
  4. tị: mũi
  5. thiệt: lưỡi
  6. thân: thân thể
  7. sắc: hình tướng và màu sắc (dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, cao, thấp, ngay, xẹo, cong, sáng, tối, bóng, khói, mù, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v…)
  8. thanh: âm thanh (tiếng nói, tiếng kêu, tiếng động, tiếng vang, tiếng vừa ý, tiếng không vừa ý v.v…)
  9. hương: các thứ mùi (thơm, hôi, không thơm không hôi, mùi tự nhiên, mùi chế tạo v.v…)
  10. vị: các thứ vị nếm (cay, đắng, chua, ngọt, mặn, lạt, bùi, béo, chát v.v…)
  11. xúc: sự chạm xúc (đất, nước, gió, lửa, nhẹ, nặng, trơn, nhám, lạnh, nóng, ấm, cứng, mềm, no, đói, khát, đã khát, mạnh, yếu, dính, bịnh, già v.v…)
  12. pháp: các ý tượng (tức bóng dáng của năm trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc – ở trên còn lưu lại trong ý thức)

(Tông Câu Xá chia “sắc pháp” có 11 pháp, gồm 5 giác quan, 5 đối tượng của giác quan, và 1 “vô biểu sắc”.)

  1. TÂM PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện nhận thức, danh từ Duy Thức Học còn gọi là TÂM VƯƠNG), gồm có 8 pháp – tức là 8 THỨC:
  2. nhãn thức: mắt thấy biết có cảnh vật
  3. nhĩ thức: tai nghe biết có âm thanh
  4. tị thức: mũi ngửi biết có mùi hương
  5. thiệt thức: lưỡi nếm biết có vị
  6. thân thức: thân đụng chạm biết có cảm xúc
  7. ý thức: ý biết có các ý tượng và ảnh tượng
  8. mạt-na thức: khả năng suy lường, chấp ngã
  9. a-lại-da thức: khả năng chứa đựng, giữ gìn hạt giống và phát hiện ra vạn pháp

(Tông Câu Xá cho rằng, “tâm pháp” chỉ có 1 – tức là tâm thức, nhưng đương nhiên là nó hoạt động qua 5 ngả đường tương ứng với 5 giác quan.)

III. TÂM SỞ PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của tâm vương – hay 8 thức), có 51 pháp – tức là 51 TÂM SỞ, gồm trong 6 nhóm:

  1. Biến Hành:

“Biến hành” là hoạt động cùng khắp, là những hiện tượng tâm lí “tương ưng” (tức là liên hiệp được, hay hiện diện hoạt động) với tất cả 8 thức, bất cứ lúc nào có thức hoạt động thì những tâm sở này cùng xuất hiện; có 5 tâm sở:

  1. xúc: sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh
  2. tác ý: sự chú ý, sự kích thích để phát sinh nhận thức
  3. thọ: cảm thọ khó chịu, dễ chịu, hay không khó chịu cũng không dễ chịu, do cảm giác cung cấp
  4. tưởng: tri giác, là sự nhận biết đối tượng (một người, một vật, một sự việc…)
  5. tư: sự quyết định, từ đó phát sinh ra các hiện tượng tâm lí khác, cùng các hành động của miệng lưỡi (khẩu) và thân thể (thân), tức là tạo nghiệp
  6. Biệt Cảnh:

“Biệt cảnh” là không hoạt động cùng khắp, là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với “sáu thức trước” mà thôi; có 5 tâm sở:

  1. dục: ham muốn, mong cầu
  2. thắng giải: hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ
  3. niệm: nhớ, kí ức
  4. định: tác dụng làm cho thức và các tâm sở khác tập trung vào một đối tượng, không tán loạn
  5. tuệ: biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là thuộc tính đặc biệt của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”; cái thấy đó tuy là sáng tỏ nhưng là cái thấy sai lầm.

(Tông Câu Xá gồm chung hai nhóm trên lại thành một nhóm gọi là “Những tâm sở có nhiệm vụ tổng quát” – biến đại địa pháp).

  1. Thiện:

“Thiện” là các đức tính tốt; có 11 tâm sở:

  1. tín: tin tưởng
  2. tàm: tự biết xấu hổ với lầm lỗi của mình
  3. quí: biết tự thẹn khi thấy mình không trong sạch, không cao thượng như người
  4. vô tham: gặp thuận cảnh không sinh lòng tham trước
  5. vô sân: gặp nghịch cảnh không sinh lòng oán giận
  6. vô si: sáng suốt, thấy biết đúng với sự thật
  7. cần: siêng năng tu tập thiện nghiệp
  8. khinh an: thư thái, nhẹ nhàng
  9. bất phóng dật: không buông lung theo dục vọng
  10. hành xả: tâm niệm bình đẳng, không vướng mắc, không chấp trước, không so đo phân biệt
  11. bất hại: không có ý làm thương hại người khác

(Tông Câu Xá liệt kê các tâm sở “thiện” này chỉ gồm có 10 tâm sở – không có “vô sân”.)

  1. Phiền Não:

Đây là các “phiền não gốc rễ”, khó diệt trừ; có 6 tâm sở:

  1. tham: thấy gì vừa ý thì tham, muốn chiếm đoạt
  2. sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận
  3. si: vô minh, không sáng suốt
  4. mạn: kiêu mạn, tự cao
  5. nghi: ngờ vực, do dự
  6. ác kiến: thấy biết sai lạc – tức là “Năm Cái Thấy Sai Lạc”, như đã trình bày ở trước.

(Tông Câu Xá gọi nhóm này là “đại phiền não”, và ngoại trừ “si” –  tức “vô minh”, 5 tâm sở kia hoàn toàn khác biệt, gồm có: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, và phóng dật.)

  1. Tùy Phiền Não:

Đây là các thứ “phiền não phụ thuộc” của các phiền não gốc rễ ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở; lại chia làm 3 nhóm nhỏ:

  1. a) Xấu nhẹ (tiểu tùy), có 10 tâm sở:
  2. phẫn: nóng giận, bực tức, cộc cằn
  3. hận: oán hờn
  4. phú: che dấu tội lỗi
  5. não: buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên
  6. tật: ganh ghét
  7. xan: bỏn sẻn, keo kiệt
  8. cuống: dối gạt
  9. siểm: nịnh hót, gièm siểm
  10. hại: có ý làm thương hại người
  11. kiêu: khoe khoang, tự kiêu, tự phụ
  12. b) Xấu vừa (trung tùy), có 2 tâm sở:
  13. vô tàm: làm lỗi mà không biết tự xấu hổ
  14. vô quí: tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn
  15. c) Xấu nặng (đại tùy), có 8 tâm sở:
  16. trạo cử: chao động không yên
  17. hôn trầm: mê muội, dật dờ, trì trệ
  18. bất tín: đa nghi, không tin tưởng

62: giải đãi: biếng nhác, bê trễ

  1. phóng dật: buông lung, buông trôi
  2. thất niệm: lãng quên, không có chánh niệm
  3. tán loạn: xao xuyến, rối loạn
  4. bất chánh tri: hiểu lầm, biết không chính xác

(Tông Câu Xá liệt kê các “tùy phiền não” có 12 tâm sở, gồm trong 2 nhóm: – “đại bất thiện”, có 2 tâm sở: vô tàm và vô quí; – và “tiểu phiền não”, có 10 tâm sở: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, và kiêu.)

  1. Bất Định:

“Bất định” là những tâm sở không thuộc về thiện cũng không thuộc về bất thiện, hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở:

  1. hối: hối hận về sự việc đã làm
  2. miên: ngủ
  3. tầm: suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí
  4. từ: suy tư, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí

(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “bất định” này, ngoài 4 tâm sở trên đây còn có thêm 4 tâm sở nữa: tham, sân, mạn, nghi; tất cả là 8 tâm sở. – Như vậy, so với 51 tâm sở của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá chỉ liệt kê có 46 tâm sở.)

  1. TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP: những hiện tượng không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên; có 24 pháp:
  2. đắc: cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình – ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v…; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (đạt) được một vật – ví dụ: tôi có (được) quyển sách, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt (được) quả vị giác ngộ v.v…
  3. mạng căn: tính cách từ đó sinh mạng được duy trì
  4. chúng đồng phận: tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất
  5. dị sinh tánh: cái năng lực làm cho có bản tính phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân
  6. vô tưởng định: sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng
  7. diệt tận định: sự tu tập rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán
  8. vô tưởng quả: tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm lẫn tâm sở đều tiêu mất
  9. danh thân: các tên gọi để chỉ cho sự vật
  10. cú thân: những lời nói để diễn tả sự vật
  11. văn thân: văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên
  12. sinh: tính cách từ đó các pháp được sinh thành
  13. trụ: tính cách từ đó các pháp được tồn tại
  14. lão (dị): tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại
  15. vô thường (diệt): tính cách từ đó các pháp bị tiêu mất
  16. lưu chuyển: tính cách làm cho mọi loài cứ phải quanh quẩn trong vòng luân hồi
  17. thứ đệ: tính cách làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự
  18. định dị: tính cách làm cho mọi sự vật dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ
  19. phương: phương hướng
  20. thời: thời gian
  21. tương ưng: tính cách làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau
  22. thế tốc: tính cách làm cho vạn pháp sinh diệt tương tục từng sát na, di chuyển theo vận tốc
  23. số: tính cách làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được
  24. hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật hòa hợp được với nhau
  25. bất hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau

(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “tâm bất tương ưng hành pháp” này gồm có 14 pháp – không có 11 pháp: dị sinh tánh, lưu chuyển, thứ đệ, định dị, phương, thời, tương ưng, thế tốc, số, hòa hiệp tính, bất hòa hiệp tính; nhưng thêm 1 pháp: phi đắc, cái năng lực làm cho một vật không còn thuộc sở hữu chủ của nó nữa).

  1. VÔ VI PHÁP: những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên; có 6 pháp:
  2. trạch diệt vô vi: cảnh giới niết bàn đạt được do sự dùng trí tuệ tiêu diệt tận cùng mọi phiền não
  3. phi trạch diệt vô vi: thể tính tịch diệt vốn đã hiển nhiên – không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mà có
  4. hư không vô vi: tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v… đều có giới hạn, hơn nữa, hư không thường bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v…
  5. bất động vô vi: thể tính của niết bàn là như như, tĩnh lặng
  6. tưởng thọ diệt vô vi: trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ – cũng tức là niết bàn
  7. chân như vô vi: bản thân của vạn pháp

(Tông Câu Xá liệt kê chỉ có 3 pháp vô vi – không có 3 pháp vô vi bất động, tưởng thọ diệt, và chân như.)

Trong 5 loại của 100 pháp trên đây, 4 loại đầu (sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành) thuộc về pháp hữu vi, và loại sau cùng thuộc về pháp vô vi. “Hữu vi” là có tạo tác, có điều kiện sinh khởi, có các tướng trạng sinh (sinh thành), trụ (tồn tại), dị (tiêu mòn), diệt (hủy diệt), và tất cả đều có thể khái niệm được. “Vô vi”, hay chân lí, niết bàn, pháp tính, pháp giới, đều là những tên gọi khác nhau của cùng một thể tính. Đúng ra thì vô vi không thể được gọi là “pháp” vì nó không thể đạt được bằng khái niệm, không thể dùng ý lự, ngôn từ để phân biệt, gọi tên, nhưng vì trí óc chúng ta không thể nào đạt tới thế giới vô niệm, cho nên bắt buộc phải khái niệm hóa vô vi, là sự giả lập gọi tên, là cánh cửa để đưa hành giả đi vào thế giới vô niệm. Theo sự giả lập đặt tên đó, 5 pháp vô vi đầu đề cập đến tướng trạng của pháp tính, còn pháp vô vi chót, chân như, đề cập đến tự thể của pháp tính; hay nói cách khác, 5 pháp vô vi đầu, cả thể tính và tên gọi, đều chỉ vì phương tiện mà giả lập nên, thực ra, cuối cùng chỉ có “chân như vô vi” là thể tính của vạn pháp mà thôi; nhưng ngay cả cái danh xưng “chân như” cũng chỉ là giả lập mà có.

(So với 100 pháp của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá liệt kê chỉ có 75 pháp mà thôi.)