Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Thích Sử Lý Tuấn

CHÁNH VĂN:

(7) Thích sử Lý Tuấn ở Nhuận Châu hỏi: Tôi thấy một vị Sơn tăng, lễ bái Thiền sư An ở Tung Sơn, Sư bảo: “Đạo nhân theo cơm cháo!” Lại ở chùa Thọ Ký có một vị Tăng đến lễ bái. Thiền sư An bảo: “Đạo nhân bỏ cơm cháo!” Hỏi hai trường hợp này thế nào?

Đáp: Hai trường hợp này đều đuổi đi.

GIẢNG:

Thiền sư Huệ An ở Tung Sơn cũng là huynh đệ với Lục tổ Huệ Năng. Có người tới lễ bái, Ngài bảo: “Đạo nhân theo cơm cháo.” Một người khác tới lễ bái, Ngài bảo: “Đạo nhân bỏ cơm cháo.” Như vậy là sao? Ngài Thần Hội đáp cả hai trường hợp đều đuổi đi. Đoạn này phải thấy thật kỹ mới hiểu được đạo lý của nó.

Chữ “đuổi đi” là dịch từ chữ “khiển”. Theo tôi dùng một chữ mạnh hơn, hai trường hợp này đều “dẹp” hoặc đều “bỏ”, đừng giữ bên nào hết. Tại sao phải dẹp? Vì còn hai bên, bên theo và bên bỏ. Mà hai bên thì chưa phải lý tột cùng, cho nên đều dẹp.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Làm thế nào không bị đuổi đi?

Đáp: Chỉ lìa tức đuổi đi.

GIẢNG:

Làm sao để khỏi bị đuổi đi hay khỏi bị dẹp? Ở đây Ngài đáp thật khó hiểu. Tôi chỉnh lại một chút cho dễ hiểu “đều lìa chính là dẹp”. Cả hai đều lìa hết, đừng mắc bên này đừng dính bên kia, đó là dẹp, chớ không có gì lạ.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Làm sao lìa?

Đáp: Nay ta chỉ không lìa, không có làm sao lìa.

GIẢNG:

Chữ chỉ “không” nguyên là chữ chỉ “một”. Chữ “một” có giá trị như chữ “giá na” tức “thế ấy”. Nếu nói chỉ không e khó hiểu, vì vậy tôi đổi lại: “Nay thế ấy lìa, chớ không có làm sao lìa.” Nay thế ấy lìa nghĩa là như vậy mà lìa, chớ không có làm sao để lìa. Làm sao lìa tức là có nguyên nhân, rồi có kết quả. Phải làm thế này, thế kia mới được kết quả lìa. Bây giờ đối với hai bên, không khởi niệm dính kẹt, tức là thế ấy. Cứ như vậy mà lìa chớ không thêm cái gì nữa hết. Không tìm lý do này để bỏ, tìm lý do kia để lìa, chỉ thế ấy đừng dính là được. Cho nên nói đều lìa chính là dẹp. Làm sao lìa? Nay chỉ thế ấy lìa, không có làm sao lìa.


CHÁNH VĂN:

Hỏi: Đó là tâm lìa hay là mắt lìa?

Đáp: Nay chỉ không lìa, cũng không tâm mắt lìa.

GIẢNG:

Câu này hỏi trên hình thức, lìa hai bên là tâm lìa hay mắt lìa? Ngài đáp cũng giống như trên. “Nay thế ấy lìa, cũng không tâm mắt lìa.” Nghĩa là không phải tâm lìa, cũng không phải mắt lìa. Tại sao vậy? Tiếp theo hỏi:

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Tâm mắt đều chẳng thấy, phải là người mù?

Đáp: Tự mình là người mù nên nói mù, người nhà khác trông thấy xưa nay không mù. Kinh nói: Là lỗi ở người mù, chẳng phải lỗi của mặt trời, mặt trăng.

GIẢNG:

Nếu bảo “chẳng đem tâm mắt lìa”, tức tâm mắt đều chẳng thấy, như vậy là mù sao? Chúng ta phải hiểu thế này, “nay thế ấy lìa, cũng không tâm mắt lìa”, bởi vì thấy rõ biết rõ mà không dính, không kẹt nên nói không tâm mắt lìa, đó là thế ấy. Cái không dính không kẹt là tâm hay mắt? Có cả tâm, cả mắt trong đó. Không phải do tâm không, cũng không phải do mắt không. Bởi khi mắt thấy mà tâm không dính, hay tâm biết mà không dính, như vậy tâm mắt đều có công dụng trong đây, vì vậy không cố định bên nào.

Nhưng người hỏi lại hiểu không phải tâm lìa, không phải mắt lìa, như vậy tâm và mắt đều không thấy. Do đó họ cho rằng mắt mù tâm cũng mù luôn. Ngài đáp rất hay:

Tự mình là người mù nên nói mù, người nhà khác trông thấy xưa nay không mù.

Nghĩa là sao? Tự mình không thấy nên nói mù, chớ người khác thấy được lẽ thật rồi thì đâu có mù. Tại ông không thấy không biết chỗ sáng suốt đó nên nói mù, chớ người thấy được đâu thể nói họ mù. Đó là Ngài phá sự hiểu lầm ở trên.

Ngài dẫn kinh nói:

Là lỗi ở người mù, chẳng phải lỗi của mặt trời, mặt trăng.

Người mù không thấy ánh sáng lỗi tại ai? Tại không có mặt trời, mặt trăng hay tại con mắt mù? Ánh sáng của mặt trời, mặt trăng luôn hiện tiền nhưng người mù không thấy. Cũng vậy, khi mình như thế lìa rồi, thì tự sáng chớ không phải mù. Ông cho đó giống như người mù rồi đổ thừa không có ánh sáng, chớ sự thật ánh sáng lúc nào cũng hiện tiền. Lìa mà tâm mắt vẫn sáng tỏ chớ không phải mù. Đó là Ngài trả lời rõ ràng ý nghĩa lìa hai bên.

Câu trả lời này rất quan trọng, rất sâu sắc trên con đường tu hành.