KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: ĐẦY ĐỦ NĂM PHÁP

Bấy giờ, Bồ-tát Hiền Hộ từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch:

–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo thương xót chúng con và chúng sinh, sáng sớm mai xin đến nhà con thọ nhận sự cúng dường.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời của Hiền Hộ.

Lúc đó, Hiền Hộ biết Phật nhận lời rồi liền đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi xin phép ra về. Khi ấy, Hiền Hộ đi đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, đến nơi đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề rồi thưa:

–Nguyện xin bậc Thánh giả và ni chúng thương xót chúng con mà thọ nhận sự cúng dường ít ỏi của chúng con vào sáng sớm mai.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề im lặng nhận lời thỉnh. Hiền Hộ biết rồi đảnh lễ xin phép ra về.

Hiền Hộ lại đến chỗ Ly-xa Tử Bảo Đức. Đến nơi nói với Ly-xa Tử Bảo Đức:

–Này Bảo Đức! Ông nên vì tôi mà đi đến khắp nơi thỉnh mời bà con, quyến thuộc, bạn bè thân thiết và chúng Ưu-bà-tắc trong hội này, cho đến tất cả những người mới đến ở thành Vương xá và các thành ấp, xóm làng khác, vào sáng sớm mai đến nhà tôi dùng bữa cơm.

Khi ấy, nhận lời Hiền Hộ, Ly-xa Tử Bảo Đức liền bảo các Ưubà-tắc trong hội và bà con quyến thuộc:

–Các vị nên biết! Bồ-tát Hiền Hộ nhờ tôi mời các ông sáng sớm mai đến nhà ông ấy dùng cơm.

Bấy giờ, Bồ-tát Hiền Hộ, Ly-xa Tử Bảo Đức, Trưởng giả Thiện Thượng Chủ, con của Cư sĩ Già-ha-ngập-đa, Trưởng giả Na-la-đạt-đa Ma-nạp Thủy Thiên và tất cả bà con, bạn bè, quyến thuộc đều đến đảnh lễ sát chân Phật, rồi đi đến nhà Bồ-tát Hiền Hộ. Đến nơi, họ phụ giúp Hiền Hộ, sắp đặt công việc. Ngay trong đêm đó, người nhà được sai bảo làm đủ các thức ăn thượng hạng, các thức uống ở thế gian, màu sắc hương vị thơm, trăm thứ đều đầy đủ, cho đến những người nghèo khổ ăn xin, người từ phương xa nước khác đến, cũng dọn bàn đặt đồ ăn, cung cấp đủ thứ cho họ như các đại chúng, bình đẳng không khác. Vì sao? Vì tâm của Bồ-tát không thương ghét, không dám khinh người, đối với tất cả chúng sinh đều bình đẳng.

Lúc này, vua cõi trời Đại phạm là chủ thế giới Ta-bà, cho đến vua cõi trời Đao-lợi Thích Đề-hoàn Nhân, vua cõi trời Tứ đại Thiên vương Đề-đầu-đại-tra và Thiên tử Thiện Đức cùng các quyến thuộc đều hiện làm thân người phụ giúp công việc ấy, mong muốn cho Hiền Hộ mau thành tựu quả Bồ-đề.

Bấy giờ, Hiền Hộ cùng với quyến thuộc, bạn thân rưới nước, quét dọn nhà cửa của mình cho đến các đường lớn, ngõ hẻm trong thành lớn Vương xá, nơi nơi đều treo phướn lọng, trang hoàng các thứ tốt đẹp, nghiêm trang, lại dùng các loại hoa thơm tươi rải dưới đất, đốt các loại hương thơm nhất của thế gian để cúng dường.

Sau khi sửa soạn trang hoàng thành lớn Vương xá và làm thức ăn ngon xong, sáng sớm, Hiền Hộ cùng các quyến thuộc đến chỗ Đức Thế Tôn cúi đầu đảnh lễ, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Việc con làm đã xong, xin được thỉnh Thế Tôn đến.

Bấy giờ, vào buổi sớm, Đức Thế Tôn vì Bồ-tát Hiền Hộ nên đắp y mang bình bát cùng vô lượng đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, người đi hai bên Đức Thế Tôn hướng đến nhà Bồ-tát Hiền Hộ.

Lúc ấy, Hiền Hộ tự suy nghĩ: “Nhà ta nhỏ hẹp không chứa được nhiều người, phải chi nhờ oai lực của Đức Thế Tôn gia hộ khiến cho nhà ta rộng lớn, làm bằng lưu ly để tất cả dân chúng trong các thành đều có thấy rõ, đồng thời cũng làm cho đại chúng trời, người hôm nay đều được đầy đủ chỗ dùng, không để thiếu sót thì thật là vui sướng.”

Đức Thế Tôn biết suy nghĩ của Hiền Hộ rồi, liền dùng thần thông làm cho nhà cửa của Hiền Hộ trở nên cao rộng, tốt đẹp, trang nghiêm, các thứ vật dụng biến thành lưu ly, khiến cho tất cả dân chúng trong thành đều được thấy rõ, làm cho đại chúng tùy ý được dùng đầy đủ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào nhà Hiền Hộ ngồi vào chỗ của mình, đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, người cũng tùy theo thứ lớp mà ngồi.

Khi đó, Hiền Hộ, Ly-xa Tử Bảo Đức, Ưu-bà-tắc Thiện Thương Chủ, con của trưởng giả Già-ha-ngập-đa, con của trưởng giả Na-lađạt-đa thỉnh mời Đức Thế Tôn cùng bốn bộ đại chúng trời, người đều ngồi yên đâu đó rồi Bồ-tát, Hiền Hộ liền tự mình bưng thức ăn ngon nhất dâng lên Đức Thế Tôn. Sau khi Đức Thế Tôn thọ nhận, Hiền Hộ lại bưng các thức ăn ngon dâng lên bốn bộ đại chúng và tất cả hàng trời, người, khiến mỗi người tùy ý được dùng đầy đủ. Thọ trai xong, Đức Phật và đại chúng rửa tay, súc miệng cho đến các việc khác đều hoàn tất, Hiền Hộ bèn đặt một cái ghế nhỏ cho Đức Thế Tôn ngồi, ông đứng trước Đức Thế Tôn cúi đầu đảnh lễ, sau đó lui ra ngồi, một lòng chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền vì Bồ-tát Hiền Hộ, Ly-xa Tử Bảo Đức, Ưu-bà-tắc Thiện Thương Chủ, con ông trưởng giả Già-ha-ngậpđa, Na-la-đạt-đa Ma-nạp cho đến bốn bộ đại chúng trời, người tùy theo căn cơ giảng nói giáo pháp làm cho họ hiểu biết, chỉ bày an ủi làm cho họ đều vui vẻ, sau đó, cùng đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, trời, người trở về chỗ ở.

Khi cúng dường xong, Bồ-tát Hiền Hộ dẫn các bạn thân, bà con quyến thuộc và trăm ngàn người hai bên, cùng đến chỗ Đức Thế Tôn cung kính, lễ bái rồi lui ra ngồi một bên, quỳ gối chắp tay, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát phải đủ bao nhiêu pháp mới có thể chứng được Tam-muội hiện tiền ấy?

Phật bảo:

–Này Hiền Hộ! Bồ-tát có thể thành tựu năm pháp liền được Tam-muội hiện tiền này. Những gì là năm? Đó là:

  1. Đầy đủ sự kham nhẫn sâu xa diệt trừ tận gốc.
  2. Thật không cùng tận, không có chỗ cùng tận.
  3. Vốn không có loạn và diệt trừ các loạn.
  4. Vốn không có cấu nhiễm và diệt trừ cấu nhiễm.
  5. Vốn không có bụi bặm và dứt lìa bụi bặm.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát hành đầy đủ như vậy là thành tựu pháp Nhẫn vô sinh, có thể được Tam-muội hiện tiền này.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại có năm pháp có thể chứng đắc Tam-muội:

  1. Rất nhàm chán các hữu, không thọ lãnh các hành.
  2. Tất cả chỗ sinh sống đều có tâm nhớ nghĩ Bồ-đề.
  3. Thường được gặp chư Phật Thế Tôn ở nơi sinh ra.
  4. Hoàn toàn không đắm chấp nơi ấm, giới, nhập.
  5. Hoàn toàn không tham ái trước sự thọ nhận dục lạc.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đầy đủ năm pháp như vậy thì thành tựu được Tam-muội.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại có năm pháp có thể đắc Tam-muội:

  1. Thường nên suy nghĩ về tâm không biên giới.
  2. Thường khéo hội nhập vào tư duy thiền định.
  3. Suy nghĩ, phân biệt về tất cả các pháp.
  4. Đối với hết thảy chúng sinh không có tâm tranh chấp.
  5. Thường dùng bốn nhiếp pháp để hóa độ chúng sinh (đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đầy đủ năm pháp như vậy thì có thể chứng đắc Tam-muội.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại có năm pháp có thể chứng đắc Tam-muội:

  1. Đối với tất cả chúng sinh thường thực hành tâm Từ.
  2. Đối với mọi thời gian luôn nghĩ nhớ đến việc tu hành Thánh hạnh.
  3. Thường hành nhẫn nhục, thấy người phá giới cũng luôn kính mến.
  4. Đối với các bậc Hòa thượng A-xà-lê không đề cao khả năng của mình.
  5. Ở chỗ nào cũng không dám khinh người.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đầy đủ năm pháp như vậy thì có thể chứng đắc Tam-muội hiện tiền.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại có năm pháp có thể chứng đắc Tam-muội:

  1. Thường y theo giáo pháp tu hành đúng như lời dạy.
  2. Ý nghiệp thanh tịnh, diệt trừ các nghiệp ác về thân, khẩu.
  3. Giới hạnh thanh tịnh, đoạn trừ các kiến.
  4. Thường mong cầu học rộng, tin sâu vào các điều thiện.
  5. Luôn nhớ nghĩ về Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.

Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đầy đủ năm pháp như vậy thì có thể chứng đắc Tam-muội hiện tiền.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát lại có năm pháp có thể đạt được Tam-muội:

1. Thường hành bố thí lớn, làm người chủ bố thí, không tham lam keo kiệt. Tâm không ganh ghét, tâm phải rộng lớn, thành thực, ngay thẳng, không lừa dối. Đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, những người nghèo khổ, đơn độc, những người ăn xin, luôn cho không luyến tiếc, không có vật nào quý giá tốt đẹp nhất mà không đem cho họ. Nghĩa là tất cả thức ăn, y phục, phòng nhà các thứ dụng cụ nằm ngồi, đèn đuốc, hương hoa, những vật dùng được đều cho hết. Tuy thường thực hành bố thí mà không mong cầu phước báo, thương xót tất cả, không có tâm nghi ngờ, đã bố thí rồi thì hoàn toàn không hối tiếc.

2. Thường làm chủ việc bố thí để hành pháp bố thí. Nghĩa là thường giảng nói giáo pháp cho chúng sinh, đó là bố thí cao thượng nhất, là bố thí thù thắng nhất, tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất. Khi hành trì pháp bố thí lớn này, có thể hiện bày tất cả biện tài vô ngại, ý nghĩa, câu văn cứ theo thứ lớp, liên tục không dứt. Trong giáo pháp thâm diệu do Như Lai giảng nói đều có thể an trụ ở đó để thành tựu pháp nhẫn, sâu xa. Để khi bị người phỉ báng, nhục mạ, đánh đập bằng roi gây thì hoàn toàn không có tâm uế trược thâm độc, sân giận, cũng không bị các thứ khổ não làm cho sợ hãi ngược lại, tâm vô úy nên thường vui vẻ.

3. Nếu khi nghe người giảng nói Tam-muội này thì hết lòng lắng nghe, ghi nhận, biên chép, đọc tụng, suy nghĩ về nghĩa lý, giảng nói phân biệt cho mọi người, làm cho pháp vi diệu này trụ lâu ở đời, hoàn toàn không có giấu khiến pháp để mau bị diệt.

4. Thường không ganh ghét xa lìa các khổ hại, xả bỏ sự trói buộc của phiền não, diệt trừ bụi bậm, cấu nhiễm không khen mình cũng không chê người.

5. Đối với chư Phật có lòng tin kính tôn trọng. Đối với các bậc sư trưởng thực hành sự kính sợ. Đối với bạn thân thường biết hổ thẹn. Đối với trẻ con thường có lòng thương mến, cho đến nhận ơn nhỏ của người phải nghĩ đến đền đáp nhiều, huống gì là người có ân đức lớn mà dám quên. Thường nói lời chân thật, chưa từng nói dối. Này Hiền Hộ! Đại Bồ-tát đầy đủ năm pháp như vậy thì có thể chứng đắc Tammuội ấy.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này nên nói kệ:

Với pháp sâu xa tâm ưa thích
Nhàm chán tất cả các đời sau
Kẻ trí không nguyện hết thảy đời
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Không dùng tất cả luận ngoại đạo
Cho đến lời nói không nghe nhận
Dứt sạch năm dục của thế gian
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Giữ giới trong sạch, trụ phạm hạnh
Sống nơi nào cũng không nghĩ nữ
Phật tử chân chánh chán năm dục
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Thường bố thí không cầu phước báo
Và cũng không có tâm hối tiếc
Xả bỏ rồi sau không nghĩ lại
Chỉ tập trung nhớ nghĩ chư Phật.
Thương xót chúng sinh hành bố thí
Nhất định diệt nghi không thoái lui
Sống đời nhu hòa mà bố thí
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Làm đại thí chủ cho tài vật
Không có tâm kiêu mạn ganh ghét
Luôn vui mừng làm việc bố thí
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Với thí pháp xem là hơn hết
Khéo giải rõ nghĩa kinh vi diệu
Hiểu biết sâu xa pháp vắng lặng
Có thể chứng đắc Tam-muội này.
Ở trong các pháp sâu xa đó
Khéo hành gắng nhẫn không ganh ghét
Tuy bị đánh mắng không buồn hận
Như vậy có thể đắc Tam-muội.
Hoặc khi nghe nói kinh điển này
Ghi chép, đọc tụng, giảng nói rộng
Chỉ muốn pháp trụ, lợi ích đời
Nơi chốn có thể đắc Tam-muội.
Với pháp không ích kỷ giấu kín
Không cầu lợi dưỡng và tiếng khen
Chỉ nối tiếp dòng giống chư Phật
Như vậy có thể đắc Tam-muội.
Xa lìa ngủ nghỉ và buồn phiền
Diệt trừ ganh ghét và trói buộc
Không khen ngợi mình, khinh chê người
Diệt trừ tướng ngã, đắc Tam-muội.
Chân chánh tín Phật, Pháp và Tăng
Tâm thường ngay thẳng không lừa dối
Không quên các ân, nhớ báo đền
Người đó chứng Tam-muội không khó.
Nói lời chân thật không hư dối
Làm việc gì cũng không sai mất
Việc làm tuy nhỏ được phước lớn
Người đó chứng pháp không chướng ngại.
Người nào đầy đủ được pháp này
Giữ giới trong sạch nhớ các ân
Chứng quả Bồ-đề không gì khó
Huống là định sâu xa vi diệu.