Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

4.  SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Từ vô thỉ kiếp đến nay, do lòng tham lam, giận dữ, ngu si khiến thân, khẩu, ý chúng ta tạo tác vô lượng, vô biên nghiệp ác. Nếu nghiệp ác có hình tướng, thì khắp cả cõi hư không cũng không sao dung chứa hết được!”. Cho nên, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải cố gắng phát hiện được lỗi lầm mình, đem lỗi lầm của chính mình tu sửa lại, về sau không tái phạm nữa, đây là pháp sám hối.

“Nghiệp” là tạo tác. Nên nhớ: Làm ác có chướng ngại, làm thiện cũng vẫn có chướng ngại! Vì sao? Vì làm ác, quả báo của bạn sẽ ở ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Làm thiện, quả báo của bạn sẽ là ba đường thiện: Cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la. Tuy vậy, bạn cũng chưa ra khỏi ba cõi, vẫn trôi lăn trong sáu nẽo luân hồi! Thế nên, Phật dạy chúng ta phải tu tịnh nghiệp. Tu tịnh nghiệp là đoạn trừ tất cả ác, tu tất cả thiện mà không chấp trước. Tịnh nghiệp khác với thiện nghiệp ở chỗ không chấp trước, có chấp trước thì nghiệp thiện đó không thanh tịnh, liền sinh chướng ngại!

Trong kinh “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” nói: “Chúng sinh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”. Đó là thật, không hề giả! Vì sao? Thử nghĩ xem! Có chúng sinh nào khởi tâm động niệm mà không vì “cái ta”? Có “cái ta” thì phiền phức đã rất lớn rồi! “Ta” chính là tội, là nghiệp. Mỗi niệm đều vì ta! Nhân gian Trung Quốc có câu: “Người không vì mình, trời tru đất diệt!”. Dường như mọi người đều cho rằng khởi tâm động niệm đều vì ta, đây là việc đương nhiên, là lý đương nhiên; đã là người, đương nhiên phải vì ta. – Không sai! Không vì ta, họ không phải là người mà là Phật, Bồ Tát. Cho nên, nếu vì ta, họ chân thật là người; là người thì không thoát khỏi lục đạo!

– Vì sao Phật phải nói cách này?

– Chúng ta phải hiểu ý Phật! Phật nói với chúng ta tất cả chúng sinh thật có “Chân Ngã”, thân này chỉ là giả! Cái giả mới luân hồi trong sáu cõi, “Chân Ngã” nhất định không có luân hồi. Không những không có luân hồi trong sáu cõi mà còn siêu việt cả mười pháp giới.

– Chân Ngã ở đâu?

– Ở Pháp giới Nhất chân!

“Chân Ngã” là Phật. Phật có ba thân; mỗi chúng ta đều có ba thân. Bản thể chân thật của thân chính là Pháp thân. Cũng trên kinh Phật nói: người tu hành đạt đến trình độ tương đối, liền chứng được “Pháp Thân Thanh Tịnh”. Pháp Thân thanh tịnh mới thật là ta. Trong Thiền tông thường nói: “Bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sinh ra”. Cái “Bổn lai diện mục” này chính là “Chân Ngã”, là “Pháp Thân thanh tịnh”; Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Tỳ Lô Giá Na”.

“Tỳ Lô Giá Na” là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là trùm khắp mọi nơi, không lúc nào không có; không nơi nào không có. Nếu ngay nơi đây không có “Chân Ngã” thì thân tứ đại giả hợp này cũng không thể hiện tiền. Giả tướng là nương vào “Chân Ngã” mà sinh ra. Chúng sinh vì mê chấp cái giả tướng cho đó là thật mà quên mất đi bản thể chân thật của mình! Điên đảo là ở chỗ này!

Từ vọng tưởng, chấp trước, mê đắm “cái ta” nảy sinh vô số phân biệt, đưa cái “Nhất Chân” chuyển biến thành hoàn cảnh vô cùng phức tạp: Mười pháp giới, sáu cõi, ba đường! Đây là do “Duy thức sở biến”, “thức” chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu đoạn dứt được chấp trước, liền siêu việt sáu cõi. Vậy họ ở đâu? Ở Pháp giới bốn thánh! Pháp giới bốn thánh là: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Nếu tâm phân biệt của bạn nặng, bạn là Thanh Văn, Duyên Giác. Nếu tâm phân biệt của bạn rất nhẹ, bạn là pháp giới Bồ Tát, pháp giới Phật. Mười pháp giới do đây mà có! Nếu tâm phân biệt hoàn toàn đoạn dứt mới siêu việt được mười pháp giới, phản bổn hoàn nguyên, trở về với tự tánh, pháp giới nhất chân, bản thể chân thật của chính mình. Trong pháp giới nhất chân, vị thứ của Bồ Tát cũng không đồng nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt Pháp thân Đại Sĩ là bốn mươi mốt đẳng cấp.

– Bốn mươi mốt đẳng cấp này do đâu mà có?

– Từ vọng tưởng mà có! Người trong pháp giới Nhất Chân tuy còn có vọng tưởng, nhưng vọng tưởng rất nhẹ vì họ không còn phân biệt, chấp trước. Vô minh chính là vọng tưởng. Bốn mươi mốt phẩm vô minh đoạn hết rồi mới chứng được quả vị cứu cánh viên mãn Bồ Đề. Viên mãn Bồ Đề chính là hồi phục cái “Chân Ngã”, bổn lai diện mục của chính mình; như Kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói: “Viên mãn Bồ Đề, qui vô sở đắc”, ngoài ra không có thêm bất cứ một thứ gì.

Tóm lại, Phật dạy: nếu khởi tâm động niệm có một chữ “Ta”, chữ “Ta” này chính là “chấp trước kiên cố”, có chấp trước thì không thể nào ra khỏi ba cõi, nhất định phải trôi lăn trong sáu nẽo luân hồi! Cho nên, có “Ta” chính là tội, là ác. Lại thêm cái chấp trước nghiêm trọng nữa là “cái của ta”, đó là mê đã quá nặng! Chấp trước thân này là ta, đủ đã phiền não! Lại thêm chấp trước “Cái của ta”: đây là nhà của tôi, tài sản của tôi, quyến thuộc của tôi, sự nghiệp của tôi v.v… thì phiền não quá lớn!

Thân này kéo theo quá nhiều, quá nặng, làm sao vượt thoát được ba cõi! Phật A Di Đà có muốn kéo bạn, kéo cũng không nổi! Thế nên, Phật dạy ta phải buông bỏ, phải bố thí, phải xả “cái ta sở hữu”, “ta sở hữu” là vật ngoài thân, trước tiên đem nó xả hết; kế đến những vọng tưởng, chấp trước cũng thảy đều xả hết thì đạo Bồ Đề mới không gặp chướng ngại. Ngàn vạn lần không nên bị những huyễn tướng này lừa gạt! Đó là nhìn thấu! Đó là thức tỉnh! Phải triệt để thay đổi, tự làm mới. Phải đoạn ác tu thiện. Thay đổi là khoa mục tu hành rất quan trọng. Phật dạy ta phải tu pháp sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng.

– Làm thế nào sám trừ?

– Sám hối! “sám” là tiếng Phạn, dịch âm là “sám-ma”, người Trung Quốc thích đơn giản, chỉ dùng một âm là “sám”. Trong văn tự Trung Quốc có chữ “hối”, ý nghĩa rất gần, “hối” là hối quá. Cho nên, Pháp sư dịch kinh liền đem hai chữ này gộp lại gọi là “sám hối”. Danh từ này trong kinh gọi là “Phạn-Hoa hợp dịch”: chữ trước là tiếng Phạn, chữ sau là chữ Trung Quốc. Ý nghĩa chữ “Sám” là chính mình có lỗi lầm, có thể can đảm bộc bạch với tất cả mọi người: tôi đã làm việc xấu ác gì đó. Chữ “hối” là về sau không phạm nữa. Nhà Nho có câu “Bất nhị quá”, lỗi lầm chỉ phạm một lần, không có lần thứ hai. Lần thứ hai là phải sửa đổi lại, thay đổi tự làm mới, đây gọi là chân thật sám hối.

Sám hối có nhiều cách như: lạy Lương Hoàng Sám, lạy Đại Bi Sám, lạy Tịnh Độ Sám, lạy Pháp Hoa Sám, lạy Thủy Sám, mở đàn thủy lục v.v… Thử hỏi: – Có thể sám trừ hết thảy tội hay không? Giả như lạy Lương Hoàng Sám khiến tội liền tiêu thì rất hữu hiệu. Nếu lạy mà không có kết quả, bạn liền có vấn đề! Vấn đề không phải sai ở phương pháp, mà sai từ nơi tư tưởng của bạn! Bạn chưa thấu hiểu được pháp này, chỉ đem sám nghi chiếu theo đó mà đọc tụng lướt qua thì không được lợi ích gì! Nếu chỉ đọc qua thôi, người xưa nói: Đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công! Mỗi ngày bạn lạy tụng, cho dù có vập đầu cả vạn cái, cũng chỉ như giả gạo, không thay đổi gì, hoàn toàn không hữu dụng!

– Vậy phải sám ra sao?

– Phải “Tùy văn nhập quán”, nương theo kinh văn mà thấy được tư tưởng, việc làm của mình trước đây sai quấy, quyết tâm cải sửa lại, đây là chân thật sám hối. Sám trừ nghiệp chướng có ba loại: Phục nghiệp sám, chuyển nghiệp sám diệt nghiệp sám.

1. Phục Nghiệp Sám

Là đè nén tội nghiệp của mình xuống, việc này tương đối dễ dàng. Thực tế, ngày nay chúng ta “Trì danh niệm Phật”, mỗi câu mỗi chữ đều là “Phục nghiệp sám”. Nếu lấy giáo nghĩa để giảng, bao gồm tất cả pháp môn đều là “sám hối môn”. “Sám hối”, hai chữ này hàm nhiếp tất cả pháp môn tu học của Phật pháp, chỉ là phương thức sám hối không như nhau, nhưng phương hướng, mục tiêu thảy đều giống nhau. Chúng ta dùng câu niệm Phật để tu pháp sám hối. Câu Phật hiệu này, Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật là “nhiếp hết sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Y theo phương pháp này niệm câu Phật hiệu, liền có thể hàng phục được nghiệp chướng của bạn. Hàng phục được nghiệp chướng thì “đới nghiệp vãng sinh”.

Nên nhớ “đới nghiệp vãng sinh” là chỉ mang theo nghiệp cũ chớ không mang nghiệp mới. Không thể nói: Ngày ngày ta tạo nghiệp, hết thảy nghiệp đều mang theo. Làm gì có đạo lý này! Công phu niệm Phật, nếu có thể hàng phục được phiền não, đấy gọi là “Công phu thành khối”. Nói khác đi, “Công phu thành khối” chính là đem câu Phật hiệu hàng phục được phiền não, phiền não tuy chưa đoạn nhưng nó không khởi được tác dụng. Trong tâm phiền não: Tham ái, tham tâm vừa khởi dậy, lập tức đề khởi: A Di Đà Phật! Tham tâm liền bị đè xuống. Gặp những việc không vừa mắt, phiền não sân hận nổi lên. A Di Đà Phật! Lại đè tâm sân hận xuống. Đây là công phu niệm Phật.

Niệm Phật không phải là xướng ca để A Di Đà Phật nghe, không phải vậy! Do đây có thể biết: Ngay trong tâm bạn, một niệm không sinh, có thể không cần niệm Phật. Trong nhà Phật thường nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, “Niệm” chính là phiền não khởi hiện hành, chúng ta không sợ! Vì sao? Chúng ta là phàm phu, phiền não đương nhiên khởi hiện hành. Phiền não không khởi hiện hành thì chúng ta đã là Phật, là Bồ Tát rồi! Vấn đề là phải “giác” được nhanh, “giác” là để đối trị “mê”; “giác” cũng chính là câu Phật hiệu có thể lập tức đề khởi ngay nơi cửa ải, chế phục tức khắc phiền não sinh khởi.

2. Chuyển Nghiệp Sám

Đây là loại người rất thông minh, họ có thể chuyển nghiệp. Việc này rất vi diệu, hiệu quả rất thù thắng, chính là đem tư tưởng, kiến giải sai lầm của mình trước đây chuyển đổi lại cho phù hợp với Chánh pháp, không còn tự tư tự lợi, ích kỷ, mỗi niệm đều vì chúng sinh, vì Phật pháp. Sám pháp này là “chuyển nghiệp sám”.

3. Diệt Nghiệp Sám

Trong kinh đức Phật dạy: Ví như gian phòng tối cả ngàn năm, nay thắp sáng lên ngọn đèn, bóng tối liền tiêu diệt. Dùng bóng tối để ví tội nghiệp, dùng ánh sáng đèn để ví cho trí tuệ. Có thể biết: “Định” có công năng hàng phục nghiệp. “Tuệ” có thể phá trừ những tội nghiệp. Việc tu học của chúng ta nương “giới” sanh “Định”; do “Định” mà phát sinh “Tuệ”. Nếu trì giới không thể được “Định”, việc trì giới này chỉ là phước đức, không phải công đức, chỉ là phước báo hữu lậu của thế gian, không thể chuyển nghiệp, không thể diệt tội, cũng không chế phục được tội.

Công đức có thể giúp ta thoát ly sinh tử, phước đức thì không thể! Vì sao có sự khác biệt này? Bởi vì tâm người trì giới rất tốt, rất nghiêm nhưng vẫn còn phiền não vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên không thể thành tựu công đức! Xem thấy người kia phá giới, người nọ không giữ giới, họ vẫn còn có tâm phân biệt, khiến công đức trì giới của họ bị tiêu mất không sinh được Định. Cho nên, Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá” (Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi của thế gian).

Cũng thế, người chân thật trì giới không thấy lỗi thế gian. “Không thấy” ở đây có nghĩa là “thấy mà như không thấy”, quyết không chấp trước, chẳng để vào tâm là ý này. Tiếp đó, Lục Tổ nói: “Nhược kiến tha nhân phi, tự phi khước thị tả”, (Nếu thấy lỗi người khác là lỗi ở nơi mình!) Đem lỗi người khác để trong tâm, dính ở trên miệng, thị phi lỗi người; Lục Tổ nói: Lỗi đó chính là ở nơi bạn! Bạn đã đọa lạc rồi! Lại nói: “Tha phi, ngã bất phi, ngã phi tự hữu quá!” (Người lỗi ta không lỗi, ta lỗi bởi chê bai!).

Họ làm sai là chuyện họ, ta không thể giống như họ. Cho dù ta có nghiêm trì giới luật, nhưng còn thị phi, còn phê bình người khác, còn nói lỗi người, còn xem thường người, ấy là ta có lỗi. Chỗ này, Lục Tổ nói rất hay, chân thật là nhắc nhỡ ta phải tu hành, thành tựu công đức của chính mình, phải chân thật sám trừ nghiệp chướng!

Đời nhà Đường, Tổ sư sáng lập Luật Tông Trung Quốc là Luật sư Đạo Tuyên ở núi Chung Nam, thật không ai sánh bằng. Không những người thời đó tôn kính ngài, tán thán ngài mà mãi đến hôm nay, nhắc đến Luật sư Đạo Tuyên, không ai mà không khởi tâm cung kính. Ngài trì giới rất tinh nghiêm, thanh tịnh, cảm được thiên nhân cúng dường. Mỗi ngày, ngài chỉ ăn một bữa, buổi ăn trưa của ngài do thiên nhân mang đến cúng dường, ngài không cần phải đi khất thực. Phước báo lớn như vậy.

Có một hôm, Đại Sư Khuy Cơ đi ngang qua núi Chung Nam, cũng rất ngưỡng mộ Luật sư Đạo Tuyên, liền thuận tiện ghé thăm. Luật Sư Đạo Tuyên nghe Đại Sư Khuy Cơ sắp đến thăm, liền nghĩ đến việc cần phải hiển lộ một chút để Đại Sư Khuy Cơ thấy, vì ngài nghe nói Đại Sư Khuy Cơ (nguyên là Tổ Sư của Pháp Tướng tông, đệ tử của ngài Huyền Trang) rất kém khuyết trong việc trì giới. Ông sinh trưởng trong gia đình giàu có, hào môn quí tộc. Chú ông là Đại tướng của vua Đường Thái Tông. Khi xuất gia, nghe nói mọi người gọi ông là “Tam Xa Hòa Thượng”. Lúc đó, Đại Sư Huyền Trang tìm đến khuyên ông xuất gia. Ông nói với Đại Sư: Tôi xuất gia cũng được, nhưng phải cho tôi hưởng thụ!

Đại Sư hỏi:

– Ông muốn hưởng thụ gì? Ông đưa ra ba điều kiện:

1. Tôi thích đọc sách, tôi muốn đem theo một xe sách để đi xuất

– Được! Không vấn đề gì!

2. Tôi thích hưởng thụ vật chất, muốn mang theo một xe vàng ròng

– Được! Cũng không hề gì!

3. Tôi cần có mỹ nữ hầu hạ, phải mang theo một xe mỹ nữ. Đại sư Huyền Trang đều đáp ứng mọi thứ cho ông. Thế nên, mọi người gọi ông là “Tam Xa Hòa Thượng”. Đó là đối với việc trì giới ông không được nghiêm túc! Luật sư Đạo Tuyên cho rằng Đại sư Khuy Cơ học vấn tuy rất tốt, rất có biện tài, nhưng giới luật thì không được! Hôm nay phải biểu diễn một chút để ông ta xem!

– Diễn cái gì?

– Buổi trưa thiên nhân mang cơm đến cúng dường, đây là việc rất hiếm lạ!

Thế là, Đại Sư Khuy Cơ lên núi, ngồi đến giữa trưa. Thiên nhân hôm đó không mang cơm đến cúng dường! Luật Sư Đạo Tuyên rất thất vọng! Vốn dĩ muốn biểu diễn một chút để cảm hóa Khuy Cơ, không nghĩ đến thiên nhân thất tín, hôm nay không đến, bất đắc dĩ cũng không còn cách nào! Đến chiều, Đại Sư Khuy Cơ xuống núi. Hôm sau, buổi trưa thiên nhân lại mang cơm đến cúng dường. Luật Sư Đạo Tuyên liền trách:

– Hôm qua sao ông không đến? Thiên nhân này nói:

– Hôm qua, Bồ Tát Đại thừa ở trên núi, cả núi này đều có thần hộ pháp bảo hộ, tôi không đến được!

Luật Sư Đạo Tuyên nghe lời nói này, trên thân liền toát mồ hôi, hổ thẹn đến cùng tột! Mới biết được ý niệm của chính mình là sai lầm, là có tội nghiệp!

Qua câu chuyện này, thực tế mà nói, có thể lấy mấy câu của Lục Tổ Huệ Năng làm một chú giải: “Thấy nguời khác có lỗi tức chính mình liền có lỗi!”

– Họ thật có lỗi hay không?

– Không hề thấy!

Người khác xem thấy Đại Sư Khuy Cơ khuyết điểm cả người, lỗi lầm cả người. Nhưng, thiên nhân xem thấy ngài thì không phải vậy! Bạn nghiêm trì giới luật triệt để, rất tinh nghiêm, đó là giới luật Tiểu Thừa rất được thiên nhân tôn kính. Thế nhưng, so với Bồ Tát Đại Thừa, bạn còn cách rất xa!

– Vì sao vậy?

– Vì bạn còn chấp vào sự tướng!

Những lý cùng sự này chúng ta phải thấu hiểu tường tận. Đại đức xưa dạy: Chúng ta khởi tâm động niệm đều là tạo tác tội nghiệp. Tội nghiệp có hai loại: “giá tội” và “tánh tội”

– “Giá tội” là gì?

– “Giá” là phòng chỉ, phòng phạm, phòng ngừa; nếu phạm tội nghiệp nầy thì nhẹ; “tánh tội” mới nặng, cho dù Phật có chế ra giới luật nầy hay không, nếu tạo “tánh tội” thì nhất định phạm tội. Lấy “Ngũ giới” mà nói: “Sát sinh” là “tánh tội”, dù chưa thọ giới, nếu vi phạm bạn vẫn có tội. Không thể nói bạn chưa thọ giới, việc sát sinh đối với bạn là không có tội, không có đạo lý này! Quốc gia chế định giết người phải thọ tội tử hình; bạn không hiểu luật pháp, giết người cũng bị xử tử! Cũng thế, dâm dục, trộm cắp, vọng ngữ lừa gạt chúng sinh là “tánh tội”, dù có thọ giới hay không thọ giới, tội trạng đều như nhau. Trong năm giới, chỉ có uống rượu là “giá tội”.

– Uống rượu không có tội, sao Phật lại ghép nó vào trong năm giới cấm?

– Vì sợ bạn uống say sẽ phạm các giới trước, tạo ra ác nghiệp!

Cho nên, “giới rượu” là phòng phạm. Nếu bạn phạm vào “giới rượu”, đó là “giá tội”, không phải “tánh tội”. Nếu phạm “tánh tội” thì đây là phiền phức lớn! Sám hối “tánh tội” bao gồm “sự sám” và “lý sám”. Cần phải chân thật phát tâm sám hối từ chính nội tâm mình, về sau không tái phạm. Phải cầu Phật, cầu Bồ Tát gia hộ, cầu điềm lạ, cầu cảm ứng. Những phương pháp sám hối này trong kinh nói rất nhiều. Nếu phạm “giá tội” thì làm pháp sám hối, y theo phương pháp sám hối Phật dạy là: Bạch chúng, tuyên bố với mọi người bạn đã vi phạm những lỗi lầm gì. Trong “giá tội” có rất nhiều khai mở, chúng ta cũng cần phải hiểu: Giới luật là linh động, hoạt bát, không phải hoàn toàn khô cứng. Có lần, một đồng tu đến hỏi tôi:

– Thức ăn chay nếu không dùng gia vị hành, tỏi thì rất khó ăn, việc này có nghiêm cấm không? Tôi nói:

– Không nghiêm cấm, có thể dùng! Nên biết: Họ dùng một chút hành tỏi vẫn còn tốt hơn nhiều so với ăn thịt, đây là “khai duyên”. Nếu ngay đến những phối liệu này cũng không cho phép thì họ sẽ không ăn chay, vẫn tiếp tục ăn thịt! So sánh giữa khinh và trọng ở chỗ này có thể khiến họ không tạo trọng tội thì cái tội nhẹ kia có thể thông qua. Phải biết “thông quyền đạt biến”, không nên quá cố chấp đến những việc như vậy, huống hồ chỉ làm gia vị. Tuy nhiên, việc này ở chốn thiền môn thì nhất định không được phép! Vì sao? Tránh việc đàm tiếu! Hòa Thượng mà vẫn còn ăn hành tỏi!  Nhưng đối với người tại gia có thể gia giảm đôi chút. Chỗ này cũng nên tìm hiểu:

– Vì sao Phật ngăn cấm ngũ tân?

– Vì ngũ tân ăn nhiều sẽ sinh ra rất nhiều lỗi lầm! giống như tai hại của rượu, đây thuộc về “giá tội”. Rượu uống say rồi mới có lỗi. Nhưng có người uống say thì ngã lăn ra ngũ một giấc thật dài, không gây tội nghiệp, vậy thì không việc gì. Trái lại, có người uống rượu liền khởi tửu phong, vậy thì rất phiền phức! Đó mới có lỗi lầm!

Trong nhà Phật không có định pháp, không có pháp nhất định. Có người xào rau thêm ít rượu vào, rượu đó không thể làm say, việc này thì không sao, không gọi là phá giới. Ngày trước, Phật ngăn cấm người xuất gia không được mang theo tiền, đây cũng là “giá giới”, phòng ngừa tâm tham! Tiền càng nhiều thì tâm tham càng nặng! Tiền càng nhiều thì càng khó xả được! Đây là “ngừa quấy dứt ác”, một loại “quyền nghi thiết lập”, biết được Thế Tôn rất chủ tâm dạy học, nơi nơi đều vì chúng ta chế ra rất nhiều công việc phòng phạm. Về phương pháp sám hối “tánh tội” có hai cách: Sự sám và Lý sám.

– Sự sám, như trên đã nói, có nhiều cách: Tu Lương Hoàng Sám, tu Thủy Sám v.v…, chiếu theo nghi qui đó mà làm; chân thật làm mới có tác dụng; không thể chỉ đọc suông một lần mà có lợi ích.

– Lý sám, Trên kinh, Phật nói: “Vạn pháp đều không”, “vạn pháp do duyên sinh”; phàm hễ là “pháp duyên sinh” thì ngay nơi thể là không, không thể có được. Chúng ta tạo tác chủng chủng tội nghiệp cũng là duyên sinh. Đã là duyên sinh thì chủng chủng tội nghiệp này ngay nơi thể cũng là không, không thể có được. Đây là đạo lý nhất định! Hiểu được đạo lý này, khế nhập “Không tánh”, cái tội này liền diệt. Thế nhưng, nếu chưa khế nhập được “Không tánh” tức là chưa chứng đắc, chưa vào được cảnh giới này thì vạn lần chớ nên nghĩ tội nghiệp là không! Thử hỏi:

– Ăn cơm, đối với bạn có hay không?

– Có! một cái có thì tất cả đều có, một cái không thì tất cả đều không. Nếu bạn có thể vào được cảnh giới “vạn pháp giai không” (tất cả pháp đều là không), tội nghiệp của bạn liền tiêu trừ, giống như cảnh giới trong Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”. “Quán” là “Tuệ”. Vào được cảnh giới này, như phần trước đã nói: “Tam tâm bất khả đắc, duyên khởi tánh không”. Việc này là then chốt, bạn chân thật được giải thoát. Không những bạn siêu việt sáu cõi mà mười pháp giới cũng siêu việt luôn. Đó là “Lý sám”. Từ trên lý mà tu pháp sám hối đây là: “Diệt nghiệp sám”.

Tóm lại, từ trên sự mà sám hối là “phục phiền não”, phục tội nghiệp, khiến cho tội nghiệp không khởi hiện hành. Nếu từ trên lý, cách sám hối này là nhổ sạch tận gốc các tội nghiệp; chân thật là chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển sinh tử thành Niết Bàn. Đó mới là pháp sám hối cứu cánh. Ngoài ra, có thể niệm Phật, niệm đến “lý nhất tâm bất loạn”, “quán tội tánh không”, vậy thì được. “Sự nhất tâm bất loạn” thì chưa được, phải đạt đến “lý nhất tâm bất loạn”, chính là đã đoạn được “Kiến tư phiền não”, “Trần sa phiền não”, “Phần phá vô minh”, siêu việt mười pháp giới, vãng sinh Tây Phương trong cõi Thật Báo Trang-Nghiêm hay cõi Thường Tịch Quang, mới có thể tu “Diệt nghiệp sám”, tiêu diệt tội nghiệp.

Thực tế, “chuyển nghiệp sám” là thù thắng nhất, cao minh nhất. Ngoài các phương pháp sám hối trên, đức Phật còn chỉ dạy chúng ta rất tường tận, nhận biết được “Thuận lưu thập tâm” tức là mười tâm thuận theo sinh tử, có mười tâm này thì ta không thể thoát khỏi sinh tử luân hồi, và “Nghịch lưu thập tâm” là mười tâm giúp ta siêu việt luân hồi.

Thuận lưu thập tâm”, gồm có:

1. Vô minh hôn ám, vọng kế nhân ngã khởi ư thân kiến:

“Vọng” là hư vọng; “kế” là chấp trước. “Vọng kế” là tối tăm ngu si, chấp trước, hư vọng cho thân này là ta, thân người khác là người. Có ta, có người, từ đó sinh khởi ngã chấp nghiêm trọng, vô minh vọng tưởng điên đảo hình thành, căn bản của luân hồi phát xuất từ đây.

2. Ngoại gia ác hữu (Ngoài thêm bạn ác):

Không có trí tuệ chân thật dễ rơi vào cạm bẫy, hầm lửa của thế gian, tạo tác ác nghiệp, gây nhân sinh tử, phiền não tăng trưởng.

3. Thiện bất tùy tòng (Chẳng theo điều thiện):

Thường hay đố kỵ, hủy báng, nhục mạ, hãm hại, cản trở người tu thiện.

4. Tam nghiệp tạo ác (Gây ba nghiệp ác):

Thân, khẩu, ý không ác nào mà không tạo, cũng chính là nói gây tạo mười ác nghiệp.

5. Ác tâm biến bố (Ác tâm trùm khắp):

Nếu hội đủ nhân duyên chín muồi thì không có việc ác nào mà họ từ nan.

6. Ác tâm tương tục (Ác tâm liên tục):

Ý niệm tạo ác tiếp nối không ngừng. Ban ngày tạo ác, ban đêm nằm mộng vẫn là đang tạo ác. Thật đáng sợ!

7. Phú húy quá thất (Che đậy lỗi lầm):

Tránh né, ngụy trang lỗi lầm của mình, đẩy trách nhiệm cho người khác. Việc ác này rất nặng! Phật dạy chúng ta phải “tích âm đức”: Làm việc tốt không nên để người khác biết, phải che dấu phước đức của mình, càng tích càng dày, quả báo tương lai sẽ thù thắng. Đối với tội nghiệp thì không nên che dấu, cho dù tạo ra nhiều hay ít, đều mong người khác biết. Vì vậy, người khác thấy bạn mắng một câu, người kia trách bạn một tiếng, thì quả báo này trả hết.

8. Bất úy ác đạo (Chẳng sợ đường ác):

Ngoan cố, ngang ngược, tàn ác, hiếu thắng, ưa xung đột đối kháng, không chịu thiệt, tranh hơn tranh thua với mọi người. Đây là tập khí, tâm bệnh lớn.

9. Vô tàm, vô quí:

Chính mình không biết hổ thẹn, không bị lương tâm dày vò, là vô tàm. Bất chấp lời phê bình của người khác, không sợ dư luận, cứ tha hồ tạo tội là vô quí.

10. Bác vô nhân quả (Chẳng kể nhân quả):

Phải nhận rằng, cả đời này chân thật là may mắn được gặp Phật pháp. Trước khi chưa gặp Phật pháp, các tội nghiệp chúng ta thường tạo nhưng chẳng hề hay biết. Không hay biết thì đâu lo gì sám hối tội nghiệp!

Tôi hai mươi sáu tuổi mới học Phật, mới hiểu được việc này (nhân quả báo ứng). Thời gian kháng chiến năm đó, tôi mới mười mấy tuổi, tạo nghiệp sát rất nặng, ham thích săn bắn. Cho nên, rất nhiều tướng số gia đoán mạng cho tôi đều nói tôi đoản mạng. Tôi tin điều này! Vì sao? Vì nghiệp sát của tôi quá nặng! Ngay đời này cuộc sống rất khổ cực, không thể đoàn tụ với người nhà. Tôi cũng tin là do nghiệp báo, tôi đã sát sinh khiến cho cả nhà của chim, thú không được đoàn viên, nay tôi phải nhận chịu quả báo này! Tạo nhân gì phải nhận quả đó, làm sao tránh được!

Sau khi chân thật hiểu được rồi, Phật, Bồ Tát đã cứu hộ tôi. Tôi chân thật thay đổi, tự làm mới, không còn vì mình mà vì Phật pháp, vì chúng sinh. Lại nữa, gặp được pháp môn Tịnh Độ, đời này mới chân thật làm được viên mãn, mới rõ được con đường: làm thế nào báo ân Phật, báo ân chúng sinh, bù đắp lại những lỗi lầm trước đây mình đã giết hại chúng sinh, chỉ có hoằng dương Phật pháp, đem pháp môn thù thắng này giới thiệu đến tất cả mọi người.