HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

X. CẢNH GIỚI CỦA BẬC GIẢI THOÁT

(1) Giải thoát tức là tự do.

Giải thoát là kết quả mà người học Phật ngưỡng cầu đạt đến, là sự thực hiện một lý tưởng tối cao. Chúng ta là kẻ sơ học, chưa thể nghiệm được, ít nhất, tôi (Ấn Thuận) cũng chưa đạt đến cảnh giới đó, cho nên chẳng biết nói gì, mà cũng không dễ nói, mà có nói cũng không dễ dàng nghe hiểu được. Nếu như chưa đến Lô Sơn, mà lại nói núi Lô Sơn cao thấp ra sao, trên núi có những kiến trúc gì, rừng núi ra sao, mây biển thế nào, thì đều là nói chuyện không tưởng, nghe rất mơ hồ, so với sự thực quả là cách xa diệu vợi. Muốn thể hội sự giải thuyết của Phật Bồ tát lại càng khó, cho nên hiện nay tôi chỉ thuật lại sơ lược để giới thiệu một đôi phần những thể nghiệm của các bậc cổ đức.

Giải thoát, là đối với trói buộc (Hán: hệ phược) mà nói. Người xưa nói: “Giải niêm thích phược” (Tháo gở cái dính mắc, cởi bỏ cái trói buộc). Như một người tù bị trói buộc, tay chân bị gông cùm, hoàn toàn không được tự do. Nếu trừ bỏ sự trói buộc cho họ, thì họ sẽ được tự do. Con người (chúng sinh) sinh hoạt trong một hoàn cảnh bị câu thúc, bị hạn chế bởi thiên nhiên,  xã hội, thân tâm, v.v…, làm thế nào cũng không được tự do. Không được tự do thì sẽ cảm thấy vô cùng thiếu thốn, vô cùng ưu khổ, hối hận và bức rức. (Mục đích của sự) học Phật là muốn thoát ra ngoài những sự trói buộc, chướng ngại này, đạt được sự đại tự tại, không còn bị trói buộc, không còn bị trì trệ. Các bậc thánh của ba Thừa là những người đã thực chứng sự giải thoát tự do này.

Trong hoàn cảnh của thiên nhiên, xã hội, thân tâm, có thể nói là có sự trói buộc mà không có sự trói buộc. Chẳng hạn như một đống gạch đá ngổn ngang làm cản trở sự lưu thông, đây là trói buộc (chướng ngại). Nếu như, dùng chúng (gạch đá) làm vật liệu xây cất, hợp với nguyên tắc kiến trúc, thì chúng có thể xây dựng thành một nơi che gió che mưa, làm chỗ ở, hoặc cất chứa đồ vật, tăng gia sự tự do. Lại như sông dài nước lớn, nếu đào mương, mở rạch thì có trở thành công cụ giúp cho sự giao thông vận chuyển, dẫn nước tưới ruộng. Ngược lại, nếu để nước sông mặc tình tràn ngập, thì sẽ trở thành một sự tổn hại lớn lao. Xã hội cũng giống như vậy, thân tâm cũng giống như vậy. Nếu như không được bảo dưỡng, nghỉ ngơi, rèn luyện một cách hợp lý, thì sẽ tăng gia sự thống khổ.

Thế nhưng, sức mạnh trói buộc (Hán: hệ phược lực) khiến cho chúng ta không được tự tại, khiến cho chúng ta chìm ngụp trong sinh tử luân hồi, mà sức mạnh trói buộc căn bổn nhất là sự ái nhiễm đối với hoàn cảnh (thiên nhiên, xã hội và thân tâm). Sự ái nhiễm của nội tâm, đối với cảnh giới, giống như chất keo dán dính các vật với nhau, giống như nam châm hút sắt. Do vì đắm nhiễm, nội tâm của chúng ta sinh khởi điên đảo, dục vọng, khai triển thành các phiền não tham, sân, si, v.v… Điều này mới là sự trói buộc trong hiện đời, và lại do đây mà tạo nghiệp để tạo thành sự trói buộc trong tương lai. Chúng ta tiếp xúc với cảnh giới mà sinh khởi tham sân, khổ vui, không thể không khổ, không thể không vui. Điều này không có gì khác, chỉ là nội tâm bị sự vật bên ngoài làm ô nhiễm, cho nên không thể không tùy vào sự biến động bên ngoài mà biến động theo. Học Phật, muốn được giải thoát và tự do thì cần phải không bị lay chuyển bởi hoàn cảnh bên ngoài, mà có thể chuyển biến tất cả ngoại cảnh (theo ý mình). Then chốt của vấn đề này là tiêu trừ sự đắm nhiễm, chấp trước, và thể hiện được cảnh giới tự tại. Có lần đức Phật hỏi một tỳ kheo: “Nếu như ông vô ý làm cho y phục đang mặc trên thân bị rách toang thì ông cảm thấy thế nào? Vị tỳ kheo trả lời: “Con sẽ cảm thấy buồn bực.” Đức Phật lại hỏi: “Khi ông ngồi thiền trong rừng, nếu có lá cây rơi xuống đất, ông cảm thấy thế nào?” Vị tỳ kheo trả lời: “Con không có cảm xúc gì cả.” Đức Phật bảo tỳ kheo: “Nhân vì ông đối với y phục của mình sinh khởi tâm chấp trước là ngã sở, cho nên bị ái nhiễm sâu nặng. Còn như lá cây, ông không cho đó là của mình (ngã sở), cho nên trong tâm không có sự xúc động.” Lời khai thị này của đức Phật thật là rõ ràng và thấm thía! Trong một gia đình thường có rất nhiều ý kiến, hoặc có sự cãi vả. Đây là vì giữa những người trong gia đình, cha con, anh em, vợ chồng với nhau, có một sự quan hệ mật thiết, mọi người đều có ngã kiến, ngã sở kiến, cho nên dễ dàng “nhân vì ái mà sinh sân.” Đối với người khách lạ qua đường thì ắt sẽ không có chuyện này. Chúng ta sinh hoạt trong một hoàn cảnh, chỉ cần có sự đắm nhiễm, thì sẽ đánh mất sự định tĩnh, vừa khổ vừa vui, hoặc là tham đắm, hoặc là hận thù. Từ thân thể của chúng ta, y phục đồ vật của chúng ta, cho đến gia đình, quốc gia của chúng ta, tất cả những sự vật gì liên quan đến chúng ta, bất luận là ưa thích hoặc chán ghét, đều là đắm nhiễm. Giống như đang ở trong bụi gai thì đi đến đâu cũng bị vướng víu châm chích đến đó. Nếu thích săn bắn, khi thấy việc săn bắn thì vui thích; thích cờ bạc, chỉ cần nghe tiếng “sòng bài” thì trong tâm đã có một cảm giác vui mừng khó tả. Tâm của chúng ta bị cảnh vật chuyển đổi như vậy, không thể làm chủ chính mình. Cầu giải thoát, tức là cần phải giải thoát khỏi những sự đắm nhiễm như vậy. Đối với bất cứ cảnh giới nào, dù cho đến già đến chết, cũng không còn bị cảnh giới trói buộc mình nữa, tự mình có thể làm chủ được tâm mình, định tĩnh khế nhập vào chân lý. Đối với sự vật không còn bị dính mắc, tức là lìa trói buộc được giải thoát. Phiền não đắm nhiễm, từ vô thỉ đến nay, đang một mực trói buộc chúng ta, cho nên chúng ta bị vô biên ưu khổ, giống như đang ở trong nhà lửa. Nếu như có thể chân thực phá trừ ái nhiễm thì lúc ấy sẽ đạt được pháp lạc giải thoát khó có thể hình dung được. Giống như một khi quăng bỏ một gánh nặng đang đè nặng trên vai khiến chúng ta thở không ra hơi, thì chúng ta sẽ cảm thấy toàn thân sảng khoái nhẹ nhàng. Lại giống như đang ở dưới ánh mặt trời oi bức, khát nước khô cả cổ họng, bổng nhiên được một làn gió mát thổi đến, lại được uống nước cam lộ, thì lúc đó sẽ cảm thấy vô cùng khoái ý. Sau khi được giải thoát, giải trừ được tất cả phiền lụy nặng nề, thân tâm sẽ hưởng được an lạc của “đoạn trừ sự trói buộc”, khinh an tự tại, chỉ có tự mình thể nghiệm thì mới biết được. Nói tóm lại, giải thoát không có gì khác, chỉ là thực hiện sự đại tự tại, bắt đầu một cuộc sống mới.

(2) Tầng bậc giải thoát.

Phật pháp nói có hai loại giải thoát: (a) Tâm giải thoát, (b) tuệ giải thoát. Hai loại này có thể tương thông, nhưng cũng có sự khác biệt. Giống như họa sĩ vẽ một bức tranh mỹ nữ hoặc một bức tranh la sát. Nhân vì khởi lên nhận thức sai lầm, cho rằng mỹ nữ là thật, hoặc la sát là thật, do đây sinh tâm tham ái hoặc tâm sợ hãi, thậm chí ngay trong giấc mộng cũng thấy những hình ảnh này hiện trước mắt. Nhưng trên thực tế, làm gì mà có mỹ nữ hoặc la sát. Những loại tham ái hoặc sợ hãi này, chỉ cần nhận thức chính xác chúng chỉ là hình tượng, mà không có môt tính chất chân thực nào. Nếu như có thể nhìn thấu suốt như vậy thì sẽ không còn bị mê hoặc bởi bức tranh mỹ nữ hoặc la sát được vẽ bởi nhà họa sĩ nữa. Chúng ta bị trói buộc, không được tự tại trong sinh tử cũng giống như vậy. Y vào nhận thức sai lầm, mà vô minh là cội gốc, sinh khởi những phiền não tham sân, v.v…, (mà sự ái nhiễm làm chủ chốt), và những sự thống khổ ưu sầu. Nếu có thể dùng trí tuệ để phá trừ sự vọng chấp, thì có thể không sinh khởi sự đắm nhiễm, và không còn ưu sầu sợ hãi nữa. Xa lìa vô minh, gọi là tuệ giải thoát, thuộc về lý trí. Xa lìa sự ái nhiễm, gọi là tâm (định) giải thoát, thuộc về tình ý. Nếu cả hai phương diện đều được giải thoát, xa lìa sự trói buộc, thì mới được sự giải thoát chân thực.

Giải thoát trong Phật pháp là tảo trừ sự mê muội sai lầm của vô minh, quét sạch sự tham luyến của ái nhiễm, cho nên cần phải song tu định tuệ. Những ngoại đạo tu tập thiền định, có người cũng tu đến trình độ rất thâm sâu, đối với cảnh giới ngũ dục, v.v…, đối với sự được mất của danh vọng, địa vị, đều không còn khởi lên phiền não tham sân, v.v…, thế nhưng, vì không biết chân thực, bọn họ tự cho là đã đoạn phiền não, đạt được sự tự tại! Nhưng thật ra bọn họ chưa giải quyết được vấn đề căn bổn, giống như lấy đá đè cỏ, một khi định lực tiêu tán, phiền não sẽ tiếp tục sinh khởi trở lại như cũ. Điều này giống như tảo trừ giặc cướp, nếu như không cảm hóa, một khi quân triều đình rút lui, thì bọn họ lại hoạt động trở lại. Nếu như có thể đem đạo đức cảm hóa, chỉ đạo sự sinh hoạt, khiến họ trở thành lương dân, thì địa phương đó mới được chân thực thái bình. Cho nên đối với phiền não trói buộc chúng ta, cần phải dùng trí tuệ để phá trừ, chứ không thể chỉ chuyên dùng định lực. Phật pháp trọng trí tuệ mà không trọng thiền định, lý do là ở chỗ này. Thế nhưng, một số đệ tử Phật, chỉ có một chút ít trí tuệ tán động (giống như của phàm phu), thì điều này đối với sự giải thoát, không thể phát sinh được lực lượng lớn lao. Có một số chú trọng đến trí tuệ chân thật, tuy chỉ nương vào một ít lực lượng của vị đáo định, (mà vẫn có thể) đoạn phiền não, thoát lý sinh tử. Đây gọi là tuệ giải thoát. Phương pháp giải thoát này, từ phương diện “thoát ly sinh tử” mà nói, là một sự giải thoát triệt để. Thế nhưng, trên phương diện thân tâm hiện thực, vẫn chưa được gọi là viên mãn. Cho nên, định tuệ song tu, đạt được “câu giải thoát”, thì mới khế hợp với lý tưởng giải thoát.

Nếu chuyên ước định sự giải thoát bằng “trí tuệ chứng đắc” (tuệ giải thoát) mà nói, nhân loại đối với tất cả sự vật, nơi nào cũng chấp trước, chỗ nào cũng bị chướng ngại, không được tự tại. Muốn phá trừ chấp trước và chướng ngại để thực hiện giải thoát, trong quá trình tu trì, sơ lược, có thể phân làm ba giai đoạn:

(a) Đối với cảnh tướng muôn ngàn sai khác, trước tiên cần phải cầu sự thông đạt (thế giới bên ngoài, thân tâm bên trong) chân như tuyệt đối của tất cả các pháp – tức là tất cả các pháp bổn tính không, tất cả các pháp vốn thường tịch diệt. Chân như là tuyệt đối bình đẳng, không có sai biệt, thế nhưng, chúng ta (tất cả chúng sinh) từ vô thỉ đến nay, một mực bị che chướng bởi vô minh, trong tất cả mọi cảnh giới, chấp trước mọi vật đều là có thực tính. Do đây, chúng ta đi đến đâu cũng bị vô biên dây nhợ, xiềng xích (ngã kiến, ngã sở kiến, hữu kiến, vô kiến, thường kiến, đoạn kiến, v.v…) trói buộc. Nếu như chúng ta có thể từ huyễn tướng mà ngộ nhập pháp tính bình đẳng vô sai biệt, thì có thể từ trong những sự chấp trước chướng ngại vượt thoát ra ngoài, mà tiến nhập vào cảnh giới thân tâm đều được tự tại giải thoát. Người xưa nói: “Kiến diệt đắc đạo”, “kiến không đắc đạo”, “nhập bất nhị pháp môn”, đều có ý nghĩa giống nhau. Nếu như chưa thể vượt qua cửa ải (chấp trước trói buộc) này, thì dù có nói huyền nói diệu, nói tâm nói tánh, đều chẳng liên quan gì (đến giải thoát).

(b) Tuy cần phải ngộ nhập (cảnh giới) không tính vô sai biệt (hoặc gọi là pháp giới vô sai biệt), nhưng không thể nghiêng nặng về sự “không tịch” này. Nếu như quá chú trọng đến không tịch, thì sẽ bị quở trách là “thiên chân” (nghiêng về Niết bàn của Tiểu thừa), “trầm không trệ tịch” (bị mắc kẹt vào Niết bàn của Tiểu thừa), “đọa vào hố sâu vô vi”. Lý do là vì “lý” không chướng ngại “sự”, “chân” không phá hoại “tục”, thế giới vẫn là thế giới, nhân loại vẫn là nhân loại. Đối với thiên nhiên, xã hội, thân tâm, tuy không còn mê muội về “lý”, nhưng vẫn còn phải đào luyện về “sự.” Điều này cần phải dùng sự thể ngộ của mình, từ “chân” xuất “tục”, không quên không mất, trong những cảnh giới của sự khổ vui, được mất, khen chê, và bệnh chết mà đào luyện. Nói cách khác, không thể chỉ là cảnh giới “lý” của định tâm, mà cần phải thể nghiệm đến những sinh hoạt hiện thực.

(c) Công hạnh thuần thục, đạt đến động tĩnh nhất như, sự lý vô ngại. Lúc thức, lúc ngủ, lúc nhập định, lúc xuất định, đều không phân biệt, đây mới là sự dung thông vô ngại của pháp thế gian và xuất thế gian, mới có thể đạt được đại tự tại trong tất cả mọi cảnh giới. Đối với vấn đề ngộ nhập mà tâm được giải thoát vốn có nhiều loại: tương tự, chân thật, cạn, sâu khác nhau. Ở đây chúng ta có thể dùng trình tự từ “lý” đến “sự” mà đạt đến “lý sự nhất trí”, để làm con đường tu tập chung cho mọi hành giả.

(3) Điểm chính của sự giải thoát.

Giải thoát đến từ sự thể ngộ chân tính. Muốn thể ngộ thì cần phải xa lìa vọng chấp, xa lìa tất cả phân biệt. Trong cuộc hành trình tu hành chứng ngộ, cần phải phân biệt một cách hợp lý. Thế nhưng, trong giai đoạn sắp sửa ngộ nhập, thì không thể không xả bỏ sự phân biệt thiện và sự phân biệt hợp lý. Trong kinh điển nói: “Pháp còn phải xả bỏ, huống hồ là phi pháp (không phải là pháp)?” Trong luận điển cũng có nói: “Trước tiên phải dùng phước để xả bỏ tội, kế đến dùng “xả” để xả bỏ phước.” Phật kiến, pháp kiến, Niết bàn kiến đều là “thuận đạo pháp ái sinh” (sinh khởi pháp ái, pháp chấp), là chướng ngại cho sự ngộ nhập vô sinh. Người xưa sở dĩ cần phải “Phật đến giết Phật, ma đến giết ma”, cho nên nói: “Muốn trừ phiền não càng tăng bệnh, hướng đến chân như cũng là tà”, “Bạn không thấy rằng mây trắng mây đen đều che khuất ánh mặt trời”, “Dây vàng dây sắt đều trói buộc chúng ta hay sao?”

Xưa nay, tất cả những gì chúng ta nhận thức, đều chỉ là trừu tượng, huyễn tướng, không phải là bổn tính của sự vật. Nếu như nhận thức mà có thể tiếp xúc đến bổn thân của sự vật, thì lúc chúng ta tưởng nghĩ đến lửa thì trong tâm phải cảm thấy nóng bức! Chúng ta vì muốn biểu đạt cảnh giới trong tâm cho nên dùng ngữ ngôn văn tự. Những gì được viết ra, nói ra, chỉ là những phù hiệu giả thiết, không thể biểu thị tự thân của sự vật. Điều này giống như xếp những bao gạo giống nhau vào một chỗ, nếu như trên mỗi bao gạo không ghi số hiệu, mà lại bảo người khác mang ra một bao nào đó, thì người ấy không biết phải lấy bao nào mới đúng. Ngữ ngôn, văn tự, tư tưởng đều không phải là bổn thân của sự vật, cho nên nếu muốn chân thực thể ngộ bổn tính của tất cả các pháp, không thể nào không xa lìa những hình tướng này – xa lìa tâm duyên tướng, xa lìa ngôn ngữ tướng, xa lìa danh tự tướng. Trung Luận cũng nói: “Tâm hành đã dứt, ngữ ngôn cũng diệt.”  Bởi vì như vậy, pháp tính không những xa lìa danh ngôn, xa lìa phân biệt, xa lìa hình tướng, mà hơn nữa, chỉ là do chính mình giác ngộ, chứ không phải nhờ người khác giác ngộ cho mình, “tự là không nhờ người khác.”

Lại nữa, ngữ ngôn, văn tự, cùng với sự nhận thức của chúng ta, đều là tương đối – Phật pháp gọi là “nhị” (hai). Chẳng hạn nói “hữu” (có), thì cũng biểu thị nó không phải là “vô” (không có). Nói “động”, tức là phân biệt với “tĩnh”; nói “đây”, tức là phải có cái “kia” (không phải đây). Đây đều là rơi vào cảnh giới tương đối, tương đối thì không phải là chân tính của “vô nhị” (bất nhị). Cho nên dù chúng ta có mặc tình nói năng, nghĩ tưởng như thế này thế kia, thì điều này đối trước chân lý tuyệt đối, có thể nói, chỉ là có mắt như mù, có tai như điếc. Chúng ta dần qua cuộc đời, sinh hoạt trong cái thế giới tương đối trừu tượng này, không những không khế hợp chân lý, mà ngược lại, chúng ta cho rằng những sự vật mà chúng ta tiếp xúc hoặc hiểu biết là bổn tính của tất cả sự vật, cho đó là thực tại. Từ sự trực giác của ngũ căn mà kinh nghiệm như vậy, hoặc từ sự suy luận của ý thức mà “sự nhận thức được, không thể không như vậy.” Đối với sự, đối với lý, đã nhận hiểu sai lầm là có tính chất thực tại, do đây mà tất cả pháp chấp, ngã chấp, tất cả phiền não tham sân, v.v…, giống như mây mù tụ hợp, càng lúc càng tăng trưởng. Cho nên sự thể ngộ như thực, không thể không từ sự đả phá những điều sai lầm này, không thể không xa lìa những cảm nhận sai lầm về tính chất thực tại, không thể không triệt để tiêu trừ tất cả sự hiểu biết sai lạc, hư vọng phân biệt! Tìm đến tận gốc rễ, triệt để cải tạo, đạt đến trình độ “tất cả pháp bất sinh, tức là Bát nhã sinh”, hiện chứng chân tính của tất cả các pháp. Cho nên, pháp tính là “bất nhị”, là vô sai biệt. Bình đẳng tính “vô nhị, vô phân biệt.” Không những trong cảnh giới sinh hoạt tương đối, chúng ta không thể tưởng tượng nổi, mà trong sự “thể nghiệm chân thực”, lúc đang “tự giác” cũng là “xa lìa tứ cú, dứt tuyệt bách phi”, không có một tơ hào nào có thể nói năng, có thể biểu thị.

Nhân loại (chúng sinh), từ khi có sinh mệnh đến nay, chưa từng giác ngộ (Hán: chánh giác), từ vô thỉ đến nay, một mực bị những sự huân tập hư vọng làm ô nhiễm, trở thành vọng thức sinh tử. Tâm thức hư vọng của chúng sinh, có thể càng lúc càng bị phân hóa, trên các phương diện tình cảm, ý chí, nhận thức, khiến cho nội tâm không cách nào quân bình. Có lúc ý chí mạnh mẽ, có lúc tình cảm lại xung động, có lúc lại nghiêng nặng nhận thức trừu tượng, khiến cho nội tâm phân tán, mâu thuẫn với nhau, có lúc lại trở thành một trạng thái rối loạn vô trật tự. Trong sự nhận thức của chúng ta, năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) nhận thức khác biệt, tạo thành những hệ thống tri thức khác nhau, còn ý thức thâu nhận tất cả các nhận thức (của năm căn), tuy chịu ảnh hưởng của năm thức trước, nhưng lại thiếu sự nhận thức toàn thể. Sự phân hóa của nội tâm, thiên vị, toàn là ác quả do sự huân tập hư vọng. Phật pháp muốn chúng ta dứt trừ sự hư vọng phân biệt, xa lìa vọng chấp, tức là cần phải thoát ly những tầng lớp hư vọng đã được huân tập, quét sạch tâm thái tự cô lập mình và đối lập với kẻ khác, mà thực hiện sự bình đẳng nhất vị của nội tâm, không tách rời khỏi sự tương đối (với tất cả) mà không bị chướng ngại bởi tất cả. “Chánh giác” của các bậc thánh gọi là trí tuệ, nhưng chúng không phải là tri thức thế tục, không phải là loại tri thức đối lập với ý chí và tình cảm, mà là nhất vị dung thông, là sự tịnh hóa thống nhất của tri thức, tình cảm và ý chí. Dung thông nên không thể nói đây là cái này, đây là cái kia, nhưng mà là sự đại giác ngộ xa lìa tất cả cấu nhiễm (vô lậu). Điều này hoàn toàn khác với chúng ta là những người chuyên sống trong những khái niệm trừu tượng, trong những tâm thái phân biệt rối loạn. Lúc chánh giác hiện tiền, trí tuệ và chân lý cũng là “vô nhị”, “vô biệt”, giống như một người câm thưởng thức mật ngọt, không thể diễn tả được những tuyệt diệu của nó. Lúc chứng đắc, cũng không có tâm cảnh đối lập giữa “năng tri” và “sở tri”, cho nên nói: “Ngoài trí không có như, ngoài như không có trí.” Thế nhưng, đây cũng chỉ là bậc chứng ngộ miêu tả để hình dung trạng thái lúc đó, chứ còn trong sự chứng ngộ, điều này cũng không thể nói ra được. Trong cảnh giới “bất khả thuyết” mà dùng giả thiết để thuyết minh, thì chỉ có thể nói là “bình đẳng bất nhị”, cho nên gọi là “nhập bất nhị pháp môn”, hoặc “nhập nhất chân cảnh giới.” Do đây, giải thoát cần phải chứng ngộ, nhưng điểm chính yếu của sự ngộ nhập là xa lìa phân biệt. Điều này, ngoài trừ Bát nhã ra, không có một pháp nào khác có thể thực hiện được (sự giải thoát).

Trong Phật giáo, có một tư tưởng thông tục là “phản bổn hoàn nguyên”, cho rằng tâm thức của chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh quang minh, không có một tơ hào tạp nhiễm, nhân vì bị khách trần phiền não che lấp cho nên “mê chân” mà lưu chuyển sinh tử. Xưa nay vốn thế, tâm thể của chúng ta hiện nay cũng vẫn là như thế. Nếu có thể xa lìa vọng nhiễm, tự tâm xưa nay vốn thanh tịnh, sẽ được hiển lộ ra ngoài. Thật ra, (ý nghĩa của) câu “thị tâm phi tâm, tâm tính bổn tịnh” là muốn nêu rõ tâm tính không tịch (tịnh là tên gọi khác của Không). Xưa nay vốn thế, là nói lên tính siêu việt thời gian không gian (của tâm), chứ không phải là rơi vào trong quan niệm thời gian, tưởng tượng trước sau là như vậy. Quyết chắc không phải trước đó có sự thanh tịnh, rồi sau đó bị khách trần làm ô nhiễm, mà có thể giải thích là “từ chân khởi vọng, ngược về với bổn, quay về với chân” (Hán: tùy chân khởi vọng, phản bổn quy chân). Nói một cách triệt để, không những “không phải trước đó là chân rồi sau mới khởi vọng”, mà trên thực tế, ngược lại, do có vọng tưởng rồi mới “chánh giác.” Chẳng hạn như những chúng sinh bậc thấp (như trùng, kiến, v.v…), có sự phân biệt hình tướng, nhưng không rõ ràng không sâu sắc (như con người). Ý thức của loài người đặc biệt mạnh mẽ, làm thiện làm ác, nhưng vọng tưởng cũng rất nhiều. Họ có thể đọa xuống cõi rất thấp, nhưng lại có thể sinh lên cõi rất cao. Loài người có những sự hư vọng phân biệt như vậy, hơn nữa, có ý thức phân biệt sáng tỏ, nên mới tự biết mình có những nhận thức sai lầm, biết rằng những khái niệm trừu tượng không phải là “bổn lai diện mục” của sự vật, đây là những điều mà những loài chúng sinh khác không làm được. Do vì tâm hư vọng phân biệt của loài người phát triển đến cao độ (Hán: ức niệm thắng), cho nên mới có thể tích cực tu chứng, đạt đến trình độ siêu việt “năng sở”, không rơi vào cảnh giới phân biệt. Nếu như không hiểu rõ điểm này, muốn xa lìa sự phân biệt, thì chắc chắn sẽ rơi vào pháp môn “định”, (nếu vậy) thì còn ai là người tu tập pháp môn “quán tuệ”, để dẫn phát trí tuệ chứng đắc giải thoát đây!

(4) Tâm cảnh của bậc giải thoát.

Cảnh giới chứng đắc chân tính của các pháp cũng không thể hình dung được. Nếu như từ phương tiện mà nói, thì có thể dùng ba sự kiện để biểu đạt. (a) Quang minh: Đó là một sự thể nghiệm rõ ràng sáng tỏ, không có một chút gì hoảng hốt và ám muội. Không những là tự giác tự chứng, tâm quang rực rỡ, mà còn trực giác một sự dung thông trong đại quang minh. (b) Không linh (空靈): Tức là trực giác tất cả không còn chướng ngại, không còn một tơ hào dính mắc. Trong kinh điển tỉ dụ như dùng tay nắm bắt hư không, như liên hoa không nhiễm bụi trần. (c) Hỷ lạc: Do vì hoàn toàn quăng đi gánh nặng phiền não, đạt được sự khinh an và pháp lạc xưa nay chưa từng có. Đây không phải là sự hỷ lạc lìa khổ được vui thông thường, mà là một sự diệu lạc trào vọt từ trong “bình đẳng đại xả.” Ba sự kiện này là điều cần phải có để triệt ngộ chân tính. Thế nhưng, cũng có sự tương tự (với giác ngộ), chúng ta chớ nên nhận lầm. Chẳng hạn như khi tu tập thiền định, đang lúc tâm lực ngưng đọng tập trung để nhập định cũng có sự thể nghiệm cảnh giới tương tự với ba sự kiện trên. Thậm chí, những tín đồ đạo Cơ Đốc, đang lúc chuyên tâm cầu nguyện cũng có cảnh giới tương tự hiện tiền (bọn họ nhận là sự mặc khải với thần). Chân Bát nhã của Phật pháp là từ sự phá trừ vô minh mà đạt được, không thể hỗn lạm với định cảnh, v.v…, của thế tục.

Tâm cảnh của bậc giải thoát không giống như những người thông thường, hiện nay nói sơ lược ba điểm: (a) Không ưu sầu không hối hận: Các bậc thánh không có ưu sầu lo lắng, không giống những người đời thường “sống không đến trăm năm, thường lo chuyện ngàn năm.” Bậc thánh cũng không hối hận như những người đời đối với những việc đã làm thường hay khởi tâm hối hận, đặc biệt là khi phạm tội ác dẫn khởi nội tâm bất an. Có sự ưu sầu hối hận thì có sự bức rức, có sự bức rức thì trong tâm bị chìm trong hố sâu khổ não. Các bậc thánh đã được giải thoát, đối với những việc đã làm không khởi tâm hối tiếc, không lo lắng những việc chưa đến, mà chỉ làm những điều cần phải làm, thọ nhận những gì cần phải thọ nhận, đạt đến trình độ “tâm an lý đắc.” Người xưa khi chưa có khả năng chứng ngộ triệt để thì ngủ không yên giấc, ăn không biết mùi vị, một khi đã đạt đến sự “triệt ngộ”, thì “đói bụng thì ăn, buồn ngủ thì ngủ”, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc. (b) Không nghi ngờ, không mê hoặc: Bậc chứng đắc giải thoát, do vì thấy biết thấu suốt chân tính, từ nội tâm lưu xuất lòng tự tin tuyệt đối, không còn nghi ngờ, không còn mê hoặc. Không còn bị người khác chuyển đổi, không còn bị người khác dao động, mà ngay cả ma vương hóa thành Phật Bồ tát đến bảo họ rằng “không phải như vậy”, họ cũng không hề khởi một tơ hào nghi ngờ (những gì họ đã tin hiểu). Đức Phật có “tứ vô sở úy”, tức là một sự tự tin tối cao. (c) Không quên không mất: Thể hiện sự giải thoát (tuy trong quá trình tu tập có thể có sự quên, mất), đối với những điều đã chứng ngộ sẽ không quên không mất, chẳng hạn như không quên mất chính mình. Trong bất cứ tình huống nào, đều hiện trước mặt một cách thẳng thắn rõ ràng. Thiền tông sử dụng các phương pháp khảo sát, hoặc vấn đáp, hoặc đánh hét, đều là không cho hành giả suy nghĩ nói năng. Nếu như có sự suy ngẫm so đo, thì không phải là chân thực thể ngộ (Hán: quang ảnh môn đầu, 光影門頭). Trước đây có một câu chuyện: Có một người có một kiến giải tương đối cao, một vị thiện tri thức muốn khảo nghiệm xem người ấy có thật triệt ngộ hay không, bèn đợi đến lúc người ấy đang ngủ say liền dùng tay bóp chặt cổ họng người ấy bảo người ấy hãy nói một câu. Người ấy bừng tỉnh bèn há miệng trả lời. Điều này có thể chứng tỏ rằng những gì đã được chân thực tự chứng thì sẽ không bị quên mất.

Tâm lượng và phong độ của các bậc giải thoát cũng có sự khác biệt nhiều ít. Có người sau khi được giải thoát, trong việc lập thân xử thế đều là siêu thoát, cao thượng, thuần khiết, biểu hiện một phong cách uy nghiêm vượt xa thế tục, mang vẻ cao xa khác đời, nghiêm cẩn không dính mắc. Đây phần lớn là phong cách của các bậc thánh Thanh văn. Có người sau khi chứng ngộ, biểu hiện một phong cách hòa đồng mà không bị lôi cuốn. Nội tâm thuần tịnh siêu thoát, nhưng lại không xả bỏ người đời, đối với sự việc có thể nhiệt thành dũng mãnh vì pháp vì người. Đây là khi ngộ nhập lý cảnh, rãi tâm khắp tất cả, không xa lìa tất cả, và đây phần lớn là các bậc thánh Đại thừa. Đây là từ cảnh giới chứng ngộ mà phân biệt một cách khái quát, thực ra là do tập tính khác nhau từ vô thỉ đến nay, Thanh văn và Bồ tát, đều có những phong cách khác nhau. (Phần dưới đây đều là chỉ cho các bậc giải thoát) Như hành nhân có căn tính “tham”, thì hòa đồng với người thế tục, hành nhân có căn tính “sân”, thì nghiêm cẩn không gần gũi mọi người, còn hành nhân có căn tính “mạn”, thì siêng năng phụ trách công việc. Nếu ước định phong cách của cảnh giới mà nói, thì cảnh giới chứng ngộ của các bậc thánh Thanh văn không được triệt để. Chứng ngộ triệt để là các bậc thánh Đại thừa dung thông vô ngại giữa pháp thế gian và pháp xuất thế gian.

(5) Sự sinh hoạt của bậc giải thoát.

Trong phương diện sinh hoạt hằng ngày, các bậc thánh Thanh văn đã giải thoát chú trọng đến thiền vị mà xem thường ngoại cảnh. Thái độ sinh hoạt của các ngài là tự túc, an trụ trong “ít sự việc, ít tạo nghiệp, ít mong cầu”, ít quan tâm đến sự việc. Đơn giản, điềm đạm gần như cô độc. Thí dụ, về phương diện tài vật, các bậc thánh Thanh văn xem chúng như rắn độc, không thể gần gũi, không có còn tốt hơn (là có). Nếu là các bậc thánh Đại thừa, thì nhất định sẽ đem tài vật cúng dường Tam bảo, cứu tế người nghèo khổ, sử dụng mà không ghét bỏ chúng. Theo truyền thuyết, khi vua A Dục đi thăm viếng các thánh tích, lúc đến tháp xá lợi của ngài Bạc Câu La, nhà vua nghe người tùy tùng nói: “Vị tôn giả này, lúc sống không cầu xin người khác, cùng không chịu thuyết pháp cho ai hết.” Vua A Dục trong bụng hiềm trách cho là ngài không có ích gì cho đời, bèn chỉ cúng dường một đồng tiền. Nào ngờ lúc cúng đồng tiền lên tháp ngài, thì đồng tiền lập tức bay ra ngoài. Vua A Dục bèn khen rằng: “Ít muốn biết đủ, đến một đồng tiền cũng không nhận, thật là hiếm có!” Do đây có thể tưởng tượng được sự sinh hoạt đạm bạc tự túc của các vị thánh Thanh văn. Trong tâm của các ngài sung mãn, nhưng bề ngoài có vẻ như nghèo nàn thiếu thốn. Còn thái độ sinh hoạt của các bậc thánh Đại thừa thì giàu có sung túc, và hy vọng những người khác cũng được như vậy. Không hiềm có nhiều công đức (càng nhiều càng tốt), tâm địa quảng đại, vô cùng độ lượng. Đối với người, đối với vật, xưa nay chưa từng xả bỏ, mà cũng không nhàm chán. Phàm phu tuy cũng mong cầu không biết đủ, nhưng đều là cho chính mình, còn Bồ tát mong cầu là vì tất cả chúng sinh. Cho nên thái độ sinh hoạt của Bồ tát, không giống như thái độ câu nệ cẩn trọng của các vị thánh Thanh văn. Trong cặp mắt người đời, Bồ tát nhiều ít có vẻ như “không câu nệ tiểu tiết.”

Bất luận là Thanh văn hoặc Bồ tát, do “tín, tuệ” thâm nhập mà đạt được sự tinh tiến kiên quyết, vô cùng mạnh mẽ. Những sự việc mà người đời thấy là gian khổ, trên căn bổn không thể thực hiện được, nhưng các bậc thánh đều có thể khắc phục được chúng. Đặc biệt là các vị Bồ tát có thể làm việc khó làm, nhẫn việc khó nhẫn, trong một tâm cảnh định tĩnh điềm đạm, các ngài có thể vượt qua tất cả.

Thông thường nói “Bát phong bất động”: Lợi, suy, khổ, lạc, xưng (khen), dự (ca ngợi), hủy (chê bai), ky (quở trách), đối với các bậc thánh đã giải thoát, các ngài không nhân vì chúng mà động tâm. Ngay đến lúc sắp chết, các ngài cũng giữ được tâm trạng định tĩnh, an tường, tự tại, không bị cái chết làm nhiễu loạn. Trong kinh nói: “Hoan hỷ xả bỏ thọ mạng”, đây là một thí dụ hay nhất. Như người đời nói: “Biết trước giờ chết”, thì người phàm cũng có thể làm được. Lúc lâm chung, thân thể không bị tử khổ, đối với người có định lực thâm sâu, thì đây không phải là điều khó khăn (ngược lại, các vị A la hán định lực chưa sâu vẫn không tránh khỏi thân khổ). Những sự kiện như “tọa vong” (ngồi chết), “lập thoát” (đứng chết), những loại “muốn chết liền chết”, “vẫy tay rồi chết”, thì ngoại trừ những bậc thánh đã tận trừ ngã chấp, ngã sở chấp ra, những người bình thường không thể làm được. Thế nhưng, không phải vị thánh nào cũng đều có những hành vi (trước khi chết) như vậy.

Trong kinh nói: Lúc đức Phật nhập Niết bàn, các vị đệ tử chưa đoạn hết phiền não, kêu khóc rơi lệ, còn những vị đệ tử đã giải thoát, phiền não tận trừ, thì chỉ cảm giác thế gian vô thường, ngồi yên nín lặng. Đối với con mắt người đời, thì nhất định cho rằng những người khóc lóc là đúng, còn những người thản nhiên im lặng là những kẻ thiếu tình cảm. Thật ra, nếu đắc được chân thật giải thoát thì không còn bi ai khóc lóc. Nếu như vì chết mà khóc, thì tất cả chúng sanh đang chết không ngừng, vậy thì khóc đến bao giờ (mới hết khóc). Ông Trang Tử ở Trung Quốc, mọi người đều cho rằng ông ấy là người “đạt quan” (tâm ý khai mở), lúc vợ ông ấy chết, trong tâm ông ấy mâu thuẫn thống khổ, không cách nào thổ lộ, bèn vỗ bồn mà ca. Điều này chứng minh rằng nội tâm chưa được giải thoát tự tại. Nếu như chân thật giải thoát, cố nhiên là không khóc, mà cũng đâu cần phải vỗ bồn mà ca!

(6) Giải thoát và cứu cánh giải thoát.

Bậc thánh Nhị thừa và Bồ tát, từ sự chứng ngộ mà được giải thoát, vẫn còn có chỗ chưa được viên mãn. Như người phạm tội, tay chân bị gông cùm xiềng xích rất lâu, một khi được phóng thích thì động tác của tay chân vẫn còn chưa hoạt động lại một các tự nhiên (tự tại). Bậc thánh Nhị thừa, tuy đoạn phiền não chứng đắc giải thoát, nhưng tập khí của phiền não đôi lúc vẫn còn phát hiện. Loại tập khí này, tuy không chướng ngại sự giải thoát sinh tử, nhưng chung quy vẫn là một loại khuyết điểm. Nhân vì từ vô thỉ đến nay, phiền não vừa nhiều vừa nặng, ảnh hưởng đến thân tâm một cách sâu xa. Cho nên, tuy do trí tuệ phá trừ phiền não, nhưng thân tâm vẫn không tránh khỏi tập quán do phiền não tạo tác trong đời quá khứ còn sót lại. Loại tập quán này gọi là tập khí. Có rất nhiều trường hợp các bậc thánh Thanh văn có loại tập khí này, như ngài A Na Luật thường hay thóa mạ người khác, ngài Đại Ca Diếp mỗi khi nghe tiếng ca hát bèn nhảy múa. Các loại tập khí này, Bồ tát có thể dần dần tiêu trừ từng phần, nhưng cần phải chứng đắc Phật quả thì mới có thể hoàn toàn thanh tịnh. Phiền não và tập khí tiêu tận thì mới có thể đạt đến cảnh giới giải thoát cứu cánh viên mãn – Phật địa.

Đức Phật và chư Đại bồ tát, cảnh giới giải thoát quá cao. Sự giải thoát của hàng Nhị thừa và sự giải thoát từng phần của Bồ tát, chúng ta cũng chỉ ngưỡng vọng mà chưa thể đạt đến, nhưng chúng cũng đủ làm đối tượng cho chúng ta, hàng đệ tử của Phật, ngưỡng mộ tán thán, dùng đây để hướng dẫn, cổ võ những hành giả học Phật hướng về phía trước mà tiến bước.