NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

10. CÁC EM CẦN LẮM SỰ DẠY DỖ HỢP LÝ CỦA CHA MẸ

Các bậc cha mẹ thân mến,
Dẫu biết rằng đa phần chúng ta phải làm việc vất vả mới có đủ tiền lo cho con cái ăn học; tuy nhiên, dù bận rộn thế mấy, việc dạy dỗ con cái là tối ư quan trọng. Chúng ta không thể nào đổ thừa cho công ăn việc làm rồi lơ là trong vấn đề giáo dục con trẻ được đâu. Các em cần lắm sự dạy dỗ hợp lý của các bậc cha mẹ, chứ các em không thể nào tự mình dò dẫm, dấn bước lang thang trên đường đời để trở thành những con người lương hảo được.

Hãy nhìn về truyền thống cao đẹp của dân tộc ta, với những ông cha, bà mẹ đã tận tụy một đời vì con. Ngày trước, thế hệ cha anh của chúng ta, không kiếm ra tiền nhiều, không có cuộc sống đầy đủ như chúng ta ở đây. Ngược lại, nhiều khi họ phải đầu tắt mặt tối, mới có đủ tiền lo ăn học cho con cái. Họ không là những nhà trí thức, học cao hiểu rộng. Thế nhưng họ vẫn gắng công dạy dỗ cho con cái được nên người hữu dụng. Ngày xưa các cụ thường ngó ra vườn để xem con trai có giỏi, hoặc giả nhìn vào bếp để coi có gái có ngoan không ? Nhà nào có con trai mà ngoài vườn cây cỏ sạch sẽ, gọn gàng, là con trai nhà ấy giỏi. Nhìn vào bếp nút mà đâu đó ngăn nắp sạch sẽ, là con gái nhà ấy ngoan. Ngày xưa nam thời tam cương ngũ thường với quân, sư, phụ và nhân nghĩa, lễ, trí, tín; gái thời tam tòng tứ đức với tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công, dung, ngôn, hạnh. Những kỷ cương đạo lý như vậy quả là khó khăn với thời buổi bây giờ; tuy nhiên, chính những kỷ cương đạo lý đó đã giúp giữ vững đất nước ta trải qua bao cơn sóng gió. Chính những kỷ cương đạo lý đó đã tôi luyện phụ nữ Việt Nam thành những con người dịu dàng thùy mị, ăn biết coi nồi, ngồi biết coi hướng, đi biết thưa, về biết trình… Thanh thiếu niên Việt Nam trong thời cận đại, nhứt là các em sinh ra và lớn lên ở các xứ Âu Mỹ, chắc sẽ không thích hợp với những kỷ cương gò bó nầy đâu; tuy nhiên, lúc nào các em cũng cần đến sự dạy dỗ hợp lý của các bậc cha mẹ

Các bậc cha mẹ thân mến,
Truyền thống cao đẹp của cha anh đã được lưu lại từ đời nầy sang đời khác, dù không được viết thành văn bản, nhưng lúc nào người nhỏ cũng lắng nghe người lớn, tuổi trẻ luôn lắng nghe kinh nghiệm của tuổi già. Lúc nào tôn ti trật tự trong gia đình cũng được tôn trọng. Con cái lúc nào cũng lễ độ và kính trên nhường dưới. Truyền thống sống như vậy đáng được bảo tồn và phát huy lắm quý vị ạ! Các bậc cha mẹ đang sinh sống ở các xứ Âu Mỹ nên cố gắng dung hòa những thuần phong mỹ tục của mình và những cái hay cái đẹp của người, hầu tạo thành một nếp sống thật đặc sắc cho con em chúng ta. Không ai có thể bắt mình phải sống theo quân, sư, phụ, nhưng cũng không ai có thể cấm mình sống theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tương tự, trong xã hội hiện đại, không ai có thể bắt người con gái Việt Nam phải tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử một cách mù quáng; tuy nhiên, tại gia mà biết giúp đỡ và hiếu thảo với cha mẹ, không là đáng quí và đáng kính phục lắm sao ? Xuất giá mà sống ôn nhu hòa nhã và thủy chung với chồng, không là đáng phục lắm sao ? Người con gái mà có đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, không là hãnh diện với các phụ nữ khác trên năm châu hoàn vũ lắm sao ? Các bậc cha mẹ hãy tháo bỏ những hủ tục và dạy dỗ cho con cái mình những cái hay cái đẹp, như vậy cũng là đủ lắm vậy.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Các em không chỉ cần sự nuôi nấng về vật chất, hoặc phát triển trí dục ở trường học, mà các em cần lắm sự dạy dỗ của các bậc cha mẹ về đức dục. Nếu cha mẹ sanh con, chỉ nuôi dưỡng về vật chất, mà không săn sóc dạy dỗ về đức dục; chỉ nuôi cho ăn mặc, mà không biết cách hướng dẫn về tinh thần, bỏ mặc cho con cái theo thời gian mà lớn lên, hoặc chỉ nuông chiều, không cần biết tốt xấu, con đòi gì cũng cho, muốn gì cũng được, bỏ mặc cho con cái thành những đứa con nít lâu năm, thì thật là tội nghiệp cho con trẻ quá. Các em cần lắm sự dạy dỗ hợp lý và thực tiễn nơi quý vị. Dạy dỗ ở đây không chỉ bằng lý thuyết suông, mà bằng lối sống thực tiễn hằng ngày của chính mình. Muốn cho con cái ăn ngay nói thẳng thì chính mình phải ăn ngay nói thẳng. Muốn cho con cái một lòng trung tín thì mình phải luôn giữ chữ tín với mọi người. Muốn cho con cái không ăn mặc lòe loẹt hở han, thì tự mình đừng ăn mặc lòe loẹt hở han trước đã. Muốn cho con cái không bạn bè thâu đêm, thì chính mình đừng bạn bè thâu đêm. Muốn cho con cái ôn nhu hòa nhã, mà bố mẹ cứ gây gổ, đánh chửi nhau mỗi bữa, làm sao con trẻ nghe được ? Cha mẹ không thật thà lương thiện, trách sao được con mua lường bán gạt. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng các em rất tinh tế trong sinh hoạt thường ngày. Những việc làm cao đẹp của cha mẹ, tuy không dạy, nhưng các em vẫn hấp thụ. Nếu cha mẹ làm ăn ngay thẳng và lương hảo, thì con cái chúng ta cũng sẽ trở thành những người hữu dụng cho nhân quần xã hội sau nầy. Tương tự, những việc xấu xa của cha mẹ như rượu chè, cờ bạc, sống buông thả, tánh tình hung hãn, v.v., cũng sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em không ít. Ảnh hưởng gia đình to lớn như vậy đó quý vị ạ ! Các bậc cha mẹ phải lắng nghe và đáp ứng một cách hợp lý những nhu cầu giáo dục của con trẻ. Con cái lớn lên ở đây không như ở Việt Nam; sự khác biệt không chỉ về cuộc sống, mà còn về giáo dục, văn hóa và xã hội nữa. Hơn nữa, đa phần cha mẹ ở đây lắm khi đi làm về thì con cái đã đi ngủ, rồi sáng lại phải đi làm khi các em vẫn còn chưa thức dậy. Chính vì thế mà sự cách biệt càng ngày càng xa. Chính vì thế mà các em gia nhập băng đảng hồi nào cả nhà cũng không hay biết. Một trường hợp thương tâm đã xảy ra ngay giữa một phiên tòa cho thiếu niên tại Quận Cam là vào khoảng năm 1990, có một thiếu niên Việt Nam phạm tội đại hình. Sau khi bị tòa tuyên án mười năm trừng giới, em đã quay lại khóc với cha mẹ rằng nếu ba chịu bớt những ngày đi Las Vegas, hay mẹ chịu bỏ bớt những giờ đi shopping, hoặc đi đánh tứ sắc ở nhà dì Tư thì chắc con đã không có mười năm trừng giới như hôm nay. Quý vị có thấy thương các em nhiều không quý vị ? Các bậc làm cha mẹ có thấy các em cần lắm sự dạy dỗ của quý vị không ? Không có sự dạy dỗ của quý vị, nhiều khi các em sẽ phải sống trong xót xa buồn tủi vì tương lai tăm tối. Không có sự dạy dỗ của quý vị, những tâm hồn non trẻ sẽ đi về đâu ngoài sự hư hỏng, hoặc sẽ bị chôn vùi trong bốn bức tường khổ nhục của các nhà trừng giới hay lao tù.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Sự dạy dỗ con cái ở xứ nầy không như ở xứ mình. Chúng ta không thể hỡ ra là mắng mỏ, hở ra là chửi bới. Con cái chúng ta lớn lên ở đây nên các em rất cởi mở vì thế chúng ta phải tìm cách dạy dỗ các em thật cởi mở và thật ôn tồn thì may ra các em mới chịu lắng nghe. Chúng ta phải luôn nhớ rằng hai nếp sống Đông và Tây vốn dĩ trái ngược nhau từ cơ bản; tuy nhiên, Đông cũng có cái hay, mà cũng có cái dở. Tây cũng vậy, hay cũng có, mà dở cũng có. Vậy nếu chúng ta còn biết nghĩ tới tương lai của con trẻ, thì chính chúng ta phải cố mà hội nhập với những cái hay của Tây, để từ đó chúng ta dễ dàng thông cảm với các em hơn. Để từ đó chúng ta sẽ có một đường hướng dạy dỗ các em một cách hợp lý và thực tiễn hơn. Xin các bậc làm cha mẹ hãy dồn hết những tình yêu chân thật cho con cái mình. Hãy vì tương lai con em mà tiếp tục hi sinh chính những thụ hưởng bản thân. Tương lai con trẻ là hoàn toàn nằm trong tay của các bậc cha mẹ. Con trẻ được lên đỉnh danh vọng của công thành danh toại, hay bị nhận chìm xuống hố sâu vực thẳm là hoàn toàn do quý vị quyết định. Hãy đem hết tình yêu cao cả của bậc làm cha mẹ mà dồn cho các em. Cho dù các em có học giỏi hay dở ở trường, chúng ta cũng phải khéo léo khuyến tấn và giúp đỡ, chứ đừng nên chửi mắng hắt hủi. Cho dù các em có được điểm A hay điểm C, thì các em vẫn là những đứa con thân yêu của chúng ta. Điểm C với sự cố gắng hết sức của các em quả đáng được chúng ta khen thưởng và khuyến tấn lắm vậy. Điểm C mà các em ngoan ngoãn dễ thương, biết kính trên nhường dưới, biết thương yêu đồng loại, biết thật thà ngay thẳng, thì còn điểm nào tốt hơn những điểm nầy ?

Tóm lại, các em cần lắm sự dạy dỗ hợp lý và thực tiễn từ các bậc cha mẹ. Sự dạy dỗ hợp lý và thực tiễn nầy chỉ tìm thấy trong những gia đình trên thuận dưới hòa, những gia đình yên vui hạnh phúc, hoặc những gia đình mà trong đó cả cha lẫn mẹ đều biết thương yêu đùm bọc con cái, biết tha thứ, cởi mở và cùng nhau nâng đỡ trong những lúc thăng cũng như trầm của cuộc đời. Còn gì lý tưởng khi cha nói mẹ nghe, mẹ nói cha nghe; cha mẹ nói con cái lắng nghe, và khi con cái nói, cha mẹ cũng lắng nghe. Còn gì lý tưởng cho bằng khi cả cha mẹ và con cái cùng có những buổi nói chuyện thật cởi mở, thật vui tươi với toàn là những nụ cười của tình yêu thương chan chứa. Quý vị ơi ! Tiền bạc, chức tước, quyền uy, danh vọng, rồi chúng ta sẽ bỏ lại sau lưng, nhưng tương lai con cái của chúng ta sẽ mãi còn đó, từ thế hệ nầy đến thế hệ khác. Xin hãy trao lại cho con em chúng ta những phẩm cách và đạo đức làm hành trang vào đời, để các em chẳng những thành công rạng rỡ, mà lúc nào các em cũng có một cuộc sống thật xứng đáng trong lòng văn hóa của người và của ta.