NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Đại Sư Pháp Hải
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời đại sư Pháp Hải

Hơn mười năm qua tọa hạ tầm thầy hỏi đạo, tự lợi, lợi tha khôn ngăn khâm phục. Nay ngài buông xuống muôn duyên, nhất tâm niệm Phật, lấy cái Giác nơi quả địa làm cái tâm tu nhân, ắt sẽ tự chứng Niệm Phật tam-muội, lâm chung chắc chắn lên Thượng Phẩm. Đã chịu dốc lòng, quyết được thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật thì đông, chứng được tam-muội thật ít lắm, ấy là do chưa thể “buông xuống toàn thân, chỉ đề khởi một niệm”! Do vậy, thành ra tâm và Phật khó thể tương ứng. Tọa hạ đã chân thành, thiết tha buông xuống, quyết chẳng lẽ nào không chứng đắc; nhưng đối với những chuyện liễu sanh thoát tử, minh tâm kiến tánh, và “nắm được mấu chốt sự chứng đạo” cần phải phân biệt đôi chút.

Nếu dựa theo giáo lý thông thường để tu thì dù đã minh tâm kiến tánh vẫn còn cách liễu sanh thoát tử xa lắm! Bởi minh tâm kiến tánh là ngộ, chứ chưa phải là chứng. Người đời nay ngộ được còn ít, huống chi là chứng! Chứng là Hoặc nghiệp hết sạch, đã đoạn cái nhân sanh tử, tự chẳng cảm lấy cái quả sanh tử. Bậc Sơ Quả bảy lần sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian mới đoạn sạch được Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chứng quả A La Hán. Ngài Thiên Thai (Trí Giả đại sư) thị hiện ở địa vị Ngũ Phẩm, ngài Nam Nhạc[1] thị hiện ở địa vị Thập Tín. Bậc đại sĩ như thế còn tự ẩn đức mình, thị hiện trong địa vị nội ngoại phàm phu[2], thì việc chứng đạo không phải là chuyện dễ. Đây là ước theo giáo lý thông thường, muốn ngay trong một đời này chứng đạo khó lắm.

Nếu căn cứ theo pháp môn đặc biệt mà đức Như Lai đã lập “sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương” thì trên đến bậc Đẳng Giác, dưới đến phường Ngũ Nghịch, Thập Ác không ai chẳng nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đã sanh về Tây Phương thì ngộ đạo, chứng đạo đều giống nhau khít khao, cực nhanh, cực dễ. Tọa hạ đã chuyên tâm niệm Phật, nhưng đối với chuyện lâm chung chẳng nói là “vãng sanh” mà nói là “bằng cớ chứng đạo đến tay”. Phàm nói “chứng đạo” là được rồi, há nên nói là “bằng cớ đến tay”. Bằng cớ đến tay thì không cần phải bàn nữa, nếu bằng chứng không nắm được thì làm sao đây? Xem ngữ ý của các hạ tợ hồ chỉ niệm Phật chứ không sanh lòng tin, không phát nguyện cầu sanh! Đấy là cách Thiền, Giáo dùng câu niệm Phật như câu thoại đầu vậy, chứ không phải là pháp Tín – Nguyện – Hạnh ba điều cùng hành trong Tịnh Tông. Không tín nguyện niệm Phật so với tham Thiền, khán thoại đầu tuy công đức lớn hơn, nhưng chưa tự đoạn Hoặc, cậy vào tự lực sẽ chẳng thể liễu thoát.

Lại nữa, không có tín nguyện sẽ chẳng được Phật tiếp dẫn liễu thoát, nên vẫn là pháp môn thông thường cậy vào tự lực. Chứng đạo kiểu này chẳng phải dễ dàng chi lắm! Đừng bảo tín nguyện cầu sanh là hèn kém, Hoa Tạng hải hội đều cùng dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh làm chỗ kết thúc cuối cùng cho kinh Hoa Nghiêm. Huống chi tất cả ngôn giáo của các Bồ Tát, tổ sư Tịnh Độ, đều dạy tín nguyện cầu sanh. Sao tọa hạ lại tự lập môn đình, chẳng dựa theo quy củ đã thành lập của Phật, của Tổ?

Vả nữa, người suốt đời suốt ngày trọn năm niệm Phật há có nên đối với Phật chẳng hành lễ kính? Trong mười đại nguyện vương, lễ kính đứng đầu. Mọi chuyện tọa hạ có thể bỏ, chứ lễ kính quyết chẳng được bỏ! Nếu không lễ Phật, sẽ khó cảm thông. Vì sao vậy? Do thân mong cầu an nhàn, thong dong, nên tâm thành cũng không cách nào đạt đến cùng cực được! Ngài Thiện Đạo chuyên tu, thân nghiệp chuyên lễ, khẩu nghiệp chuyên xưng, ý nghiệp chuyên niệm. Niệm đến cùng cực thì vị Phật trong tâm và vị Phật bên ngoài hệt như một không hai. Chứng đạo như vậy thì sự chứng đạo do tự lực chẳng thể nào so sánh được. Cổ nhân nói: “Kẻ hèn kém nhờ vào sức Luân Bảo[3] một ngày có thể đi khắp bốn đại bộ châu[4]”, há có nên dùng pháp môn Niệm Phật đặc biệt để tu quán hạnh theo đường lối tự lực thông thường? Quang tuy hạ ngu, chẳng dám tán thành. Nếu đem cái tâm thanh tịnh mảy trần chẳng nhiễm này để viên chứng tam tâm thì đời này tự chứng tam-muội, lâm chung vãng sanh Thượng Phẩm, xin mừng trước cho tọa hạ. Một tấm lòng ngu, kính mong soi xét.

***

[1] Tức ngài Huệ Tư, thầy của tổ Trí Khải.

[2] Là những địa vị trước khi đạt đến địa vị Kiến Đạo. Theo Thành Thật Luận, tu hành Phật đạo chưa thấy được chánh lý thì gọi là “phàm phu”. Có trí giải tương tự đối với Chánh Lý thì gọi là “nội phàm”, chưa phát được tương tự trí giải thì gọi là “ngoại phàm”. Trong Tiểu Thừa, ba địa vị Ngũ Đình Tâm, Biệt Tướng Niệm Xứ, Tổng Tướng Niệm Xứ là “ngoại phàm”; bốn địa vị thiện căn Noãn, Đảnh, Nhẫn, Thế Đệ Nhất là “nội phàm”. Trong Đại Thừa, Thập Tín Phục Nhẫn là “ngoại phàm”, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng là “nội phàm”; những địa vị này còn gọi là Địa Tiền Bồ Tát.

[3] Tức Kim Luân Bảo (bánh xe bằng vàng) của Chuyển Luân Thánh Vương, Luân Vương ngự trên luân bảo này bay đi khắp bốn bộ châu.

[4] Bốn đại bộ châu là Nam Thiệm Bộ Châu (Diêm Phù Đề), Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu và Đông Thắng Thần Châu. Bốn châu này ở quanh núi Tu Di.