Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

THỌ DỤNG CỤ TÚC ĐỆ THẬP CỬU

Phẩm này đặc biệt nói rõ về “phước đức vô lượng”, ở thế giới Cực Lạc từ y phục, thức ăn, cung điện v.v… thảy đều “ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc” (theo ý nghĩ liền xuất hiện trước mặt, không gì là chẳng đầy đủ).

KINH VĂN: 

Phục thứ, Cực Lạc thế giới, sở hữu chúng sinh, hoặc dĩ sinh, hoặc hiện sinh, hoặc đương sinh, giai đắc như thị chư diệu sắc thân. Hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí tuệ minh liễu, thần thông tự tại. Thọ dụng chủng chủng nhất thiết phong túc, cung điện, phục sức, hương, hoa, phan cái, trang nghiêm chi cụ, tùy ý sở tu tất giai như niệm.

VIỆT DỊCH: 

Lại nữa, trong Cực Lạc thế giới, tất cả chúng sinh, hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh, đều được các sắc thân mầu nhiệm như thế. Hình mạo đoan nghiêm, phước đức vô lượng, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại. Hết thảy thọ dụng dư dật, cung điện, phục sức, hương, hoa, phan lọng, vật trang nghiêm, các thứ cần dùng đều như ý muốn.

GIẢNG:

Mấy câu đầu của đoạn kinh văn trên là tiếp nối ý “dung sắc vi diệu” của phẩm trước. Chúng sinh trong cõi Cực Lạc, dù đã vãng sinh, hoặc đang vãng sinh, hay sẽ vãng sinh, đều được như thị chư diệu sắc thân, hình mạo đoan nghiêm(sắc thân mầu nhiệm như thế, hình mạo đoan chính trang nghiêm). Những câu kinh kế tiếp sau đó, là nói rõ các thứ thọ dụng của chúng sinh nơi cõi Cực Lạc, tất cả đều rất phong túc, dư dật, như ý sở nguyện.

Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ nói: “Do bỉ giới trung, chư hữu tình loại, vô hữu nhất thiết thân tâm ưu khổ, duy hữu vô lượng thanh tịnh hỷ lạc” (Do các hữu tình trong thế giới ấy, chẳng có tất cả nỗi khổ nơi thân, nơi tâm, chỉ hưởng vô lượng hỷ lạc thanh tịnh);

Phẩm ba mươi hai “Quyết Chứng Cực Quả” trong kinh này cũng bảo: “Duy thọ thanh tịnh tối thượng khoái lạc” (Chỉ hưởng khoái lạc thanh tịnh tối thượng). Ðó là phước đức vô lượng”.

Trí tuệ minh liễu(Trí tuệ sáng suốt): Chữ “minh” ở đây là minh bạch, rõ ràng; chữ “liễu” là rạch ròi, phân minh. “Trí tuệ minh liễu” là trí tuệ viên mãn; thử giới tha phương, tất cả cõi nước chư Phật họ đều hiểu rõ, không đâu mà không thông đạt. Đây là kết quả của nguyện thứ ba mươi ba “Quang minh,tuệ,biện tài”. Trong nguyện này, Phật đã phát nguyện: “thành tựu tất cả trí tuệ”. Phẩm thứ ba mươi “Bồ Tát Tu Trì” trong kinh này cũng nói, tất cả Bồ Tát trong cõi Cực Lạc “chư Phật mật tạng, cứu cánh minh liễu” (đối với các mật tạng của chư Phật đều hiểu rõ rốt ráo). Đây đều là diễn tả ý “trí tuệ minh liễu”.

– Chữ “mật tạng” ở đây là ý nghĩa gì?

Theo Hòa Thượng Tịnh Không:

– Chư Phật chắc chắn không có mật ý. Sở dĩ nói “mật tạng”, vì trí tuệ của Phật quá cao, chẳng những chúng sinh không thể hiểu, mà ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cũng không thể hiểu.

Phần trước, chúng ta đã học qua, chấm nhỏ của sợi lông, hạt bụi, đây là “mật tạng” của chư Phật. Điểm nhỏ này giống như phát hiện của các nhà khoa học hiện đại, khoảng hai, ba mươi năm gần đây, họ đã tìm ra lượng tử, cũng gọi là tiểu quang tử. Tiểu quang tử lớn bằng một phần trăm ức của điện tử; cũng tức là: Một trăm ức tiểu quang tử mới hình thành một điện tử. Nhục nhãn chúng ta, ngay cả kính hiển vi thông thường, cũng không thể nào thấy được trong tiểu quang tử lại có thế giới.

– Thế giới này lớn bao nhiêu?

– Bằng hư không pháp giới hiện thực của chúng ta.

Trong thế giới này còn có chấm nhỏ. Trong chấm nhỏ còn có thế giới. Trùng trùng vô tận! Đây là “mật tạng” của Như Lai. “mật tạng” của chư Phật cũng bao gồm tất cả trí tuệ thông đạt, rõ biết: Vũ trụ từ đâu đến? Con người từ đâu đến? Vì sao có những hiện tượng này? v.v. Không cần học cũng liễu tri.

– Ai là người thật sự rõ biết được “chư Phật mật tạng”?

– Là Bồ tát Đẳng Giác! Nếu nói theo kinh này thì, tất cả chúng sinh ở thế giới Cực Lạc đều có năng lực “trí tuệ minh liễu”.

Việc này, có rất nhiều người không tin. Chúng ta thì rất khẳng định tin, một chút hoài nghi cũng không có. Vì sao vậy? – Bởi tất cả pháp “duy tâm sở hiện”. Cái “tâm” này chính là tự tánh, là chân tâm của chúng ta. Người vãng sinh Tây phương Cực Lạc đều minh tâm kiến tánh. Đã minh tâm kiến tánh, thì làm sao không biết được tác dụng của tự tâm. Tự tâm hay tự tánh đều ngay ở chính mình, không phải từ bên ngoài, do vậy mà tất cả vạn pháp đều thông đạt cả. Đó vốn là như vậy! Đó vốn là tự nhiên!

– Vì sao hiện tại chúng ta không có “trí tuệ minh liễu”? – Vì chúng ta có chướng ngại! Có vọng tưởng, chấp trước! Có “tri kiến lập tri”! Cái “lập tri” nầy là gốc của vô minh. “Tri kiến” “trí tuệ minh liễu”. Khi khởi tâm động niệm, chính là đã “lập tri”. Từ “tri kiến” sáng suốt, không phân biệt, lại lập thêm một cái “tri phân biệt”! Sai lầm là ở chỗ này! Khiến “trí tuệ minh liễu” không thể hiện tiền.

Chư Phật Như Lai thần thông tự tại”, đi, đứng, ngồi, nằm các Ngài đều ở trong định. Tâm chúng ta là động, nên không có trí tuệ! Muốn cầu trí tuệ, phải tận lực gìn giữ tâm mình, không để cho ngoại cảnh chi phối, phiền não nhiễm ô lay động. Tôi thường khuyên các đồng tu hãy buông bỏ tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn thì tâm sẽ được Định. Cái Định nầy tuy chưa sâu, nhưng cũng giúp chúng ta khai trí tuệ. Chư vị Cổ đức thường nói: Tu hành trong Phật pháp, chính là một chữ “buông” – buông xả. Từ sơ phát tâm đến Như Lai quả địa, không gì khác hơn là hạnh “buông xả”.  Có thể buông xả một phần thì tâm nhìn thấu được một phần. Nhìn thấu chính là trí tuệ.

Thần thông tự tại” cũng chính là “thần thông biến hóa, nhất thiết thiên nhân bất khả vi tỷ, bách thiên vạn ức, bất khả kế bội” (Thần thông biến hóa, tất cả trời, người không thể sánh được, vượt hơn đến trăm ngàn vạn ức lần chẳng thể tính nổi).

Trong phẩm Bồ Tát Tu Trì, có câu: “Dĩ phương tiện trí, tăng trưởng liễu tri, tùng bổn dĩ lai, an trụ thần thông” (Dùng trí phương tiện tăng trưởng sự hiểu biết rõ ràng; xuất phát từ cái gốc, an trụ trong thần thông). Cái gốc ở đây là “Căn Bản Trí”; trí tuệ ứng dụng là “Hậu Đắc Trí”. Có câu “Đản đắc bổn, mạc sầu mạt” (Đã nắm được cái gốc, còn lo chi cái ngọn). Các loại thần thông cũng là “Hậu Đắc Trí”, là bản năng của chính mình.

Do “phước đức vô lượng”, nên cảm được thọ dụng chủng chủng nhất thiết phong túc(tất cả các thứ thọ dụng đều dư dật). Những cung điện, phục sức, hương hoa, phan cái, trang nghiêm chi cụlà thành tựu của “Hậu Đắc Trí”. Trên nhân địa mà nói, là do bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà. Chữ “oai thần” ở đây là chỉ cho năm kiếp tu hành, thành tựu bổn nguyện công đức.

“Tùy ý sở tu, tất giai như niệm(Các  thứ cần dùng, đều theo ý muốn): Người ở thế giới Cực Lạc không thiếu thốn chi cả, tất cả đều “tùy tâm sở hiện”: Khi cần, nó sẽ hiện; khi không cần, nó tự nhiên biến mất, không cần phải dọn dẹp, phải cất vào kho. Điều nầy, thật không thể nghĩ bàn! Khoa học ngày nay cũng thừa nhận, đó chính là tác dụng của chuyển biến từ năng lượng sang vật chất, từ vật chất sang năng lượng. Họ hiểu được nguyên lý này, nhưng không biết cách nào để thực hiện!

Thế giới Cực Lạc đã biết từ lâu. A Di Đà Phật là nhà khoa học vĩ đại nhất trong vũ trụ. Cho nên, năm xưa khi tôi giảng bộ kinh này, đã khuyên các nhà khoa học nên đến Tây phương Cực Lạc du học. Nếu họ không đi, thì những thứ họ học được, chỉ là rất có hạn!

Tùy ý sở tu, tất giai như niệm”: Tất cả đều tâm tưởng sự thành, một mảy mai chướng ngại cũng không có. Không như thế gian này của chúng ta: Dục giới có ba thứ khổ:  Khổ Khổ, Hoại Khổ và Hành Khổ. Trời “Sắc Giới”, “Khổ Khổ” không có, nhưng vẫn có “Hoại Khổ” “Hành Khổ”. Đến “Vô Sắc Giới”, thì “Hoại Khổ” không còn, vì họ không có sắc thân, nhưng vẫn có “Hành Khổ”, vì họ không thể duy trì vĩnh viễn được thọ mạng của chính mình. Kinh Pháp Hoa nói: “Tam giới vô an, do như hỏa trạch” (Ba cõi không an, giống như nhà lửa). Thế gian này, chân thật chẳng có ngày vui! Chúng ta còn chần chờ gì mà không vội quyết tâm niệm Phật cầu sinh Cực Lạc?!

KINH VĂN: 

Nhược dục thực thời, thất bảo bát khí tự nhiên tại tiền, bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn. Tuy hữu thử thực, thật vô thực giả. Đản kiến sắc, văn hương, dĩ ý vi thực, sắc lực tăng trưởng, nhi vô tiện uế, thân tâm nhu nhuyễn, vô sở vị trước. Sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện.

VIỆT DỊCH: 

Nếu lúc muốn ăn, bình bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra trước mặt, thức ăn trăm vị tự nhiên đựng đầy ắp trong đó. Tuy có thức ăn như vậy, nhưng không thật sự có ăn uống. Chỉ thấy hình sắc, ngửi mùi hương, liền nghĩ là đã ăn, sắc lực tăng trưởng, chẳng có đại tiểu tiện nhơ uế, thân tâm nhu nhuyễn, không tham đắm mùi vị. Dùng xong, thức ăn liền biến mất, đến giờ ăn lại hiện ra.

GIẢNG: 

Đoạn kinh văn nầy nói về “ẩm thực tự tại”. “Nhược dục thực thời” (nếu lúc muốn ăn). Chữ “nhược” ở đây là giả thiết. Giả sử lúc muốn ăn thì thức ăn hiện tiền; nếu không muốn thì nó biến mất. Chữ then chốt trong câu này là chữ “dục”. – Vì sao lại muốn ăn? – Vì tập khí cũ chưa quên! Rất có thể, đây là những người mới vãng sinh đến, do thói quen, có lúc họ khởi niệm: Sao chưa đến giờ ăn? Ý niệm này vừa khởi, thì thức ăn liền hiện ngay trước mắt. Quả thật là tâm tưởng sự thành.

“Thất bảo bát khí tự nhiên tại tiền” (Bình bát bằng bảy báu tự nhiên hiện ra). Chữ “bát” trong “bát khí” (缽 器) là gọi tắt của chữ Phạn “Bát Ða La” (Patra), Hán dịch là “Ứng Khí”, hoặc “Ứng

Lượng Khí”.  Đó là vật dụng đựng thức ăn của người xuất gia. Bản Hán dịch ghi: “Mãn kỳ trung bách vị ẩm thực tự tứ, nhược tùy ý tắc chí, diệc vô sở tùng lai, diệc vô hữu cung tác giả, tự nhiên hóa sinh nhĩ” (Thức ăn trăm vị mặc lòng chứa đầy ắp trong bát, tùy ý hiện đến, cũng chẳng từ đâu đến; cũng chẳng cần phải cung cấp, nấu nướng, chỉ tự nhiên hóa sinh mà thôi). Như vậy, các thứ như bình bát, thức ăn v.v. đều từ bổn nguyện của Phật Di Ðà cảm thành, nên chẳng cần phải tạo tác, cứ tự nhiên xuất hiện.

Bách vị ẩm thực, tự nhiên doanh mãn(Thức ăn trăm vị, tự nhiên đựng đầy ắp trong đó). Chữ “bách vị” chỉ trăm thứ mùi vị ngon lành, có nhiều cách giải thích: Thời xưa, khi Hoàng Đế dùng cơm, mỗi bữa ăn có một trăm món. Trên sự mà nói, đó chỉ là cách nói hình dung, là biểu trưng văn hóa ăn uống của nhà giàu sang quyền quý.

Tuy hữu thử thực, thật vô thực giả(Tuy có thức ăn như vậy, nhưng không thật sự có ăn uống): Do chúng sinh cõi Cực Lạc là hóa sinh từ hoa sen, thân thanh hư, thể vô cực, không phải thân huyết nhục, nên chẳng hề có cái khổ đói, khát. Vì vậy họ chẳng cần ăn uống. Cho nên, “đản kiến sắc, văn hương, dĩ ý vi thực” (chỉ thấy hình sắc, ngửi mùi hương, liền nghĩ là đã ăn) chớ thật sự chẳng ăn uống gì. Những thức ăn ấy lại có công dụng tăng thượng: Tăng trưởng hình sắc, sức lực. Ăn xong, chẳng có đại tiểu tiện nhơ uế nên nói: “Sắc lực tăng trưởng, nhi vô tiện uế”. Rõ ràng, ở thế giới Cực Lạc, mọi thứ đều siêu thế hi hữu. Quay nhìn lại thân thể chúng ta, là bộ cơ khí, rất cần có năng lượng. Năng lượng này hấp thụ từ thức ăn, để nuôi dưỡng cơ thể. Việc này rất phiền phức!

Người ở thế giới Cực Lạc “thân tâm nhu nguyễn, vô sở vị trước” (thân tâm nhu nhuyễn, không tham đắm mùi vị): Đây là công phu. Phẩm “Bồ tát tu trì” trong kinh này bảo: “Ư sở thọ dụng, giai vô nhiếp thủ” (Với tất cả thọ dụng, đều không có tâm giữ lấy) và “xả ly nhất thiết chấp trước” (lìa bỏ tất cả chấp trước). Vì thế, “vô sở vị trước” (chẳng tham đắm mùi vị). Ăn xong, thức ăn tự nhiên biến đi; khi muốn ăn, thức ăn liền hiện ra, tất cả đều tự tại vô ngại, nên nói : “Sự dĩ hóa khứ, thời chí phục hiện“.

Ðoạn kinh văn trên hiển thị môn “trang nghiêm thọ dụng công đức thành tựu” của Vãng Sinh Luận. Bài kệ trong Luận như sau: “Ái nhạo Phật pháp vị, thiền tam-muội vi thực” (Yêu thích Phật pháp vị, dùng thiền tam-muội làm thức ăn).

“Ái nhạo Phật pháp vị” (Yêu thích Phật pháp vị) là như khi Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh Phật nói kinh Pháp Hoa suốt sáu mươi tiểu kiếp, người nghe kinh trong pháp hội, khi ấy cũng ngồi yên một chỗ, suốt sáu mươi tiểu kiếp mà tưởng chừng như trong khoảng bữa ăn, không có một ai, dù thân hay tâm, sinh tâm nhọc mỏi. Đấy là do “thiền duyệt vi thực”.

Sách Luận Chú giảng: “Vì thế, Phật hưng khởi đại nguyện, nguyện trong cõi nước ta, dùng Phật pháp, Thiền Ðịnh, tam-muội làm thức ăn; dứt trọn cái khổ ăn uống nơi phương khác”. 

KINH VĂN: 

Phục hữu chúng bảo diệu y, quan, đới, anh lạc, vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc, tự nhiên tại thân. 

VIỆT DỊCH: 

Lại có các thứ y báu tốt đẹp, mũ, đai, chuỗi anh lạc vô lượng quang minh, trăm ngàn sắc nhiệm mầu, thảy đều đầy đủ, tự nhiên khoác trên thân. 

GIẢNG: 

Đoạn kinh văn trên thuật rõ, người ở cõi Tây phương Cực Lạc, tự tại thọ dụng y phục lẫn vật trang sức.

“Quan” là mũ, nón. “Đới” là dây thắt lưng (đai). Nam, nữ thuộc giới quý tộc Ấn Độ thường kết ngọc thành chuỗi, đeo trên thân gọi là “anh lạc”.

Châu báu ở Tây phương Cực Lạc và châu báu ở thế gian chúng ta khác nhau. Châu báu ở thế gian thường bằng chất liệu rất cứng. Châu báu ở cõi Cực Lạc rất mềm mại giống như tơ lụa. Các thứ y phục, trang sức ở thế giới Cực Lạc đều do các thứ báu hợp thành, nên nói “chúng bảo diệu y” (các y phục báu đẹp). Do các báu hợp thành nên có vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc”. Như Quán Kinh nói: “Nhất nhất bảo trung, hữu ngũ bách sắc quang

(Mỗi thứ báu tỏa ra năm trăm sắc quang) và “nhất nhất quang minh, bát vạn tứ thiên sắc” (mỗi quang minh có tám vạn bốn ngàn màu). Thật là vô vàn muôn vẻ, bảo quang diệu sắc, quả thật là vô cùng tận!

Trong mỗi sắc lại phóng quang minh như Quán kinh nói: “Lưu ly sắc trung xuất kim sắc quang, pha ly sắc trung, xuất hồng sắc quang” (Trong sắc lưu ly tỏa ánh sáng vàng ròng; trong sắc pha lê tỏa ánh sáng màu hồng v.v.). Quang sắc trùng trùng, không thể tả xiết.. Các y phục, vật trang sức, trang nghiêm trọn vẹn như vậy, tự nhiên hiện trên thân chẳng cần phải nhọc công tạo tác, nên nói:  “Tất giai cụ túc, tự nhiên tại thân”.

KINH VĂN: 

Sở cư xá trạch, xứng kỳ hình sắc. Bảo võng di phú, huyền chư bảo linh, kỳ diệu, trân dị, châu biến hiệu sức, quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ. Lâu, quán, lan thuẫn, đường, vũ, phòng, các, quảng hiệp phương viên, hoặc đại, hoặc tiểu, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa, thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc. 

VIỆT DỊCH:

Nhà cửa họ ở đều tương xứng với hình sắc. Lưới báu trùm khắp, treo các linh báu kỳ diệu, quý lạ, trang hoàng trọn khắp, quang sắc chói lòa, trang nghiêm đẹp đẽ đến cùng cực. Lầu, quán, lan can, đường vũ, phòng, gác: rộng, hẹp, vuông, tròn, dù lớn hay nhỏ, hoặc ở trên không hay trên mặt đất đều thanh tịnh an ổn, vi diệu, khoái lạc, ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước, không thứ gì chẳng đầy đủ. 

 GIẢNG: 

Đoạn kinh văn trên nói rõ hoàn cảnh cư trú ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

Sở cư xá trạch, xứng kỳ hình sắc(Nhà cửa họ ở đều tương xứng với hình sắc). Xá trạch” là nhà ở, tục thường gọi là túc xá, trú trạch.

Sách Hội Sớ giảng chữ “hình sắc” như sau: “‘Hình’ là thân lớn hay nhỏ; ‘sắc’ là xanh, vàng, đỏ, trắng”.

Theo chú giải của cụ Hoàng, câu này có thể hiểu theo hai cách: Một là hình thể và màu sắc của phòng ốc tương xứng, hòa hợp với nhau. Hai là hình dáng, kết cấu, màu sắc, kích thước v.v… của nhà cửa đều tương xứng với sắc tướng của người sống trong ấy.

Bảo võng di phú, huyền chư bảo linh, kỳ diệu, trân dị, châu biến hiệu sức, quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ(Lưới báu trùm khắp, treo các linh báu kỳ diệu, quý lạ, trang hoàng trọn khắp, quang sắc chói lòa, trang nghiêm đẹp đẽ đến cùng cực): “Bảo võng” là lưới do các viên bảo châu kết thành. “Di phú” là phủ kín. “Huyền” là treo. “Bảo linh” là loại phong linh (windchime) do các thứ trân bảo tạo thành khi gió thổi ngang qua, liền phát ra những âm thanh vi diệu. “Kỳ diệu trân dị” là lạ lùng, đặc sắc, đẹp đẽ, tinh xảo, quý báu, hiếm lạ. Câu kinh nầy khen ngợi sự thù thắng của các thứ báu hợp thành lưới và linh. “Châu biến” nghĩa là khắp tất cả không sót chỗ nào.

Sách Hội Sớ giảng chữ “hiệu sức” “tương giao trang sức”, có nghĩa là “đan xen lẫn nhau để tô điểm”. “Hoảng diệu”: “Hoảng” là rực rỡ, tỏa rạng, “diệu” là chiếu soi. Phần trước đã nói: Trong quang minh có sắc tướng, trong sắc tướng có quang minh, chiếu soi lẫn nhau nên bảo là “quang sắc hoảng diệu” (quang sắc chói ngời).

“Nghiêm lệ”: “Nghiêm” là trang nghiêm, “lệ” là tráng lệ, đẹp đẽ. “Tận cực nghiêm lệ” là đẹp đẽ đến cùng cực.

“Lâu, quán, lan thuẫn, đường, vũ, phòng, các, quảng hiệp phương viên, hoặc đại, hoặc tiểu, hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa, thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc” (Lầu, quán, lan can, đường vũ, phòng, gác: Rộng, hẹp, vuông, tròn, dù lớn hay nhỏ, hoặc ở trên không hay trên mặt đất đều thanh tịnh an ổn, vi diệu, khoái lạc, ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước, không thứ gì chẳng đầy đủ)

“Ðường vũ”: “Đường” là tòa nhà lớn, từ thời Hán trở đi gọi là “điện”. “Vũ” là dãy phòng ở hai bên điện, hoặc dãy nhà phụ của điện. “Phòng” là chỗ ở. Chỗ ở chính giữa điện gọi là “chánh thất”, những chỗ ở thuộc các dãy nhà phụ gọi là “phòng”. “Các” là lầu. “Phương viên” là hình dáng vuông vức hay tròn trịa. Hơn nữa, những gì xây dựng thành một dãy thẳng cũng gọi là “phương”; xây theo đường cong thì gọi là “viên”. Nếu xây theo hình cánh quạt thì được xem như là có cả hình dáng vuông lẫn tròn. Mỗi kiến trúc lớn, nhỏ, cao, thấp hoặc tại hư không, hoặc tại bình địa(hoặc ở trên không hay trên mặt đất) đều vừa ý người ở, hễ nghĩ đến liền hiện ra.

Thế gian nầy, việc không vừa ý có đến tám, chín phần mười, muốn xứng tâm vừa ý là việc rất khó! Nếu có chăng chỉ là trong thoáng chốc, không phải cái vui chân thật!

Bản Ngô dịch chép: “Sở cư thất bảo xá trạch, trung hữu tại hư không trung giả, hữu tại địa giả. Trung hữu dục linh xá trạch tối cao giả, xá trạch tức cao. Trung hữu dục linh xá trạch tối đại giả, xá trạch tức đại. Trung hữu dục linh xá trạch tại hư không giả, xá trạch tức tại hư không trung. Giai tự nhiên tùy ý, tại sở tác vi” (Sống trong nhà cửa bằng bảy báu; trong những nhà cửa ấy, có cái ở trên hư không, có cái trên mặt đất. Nếu sống trong ấy muốn nhà thật cao, thì nhà liền cao. Nếu sống trong ấy, muốn nhà thật lớn thì nhà liền lớn. Nếu sống trong ấy, muốn nhà trên hư không thì nhà liền ở trên hư không. Tất cả đều tự nhiên hiện tiền theo ý muốn).

Bản Ðường dịch ghi: “Ư chúng sinh tiền, tự nhiên xuất hiện. Nhân giai tự vị các xử kỳ cung” (Tự nhiên xuất hiện trước chúng sinh, ai nấy tự cho là mình ở trong cung điện ấy). Chúng sinh vô lượng nên cung điện cũng có vô lượng, dung nhập lẫn nhau, dù đây hay kia, cũng không hề trở ngại, đã hiển thị rõ “Pháp giới sự sự vô ngại” ở cõi Tây phương Cực Lạc.

“Thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc, ứng niệm hiện tiền, vô bất cụ túc”. Sách Hội Sớ giảng: “thanh tịnh an ổn, vi diệu khoái lạc” như sau: “Không có Ngũ Trược nên thanh tịnh; không biến đổi nên an ổn, ngay đến từng hạt bụi, cũng chẳng thể nghĩ bàn, nên vi diệu. Vĩnh viễn xa lìa nỗi khổ não nơi thân tâm, nên khoái lạc”. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đây là nói, người ở thế giới Cực Lạc đã chuyển thức thành trí. Họ không còn khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, hoàn toàn dùng trí tuệ, siêu việt mười pháp giới, không còn biến dịch.

Theo Vãng Sinh Luận, tất cả sự việc nêu trên đều từ một “thanh tịnh cú” biến hiện, nên bảo là “thanh tịnh”. Các thọ dụng chẳng thể nghĩ bàn đều ứng theo tâm niệm mà hiện ra trước mặt, nên bảo là “ứng niệm hiện tiền”. Các vật thọ dụng viên minh cụ đức, không thiếu, không dư nên bảo là“vô bất cụ túc” (không thứ gì chẳng đầy đủ).