NHÂN QUẢ PHỤ GIẢI LƯƠNG HOÀNG SÁM
TẬP II
Biên giảng: QUẢ KHANH
Hạnh Đoan Lược dịch

 

SƯ CHÂN HUỆ

Một hôm Lưu cư sĩ gọi điện thoại tới, báo tin là tại chùa X có Ni trụ trì Chân Huệ. Hiện con gái, con rễ bà1 đang nháo nhào tìm kiếm Hòa thượng Diệu Pháp (vị Tăng phi phàm trong sách “Báo ứng Hiện Đời” mô tả) nhưng tìm không ra. Phần Ni Chân Huệ thì nhất quyết tuyệt thực, đã ba ngày nay rồi.

Lưu cư sĩ kể rõ nguồn cơn:

– Số là hôm nọ Ni Chân Huệ bỗng cảm thấy ngũ tạng rất khó chịu, đi bệnh viện khám cũng không tìm ra bệnh. Tình cờ lúc đó có một đệ tử đưa cho bà cuốn “Báo ứng Hiện Đời”, nói là của một nữ cư sĩ tặng, xin mời sư xem.

Sư Chân Huệ bảo:

– Thân tôi đang bệnh đau, còn sức khỏe đâu mà đọc? Thôi thì các ngươi hãy tự mình xem đi!

Bà vừa dứt lời thì bỗng nghe trong bụng mình có một giọng nói nghiêm khắc vang lên bảo:

– Ngươi không đọc được, thì kêu đồ đệ đọc cho mà nghe!

Ni Chân Huệ vừa ngạc nhiên vừa hoảng sợ, vội hỏi:

– Là ai đấy? Sao có thể ở trong bụng tôi?…

Âm Thanh kia nghiêm nghị bảo:

– Không được hỏi gì khác! Hãy mau kêu đệ tử đọc cho nghe đi!

Thế là Ni Chân Huệ vội ra lệnh cho đệ tử đọc…

– Họ bắt đầu từ bài đầu tiên: “Nguyên Nhân Tôi Đến Với Đạo” cho tới khi đọc xong bài: “Nước Tràn Kim Sơn Tự” và đang chuẩn bị đọc sang bài kế tiếp, thì giọng nói trong bụng Ni bỗng vang lên, yêu cầu họ đọc lại bài “Nước Tràn Kim Sơn Tự” lần nữa, rồi cứ thế: Bắt họ phải đọc bài này tới lui ngót mấy lần!

Ni Chân Huệ hỏi:

– Sao cứ bắt đọc mãi bài này?

Âm thanh ấy đáp:

– Ta không những kêu ngươi đọc bài này, mà còn muốn ngươi tìm Hòa thượng Diệu Pháp cho ta nữa!

Ni Chân Huệ đáp:

– Tôi xuất gia đã 9 năm, cũng quen rất nhiều người ở Ngũ Đài Sơn, nhưng chưa từng nghe nói là: Có Hòa thượng Diệu Pháp ở đó!

Âm thanh trong bụng lại bảo:

– Nếu Ngũ Đài Sơn không có, thì sao ngươi chẳng về cố hương Thiên Tân của mình để tìm?

Thế là Ni Chân Huệ bèn về nhà nhờ con gái. Nhưng con gái báo tin: Đã cố hết sức mà vẫn không tìm ra Hòa thượng Diệu Pháp…

Ngay lúc này “dị nhân” trong thân bà không ngừng hành hạ, làm bụng bà phình to. Bà thầm nghĩ: “Tìm không ra Hòa thượng Diệu Pháp ắt là khổ! Chi bằng ta… chết quách cho xong!”… Thế là bà bắt đầu tuyệt thực. Vợ chồng con gái thấy vậy hoảng hồn, bèn cầu cứu các cư sĩ khắp nơi, xin hãy hỗ trợ họ tìm Hòa thượng Diệu Pháp giùm.

Bởi vì lúc đó rất nhiều người chẳng hay biết rằng tôi đã từng tuyên bố: “Chuyện là có thực, nhưng tên tạm đặt, không nên tìm tung tích Hòa thượng Diệu Pháp nữa”.

Do vậy mà thiên hạ thường lên Ngũ Đài Sơn tìm Hòa thượng, nhân đó phát sinh ra tệ cảnh: Một số người xuất gia tham tài và những kẻ ưa gạt lường thừa dịp mạo danh: Xúm nhau xưng là Hòa thượng Diệu Pháp để được tín đồ dâng cúng tiền tài.

Do Ni Chân Huệ quá khổ, tôi buộc phải xuất hiện thay ngài và bảo các cư sĩ rằng:

– Hòa thượng Diệu Pháp trong sách chỉ là tên tạm đặt, Diệu Pháp là Phật pháp, vì Phật pháp chính là Diệu Pháp, hàm ý: Người tu nên tuân theo tôn chỉ Phật pháp. Mọi người phải trì giới minh lý, tự tịnh tâm ý, không nên ngoài tâm cầu pháp!

Có lẽ Phật và Bồ tát sớm đã an bài sắp xếp cả rồi, nên con gái Ni Chân Huệ được giáo sư một Đại học nọ sốt sắng giúp đỡ và hẹn là hôm sau sẽ dẫn họ đến gặp tôi.

Nghe vậy Ni Chân Huệ rất mừng. Âm thanh trong bụng bà cũng truyền lệnh: Xin bà thỉnh gấp tôn tượng Bồ-tát Địa Tạng Vương, thay ông cúng dường ngài Quả Khanh giùm!

Lúc đó đã 4-5 giờ chiều, khi con trai con rễ bà ra tiệm thì tiệm đã đóng cửa. Họ về nhà kể lại tình hình… thì thấy bụng bà lại phình trướng lên, Ni Chân Huệ vội la to:

– Xin ngài đừng hành khổ tôi nữa! Sáng sớm ngày mai tôi sẽ sai chúng nó đi thỉnh tượng ngay!

Thế là bụng bà xẹp lại bình thường.

Hôm sau, lúc 9 giờ, tôi và Lưu cư sĩ đến chỗ hẹn để gặp họ, thì thấy sư Chân Huệ và các đệ tử Tăng, tục của bà đã ở đó đợi sẵn. Chào hỏi xong thì tất cả cùng ngồi xuống. Tôi mới nói với sư Chân Huệ mấy câu, thì Lưu cư sĩ bỗng thì thầm vào tai tôi: “Có thể trên thân Ni Chân Huệ là một con đại mãng xà!”.

Bà Lưu nói đúng, vì đầu rắn đang lắc lư phát tín hiệu, hiển lộ tướng mạo rõ ràng.

Tôi hỏi Ni Chân Huệ:

– Bà tu pháp môn gì?

Sư đáp:

– Vốn là Thiền Tịnh song tu, sau đó tôi xem băng đĩa, bèn đổi sang kiểu tu: “Chỉ niệm một câu Phật, xem một bộ kinh thôi” và thấy rằng khi mình niệm danh hiệu Phật chỉ có bốn chữ thì cảm giác phi thường tốt!

Tôi hỏi sư Chân Huệ:

– Nếu bà nhất quyết cho rằng tu theo thuyết: “Chỉ niệm một câu Phật, xem một bộ kinh thôi… là đủ để độ người liễu sinh thoát tử”… vậy thì Phật giảng nhiều kinh để làm chi? Bắt mọi người phải đọc và học bao nhiêu kinh đó, chẳng phải là làm lãng phí thời gian và cuộc sống của họ hay sao? Khác nào ngầm cho rằng: Phật chẳng biết đến chuyện “Chỉ xem một bộ kinh, niệm một câu Phật thôi” là đủ để cứu chúng sinh thoát khổ?… Thế thì người tung ra thuyết này, có trí huệ cao hơn Phật ư? Còn nữa, từ Phật giáo truyền vào Trung Quốc, lịch đại Cao táng đều dạy chúng ta phải “Thâm nhập kinh tạng, trí huệ như biển”, đều dạy chúng ta phải niệm: “Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô Quan Thế Âm Bồ tát”. Nam mô: Có nghĩa là qui y, vì sao lại bác bỏ, loại chữ Nam mô ra, không cần niệm nữa?

Bà thân là Sư phụ, lại dạy người chỉ cần niệm bốn từ: “A Di Đà Phật!” thôi, vậy có nghĩa là: những gì lịch đại Tổ sư truyền dạy từ xưa đến giờ thảy đều sai cả? Xin hỏi: Bà xuất gia 9 năm rồi, tại sao chỉ vì xem một đĩa giảng thì phủ nhận hết tất cả những kiến thức trí huệ chứa trong kinh Phật mà mình đã từng theo học và tiếp thu suốt 9 năm? Bà một bề tự khởi thấy biết sai lệch, khăng khăng cố chấp, rồi nhất loạt bài trừ, phủ nhận hết bao kinh điển lẫn tám vạn bốn ngàn pháp môn Phật giảng cho đa số, còn gạt phăng lời Sư phụ dạy mình qua một bên, khiến đệ tử lầm mê theo, từ bỏ không học kinh điển, đánh mất cơ hội khai mở trí tuệ, tu trì chân chính… bà làm vậy mà không thấy hổ thẹn ư?

Bởi vì bà thay đổi pháp tu, gieo ảnh hưởng kinh động, khiến cả đám đệ tử chuyển sang tu sai lầm hết theo bà! Do chư Phật Bồ-tát từ bi, không nỡ nhìn bao người tu lạc sai theo bà, tự hủy hoại hết bao công phu chân chánh. Vì vậy vị gá trên thân bà chẳng phải là quỷ quái chi nhập vào đâu, mà chính là Long thần hộ pháp đến giúp, bức ép bà phải tìm chúng tôi, để chúng tôi giải rõ, chỉ thẳng cho bà hiểu: “Nếu như bà chịu hồi đầu, tu hành theo con đường Sư phụ bà đã dạy, thì bệnh bà sẽ lành”.

Ni Chân Huệ nói:

– Tôi cũng thầm biết vị gá trên thân tôi không phải là quỷ…

– Bà đã biết là do Hộ pháp làm ra, thế sao còn tuyệt thực?

Bà không đáp.

Tôi hỏi:

– Bà có chịu quay về phương pháp tu hành chân chính trước đây để tiến lên không?

Bà đồng ý.

Đột nhiên Ni Chân Huệ nói:

Vị Hộ pháp trên thân tôi nói: “ông ấy muốn ra đi, xin ngài sắp xếp giúp cho một chỗ”…

Tôi nói: Hễ đến nơi nào thì chỗ đó tốt, còn hỏi tôi làm gì.

Bỗng nhiên, tôi nhớ tới bức tượng Địa Tạng cao hơn một mét mà họ mua biếu cho đang để ở dưới lầu, liền bảo mãng xà trên thân Ni Chân Huệ rằng:

– Tôi không đủ tư cách nhận thọ ông cúng dường, nên sẽ thay ông chuyển tôn tượng này đến cúng cho đạo tràng Trịnh Châu. Nơi ấy hiện đang thiếu tượng Bồ tát Địa Tạng Vương.

Lúc này mặt Chân Huệ lộ vẻ hớn hở tươi cười, hiện sắc khinh an thư thới, đầu không còn lắc lư nữa.

Trưa đó, mọi người cùng dùng cơm với nhau. Đại chúng chứng kiến cảnh vừa rồi tâm tư đều xúc động. Phật, Bồ tát vì cứu độ chúng sinh, vì thành tựu cho chúng sinh, nên dùng đủ phương tiện giáo hóa, giúp chúng ta không lìa chánh đạo. Ni Chân Huệ chịu hồi đầu, không những thành tựu cho mình, mà còn thành tựu cho nhiều chúng sinh. Cảm tạ chư Phật, Bồ tát đại từ đại bi…

Lúc cáo biệt nhau, mọi người đều pháp hỷ sung mãn.

Tối đó tôi về nhà, trong lúc kể lại việc này cho gia đình nghe, tôi bỗng thấy một cảnh tượng hiện ra giống như trong phim: Không có chính điện, Phật Thích Ca đang ngồi nơi tòa sen cao nhất ở giữa, chung quanh là hai hàng thính chúng nghe pháp, ở giữa hai hàng chúng này có một lối đi, Ni Chân Huệ quỳ ở giữa, đang chắp tay, trên đầu bà có một vầng hào quang nhỏ. Tôi ý thức được là Phật đang khai thị chúng tôi: Ni Chân Huệ là vị thực tu, có công phu, song chỉ vì nhất thời mê muội mà đi sai đường. Bỗng tôi thấy Bồ tát Quan Âm lướt về hướng Phật, đối diện với mãng xà, Ngài vẫy tay một cái, mãng xà liền tiến đến trước Phật rồi quay sang Bồ tát Quan Thế Âm. Bỗng mãng xà lắc mình, làm biển cả dậy sóng phát ra thanh âm rì rào… trong chớp mắt sóng biển tiêu tan, mãng xà cũng không còn. Chỉ thấy Bồ tát Quan Âm đang đứng trên một con rồng, tôi lập tức hiểu ra: Con mãng xà gá trên mình Ni Chân Huệ, chính là con rồng này hóa hiện… Lúc đó lòng tôi thật hưng phấn.

Chư Phật, Bồ tát đối với mỗi khởi tâm động niệm của chúng sinh không gì mà chẳng rõ. Mỗi người tu hành học Phật chúng ta, cần phải khéo léo biến người gây chướng cho mình thành Bồ tát… Nếu biết xem tất cả đều là Bồ tát, bản thân mới có thể thành tựu.

Tất cả phiền não mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, vợ chồng, xóm làng, đồng sự v.v… nếu khéo chuyển thì biến thành Bồ-đề. Nên gọi phiền não tức Bồ-đề. Chẳng những lòng ta không chán ghét đối phương mà ngược lại còn sinh tâm cảm kích. Nghịch cảnh đến thì nhận. Đa số thiên hạ thường lý luận: “Người chẳng phạm ta, ta chẳng phạm người, còn nếu phạm ta, thì ta phạm lại”… Nhưng giờ đây chúng ta minh lý rồi, thì dù bị người báng, gây nên lỗi… ta đều nghe như uống cam lộ, cho tiêu dung tan nhập vào bất tư nghị. (Tiêu dung: Nghĩa là không khởi mảy may sân hận, ngược lại còn sinh tâm hoan hỉ) nếu làm được thế, thì Sự việc tốt vi diệu không thể nghĩ lường sẽ phát sinh ngay trên thân bạn.

Chư Phật, Bồ tát, thiên địa quỷ thần đều sẽ hộ trì, trợ giúp người chân tu thành tựu đạo nghiệp. Chư Phật, Bồ tát lúc nào cũng dõi theo sự tiến bộ trưởng thành của chư đệ tử. Người chân chính tu hành mà khởi tâm động niệm, hễ vừa có chút sai lập tức sẽ bị báo ứng ngay. Đây gọi là: Chư Phật, Bồ tát luôn kịp thời gia hộ chỉnh sửa cho đệ tử, lúc nào cũng dẫn đường cho đệ tử…

Vì vậy, khi bạn đóng cửa bị kẹt tay, ăn cơm nhai… nhằm miệng, lưỡi… hoặc đang bước đột nhiên ngã nhào, hay không cẩn thận bị trẹo chân… hắt xì hơi hay cụp lưng… hoặc đi đường bị xe tông, va quẹt… thì những lúc ấy bạn phải nghĩ kỹ và kiểm xem: Vừa rồi mình có nói hay làm gì sai không? Thân, khẩu, ý có gì không đúng pháp chăng? Tâm có khởi tà niệm gì chăng? Đây chính là: Đi đứng nằm ngồi đều chẳng lìa tu hành, tu đến mức: Lúc nào cũng làm chủ được tâm, luôn tỉnh giác trước mỗi niệm khởi, không để chúng sai sử, dẫn dụ hành sai! Được vậy thì chỗ chỗ đều là đạo tràng.

Mỗi một người tu, đều có khuyết điểm, giống như bốn đệ tử của Đường tăng, đều có thể gặp 81 nạn. Chỉ cần thời khắc nào cũng giữ chánh niệm, lấy giới làm thầy, khéo biến ma chướng thành trợ duyên giúp mình tu tiến, nhất định sẽ tăng thêm ích lợi cho bản thân, sớm thành tựu đạo nghiệp.

Phật nói tất cả pháp, vì độ tất cả chúng sinh, pháp vốn không phân cao thấp, chỉ vì căn cơ chúng sinh bất đồng mà có khác biệt. Vì vậy, hễ hợp cơ ắt là Diệu Pháp. Nên: Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh… môn nào cũng bình đẳng, cũng hay nhất, mọi người đều có thể tu. Chỉ cần khéo tuyển lựa pháp môn hợp với mình thì sẽ thành công. Do chúng sinh căn tính và pháp duyên có ngàn muôn sai biệt, nên không thể dùng một pháp tu làm chướng ngại các pháp khác. Nếu như vừa đi lệch khỏi con đường đạo pháp, thì phải kịp thời tu chỉnh lại ngay như Ni Chân Huệ.

Thế thì, đối với những ngôn luận tuyên bố không đúng pháp trong đạo, ta phải ứng xử ra sao? Có một bài kệ xin chia sẻ cùng đại chúng:

Mạt thế thuyết pháp
Có sai có chánh
Cần bỏ thì bỏ
Cần dùng thì dùng
Tùy duyên hóa độ
Sân tức mê muội!

Những người không tin, phỉ báng Phật, là tự tạo vô lượng lỗi, quả báo của họ sau khi chết nếu ta nhìn thấy được sẽ kinh tâm. Chư Phật, Bồ tát luôn đại từ đại bi, hằng quan tâm đến chúng sinh nơi ác đạo, dùng đủ phương tiện để hóa độ (bao gồm cả trách quở nghiêm khắc), mong cứu chúng sinh bị đọa lạc.

Chúng ta phải biết: Chư Phật, Bồ tát giáo hóa người, không phải chỉ toàn dùng lời ái ngữ dịu dàng, mà đối với những chúng sinh cứng đầu ngỗ nghịch, có lúc các Ngài cũng phải hiện thân kim cang, trừng mắt thịnh nộ…

(Những cảnh địa ngục đau khổ trong kinh mô tả có nhiều vô cùng, không thể ghi chép ra hết, xin đại chúng hãy tìm xem trong kinh sẽ rõ). Giờ tôi xin kể tiếp một câu chuyện:

QUẢ TIỆP

Quả Tiệp từ nhỏ tai phải mất thính lực, thời Tiểu học mắc bệnh viêm cơ tim, phải nghỉ học nằm viện, sau đó còn bị bệnh gan.

Năm mười sáu tuổi đột nhiên đầu cháu nhức thống thiết, hôn mê suốt năm ngày, tỉnh dậy rồi thì không biết chữ, (thậm chí một cộng một là mấy cũng tính không ra).

Bác sĩ phán: Do ngày trước huyết quản não bất thường, não bị tẩm huyết, nên phải phẫu thuật. Tuy mổ thành công, nhưng không lâu lại bị bệnh động kinh, lúc lành lúc phát, nên chẳng thể đi học. Cha mẹ cháu vì vậy khổ tâm khôn xiết, mãi đến khi xem sách “Báo ứng Hiện Đời”, rồi gặp được tôi, thì họ bắt đầu ăn chay, tụng “Kinh Địa Tạng”, nhờ vậy bệnh động kinh của cháu ngưng phát tác.

Một năm sau, mẹ cháu gọi điện cho tôi, kể:

Tối qua toàn thân Quả Tiệp co rút, nhưng không còn bị nôn ói dữ dội như trước đây. Tâm trí vẫn tỉnh táo, biết một bề niệm Phật. Cha mẹ hiểu là: Dù có đưa cháu đến bệnh viện khám cũng vô dụng, nên họ đồng quỳ trước điện Phật nhà mình chí thành niệm Phật, lát sau thì cháu ổn lại.

Sáng ra, cháu hối thúc mẹ mình hãy mau gọi điện thoại cho tôi. Tôi bảo bà:

– Có thể con gái bà đang nhớ nhung tơ tưởng đến một nam nhân, tôi không tiện nói qua điện thoại. Trước tiên, bà hãy khuyên con không nên nghĩ xằng tưởng loạn, ngày mai tôi sẽ đến nhà bà bàn chuyện.

Hôm sau tôi đến gặp họ. Quả Tiệp trông có vẻ yếu. Trước tiên tôi xác nhận cháu nửa năm nay có cố gắng tụng kinh niệm Phật nhiều và đã lạy hình ngài Tuyên Hóa đủ vạn lạy, đã thành đệ tử Ngài. Tôi khen cháu chịu khó học tập, làm việc nhà siêng năng và cũng chỉ ra những lỗi lầm…

Tôi hỏi:

– Có phải con đang nhớ tới nam nhân?

Mặt Quả Tiệp đỏ lên, khẽ gật gật đầu và nói:

– Con… kềm chế không được.

Tôi bảo:

– Sư phụ bảo ta nên nhắc con: Tụng kinh niệm Phật là để giải nghiệp, khi nghiệp chướng đời trước tiêu trừ, thì bệnh sẽ lành. Nếu như lòng con tâm dâm vừa sinh khởi, thì Thần hộ pháp sẽ lập tức xa lìa con ngay và oan gia trái chủ sẽ thừa cơ tiếp cận, đòi nợ, hành hạ, báo oán con…

Ta cũng biết: Đang độ tuổi xuân mà cấm con không được nghĩ đến người khác phái, chẳng nên yêu đương thì quá khó cho con. Nhưng nếu muốn giải nghiệp, con cần phải tu và làm được những điều khó làm, chỉ có chân thực tu hành mới được chư Phật, Bồ tát gia hộ. Lúc tâm khởi niệm sai quấy thì nên kịp thời điều phục, thì không sao cả…

Đợi đến khi con 25-26 tuổi, túc nghiệp sẽ tiêu trừ, khi đó tự con cũng có thể nhận ra. Lúc ấy nếu con còn muốn kết hôn, nhất định sẽ gặp người có thiện duyên với mình.

Tháng 4 năm 2006 tôi lại nhận điện thoại mẹ Quả Tiệp gọi tới, nói:

– Có Tổng giám đốc của một công ty lớn nọ là bạn thân họ, đang mở tiệm chơi bô-linh, biết con gái bà đang rảnh, nên muốn giúp đỡ họ bằng cách để dành cho nó một chân làm việc ở quầy thu ngân và hỏi Quả Tiệp có chịu đi làm không? Bà hỏi ý tôi phải làm sao?

Tôi không trả lời. Quả tình có thầm lo: Nếu Quả Tiệp đi làm, e là trong môi trường tiếp xúc có nhiều nam giới, nó khó mà khống chế được tình cảm yếu đuối của mình, do vậy tồi đề nghị: Để tự nó quyết định.

Tất nhiên Quả Tiệp chọn đi làm.

Một ngày mùa Thu tháng 8, mẹ Quả Tiệp lại gọi điện tới, kể:

– Tối qua con tôi phát bệnh, sức khỏe rất xấu, hiện giờ không ngóc dậy nổi, nó cứ thúc tôi phải gọi điện cho ngài.

Ngay lúc ấy tôi nhận ra: Tâm Quả Tiệp đang tơ tưởng đến nam nhân, nên liền tra gạn… thì quả nhiên đúng thế.

Mẹ nó nói:

– Gần đây cháu về nhà, ngó bộ tinh thần bất định. Nghe nó kể có một nam sinh thường nhắn tin cho nó.

Do cảm thông Quả Tiệp từ nhỏ đến giờ luôn bị bệnh hành, tôi bảo mẹ con họ hãy đến chỗ tôi. Sau đó tôi kể câu chuyện tiền thân của Quả Tiệp cho bọn họ nghe.

“Vào thời quá khứ, có một đôi vợ chồng, gia đình giàu có, nhưng không con. Thế là họ đi chùa, đến chỗ Bồ tát Quan Thế Âm cầu con. Không lâu thì bà vợ mang thai, sinh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú (tạm gọi là Bảo), cả nhà cưng như châu ngọc. Bảo tính thông minh, nhưng do được nuông chiu quá mức nên càng lớn càng kiêu ngạo, chẳng nể nang ai, muốn gì làm đó, toàn theo ý mình.

Lúc này cha mẹ muốn quản giáo, cũng đã muộn, chỉ biết tiếc hận mà thôi.

Sau đó thân phụ chàng tạ thế, mẹ vẫn cưng chìu. Bảo ngày càng phát thói tệ xấu, không làm việc, thường kết bè cùng bạn ác, lêu lổng đàng điếm ăn chơi, qua lại chốn thanh lâu nhậu nhẹt mua vui…

Sau đó, trong nước xảy ra chiến tranh, Bảo cũng tùng quân đánh giặc, giết người không ít.

Tàn cuộc chiến, chàng hồi hương, cưới vợ sinh con, vẫn không lo làm việc, chỉ biết ăn xài hoang phí. Tiền toàn là chi ra không thu vào, nên dần cạn kiệt, vợ Bảo khuyên can, chàng cũng không thèm nghe! Còn nổi thịnh nộ, ra tay đánh đấm… tát mặt đá vợ, khiến nàng bị trọng thương, hôn mê cả một ngày một đêm mới tỉnh.

Kết quả: Tai phải nàng bị điếc, toàn thân bầm dập, mang nhiều vết thương trong lẫn ngoài. Hơn nữa đầu còn bị đau nhức không ngừng, có chữa trị mấy cũng không hết và nàng lìa đời.

Gia đình nhà vợ tức giận kiện thưa lên quan. Bảo bị bắt thẩm tra, mẹ chàng phải bán hết gia sản mới cứu được con trai toàn mạng, Bảo bị kết án: Sung quân lưu đày.

Đến lúc chàng trở về nhà, thì mẹ đã mất, chỉ còn căn nhà trống, chàng phải bán nhà để sống qua ngày. Nhưng vẫn quen thói bê tha truy tìm hoan lạc.

Cuối cùng cũng đến một ngày: Tiền của hết sạch, Bảo phải lang thang ăn mày, biến thành kẻ trộm cắp chôm chỉa, thường bị người vây đánh… Đến một ngày nọ, chàng té nằm trên đất toàn thân co giựt, miệng trào đờm, người chung quanh nhìn thấy cũng không ai thèm giúp. Sau đó tuy Bảo chẳng chết, nhưng sống bần khốn suy sụp, luôn bị người phỉ nhổ…

Lần nọ, trong lúc đang phát bệnh co giựt, thì bỗng có một chiếc xe ngựa đi ngang qua và dừng lại, thấy nha đầu dìu đỡ một phu nhân quyền quý trên xe bước xuống. Bà tiến đến gần chàng, khom lưng nhìn… rồi đưa tay bấm vào mấy huyệt đạo trên thân Bảo, chàng lập tức hết co giựt. Bà bèn lệnh cho phu xe mua nước rửa mặt cho chàng và ban tặng thức ăn. Chàng nhờ vậy hồi sinh. Lúc này phu nhân cảnh báo, nhắc nhở với mọi người rằng: Sở dĩ Bảo sa cơ đến bước đường cùng này là do tội ngỗ nghịch bất hiếu, tạo lắm điều ác mà ra! Bà khuyên dân làng nên lấy chàng làm gương: “Sống phải biết hiếu thuận cha mẹ, cư xử tốt với người phối ngẫu, phải làm tròn bổn phận, thiên chức mình trong gia đình, nên đoạn ác tu thiện, mới mong phúc đến bệnh tiêu.

Khuyên nhắc xong, bà hỏi chàng: Nếu chịu cải tà quy chính thì sẽ giúp đưa đến chùa cạo tóc tu hành, không còn phải lo chuyện ăn mặc.

Bảo nghe nói vậy rất hoan hỷ, bèn lạy tạ rồi lên xe cùng đi.

Chàng xuất gia xong, trọn ngày tụng kinh bái Phật. Nhưng tâm dâm chưa đoạn, nên đã phá giới phạm dâm lem nhem, vì vậy sau khi chết rồi thì vào địa ngục thọ tội, mãn kiếp thì đầu thai vào cõi súc sinh”…

Tôi kết luận:

– Đó là chuyện tiền kiếp của Quả Tiệp. Đời này được làm người, tuy mang thân nữ, nhưng khổ báo của nghiệp cũ vẫn chưa hết, do vậy mà ngay từ nhỏ bị bệnh tật triền miên. Nhờ đời trước từng xuất gia tụng kinh, nên nay được gặp Phật pháp tu theo, song nếu muốn giải túc oán tội nghiệt thì tuyệt đối không được để tâm dâm manh nha vọng động…

Quả Tiệp nghe xong, kinh hoàng tỉnh ngộ, liền dũng mãnh phát nguyện: Xin thề từ đây không nghĩ xằng tưởng loạn, quyết chẳng tái phạm lỗi dâm ái nữa, đời này nhất quyết tu cho thoát ly tam giới…

Hai ngày sau Quả Tiệp lại đến, trông thần sắc bình thường. Tôi bảo cháu:

– Không nên vì biết quá khứ mình tạo tội sâu nặng mà mất đi niềm tin. Ngươi có nghĩ ra hay chăng? Đời trước là nam, mình đã từng được Bồ tát Quan Âm giúp đỡ. Do tạo ác nghiệp nên tán gia bại sản, rơi vào đường cùng. Ngay lúc nguy nan lại gặp phu nhân quyền quý cứu cho và đưa vào chùa…

Đời này ngươi lại được Phật pháp cứu nữa, ngươi không nhận ra vị phu nhân đó chính là: “Hóa thân của Bồ tát Quan Ầm” hay sao? Vì vậy, ngươi đừng có phụ ân giúp đỡ và kỳ vọng của Ngài…

Quả Tiệp hiểu ra, rơi nước mắt, gật đầu.

Sám văn:

Mỗi ngục đều có chủ quản. Ngưu đầu ngục tốt tánh tình bạo ngược không có chút từ tâm. Thấy chúng sinh thọ ác báo chỉ sợ họ không khổ mà thôi. Nếu phỏng vấn ngục tốt:

– Chúng sinh thọ khổ rất đáng thương, vì sao các ngươi hành hình độc ác, không chút thương xót?

Ngục tốt liền đáp:

– Những người thọ khổ kia đã phạm các tội ác như thế này: “Bất hiếu cha mẹ, phỉ báng Phật Pháp Tăng, chê bai Thánh Hiền, nhục mạ lục thân, khinh mạn Sư trưởng, hủy hoại tất cả… hay nói lời độc ác, đầm thọc, nịnh hót, tật đố, cố ý chia rẽ người, giận hờn nóng nảy, sát sinh, hoang dâm, tham lam, dối gạt, khinh người, sống tà mạng, tà cầu, tà kiến… Biếng lười, buông lung, kết nhiều thù oán…

Khi bọn họ đến đây thọ tội xong rồi, mỗi khi họ thoát ra, chúng tôi thường khuyên: ở đây khổ lắm, các người đừng tạo tội để khỏi phải trở vào đây nữa.

Nhưng họ đâu có chịu ăn năn chừa bỏ? Mới thấy thoát ra đấy đã trờ vào lại. Họ ra vô chốn này mãi mà không biết ngán, báo hại chúng tôi phải nhọc mệt vì họ. Do họ cứ sống tồi như thế mãi nên chúng tôi đối với tội nhân không có chút lòng thương, còn cố ý hành cho thật đau để họ tởn! Chúng tôi mong họ thấm thìa khổ, mà biết hổ thẹn, ăn nản, không còn vào đây nữa.

Họ đã ngu si vô trí, không biết lìa khổ tìm vui, nên phải thọ khổ, thì làm sao có thể dung thứ, xót thương cho họ được?

Đại chúng hãy suy gẫm và đem so chuyện này với cảnh lao ngục ở thế gian thì sẽ hiểu đây không phải là hư dối.

Giống như có người nhiều phen vào tù ra khám, đến mức bà con thân tộc thấy họ cứ vào ra nhà ngục mãi cũng đâm chán ngán, không thương nồi… thì đám ngưu đầu ngục tốt cũng giống vậy thôi.

Tất cả chúng sinh đều có oán thù. Vì nếu không oán thù thì không có ác đạo. Hiện nay ác đạo không dứt, ba đường còn mãi, thì biết oán thù hiện không cùng tận .

Phải nhớ trong kinh dạy rằng: “Hết thảy chúng sinh đều có tâm nên đều có thể thành Phật”… mà tinh tắn tu.

Vì thế nếu đã thoát khỏi ác đạo rồi thì nên gắng tu tâm dưỡng tánh, cải sửa thói quen xấu. Nếu không trừ bỏ thói xấu thì sẽ chìm trong biển khổ mãi và tiếp tục nếm hết khổ này đến khổ khác, không bao giờ ngừng…