Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Cho nên, Phật nhãn xem thấy tất cả chúng sinh đều là Phật. Trái lại, nhục nhãn của phàm phu xem thấy chư Phật, Bồ Tát đều là phàm phu! Chánh niệm là chân tâm, chân tâm xem cảnh giới bên ngoài thấy được chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chân tướng đó chính là cảnh giới Phật, là tất cả chúng sinh đồng thành Phật đạo. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”; “viên” là viên mãn; “chủng trí” là cảnh giới của Phật.

Cho nên chúng ta phải huấn luyện cách nhìn, cách nghĩ của chính mình, đến lúc nào đó chúng ta thực sự xem thấy mọi chúng sinh đều là Phật thì chính lúc đó chúng ta đã là Phật. Nếu xem thấy tất cả chúng sinh chỉ là phàm phu, thì chính chúng ta cũng là phàm phu. Đạo lý này cần phải hiểu.

Mười niệm trên đây, sách Tông Yếu nói: “Như thị thập niệm, ký phi phàm phu sở năng. Đương tri Sơ Địa, dĩ thượng Bồ Tát nãi năng cụ túc thập niệm” (Mười niệm như vậy phàm phu không thể làm nổi. Nên biết từ Sơ Địa Bồ Tát trở lên mới có thể thực hiện đầy đủ mười niệm ấy). Sơ Địa chỗ này nói là Biệt giáo Sơ Địa, bằng với Viên giáo Sơ Trụ cũng chính là Pháp Thân Đại Sĩ, đã phá một phẩm vô minh chứng một phần Pháp Thân mới có thể chân thật đầy đủ. Như vậy thì bậc Trung, bậc Hạ phàm phu biết nương vào đâu để được vãng sinh?! Cho nên cụ Hoàng Niệm Tổ kết luận: “Rõ ràng ý kiến của các vị trên đây chẳng phù hợp với chân lý Tha Lực Quả Giáo của Tịnh Tông. Còn như ngài Nghĩa Tịch dùng ngay thập niệm của Hạ Phẩm Hạ Sinh trong Quán Kinh để giải thích ý nghĩa “mười niệm” trong nguyện thứ mười tám này mới thật là bậc am hiểu”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Tuy chúng ta không thể làm nổi mười niệm trên đây, nhưng vẫn phải học mười điều này, giúp chúng ta nâng cao cảnh giới tu tập của chính mình.

Đại Sư Thiện Đạo, Tổ Sư thứ hai của Tịnh Độ tông chúng ta, trong truyện ký nói ngài là A Di Đà Phật hóa thân đến. Vậy lời của ngài cũng chính là A Di Đà Phật đích thân nói ra, ngài nói: “Kim chi thập niệm, đản thị khẩu xưng, thượng tận nhất hình, hạ chí nhất niệm. Thông ư tam bối, nhiếp ư cửu phẩm, mạc bất giai vãng” (Mười niệm đây chỉ là miệng xưng niệm, bậc thượng thì suốt cả đời, bét nhất là một niệm. Thông cả ba bậc, gồm trọn chín phẩm, không ai chẳng được vãng sinh). Ý ngài bảo: Mười niệm trong lời nguyện này chỉ cho miệng niệm. Bậc thượng thì suốt đời chỉ niệm Phật hiệu, bậc tệ nhất chỉ niệm một tiếng đều được vãng sinh (“chỉ niệm một tiếng” là chỉ một niệm khi lâm chung), hoặc là “hoạch đắc nhất niệm tịnh tâm, phát nhất niệm tâm, niệm ư bỉ Phật” (đạt được một niệm tịnh tâm, phát một niệm tâm, niệm đức Phật ấy) cũng được vãng sinh. Lại nữa trong nguyện thứ mười tám có nói: “Chí tâm tín nhạo” (Chí tâm tin ưa), điểm này là then chốt, rất quan trọng cho việc vãng sinh. Tuy Đại Sư Thiện Đạo xác định mười niệm này là miệng niệm. Nhưng, chúng ta chớ vội hiểu lầm cho rằng chỉ có miệng niệm mà không cần tâm niệm thì đã sai đi ý ngài, cũng không tương ưng với nguyện thứ mười tám của A Di Đà Phật. Phải chân thật có “chí tâm tín nhạo” mà niệm, có tâm giác ngộ, tâm lợi ích chúng sinh, tâm trụ trì chánh pháp thì câu niệm Phật đó mới tương ưng với bổn nguyện của Phật Di Đà. Có như vậy, cho dù mỗi ngày bạn chỉ tu pháp mười niệm cũng nhất định được vãng sinh.

– Như những người nào?

– Như Cư sĩ Lý Mộc Nguyên, mỗi ngày bận từ sớm đến tối, làm gì có thời gian niệm Phật. Ông một ngày chỉ niệm mười danh hiệu Phật cũng được rồi. Vì sao? Một ngày hai mươi bốn giờ, cái nghĩ, cái làm của ông đều vì Phật pháp, vì chúng sinh. Mười câu Phật hiệu của ông cộng với công đức tu tích trong ngày của ông, hồi hướng cầu sinh Tịnh Độ. Nếu mười niệm cũng không có thời gian thì một niệm cũng giúp ông vãng sinh Tịnh Độ. Thể hội được ý này mới biết: Tâm là tâm Phật, hạnh là Bồ Tát hạnh, người như vậy một ngày mười niệm hay một niệm cũng đều có thể vãng sinh, một chút cũng không giả!

Đại Sư La Thập giải thích những điểm trên một cách hết sức khéo léo, ảo diệu như sau:

Ví như có người ở trong đồng hoang gặp phải ác tặc vung giáo, quơ gươm xông đến toan giết, người ấy rảo chạy, thấy mình phải vượt sông. Nếu chẳng vượt sông, khó thể giữ    nổi đầu cổ. Lúc bấy giờ chỉ nghĩ cách vượt sông: – Mình chạy đến bờ sông, mặc áo mà lội hay là cởi áo mà bơi? Nếu vẫn mặc áo, sợ không qua sông nổi. Nếu cởi áo ra, sợ không kịp nữa. Chỉ nghĩ như vậy, không nghĩ gì khác! Cái ý nghĩ vượt sông khi ấy chính là nhất niệm. Mười niệm này đây chẳng để niệm nào khác xen vào. Hành giả cũng giống như thế: Nếu niệm danh hiệu Phật hoặc niệm tướng của Phật đều niệm Phật không gián đoạn cho đến mười niệm. Chí tâm như vậy thì gọi là mười niệm”.

Sách Tông Yếu lại ghi: “Mười niệm nói trong kinh này có cả hai nghĩa ẩn mật và hiển liễu”.

Cụ Hoàng Niệm Tổ giải thích câu này như sau:

“Mười niệm hiển liễu” là như mười niệm của Đại Sư La Thập giảng trong đoạn văn trên; “mười niệm ẩn mật” là như các niệm: từ tâm v.v… mà Kinh Di Lặc Sở Vấn đã nói.

Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Trong mỗi một niệm, tự nhiên đầy đủ mười niệm như từ tâm v.v…”

Cũng theo Hoàng Niệm lão: “Câu này có nghĩa là nếu có thể đúng như Quán Kinh dạy, hay như lời ngài La Thập dạy mà niệm mười niệm thì trong mỗi một niệm đó tự nhiên có đầy đủ cả mười niệm như Kinh Di Lặc Sở Vấn dạy. Ấy là trong nghĩa “hiển liễu” tự nhiên hàm chứa nghĩa “ẩn mật”. Lời nhận xét của ngài Nghĩa Tịch quả thật đã phô trọn lẽ huyền vi của Tịnh Tông. Người đời thường ưa thích sự huyền diệu mà chẳng biết rằng sự huyền diệu tối cực lại chỉ nằm trong cái bình thường, nên cổ đức bảo: “Tâm bình thường là đạo”. Chỉ cần bình bình, thường thường ròng rặt chuyên tinh miên mật niệm Phật thì tự nhiên thầm hợp diệu đạo, niệm niệm ly niệm. Dùng cái tâm phàm phu mà nhập được thật tướng các pháp thì chỉ có trì danh và trì chú là dễ nhất.”

Nhược bất sinh giả, bất thủ Chánh Giác” (Nếu chẳng được sinh thì chẳng lấy Chánh Giác)

– Vì sao niệm Phật lại có công đức như thế?

– Vì niệm niệm đều thầm ứng hợp với Thật Tướng.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Nếu trong tâm còn tham luyến danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, cho dù mỗi ngày bạn niệm mười vạn danh hiệu Phật cũng không thể vãng sinh! Người xưa nói: Đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công! Điều kiện vãng sinh không phải ở niệm Phật nhiều hay ít, Đại Sư Ngẫu Ích trong Yếu Giải nói với chúng ta: “Có thể vãng sinh hay không, quyết định ở có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao thấp quyết định ở công phu niệm Phật sâu hay cạn”.

Chân tín, thiết nguyện đây là điều kiện vãng sinh, cũng chính là phát tâm Bồ Đề. Thật tin, thật nguyện thì hết thảy đều phải buông xả. Ở thế gian này tất cả đều tùy duyên, nhất định không có thành kiến, không có ý kiến riêng tư của chính mình. Cho dù là việc hoằng pháp lợi sinh cũng đều phải tùy duyên, quyết không phan duyên quyết không nên nghĩ: Đây là việc tốt ta nhất định phải làm, chúng sinh quá khổ, chúng ta không làm thì không có từ bi!

Bạn có tâm từ bi, chúng sinh không có phước báo thì có biện pháp gì? Dường như tâm từ bi của bạn cao hơn chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát xem thấy chúng sinh bị khổ nạn, các ngài đều không đến! Bạn lo lắng muốn cứu độ chúng sinh, bạn siêu việt hơn chư Phật quá nhiều! Thế nhưng, tỉ mỉ mà suy xét, tâm từ bi của bạn là giả! Tâm từ bi của chư Phật, Bồ Tát mới thật! Vì sao? Tâm từ bi của bạn phải có đền trả, là có điều kiện, không phải vô điều kiện, không phải vô tư, vẫn không thể so được với chư Phật, Bồ Tát.

Cho nên, phải học “tùy duyên” của chư Phật, Bồ Tát, không được “phan duyên”. Thực tế mà nói: “Tùy duyên” sự việc được thuận lợi, thành tựu dễ dàng. “Phan duyên”, trái lại gặp rất nhiều chướng ngại. “Tùy duyên” là đến khi họ cảm thấy thật sự cần thiết, họ tìm đến chúng ta, sự việc này sẽ rất dễ dàng thành công. Nếu chúng ta tìm đến họ thì rất khó!

Cho nên, tôi cả đời tùy duyên. Tôi từ trước đến giờ chưa chân thật đi làm. Vì sao? Duyên không đủ! Chỉ nói qua mà thôi! Nói qua có chỗ tốt, sau khi nghe xong họ phát tâm làm thì sự việc này thành công rồi! Một năm gần đây đi giảng kinh ở Hồng Kông, tôi cũng thường nghĩ xây dựng đạo tràng ở Hồng Kông. Thế nhưng, trước sau không có duyên! Không có duyên thì không được!

– Chúng ta chính mình có thể ở Hồng Kông mua đất xây đạo tràng không?

–  Thực lực thì có, nhưng chướng ngại quá lớn! Không thể làm! Singapore nơi đây là thí dụ:

– Nếu ở đây không phải Lý Mộc Nguyên mời chúng ta đến để hoằng pháp lợi sinh, chúng ta tự mình đến Singapore mua một tòa lầu làm đạo tràng có được không?

– Dĩ nhiên là được! Nhưng nhất định làm không được bao lâu sẽ bị người ta đuổi đi! Tôi hiểu rõ cái đạo lý này: Bạn ở nơi đây dành tín đồ họ, đoạt lấy cúng dường của họ, họ sẽ không cam lòng, sẽ nghĩ hết cách để gây phiền phức đuổi khéo bạn! Thế nhưng, chúng ta đến đây, Cư Sĩ Lâm, đạo tràng này đã có lịch sử hơn sáu mươi năm, họ không thể hủy mất Cư Sĩ Lâm. Chúng ta phụ thuộc vào ở nơi đây, chướng ngại bên ngoài như thế nào có Cư Sĩ Lâm gánh vác, chúng ta không việc gì.

Thế nhưng chúng ta ở Hồng Kông không tìm được một đạo tràng, một hộ pháp như thế này, cho nên không cách nào! Ở Hồng Kông chỉ làm khách, lâm thời thuê nhờ một lễ đường của Hội Phúc Lợi Nhai Phường. Chúng ta ở đó mỗi tháng hoạt động ba ngày. Nếu Hồng Kông có được một đạo tràng, có được một cư sĩ như Lý Mộc Nguyên, người Hồng Kông có phước!

Chúng ta là toàn tâm phụng hiến, không cầu danh cũng không cầu lợi. Suốt đời tôi không hy vọng xây đạo tràng, không làm cái việc này! Ở Hồng Kông nếu gặp được duyên chín muồi, chúng ta có thể giúp họ xây dựng đạo tràng. Rất nhiều đồng tu theo tôi thời gian lâu đều biết: Cả đời tôi đều gặp đố kỵ, chướng ngại. Nếu tôi xây đạo tràng thì sẽ gặp phiền phức rất lớn! Không xây đạo tràng theo sau người khác, đố kỵ chướng ngại vẫn còn rất nhiều! Gây rối, sinh sự cũng rất nhiều! Cho nên, nhất định không nên làm cho chúng sinh tạo thêm tội nghiệp càng nặng. Tất cả tùy duyên!

Tôi thường muốn thối lui, không muốn tiến! Nhất là hiện tại tuổi tác lớn rồi. Tôi nói với rất nhiều đồng tu: Ngày nay, tôi bị Cư sĩ Lý Mộc Nguyên buộc chặc rồi, không thể thoát thân! Tôi muốn rời khỏi nơi đây, trên đạo nghĩa thì nói không thông, có lỗi với ông! Ông nhiệt tâm toàn lực hộ trì chánh pháp, ông vì chánh pháp không vì cá nhân tôi. Tôi hiểu rõ, tôi phải giúp ông hoằng pháp lợi sinh.

Ở Trung Quốc đại lục, nhiều năm đến nay, có duyên, tùy duyên làm một số việc, quyết không phan duyên. Tôi không có phái người làm việc hoằng pháp ở Trung Quốc đại lục, hoàn toàn không có! Những băng thu âm, băng ghi hình, kinh sách đều do những đồng tu ở hải ngoại gặp tôi, hoặc ở đạo tràng tự mình lấy mang qua đó. Tôi không hề ủy thác cho bất cứ một ai, đây là tùy duyên; nhưng tùy duyên vẫn còn có chướng ngại!

Lần này, chúng ta đến Bắc Kinh, cùng Cục Trưởng Hội Phật Giáo gặp mặt đôi bên mới hiểu rõ. Tôi nói: Các vị hãy an tâm, tôi sống đến tuổi tác lớn thế này, xuất gia gần năm mươi năm, giảng kinh bốn mươi năm, ngay đến đạo tràng cũng không có. Nếu các vị tặng đạo tràng cho tôi, tôi cũng không cần đến. Quản lý một đạo tràng thật phiền phức, nhiều phiền não! Quản người, quản việc, quản tiền, nếu không cẩn trọng sẽ tạo nên tội nghiệp, chi bằng lẫn tránh, hoàn toàn không can thiệp.

Những gì tôi nói ra, bạn nghe được có đạo lý, bạn chịu làm thì rất tốt! Bạn không chịu làm cũng tốt! Tất cả đều tốt! Như vậy mới không việc gì, mới có thể hòa thuận cùng sống. Nếu cứ nhất định kiên trì ý kiến của mình, phải làm thế nào đó, sẽ đắc tội với người, tạo thành khúc mắc phương diện nhân sự, chúng ta không làm như vậy! Nơi nào có duyên thì đến, không duyên thì đi, tìm một nơi thanh tịnh, chính mình niệm Phật vãng sinh thì tốt! Tất cả đều buông xả, tùy thuận tự nhiên, tự nhiên là khỏe mạnh nhất!

Lần này đến Bắc Kinh tôi rất hoan hỉ. Cục Trưởng Diệp mời tôi đi tham quan Viện Bảo Tàng lịch sử, gần đây triển lãm một số cổ vật lấy lên từ lòng đất chùa Hưng Long, Thanh Châu, Sơn Đông, đều là tượng Phật. Viện trưởng đích thân giới thiệu cho chúng tôi, ông nói tổng cộng tượng Phật lấy lên từ lòng đất, đại khái có trên bốn trăm pho tượng, điêu khắc rất tinh mỹ đã hơn một ngàn năm. Bên trong có một số nét họa vẫn còn rất rõ nét. Đặc biệt giới thiệu cho tôi một tôn tượng Tỳ Lô Giá Na Phật vào thời Bắc Ngụy, đời Đường, đại khái khoảng một ngàn bảy trăm năm. Cà sa mặc trên thân của Tỳ Lô Giá Na Phật, trong mỗi ô của cà sa có họa vẽ mười pháp giới. Nơi cao nhất vẽ Phật đang nói pháp, đây là “Phật pháp giới”. Bên dưới: từng tầng, từng tầng, tầng sau cùng là pháp giới địa ngục, màu sắc đường nét rất rõ ràng. Sau khi ông giới thiệu xong, tôi nói với ông:

–  Y phục này đại biểu cho ý nghĩa: Hư không pháp giới tất cả chúng sinh là một chính mình, một cái thân, đây gọi là Pháp Thân. Cà sa của chúng ta, mỗi ô đại biểu cho một chủng tộc, một tộc loại đa nguyên văn hóa. Tận hư không khắp pháp giới, vô lượng tộc loại, tộc quần khác nhau là một chỉnh thể. Hơn nữa, mỗi ô đều lớn như nhau là bình đẳng không có khác biệt.

–  Vì sao mỗi đầu chỉ có nửa ô?

–  Nói với bạn: Chỗ này sau đó vẫn còn kéo dài ra vô lượng vô biên! Đây không phải là nửa ô mà là một ô, chỉ là cắt đến chỗ này, phía sau vẫn còn không có cùng tận, là biểu thị cái ý này. Nghe tôi nói xong họ cũng có cái giác ngộ. Tôi nói:

–  Bộ y phục của tượng Phật này là đại biểu tận hư không khắp pháp giới: Một cái tâm – Chân tâm; một cái tánh – Bổn tánh; một cái thân – Pháp thân. Chúng ta mỗi ngày đắp y này, không hiểu được biểu thị của nó, nên chỉ là đắp suông! Cho nên, Phật Giáo chính là “đa nguyên văn hóa”. Hơn nữa, ba y nghĩa thú biểu pháp rất là sâu sắc:

Y hai mươi lăm điều: Biểu thị tận hư không khắp pháp giới là một thể.

Y bảy điều: Biểu thị chúng ta cư ngụ trên địa cầu này, cả thảy địa cầu là một thể.

–  Y năm điều: Tổng cộng chỉ có mười lăm ô; đại biểu Singapore, thành phố này. Trong thành phố này có chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau v.v… là một thể.

Tóm lại, mười niệm ở chỗ này, chúng ta nhất định phải rõ ràng. Nếu lão thật niệm Phật, người xưa cũng nói: Ngay trong mỗi niệm đều đầy đủ mười niệm của Di Lặc. Cách nói này cùng Kinh  Hoa Nghiêm là như nhau “nhất tức thị đa, đa tức thị nhất”, châu biến hàm dung, đây là chân thật có thể khế nhập cảnh giới.

Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp” (Chỉ trừ ngũ nghịch phỉ báng chánh pháp):

Sách Hoa Nghiêm Khổng Mục Chương, quyển ba có đoạn viết: “Ngũ nghịch, vị hại phụ, hại mẫu, hại A-la-hán, phá Tăng, xuất Phật thân huyết. Sơ nhị bội ân dưỡng, thứ tam hoại phước điền, cố danh vi Nghịch” (Ngũ nghịch là hại cha, hại mẹ, hại A-la-hán, phá Tăng, làm thân Phật chảy máu. Hai thứ đầu là bội ân dưỡng dục, ba thứ sau là phá hoại phước điền, vì vậy gọi là Nghịch).

Ngày nay chúng ta đối với hiếu đạo đều không đủ, không tận hiếu. Thế nhưng, giết cha hại mẹ chắc chắn là không có! Tuy nhiên, đối với Tam Bảo, tạo tác tội nghiệp hữu ý hay vô ý đều có thể gây ra; muốn hại A-la-hán cũng không tìm được! Nhưng, cùng đồng với A-la-hán chính là người chân thật tu hành, chân thật phát tâm hoằng pháp lợi sinh. Họ không từ lao nhọc đem Phật pháp giới thiệu cho xã hội đại chúng, mục đích là giác ngộ tất cả chúng sinh. Bạn muốn phá hoại đạo tràng họ, muốn hại những pháp sư này, tội nghiệp này cùng với tội Ngũ Nghịch là như nhau, gọi là “Đẳng Lưu Tội”. Trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, đọc qua đều thấy, tội này đọa vào Vô Gián Địa Ngục trong một Đại Kiếp, chịu khổ không ngừng. Một đại kiếp này là một đại thiên thế giới Thành, Trụ, Hoại, Không. Thời gian quá dài! Số tự thiên văn!

Nếu cho rằng pháp môn này hay, pháp môn kia dở, ấy chính là bạn đã “báng” Phật! Từ xưa đến nay, y theo những pháp môn này tu hành, có biết bao nhiêu người thành tựu là Thánh Hiền Tăng. Cho nên, dù hữu ý hay vô ý chúng ta vẫn là đang báng Phật, báng Pháp, báng Tăng; người như vậy không thể vãng sinh!

Phỉ báng”, chữ “Phỉ” có nghĩa giống như “Báng”; chữ “Báng” là chê bai nhục mạ. Nói việc xấu của người khác quá mức sự thật cũng là “báng”.

Phỉ báng chánh pháp” tức là “Phỉ báng Phật pháp”. Đại nguyện “mười niệm ắt được sinh” này phổ độ hết thảy, nhưng không độ kẻ đã phạm tội Ngũ Nghịch và phỉ báng chánh pháp. Tội phỉ báng chánh pháp rất nặng. Kẻ báng pháp gọi là “Báng pháp Xiển Đề” nên chẳng được vãng sinh.

Quán Kinh dạy “Ngũ Nghịch, Thập ác, lâm chung thập niệm diệc đắc vãng sinh” (Ngũ nghịch, Thập Ác, lâm chung mười niệm cũng được vãng sinh).

Có người hỏi:

Trong Quán Kinh bảo người phạm tội Ngũ Nghịch, nhưng không phỉ báng chánh pháp cũng được vãng sinh. Vậy, kẻ chỉ báng chánh pháp nhưng không phạm Ngũ Nghịch có được vãng sinh chăng?

Vãng Sinh Luận Chú đáp: “Nếu chỉ phỉ báng chánh pháp, dẫu chẳng phạm các tội khác cũng nhất định chẳng được vãng sinh.

Vì sao bảo vậy?

– Kinh dạy: Tội nhân Ngũ Nghịch đọa trong A Tỳ đại địa ngục, chịu đủ hết thảy trọng tội (chỉ đến khi kiếp tận mới được ra). Người phỉ báng chánh pháp đọa trong A Tỳ đại địa ngục, nếu kiếp này tận rồi bèn bị chuyển sang A Tỳ đại địa ngục ở phương khác. Lần lượt trải qua trăm ngàn A Tỳ đại địa ngục như thế mà Phật chẳng huyền ký lúc nào sẽ thoát khỏi. Như vậy, tội phỉ báng chánh pháp nặng nề nhất”.

Sách còn viết thêm: “Ông chỉ biết năm tội nghịch là trọng mà chẳng biết năm tội nghịch đều là do không có chánh pháp mà sinh. Vì vậy, tội người báng chánh pháp rất nặng”.

Hòa Thượng Tịnh Không cũng đồng với tư tưởng này: Nếu thế gian có chánh pháp, con người sẽ không tạo tội nghiệp này. Bởi, phàm là người ai cũng đều muốn tu phước, muốn đời sau tốt đẹp hơn đời này. Hủy báng chánh pháp là đoạn tuyệt nhân duyên tu phước của chúng sinh, tội của họ là kết ở chỗ này, không phải kết đối với Tam Bảo, cho nên tội này rất nặng.

Trong Quán Kinh Sớ, Đại Sư Thiện Đạo có cách giải thích khác biệt, ngài nói Ngũ Nghịch, báng pháp chẳng được vãng sinh là do Phật muốn ngăn ngừa điều ác nên phương tiện nói như thế. Sách viết:

Với nghĩa này, nên dùng Ức Chỉ Môn (“ức chỉ” là ngăn ngừa, cấm đoán) để hiểu. Trong bốn mươi tám nguyện loại trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp là vì hai nghiệp này gây chướng rất nặng. Chúng sinh nếu trót phạm phải liền vào thẳng A Tỳ, kinh hoàng bao kiếp, biết nhờ đâu để thoát khỏi. Đức Như Lai sợ chúng sinh tạo hai tội lỗi ấy nên mới thốt lời ngăn ngừa ‘chẳng được vãng sinh’ nhưng chẳng phải là ngài chẳng nhiếp thủ bọn họ.

Dẫu tạo tội vẫn được nhiếp thủ vãng sinh, tuy được vãng sinh nhưng hoa sen trong nhiều kiếp chưa nở. Lúc ở trong hoa, bọn tội nhân ấy có ba thứ chướng: Một là chẳng được thấy Phật và các thánh chúng; hai là chẳng được nghe chánh pháp, ba là chẳng được qua khắp các nơi cúng dường. Trừ những điều trên đây ra, không còn các nỗi khổ nào khác”.

Trong phần nói về tông chỉ của kinh, Sách Hợp Tán cũng nhận định: “Nói chỉ trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp là đối với căn cơ chưa tạo nghiệp, chỉ là để ngăn ngừa mà thôi. Nếu với   căn cơ đã trót tạo nghiệp, đã hồi tâm thì Phật cũng nhiếp thủ chẳng để sót vậy”. Đây là chúng ta thường nói: “Lãng tử hồi đầu, vàng không đổi”. Thật sự quay đầu, thật sự chân thành sám hối, họ cũng có thể được vãng sinh, giống như trường hợp Bồ Tát Thiên Thân. Cả ba anh em ông đều học Phật: Anh cả là Bồ Tát Vô Trước học Đại thừa; người thứ hai là Sư Tử Giác; thứ ba là Bồ Tát Thiên Thân học Tiểu thừa. Bồ Tát Thiên Thân rất mực thông minh, biện tài vô ngại, học Tiểu thừa hủy báng Đại thừa. Bồ Tát Vô Trước thương xót chỉ dạy ngài, sau đó dần dần ngài giác ngộ. Khi giác ngộ, biết tội lỗi mình trước đây hủy báng Đại thừa rất nặng. Ngài nói với anh trai là mình muốn cắt lưỡi tự trừng phạt chính mình. Bồ Tát Vô Trước nói với ngài:

Trước đây em dùng lưỡi hủy báng Đại thừa, sao bây giờ không dùng lưỡi để tán thán Đại thừa? Đây là cách làm để chuộc tội, ngài tiếp thu phương pháp này. Bạn xem! Trong Tiểu thừa, ngài trước tác “Ngũ Bách Luận”, năm trăm bộ luận khen ngợi Tiểu thừa. Sau khi trở về Đại thừa, ngài cũng trước tác “Ngũ Bách Luận” khen ngợi Đại thừa. Cho nên cổ nhân xưng ngài là “Thiên Bộ Luận Sư”. Vấn đề là ta có quay đầu không? Có sửa đổi chính mình hay không? Nếu có thể sửa đổi, thật sự đã hồi tâm, việc này rất quan trọng! Như Bồ Tát Thiên Thân, sau cùng ngài cũng niệm Phật vãng sinh tức Phật cũng nhiếp thủ không sót một ai, mới biết Phật thật đại từ bi, bình đẳng biết bao!

Trong: Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, đọc công án về Pháp sư Doanh Kha (nhà Phật gọi công án nghĩa là câu chuyện). Vào thời nhà Tống có một vị xuất gia không giữ thanh qui, thường hay phạm giới, đại khái sư cũng tự biết mình tạo ra không ít tội lỗi. Đầu óc vẫn còn rất tỉnh táo, bình thường học kinh giáo, biết tội mình chắc chắn đọa địa ngục, liền thỉnh giáo những bạn đồng học: – Làm thế nào mới được cứu? Trong số đồng học, có người tặng sư cuốn Vãng Sinh  Truyện. Sư xem xong khóc than rơi lệ, cảm động vô cùng, bèn hạ quyết tâm niệm Phật vãng sinh. Sư niệm câu Phật hiệu này suốt ba ngày ba đêm không ăn không ngủ. Ba ngày tâm chân thành thật sự đã cảm ứng đến Phật A Di Đà, ngài đến nói với sư: – Ông còn mười năm thọ mạng, cố gắng tu đợi đến lúc lâm chung, ta sẽ đến đón.

Pháp Sư Doanh Kha thưa với Phật:

– Tập khí nghiệp chướng của con rất nặng, chỉ cần bên ngoài có sự mê hoặc, con sẽ không thể vượt qua! Sự việc này có thể khiến trong mười năm nữa, không biết con lại tạo thêm bao nhiêu tội nghiệp, cho nên con không cần thọ mạng, chỉ muốn được theo ngài ngay bây giờ. Đức Phật nhận lời:

– Thôi được! Ba ngày sau Ta đến tiếp dẫn ngươi.

– Vì sao Phật không đưa sư đi liền mà phải để ba ngày sau?

– Để sư làm biểu pháp!

Trong “Tam chuyển Pháp Luân”, sư đã làm “chứng chuyển” cho chúng ta thấy. Sau đó sư mở cửa phòng nói với mọi người: Tôi niệm Phật ba ngày ba đêm đã cảm ứng được với Phật. Bèn kể rõ sự tình cho đại chúng nghe. Mọi người nửa tin nửa ngờ: Đâu lẽ có chuyện dễ dàng đơn giản đến như thế! Tạo tội Ngũ Nghịch như vậy, chỉ niệm Phật có ba ngày ba đêm mà có thể được vãng sinh ư?! Không ai tin điều này! Nhưng cũng may, ba ngày cũng không dài, để xem ba ngày sau sư có thật sự được vãng sinh hay không? Đến ngày thứ ba, sư yêu cầu mọi người trợ niệm để đưa sư vãng sinh. Mọi người đều hoan hỉ, đây là việc tốt, việc rất khó gặp, cùng sư kết thiện duyên vậy. Mọi người chân thành niệm Phật, niệm chưa đến một khắc, sư nói với mọi người: – Đức Phật đã đến, tôi đi theo ngài đây! Sư từ biệt mọi người và ra đi.

Câu chuyện này là thật không phải giả! Đây là người tạo nghiệp rất nặng nhưng không hủy báng chánh pháp, cũng được Phật nhiếp thủ. Đức Phật rất từ bi, nói lời giữ lời; nói ba ngày đến tiếp dẫn là ba ngày đến. Công án này trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và trong Vãng Sinh Truyện đều có nói; trong rất nhiều Chú Sớ của Cổ nhân cũng có dẫn chứng ví dụ này.

Như vậy, Di Đà đại nguyện nhiếp thủ căn cơ vô tận, nên Đại Sư Thiện Đạo bảo: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải” (Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời chỉ là để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà). Hai câu này rất nổi tiếng thường được các bậc Tổ sư, đại đức dùng để dẫn chứng. Ý nói: Tam thế chư Phật xuất hiện trong đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là tuyên thuyết nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật, nhằm cứu vớt chúng sinh, khuyên họ niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ.

Tất cả kinh mà Phật thuyết suốt bốn mươi chín năm, đó là hằng thuận căn cơ của chúng sinh; nhiều lần tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ là đức Thế Tôn thuận theo bổn nguyện của ngài, cũng tùy thuận bổn nguyện của A Di Đà Phật. Pháp môn này là phổ độ tất cả chúng sinh, không như những pháp môn khác phải có điều kiện nhất định, căn tánh nhất định. Pháp môn này chỉ cần tin sâu, nguyện thiết và chân thành niệm Phật A Di Đà, mười niệm hay một niệm cũng đều được vãng sinh.

Đại Sư Thiện Đạo lại nói: “Nay được gặp gỡ di tích của Phật Thích Ca trong đời mạt pháp, pháp môn trọng yếu bổn thệ nguyện Cực Lạc của Phật A Di Đà, hết thảy phàm phu thiện ác được vãng sinh không ai lại chẳng nương vào đại nguyện lực của A Di Đà Phật để làm tăng thượng môn vậy”.

Chúng ta đều biết Phật pháp truyền đến Trung Quốc vào thời kỳ Tượng Pháp là năm 67 công nguyên, năm Vĩnh Bình thứ   mười, Hán Minh Đế. Đại sư Thiện Đạo sinh vào thời nhà Đường, thời đại này đã vào thời kỳ mạt pháp. Cho nên nói “gặp gỡ di tích của Phật Thích Ca trong thời mạt pháp”. Thành tựu của thời kỳ mạt pháp chỉ có pháp môn Tịnh Độ, trong khi đó tu thiền vào thời đại này không thể đạt đến đại triệt đại ngộ.

– Họ đi về đâu?

– Ngày xưa học thiền cũng rất đáng nễ, đều đạt được Thiền Định: Được Sơ Thiền đến Sắc Giới Sơ Thiền thiên. Được Tứ Không Định đến Vô Sắc giới thiên, nhưng tất cả đều không ra khỏi lục đạo, tuy thọ mạng họ rất dài.

Thoạt nhìn, thuyết của Vãng Sinh Luận Chú tựa hồ mâu thuẩn với thuyết của Quán Kinh Sớ, nhưng thật ra cả hai thuyết dung thông lẫn nhau. Thuyết của Vãng Sinh Luận Chú thật phù hợp với ý chỉ ngăn ngừa (ức chỉ) của Như Lai; khiến cho con người kinh sợ chẳng dám báng pháp. Quán Kinh Sớ thì hiển thị bi nguyện vô tận của Phật Di Đà: “Tuy Ngũ Nghịch, báng pháp, nhưng lúc lâm chung lại có thể niệm Phật thì chính là sám hối phát tâm, người như vậy trong ức ức người khó được một, hai kẻ, nên Phật vẫn từ mẫn nhiếp thọ”.

Thiện Đạo Đại Sư phán định trong bốn mươi tám nguyện, chỉ có năm nguyện chân thật. Xét trong năm nguyện ấy, chỉ có nguyện thứ mười tám là chân thật, nên ngài viết trong sách Sự Tán như sau: “Mỗi một lời nguyện, đều dẫn về nguyện thứ mười tám”.

Sách Bình Giải nói: “Bốn mươi tám nguyện tuy rộng, nhưng chỉ qui về nguyện mười tám”. Sách còn viết: “Do nơi nguyện này nên chúng sinh được sinh về cõi không có ba đường ác, sẽ chẳng đọa trong đường ác nữa, đủ tướng hảo, hiện thần thông mà được diệt độ do nhập vào biển quang minh, thọ lượng. Vì vậy, riêng nguyện này thật tối thắng vậy”.

Sách Tiên Chú cũng nhận xét: “Rõ ràng, trong bốn mươi tám nguyện, nguyện niệm Phật vãng sinh này là vua của các nguyện căn bản”.

Tóm lại, nguyện thứ mười tám thể hiện phương tiện rốt ráo, Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, công đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật.