PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 9: MẬT TÂM CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ lại bảo Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Sao gọi là mật tâm nghiệp tâm thanh tịnh của Như Lai?

Này Tịch Tuệ! Ví như chúng sinh ở cõi trời Vô sắc sinh ra, đồng lấy một thức làm đối tượng để duyên, sống đến tám vạn bốn ngàn kiếp. Thức ấy cũng không phải tùy theo các thức khác mà chuyển, thọ mạng hết rồi tùy nghiệp thành thục, tùy chỗ mà thọ sinh. Như Lai cũng lại như vậy, vì không trụ thức nên trong đêm Bồ-tát thành tựu quả vị Giác ngộ cao tột và trong đêm Như Lai vào đại Niết-bàn Vô dư y, trong khoảng thời gian đó Đức Phật Như Lai không có tâm chuyển, không có tâm tứ sát, không có tâm không tứ sát, không có tâm tri giải, không có tâm tư niệm, không có tâm hạn lượng, không có tâm tích tập, không có tâm ly tán, không có tâm động loạn, không có tâm cao, không có tâm thấp, không có tâm phòng vệ, không có tâm thú hướng, không có tâm dữ tợn, không có tâm quán sát kỹ, không có tâm não hại, không có tâm lưu đãng, không có tâm tịch định, không có tâm vui thích, không có tâm bức não, không có tâm an xứ, không có tâm biến hành, không có tâm phân biệt, không có tâm sai khác, không có tâm biến kế, không có tâm trụ trong Chỉ, không có tâm trụ trong Quán, không có tâm chạy theo thức, không tự tâm kiến lập, không quán sát tha tâm, không có tâm nương vào mắt; không có tâm nương vào tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có tâm nương vào sắc, không có tâm nương vào thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có tâm trụ vào đối tượng để duyên, không có tâm trụ vào ý xứ, không có tâm trụ nội xứ, không có tâm trụ ngoại xứ, không có tâm nương vào pháp hành, không có tâm nương vào trí hành, không có tâm quán sát các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này Tịch Tuệ! Đó là tâm nghiệp thanh tịnh của Như Lai. Tâm của Như Lai không nắm bắt một pháp nào, đối với các pháp Như Lai chỉ dùng tri kiến không chấp trước, không ngăn ngại mà chuyển. Tự tâm của Như Lai đã thanh tịnh, đối với các chúng sinh tâm không thanh tịnh, cũng lại không chấp kiến; không bị hữu kiến và vô kiến làm cho phân biệt. Tuy có thấy, nhưng không có hý luận về cái thấy và cái không thấy. Đây gọi là thấy được trí Như Lai, cái thấy này không tương ưng với cái thấy của Nhục nhãn, không tương ưng với cái thấy của Thiên nhãn, không tương ưng với cái thấy của Tuệ nhãn, không tương ưng với cái thấy của Pháp nhãn, không tương ưng với cái thấy của Phật nhãn, không tương ưng với cái nghe của Thiên nhĩ, không tương ưng với cái biết của Tha tâm trí, không tương ưng với suy nghĩ của Túc trụ tùy niệm trí, không tương ưng với kết quả của thần thông trí, không tương ưng với trí hữu lậu. Đối với tất cả pháp ấy có thể tương ưng là tri của tất cả pháp vô ngại, nhưng Phật Như Lai không có gia hạnh, cũng không tìm hiểu, không tác ý, khéo trụ vào trí sáng của Như Lai mà quán sát tâm hạnh của tất cả chúng sinh, biết rõ tất cả pháp hoặc nhiễm hoặc tịnh. Đức Như Lai có mười Lực, bốn Vô sở úy, mười tám pháp Phật bất cộng, không bao giờ rời bỏ trí Như Lai, nhưng Phật Như Lai đối với pháp này không có gia hạnh, không tìm hiểu, cũng không tác ý. Như Lai lìa tâm, ý, thức, thường trụ trong chánh định, nhưng không bỏ tất cả Phật sự, ở trong trí vô ngại đối với tất cả pháp Phật không có chấp trước.

Này Tịch Tuệ! Ví như tượng Như Lai được Như Lai hóa ra, tượng được hóa ra đó không có tâm, ý, thức, không bị thân hành, ngữ hành, ý hành chuyển, nhưng nhờ sức gia trì của Phật nên có thể làm tất cả Phật sự. Đức Như Lai cũng như vậy, cùng với các hóa tượng không khác, do thấy tất cả pháp đều như biến hóa, cho nên không có phân biệt, không khởi phát thân, ngữ, tâm mà lại có thể làm tất cả Phật sự, nhưng không có gia hạnh, không có tìm hiểu, lại không tác ý. Vì sao? Vì Đức Như Lai đã biết rõ tự tánh của tất cả pháp tướng như hóa. Thế nên Như Lai tự giác ngộ rồi, vì thương xót nên bày phương tiện giác ngộ cho tất cả chúng sinh.

Tịch Tuệ nên biết! Trí của Như Lai không trụ hữu vi, không trụ vô vi, không trụ uẩn, xứ, giới; không trụ trong, không trụ ngoài, không trụ thiện pháp, không trụ bất thiện pháp, không trụ vào thế gian, không trụ vào xuất thế gian, không trụ vào có tội, không trụ vào vô tội, không trụ hữu lậu, không trụ vô lậu, không trụ quá khứ, không trụ vị lai, không trụ hiện tại, không trụ trạch diệt, không trụ phi trạch diệt. Như vậy cho đến không trụ vào thức. Như Lai đối với tâm hạnh ý vui của tất cả chúng sinh, chỉ dùng tri kiến không chấp trước, không ngăn ngại mà chuyển. Tuy nhiên Như Lai không gia hạnh không tìm hiểu cũng không tác ý.

Tịch Tuệ! Đây là mật tâm chẳng nghĩ bàn của Như Lai. Vì thế nên biết, Như Lai thường trụ chánh định, nhưng không lìa bỏ, mà biểu hiện trọn vẹn tâm ý của tất cả chúng sinh.