CẨN THẬN KẺO LẦM
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Vào năm 1980, ngoài việc hướng dẫn chúng tôi tập thể dục cho khỏe thân, chị Hạnh Huệ còn cao hứng dạy chúng tôi vài thế võ để tự vệ. Chị là Đệ nhị đẳng huyền đai Judo mà, mấy thế võ của chị rất ngộ: “Mượn sức đối phương hạ đối phương”, nếu địch thủ ra đòn càng mạnh thì càng lụy nhiều… Nhờ vậy, người yếu mấy cũng có thể thực tập và ứng dụng thế vỗ này.

Đại chúng thích lắm, bất kể sáng, khuya gì… hễ rãnh là hợp nhau chia nhau thành cặp, vật nhau té đùi đụi, cùng thí nghiệm và chứng minh chân lý “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” – Nếu bị người bất thần nắm tay, chúng tôi sẽ nhanh nhẹn lách người tránh ra sau và vặn mạnh tay đối phương, dùng sức họ kéo họ ngã chúi nhủi.

Nghe tôi giải thích thế võ này có thể đánh đổ người mạnh, Tịnh Mẫn đâm hăng lên, hùng hổ lao vào nhập cuộc và “giao chiến” với tôi. Trước Tịnh Mẫn, tôi giống hệt con… chuột đấu với con… voi. Tôi phải dốc hết sức cầm cự… để Tịnh Mẫn không làm mình “nốc ao”.

Xong trận chiến, tôi và Tịnh Mẫn cùng ngồi trên bãi cỏ thở dốc. Tôi phê bình:

– Tay Tịnh Mẫn chẳng đào thơ liễu yếu chút nào!

Tịnh Mẫn phá lên cười và kể cho tôi nghe:

– Lúc mình chùa dưới miền Tây, mấy ông công an vào chùa xét hộ khẩu… gặp mình, Hạnh Đoan biết họ nói sao không?

– Nói sao?

Họ bảo: “ANH” có muốn đi tu thì cũng không cần phải trốn vào chùa Ni giả gái làm gì, cứ đường hoàng tới chùa Tăng tu, tụi tôi bảo đảm không bắt “ANH” đi nghĩa vụ quân sự đâu mà sợ… “ANH” cứ thực tình thú nhận giới tính đi, tụi tôi thông cảm cho…

Mình tức quá la lên:

– Mấy ông ăn nói gì kỳ cục, tui là con gái mà!

Họ phản đối liền:

– Tay chân như vầy mà là con gái hả? ANH làm như tụi tui không biết nhìn người vậy!…

– Sau một hồi tranh cãi dai dẵng họ vẫn không tin, mình tức quá bật khóc, hét to:

– VẬY THÌ ĐI.. KHÁM, tui mà không phải là con trai thì mấy người COI CHỪNG TÔI! Lúc này họ có vẻ phân vân, bèn cất công đi điều tra dọ hỏi khắp các vị lớn, khi nghe quý vị ấy xác nhận mình là Ni, thì họ mới chịu tin, tẽn tò… và nhỏ nhẹ xin lỗi mình rồi ra về.

Nghe Tịnh Mẫn kể, tôi ôm bụng cười.

Thật ra Tịnh Mẫn nhìn cũng giống một vị tăng cao gầy, nhưng không đến nỗi phải đoan chắc đó là một nam nhân như mấy ông công an nhầm lẫn kia. Giọng Tịnh Mẫn nhỏ nhẹ, nhưng cũng có lúc rất hùng.

Ở Tịnh Mẫn có vẻ gì đó rất ngộ, nếu mà tôi tả thì nghe rất mâu thuẫn, bởi vì trong cái nhìn của tôi: Tịnh Mẫn vừa có nét thư sinh, vừa có nét võ biền; vừa dịu dàng, vừa hùng dũng; vừa nhỏ nhẹ, vừa đanh thép… Tính tình Tịnh Mẫn bộc trực, nghĩ gì nói nấy. Đây là mẫu người không ngán, không ngại gì – từ lời nói đến việc làm – Tịnh Mẫn thường tâm sự:

– “Bấy lâu nay mình bị lầm, vì cứ tưởng là phải nương tựa vào nhiều người, mình mới lớn mạnh; chứ không hề biết là càng nương tựa mình càng què quặt tê liệt. Nếu mình cứ ỷ lại, chẳng tự bước đi được thì quả không hay chút nào.

Hôm kia, cô Trụ trì sai mình trồng cây thuốc, mình khám phá ra một điều: Cây mọc rậm từng chùm luôn yếu hơn cây được mọc riêng ở nơi thoáng đãng… vì vậy, mình tự hứa với lòng là sẽ sống lớn mạnh như cây mọc riêng một mình, không nương tựa lệ thuộc ai”…

Những tư duy của Tịnh Mẫn nghe rất hùng, đầy chí khí nam nhi. Nhưng ấy ấy, chớ có thấy vậy rồi xếp lầm giới tính thì Tịnh Mẫn sẽ… khóc… Mà nếu khóc chưa há giận thì chị sẽ dùng quả đấm thôi sơn nện cho thấm thía… Thế nên, phải hết sức cẩn thận…

*

Bây giờ, đã mấy mươi năm trôi qua… không khí Viên Chiếu cũng đã khác hơn, trầm lắng và yên tĩnh, dù công việc không bớt, dù bận rộn luôn đuổi dí, nhưng tuổi tác chúng tôi đều đã chất chồng, bệnh lão và mệt mỏi đang tràn tới viếng…

Ngồi một mình trong cái cốc nhỏ, ngắm nhìn cảnh vật khoác áo mới nghênh xuân, tôi bỗng nghe lòng mình nao nao. Mùa xuân bao giờ cũng mang bầu không khí hân hoan, tươi tắn. Những bạn bè cùng tôi đón xuân, vui xuân hai ba mươi năm trước, có vài người đã vĩnh viễn ra đi, như chị Minh Ánh, già Liễu…

Trong mỗi cuộc sinh ly tử biệt, dẫu có sầu đau thì tri giác vẫn không thay đổi, chỉ có thức tâm phân chia khiến buồn vui nối tiếp sản sinh. Nếu tâm hằng giác tỉnh, thì bình an tràn khắp, nếu tâm loạn động, thì rối rắm khổ đau. Cõi xuân – hay cõi Tịnh độ – là cõi không phiền não! Muốn tạo niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống… thì tâm phải luôn thuần tịnh, an bình.