NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

9. CÁI ĐẸP CỦA VĂN HÓA Á ĐÔNG VÀ NẾP SỐNG THEO TRIẾT LÝ NHÀ PHẬT

Các bạn trẻ thân mến,
Có lẽ hiện giờ niềm vui, niềm hạnh phúc của các bạn là thích gì làm đó, hoặc muốn cái gì thì bằng mọi giá phải làm cho được cái đó. Tuy nhiên, càng về sau nầy, khi tuổi càng lớn, các bạn sẽ nhận chân ra rằng hạnh phúc đích thực là tình thương và sự sống hòa hợp. Hạnh phúc nằm ngay nơi đôi tay của bạn. Nắm bắt hay không là tùy các bạn. Với người Á Đông chúng ta, hạnh phúc không tản mạn cá nhân như Âu Mỹ. Ngược lại, hạnh phúc ở ngay trong lòng nhân hậu của mọi người. Với Tây, với Mỹ thì con cái trên mười tám tuổi là mạnh ai nấy sống, hồn ai nấy giữ. Ngược lại, với người Việt Nam chúng ta, ông bà cha mẹ, cháu chắt cùng chung sống quây quần bên nhau dưới một mái nhà, cùng chia sẻ những cay đắng ngọt bùi của cuộc sống, hết thế hệ nầy qua thế hệ khác, ấy là hạnh phúc.

Các bạn trẻ thân thương,
Còn về hạnh phúc lứa đôi, có lẽ hiện giờ các bạn vì phải chịu theo ảnh hưởng của Tây phương nên cho rằng hạnh phúc là hợp thì chung sống, không hợp thì ly thân, ly dị. Nhưng khi có tuổi một chút, các bạn sẽ thấy cách sống như vậy quả là trục trặc vô cùng. Xin giới thiệu cùng các bạn trẻ về quan niệm hạnh phúc cổ truyền Á Đông: Vợ chồng Việt Nam sống thủy chung với nhau cho đến răng long tóc bạc, ấy là hạnh phúc. Hạnh phúc của Tây của Mỹ đa phần được tính bằng tiền bằng bạc. Ngược lại, theo truyền thống cổ truyền Việt Nam thì hạnh phúc không phải do nơi sự giàu sang hay nghèo khó, cũng không do nơi có địa vị cao cả hay hèn mọn. Các bạn trẻ thân thương, hạnh phúc phải tự mình mở rộng vòng tay mà đón nhận tha nhân, chứ không phải do khép kín trong tị hiềm ích kỷ. Chính nhờ kế thừa truyền thống Á Đông cao đẹp ấy, mà những cặp vợ chồng Việt Nam đã giữ được sự thủy chung, cho dù phải trải qua bao cơn giông tố bão bùng của thời đại. Hãy nhìn vào cuộc sống của thanh thiếu niên Việt Nam vào những thập niên sáu mươi và bảy mươi thì các bạn sẽ thấy. Trong những thập niên nầy, trai thời loạn phải xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, bỏ lại sau lưng những mong ngóng chờ trông của những thiếu phụ trẻ. Trong khi những chàng trai ấy đang làm tròn trách vụ của mình nơi tiền tuyến, thì những thiếu phụ trẻ ở hậu phương đã chẳng những thủy chung, chờ chồng, mà còn đảm đang nuôi dạy con cái. Thật là truyền thống cao đẹp làm sao ấy ! Rồi sau năm 1975, với những tang điền thương hải, chính những thiếu phụ ấy đã một lần nữa nêu cao truyền thống Á Đông cao đẹp. Họ đã làm những cánh cò lặn lội bờ ao, vừa nuôi chồng, vừa nuôi con trong những hoàn cảnh cai nghiệt gấp trăm ngàn lần trong thời chiến. Những bài học cao đẹp ấy đáng gìn giữ và phát huy lắm các bạn ạ !

Các bạn trẻ thân mến,
Các bạn có biết là dân tộc Việt Nam chúng ta đã trải qua gần năm ngàn năm văn hóa không ? Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc có quá trình văn hóa lâu đời, có nền tảng đạo lý vững chắc nhất vùng đông nam châu Á. Các bạn có biết chính các thế hệ cha anh các bạn đã thẩm thấu một cách tài tình những tinh hoa cũng như những nguồn đạo lý tuyệt vời từ bên ngoài, nhưng vẫn giữ lại cho mình một sắc thái thật Việt Nam không ? Chính nhờ vậy mà trải qua bao cuộc bể dâu của một ngàn năm Bắc thuộc, một trăm năm Pháp thuộc và những cuộc chiến khốc liệt của thời cận đại, dân tộc ta vẫn luôn giữ vững nền tự chủ và đặc tính đặc sắc của dân tộc. Bây giờ đến lượt các bạn, hãy nối chí cha anh, hãy thu thập hết những tinh túy của người, nhưng vẫn giữ lại những gì ưu tú của mình. Hãy làm những học trò thật giỏi ở trường, nhưng về đến nhà, xin hãy làm những đứa con Việt Nam thật hiếu thảo, thật hiền hòa, thật dễ thương. Làm được như vậy, các bạn quả là xứng đáng cháu con Hồng Lạc!

Các bạn trẻ thân mến,
Ai trong các bạn cũng đều muốn có một cuộc sống thiện lành và hạnh phúc. Nhưng làm sao để có được cuộc sống thiện lành và hạnh phúc ấy ? Muốn được hạnh phúc không khó, mà cũng không dễ. Tuy nhiên, thay vì tự mình mò mẫm trong mê đồ tăm tối để tìm ra hạnh phúc, các bạn nên học cách lắng nghe. Lắng nghe để không giẫm phải những chông gai của cuộc đời, ấy không là hạnh phúc lắm sao ? Các bạn trẻ thân thương, có khi nào các bạn đã trải qua những thú vui trong chốc lát của tuổi trẻ để rồi phải thất vọng, chán nản, hoặc đau đớn về sau nầy chưa ? Nếu chưa, ấy là các bạn mai mắn, xin chúc các bạn được tiếp tục mai mắn. Nếu đã có, xin các bạn cũng đừng nên chán nản, mà hãy lắng nghe các bậc làm cha mẹ, để học lấy những kinh nghiệm nhiều khi quá đắc của họ. Họ không vì vô thưởng vô phạt mà nói. Ngược lại, họ nói vì lòng thương con vô bờ vô bến. Các bạn trẻ thân thương, trái đất nầy còn có giới hạn, vạn triệu vì sao ta vẫn đếm được, nhưng lòng cha mẹ thương con là vô bờ vô bến, không lấy thứ gì để mà so sánh được đâu ? Cho dù có lưu lạc nơi chân trời góc biển nào của địa cầu nầy, các bạn cũng đã một thuở nằm nôi, một thuở mẹ cha bồng ẵm, một thuở đã từng nghe tiếng mẹ ru con, một thuở đã lớn lên trong dòng sữa hiền hòa và ngọt ngào của mẹ. Chính mẹ cha đã tập cho các bạn những bước đi đầu đời. Cũng chính mẹ cha là những người đã trưởng dưỡng các bạn lớn lên, ươm cho các bạn những kiến thức, cũng như hun đúc cho các bạn được như ngày hôm nay. Vậy thì có cái gì sai trái khi các bạn tiếp tục lắng nghe các bậc làm cha mẹ ấy ? Ở đây cha mẹ các bạn nào có bắt buộc các bạn phải tuyệt đối lắng nghe họ đâu ? Họ chỉ mong các bạn hãy suy nghĩ cho kỹ càng trước khi làm một việc gì trọng đại cho cuộc đời của các bạn, thế thôi. Thế mà chưa chi các bạn đã gán cho họ đủ thứ, nào là cổ hủ, nào là khư khư giữ lấy cổ tục, nào là chậm tiến, vân vân và vân vân. Như vậy, nếu có thương cha mẹ, trước khi làm việc gì các bạn nên luôn dừng lại một thoáng giây để suy nghĩ về cái hậu quả của nó. Nếu không lường được hậu quả, thì xin các bạn hãy lắng nghe kinh nghiệm của những người đã từng trải, để không phải mang những nuối tiếc ân hận về sau nầy.

Các bạn trẻ thân thương,
Ngày xưa, vào thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy về công cha nghĩa mẹ như vầy: cho dù con cái có cổng các ngài trên vai và kiệu đi chơi năm châu bốn bể, cũng không đền đáp được mải mai công ơn sanh thành dưỡng dục. Khi cha mẹ có bịnh hoạn, dù có trăm kiếp khoét mắt mình làm thuốc chữa bịnh cho cha mẹ, cũng chưa trả hiếu được một phần. Hoặc giả trong thời đói kém, cho dù có muôn ngàn kiếp lóc thịt mình dâng nuôi cha mẹ, cũng chưa gọi là đủ hiếu. Hoặc trải trăm muôn ngàn kiếp, lấy thân làm nến, lấy tâm làm hương, đốt lên cúng dường chư Phật để hồi hướng phước báu cho cha mẹ, cũng chưa đủ đáp đền trong muôn một. Ngày nay các bậc cha mẹ không đòi hỏi như vậy ở các bạn đâu. Họ chỉ mong sao các bạn hiểu cho được cái câu ca dao của cổ nhân truyền lại: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Hiểu để mà chịu lắng nghe và trở thành những người hữu dụng cho gia đình, xã hội, đất nước và thế giới sau nầy, ấy là các bạn đã trả hiếu cho họ rồi vậy.

Các bạn trẻ thân mến,
Cha mẹ các bạn đã từng khổ sở, đã từng trăm cay ngàn đắng lo cho các bạn được nên vóc nên hình, đâu mong chi ngày được cậy nhờ nơi các bạn, nhưng truyền thống cha anh đã vậy từ muôn thuở. Mưa vẫn từ trên trời rơi xuống, chớ có khi nào mưa từ dưới đất mưa lên đâu ? Cha mẹ đã lo lắng nuôi dưỡng và dạy dỗ các bạn, chỉ mong sao sau nầy các bạn được thành nhơn chi mỹ, thế là họ vui sướng và hạnh phúc lắm rồi vậy. Các bạn trẻ thân thương, rồi sau nầy khi đã thành gia thất, có con cái, các bạn sẽ thấy tương lai con cái đè nặng trên đôi vai của các bậc cha mẹ. Họ đã phải cày sâu cuốc bẫm, hoặc còng lưng nơi công xưởng, hoặc bán cháo phổi nơi học đường. Lưng họ, vai họ cũng như tâm trí họ đã hằn sâu những vết roi của cuộc đời, để cho gót chân con cái họ còn được đỏ mãi như son. Bao nhiêu nếp nhăn trên trán của người cha, bao nhiêu nỗi thâm quầng trong đôi mắt của người mẹ, tất cả cũng chỉ vì các bạn đấy ! Các bạn thử tưởng tượng nỗi khổ sở của các bậc cha mẹ khi có một đứa con ngỗ nghịch, khổ lắm các bạn ạ ! Nếu thấy được như vậy thì ngay từ bây giờ xin các bạn hãy sống cho thật xứng đáng là một con người thật Việt Nam, đạo hạnh từ đời trước và vạn triệu đời sau; vẫn tiếp nhận văn minh và khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ, nhưng vẫn thấm nhuần những sâu xa đậm đà nghĩa lý của nền văn hóa và giáo dục gia đình Việt Nam.