NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

9. CÁC EM CẦN LẮM NHỮNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

Các bậc cha mẹ thân mến,
Xã hội Âu Mỹ có văn minh về khoa học kỹ thuật đấy, nhưng xét về tình gia đình và tình người thì quả là hãy còn thua xa truyền thống cổ truyền của cha anh chúng ta. Khách quan mà nhận xét, thì chúng ta sẽ thấy ngay trong gia đình Âu Mỹ, sự cảm thông, khắng khít và yêu thương giữa các thế hệ không thể nào sánh bằng gia đình Việt Nam chúng ta. Chính vì vậy mà cơn khủng hoảng trong gia đình ở các xứ văn minh như ở Mỹ càng ngày càng tăng. Điển hình là tại Mỹ, hiện tại có khoảng hơn nửa triệu trẻ em vô gia cư. Một phần các em bị những ảnh hưởng xấu từ bạn bè, một phần do bởi truyền thanh truyền hình, nhưng phần chính là do bởi sự thiếu cảm thông, thiếu khắng khít và yêu thương từ trong gia đình, hoặc giả do sự ngược đãi của cha mẹ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Dẫu biết rằng sự đồng điệu và cảm thông không phải là chuyện dễ, cho dù ngay chính với những người cùng thế hệ với mình. Ngay cả những người sanh ra cùng thời, cùng chứng kiến và học hỏi những sự kiện giống nhau, thế mà phong cách sống, cách suy tư và cách nhìn còn không tương đồng, huống là những thế hệ khác nhau ? Thấy được như vậy để những bậc làm cha mẹ chúng ta tìm cách xích lại gần thế hệ con trẻ trong những dị biệt khả dĩ chấp nhận được.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Con em chúng ta, dù sống trong bất kỳ xã hội nào, dù ở chân trời góc bể nào của địa cầu nầy, dù còn nhỏ hay đã đến tuổi thành niên, đều rất cần một mái ấm gia đình. Ai có thể tạo ra mái ấm gia đình cho các em ? Học đường, gia đình hay chính các em ? Học đường, nhất là học đường ở các xứ Âu Mỹ, chỉ dạy cho các em về khoa học kỹ thuật, nhưng thiếu hẳn về đạo đức. Học đường khô khan lắm, không thể là mái ấm cho các em ở đây được đâu. Còn chính các em ? Các em còn nhỏ dại lắm, làm sao các em có đủ khả năng tự tạo cho mình một mái ấm? Như vậy việc tạo ra mái ấm cho các em là hoàn toàn tùy thuộc vào các bậc cha mẹ. Bình thường luôn có sự dị biệt giữa già với trẻ, giữa trung niên với đồng ấu. Những suy tư của người trẻ luôn lý tưởng và thiếu thực tế. Ngược lại, với người đứng tuổi thì suy tư của họ đứng đắn và thực tế hơn. Người trẻ luôn theo đuổi một cách hồn nhiên những lý tưởng mà họ đã được nhìn thấy qua các thế hệ đàn anh, ở học đường hoặc ngay nơi những bạn bè trang lứa. Tuổi trẻ năng động và linh hoạt đến độ ít khi chịu ngồi yên. Ngược lại, ở lứa tuổi trung niên, tuy rằng vẫn còn sinh động, nhưng con người sẽ trở nên chững chạc hơn. Như vậy hễ có sự sai khác về tuổi tác là có sự dị biệt về phong cách sống, suy tư và hành sử ở đời. Các bậc cha mẹ chúng ta phải cố mà cảm thông với các em để chúng ta và các em cùng nhau san bằng dị biệt, với hi vọng tạo được một mái ấm tương đối che chở cho các em trong thời niên thiếu.

Thêm vào những dị biệt về những thế hệ khác nhau trong gia đình, cuộc va chạm giữa hai nền văn hóa Đông và Tây cũng góp phần không nhỏ vào những cuộc khủng hoảng khó tránh giữa cha mẹ và con cái. Ở đây các em đến trường, học những giá trị khoa học kỹ thuật của Âu Mỹ, nhưng thiếu hẳn phần đạo đức. Trong khi cha mẹ là những người của thế hệ trước, luôn ôm giữ trong đầu những giá trị đạo đức Á Đông, là những điều hoàn toàn xa lạ với tuổi trẻ. Các bậc cha mẹ phải luôn nhớ rằng đâu phải riêng chúng ta dạy dỗ các em vì ngoài gia đình ra, các em còn phải có những bổn phận ở trường, với thầy cô, bạn bè và với chính các em nữa. Như vậy nếu không khéo chúng ta chẳng những không tạo được mái ấm che chở cho các em, mà chúng ta lại tạo cho các em những khó chịu, phiền phức và đau khổ.

Những bậc cha mẹ hằng quan tâm đến hạnh phúc và sự phát triển của tuổi trẻ, sẽ không bắt ép các em phải theo bất cứ điều gì một cách mù quáng. Đức Từ Phụ đã không từng dạy chúng ta như vậy hay sao ? Ngài đã từng khuyên nhủ chúng đệ tử là đừng tin vào điều gì một cách mù quáng, cho dù điều ấy đã được trao truyền từ đời nầy qua kiếp nọ, cũng khoan vội tin và làm theo một điều gì cho dù điều ấy đã được nhiều người tin và làm theo, chỉ tin và làm theo những điều hợp với chân lý và lẽ phải, những điều khả dĩ đem lại hạnh phúc và an lạc cho mình và cho người. Như vậy tại sao chúng ta lại không tạo cho con em chúng ta một mái ấm với kim chỉ nam của Đức Từ Phụ ? Nghĩa là từ nay chúng ta sẽ không độc đoán trong việc dạy dỗ con cái nữa. Ngược lại, chúng ta sẽ ôn tồn chỉ bảo và giải thích cho con em thấy được sự khác biệt giữa gia đình Việt Nam và gia đình Âu Mỹ. Chúng ta phải nói cho các em biết gia đình Việt Nam kỳ thật là một kiểu gia đình lý tưởng vô cùng. Với truyền thống Việt Nam, sự ràng buộc giữa cha mẹ là một sự ràng buộc thiêng liêng và cao cả giữa hai con người. Do đó, trong gia đình Việt Nam, cha mẹ cùng nhau nuôi dạy con cái, cha mẹ cùng nhau bàn thảo một cách bình đẳng về những phúc lợi cũng như những ưu tư của gia đình. Đã xa lắm rồi cái thời chồng chúa vợ tôi. Đã xa lắm rồi cái thời “Nhứt Nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Ngược lại, những mẫu mực của một gia đình Việt Nam hiện tại thật vô cùng lý tưởng. Ông bà, cha mẹ, anh em và con cái luôn đùm bọc lẫn nhau, dù trong bất cứ tình huống nào. Gia đình Việt Nam dù nghèo thế mấy cha mẹ cũng cần cù chắt chiu nuôi dạy cho con cái được thành nhân chi mỹ. Ngược lại, gia đình Âu Mỹ là một loại hợp đồng chung sống giữa hai con người không hơn không kém. Hễ thích thì tiếp tục giữ hợp đồng, ví bằng không thích thì mang nhau ra tòa xé bỏ hợp đồng và chia tay. Còn thì mặc kệ cho số phận của con cái. Chúng ta có bổn phận phải vạch rõ cho con em chúng ta thấy được sự trục trặc của một kiểu gia đình sống cuồng sống vội của xã hội Âu Mỹ và sự đầm thắm cũng như cao đẹp của một gia đình Việt Nam. Chúng ta sẽ trao truyền cho các em những lời ân cần khuyên nhủ, khuyên các em nên đi đường nào và nên tránh đường nào. Sự lựa chọn sau cùng vẫn là của mấy em. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật tâm đầu tư thật nhiều thì giờ vào việc dạy dỗ con cái cũng như sống thực với những truyền thống cao đẹp ấy, con cái chúng ta sẽ thấy và sẽ noi theo chúng ta, mà không cần đến bất cứ sự bắt ép nào. Chúng ta phải “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ” nghĩa là hãy tự mình sửa chữa và cải thiện lấy chính mình trước khi trách cứ con em chúng ta.

Tóm lại dù trong tình huống nào, con cái chúng ta rất cần những mái ấm và hạnh phúc gia đình. Mái ấm và hạnh phúc ấy duy chỉ có chúng ta mới có thể tạo ra mà thôi. Hãy can đảm mà công nhận rằng tự thuở giờ chúng ta đã trách cứ và đổ thừa cho con cái nhiều hơn là trách cứ và đổ thừa nơi chính chúng ta. Hãy cố mà thấy rằng những khủng hoảng, những bất hòa trong gia đình tự thuở giờ cũng đã tạo ra bởi những khiếm khuyết và lỗi lầm của chính chúng ta. Muốn tạo ra những mái ấm và hạnh phúc cho con trẻ, không gì hơn là chúng ta hãy đem những thao thức của chúng ta về truyền thống sống cao đẹp của các gia đình Việt Nam mà tâm sự với các em. Tâm sự một cách bình đẳng giữa những con người với nhau, chứ đừng bắt ép. Hãy làm những nhà hướng đạo hơn là những kẻ độc tài. Hãy quan sát và đối thoại một cách cởi mở mỗi khi có xung khắc nhau về chánh kiến. Hãy tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của các em trước khi muốn khuyên nhủ hay dạy dỗ các em một điều gì, chứ đừng rầy la mắng mỏ các em một cách vô lý. Con em chúng ta hãy còn non trẻ, thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm nhiều lắm. Vì tánh bồng bột mà các em luôn bị ảnh hưởng của bạn bè lôi kéo. Thường thì các em hay chạy theo những cái mới, chứ không thích những cái cũ. Về suy nghĩ thì các em luôn nghĩ rằng mình là trung tâm vũ trụ, mình là tất cả. Các em luôn tự cao tự đại, chứ ít khi khiêm cung từ tốn. Chính vì vậy mà khi va chạm vào thực tế của cuộc đời, các em dễ bị nản lòng thối chí lắm. Muốn tạo cho các em những mái ấm và hạnh phúc, các bậc cha mẹ phải tận lực giúp đở các em mỗi khi các em gặp khó khăn, chứ đừng giận hờn rồi bỏ mặc. Giận hờn và bỏ mặc là tự mình xô đẩy con em mình xa rời tổ ấm để dấn thân vào những cuộc phiêu lưu vô vọng. Hãy uốn nắn các em từ sở thích đến thói quen, từ lời nói đến việc làm. Uốn nắn sao cho hợp lý, sao cho các em không cảm thấy khó chịu và bất mãn. Làm được như vậy, chúng ta chẳng những đã tạo được cho các em một mái ấm và hạnh phúc, mà chúng ta còn bảo vệ được truyền thống cao đẹp bao đời của cha anh truyền lại. Làm được như vậy, con em chúng ta chẳng những thành công vẻ vang nơi xứ người, mà các em còn luôn giữ được những bản sắc đặc thù của một nền văn hóa cao đẹp của giống dòng Lạc Việt.