CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

84. NGUYỄN VĂN PHỤNG (1917 – 2010, 93 tuổi)

Đức cả nhân từ, hòa đồng thương mến mọi người. Công quả không nài gian lao vất vả: Đượm nhuần tinh thần Nhẫn Nhục – Hỷ Xả!

Trung kiên đạo sự, trùng hưng ngôi Bửu Hòa Tự. Tu trì chẳng kể già bệnh yếu suy: Sáng đẹp gương hạnh Trí Tuệ – Từ Bi!

Ông Nguyễn Văn Phụng tự là Hai Vĩ, tục gọi là ông Hai Từ, sinh năm 1917, nguyên quán tại Xẻo Môn – Cần Thơ, ông là anh thứ Hai trong gia đình có chín anh em.

Khi đến tuổi trưởng thành, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Năm, sinh được bốn người con, mất hết ba người chỉ còn người con trai Út. Cha mẹ của ông ruộng đất rất nhiều, nhưng khi lên 27 tuổi, do mến mộ Phật Pháp nên ông rời bỏ gia đình vợ con, về vùng An Giang – Châu Đốc để học đạo tu hành, thọ trì quy giới, dùng chay kỳ và sớm chiều lễ bái sám nguyện, noi theo tông chỉ “Học Phật Tu Nhân”, sống đời sống tại gia cư sĩ, thiểu dục tri túc.

Ông định cư tại thị trấn Cái Dầu, tỉnh An Giang. Hằng ngày ông làm thuê làm mướn để độ nhật. Năm năm sau bà vợ mới tìm gặp lại ông, bà cũng phát tâm tu giống như ông.

Nơi ông toát lên vẻ hiền từ, chất phác điềm đạm và nhân hậu. Ông bình đẳng đối xử với tất cả mọi người, nên ai ai cũng kính mến ông.

Hai ông bà thường lui tới chùa Bửu Hòa gần nhà để làm công quả và học hỏi Phật pháp. Năm 1975, Giáo hội giải thể, ngôi Bửu Hòa Tự trở thành hoang phế… Mỗi lần đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh thiền môn là mỗi lần ông nghe trong lòng buốt xé và tiếc nuối! Tâm nguyện Tam bảo được mãi mãi thường trụ, để ánh sáng Phật pháp luôn tỏa rạng khắp ngàn phương và lưu truyền hậu thế, những mong lợi lạc muôn loài! Tâm nguyện ấy cứ da diết trong ông và ngày một lớn dần…

Sang năm sau ông giao phó việc nhà cho con trai và dâu để mình vào chùa lo hương khói nhang đèn. Và cái tên ông Hai Từ cũng bắt đầu từ đó.

Đời sống sinh hoạt vật chất vào thời điểm ấy quả thật là thiên nan vạn nan, mọi thứ từ “ăn”, “mặc”, cho đến “ở”… đều thiếu thốn trầm trọng. Nhưng đối với ông thì chẳng ảnh hưởng chút nào. Bởi vì ông luôn “tri túc” nên “thường lạc”, lòng luôn an vui, nhẹ nhỏm như một phiến mây!

Bữa cơm của ông rất đơn sơ, chỉ cần một nắm đọt lá sâm là xong! Vậy mà sức khỏe rất bình ổn. Đời tu của ông quả thật:

“Vui với Đạo,

An cảnh bần.

Bao tiếng chê khen mặc thế nhân!

Chẳng bận tình đời nhiều ấm lạnh,

Chung quy ai cũng đến mộ phần!

Ngắm hồng trần,

Tợ phù vân.

Hết tụ rồi tan mãi xoay vần.

Tháng lụn năm tàn trong chớp mắt,

Rán lo giải thoát, thoát ngục trần.

Mãi mê tu,

Rất chuyên cần.

Tịnh Độ là quê phải gởi thân!

Sớm tối trọn vui câu Lục tự,

Chắc chắn Liên hoa nhập thức thần!”

Tinh thần của ông thường thanh thản, lúc nào cũng vui với lời kinh tiếng kệ, nhất là câu: “Nam Mô A-di-đà Phật đi đứng nằm ngồi rán niệm chớ quên không đợi gì thời khắc”, hiện tại an lạc, ông tin bằng niềm tin sắt đá rằng tương lai của mình sẽ là:

“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc,

Hưởng công niệm Phật rất yên lành.”

***

Cuộc đời của ông gắn bó với ngôi chùa Bửu Hòa theo thời gian thăng trầm biến động, trải qua nhiều cam go, khó khăn trắc trở, mà ông cùng một số bạn đạo đã lèo lái vượt qua. Cuối cùng chùa được trùng tu khang trang và mừng lễ lạc thành vào năm 2005, lúc này ông 88 tuổi. Từ đó chùa tổ chức tu học thường xuyên, đặc biệt là Phật thất định kỳ mỗi tháng một lần, mỗi lần là mười ngày. Mặc dù tuổi hạc đã cao nhưng ông vẫn tham gia đều đặn các kỳ Phật thất, và công khóa tu niệm của đại chúng ông chưa hề thiếu vắng buổi tu nào. Đây quả thật là tấm gương xán lạn hàng hậu tấn chúng ta cần phải noi theo!

***

Năm 2010 vào khoảng tháng 4 sức khỏe của ông có phần suy kém, con cháu rước ông về tư gia lo bề phụng dưỡng, nhưng cứ vài ngày là ông chống gậy đi thăm chùa một lần.

Đến ngày 12 tháng 9 năm 2010, ông bảo người nhà đến chùa mời quý cô trong ban trù phòng đến hộ niệm cho ông, vì các cô này thường đi đó đây để hộ niệm. Trưa hôm ấy khi các cô đến, vừa bước vô nhà, ông đã lên tiếng:

– Các cháu hộ niệm cho bác Hai. Bác Hai rất cám ơn các cháu! Bác mệt mà các cháu niệm Phật cho bác, bác cám ơn các cháu rất nhiều! Bác niệm Phật để tạ cái ơn của các cháu, chớ không biết lấy cái gì để đền bù công ơn của các cháu!

Ông lặp lại đến ba lần như vậy.

Khi các cô hộ niệm xong đến kỉnh lễ ngôi Tam bảo để ra về, thì ông nói:

– Cám ơn hết các cháu. Các cháu hộ niệm cho bác Hai. Bác Hai ra đi về với Phật, bác Hai cũng mang ơn các cháu!

Ông cũng lặp đi lặp lại nhiều lần câu cám ơn như thế.

Kế đó ông cho biết 12 giờ ông sẽ theo Phật. Ngày hôm sau khi quyến thuộc và đồng đạo nô nức kéo đến ông nói:

– Thôi! Ồn ào quá không có thanh tịnh, hổng có đi!

Đến khuya ngày 15 tháng 9 năm 2010, ông mệt nhiều mọi người xúm lại hộ niệm ông chắp tay giữa ngực niệm Phật theo, âm thanh nhỏ dần nhỏ dần rồi dứt hẳn, môi se sẽ động rồi từ từ cũng ngưng, rồi ông thanh thản trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy đúng 11 giờ 45 phút, ông hưởng thọ 93 tuổi. Khi đó trên nóc nhà của ông có một luồng ánh sáng nhiều màu chói sáng rực rỡ.

Qua tám giờ sau các khớp xương mềm mại, toàn thân đều lạnh, duy có đỉnh đầu còn ấm nóng.

(Thuật theo lời Nguyễn Thị Kim Hương, con dâu Út của ông và đồng đạo Năm Phụng.)