HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

VIII. TỰ LỢI VÀ LỢI THA

 

 

(1) Nêu lên vấn đề.

Mùa đông năm Dân Quốc thứ 35 (1946), tôi (Ấn Thuận) đang ở Vũ Hán Phật Học Viện, có cư sĩ La Vân Tiều ở Hán Khẩu chuyển đến một bản cảo, trong đó có một số nghi vấn về Phật pháp. Cư sĩ La Vân Tiều vốn đã có ý định phát biểu bài viết này trên báo, nhưng vì ái hộ Phật pháp nên ông ấy hy vọng tôi có thể đưa ra giải đáp, sau đó mới đưa lên mặt báo. Nghe nói người nêu lên nghi vấn là một phụ nữ trẻ tuổi sống trong một gia đình Phật giáo, thường đi theo người cha nghe giảng Phật pháp. Cô ấy đối với Phật pháp, tuy không có ác ý, nhưng chỉ là không thể khởi lòng tín ngưỡng. Theo sự trình bày của cô, khi nghe người cha thường nói về Phật pháp, cô có cảm giác rằng Phật pháp vô cùng vĩ đại, nhưng theo cô, có một số kiến giải (của Phật giáo) không tránh khỏi có vấn đề. Vấn đề cô ấy nêu ra tổng cộng có hai mươi điều. Tuy không phải không thể giải đáp, nhưng cũng không dễ dàng giải đáp. Tôi đã từ chối đôi ba phen, sau đó gác việc đó qua một bên. Mới đây (năm 1953 – ngài Ấn Thuận đang ở Đài Loan), nghe nói cư sĩ La Vân Tiều ở Hương Cảng đang muốn qua Đài Loan. Nghe tin này, tôi bèn nhớ lại những vấn đề được nêu ra bảy năm về trước.

Trong các vấn đề được nêu ra, có một vấn đề liên quan đến “từ bi lợi tha.” Đại ý của nghi vấn như sau:

Tinh thần lợi tha của Phật giáo quả nhiên vô cùng vĩ đại! Thế nhưng, ai là người có thể lợi tha? Điều này (lợi tha) không thể nào không tự mình trước tiên phải được đại triệt đại ngộ, được giải thoát. Như vậy, trong giới Phật giáo Trung Quốc, rốt ráo có được bao nhiêu người được đại triệt đại ngộ, được giải thoát? Nếu như chỉ có một số rất ít, thì phần lớn những người còn lại đều không đủ tư cách lợi tha, mà chỉ có những người gấp cầu tự lợi! Điều này có vẻ như là Phật giáo lúc nào cũng nói đến từ bi lợi tha, nhưng rất ít người thực hành hạnh nguyện từ bi! Được đại triệt đại ngộ, được giải thoát mới có thể thần thông biến hóa, mới có thể biết rõ căn cơ của chúng sinh, mới có thể giải quyết vấn đề cho người khác, như lòng đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm. Nếu vậy, sự thực hành từ bi lợi tha của Phật giáo có thể nói là quá khó, khó có thể là những sự việc thực tế thông thường ở thế gian này.

Sự nghi ngờ chất vấn này đương nhiên là không xác đáng. Thế nhưng, điều này quyết chắc không phải cô ấy có ác ý bóp méo sự thật, mà đây đúng là một đại biểu cho tư tưởng của một số tín đồ Phật giáo.

Vẫn còn may mắn là đây chẳng qua chỉ là quan niệm của một phần tín đồ Phật giáo, không thể đại biểu cho tư tưởng của những tín đồ Phật giáo viên chánh (đầy đủ chánh tín).

(2) “Lợi” là gì?

Nói đến “lợi tha”, trước tiên phải nêu rõ ý nghĩa của “lợi” là gì? Lợi, là lợi ích, lợi lạc, là xa lìa sự hư vọng, xa lìa sự xấu ác, xa lìa sự nghèo thiếu, xa lìa sự thống khổ, mà đạt đến sự chân thật, sự tốt đẹp, sự an lạc. Tự lợi và lợi tha, tức là làm cho chính mình và kẻ khác đạt đến sự an lạc lợi ích như vậy. Thông thường, các pháp thế gian, hễ có lợi ắt là có hại, có lạc ắt là có khổ, tuy không phải hoàn thiện, triệt để, nhưng cũng vẫn có giá trị tương đối của thế gian. Phật giáo xuất hiện ở thế gian là muốn đem đến cho loài người sự vui hiện đời (Hán: hiện thế lạc), sự vui đời sau (Hán: hậu thế lạc) và sự vui giải thoát cứu cánh (Hán: cứu cánh giải thoát lạc). Chỉ có Thanh văn (hành giả Tiểu thừa) mới đặt nặng đến vấn đề “đãi đắc kỷ lợi”, chú trọng sự đạt đến giải thoát cho chính mình. Nói đến “lợi tha”, chớ nên rơi vào lỗi lầm của Thanh văn, thiên trọng sự “lợi lạc chính mình”, chuyên trọng sự lợi lạc của “tự tại giải thoát.” Nếu như bỏ phế “hiện sinh lạc”, đây tức là chúng ta đã thu hẹp nội dung của Phật giáo, tự mình xả bỏ thế gian, cho nên không thể trách cứ người thế gian đã hiểu lầm Phật giáo!

Lợi tha, có hai đại loại: (a) Lợi tha bằng vật chất, tức là tài thí. Chẳng hạn như thấy người nghèo khổ bèn đem y thực đến cứu tế, thấy người bệnh tật bèn đem thuốc men đến trị liệu, sửa sang đường xá, cầu cống, vườn rừng, v.v…, cùng với việc đem sức lực, sinh mệnh của mình để giúp người, cứu người. (b) Lợi tha trên phương diện tinh thần, tức là pháp thí. Chẳng hạn như chỉ dạy kiến thức cho những người ngu muội, an ủi những người đang sầu khổ, khuyến khích những người khiếp nhược. Từ những sự nghiệp văn hóa mà khiến cho tâm ý của mọi người hướng thiện, hướng đến quang minh, hướng đến trung đạo, hướng đến chánh thường, hướng đến sự an ổn. Đây có nghĩa là không chỉ dùng pháp xuất thế gian để giáo hóa dẫn đạo, mà cũng dùng chánh pháp thế gian để giáo hóa dẫn đạo mọi người, khiến cho nhân loại dưỡng thành nhân cách kiện toàn. Đề cao đạo đức trí năng của nhân loại, để làm nấc thang cho pháp xuất thế gian.

Đương nhiên, so với tài thí, thì pháp thí triệt để hơn nhiều. Sự cứu tế người nghèo bằng các bố thí y thực chỉ là tạm thời, trị ngọn (mà không trị gốc). Nếu như dùng chánh pháp khai sáng cho họ, truyền dạy tri thức kỹ năng, giúp đỡ cho họ có thể thành tựu sự nghiệp, để họ có thể dùng những nghề nghiệp chánh đáng mà tự lực cánh sinh, điều này tốt hơn rất nhiều so với sự cứu tế tạm thời. Trong Phật pháp, bố thí pháp “xuất thế gian” thù thắng hơn bố thí “pháp thế gian”, pháp thí thù thắng hơn tài thí, thế nhưng không phải nhất định là không cần tài thí, không cần bố thí “pháp thế gian.” Nếu như chỉ chuyên dùng sự giải thoát tự tại để làm lợi ích, thì trên căn bổn đã hiểu lầm (ý nghĩa chân thực) của Phật pháp.

Ngay cả đem vấn đề pháp thí “xuất thế gian” mà nói, từ sự việc khiến cho người khác đạt được giải thoát mà nói, cũng không giống như người thế gian hiểu biết một cách lệch lạc. Giải thoát, cần phải từ sự huân tu hành trì mà đạt được. Hành giả Tiểu thừa, trước tiên phát khởi tâm xuất ly, tức là gieo trồng hạt giống giải thoát, sau đó dần dần tùy thuận tu học, dần dần thành thục, cuối cùng mới có thể “đoạn hoặc chứng chân” mà được giải thoát. Còn hành giả Đại thừa, trước tiên phát Bồ đề tâm, tức là gieo trồng hạt giống Bồ đề (thành Phật), trải qua một thời gian lâu dài tu tập thành thục, thì mới có thể cứu cánh thành Phật. Đại thừa và Tiểu thừa đều phải trải qua quá trình: “chủng” (gieo trồng), “thục” (thành thục) và “thoát” (giải thoát). Cho nên sự giáo hóa “pháp xuất thế gian”, không phải chỉ là khiến cho người khác được giải thoát tự tại ngay hiện đời thì mới là “lợi tha.” Nếu có thể khiến cho họ “chủng”, “thục”, đây chẳng phải là lợi tha hay sao? Nếu muốn khiến cho người khác được giải thoát ngay trong hiện đời, thì tự mình phải “đã được giải thoát” (nhưng trong kinh cũng có những trường hợp hành giả tuy chưa được giải thoát mà vẫn có thể giúp cho người khác giải thoát). Tuy chính mình chưa được sự lợi ích “thoát”,  nhưng chỉ cần khiến cho người khác được sự lợi ích “chủng”, được sự lợi ích “thục”, thì đây vẫn là điều có thể làm được. Cho nên Kinh Niết Bàn nói: “Người còn đầy phiền não, nếu như có thể hiểu rõ một phần chân nghĩa, thì vẫn có thể làm thầy người khác.” Nếu như liễu giải (hiểu rõ)  ý nghĩa chân thực của Phật pháp, không cần nói đến việc đem đến sự an lạc hiện đời (hiện thế lạc) cho người khác, mà dù chỉ chuyên luận về giải thoát lạc, cũng quyết chắc không cần phải “không thể không tự mình trước tiên phải đại triệt đại ngộ.” Chẳng qua, đối với bậc chân thực giải thoát tự tại, lực lượng lợi ích chúng sinh của họ thâm sâu hơn, rộng lớn hơn mà thôi. Người nêu lên nghi vấn, từ sự kiện “không thể không tự mình trước tiên phải đại triệt đại ngộ” sinh khởi hoài nghi, đây vốn không phải là vấn đề. Thế nhưng, một số đệ tử Phật, cực lực nhấn mạnh đến sự lợi ích của “giải thoát tự tại trong hiện đời”, đề xướng luận điệu cao vời “chưa tự lợi không thể lợi tha”, kết quả, tự mình đã được sự tự lợi “giải thoát” hay chưa còn chưa biết rõ, nhưng đối với tất cả công hạnh lợi tha thì lại hoàn toàn bỏ phế, không thèm đếm xỉa đến.

(3) Đại thừa chuyên vì “lợi tha.”

Tịnh hóa thân tâm, khuếch triển đức tính, từ trong sự triệt ngộ đạt được tự lợi giải thoát tự tại, đây vốn là mục tiêu chung cho các hàng đệ tử của đức Phật. Sự khác biệt giữa Thanh văn đạo và Bồ tát đạo chỉ là ở chỗ chú trọng đến sự tự lợi, hoặc chú trọng đến sự lợi tha và từ trong sự lợi tha hoàn thành tự lợi. Thanh văn không phải là không thể lợi tha, mà họ vẫn trụ trì Phật pháp, lợi lạc nhân thiên, độ thoát chúng sinh, chẳng qua là họ đặt nặng lợi ích của sự giải thoát của chính mình. Lúc chưa được giải thoát thì tâm yếm ly thế gian quá nặng, không chịu tu hành công đức lợi tha rộng lớn. Sau khi chứng ngộ, chẳng qua họ cũng chỉ tùy duyên giáo hóa mà thôi. Còn như chư Bồ tát, trước khi đạt được tự lợi giải thoát, các ngài chú trọng đến việc từ bi lợi tha. Cho nên nói: “Tự mình chưa thể tự độ mà lo độ người khác, do đây mà Bồ tát sơ phát tâm.” Sau khi chứng ngộ, các ngài lại càng cứu tế độ thoát vô lượng chúng sinh. Cho nên căn cơ chủ yếu của Thanh văn là chú trọng “trí chứng”, còn căn cơ chủ yếu của Đại thừa là chú trọng “từ bi tế độ.”

Bồ tát đạo cũng được lưu tồn trong giáo điển sơ kỳ (thông thường được gọi là Tam tạng của Tiểu thừa), đây tức là Bồ tát Bổn Sinh Đàm. Bồ tát trong ba đại a tăng kỳ kiếp, hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm tể quan, hoặc làm ngoại đạo, hoặc làm nông phu, công nghệ, thương mại, thầy thuốc, thuyền sư, hoặc sinh sống trong các loài khác, làm chim chóc, hoặc làm thú vật. Bồ tát không tiếc tài vật, không tiếc thân mạng, vì lợi ích chúng sinh mà thí xả. Trong cõi Diêm Phù Đề, không có một nơi nào mà Bồ tát không thí xả đầu, mắt, tủy não, v.v… Bồ tát trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến tu học bốn loại, sáu loại, hoặc mười loại Ba la mật đa. Tất cả những công hạnh khó làm của Bồ tát đều được hoàn thành trước khi được chứng ngộ. Ai dám cho rằng chưa tự lợi thì không thể lợi tha! Đợi đến khi tu hành thành thục, ở gốc cây Bồ đề, trong môt niệm diệu tuệ tương ưng liền viên thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sự “đốn ngộ thành Phật” này là từ công hạnh từ bi lợi tha trong ba đại a tăng kỳ kiếp mà đạt được. Sự khác biệt “rõ ràng” giữa Bồ tát và Thanh văn, tức là Bồ tát khi còn trong sinh tử, nhất hướng không cầu tự lợi giải thoát, mà chỉ chú trọng đến công hạnh từ bi lợi tha.

Trong kinh điển Đại thừa sơ kỳ, đối với sự tu hành ba đại a tăng kỳ kiếp của Bồ tát có nhiều điểm khác biệt so với Tam tạng của Tiểu thừa. Đại thừa cho rằng: Công hạnh của Bồ tát, trong giai đoạn trước khi chứng ngộ, là sự hành, thắng giải hành, tuy là những công hạnh khó làm, nhưng công đức vẫn chưa được xem là rộng lớn. Sau khi triệt ngộ chứng chân (đắc vô sinh pháp nhẫn), làm những công hạnh lợi tha rộng lớn như trang nghiêm tịnh độ, thành thục chúng sinh, thì công đức mới thực sự vô cùng rộng lớn. Bởi vì những công hạnh này tương ưng với chân trí, là sự tương dung của sự và lý, bình đẳng vô ngại. Đại thừa phân Bồ tát đạo làm hai giai đoạn: (1) Bát nhã đạo, là sự tu tập trong một đại a tăng kỳ kiếp đầu, là trước khi thực chứng, là trước khi đăng địa. Duy Thức Tông gọi là tư lương vị, gia hành vị, đến kiến đạo vị, cũng gọi là thắng giải hành địa. (2) Phương tiện đạo, là sau khi chứng ngộ. Giai đoạn này trải qua hai đại a tăng kỳ kiếp, đây tức là Bồ tát đăng địa (Sơ địa trở lên). Các nhà Duy Thức gọi là từ kiến đạo vị cho đến tu đạo vị. Đại thể mà nói, Bồ tát địa tiền (trước khi đăng địa), tuy có thắng giải nhưng vẫn chưa hiện chứng, tích tập rộng lớn vô biên tư lương phước đức trí tuệ. Điều này gần giống như Bổn Sinh Đàm. Bồ tát đăng địa, sau khi hiện chứng pháp giới, từ bi cứu tế bất khả tư nghì, như các vị Đại bồ tát Quán Âm, v.v… Trong Bổn Sinh Đàm, một phần công hạnh của Bồ tát khi sống trong các loài vật khác (dị loại), cũng thuộc về giai đoạn hóa thân (để hóa độ chúng sinh). Tuy có hai giai đoạn lớn là: chứng ngộ và chưa chứng ngộ, nhưng trong giai đoạn chưa chứng ngộ, Bồ tát vẫn là từ bi lợi vật, quyết chắc là không chuyên tâm chuyên ý đi tìm cầu tự lợi giải thoát. Cho nên, y cứ vào bổn nghĩa của Bồ tát hạnh mà nói, người nêu lên nghi vấn này đã hoàn toàn xuất phát từ sự hiểu lầm, trên căn bổn không thành vấn đề. Sự việc “tầm thanh cứu khổ” của Bồ tát Quán Âm, v.v…, là sự việc của các Đại bồ tát. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là hành giả phàm phu sơ học Bồ tát hạnh không cần thực thi những công hạnh thực tiển từ bi lợi vật.

Chẳng qua, một phần Đại thừa hậu kỳ, tự xưng là Tối đại thừa trong Đại thừa, Tối thượng thừa trong Thượng thừa, chí viên chí đốn, chí cao chí thượng, không còn muốn là đại khí do sự tu tập rèn luyện, mà chỉ nhất tâm nhất ý cầu mau chóng thành tựu. Do đây mà những thuật ngữ lòe loẹt như: “hoành xuất”, “đốn siêu”, “thành tựu trong một đời”, “viên chứng trong ba đời”, “tức thân thành Phật”, “tức tâm thành Phật”, v.v…, ồ ạt xuất hiện. Những câu như: “Chưa đoạn sinh tử, lo sầu giống như mẹ chết”, “Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc”, v.v…, là một loại tâm tình yếm thế của hành Thanh văn, đã thực sự cắm rễ vào trong tâm não của các hành giả Đại thừa “chí viên chí đốn” này. Sự “thanh tu ở núi rừng” được ca tụng là “chánh đạo” của Bồ tát, mà không còn muốn tìm đến những chốn “kinh đô, thành ấp, làng xóm” nữa. Đối với loại tư tưởng này, tự thân của người nêu lên nghi vấn, không cho là có vấn đề. Bởi vì tất cả công đức lợi tha vốn đã thành tựu viên mãn, không còn cần phải hướng ra bên ngoài tìm kiếm. Như một niệm chứng ngộ, tức là đầy đủ sáu ba la mật đa, vô biên công đức, một điểm cũng không thiếu sót. Trên mặt lý luận, trên phương diện “tâm tăng thượng” (khuyến khích sự phấn chấn tu tập), điều này đương nhiên là có lý lẽ của nó. Thế nhưng, trong cái nhìn của những người phàm phu thông thường, loại công đức lợi tha của Bồ tát kiểu này, chẳng qua chỉ là nội dung trong tâm khảm của những tín đồ tôn giáo (hoặc tông phái). Tự sự biểu hiện thực tế mà nhìn, chỉ hoàn toàn thấy là tự lợi, cho nên đã không thể tránh được sự hoài nghi của người nêu lên nghi vấn.

Trong thời gian kháng chiến (chống Nhật), ngài Thái Hư từ chuyến đi phỏng vấn ở các quốc gia Phật giáo Nam truyền trở về đã nói: “Giáo lý của các quốc gia Nam truyền là Tiểu thừa, nhưng hành vi (hoạt động tôn giáo) của họ là Đại thừa. Còn giáo lý của Trung Quốc là Đại thừa, nhưng hành vi lại là Tiểu thừa (yếm thế, trốn tránh trách nhiệm đối với xã hội).” Thực sự, Phật giáo Nam truyền, tuy là Tam tạng của Thanh văn, nhưng do vì đã đánh mất tinh thần chân chánh của Thanh văn, gần như không còn tâm yếm ly (chuyên tu thiền định trí tuệ cầu giải thoát) nữa. Vì không còn tâm thái gấp cầu chứng ngộ, cho nên ngược lại đã có thể chú trọng đến phương diện giáo hóa thế gian, thực hiện những sự nghiệp từ thiện văn hóa. Còn như Trung Quốc, thì không những giáo lý là Tối đại thừa của Đại thừa, mà sự tu trì “đốn siêu trực nhập” cũng là Tối đại thừa của Đại thừa. Tuy tự xưng là Tối đại thừa của Đại thừa, nhưng thực sự chỉ là Phật giáo Đại thừa quay trở lại sống trong tinh thần của Thanh văn – gấp cầu tự lợi, gấp cầu chứng nhập. Đánh mất đi tinh thần chân chánh của Đại thừa là sự “lấy từ bi cứu tế làm đầu”, cho nên sự thực hành cứu thế của Đại thừa (Trung Quốc) chỉ còn có thể dựa vào nhưng lý luận “huyền hoặc” của Duy Tâm mà thôi!

(4) Ở lâu dài trong sinh tử độ chúng sinh.

Hành giả tu học Phật pháp Đại thừa – Bồ tát, nếu như chưa chứng ngộ, thì vẫn chưa thể giải thoát tự tại, họ làm thế nào có thể ở trong sinh tử tu hành? Không sợ bị thất bại hay sao? Có thể tự mình làm chủ mà không giống như những phàm phu thông thường khác bị đọa lạc ác đạo, hoặc sinh lên các cõi trời trường thọ? Tự mình chưa biết bơi (chưa nổi trên mặt nước), thì làm sao có thể ở trong nước cứu người khác? Chẳng lẽ không sợ mình bị chìm hay sao? Một số hành giả chuyên trọng tín nguyện, cầu được tín tâm bất thoái, hoặc những hành giả chuyên trọng “trí chứng”, có xu hướng cầu mau được giải thoát, cầu mau thành Phật, đều không thoát khỏi bị ảnh hưởng bởi loại tư tưởng này.

Điều đương nhiên là nếu tự mình không biết bởi thì không thể xuống nước cứu người, thế nhưng, nếu tự mình đã ở trên bờ thì làm sao (còn có thể) ở trong nước cứu người? Hành giả Thanh văn cầu mau tự chứng, liễu thoát sinh tử, một khi đã đoạn phiền não, tức thì đã “cách ngại” với sinh tử, không còn có thể phát Bồ đề tâm, ở lâu dài trong sinh tử tu Bồ tát hạnh. Tuy kinh điển Đại thừa tiến triển đến kết luận “có thể hồi tâm hướng Đại thừa”, thế nhưng, những người (Tiểu thừa) đã từng bị quở trách nặng nề là “tiêu nha bại chủng” (hạt giống bị hư hoại), thì cần phải phí bao nhiêu đại phương tiện mới có thể khiến cho họ hồi hướng Đại thừa? Cần phải tu tập trở lại tín tâm Đại thừa bao nhiêu đại kiếp nữa thì mới có thể đăng Bồ tát địa? Dù họ có hồi nhập Bồ tát thừa, tập khí tự lợi ở quá khứ cũng khó mà sửa đổi. Cho nên họ vẫn thua xa những hành giả trực tiếp thuận lợi tiến nhập và tinh tiến tu tập Đại thừa. Cho nên trong kinh điển Đại thừa cho rằng: thoái thất Bồ đề tâm là phạm giới trọng của Bồ tát. Bởi vì nếu như bi nguyện yếu ớt mà rơi vào sự chứng nhập tự lợi (Niết bàn của Tiểu thừa) thì quyết chắc cũng giống như là đã chết hẳn (vô phương cứu chữa). Không chú trọng bi nguyện, không tu tập công đức lợi tha, nhất tâm nhất ý cầu tự lợi, và lại còn cho rằng như vậy là mau thành Phật, thì đây là một sự kiện cực kỳ bi thương đưa đến sự tàn tạ của tinh thần Đại thừa chân chánh!

Ở trong nước cứu người thì không thể ra khỏi nước để lên bờ. Mà muốn nổi trên mặt nước (biết bơi), cũng không thể không ở trong nước mà học tập. Bồ tát muốn ở trong sinh tử lâu dài tu Bồ tát hạnh, cần phải có một số bản lĩnh ở trong sinh tử lâu dài để có thể lợi ích chúng sinh. Thế nhưng, điều này không thể dựa vào Phật lực mà có thể thành tựu, mà cũng không phải tự mình trước tiên phải liễu sinh thoát tử, giải thoát tự tại, bởi vì điều này lại rơi vào hố sâu của Tiểu thừa. Những bản lĩnh mà Bồ tát cần phải có để ở trong sinh tử lâu dài để quảng độ chúng sinh, ngoài “tín nguyện vững chắc” và “trưởng dưỡng từ bi” ra, chủ yếu phải là “thắng giải không tính.”Quán tất cả pháp như huyễn như hóa, hoàn toàn vô tự tính, đạt được chánh kiến “nhị đế vô ngại”, đây là điều chủ yếu nhất. Cho nên trong kinh nói: “Nếu có người ở trong thế gian mà có chánh kiến tăng thượng (liễu ngộ không tính), tuy trải qua trăm ngàn đời, rốt cuộc cũng không bị đọa địa ngục.” Chỉ có sự thấu triệt sinh tử và Niết bàn đều là như huyễn như hóa, thì mới có thể không giống như phàm phu tham luyến sinh tử, mà cũng không giống như hàng Tiểu thừa cho rằng “tam giới như ngục tù, sinh tử như oan gia”, mà yếm ly sinh tử, cầu mau được thoát ly. Bồ tát vì biết rõ công đức của Niết bàn, nên không giống như phàm phu sợ hãi Niết bàn, mà lại cũng không giống như hàng Tiểu thừa cầu mau chứng Niết bàn. Tuy nổi trôi ở trong sinh tử, nhưng nhân vì tín nguyện, từ bi, đặc biệt là lực của “thắng giải không”, có thể dần dần hàng phục phiền não, có thể tu tập đến trình dộ phiền não tuy cũng hiện khởi chút ít, nhưng không thể não loạn (thân tâm). Không đoạn phiền não, mà cũng không tạo tác ác nghiệp. Thường lấy sự thống khổ của chúng sinh làm sự thống khổ của chính mình, lấy sự lợi lạc cho chúng sinh làm sự lợi lạc của chính mình. Ngã kiến dần dần giảm thiểu, từ bi ngày càng sâu rộng, thì việc gì phải sợ bị đọa lạc? Chỉ có những kẻ chuyên lo cho chính mình mới lo sợ là có ngày đọa lạc.

Phát nguyện, ở trong sinh tử, thường được gặp Phật, thường được nghe pháp, “đời đời thường hành Bồ tát hạnh”, đây là ý nghĩa chung của Đại thừa sơ kỳ, mà cũng là nghĩa chung của hai phái Trung Quán và Du Già (Duy Thức). Đức Thích Tôn, ở trong kinh thường nói: “Ta ở trong đời quá khứ, do thường an trụ trong Tính không, cho nên chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề!” Điều này vô cùng khác biệt so với Thanh văn thường tu tập “sinh tử vô thường cho nên khổ”, tâm yếm ly sinh tử sâu nặng. Kinh điển Đại thừa phần lớn đều thuyết minh “tất cả pháp Không”, tức là đại phương tiện “không trụ sinh tử, không trụ Niết bàn”, tu Bồ tát hạnh mà thành Phật. Loại thắng giải về “Không tính” này, hoặc gọi là “chân không kiến”, cần phải từ văn, tư mà tiến hướng tu tập, dùng tín nguyện, từ bi để trợ thành. Thường phải nhớ rằng: “Đây là lúc đang học tập, không phải là lúc chứng đắc.” (Nếu bi nguyện không đủ mà chứng không tịch – Niết bàn, thì sẽ đọa nhập vào Tiểu thừa.) Đây mới có thể ở lâu dài trong sinh tử, nhận thọ sự khổ nạn của sinh tử, nhận thọ đủ loại bức bách của chúng sinh, mà không bị thoái chuyển Bồ đề tâm. Bồ tát dùng bốn nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự) để làm lợi ích rộng lớn cho tất cả chúng sinh. Tự mình tuy chưa được giải thoát tự tại, nhưng vẫn có thể tu tập những công hạnh khó tu tập để từ bi tế độ chúng sinh một cách rộng lớn. Tuy không phải người nào cũng có thể làm được điều này, nhưng con đường đạo chánh thường của Bồ tát, đích xác là như vậy!

(5) Công hạnh của Bồ tát phàm phu lấy từ bi làm căn bổn.

Bồ tát siêu việt phàm phu, mà cũng siêu việt cả hàng Nhị thừa. Tâm hành của phàm phu là tham luyến thế gian, đây là thế gian thường sự, như nước tự nhiên phải chảy xuống, không cần học cũng biết.  Còn tâm hành của hàng Nhị thừa là nhất hướng siêu xuất sinh tử, là sự yếm ly cực đoan, tuy trái ngược với phàm phu, nhưng cũng không phải là khó (đạt thành). Chỉ có Bồ tát hạnh, không tham luyến thế gian, mà cũng không lìa thế gian mới là sự khó khăn trong tất cả sự khó khăn!

Trong pháp hội của đức Thế Tôn, có các hiền thánh Tiểu thừa, tuy không dễ dàng (tu tập được như họ), nhưng cũng không quá khó. Riêng Bồ tát thì chỉ có đức Thích Ca và ngài Di Lặc, đây là lịch sử có thật của thế gian. Có thể thấy rằng tâm hành của Bồ tát rất là hiếm có, cũng giống như hoa sen xanh ở trong lửa đỏ. Trong kinh điển Đại thừa nói: “Mười phương có vô lượng vô biên Bồ tát”, nhưng đó là mười phương là như vậy, còn ở trong cõi này thì lại không có nhiều. Đến như sự hóa hiện của Bồ tát đăng địa, có thể nơi nào cũng có, nhưng đây không phải là điều mà nhân gian có thể nhận biết được. Từ phương diện phàm phu (đầy phiền não) ở cõi này mà luận bàn về Bồ tát hạnh, nếu như tôn trọng sự thật (nghĩa là không bị lạc vào sự tưởng tượng hoặc thần bí), trên thực tế, không được bao nhiêu người. Trong kinh nói: “Vô lượng vô biên chúng sinh phát Bồ đề tâm, nhưng chỉ có được một, hoặc hai người đạt được bất thoái chuyển.” Cho nên nói: “Trứng cá, và bông xoài, Bồ tát sơ phát tâm, ba sự, nhân thì nhiều, lúc kết quả thì ít.” Đây không phải là phương tiện mà nói như vậy, mà đúng là sự thật. Xuất thế là sự việc của bậc đại trượng phu, mà Bồ tát là đại trượng phu trong hàng đại trượng phu! Nếu như có một người phát tâm thành tựu bất thoái chuyển, thì đối với sự lợi ích cho chúng sinh, quả thật là không thể nào đo lường được. Giống như giá trị của một viên ngọc ma ni (như ý), thù thắng hơn tất cả bảo vật ở cõi Diêm Phù Đề này.

Chúng ta cần phải biết rõ: Bồ tát “danh phù kỳ thực” (danh xưng phù hợp với sự thực, nghĩa là Bồ tát thực nghĩa, chứ không phải Bồ tát giả danh), là một nhân cách vĩ đại. Điểm vĩ đại nhất, là họ có thể không tưởng nghĩ riêng cho mình, dùng sự lợi tha làm tự lợi. Sự vĩ đại đó là điều mà chúng ta cần phải học tập, hoằng dương Phật pháp Đại thừa, ngưỡng mộ sự viên mãn của đức Phật, công nghiệp vĩ đại của Bồ tát đại hạnh, tuy cần phải trải qua nhiều kiếp dài lâu tu hành, hoặc giả, trung gian tạm thời ngừng nghỉ sự tiến hành, nhưng một khi đã nghe qua (Bồ đề tâm), muôn kiếp không bao giờ (quên) mất, một khi nhân duyên trở lại, rốt ráo cần phải từ đây (Bồ đề tâm) mà (tu hành) thành Phật. Trở thành Bồ tát bất thoái, tuy không nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta đã là một đại trượng phu đội trời đạp đất, thì tự mình có thể chân thực phát Bồ đề tâm. Có tín nguyện, có từ bi, có thắng giải Không tính, đúng là có thể ở trong sinh tử để điều luyện thân tâm, từ trong sự ngụp lặn sinh tử mà tự lợi lợi tha. Nếu người nào đối với Bồ tát hạnh mà có thể khởi tâm tùy hỷ, ngưỡng mộ, học tập, thì đây đều là vun trồng hạt giống Bồ đề, đều là bậc hiền triết trong loài người, là bậc thượng sĩ trong thế gian. Những phàm phu có đại tâm (Bồ tát phàm phu), tích cực làm việc lợi tha, vì pháp vì người, dù có là “Bồ tát bại hoại”, cũng vẫn là có giá trị hơn là những kẻ chỉ biết lo cho mình!

Loại công hạnh của Bồ tát phàm phu (nhân bồ tát), lấy từ bi làm căn bổn này, nếu cạn một chút, thì trong nhân gian, là bậc quân tử chân thật, tâm hướng Đại thừa (Bồ tát thập thiện); còn sâu hơn một chút, thì là chánh khí của Đại thừa, tâm thường nghĩ đến việc cứu thế, lợi ích nhân gian. Bồ tát, từ ngoại phàm đến nội phàm, dần dần lên đến bậc (tam) hiền, tuy chưa đạt được sự tự lợi giải thoát, nhưng có thể vì tất cả chúng sinh mà tu học, vì tất cả chúng sinh mà nhẫn khổ hy sinh, càng học càng sâu, từ chánh hạnh nhân gian mà leo lên bậc thang Phật thừa. Đây mới là Chánh hạnh trung đạo của Bồ tát. Nếu thật sự có thể bảo tồn ý chí của Bồ tát, có phong cách của Bồ tát, lý giải tinh thần chân thực của sự lợi tha của Bồ tát, thì việc gì phải gấp cầu tự lợi “như chôn mẹ chết?”

Tinh thần chân thực lợi tha của Phật giáo, bị kìm hãm, bị hiểu lầm, bị bóp méo. Điều này không thể không từ căn bổn mà cứu vãn! Điều này không thể không từ sự quyết trạch Bồ tát đạo để phát huy trở lại! Đây mới có thể: trên thì khế hợp với bổn hoài của đức Phật, dưới thì báo đáp ân đức của chúng sinh. Mà cũng chỉ có cách này thì mới có thể trả lời được những nghi vấn của thế gian!