Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

SIÊU THẾ HI HỮU ĐỆ THẬP BÁT

KINH VĂN: 

Bỉ Cực Lạc quốc, sở hữu chúng sinh, dung sắc vi diệu, siêu thế hi hữu, hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng. Đản nhân thuận dư phương tục, cố hữu thiên nhân chi danh.

VIỆT DỊCH: 

Trong cõi Cực Lạc ấy, tất cả chúng sinh, dung sắc vi diệu, siêu thế hi hữu, đều cùng một loại, không có tướng sai biệt. Chỉ vì thuận theo tập tục các phương khác, mà có tên gọi là Trời, Người.

GIẢNG:

“Sở hữu chúng sinh, dung sắc vi diệu” (Tất cả chúng sinh, dung sắc vi diệu): Chữ “dung”  là hình dáng, dung mạo, tướng hảo;“sắc” là sắc tướng; “Vi diệu” là cực kỳ tinh diệu, khéo léo đến cùng cực, chẳng thể nghĩ bàn. Sắc tướng này không phải từ tâm tưởng sinh, mà từ tánh đức tự nhiên hiển lộ, hiển lộ đến tinh diệu cùng cực. Người vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc, bất luận sinh ở cõi nào, cho dù ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư, hạ hạ phẩm vãng sinh, thậm chí ở “Biên Địa nghi thành”, cũng đều từ liên hoa hóa sinh, được thân kim sắc, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, nên bảo là “siêu thế hi hữu”. Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp này, theo Hòa Thượng Tịnh Không, chỉ là miêu tả, sự thật còn thù thắng hơn rất nhiều.

Sách Hội Sớ giảng:“siêu thế hi hữu” như sau: “Chẳng phải là thân hữu lậu, sinh diệt nên bảo là siêu thế. Bản thể của tấm thân là pháp tánh thanh tịnh nên bảo là hi hữu”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: Thân trong lục đạo là thân hữu lậu, sinh diệt, có sinh có tử. Có hai loại sinh tử: “Phân đoạn sinh tử” và “biến dịch sinh tử”. “Biến dịch sinh tử” là tướng tế, “phân đoạn sinh tử” là tướng thô. Tướng tế là niệm niệm không dừng nghỉ, biến đổi trong từng sát-na. Tướng thô như con người sinh ra rồi chết v.v. Thân chúng ta là thân “phi thường, “phi nhất”, bởi nó không thường hằng, bất biến, cũng không thuần nhất. Trong nhất chân pháp giới, thế giới Tây phương Cực Lạc, hoàn toàn do tánh đức hiển lộ, không có biến hóa, không có hiện tượng “phần đoạn sinh tử”, nên nó là “thường”; không có “biến dịch sinh tử” nên nó là “nhất”, cho nên gọi là “nhất chân pháp giới”.

Pháp Tướng tông cho rằng: Cảnh giới Tây phương Cực Lạc là “duy tâm sở hiện”, nó không có “thức”. Nói cách khác, người ở

Tây phương Cực Lạc không có tám “thức” và năm mươi mốt “tâm sở”, nên họ là “thường”, “nhất”. Người trong mười pháp giới có tám thức, có năm mươi mốt “tâm sở”, nên họ là “phi thường”, “phi nhất”.  “Chẳng phải là thân hữu lậu, sinh diệt nên bảo là siêu thế”. Nếu có thể buông bỏ được thân này thì rất tự tại. Chúng ta nương vào giáo huấn của Phật, cũng có thể thoát ly thân này.

Thế gian là lục đạo, là mười pháp giới. Thành tựu nhỏ thì thoát ly lục đạo; thành tựu lớn thì vượt qua mười pháp giới. Vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc là vượt qua mười pháp giới. Đời này  chúng ta đã gặp được cơ duyên, gặp được pháp môn Tịnh Độ, gặp được kinh Vô Lượng Thọ, nhất định không để luống qua.

Sinh về thế giới Cực Lạc, “bản thể của tấm thân là pháp tánh thanh tịnh nên bảo là hi hữu”. Thân thể pháp tánh thanh tịnh này cùng với thân của chư Phật Như Lai và Pháp thân Bồ tát không khác. Thân ấy là chân thân, là thân kim cang bất hoại, không cần ăn uống, không cần ngủ nghỉ, không già yếu, vĩnh viễn không thay đổi; tướng hảo quang minh đều giống như Phật A Di Đà không khác, nên nói là “hi hữu”.

Vãng Sinh Luận có bài kệ như sau: “Thiên nhân bất động chúng, thanh tịnh trí hải sinh” (Chúng trời, người bất động, sinh từ biển trí tuệ thanh tịnh). Chỗ này, Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: Cõi “Phàm Thánh Đồng Cư” ở thế giới Cực Lạc có chúng trời và chúng người. Câu “Thiên nhân bất động”, chữ “bất động” này, ý nói là không khởi tâm, không động niệm, là tự tánh bổn định, cũng chính là cảnh giới của Pháp thân Bồ tát chứng đắc. Chúng trời và người trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư đều đạt đến cảnh giới này. “Thanh tịnh trí hải sinh”, “trí” này là tự tánh vốn có đầy đủ trí tuệ Bát Nhã. Ý nói thân họ không phải là thân nghiệp báo. Nói cách khác, một câu A Di Đà Phật, thật sự có thể giúp chúng sinh chuyển phàm thành thánh; đây là sự chuyển biến cao tột nên bảo là “siêu thế hi hữu”. 

Hàm đồng nhất loại, vô sai biệt tướng” (Đều cùng một loại, không có tướng sai biệt). Ðấy chính là kết quả thành tựu của ba nguyện: Nguyện thứ ba là“thân tất kim sắc” (thân đều sắc vàng), nguyện thứ tư là “Tam thập nhị tướng” (thân đủ ba mươi hai tướng) và nguyện thứ năm “Thân vô sai biệt (thân không sai biệt). Điều này khiến chúng ta thể hội được: Thế giới Tây phương Cực Lạc là thế giới chân thật, bình đẳng, do bổn nguyện oai đức của Phật A Di Đà gia trì mà thành tựu. Thế giới chúng ta, do nghiệp lực không tương đồng, nên dung mạo mỗi người có sai khác. Có người đưa ra nghi vấn:

– Tướng mạo mọi người đều giống hệt nhau, vậy Trương Tam, Lý Tứ làm sao nhận ra?!

– Nên nhớ: Người vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc đều có lục thông; trong đó “thiên nhãn đổng thị”, thấy biết rõ khắp, làm sao có thể nhầm lẫn được chứ! Việc này, chúng ta không cần phải lo.

Đản nhân thuận dư phương tục, cố hữu thiên nhân chi danh” (Chỉ vì thuận theo tập tục các phương khác, mà có tên Trời, Người): Chúng sinh cõi Cực Lạc đều đắc thần thông tự tại, trụ trong Chánh Định Tụ, được Bất Thoái chuyển, tất cả đều vượt xa trời, người, nhưng vì thuận theo thói tục mà giả lập danh từ trời, người.

Hơn nữa, phẩm “Lễ Phật Hiện Quang” trong kinh này có nói:

“Duy thị chúng bảo trang nghiêm, thánh hiền cộng trụ”: Cõi Cực Lạc chỉ trang nghiêm toàn bằng các báu, là nơi thánh hiền cùng ở  thì lẽ đâu có trời, người như trong thế gian?

Theo Ngài Nghĩa Tịch, người niệm Phật vâng giữ “ngũ giới”, được vãng sinh thì gọi là “người”; còn người niệm Phật kiêm hành thập thiện, được vãng sinh thì gọi là “trời”.  Hoặc: Người sống trên mặt đất gọi là “người”, người ở trên hư không thì gọi là “trời”.

KINH VĂN: 

Phật cáo A Nan: – Thí như thế gian bần khổ khất nhân, tại đế vương biên, diện mạo hình trạng, ninh khả loại hồ? Đế vương nhược tỷ Chuyển Luân Thánh vương, tắc vi bỉ lậu, do bỉ khất nhân, tại đế vương biên dã. Chuyển Luân Thánh vương, oai tướng đệ nhất, tỷ chi Đao Lợi thiên vương, hựu phục xú liệt. Giả linh Đế Thích, tỷ Đệ Lục Thiên, tuy bách thiên bội, bất tương loại dã. Đệ Lục thiên vương, nhược tỷ Cực Lạc quốc trung Bồ Tát, Thanh Văn, quang nhan dung sắc, tuy vạn ức bội, bất tương cập đãi.

VIỆT DỊCH: 

Phật bảo A Nan: – Ví như kẻ ăn xin nghèo khổ trong thế gian, đứng cạnh đế vương thì diện mạo, hình trạng của họ có giống nhau không? Đế Vương nếu so với Chuyển Luân Thánh vương thì đế vương lại xấu hèn như kẻ ăn xin đứng cạnh đế vương. Chuyển Luân Thánh vương oai tướng bậc nhất, nếu so với Ðao Lợi thiên vương lại càng xấu kém. Nếu đem Ðế Thích so với Ðệ Lục thiên, thì chẳng bằng được một phần trăm ngàn lần. Ðệ Lục thiên vương nếu đem so với Bồ Tát, Thanh Văn trong cõi Cực Lạc, thì quang nhan, dung sắc, cũng chẳng bằng nổi một phần vạn ức lần.

GIẢNG: 

Ðoạn kinh văn trên  dùng các thí dụ để hiển thị dung sắc siêu thắng của chúng sinh cõi Tây phương Cực Lạc. Kinh dùng đến năm tầng thí dụ để so sánh:

1. -“Thí như thế gian bần khổ khất nhân, tại đế vương biên”: Ðem kẻ ăn xin so với vua; một người thì phước báu nhân gian hạ tiện, một người thì phước báu nhân gian vô cùng lớn, cách xa một trời một vực; bất luận từ hình dạng đến cử chỉ, oai nghi đều không thể so sánh.

2. – “Đế vương nhược tỷ Chuyển Luân Thánh vương”: Ðem vua trong nhân gian so với Chuyển Luân thánh vương thì “tắc vi bỉ lậu, do bỉ khất nhân, tại đế vương biên dã”, lại xấu hèn giống như kẻ ăn xin đứng cạnh đế vương. Chúng ta chưa bao giờ gặp Chuyển Luân Thánh vương. Trong kinh Phật nói, Chuyển Luân Thánh vương vẫn là vua của cõi người, không phải vua của cõi trời.

– Sao gọi là Luân vương?

– Chính vì họ có báu vật tên gọi là “Luân”. Cái “Luân” nầy, vừa là phương tiện giao thông, vừa là vũ khí của họ. Luân vương có bốn loại: Kim Luân vương, Ngân Luân vương, Đồng Luân vương, Thiết Luân vương (đã giải thích ở phần trước). Họ không phải thiên thần, họ vẫn ở cõi người.

3. – “Chuyển Luân Thánh vương, oai tướng đệ nhất, tỷ chi Đao Lợi thiên vương”: Đem Chuyển Luân Thánh vương so với Đế Thích, tức là Đao Lợi thiên vương, tầng trời thứ hai của Dục giới, chúng ta gọi là Ngọc Hoàng Đại đế, thì “hựu phục xú liệt” (lại càng xấu tệ). Trong kinh đức Phật nói: Chuyển Luân Thánh vương có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Nhưng, nếu so với tướng hảo trang nghiêm của Phật thì tướng mạo của Chuyển Luân vương vẫn còn mờ nhạt, kém xa hơn Phật rất nhiều.

Thời cận đại, có rất nhiều bài báo, đưa tin người ngoài hành tinh và đĩa bay. Đĩa bay này là có thật. Bản thân tôi (tức Hòa Thượng Tịnh Không) đã tận mắt thấy một lần. Điểm sáng đó hình tròn màu xanh, xuất hiện trên bầu trời. Có thể ở thế gian này, có Chuyển Luân Thánh vương, nhưng Chuyển Luân Thánh vương không cư ngụ trên địa cầu, cũng không ở trong Thái Dương hệ này của chúng ta.

4. – “Giả linh Đế Thích tỷ Đệ Lục Thiên”: Đem Đế Thích so với Đệ Lục thiên, tức là Tha Hóa Tự Tại thiên, là tầng trời cao nhất, trong sáu tầng trời của Dục giới, thì “tuy bách thiên bội, bất tương loại dã”, lại càng xấu tệ đến trăm ngàn lần.

5. – “ Đệ Lục Thiên Vương, nhược tỷ Cực Lạc quốc trung Bồ Tát, Thanh Văn”: Đem vua tầng trời thứ sáu, so với Bồ tát và Thanh Văn ở cõi Cực Lạc thì quang nhan dung sắc tuy vạn ức bội, bất tương cập đãi” (quang nhan dung sắc chẳng bằng nổi một phần vạn ức lần).

Nên nhớ, ở thế gian này, nếu chúng ta tu pháp Tiểu thừa, vãng sinh đến thế giới Cực Lạc thì được gọi là Thanh Văn. Nếu tu pháp Đại thừa, khi đến thế giới Cực Lạc, được gọi là Bồ tát. Cõi trời thứ sáu, tức Tha Hóa Tự Tại thiên, phước báu của họ lớn nhất trong Dục giới. Một ngày của họ bằng một ngàn sáu trăm năm ở cõi nhân gian, nhưng, so với Bồ tát, Thanh Văn ở cõi Cực Lạc, phước báu của họ chẳng sánh vào đâu.

Đoạn kinh văn trên đã nói rõ cùng cực, dung sắc “siêu thế hi hữu” của chúng sinh ở cõi Cực Lạc.

KINH VĂN: 

Sở xử cung điện, y phục ẩm thực, do như Tha Hóa Tự Tại thiên vương.

Chí ư oai đức, giai vị, thần thông biến hóa, nhất thiết thiên nhân, bất khả vi tỷ, bách thiên vạn ức, bất khả kế bội. A Nan ưng tri: Vô Lượng Thọ Phật Cực Lạc quốc độ, như thị công đức trang nghiêm, bất khả tư nghị.

VIỆT DỊCH: 

Cung điện họ ở, y phục, thức ăn, thức uống giống như vua cõi trời Tha Hóa Tự Tại. 

Còn như oai đức, phẩm vị, thần thông biến hóa (của họ) thì hết thảy trời người chẳng thể sánh nổi; (hơn đến) trăm ngàn vạn ức lần, chẳng thể tính nổi. A Nan nên biết: Cõi nước Cực Lạc của Vô Lượng Thọ Phật có công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như thế.

GIẢNG:

“Sở xử cung điện, y phục ẩm thực, do như Tha Hóa Tự Tại thiên vương” (Cung điện họ ở, y phục, thức ăn, thức uống giống như vua cõi trời Tha Hóa Tự Tại): Diễn tả y báo siêu việt thù thắng của cõi Tây phương Cực Lạc. Từ y phục, thức ăn, chỗ ở đều giống như thọ dụng của vua ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại (tầng trời thứ sáu). Đây là tầng trời  có phước báo cao nhất trong Dục giới.

“ Chí như oai đức giai vị thần thông biến hóa, nhất thiết thiên nhân, bất khả vi tỷ”: Chữ “oai đức” là oai thần và công đức. Người ở cõi Cực Lạc “thần thông đỗng đạt, thế lực tự tại”, “trụ Chánh Định Tụ”, “quyết chứng cực quả”, nên kinh bảo là oai đức “bất khả vi tỷ”  (không ai sánh bằng).

Giai vịlà thứ bậc và phẩm vị. Người ở thế giới Cực Lạc   đắc ba thứ Bất Thoái: Vị Bất Thoái, Hành Bất Thoái và Niệm Bất Thoái. Phẩm vị nầy ngang bằng với bậc Bổ Xứ, nên cũng không ai sánh bằng.

“Thần thông biến hóa: Như kinh nói Thanh Văn trong cõi Cực Lạc “năng ư chưởng trung, trì nhất thiết thế giới” (có thể nắm hết thảy thế giới trong lòng bàn tay). Tất cả chúng sinh cõi Cực Lạc còn đắc cả lục thông như: Túc Mạng, Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Thần Túc, Lậu Tận.

Trong lời nguyện thứ mười “Thần Túc Thông” của Phật A Di Đà có nói: “Ư nhất niệm khoảnh, siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát, châu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật” (Trong khoảng một niệm, vượt qua ức na-do-tha, trăm ngàn cõi Phật, đi khắp tất cả, cúng dường chư Phật): Điều này chứng minh thần thông của người ở thế giới Cực Lạc vượt xa thần thông của Nhị Thừa, huống hồ là thần thông của trời, người nên nói: “Bách thiên vạn ức, bất khả kế bội” (hơn trăm ngàn vạn lần chẳng thể tính nổi).

Tóm lại, cả ba thứ: Oai đức, phẩm vị, thần thông biến hóa của người ở cõi Cực Lạc đều vượt xa tất cả trời người. Cho nên, cuối đoạn kinh trên, đức Phật đã vô cùng tán thán cõi nước Cực Lạc là “Như thị công đức trang nghiêm bất khả tư nghị” (Công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn như vậy).