TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm tám: Bồ tát giả danh, thực nghĩa

[Giải]    Phẩm này phân biệt, nêu lên tướng trạng của hai loại Bồ tát, giả danh và thực nghĩa.

D2. Tích tập phước đức, trí tuệ
E1. Phân biệt danh nghĩa Bồ tát
F1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn, như đức Phật đã dạy, Bồ tát có hai hạng: một là Bồ tát giả danh, hai là Bồ tát thực nghĩa. Thế nào gọi là Bồ tát giả danh?”

[Giải]    Phẩm này phân biệt hai loại Bồ tát giả danh và thực nghĩa. Trong câu hỏi, Thiện Sinh chỉ đề cập đến giả danh, thế nhưng, xét câu trả lời của Đức Phật, câu hỏi bao hàm cả hai loại Bồ tát.

F2. Như Lai trả lời
G1. Bồ tát giả danh

– Thiện nam tử! Chúng sinh phát tâm Bồ Đề rồi, được gọi là Bồ tát giả danh, nếu ưa học pháp thuật, cùng đọc tụng kinh điển của ngoại đạo, lại đem pháp ấy giáo hóa chúng sinh. Không thích tu tâm Từ bi, vì thân mệnh mình giết hại chúng sinh. Tham mê sinh tử, thường tạo nghiệp mong hưởng cảnh vui hữu lậu. Không có lòng tin, lại sinh tâm nghi ngờ Tam Bảo. Tham tiếc giữ gìn thân mệnh, không thể nhẫn nhục. Lời nói cộc cằn, hối hận, buông lung, sinh lòng tự khinh, nghĩ mình không thể được quả Vô Thượng Bồ Đề. Tự chôn mình trong phiền não, sinh lòng khiếp sợ. Lại không chịu siêng tu phương tiện tiêu diệt phiền não. Thường sinh lòng bỏn sẻn, ganh ghét, giận dữ, gần gũi bạn ác, biếng nhác, loạn tâm. Ưa ở trong vô minh, không tin pháp Lục độ. Không chịu tu phúc đức, không chịu quán sinh tử. Thường ưa nghe theo lời ác của kẻ khác. Kẻ như vậy được gọi là Bồ tát giả danh.

Thiện nam tử! Lại có chúng sinh phát tâm mong cầu quả vị Vô Thượng Bồ Đề, nghe nói phải siêng năng tu tập gian khổ, trải qua vô lượng kiếp sau đó mới được, nghe rồi sinh lòng hối tiếc. Tuy thân tu hành đạo nghiệp, mà tâm không chân thực. Không biết hổ thẹn, không có lòng thương người. Hay thờ phụng ngoại đạo, giết dê tế trời. Dù có chút ít lòng tin, tâm không bền chắc. Vì sự vui ngũ dục mà tạo rất nhiều tội ác. Ỷ vào sắc đẹp, tuổi thọ và tài sản mà sinh tâm kiêu mạn. Hành động điên đảo, không đem lại lợi ích. Vì ham thú vui sinh tử mà bố thí, vì muốn sinh cõi trời mà giữ giới, vì muốn sống lâu mà tu thiền định. Những kẻ như vậy gọi là Bồ tát giả danh.

[Giải]    Bồ tát đã phát tâm Bồ đề, không học Phật pháp để giáo hóa chúng sanh, mà lại đi học ngoại đạo, nhẫn đến thường thích thọ trì lời ác của kẻ khác, cho nên gọi là giả danh.

Lời nói cộc cằn, nghĩa là lời nói thô lỗ tục tỉu rừng rú.

Hối hận, tức là sau khi phát Bồ đề tâm, lại sinh lòng hối tiếc.

Tự khinh, nghĩa là không tin rằng mình có thể chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

Không chịu siêng tu phương tiện tiêu diệt phiền não, nghĩa là không tu bố thí để diệt tâm bỏn sẻn tham lam, không tu nhẫn nhục để diệt trừ tâm ganh ghét, sân hận, v.v…

Lục độ, tức là sáu ba la mật. Kẻ ấy tuy phát tâm Bồ đề, nhưng không tu Bồ tát hạnh, đây tức là một loại Bồ tát giả danh.

Lại có một loại Bồ tát giả danh, trước kia phát Bồ đề tâm, nhưng vốn không chân thực thành khẩn, cho nên sau đó thấy khó, bèn sinh tâm sợ hãi, hối hận.

Hổ thẹn (Hán: tàm quý), trong việc tu hành, đây là điều quan trọng, nhất là có tâm biết hổ thẹn. Tàm, tức là tôn sùng điều thiện, thấy mình không làm được các thiện hạnh như chư Phật, nên ngưỡng mộ tôn sùng các ngài; quý, tức là cự tuyệt điều ác, thấy chúng sinh có những ác hạnh, bèn cự tuyệt những việc ác đó.

Giết dê tế trời, tức là giống như hiện nay có nhiều người, sau khi quy y Tam bảo, nhưng vẫn thờ cúng quỷ thần. Lại có nhiều người, vì muốn sinh lên trời, hoặc được sống lâu, mà phát tâm tu bố thí, trì giới, thiền định, đây đều là Bồ tát giả danh.

G2. Bồ tát thực nghĩa

Thiện nam tử! Bồ tát thực nghĩa là kẻ có thể nghe hiểu nghĩa lý sâu xa, ưa gần bạn lành, ưa cúng dàng sư trưởng, cha mẹ, bạn lành; ưa nghe mười hai phần giáo của Như Lai, thọ trì, đọc tụng, biên chép, suy tư nghĩa lý. Vì nhân duyên cầu Pháp, không tiếc thân mệnh, vợ con, của cải. Tâm ý kiên cố, thương xót chúng sinh. Nói lời dịu dàng, lời chào đón, lời chân thật. Không nói lời thô ác hoặc đâm thọc. Không tự khinh chính mình. Bố thí rộng rãi mà không hề lưỡng lự. Thường ưa dùi mài lưỡi gươm trí tuệ. Học tập kinh sách ngoại đạo, chỉ vì muốn phá dẹp và siêu việt tà kiến. Rành rẽ phương tiện điều phục chúng sinh. Ở giữa đám đông, tâm không khiếp sợ. Thường dạy chúng sinh rằng đạo Bồ Đề dễ được, làm người nghe không sinh lòng lo sợ, mà siêng năng tu hành. Coi thường phiền não, không để cho phiền não lay động mình. Tâm không buông lung, thường tu nhẫn nhục. Vì muốn đắc quả vị Niết Bàn mà trì giới và tu tập tinh tiến. Nguyện làm kẻ phục dịch cho chúng sinh, làm cho họ được an ổn, vui sướng. Vì kẻ khác chịu khổ, tâm không sinh hối hận. Thấy kẻ thoái thất tâm Bồ Đề, sinh lòng thương xót. Cứu vớt tất cả chúng sinh khổ não, quán sát lỗi lầm và tội ác của sinh tử. Có thể viên mãn sáu pháp Ba la mật vô thượng. Làm mọi sự việc đều hơn chúng sinh. Lòng tin vững chắc, tu tập từ bi mà không mong cầu quả báo. Đối với người thân kẻ thù, tâm coi như một. Lúc bố thí tài vật tâm thường bình đẳng, thí xả thân mình cũng thế. Vì biết tướng hữu vi là vô thường, nên không tiếc thân mệnh. Dùng pháp Tứ nhiếp thâu phục chúng sinh. Biết rõ Thế tục đế nên tùy thuận chúng sinh. Khi vì chúng sinh mà thọ khổ, tâm không lay động, như núi Tu di. Tuy thấy chúng sinh tạo nhiều nghiệp ác, ít kẻ làm lành, nhưng vẫn không bỏ rơi họ. Đối với Tam Bảo không sinh lòng nghi, thường ưa cúng dàng. Lúc có ít tài vật, trước bố thí kẻ nghèo, sau cúng dàng Tam Bảo. Làm việc gì, trước đều vì kẻ nghèo, sau mới vì kẻ giàu. Ưa khen ngợi sự hay của người, vì họ mà giảng Phật pháp, hầu mở đường cho họ đến Niết Bàn. Muốn người khác học tất cả các kỹ thuật. Thấy người học hơn mình, tâm sinh vui mừng. Không nghĩ đến lợi mình, mà thường nghĩ đến việc lợi người. Tất cả nghiệp lành thân khẩu ý, đều không vì chính mình, mà vì chúng sinh. Đây gọi là Bồ tát thực nghĩa.

[Giải]    Đoạn này khuyến khích làm Bồ tát thực nghĩa. Tu hành tiến bộ hay thoái bộ, vốn không nhất định. Giả như, Bồ tát giả danh tu tập Bồ tát hạnh, vẫn có thể đổi thành Bồ tát thực nghĩa. Chợt tiến chợt thoái, hoặc chợt thoái chợt tiến, đây là sự việc thông thường của phàm phu.

Nếu như tự phản tỉnh, thấy mình vẫn còn là một Bồ tát giả danh, sinh tâm hổ thẹn, bèn cải đổi tu hành, thì vẫn có thể thành Bồ tát thực nghĩa.

Nghĩa lý sâu xa, tức là nghĩa lý thâm sâu của Phật pháp.

Thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng giải và suy tư nghĩa lý, đây là năm sự hành trì của pháp sư trong kinh Pháp Hoa; nếu nói tường tận, tức là mười loại pháp hành đối với kinh điển: (1) biên chép, (2) cúng dường, (3) bố thí cho người khác, (4) lắng nghe, (5) đọc, (6) thọ trì, (7) giảng nói, (8) phúng tụng, (9) suy ngẫm nghĩa lý, (10) tu tập.

“Vì nhân duyên cầu pháp, không tiếc vợ con, của cải”, tức là có thể trở thành Bồ tát xuất gia.

“Lưỡi gươm trí tuệ”, nghĩa là có thể đoạn trừ nhân duyên phiền não, bao gồm văn tuê, tư tuệ và tu tuệ.

“Rành rẽ phương tiện điều phục chúng sinh”, chúng sinh có nhiều loại tâm tính, nhiều loại mong cầu, nếu biết rành rẽ, khéo điều phục, có thể làm cho họ dứt ác làm lành.

“Tự tại”, nếu một pháp có thể chuyển động pháp khác, gọi là tự tại. Nếu phiền não có thể chuyển động thiện pháp, gọi là sức mạnh của phiền não được tự tại. Nếu muốn cho phiền não không còn được tự tại, thì cần phải coi thường phiền não.

“Lòng tin”, tức là lòng tin Tam bảo.

“Không tiếc thân mệnh”, vì biết thân mệnh là vô thường nên không còn luyến tiếc.

Thế tục đế, tức là nhận rằng thế tục là chân thực.

Nếu của cải nhiều, bố thí bình đẳng, còn nếu của cải ít thì bố thí cho người nghèo trước.

Muốn người khác học kỹ thuật, nghĩa là Bồ tát nên học tập ngũ minh, tức là nội minh, thanh minh, nhân minh, y dược minh và công xảo minh. Kỹ thuật tức là bốn môn sau.

Nếu được như vậy thì là Bồ tát thực nghĩa, đây tức là khuyến khích từ bỏ giả danh, tu hạnh chân thực.

G3. Nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia muốn thành Bồ tát thực nghĩa không khó. Bồ tát tại gia muốn thành Bồ tát thực nghĩa mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Phần cuối mỗi phẩm đều có lời cổ võ khuyến khích, lòng từ bi của Đức Phật, phải nói là thâm thiết đến cực điểm.