LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH PHẨM KHUYẾN HỌC THỨ 8

(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phẩm Nhập Ly Sinh thứ 7)

KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát muốn đầy đủ Thí ba-la-mật, hãy học Bát-nhã ba-la-mật; muốn đầy đủ Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-lamật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát ma-ha-tát muốn biết sắc, hãy học Bát-nhã ba-la-mật; cho đến muốn biết thức, hãy học Bát-nhã ba-la-mật; muốn biết nhãn cho đến ý, muốn biết sắc cho đến pháp, muốn biết nhãn thức cho đến ý thức, muốn biết nhãn xúc cho đến ý xúc, muốn biết nhãn và xúc làm nhân duyên sinh thọ cho đến ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ, hãy học Bát-nhã ba-la-mật; muốn đoạn dâm, nộ, si, hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát ma-ha-tát muốn đoạn thân kiến, giới thủ, nghi, dâm dục, sân nhuế, sắc ái, vô sắc ái, trạo, mạn, vô minh v.v… tất cả kiết sử và triền, hãy học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn đoạn bốn phược, bốn kiết, bốn điên đảo, hãy học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn biết mười thiện đạo, muốn biết bốn thiền, muốn biết bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, bốn niệm xứ, cho đến mười tám pháp không chung, hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát ma-ha-tát muốn vào giác ý Tam-muội, hãy học Bátnhã ba-la-mật. Muốn vào sáu thần thông, định chín thứ lớp, siêu việt Tam-muội, hãy học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn được Tammuội Sư tử du hý, hãy học Bát-nhã ba-la-mật. Muốn được Tammuội Sư tử phấn tấn, muốn được hết thảy môn Đà-la-ni hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát ma-ha-tát muốn được Tam-muội Thủ Lăng Nghiêm, Tam-muội Bảo ấn, Tam-muội Diệu nguyệt, Tam-muội Nguyệt tràng tướng, Tam-muội Hết thảy Pháp ấn, Tam-muội Quán ấn, Tammuội Tất pháp tánh, Tam-muội Tất trụ tướng, Tam-muội Như Kim cang, Tam-muội Vào hết thảy pháp môn, Tam-muội Vương Tammuội, Tam-muội Vương ấn, Tam-muội Tịnh lực, Tam-muội Cao xuất, Tam-muội Rốt ráo vào hết thảy biện tài, Tam-muội Vào hết thảy tên pháp, Tam-muội Quán mười phương, Tam-muội Ấn các môn Đà-la-ni, Tam-muội Hết thảy pháp không quên, Tam-muội Ấn nhiếp hết thảy pháp tụ, Tam-muội Hư không trụ, Tam-muội Ba phần thanh tịnh, Tam-muội Không thối thần thông, Tam-muội Xuất bát, Tam-muội Tướng các tam-muội tràng… Muốn được các môn Tam-muội như vậy, hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

– Lại nữa, bạch Thế Tôn! Bồ-tát ma-ha-tát muốn làm mãn nguyện hết thảy chúng sinh, hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

LUẬN. Hỏi: Trong phẩm đầu đã nói muốn được có các thứ, hãy học Bát-nhã ba-la-mật, sao nay còn nói lại?

Đáp: Trước chỉ tán thán muốn được các công đức ấy, hãy học Bát-nhã ba-la-mật, mà chưa nói Bát-nhã ba-la-mật. Nay đã nghe ý vị Bát-nhã ba-la-mật, nhân đó muốn được các công đức khác, là sáu Ba-la-mật v.v… hãy học Bát-nhã ba-la-mật.

– Lại nữa, trên dùng các nhân duyên nói các pháp không. Có người cho rằng, Phật pháp dạy đoạn diệt, không còn làm gì. Vì dứt mối nghi của người ấy, nên nói muốn được các công đức bố thí v.v… hãy thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Nếu Bát-nhã ba-la-mật thật không, không có gì, đoạn diệt, thì không nên nói nên thực hành các công đức bố thí v.v… Bậc có trí nói, cớ gì trước sau trái nhau?

– Lại nữa, trước nói rộng đây nói lược. Kia là Phật nói, đây là Tu-bồ-đề nói.

– Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật thâm diệu, cho nên nói lại. Ví như tán thán đức tốt nên nói: Lành thay, lành thay! Nghĩa của sáu Ba-lamật như trước đã nói.

Biết năm uẩn là thấy nó vô thường, khổ, không, tướng chung, tướng riêng v.v…; sáu căn, sáu trần, sáu thức, sáu xúc, sáu thọ cũng như vậy. Hết thảy sự trói buộc ở thế gian, chính thọ là chủ, do thọ nên sinh các kiết sử, thọ vui sinh tham dục, thọ khổ sinh sân nhuế, thọ không khổ không vui sinh ngu si. Ba độc là nhân duyên khởi lên các phiền não và nghiệp, vì vậy nên chỉ nói thọ. Các tâm số pháp khác không nói đến là tưởng, ức, niệm v.v…; ba độc, mười kiết, các sử, các triền cho đến mười tám pháp không chung, như trước đã nói.

Tam-muội Giác ý, Tam-muội Siêu việt, Tam-muội Sư tử du hý… các Tam-muội ấy của Bồ-tát, sau sẽ nói. Muốn làm cho hết thảy chúng sinh mãn nguyện, trước đã nói.

KINH: Muốn được đầy đủ thiện căn như vậy, thường không đọa ác thú, muốn được không sinh nhà bần tiện, muốn được không trú ở trong địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật, muốn được không đọa Bồ-tát đảnh (Kinh Đại Bát-nhã ghi: Đối với Bồ-tát đảnh, trọn không thối đọa – ND) hãy học Bátnhã ba-la-mật.

Bấy giờ, Tuệ mạng Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào gọi là Bồ-tát ma-ha-tát đọa đảnh?

Tu-bồ-đề nói: Xá-lợi-phất! Nếu Bồ-tát ma-ha-tát không dùng phương tiện thiện xảo thực hành sáu Ba-la-mật, vào không, vô tướng, vô tác Tam-muội, cũng không đọa địa vị Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không vào Bồ-tát vị, ấy gọi là Bồ-tát ma-hatát pháp ái sinh, nên đọa đảnh.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào gọi là Bồ-tát sinh?

Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất rằng: Sinh gọi là pháp ái.

Xá-lợi-phất nói: Thế nào gọi là pháp ái?

Tu-bồ-đề nói: Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, sắc là không mà lãnh thọ ức niệm ái trước; thọ , tưởng, hành, thức là không mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước. Xá-lợiphất! Ấy gọi là thuận đạo pháp sinh ái trước.

* Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát, sắc là vô tướng mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước; thọ, tưởng, hành, thức là vô tướng, mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước. Sắc là vô tác mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước; thọ, tưởng, hành, thức là vô tác mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước. Sắc là tịch diệt mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước; thọ, tưởng, hành, thức là tịch diệt mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước. Sắc là vô thường cho đến thức, sắc là khổ cho đến thức; sắc là vô ngã cho đến thức mà lãnh thọ, ức niệm, ái trước; ấy là Bồ-tát thuận đạo pháp sinh ái trước.

Ấy là khổ nên biết, tập nên dứt, diệt nên chứng, đạo nên tu; ấy là pháp nhơ, ấy pháp sạch, ấy nên gần, ấy không nên gần, ấy Bồ-tát nên làm, ấy chẳng phải Bồ-tát nên làm; ấy Bồ-tát đạo, ấy Bồ-tát học, ấy chẳng phải Bồ-tát đạo, ấy chẳng phải Bồ-tát học, ấy Bồ-tát Thí ba-la-mật, cho đến Bát-nhã ba-la-mật; ấy chẳng phải Bồ-tát Thí ba-la-mật; cho đến Bát-nhã ba-la-mật; ấy Bồ-tát phương tiện, ấy chẳng phải Bồ-tát phương tiện; ấy Bồ-tát thành thục; ấy chẳng phải Bồ-tát thành thục.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, lãnh thọ, ức niệm, ái trước các pháp ấy; ấy là Bồ-tát ma-hatát thuận đạo pháp sinh ái trước.

LUẬN. Hỏi: Do thiện căn gì mà không đọa ác đạo, nghèo hèn và Thanh-văn, Bích-chi Phật, cũng không đọa đảnh?

Đáp: Có người nói, thực hành thiện căn không tham nên các kiết sử ái v.v… suy mỏng, vào sâu thiền định; thực hành thiện căn không giận, nên các kiết sử giận v.v… suy mỏng, vào sâu tâm từ bi; thực hành thiện căn không ngu si, nên các kiết sử vô minh v.v… suy mỏng, vào sâu Bát-nhã ba-la-mật. Do lực thiền định, từ bi, Bát-nhã ba-la-mật như vậy, nên không việc gì mà không thành được, huống gì bốn việc (không đọa ác đạo, nhà bần tiện, Thanh-văn và Bích-chi Phật, không đọa đảnh).

Hỏi: Cớ gì trong bốn việc chỉ hỏi việc đọa đảnh?

Đáp: Ba việc ở trước đã nói, việc đọa đảnh chưa nói cho nên hỏi. Hỏi: Đảnh là pháp vị, nghĩa ấy trước đã nói, sao nay còn nói lại?

Đáp: Tuy đã nói nghĩa, mà tên gọi khác nhau. Không có phương tiện, vào ba giải thoát môn và có phương tiện, thì trước đã nói.

Pháp ái, đối với vô sinh pháp nhẫn, không có lợi ích nên gọi là sinh; ví như ăn nhiều không tiêu, nếu không trị liệu là tai hoạn cho thân. Bồ-tát cũng như vậy, khi mới phát tâm, tham ái món ăn chánh pháp, đó là không phương tiện thiện xảo thực hành các thiện pháp, thâm tâm buộc đắm nơi vô sinh pháp nhẫn, ấy là sinh, là bệnh. Vì đắm trước pháp ái nên đối với pháp không sinh không diệt cũng ái; ví như người chắc chắn chết, tuy uống thêm thuốc, thuốc trở lại thành bệnh. Bồ-tát đối với pháp rốt ráo không, không sinh không diệt pháp nhẫn mà sinh ái trước, cũng trở lại bị tai hoạn. Pháp ái đối với người, trời là thù diệu, mà đối với vô sinh pháp nhẫn là hệ lụy.

Đối với hết thảy pháp, ức tưởng phân biệt quán thị quán phi, theo pháp mà ái, ấy gọi là sinh; không thể đựng nước thật tướng các pháp, trái với sinh (sống) gọi là Bồ-tát thục (chín).

Hỏi: Một việc ấy cớ sao gọi là đảnh, gọi là vị, gọi là không sinh?

Đáp: Pháp ở giữa nhu thuận nhẫn và vô sinh nhẫn, gọi là đảnh. Trú ở đảnh ấy, trên thẳng đến Phật đạo, không còn sợ đọa; ví như trong pháp Thanh-văn, ở giữa noãn pháp và nhẫn pháp gọi là đảnh pháp.

Hỏi: Nếu được đảnh không sợ đọa, sao nay nói đảnh đọa?

Đáp: Sắp gần được mà mất gọi là đọa. Được đảnh rồi trí tuệ an ổn, thời không sợ đọa; ví như lên núi, đã được đến đỉnh, thời không sợ rớt; giữa lúc chưa đến, khoảnh khắc cheo leo sợ rớt. Đảnh cứ tăng trưởng kiên cố, gọi là Bồ-tát vị. Vào vị ấy, hết thảy kiết sử, hết thảy ma dân không làm lay động được, cũng gọi là vô sinh pháp nhẫn, vì cớ sao? Vì khác với sinh. Các kiết sử ái v.v… và các thiện pháp hỗn tạp, gọi là sinh.

– Lại nữa, không có lửa trí tuệ biết về thật tướng các pháp, nên gọi là sinh (sống), có lửa trí tuệ biết thật tướng các pháp nên gọi là thục (chín). Người ấy tín thọ được trí tuệ biết thật tướng các pháp, nên gọi là thục. Ví như bình nung chín có thể đựng nước, nung sống thời bị hư rã.

– Lại nữa, nương dựa trí tuệ sinh diệt nên được xa lìa điên đảo, xa lìa trí tuệ sinh diệt nên không sinh không diệt, ấy gọi là vô sinh pháp. Hay tin, hay thọ, hay trì gọi là nhẫn.

– Lại nữa, vị là nhổ hết thảy pháp quán về vô thường v.v… gọi là vị; nếu không như vậy, ấy là thuận đạo pháp sinh ái trước.

KINH: Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Thế nào gọi là Bồ-tát maha-tát vô sinh?

Tu-bồ-đề nói: Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, trong nội không, không thấy ngoại không, trong ngoại không, không thấy nội không; trong ngoại không, không thấy nội ngoại không; trong nội ngoại không, không thấy ngoại không; trong nội ngoại không, không thấy không không, trong không không, không thấy nội ngoại không; trong không không, không thấy đại không, trong đại không, không thấy không không; trong đại không, không thấy đệ nhất nghĩa không, trong đệ nhất nghĩa không, không thấy đại không; trong đệ nhất nghĩa không, không thấy hữu vi không, trong hữu vi không, không thấy đệ nhất nghĩa không; trong hữu vi không, không thấy vô vi không; trong vô vi không, không thấy hữu vi không; trong vô vi không, không thấy tất cảnh không, trong tất cảnh không, không thấy vô vi không; trong tất cảnh không, không thấy vô thỉ không, trong vô thỉ không, không thấy tất cảnh không; trong vô thỉ không, không thấy tán không, trong tán không, không thấy vô thỉ không; trong tán không, không thấy tánh không, trong tánh không, không thấy tán không; trong tánh không, không thấy các pháp không, trong các pháp không, không thấy tánh không; trong các pháp không, không thấy tự tướng không, trong tự tướng không, không thấy các pháp không; trong tự tướng không, không thấy bất khả đắc không; trong bất khả đắc không, không thấy tự tướng không; trong bất khả đắc không, không thấy vô pháp không, trong vô pháp không, không thấy bất khả đắc không; trong vô pháp không, không thấy hữu pháp không, trong hữu pháp không, không thấy vô pháp không; trong hữu pháp không, không thấy vô pháp hữu pháp không, trong vô pháp hữu pháp không, không thấy hữu pháp không.

Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-lamật, được vào Bồ-tát vị.

– Lại nữa, Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát muốn học Bát-nhã ba-la-mật, hãy học như vầy: Không niệm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không niệm mắt cho đến ý; không niệm sắc cho đến pháp; không niệm Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-lamật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, cho đến mười tám pháp không chung.

Như vậy Xá-lợi-phất! Bồ-tát ma-ha-tát tu Bát-nhã ba-lamật, tâm Bồ-đề không nên niệm, không nên cao; tâm vô đẳng đẳng không nên niệm, không nên cao; tâm rộng lớn không nên niệm, không nên cao, vì cớ sao? Vì tâm ấy chẳng phải tâm, tâm tướng thường tịnh vậy.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề: Thế nào gọi là tâm tướng thường tịnh?

Tu-bồ-đề nói: Nếu Bồ-tát biết tâm tướng ấy cùng với dâm, nộ, si, không hợp không lìa, cùng các kiết sử triền, lưu, phược… tất cả phiền não, không hợp không lìa; cùng tâm Thanh-văn, Bích-chi Phật không hợp không lìa.

Xá-lợi-phất! Ấy gọi là Bồ-tát tâm tướng thường tịnh.

Xá-lợi-phất nói với Tu-bồ-đề: Có cái tâm không tâm tướng ấy chăng?

Tu-bồ-đề đáp Xá-lợi-phất rằng: Trong không tâm tướng có thể có tâm tướng không tâm tướng được chăng?

Xá-lợi-phất nói: Không thể được.

Tu-bồ-đề nói: Nếu không thể được, thì không nên hỏi có tâm chẳng phải có tâm.

Xá-lợi-phất lại hỏi: Thế nào là không tâm tướng?

Tu-bồ-đề nói: Các pháp không hoại, không phân biệt, ấy gọi là không tâm tướng.

Xá-lợi-phất hỏi Tu-bồ-đề: Chỉ có tâm không phá hoại không phân biệt, sắc cũng không hoại không phân biệt, cho đến Phật đạo cũng không hoại không phân biệt ư?

Tu-bồ-đề nói: Nếu biết được tâm tướng không hoại không phân biệt, Bồ-tát ấy cũng biết được sắc cho đến Phật đạo không hoại không phân biệt.

Bấy giờ Tuệ mạng Xá-lợi-phất tán thán Tu-bồ-đề: Lành thay, lành thay! Ông thật là con Phật, từ miệng Phật sinh, từ thấy pháp sinh, từ pháp hóa sinh, thủ phần pháp không thủ phần tài. Đối với pháp tự tin thân đắc chứng, như Phật đã nói trong hạng người được vô tránh, Ông là đệ nhất, thật như Phật đã cử ra.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát nên học Bát-nhã ba-la-mật như vậy, trong ấy cũng nên phân biệt biết, Bồ-tát thực hành như lời ông nói, thời không lìa Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn học Thanh-văn địa cũng phải nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, tụng, đọc, chánh ức niệm, hành đúng như nói. Muốn học Bíchchi Phật địa cũng phải nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, tụng đọc, chánh ức niệm, hành đúng như nói. Muốn học Bồ-tát địa cũng phải nên nghe Bát-nhã ba-la-mật, thọ trì, tụng đọc, chánh ức niệm, hành đúng như nói, vì cớ sao? Vì trong Bát-nhã ba-lamật ấy nói rộng ba thừa, trong đó Bồ-tát ma-ha-tát, Thanh-văn, Bích-chi Phật nên học.

LUẬN: Trong nội không, không thấy ngoại không, trong ngoại không, không thấy nội không.

Có người nói: Các thức ăn uống tứ đại bên ngoài đưa vào trong thân nên gọi là nội; nếu thân chết trở lại làm ngoài; vì hết thảy pháp không có tướng đến đi. Ngoại không chẳng ở trong nội không. Mười bảy không kia cũng như vậy, không sinh không diệt, không tướng khác, vì không đến đi nên trong mỗi mỗi không trú.

– Lại nữa, tướng của Bồ-tát vị là không niệm hết thảy sắc là có, cho đến mười tám pháp không chung cũng không niệm là có. Nghĩa không niệm có như trước đã nói.

Hỏi: Tâm Bồ-đề, tâm vô đẳng đẳng, đại tâm có gì sai khác?

Đáp: Bồ-tát khi mới phát tâm duyên đạo vô thượng, ta sẽ làm Phật, ấy là tâm Bồ-đề. Vô đẳng đẳng là Phật, vì cớ sao? Vì hết thảy chúng sinh, hết thảy pháp không sánh bằng được. Tâm Bồ-đề ấy cùng Phật tương tợ, vì cớ sao? Vì nhân tợ quả vậy, ấy gọi là tâm vô đẳng đẳng. Tâm ấy không việc gì không làm, không cầu ân huệ, sâu bền quyết chắc.

– Lại nữa, thí, Giới ba-la-mật gọi là Bồ-đề tâm, vì cớ sao?

Vì do Thí ba-la-mật nên được giàu lớn, không thiếu gì; do Giới ba-la-mật nên ra khỏi ba đường ác, được tôn quý trong hàng trời người, trụ vào hai Ba-la-mật quả báo nên được an lập, thành tựu việc lớn, ấy gọi là tâm Bồ-đề.

Tướng của Nhẫn, Tấn ba-la-mật, hiện việc kỳ lạ đối với chúng sinh, đó là có người đến cắt thịt moi tủy, xem như chặt cây, mà thương nghĩ đến oan gia, huyết hóa thành sữa. Tâm ấy tợ như tâm Phật, đối với hết thảy chúng sinh trong mười phương sáu đường, mỗi mỗi đều đem thâm tâm tế độ. Lại biết các pháp là rốt ráo không, mà đem tâm đại bi hành các hạnh, ấy là kỳ lạ; ví như người muốn trồng cây giữa không, ấy là hy hữu.

Oai lực của Tinh tấn ba-la-mật như vậy, cùng với vô đẳng (Phật) tương tợ, ấy gọi là vô đẳng đẳng.

Vào thiền định, thực hành bốn tâm vô lượng, cùng khắp mười phương, hợp với đại bi và phương tiện, cứu vớt hết thảy chúng sinh ra khỏi khổ. Lại thật tướng các pháp, diệt hết thảy quán niệm, ngôn ngữ dứt mà không đọa vào đoạn diệt, ấy gọi là đại tâm.

– Lại nữa, mới phát tâm gọi là tâm Bồ-đề; thực hành sáu Ba-la-mật, gọi là tâm vô đẳng đẳng; vào tâm phương tiện gọi là đại tâm, có các sai biệt như vậy.

– Lại nữa, Bồ-tát được đại trí như vậy, tâm cũng không cao vì tâm tướng thường thanh tịnh, như tướng hư không thường thanh tịnh; khói mây, bụi mù tạm đến che lấp làm cho bất tịnh. Tâm cũng như vậy, thường tự thanh tịnh, bị các khách phiền não vô minh đến che lấp, nên cho là bất tịnh; trừ bỏ phiền não, trở lại thanh tịnh như xưa. Kẻ tu hành công phu nhỏ mỏng, sự thanh tịnh ấy chẳng phải ngươi làm được, không nên tự cao, không nên ức niệm, vì sao? Vì rốt ráo không.

Hỏi: Xá-lợi-phất đã biết tâm tướng thường tịnh, cớ sao còn hỏi?

Đáp: Bồ-tát phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vào sâu dính sâu. Tuy nghe nói tâm rốt ráo không, thường thanh tịnh, vẫn còn ức tưởng phân biệt, chấp thủ tướng vô tâm ấy. Vì thế nên hỏi: Tâm không có tâm tướng ấy là có hay là không? Nếu có, cớ sao nói không có tâm tướng? Nếu không, cớ sao tán thán tâm vô đẳng đẳng ấy sẽ thành Phật đạo?

Tu-bồ-đề đáp rằng: Trong không tâm tướng ấy rốt ráo thanh tịnh, có và không đều không thể có được nên không nên nạn hỏi.

Xá-lợi-phất lại hỏi: Thế nào là không có tâm tướng?

Tu-bồ-đề đáp: Rốt ráo không, không phân biệt hết thảy các pháp, ấy gọi là không có tâm tướng.

Xá-lợi-phất hỏi: Chỉ có tâm tướng là không hoại không phân biệt, hay các pháp khác cũng như vậy?

Tu-bồ-đề đáp: Các pháp cũng như vậy. Nếu như vậy, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng như hư không, không hoại không phân biệt.

Các Bồ-tát đắm sâu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên nghĩ rằng: Các pháp phàm phu có thể nói là hư dối, vì không chân thật, vì Bồ-tát chưa hết lậu hoặc, cũng có thể nói là không thanh tịnh, chứ sao Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng lại hư dối? Khi ấy tâm lo sợ không vui.

Tu-bồ-đề biết tâm kia rồi, suy nghĩ trù lượng: Ta nay nên nói pháp thật tướng cho họ chăng? Suy nghĩ xong, tự nghĩ, nay ở trước Phật, nên đem thật tướng mà đáp, nếu ta có lỗi, Phật sẽ tự nói. Mãi suy nghĩ xong, thế nên nói Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tuy là đệ nhất, cũng từ nơi pháp hư dối sinh ra, cho nên cũng là không, không hoại, không phân biệt. Vì vậy, hành giả nên theo tướng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mà thực hành, không nên chấp thủ tướng để tự cao.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất tán thán Tu-bồ-đề: Lành thay, lành thay! Còn Phật im lặng nghe Tu-bồ-đề đáp, cũng ấn khả lời tán thán của Xá-lợi-phất.

Từ miệng Phật sinh là, có người nói: Bà-la-môn từ nơi miệng vua Phạm thiên sinh, đệ nhất trong bốn đẳng cấp chúng sinh. Vì vậy, Xá-lợi-phất tán thán rằng: Ông thật từ miệng Phật sinh, vì sao? Vì ông thấy pháp, biết pháp vậy!

Người chưa đắc đạo, nương Phật nên được sự cúng dường, ấy gọi là thủ phần tài. Lại như đứa con tệ ác, không theo lời cha, chỉ lấy phần tài. Lấy phần pháp là lấy các thiền định, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám Thánh đạo phần, các thiện pháp, gọi là lấy phần pháp.

Được bốn điều tin chắc gọi là tự tín đối với pháp, được các thần thông, diệt tận định v.v… bám vào thân, ấy gọi là thân đắc chứng. Như Xá-lợi-phất trí tuệ đệ nhất, Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất, Ma-ha Ca-diếp đầu đà đệ nhất, Tu-bồ-đề được Vô tránh Tam-muội đệ nhất. Vị A-la-hán được định Vô tránh thường quán xét tâm người, không khiến người khởi tranh cãi. Tam-muội này nhiếp vào trong bốn thiền căn bản, cũng dùng ở trong cõi Dục.

Hỏi: Bát-nhã ba-la-mật là việc của Bồ-tát, cớ gì nói người muốn được ba thừa đều nên học tập?

Đáp: Trong Bát-nhã ba-la-mật, nói thật tướng các pháp tức là Vô-dư Niết-bàn. Người ba thừa đều cầu Vô-dư Niết-bàn nên phải tinh tấn tập hành Bát-nhã.

– Lại nữa, các nhân duyên trong Bát-nhã, có nói về nghĩa không giải thoát môn. Như trong Kinh nói: Nếu lìa không giải thoát môn, thời không có đạo không có Niết-bàn. Vì vậy người ba thừa đều nên học Bát-nhã.

– Lại nữa, Xá-lợi-phất tự nói nhân duyên: Trong Bát-nhã ba-la-mật, rộng nói tướng ba thừa trong đó. Người ba thừa nên học để thành tựu.

(HẾT CUỐN 41 THEO BẢN HÁN)