LÚC NÀO CŨNG TẤT BẬT
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Cận Tết là công việc đổ dồn chất đống, không biết ở đâu mà tuôn ra quá trời, chúng tôi làm việc đến mệt khờ, mặt mày đừ đẫn.

Ba mươi tháng Chạp, bận rộn càng gia tăng.

Trong bếp đông người tụ hội, tiếng xắt gọt, xào nấu thơm lừng. Chỗ này làm mắm, kia là dưa món… chỗ nọ làm mứt, kẻ thì lau lá, vút nếp, chuẩn bị gói bánh. Trong kho, nghe tiếng Tri khố gỏ khuôn bánh phục linh lóc cóc. Cả một không khí hưng phấn rộn rịp… Cái bận tất bật chở đầy niềm vui, nhuộm đầy mùi Tết, dễ làm người ta nôn nao phấn khởi.

Ngoài sân, ban Tri viên và rẫy cũng tăng tốc làm việc, lo tưới bù, hái rau bù. Ban quét dọn thì lo gom lá đốt, xúm nhau tổng vệ sinh khắp mọi nẻo đường Viên Chiếu. Hàng anh đào cũng không chịu thua, trổ rực rỡ trên khắp lối đi. Chỉ có các cây mai vàng là e dè ra nụ lún phún, hứa hẹn sẽ cho hoa đúng vào ngày đầu xuân.

Như thường lệ, chị Thủy thường khom mình vẽ, nằm chùm hum cạnh tờ báo, tôi muốn coi chị trổ tài thì cũng nằm chùm hum bên cạnh. Chị buông thước thì chụp bút chì, bút màu, bút lông… tha hồ sơn son phết vàng, tô điểm cho con Cọp hoặc Mèo, Rồng… (những con đại diện cho năm mới sắp đến) Chị vẽ rất có duyên. Hễ chúng Viên Chiếu bước vào xớ rớ liếc dòm thử, thì chị nghiêm mặt, trừng mắt, ra oai “ngáo ộp”, phán liền:

– Về viết bài nộp lè lẹ đi! Có nộp bài thì mới cho xem hình!

Mới đầu, Viên Chiếu chỉ có vỏn vẹn tờ báo tường. Sau đó tiến bộ hơn, từng bài được đánh máy thành xấp treo san sát nhau như người ta triễn lãm tranh, khách tới thăm không cần nói chuyện nhiều, cứ dắt tay họ dẫn vào vào nhà… báo là họ sẽ dán chặt mắt vào đó, khó rời ra, khách phải coi ngót mấy tiếng đồng hồ mới ra khỏi “mê cung”. Bao nhiêu người coi cũng đủ, càng đông càng vui, càng xôm.

Hồi ấy mới giải phóng mới được vài năm. Đêm ba mươi nhóm lửa trại, Viên Chiếu còn tổ chức “văn nghệ văn gừng”. Mới đầu mọi người vây quanh nồi bánh chưng vừa hát, vừa trông bếp, sau đó hoành tráng hơn, đốt hẳn một đống lửa to đùng trước sân, cùng ngồi quanh vỗ tay ca hát chờ đến giao thừa làm lễ. Lúc Tri khố vớt những đòn bánh tét lên máng trên sào thì chuông “tống cựu nghinh xuân” cũng vừa điểm.

Đến mùa trồng đậu phọng, dân Viên Chiếu phải ra đóng quân gần Thường Chiếu (chỗ Linh Chiếu bây giờ). Buổi tối “Trại tạm cư” của chúng tôi chỉ là một am tranh nhỏ téo, không đủ sức chứa nên chúng tôi phải chia nhau đi ngủ ké các am cốc lân cận chung quanh.

Tôi, chị Minh Ánh, chị Hạnh Huệ thường chọn cốc cô Thông để nghỉ đêm, vì cô ở một mình, cốc lại rộng và yên tĩnh. Một tối, bất chợt nghe cô Thông ngâm:

Thôi dĩ vãng… xin nằm yên xuống đấy
Nhớ làm chi?… thời áo trắng tóc dài!
Dù có lúc, ta nằm mơ thoáng thấy…
Áo ta bay, trong cửa lớp ban mai…

Cái giọng Huế nhè nhẹ ngân nga tha thiết đến nao lòng. Tôi vỗ tay, tấm tắc:

– Chèn ơi, bài thơ hay quá, cô… làm hả?

Chị Hạnh Huệ chen vào đáp thay:

– Không biết thiệt sao? Thơ cô Trụ trì nhà mình làm đó!

– Nể quá trời đất!…