HỌC ĐẠO TRONG ĐỜI
Nguyên Minh

Không nói dối

Chúng ta đã có dịp bàn qua về các giới không giết hại, không trộm cắp. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đề cập đến một điều giới khác: không nói dối.

Hầu hết chúng ta khi vừa nghe qua điều giới này có lẽ đều cho rằng rất đơn giản và không có gì khó cả. Nhưng khi áp dụng vào thực tế đời sống, chúng ta sẽ sớm nhận ra ngay là thật không dễ để giữ trọn điều giới này. Tuy nhiên, nếu nhận hiểu được ý nghĩa sâu xa của điều giới này và quyết tâm giữ trọn theo được, chúng ta sẽ thấy được sự lợi ích lớn lao mà nó mang lại cho bản thân ta cũng như gia đình và cộng đồng quanh ta trong cuộc sống.

Không nói dối có nghĩa là chỉ nói toàn sự thật, mà sự thật thì luôn mang lại niềm tin cho cả người nói lẫn người nghe. Khi ta nói ra một điều đúng thật, ta sẽ cảm thấy tự tin về điều mình đã nói ra, vì ta biết rằng sự thật đã diễn ra đúng thật như thế. Khi người nghe qua nhiều lần tiếp xúc đã hiểu được sự chân thật trong lời ta nói, họ cũng sẽ dễ dàng đặt niềm tin vào những gì ta nói ra. Trong một gia đình, tổ chức hay cộng đồng mà mọi người đều có thể tin cậy lẫn nhau, không lừa dối nhau, thì gia đình, tổ chức hay cộng đồng ấy chắc chắn sẽ tạo ra được một môi trường hài hòa, cảm thông giữa tất cả mọi người.

Chỉ cần lưu tâm một chút, chúng ta sẽ dễ dàng thấy ngay rằng hầu hết các tội lỗi trong xã hội đều gắn liền với nói dối. Nói cách khác, việc loại trừ được sự dối trá cũng đồng nghĩa với loại trừ được hàng loạt các tội lỗi khác. Không nói dối thì người ta không thể phạm tội, mà nếu đã lỡ phạm tội cũng sẽ không tiếp tục gây hại nhiều cho xã hội nếu như không có sự kết hợp với nói dối, chạy tội. Hơn 80% các hoạt động của ngành tư pháp chủ yếu là để bảo đảm ngăn cản hoặc phát hiện những lời nói dối. Vì thế, nếu mọi người đều hiểu được lợi ích của điều giới này và tự nguyện giữ giới không nói dối, chắc chắn là toàn xã hội này sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều.

Ngược lại, trong một xã hội suy thoái thì dấu hiệu trước tiên và quan trọng nhất cũng chính là sự phát triển của dối trá. Một người cha nói dối có thể gây hại cho cả gia đình, bởi hàng xóm sẽ không còn ai tin cậy, hợp tác với gia đình đó nữa. Một giám đốc công ty không giữ được uy tín, chắc chắn công ty đó sẽ sớm tàn lụi vì không còn đối tác nào muốn hợp tác dài lâu với họ. Cũng vậy, lãnh đạo một đất nước mà dối trá, đánh mất uy tín quốc gia thì đất nước đó sẽ rất khó có được sự hợp tác hoặc giúp đỡ từ những quốc gia khác, đơn giản chỉ vì đã không còn sự tin cậy lẫn nhau.

Vì thế, dù là muốn phát triển uy tín cá nhân hay gia đình, cộng đồng xã hội hay cả một dân tộc, đất nước, thì không có gì quan trọng hơn là sự chân thật, không dối trá. Đức Phật đã thấy trước được tất cả những điều này, nên chỉ trong năm điều giới vỏn vẹn chi phối cả một đời người tu tập, thì ngài đã chọn đưa vào một điều là không nói dối.

Một số người cho rằng, nếu nói dối mà không có hại, hoặc thậm chí là có lợi cho ai đó, trong một hoàn cảnh nhất định nào đó thì cũng không nên xem là điều đáng ngăn cấm. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét kỹ thì thật ra không thể có bất kỳ lời nói dối nào có thể gọi là vô hại như phát biểu trên. Bởi cho dù một lời nói dối không gây ra tác hại trực tiếp cho bất kỳ ai, thì điều tác hại trước tiên không thể nào tránh khỏi là nó đang làm cho chúng ta trở nên quen thuộc hơn với thói quen nói dối, và những lời nói dối theo sau nữa, của những lần sau nữa, thì không ai có thể dám chắc là sẽ hoàn toàn vô hại. Đây cũng chính là lý do vì sao trong giáo dục tuổi trẻ, điều trước tiên cần chú ý là phải luôn bảo đảm sự chân thật. Việc giữ cho các em xa lìa thói quen nói dối bao giờ cũng dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với việc trừ bỏ thói quen nói dối khi nó đã hình thành trong tính cách của các em.

Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải luôn nhấn mạnh đến sự trung thực, chống lại sự dối trá, bởi nếu không như thế, chúng ta sẽ không mong gì có thể dẫn dắt thế hệ trẻ tiếp theo đi vào con đường chân chánh. Hiện nay có quá nhiều thực trạng đang làm xói mòn niềm tin của tuổi trẻ vào sự trung thực mà chúng ta hầu như có thể nhìn thấy ở khắp nơi. Rất nhiều trong số các mẫu “đơn xin tự nguyện” được đưa ra mà thực chất là người ký đơn không hề mong muốn hay tự nguyện. Đó là dối trá. Rất nhiều trong số những mẩu tin tức được lan truyền có nội dung trái ngược với thực trạng đang diễn ra. Đó cũng là dối trá. Tuổi trẻ ngày càng đối diện nhiều hơn với những sự gian dối từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Nếu chúng ta không mang đến cho các em một nhận thức đúng đắn về sự chân thật, chắc chắn các em sẽ vô cùng hụt hẫng và khó khăn khi tự mình cố gắng chống lại thói quen nói dối.

Người Phật tử chúng ta thật may mắn có thể chống lại sự dối trá không chỉ bằng những lý luận thực tiễn hay luân lý đạo đức mà còn có cả sức mạnh kiên định của niềm tin vào đức Phật, đấng Giác ngộ và là người chỉ đường sáng suốt nhất. Khi nhớ đến điều giới không nói dối là một trong năm điều giới đã được chính đức Phật chế định, chúng ta sẽ có thêm niềm tin vững chắc để chống lại sự gian dối.

Thực hành không nói dối là bước đầu tiên để xác lập niềm tin nơi người khác, nhưng đồng thời cũng là nền tảng quan trọng giúp chúng ta có thể tự tin vào hiệu quả sự tu tập của chính mình. Không nói dối có nghĩa là luôn thể hiện bản thân mình đúng thật như mình đang hiện hữu, không che giấu cũng không phô trương, và vì thế mà ta mới có thể xác định được những bước tu tập thích hợp cho hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới. Người tu tập mà thiếu sự trung thực trước tiên, chắc chắn sẽ dần dần rơi vào chỗ dối người, dối mình và cuối cùng sẽ không còn là chính bản thân mình nữa. Tu tập trong một hoàn cảnh như thế thì chắc chắn không thể có sự tiến bộ hay chuyển biến tích cực nào.

Rất nhiều bạn trẻ từng đặt câu hỏi với tôi về một pháp môn tu tập cụ thể để giúp hoàn thiện bản thân, thay đổi đời sống. Tôi luôn khuyên tất cả các bạn hãy bắt đầu bằng việc giữ giới, và trong năm giới thì dường như chính việc không nói dối là cần thiết phải chú tâm thực hiện trước nhất. Vì sao vậy? Vì “lời nói không mất tiền mua”, cho nên cũng chính việc phạm giới nói dối là dễ dàng hơn bất kỳ hành vi phạm giới nào khác. Và cũng bởi vì, tuy dễ dàng phạm vào như thế, nhưng tai hại của nó lại không hề nhỏ nhặt và hơn nữa còn để lại cho chúng ta một hệ quả tai hại lâu dài nhất: đó là thói quen nói dối. Một khi nói dối đã bị tập nhiễm thành thói quen thì việc từ bỏ là hết sức khó khăn mà tác hại thường xuyên thì quả thật không thể đo lường được hết.

Khi mỗi người chúng ta đều cố gắng sống trung thực, không nói dối và không tán thành, ủng hộ sự dối trá, thì đó chính là cách tích cực nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, đáng sống hơn cho tất cả mọi người.