Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VI. ĐỨC TUÂN PHỔ HIỀN ĐỆ NHỊ
(TT)

Quang Anh Bồ Tát: chữ “Quang Anh” biểu thị quang minh chiếu rực. Các chữ “Vô Lượng Quang”, “Vô Biên Quang”, “Vô Ngại Quang” v.v… tôn quí nhất trong các quang minh, là ý nghĩa của chữ “Quang Anh”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: chữ “Quang” là quang minh; chữ “Anh” là phát huy; “Quang Anh” là quang minh ánh phát, là hiện tượng triễn hiện, tức là quang minh biến chiếu. Trong lúc giảng giải, tôi thường hay khích lệ các đồng tu: Chúng ta học Phật, sự biểu hiện rất là quan trọng.

– Cái gì là biểu hiện?

– Cái tướng là biểu hiện! Chúng ta nói Phật pháp tốt, nhưng tốt ở chỗ nào? – Nhìn xem! Học Phật gì mà mặt mày tối thui, làm sao khiến người khác có thể tin được?! Học Phật rồi, biểu hiện chúng ta phải tốt, toàn thân phóng quang, tinh thần sung mãn, người khác nhìn vào tự nhũ: – Học Phật tốt thật! Như vậy mới được.

Do vậy, không tiếp xúc với chúng sinh thì hình tượng chẳng quan trọng; tiếp xúc với quần chúng rộng lớn thì hình tượng là quan trọng hơn hết, người khác vừa tiếp xúc với bạn liền có ngay thiện cảm. Trong kinh, Phật dạy: Đối nhân xử thế tiếp vật phải “hòa nhan ái ngữ”. Ấn tượng tốt thì làm việc gì cũng đều rất thuận lợi, quới nhân giúp đỡ rất nhiều. Hình tượng không tốt, họ vừa trông thấy liền ngoãnh mặt quay lưng.

Nên nhớ: Hình tượng là phát xuất từ sự tu trì đích thật chớ không phải giả vờ. Ngày nay, chúng ta biết hình tượng trên màn hình đều mang mặt nạ cả, chẳng phải đồ thật! Nên nhớ lừa dối chúng sinh là chúng ta đắc tội. “Quang Anh Bồ Tát” ở chỗ này biểu thị ý nghĩa rất sâu: Hình tượng cá nhân phải tốt; hình tượng đoàn thể cũng phải tốt. Đoàn thể là tăng đoàn.

Một đoàn thể, không luận là tại gia hay xuất gia, có ít nhất từ bốn người trở lên, cùng tuân thủ lời dạy của Phật, tu sáu phép hòa kính thì đoàn thể đó được gọi là “Tăng đoàn”. “Tăng”, tiếng Phạn gọi là “Tăng già”; nghĩa gốc của “Tăng già” là hòa hợp chúng; “chúng” là quần chúng, đoàn thể tập hội.

Trong gia đình có bốn người trở lên, đều ứng dụng tu “lục hòa” thì gia đình đó chính là “Tăng đoàn”. Một cơ sở kinh doanh có ít nhất bốn người trở lên, đều tu sáu pháp hòa kính thì cơ sở này chính là “Tăng đoàn”…Cả nhà bạn là hòa hợp chúng thì nhà bạn chính là đạo tràng. Cơ quan, xí nghiệp của bạn là hòa hợp chúng thì cơ quan xí nghiệp bạn cũng là đạo tràng…đều được chư Phật hộ niệm, chư thiên ủng hộ. Cho nên, hòa hợp chúng không chỉ dành riêng cho người xuất gia. Tuy nhiên, người xuất gia vẫn phải luôn luôn là mẫu mực, là tấm gương tốt cho mọi người noi theo.

Trong nhà Phật, những hình tượng này chúng ta phải thật sự xem trọng, vì ngày nay hầu như cả thế giới đều hiểu lầm vô cùng nghiêm trọng đối với Phật giáo. Sự hiểu lầm có tác hại dẫn đến sự xem thường đánh giá Phật giáo rất thấp! Họ cho rằng Phật giáo là đa thần giáo, thần nào cũng lạy! Tôn giáo cao cấp, theo họ, chỉ có một thần. Thần minh vô thượng chỉ có một. Họ đánh giá Phật giáo như vậy có phải là rất oan uổng chăng?!

– Ai tạo nên hiện tượng xã hội này?

– Ta tạo nên! Không nên trách người mà trách chính mình chưa làm hết trách nhiệm của người đệ tử Phật, chưa thể giải thích rõ ràng về chân tướng của Phật pháp khiến mọi người hiểu lầm như vậy. Chúng ta cần phải sám hối, phải nghiêm chỉnh nỗ lực tu hành, phải là tấm gương tốt để mọi người nhìn thấy, phải cố gắng đem chân tướng sự thật của Phật pháp nói rõ ràng, minh bạch với đại chúng.

Đạo tràng phải là chuẩn mực của hội quần chúng trên toàn thế giới. Hội quần chúng nhỏ nhất là gia đình, lớn nhất là quốc gia. Chúng ta ở trong tất cả hội quần chúng tạo nên tác dụng mô phạm. Trong hội quần chúng này không có danh văn lợi dưỡng, không có nhân ngã thị phi, không có lợi hại, được mất. Hội quần chúng thanh tịnh; ý nghĩ việc làm đều vì lợi ích xã hội, quảng đại quần chúng, chẳng phải nói suông. “Đốn luân tận phận” chúng ta đích thật làm hết bỗn phận mình, phải xây dựng đạo tràng đúng pháp.

– Đúng pháp là như thế nào?

– Khi đức Phật còn tại thế đã là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Suốt đời Phật giảng kinh thuyết pháp nhiều nhất tại hai đạo tràng: một đạo tràng nơi thành Vương Xá và một đạo tràng tại Tịnh Xá Kỳ Viên. Tất cả đạo tràng đều do quốc vương, đại thần, trưởng giả giàu có xây dựng. Những sự vụ trong đạo tràng đều do họ quản lý. Họ thỉnh Phật đến đó chỉ thuần là để giảng kinh, thuyết pháp. Lúc rỗi rãnh thì nội bộ nghiên cứu, thảo luận, tiêu trừ tất cả nghi hoặc để nâng cao trình độ và cảnh giới của chính mình.

Tôi vô cùng ngưỡng mộ phương cách làm việc năm xưa của đức Thế Tôn . Nói rõ hơn đạo tràng cần phải để cư sĩ quản lý. Người xuất gia tiếp nhận sự lễ thỉnh của cư sĩ, tứ sự cúng dường, để hoằng pháp lợi sinh, tuyệt đối không can thiệp vào những việc linh tinh.

Có số người xuất gia không an tâm! Cũng chẳng trách họ! Họ nói: – Đạo tràng này tôi không có chủ quyền, nếu chẳng may, ngày nào đó họ không vui đuổi tôi đi thì sao?! Điểm này xin nói thật với bạn: – Bản thân bạn không có tín tâm! – Vì sao? – Vì bạn không có đạo! Xưa nay Tổ sư thường nói: “Chỉ sợ không có đạo; chẳng sợ không có chùa”.

Nếu bạn thật sự có đạo, nơi này không cầu thỉnh, nơi khác cũng sẽ có người chấp tay cầu bạn, bạn sợ cái gì? Chỉ e bạn không có đạo, chẳng đạo tràng nào cần đến bạn thì bạn cùng đường! Nếu đích thân bạn xây đạo tràng thì quyền sở hữu đạo tràng này là của chính bạn. Xin hỏi bạn: – Bạn ra khỏi cái nhà nào?! Bạn đã hồi gia rồi! Bạn vừa ra khỏi nhà nhỏ của bạn, liền đeo gông nơi cái nhà lớn! Sai rồi! Sai lầm lớn! Cho nên, chúng ta không cần đạo tràng, không cần nơi chốn. Nếu quả thật không có người lễ thỉnh thì ngày tháng này càng thật thoải mái, an vui.

Bây giờ lều trại rất lý tưởng: Phần dưới đều có tấm lót, côn trùng không vào được, có dây kéo rất kín. Một cái lều trại nhỏ, đến nơi cảnh núi sông hữu tình an nghỉ, thật thoải mái thế nào! Cất đạo tràng làm gì! Đức Phật ngày xưa, tối ngủ ở gốc cây, không có chăn đắp, mỗi ngày chỉ ăn một bữa giữa trưa. Đời sống này là đời sống của thần tiên. Tại sao chúng ta không thể sống đời sống như thế? Tại sao lại tạo ra quá nhiều gông cùm, trói chặt chúng ta như vậy?! Khiến chúng ta vĩnh viễn trôi lăn trong sáu nẽo luân hồi, làm chuyện   ngu dốt như vậy, còn hô to đắc ý, há chẳng phải mê hoặc, điên đảo rồi sao?! Cho nên, trong tâm chúng ta phải buông bỏ nó cho thật sạch sẽ, không còn một chút phiền phức nào cả, không tạo tội nghiệp.

Lời nói của cổ nhân: Đạo quan trọng hơn chùa là danh ngôn chí lý, chúng ta phải khắc ghi trong lòng, cố gắng y giáo phụng hành. Chúng ta hi vọng chân thật có cư sĩ Hiền Hộ, có cư sĩ Thiện Tư Duy, họ sẽ xây dựng đạo tràng, đến lễ thỉnh cúng dường người xuất gia đến đây tu hành, hoằng đạo. Công đức hoằng, hộ được phát huy hết mức, bốn chúng là một nhà. Cái biển hiệu này hào quang muôn trượng, chiếu khắp đất trời. Chúng ta đã tô vàng lên mặt Phật, đây là công đức chân thật vô lượng vô biên! Đây là tôi khích lệ các bạn đồng tu tại gia xây dựng đạo tràng. Một người có khả năng thì một người xây. Nếu không đủ khả năng thì hợp tác với những người có cùng chí hướng với nhau mà cùng xây.

Đầu óc người hiện tại quả thật đều mê tít trong chuyện tiền bạc, thật đáng thương! Bất kể làm việc gì, việc trước tiên là nghĩ đến tiền; Chúng ta nhất định không tạo một mãy mai áp lực nào lên tín đồ. Đạo tràng chỉ tiếp nhận quyên góp của bạn, tuyệt đối không hạn chế mỗi tháng phải đóng góp bao nhiêu tiền, một năm bao nhiêu tiền.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói rất hay: “Chúng ta không có tiền, không có phước báo, A Di Đà Phật có đại phước báo. Cái núi này là chỗ dựa chắc chắn”. Vậy còn vấn đề gì nữa? Bạn phải dựa thật chắc.

– Dựa thế nào?

– Y giáo phụng hành là chân thật lấy A Di Đà Phật làm núi dựa. Những gì trong kinh dạy, bạn đều làm đến được, nguồn tiền bạn cần có trong việc hoằng pháp lợi sinh, A Di Đà Phật sẽ mang đến cho bạn, đâu cần bạn phải bận tâm, tự mình lo nghĩ kinh doanh, khổ chết mất! Trong nhà Phật có câu: “Phật thị môn trung, hữu cầu   tất ứng”. Khi tôi mới bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo, Đại Sư Chương Gia truyền thụ cho tôi, tôi tín nhiệm đối với thầy.

Tôi là một học sinh tốt, một học sinh chuẩn mực. Những lời chỉ dạy của thầy, tôi phục tùng một trăm phần trăm, tôi cũng làm được một trăm phần trăm, tôi không phụ lòng thầy. Nếu ngày nay tôi có tà tri, tà kiến hay làm việc gì không tốt, tôi đều nghĩ tôi có lỗi với thầy. Nơi tôi ở, tôi cũng treo hình của thầy tôi. Học sinh chúng ta ngày nay vào lớp, hình của thầy cũng phải treo vào đó. Trong một đời, xa rời thầy mấy mươi năm rồi, nhưng tâm tưởng chúng tôi vẫn mãi mãi bên nhau. Thầy dạy tôi phải giữ tâm báo ân, hoằng pháp lợi sinh, tôi làm sao dám trái phạm. Thường giữ tâm báo ân thì bạn sẽ không có suy nghĩ xằng bậy.

Cho nên, cư sĩ tại gia phát tâm, chỉ cần phát ra từ chân tâm chân thật, vì hoằng dương Phật pháp, vì hóa độ chúng sinh, vì xã hội an định, vì lợi ích quần sinh… Phật, Bồ Tát đều bảo hộ, luôn luôn “hữu cầu tất ứng”, làm gì có chuyện cầu không được. Đại sư Chương Gia dạy tôi phương pháp này, hơn nữa còn nói với tôi: “Cả đời con đều do Phật, Bồ Tát an bày, không cần phải lo lắng gì nếu con thật tu”. Nghe câu nói này, tôi vô cùng hoan hỉ, mãi đến bây giờ vẫn còn hoan hỉ. Hơn bốn mươi năm rồi, tôi thật có cảm ứng này. Thật không cần lo lắng! Thật không cần chờ đợi! Có cầu tất có ứng! Có nguyện ắt sẽ thành. Đại sư còn nói: Nếu có nguyện, có cầu mà vẫn chưa có cảm ứng, nên biết nghiệp chướng của mình quá nặng. Phải mau tiêu trừ nghiệp chướng; nghiệp chướng tiêu thì cảm ứng liền hiện tiền.

– Làm thế nào để sám hối?

– Chân thật biết được lỗi lầm của chính mình phải mau sửa đổi, phải thật sự quay đầu, đó gọi là sám hối. Sám hối là về sau không tạo tác nữa. Chân thật phát tâm sám hối, chư Phật Bồ Tát tán thán, thánh nhân cũng nói: “Sửa lỗi là đại thiện”.

Tóm lại, cư sĩ tại gia xây dựng đạo tràng là chính xác, giống như xây dựng trường học: Người tại gia xây dựng trường học, tổ chức đổng sự quản lý trường học. Người xuất gia là giáo viên. Trường học bạn xây xong, liền phải mời giáo viên, mời thỉnh một hiệu trưởng. Hiệu trưởng là tổng giám đốc, họ có trách vụ chỉ đạo và quản lý trường học. Ông chủ là giám đốc, sản quyền thuộc về ông chủ. Cũng thế, trong tự viện mời thỉnh một người đến trụ trì, mời một người đến chấp sự, mời một số người đến tu hành, hoằng pháp lợi sinh, được như vậy là đúng pháp.

Thuở trước, khi Phật giáo vừa truyền đến Trung Quốc, được quốc gia hộ trì. Đạo tràng do quốc gia xây dựng là tài sản của quốc gia. Pháp sư trong đó cũng do quốc gia mời thỉnh. Cho nên, Pháp sư chỉ lo tu hành, hoằng pháp.

Nói đến Quang Anh Bồ Tát là nói đến hình tượng của Phật pháp. Nếu hình tượng của bạn không tốt thì đối với việc hoằng truyền Phật pháp sẽ sinh ra chướng ngại rất nghiêm trọng. Cho nên Quang Anh ở chỗ này, ý nói là xây dựng hình tượng Phật pháp, hào quang vạn trường chiếu khắp đại thiên. Cá nhân là hình tượng học Phật, gia đình là hình tượng của Phật pháp. Mọi người nhìn xem! Nhà này học Phật mà rối bời, lộn xộn, khiến chướng ngại người xung quanh không tin tưởng vào Phật pháp. Đây là diệt pháp chứ không phải hoằng pháp! Học Phật, nhất định phải có hình tượng rất tốt, điều này rất quan trọng!

Bảo Tràng Bồ Tát: (đây là bản Đường dịch, bản Ngụy dịch ghi là Trí Tràng) biểu thị Trí tuệ thù thắng ví như tràng báu. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Tràng” là cao hiển, Phật pháp là quí báu. Bảo Tràng Bồ Tát nghĩa là tuyên dương Phật pháp, đem trân bảo của Phật pháp truyền thọ cho đại chúng.

– Hiện tại cái gì là “Bảo”?

–  Truyền hình vệ tinh là “Bảo”, đường truyền internet là “Bảo”. Chúng ta dùng cái “Bảo” này đem Phật pháp lưu truyền đến thế giới. Nên biết: Ngày nay trên toàn thế giới có được đạo tràng như Cư Sĩ Lâm ở Singapore này là rất hiếm có! Việc này không phải tôi đặc biệt tán thán với đại chúng mà đó là sự thật.

Cơ cấu xã hội đang thay đổi! Thời đại này là thời đại công nghiệp, thời đại khoa học kỹ thuật cao, cuộc sống con người mỗi ngày đều rất bận rộn, làm gì có thời gian ngày ngày đến đạo tràng hai tiếng đồng hồ để nghe kinh, không thể nào! Cho nên, cơ hội chúng sinh nghe pháp ngày càng ít! Phước của chúng sinh ngày càng giảm! Chỉ có Singapore là phước địa, là đại phước báo mới có rất nhiều người mỗi ngày đều đến nghe kinh, vậy thì còn gì bằng!

Cho nên, xã hội phương Tây, xây đạo tràng không cần lớn, một phòng nhỏ cũng được rồi, quan trọng là phải có thiết bị kỹ thuật cao, có phòng thu âm mô hình nhỏ, dùng phòng thu âm này, sau khi lưu xong, lợi dụng đường truyền vệ tinh phát ra cho toàn thế giới. Đây chính là ý nghĩa đại biểu của Bảo Tràng Bồ Tát.

Khoa học kỹ thuật cao là Bảo Tràng, là cao huyền. Lợi dụng phương pháp kỹ thuật cao này mà chuyên chở Phật pháp đi khắp nơi trên thế giới, bằng cách làm thành các băng đĩa CD, VCD v.v…Tôi nghe nói: Một đĩa có thể bảo tồn khoảng hai trăm năm, lưu truyền dài lâu. Lợi dụng truyền hình phát thanh, đường truyền để phát đi, vậy thì biến khắp mười phương, Bảo Tràng ở chỗ này đã khởi được tác dụng. Tận tâm, tận lực dùng phương pháp kỹ thuật cao, giới thiệu Phật pháp đến khắp mọi người trên toàn thế giới, bạn chính là Bảo Tràng Bồ Tát.

Phía trước đã đề cập đến Quang Anh Bồ Tát, tức là nói đến hình tượng của Phật pháp. Chỗ này, Bảo Tràng Bồ Tát là nói ta phải tuyên dương Pháp môn này.

Trí Thượng Bồ Tát: (thấy trong bản Đường dịch; bản Ngụy dịch ghi là Tuệ Thượng): ngài là biểu thị cho Trí tuệ cao độ, Trí tuệ viên mãn, Diệu trí vô thượng, có lợi ích thực tiễn chân thật trong Phật pháp sở cầu, mục đích cứu cánh của người tu Phật. Trí tuệ vô thượng có công năng giúp ta chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh, chuyển phiền não thành Bồ Đề…Cho dù nghiệp lực chưa thể chuyển được, nhưng nếu có được sự thâm hiểu về Phật pháp, có sự tu tập, bạn cũng có thể được tự tại an lạc, trải qua đời sống của Phật, Bồ Tát, không còn phàm phu nữa.Vì sao? Vì bạn có trí tuệ.

– Trí tuệ từ đâu mà có?

– Có được từ Quang Anh, Bảo Tràng, chính là nghe pháp, tu trì mà có được.

– Thế nhưng, vì sao có người có trí tuệ, có phước báo nhưng họ vẫn làm những việc hồ đồ?!

– Đây là do nghiệp lực sai khiến! Thật đáng sợ! Hãy xem! Đường Thái Tông, một vị vua anh minh, khi lên làm Hoàng đế, liền giết anh ruột và em ruột của mình, đây là vết nhơ của ông trong lịch sử. Đối với thành tích của ông không ai mà không bội phục. Thế nhưng, đối với điểm này, mọi người đều không tán đồng! Không có tình anh em! Lại xem thí dụ khác: Vào triều nhà Thanh, Hoàng đế Ung Chánh, con trai vua Khang Hy. Khi Ung Chánh làm Hoàng đế đã giết sạch hết anh em của ông không chừa một ai! Bạn có thể nói ông không trí tuệ, không hiểu Phật pháp chăng? Không phải vậy! Tất cả Hoàng đế nhà Thanh đều là tín đồ Phật giáo thuần thành, đều có rất nhiều Quốc sư hướng dẫn. Nhưng đây là nghiệp lực không thể nghĩ bàn!

Xã hội chúng ta ngày nay không xem trọng giáo dục, đạo nghĩa. Cái phong tục phương Tây đã ngấm vào người Trung Quốc, đem truyền thống tốt đẹp của cổ xưa phá bỏ hết. Người Trung Quốc ngày trước, từ nhỏ được tiếp nhận giáo dục: Trung hiếu, nhân ái, tín nghĩa, hòa bình. Xã hội ngày trước nói đạo nghĩa là nói nghĩa khí.

– Xã hội phương Tây ngày nay nói cái gì?

– Nói lợi hại! Vậy thì thật đáng sợ! Vừa có lợi thì lập tức đổi tâm, đạo nghĩa không còn! Việc này hiện tại chúng ta đều có thể xem thấy khắp nơi rất rõ ràng. Ở Mỹ, có rất nhiều công ty. Trong công ty này có rất nhiều nhân tài chuyên nghiệp; công ty khác biết được liền lôi kéo qua bằng cách cho họ rất nhiều đãi ngộ, họ liền từ chức nơi này đến nơi khác nhậm chức! Thấy lợi quên nghĩa! Đây là việc rất bình thường đối với giáo dục phương Tây, thử hỏi xã hội này làm sao không loạn!

Nói đến đây, chúng ta không thể không bội phục người Nhật. Tôi đối với người Nhật thật vô cùng bội phục, năm vóc sát đất! Dẫu rằng ngày trước họ ức hiếp người quá đáng, nhưng người Nhật ở xã hội ngày nay còn có đạo nghĩa. Công nhân làm việc ở Nhật, cho dù công ty nầy trên đà suy thoái, họ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho đến cùng, không nở nhẫn tâm quay lưng rời bỏ, chạy đi nơi khác. Cái gốc này là văn hóa Trung Quốc, họ vẫn còn gìn giữ. Lại nữa, công nhân làm việc ở Nhật, nếu có vấn đề gì không hài lòng đối với chủ thì họ kháng nghị nhưng không bãi công, bằng cách mang trên đầu một miếng vải trắng. Chủ nhìn thấy liền biết họ có ý kiến rồi, vội vàng triệu tập hội nghị để giải quyết một cách ôn hòa. Khác hẳn người nước ngoài, vừa bất bình là lập tức bãi công thì đôi bên đều tổn thất.

Ngày nay, trong xã hội này có thể thấy được một chút nghĩa khí, ngoài Nhật Bản ra, nơi khác không còn nhìn thấy! Có loại đạo nghĩa này, mới chân thật là người biết được tri ân và báo ân. Giáo dục phương Tây, ân nghĩa không có! Chẳng biết được cái gì là ân, cái gì là nghĩa, làm sao nói đến báo ân?! Hiện tại, thế gian này, như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tà sư nói pháp như cát sông Hằng!” Không có trí tuệ cao độ, không thể nào chống chọi được sức đam mê của ngũ dục, lục trần. Nếu có thể không động tâm, phải nói rằng: Bạn là Bồ Tát tái sinh, là hiện thân của Trí Thượng Bồ Tát.

Tịch Căn Bồ Tát: Vị Bồ Tát này đại biểu cho lục căn thanh tịnh, vô nhiễm, tịch diệt cảnh trí đại Định mà trên quả địa Như Lai chứng được, như trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Sư Tử Phấn Tấn tam-muội”. “Sư tử Phấn Tấn tam-muội” đó chính là đại Định của quả địa Như Lai. “Căn” là sáu căn, “Tịch” là thanh tịnh, tịch diệt. Sách Hội Sớ giảng: “Trí và cảnh đều vắng lặng, các căn thanh tịnh nên gọi là Tịch Căn”. “Tịch” là căn bản, có công năng chiếu soi vô cùng, chiếu mà thường tịch, thanh tịnh vô nhiễm, đây tức là Định.

– Định từ do đâu mà có?

– Định từ Tuệ mà có! Không có diệu trí vô thượng làm sao có thể chứng được “Tịch diệt cảnh trí”. Định và Tuệ hổ trợ nhau. Định giúp Tuệ; Tuệ giúp Định. Tuệ là nhìn thấu, hiểu rõ chân tướng sự thật. Định là ngay trong hiện tượng có thể như như bất động. Kinh Kim Cang nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. “Bất thủ ư tướng” là không chấp tướng. Ngoài không chấp tướng, trong không động tâm, đó là Thiền định. Công phu Thiền định càng sâu, giúp bạn nhìn thấu chân tướng sự thật càng thấu triệt hơn.

Bình thường chúng ta nói “Định-Tuệ” khiến mọi người khó hiểu, nảy sinh ý tưởng khó học. Cho nên, chúng ta đổi cách mà nói: “Nhìn thấu, buông bỏ” thì mọi người dễ hiểu. Nhìn thấu là “Tuệ”, buông bỏ là “Định”. Nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng sự thật. Buông bỏ là buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước… bao gồm tất cả căn gốc của nghiệp tập phiền não. Thiền tông cũng như Giáo hạ đều bảo ta phải tu từ căn bản. Căn bản là gì? – Đó chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phải đem tất cả những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông bỏ, bạn liền thành Bồ Tát, thành Phật. Nếu vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mỗi ngày thêm lớn thì thật đáng sợ! Đây là tạo nghiệp phải thọ lấy khổ báo.

Nên nhớ: Luôn gìn giữ lục căn thanh tịnh, bình đẳng, giác, đó là tu nguyên tắc của “Tịch căn”, thành tựu pháp môn bất nhị của “Tịch căn”. “Trí Thượng” đại biểu cho Trí tuệ; “Tịch căn” đại biểu cho phước; tâm thanh tịnh là đại phước báo.

Người thế gian hàm hồ, mê hoặc đảo điên lấy khổ làm vui, cho là sự hưởng thụ; Phật pháp gọi đó là tạo nghiệp.

– Niềm vui chân chính là gì?

– Tâm địa thanh tịnh, đó mới là chân lạc.

Tịch diệt” là sự hưởng thụ tối cao, đích thật một mãy trần cũng không nhiễm. Trong Phật pháp thường dùng chữ “tịch chiếu”. “Tịch” là tâm thanh tịnh, “Chiếu” là khởi dụng của Trí tuệ. “Tịch” mà “thường chiếu”, mọi thứ đều hiểu rõ, đây là Phật. Bồ Tát thì “chiếu” mà “thường tịch”. “Chiếu” là mọi thứ hiểu rõ; trong mọi thứ hiểu rõ mà tu tâm thanh tịnh, đây là Bồ Tát. Tâm đã thanh tịnh rồi thì đó là Phật.

Tín Tuệ Bồ Tát: “Tín” ở đây là chân tín, thật tín, tín tâm chân thật. Đặc biệt, trong bổn tông Tịnh Độ có ba điều kiện tối quan trọng là : Tín, Nguyện, Hạnh. Trong “Tín” phải có “Tuệ”, nếu không sẽ trở thành tà tín, không phải chánh tín. Trong “Nguyện” cũng phải có “Tuệ”; “Nguyện” không có “Tuệ” không phải là thật nguyện. “Tin sâu, nguyện thiết”, “Tuệ” thực tiễn nhất là ngay trong Kinh Vô Lượng Thọ, siêng năng đọc tụng, siêng năng lý giải, y giáo phụng hành, Tuệ của bạn liền đầy đủ.

Theo như các câu trong kinh này “Dĩ tằng cúng dường chư Như Lai, tắc năng hoan hỉ tín thử sự” (Đã từng cúng dường các Như Lai thì có thể hoan hỉ được sự này), “nhân thân nan đắc, Phật nan trị, tín tuệ văn pháp nan trung nan” (thân người khó được, Phật khó gặp, tín tuệ, nghe pháp là điều khó nhất trong các điều khó) thì Tịnh Độ Tông là pháp khó tin. Nếu ai tin nhận được đều là do tuệ căn sẵn có từ trước.

Đại Sư Ấn Quang tu hành, trong phòng ngài không có bất cứ thứ gì ngoài tấm che để thay đồ, giặt quần áo. Trong Phật đường nhỏ của ngài chỉ vỏn vẹn một tôn tượng Phật, một quyển Kinh A Di Đà. Phía sau tượng Phật, ngài viết một chữ “chết” rất lớn. Đại sư ngài dạy chúng ta làm thế nào tu Tín, Nguyện, Hạnh, làm thế nào ngay trong đời này quyết định vãng sinh.

Người thế gian cho rằng chết là đáng sợ! Chúng ta học Phật, cái chết đối với chúng ta là di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, hân hoan vui thích mà đi, mong ngóng từng ngày để được đi, xả bỏ thân nhơ uế này được thân kim cang bất hoại, sao lại không đi chứ?!

Mỗi tối lên giường ngủ, liền nghĩ Phật đến tiếp dẫn ta, ngày ngày trông mong ngài đến đón ta. Hiện tại, Phật chưa đến, chúng ta có chút việc chưa xong, phải hoàn tất cho xong giảng Kinh Vô Lượng Thọ, giúp chúng sinh nhiều hơn một chút. Còn hơi thở, còn chút sự sống là còn trách vụ, mang lý tưởng lợi ích đến mọi người, khuyến tấn mọi người tin Phật, niệm Phật đồng phát nguyện vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, thân cận đức Phật A Di Đà.

Nguyện Tuệ Bồ Tát: Đây là trí tuệ nguyện sinh Tịnh Độ, nguyện thành Phật đạo, nguyện độ khắp tất cả chúng sinh. “Nguyện Tuệ”, theo Hoàng Niệm lão, là “biểu thị trí tuệ rộng lớn, đại nguyện vương của Phật Di Đà, lại được hỗ trợ bằng tín tuệ của bậc Chánh Sĩ, biểu thị Tịnh Độ dùng “tín, nguyện, trì danh” làm Tông”.

Hương Tượng Bồ Tát: Là Bồ Tát từ cõi A Súc Phật ở phương Đông đến. Ngài từng ở trong hội Duy Ma ngồi nghe pháp (với Bồ Tát Duy Ma Cật). Trong Phật pháp thường dùng sư tử, dùng voi lớn làm biểu trưng. Ngài Văn Thù Bồ Tát cởi sư tử; Phổ Hiền Bồ Tát cởi đại tượng. Kỳ thật, Văn Thù, Phổ Hiền không cởi sư tử cũng không cởi đại tượng. Đó chỉ là ý nghĩa biểu trưng. Sư tử đại biểu cho dõng mãnh, sức trí tuệ tối dũng mãnh. Voi đại biểu cho vững vàng, cho sức Định. Ý nói:

– Tòa ngồi của Văn Thù là Đại trí tuệ.

– Tòa ngồi của Phổ Hiền là Đại Định.

Mặt khác, “Hương Tượng” cũng đại biểu cho “Hạnh”, “hương tượng” trong chú giải của người xưa; khí lực của nó rất lớn, thân “hương tượng” tỏa ra mùi hương, mùi nơi thân Bồ Tát này cũng thế. Thời xưa, khi khoa học chưa phát triễn, vận chuyển đều phải nhờ động vật. Trong động vật có thể kéo nặng, sức mạnh rất lớn là đại tượng. Sức mạnh của tượng mạnh hơn rất nhiều so với trâu, ngựa. Cho nên, “hương tượng” đại biểu cho sức mạnh, dùng nó để biểu thị Di Đà nguyện lực vô biên, cũng biểu thị nguyện lực của chúng ta cũng phải vô biên.

Bảo Anh Bồ Tát: “Anh” là tinh anh, tinh hoa. “Bảo Anh” là tinh hoa trong các “Bảo”, biểu thị Di Đà nguyện hải, trang nghiêm bằng vô lượng công đức diệu bảo, có thể khiến phàm phu không có công đức mau chóng thăng lên địa vị “Bất Thoái”, chứng nhập Niết Bàn. Đây chính là thứ quí nhất trong các “Bảo”, nên nói là “Bảo Anh”. Bồ Tát Bảo Anh là biểu trưng ý nghĩa này.

Trung Trụ Bồ Tát: Biểu thị tâm chúng ta phải trụ nơi Trung Đạo. Trung Đạo thì không có tâm thiên lệch, không thiên về “không”, cũng không thiên về “có”; không thiên về “chánh”, cũng không thiên về “tà”. Những chân, giả, tà, chánh, thiện, ác, phải, quấy v.v… là chấp hai bên. Phật dạy chúng ta phải đi theo đường Trung đạo, đó chính là biểu hiện đời sống trí tuệ cao đẳng.

Chúng ta tâm chánh, ngôn chánh, hạnh chánh; người ngoài có bàn luận thế nào cũng chẳng quan hệ gì đến ta. Họ thấy sai, ngộ nhận về ta, luôn là không thể tránh khỏi! Thế gian này có mấy ai làm vừa lòng hết tất cả?! Không thể! Đức Phật cũng không làm được! Thế gian này có bao nhiêu người mắng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, ta nghe đã quá nhiều! Phật còn bị người mắng sá gì là ta!

Phật tiếp nhận người mắng; chúng ta cũng phải tiếp nhận người mắng. Phải tiếp nhận! Không nên có một câu biện bạch nào. Chúng ta đối với người chân thành, cung kính, tán thán. Họ hủy báng ta, ta cũng cung kính họ; họ hãm hại ta, ta cám ân họ. Đây là thật! Họ giúp ta tiêu nghiệp chướng, giúp ta tăng trưởng phước tuệ! Xét lại! Có người nào chẳng phải ân nhân của ta. “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ tam đồ”, thường giữ cái tâm này là Bồ Tát Trung Trụ.

Phải học “tịnh niệm tương tục”. “Tịnh” chính là không xen tạp, “tương tục” là công phu không gián đoạn. Từ nơi công phu mà nói: Có thể đạt đến “tức niệm ly niệm”, công phu của bạn liền được thuần thục. “Tức niệm ly niệm” chính là người thông thường hay nói: “Niệm mà không niệm; không niệm mà niệm”. “Không niệm” và “niệm” là một chớ không phải hai. Đây là vào “Pháp môn không hai”.

“Pháp môn không hai” là cảnh giới của Pháp Thân Đại Sĩ. Vào được cảnh giới này tức là siêu việt mười Pháp giới, biết được tất cả pháp thế, xuất thế gian đều là “pháp bất nhị”; tận hư không khắp pháp giới là chính mình, đây là chân tướng. Từ đó, tâm đại bi sinh khởi, đối với tất cả chúng sinh “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. “Từ” là quan tâm, thương yêu, chăm sóc không có điều kiện, “Bi” là nhìn thấy tất cả chúng sinh khổ nạn, tận tình giúp họ thoát khỏi khổ nạn, cũng không có điều kiện. Bồ Tát Trung Trụ ở đây biểu thị ý nghĩa rất sâu, đó là lý cũng gọi là nhìn thấu.

Chế Hành Bồ Tát: “Hành” là hành vi sinh hoạt của chúng ta. Hành vi làm sao không sai lầm? Bạn chính mình phải biết tiết chế! “Chế” là sửa lỗi, tự làm mới, đó là chân thật tu hành. Thánh hiền xưa dạy: “Người không phải Thánh Hiền làm sao không lỗi!” Mỗi người đều có lỗi lầm. Lỗi mà có thể sửa, đó chính là Bồ Tát, không chịu sửa lỗi là phàm phu. Cho nên, biết lỗi là giác ngộ, sửa lỗi là công phu. Chế Hành Bồ Tát ở đây biểu thị nghiêm trì tịnh giới, lánh ác làm lành, hơn nữa “Niệm Phật chính là trì giới” cũng có nghĩa là “Chế Hành”. Chúng ta ngay trong cuộc sống thường ngày phải tuân thủ, nắm chắc nguyên tắc này, chính là chúng ta trải qua đời sống Bồ Tát.

Giải Thoát Bồ Tát: “giải” là giải trừ; giải trừ phiền não, giải trừ lo lắng vướng bận, thoát khỏi ưu bi khổ não. “Giải thoát Bồ Tát” ở đây biểu thị “trừ diệt kết phược” nên gọi là giải thoát. Các Bồ Tát phía trước là từ trên nhân mà nói. Vị này là từ trên quả mà nói, cho nên ý nghĩa vô cùng viên mãn. Giáo học của Phật pháp rất thực tế, rõ ràng. Nếu chúng ta thể hội được, thực hành được thì hiện tiền đời sống của chúng ta: Gia đình sẽ mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi thành công, xã hội an lành, quốc gia giàu mạnh, thế giới hòa bình, mọi người tôn kính lẫn nhau, lễ nhường lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau v.v… cùng tồn tại phát triễn.

Vào năm 1970, nhà triết học nước Anh, Thang Ân Tỷ, đã chỉ điểm cho mọi người trên thế giới một con đường đi, ông nói: “muốn cứu vãn thế kỷ hai mươi mốt đạt đến hòa bình, cùng tồn tại, chỉ có học thuyết của nhà Nho cùng Phật giáo Đại Thừa”. Phát ra từ miệng người nước ngoài, con người này thật cừ khôi, có học vấn, có kiến thức, ông nhìn thấy được thế kỷ hai mươi mốt là một xã hội rất phức tạp.

Vào thời trước, mỗi quốc gia khu vực đều đóng cửa, đôi bên không qua lại với nhau, mỗi người trải qua ngày tháng thái bình của mỗi người; mỗi người có phạm vi khung trời nhỏ của mỗi người. Thế kỷ hai mươi mốt, theo trào lưu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thông tin phát triễn, nhà nhà đều có vi tính lên lớp. Tin tức toàn cầu đều có ở ngay trước mặt, phạm vi tiếp xúc của bạn quá lớn! Giao thông thuận tiện, lúc nào cũng có thể đi du lịch khắp nơi trên thế giới, chính thức mặt đối mặt. Ngày trước, văn hóa không đồng, nên khi vừa tiếp xúc đương nhiên có xung đột. Quan điểm bất đồng, phương thức đời sống khác nhau, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, đột nhiên vừa tiếp xúc luôn là không thích ứng.

– Làm thế nào giải quyết được vấn đề này?

– Học thuyết nhà Nho và Phật giáo Đại Thừa có thể giải quyết! Cho nên, nước Anh vào năm trước đã đem Phật học đưa vào giáo trình trường học. Đây là quốc gia chính thức ra lệnh làm. Tiểu học, Trung học, Đại học trong giáo trình đều có kinh Phật. Nước Anh là một quốc gia Ki-tô giáo, họ làm trước dẫn đầu. Ngày nay, chúng ta mới làm cũng là rơi vào phía sau của người khác rồi.

Hiện tại, Úc Châu mở hội thảo cũng là dẫn đầu thế giới. Họ tập họp nhân vật lãnh đạo giới tôn giáo, giới học thuật, học giả, chuyên gia v.v… đến thảo luận, nghiên cứu môn học vấn thích ứng thế kỷ hai mươi mốt. Tôi đã tham dự buổi hội thảo ở Úc châu, thăm viếng qua trường Đại học của họ. Đại học cũng rất chú trọng đến vấn đề này.

Bởi vì, chính sách hiện tại của Úc châu là mở rộng di dân từ các nơi khác nhau trên thế giới di dân đến đó. Bối cảnh văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng v.v… đều không giống nhau, phải cùng người Úc hòa đồng chung sống trong một xã hội, làm thế nào có thể tránh được những ngăn cách, những hiểu lầm v.v… để cùng hợp tác, cùng tồn tại phát triễn, đây là ý hướng và mục tiêu của họ. Viện trưởng của Học Viện đến hỏi tôi, tôi cũng nói với họ: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Họ nghe rồi rất hoan hỉ, rất hi vọng tôi đến mở lớp…

Nhi vi thượng thủ (Làm thượng thủ) ngụ ý tất cả mười sáu vị Đại Sĩ đều là thượng thủ của vô lượng vô biên Bồ Tát tại gia, cùng lúc đến dự hội. Mười sáu vị Bồ Tát này, mỗi vị Bồ Tát: Tất cả những ưu điểm, sở trường, đức hạnh v.v… của họ đều là tiêu đề để chúng ta hướng đến học tập. Làm được như họ, ta chính là Bồ Tát viên mãn. Mười sáu vị Bồ Tát này cũng biểu thị hàm nghĩa của toàn bộ kinh vô cùng thiết yếu.