Con Sáo
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Khi nhỏ Hương mang con sáo về, tôi thất vọng hết sức vì thấy cái mặt con sáo chầm dầm hàm chứa cả trời lỳ lợm, trông nó giống hệt một tên du côn bị bắt bỏ tù.

Tôi vốn không ưa nuôi loài vật, mà trớ trêu thay, giờ phải nuôi con sáo một cách bất đắc dĩ. Nguyên do là chị Bảy bạn tôi có thằng con bị tù; thương con, chị dũng cảm hy sinh thú nuôi chim của mình, nguyện sổ lồng phóng thích chúng để cầu phúc cho con, hy vọng nó được giảm án. Ở thành phố chùa nhiều, nhưng lòng yêu chim khiến chị chẳng đành lòng thả nó trực tiếp, vốn có mỹ cảm với tôi, chị cho rằng giao kết cho tôi thì… cũng như là phóng sinh!

Con chim cu và con két xanh rất đẹp, biết nói, Hương đợi chùa quy y cho chúng xong là nhiệt tình mở lồng phóng thích giúp chị Bảy và chợt thấy se lòng khi bắt gặp đôi mắt chị nhìn theo cánh chim bay lưu luyến… Thế nên, đến lượt con sáo Hương không dám thả mà mang về chỗ tôi nuôi cho chị vui lòng.

Tôn trọng ý nghĩa phóng sinh, tôi bảo Hương đem sáo qua chùa cho quý cô quy y rồi thả đi. Nhưng con sáo chẳng “tung cánh tìm về tổ ấm” được, nó xa mẹ từ khi mới sinh, nào biết tổ ấm nơi đâu mà về? nó cứ bay lòng vòng quanh chùa rồi vô tư đáp xuống trước miệng chó, mê mẩn chúi mỏ vào mấy đĩa thức ăn dành sẵn cho chó, mèo. Quý cô lo thót tim, chùa có nhiều mèo, không khéo nó bị xơi tái mất. Thế là sáo được trả về cho tôi, tôi rầu rĩ để Hương nhót sáo vào lồng. Người ta sợ gieo nhân giam cầm nên không dám muôi sáo, còn tôi thì ngày ngày phải cầm tù nó, lòng thật khó chịu, nhất là khi chị Bảy báo tin lành: con chị án được giảm nhẹ ngay sau khi phóng sinh các loài điểu cầm!

Chị Bảy từng méc tôi, con sáo này lì lắm, ù ù cạc cạc, trơ trơ như khúc gỗ, không có sinh động. Ba tháng trời dạy hụt hơi nó mới nói được hai tiếng “Mô Phật”, rồi lại câm như cũ.

Chiều nay có con sáo nhỏ lạ bay vào chùa Viên Chiếu, nó được chị Niệm giữ ở cốc một đêm rồi thả. Vậy mà từ ấy, mỗi lần chị Niệm cất tiếng gọi là con sáo nhỏ bay tới, rồi ngày thì nó đi chơi, tối về ngủ nơi cốc chị niệm, ngoan ngoãn đến hay.

Hương qua chùa nhìn thấy cảnh này, nó đâm ra “tương tư”, suy nghĩ mãi và ước ao con sáo lỳ của mình cũng sẽ “hồi tâm” trở nên nết na giống vậy. Thế là đi ra đi vào Hương đều gọi “Sáo ơi!” một cách trìu mến thiết tha, đến độ ngay cả tôi cũng phải mủi lòng, trong khi mặt mũi con sáo cứ tỉnh khô. Tôi thương hại bảo nó:

– Đừng có mơ “em ơi”! Có đến tết Công-gô cũng chẳng cảm hóa được con sáo lì tổ này!

Nhưng Hương vẫn kiên nhẫn vừa cho sáo ăn, vừa chuyện trò thủ thỉ với nó. Thấy vậy, tôi bèn tiến lại gần sáo, phụ giúp huấn luyện:

– Nào sáo, Mô Phật đi, giỏi nè!

Con sáo làm ra vẻ buồn ngủ tới, mắt nhướng không muốn lên còn ráng mở một con mắt cách lờ đờ, thấy tội tôi bỏ đi, bước rón rén thật nhẹ để cho sáo ngủ. Đang đi, bất thần tôi quay lại nhìn, thấy mắt con sáo mở trao tráo, tỉnh rụi, chẳng có vẻ gì buồn ngủ cả, thì ra nó vờ buồn ngủ để tránh bị dạy dỗ, tôi vừa tức vừa buồn cười, mắng nó:

– Đúng là đồ sạo… lỳ!

Rồi đi thẳng. Người rồi tôi không chịu được cảnh nhốt sáo mãi, đành đánh liều thả nó. Mới đầu, sáo bay qua chùa chơi, quý cô sợ mèo ăn lại đem qua trả, sau đó sáo quanh quẩn đầu nơi cánh cửa sổ trước nhà tôi, hót líu lo, có khi cười cả tràng dài bộc lộ vẻ hân hoan cực điểm. Có tật là nó hay mổ bất tử vào người nào xuất hiện ở sân, chẳng kể khách chủ gì, (đó là cách chào hỏi đặc biệt của nó), vậy chứ đau lắm và dễ làm giật mình khi không để ý. Hương đặt thau nước to ngoài sân cho sáo tắm, nó rất hay tắm. Sáo rất thích màu xanh, nó thường ngậm bọc ni lông nơi mỏ, giang rộng cánh, bay là là hoặc chạy tung tăng quanh sân với vẻ rất khoái chí. Hương vẫn kiên trì thiết tha trò chuyện với sáo, mặc cho sáo thản nhiên đón nhận bằng vẻ mặt vô cảm, lạnh như băng. Thỉnh thoảng sáo hồi âm bằng cách mổ vào mũi, vào cạnh khoé mắt Hương khiến máu chảy ròng ròng, Hương vẫn cam chịu, không từ bỏ ý tưởng là sẽ có một ngày sáo được thuần hóa.

Chú thím Phú ở gần bên rất thương sáo nên tôi bảo Hương đem nó qua cho chú thím để đời nó được lên hương, được sung sướng, chứ ở với tôi thì chỉ khổ thân vì tôi không cưng sáo. Bạn bè góp ý sợ nó buồn. Tôi đáp ngay:

Trời ơi, qua bển được cưng nó mê chết chứ buồn khỉ gì, con sáo này biết tình cảm chi mà buồn??

Thế là sáo chuyển “hộ khẩu” sang nhà chú thím Phú, dĩ nhiên là nó được cưng vô kể. Mấy ngày đầu chú thím phải nhốt nhưng hễ thả ra là sáo lại tìm về với chúng tôi. Ròng rã sáu tháng trời “nhập cư” bên chú thím, sáo vẫn không quên được bên này – nó nhớ Hương! – Mỗi lần sổng chuồng về thăm chúng tôi, sáo biểu lộ sự mừng rỡ bằng cách cuống quít mổ lia lịa vào tay hoặc ngậm áo Hương lôi kéo bày tỏ sự nhớ mong. Tôi quá sức ngạc nhiên khi nhận ra con sáo ù lỳ vô cảm ngày nào đã không còn nữa. Ở bên chú thím, sáo được cưng, được ăn ngon, mà vẫn cứ biếng nói, biếng hót, biếng hót, nhưng chỉ cần nhìn thấy Hương là nó hót lên cả tràng rồi cười khanh khách. Khi Hương bắt nó để đem trả chú thím thì nó cứ đi thụt lùi, miệng không ngớt niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”.. “Nam Mô A Di Đà Phật”.. vẻ như năn nỉ đừng trả nó, khiến Hương xanh mặt. Có lần thím nhốt nó và thường dạy nó gọi thím bằng má! Nó vùng vẫy trong lồng và nói: “Má! Thả sáo ra!”. Thím sợ quá liền thả cho nó tự do. Rốt cuộc, thương sáo, chú thím vui lòng để nó chọn ở nơi nào nó thích. Sáo lại về nhà tôi, nó hót cả ngày, biểu lộ sự hứng chí cực điểm. Hễ Hương bảo niệm Phật là nó ngoan ngoãn vâng lời. Mỗi lần Hương qua chùa, sáo hay đứng ven rào ngóng cổ đợi Hương về, thậm chí nó chào gọi cả khách đi đường. Nó hân hoan vì được trở về, thật ra ở với chị Bảy nó chưa từng được thả bao giờ, vì thế, khi ra đây được sống đời tự do nó vui là phải. Chị Bảy có ra chơi nó cũng nhìn bằng ánh mắt vô cảm, không hề quyến luyến như đối với Hương.

Mỗi ngày, Hương thường sang chùa, sáo vẫn đứng cạnh rào ngóng đợi; tôi bận việc chẳng kêu nó vào, cứ để mặc nó đứng ngoài cổng ngóng Hương. Rồi tôi quên không để mắt đến nó. Thế là nó bị người bắt cóc mất.

Sáo đi rồi, nhà vắng vì không còn tiếng hót tiếng cười ầm ỉ của nó. Ở cõi này là vậy, con vật luôn bị xem như “vật sở hữu”, người ta nuôi để ăn hoặc để tiêu khiển chứ không bao giờ quan tâm tới tâm tình, sở thích ước mơ của nó. Hồi sáo mới về đây, lúc tôi thả nó, nó chẳng đi đâu xa, cứ đậu trên cánh cửa sổ, ai đi đường gọi nó, nó dửng dưng lạnh lùng, không dễ gì ngoắc nó tới gần nên khó ai bắt cóc được nó. Từ khi sang nhà chú thím rồi được trả về, nó vui lắm, lúc nào cũng hớn hở. Thậm chí khách đi ngoài đường nó cũng réo chào họ, hễ ngoắc nó, là nó chạy tới, và bất cứ ai bước vào nhà tôi đều được sáo niềm nở tiếp đón (nó làm như thể chỗ tôi là an nình lắm vậy) do hiếu khách mà nó bị bắt cóc.

Tôi biết người ta không ăn thịt nó, nhưng họ sẽ nhốt nó, sáo sẽ chẳng bao giờ được tự do! Trái tim tôi vốn khô cằn khắc khe với loài thú, giờ chợt nao nao. Với tôi, con sáo chẳng còn ngu đần nữa, nó vẫn có nghĩa tình đằm thắm, biết buồn vui không khác người. “Thành tâm ắt có cảm ứng”, sáo đã biết đáp lại tấm chân tình thiết tha của Hương, câu: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” ngẫm nghĩ thật đúng!

Nếu người ta biết rằng, dù mang lông thú nhưng những ước mơ, những khát khao về hạnh phúc trong cuộc sống, chúng vẫn giống hệt người, thì hẳn chúng đã không bị khổ.

Trúc Lâm

Tôi chưa từng vào Trúc Lâm
Nhưng nhìn hình,
bỗng thấy nao lòng
Đồi núi mênh mang,
… mây trắng phủ
Ngỡ đất trời,
giao kề trong… tấc gang
Tôi chưa một lần vào thăm Trúc Lâm
Nhìn hình thôi,
Cũng đủ thấy mình say…
Giòng xanh biêng biếc – sông? – Hồ – Suối??-
Uốn lượn chân đồi – trông đến hay!
Tôi chưa… và mãi chẳng vào thăm…
Cứ để Trúc Lâm đẹp mê hồn
Đẹp trong ảo ảnh hơn cả thực
Dịu dàng, đằm thắm hoài… trong mơ!

Hoàng Hôn

Chiều tàn theo bóng hoàng hôn
Ngàn sao lấp lánh cho hồn cũng say
Nghiêng nghiêng lá xếp tiễn ngày
Êm êm con nước chở đầy sắc đêm