NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Cư Sĩ Đinh Phước Bảo
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi cư sĩ Đinh Phước Bảo

Gần đây, hàng sĩ đại phu đa số có kiến giải hẹp hòi, câu nệ, có người nếu đem chuyện nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi nói với họ, sẽ bảo: “Những chuyện do dã sử, tiểu thuyết vụn vặt bịa đặt ra, há đáng tin tưởng được!” Hạng người ấy đã từng đọc kinh, duyệt sử, tuy thấy những sự tích ấy nhưng chẳng hiểu được duyên do, nên mới có cái nhìn hạn hẹp, câu nệ như vậy. Cư sĩ đem những chuyện nhân quả báo ứng sanh tử luân hồi trong lịch sử biên soạn lại, trên là Lân Kinh[1], dưới là Minh Sử, những sự tích rành rành có thể khảo chứng được. Những kẻ câu nệ hẹp hòi kia đọc đến ắt sẽ câm họng chẳng dám bảo là chuyện bịa không có căn cứ được nữa!

Còn như chuyện học Phật thì phải trọn vẹn đạo làm người mới hòng tiến vào được. Nếu đối với những chuyện hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ không thực hiện một điều nào, dẫu có suốt ngày thờ Phật, Phật cũng chẳng thể nào gia hộ được! Ấy là vì Phật pháp bao trùm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Do vậy, với cha nói đến từ, với con nói hiếu, thảy đều cho ai nấy tận hết đạo làm người, rồi sau đấy mới tu pháp xuất thế. Ví như muốn xây lầu cao vạn trượng, trước hết phải đắp vững nền móng, khai thông đường nước thì lầu cao vạn trượng mới xây dần lên được, lại còn vĩnh cửu chẳng hư hoại. Nếu như nền móng không chắc, ắt đến nỗi chưa xây xong đã sụp. Sách Luận Ngữ nói: “Tuyển trung thần nơi nhà hiếu tử”, người học Phật cũng phải như thế. Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư[2]: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư nói: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”. Muốn học Phật pháp, trước hết phải khắc kỷ, cẩn thận, dè dặt, sự sự đều phải từ tâm địa chân thật mà làm. Người như thế đáng gọi là đệ tử thật sự của Phật. Nếu tâm gian ác mà muốn nhờ vào Phật pháp để khỏi tội nghiệp thì có khác gì trước hết uống thuốc độc rồi lại uống thuốc tốt lành để thân thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh, há có sống thọ được ư?

Bộ sách thực nghiệm quả đã phá được cái tệ ấy, lưu thông trong đời lợi ích lớn lao. Lại nữa, ông Bành Hy Tốc[3] ở Tô Châu từng soạn cuốn Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục trích tuyển hơn một trăm tám mươi điều liên quan đến sự thật nhân quả trong lịch sử, không biết các hạ đã có cuốn sách ấy hay chưa? Nếu có, hãy nên in ra để mở rộng tầm mắt cho bọn câu nệ, hẹp hòi. Hơn nữa, hai mươi bốn bộ sử[4] ghi chép rất nhiều chuyện lạ, cư sĩ đọc rộng không sót, hãy nên đem những chuyện phàm tình không thể thấu hiểu được, giống như những chuyện đã được nêu lên trong phần sau bộ Dục Hải Hồi Cuồng và những chuyện nhân quả luân hồi chép hết soạn thành một bộ sách để giúp cho việc trị quốc an dân, liễu sanh thoát tử thì công đức ấy lớn lắm. Chẳng biết ông có chịu thỏa mãn ý nguyện ngu muội của tôi hay không?

***

[1] Tức kinh Xuân Thu, đây là một bộ cổ sử do Khổng Tử san định. Khổng Tử được coi như kỳ lân trong loài người (theo truyền thuyết khi sắp sinh ra Ngài, thân mẫu mộng thấy kỳ lân. Khi hiệu đính bộ sử này, Ngài nghe tin ngoài đồng bắt được kỳ lân bèn ngưng không viết tiếp), nên bộ sử do Ngài san định được gọi là Lân Kinh.

[2] Ô Khoa Đạo Lâm (741-824), người đời Đường, thuộc dòng Thiền Ngưu Đầu, họ Phan (có thuyết nói là họ Ông), tên lúc nhỏ là Hương Quang. Xuất gia năm chín tuổi, năm 21 tuổi đến Kinh Châu (tỉnh Hồ Bắc) thọ Cụ Túc Giới ở chùa Quả Nguyện. Sau qua theo học kinh Hoa Nghiêm, Đại Thừa Khởi Tín Luận với Phục Lễ pháp sư ở chùa Tây Minh tại Trường An. Sau Ngài khế ngộ tâm yếu nơi pháp sư Đạo Khâm rồi quay về Nam, thấy núi Tần Vọng có cây tùng mọc um tùm như cái tàn, bèn sống ở đó. Người thời ấy bèn gọi Ngài là Ô Khoa thiền sư (Khoa là cái ổ, sách Thuyết Văn Giải Tự giảng: “Hang ổ gọi là Khoa, tổ chim gọi là Sào”). Do có nhiều loại quạ làm tổ nơi ấy, nên Ngài còn được gọi là Ô Sào thiền sư. Ông Bạch Cư Dị hỏi đạo nơi Ngài, tâm phục khẩu phục, bèn dựng căn gác bằng trúc cho Ngài ở để tiện hỏi đạo, nơi đây về sau thành chùa Quảng Hóa. Còn có truyền thuyết nói lúc Ngài sanh ra bị cha mẹ bỏ rơi, được quạ nuôi nên gọi là Ô Sào thiền sư. Đây có lẽ là lời đồn bịa đặt vì không thấy Cảnh Đức Truyền Đăng Lục chép như vậy.

[3] Bành Hy Tốc, tự Lạc Viên, hiệu Lan Đài, người xứ Nguyên Hòa ở Tô Châu, vốn là cháu ông Bành Tế Thanh. Cùng với Bành Tế Thanh, ông đảm nhiệm việc tu đính bộ Vãng Sanh Tập của ngài Vân Thê, tạo thành bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Năm Càn Long 58, ông vừa bị bệnh sốt rét, vừa bị kiết lỵ, bèn đến chỗ mẹ ở, tuyệt không nhắc đến việc nhà, chỉ tận lực khuyên mẹ niệm Phật, bảo: “Ngày nọ tướng hảo Tây Phương đã hiện”. Trước hôm mất ba bữa, ông thỉnh Trừng Cốc hòa thượng đến trước giường bệnh, lập bàn thờ thọ Tam Quy Ngũ Giới, sám hối phát nguyện, càng thêm khẩn thiết. Sáng ngày Ba Mươi, ông bảo người nhà treo tượng Phật, dời giường hướng về Tây, thưa với hòa thượng: “Phiền thầy niệm Phật cho con!” Đến tối, miệng niệm Phật râm ran, nằm trên hông phải qua đời, mùi hương lạ ngập thất, thọ 33 tuổi. Vợ ông là Cố Thị, cực thông minh, giúp chồng rất lớn trong việc biên tập, trước đó đã niệm Phật qua đời vào năm bà 29 tuổi

[4] Hai mươi bốn bộ sử gồm Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, Tấn Thư, Tống Thư, Nam Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Ngụy Thư, Bắc Tề Thư, Châu Thư, Nam Sử, Bắc Sử, Tùy Thư, Cựu Đường Thư, Tân Đường Thư, Cựu Ngũ Đại Sử, Tân Ngũ Đại Sử, Tống Sử, Liêu Sử, Kim Sử, Nguyên Sử và Minh Sử. Thời Càn Long, hai mươi bốn bộ sử này được chỉnh lý, nhuận sắc và hợp thành một bộ lớn gọi chung là Nhị Thập Tứ Sử.