CHUYỆN VÃNG SANH Ở VIỆT NAM
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt sưu tập

 

73. NGUYỄN VĂN TUA (1954 – 1984, 30 tuổi)

Anh thường trì ngọ, đôi khi cũng có lúc nhịn ăn cả tuần. Đặc biệt là anh nghiêm trì giới hạnh rất kỹ lưỡng, vô cùng trân quý thời gian, tránh né tất cả những cuộc tiếp xúc không cần thiết. Một lòng tiến hướng về Tây Phương…

Anh Nguyễn Văn Tua sinh năm 1954, cư ngụ tại ấp Tân Thượng, xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thuật, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Chỉnh. Anh là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em. Gia đình anh sinh sống bằng nghề ruộng rẫy.

Tính tình anh hiền lành và rất hiếu thuận. Năm lên 17 tuổi, anh rất thích ngâm nga sấm kệ nên thường xuyên đến giảng đường để đọc. Vả lại hai vợ chồng người anh thứ Hai đã dùng trường trai, nên anh xin cha mẹ cho mình được chay lạt tu hành. Khi song thân chấp thuận, sau đó anh cùng với một số bạn đạo, gồm mười mấy người cất cốc để tu, mỗi vị một cái ngoài ruộng (cách nhà khoảng vài trăm mét).

Năm 1973, anh ghi danh học khóa “Đạo Pháp Khai Tâm” do Ban Trị Sự tổ chức tại xã nhà. Kế đến là học khóa “Sơ Cấp Tu Nghiệp Giảng Viên”.

Nơi địa phương mà anh cư ngụ có phòng thuốc Nam, ban ngày anh đến làm công quả ở đó, chiều tối về cốc lo công khóa hành trì.

Ngoài những lúc tự học, đọc kinh sách, và cùng các huynh đệ thảo luận trao đổi về giáo lý ra, còn có ông Bảy Găng là thiện tri thức thường lui tới khuyến tấn về Phật pháp cho anh và các huynh đệ.

Anh thường trì ngọ, đôi khi cũng có lúc nhịn ăn cả tuần. Đặc biệt là anh nghiêm trì giới hạnh rất kỹ lưỡng, vô cùng trân quý thời gian, tránh né tất cả những cuộc tiếp xúc không cần thiết. Một lòng tiến hướng về Tây Phương, bởi vì:

“Vô thường không đợi,

Ngày tháng qua nhanh.

Biển nghiệp sâu rộng,

Kiếp người mong manh.

Nếu không niệm Phật,

Cực Lạc cầu sanh.

Tất bị nghiệp dắt,

Vô lượng nhọc nhằn.

Luyến lưu chi nơi cõi bẩn,

Sống đời nhớp nhúa hôi tanh!

Chi bằng gieo nhân Tịnh độ,

Tin sâu nguyện thiết chí thành.

Trong lòng luôn luôn có Phật,

Sen báu Phật trao một cành!

Ngàn đời khổ đau dứt tận,

Vạn kiếp vĩnh viễn an lành!”

Anh có người anh họ là Sáu Hoàn. Khoảng năm 1980, hai vợ chồng của Sáu Hoàn phát tâm trường trai tu hành, ra cất nhà gần đó, rồi ngỏ lời mời anh về ở chung. Vì muốn trợ duyên cho hai anh chị, nên anh đồng ý đến ở tu chung với hai vợ chồng Sáu Hoàn cho đến ngày anh ra đi.

***

Thắm thoát thời gian trôi qua đã được 5 năm, đến tháng 7 năm 1984 anh từ khước đảm trách nhà thuốc Nam với lý do dưỡng bệnh. Thời gian này anh rất tinh tấn hành đạo. Một hôm anh nói với vợ chồng Sáu Hoàn:

– Em không trồng thuốc Nam nữa, ai có cần trồng thì lấy giống về trồng, vì em sắp bỏ xác!

Vợ sáu Hoàn hỏi:

– Đệ nói sắp bỏ xác mà giải thoát được không?

Anh đáp:

– Giải thoát được em mới bỏ xác chớ!

Lại hỏi:

– Đệ căn cứ vào đâu mà giải thoát?

Anh nói:

– Đệ căn cứ vào lời nguyện của đức Phật A-di-đà, vì Ngài không bỏ rơi một người niệm Phật thành tâm nào!

Gần cuối tháng tám, vào mùa nước nổi, đám mía của cha anh đang thu hoạch, đến giờ nghỉ, mọi người tập trung lại gò đất cao, vừa ngồi nhai mía vừa cùng nhau bàn chuyện phiếm, bất chợt anh lên tiếng:

– Nữa tôi có chết nhờ đồng đạo chôn tôi ở gò này!

Có người lên tiếng:

– Ừ! Nữa đệ chết thì chôn đệ ở đây! Chớ chỗ nào nước cũng ngập mênh mông hết… Nếu không chôn ở đây thì chôn ở đâu!

Vừa dứt lời thì một trận cười thật to vang lên. Song rồi ai cũng ngỡ là anh nói chơi cho vui nên chẳng mấy lưu tâm!

Cũng trong thời gian này có đoàn sưu tầm thuốc Nam đến cho anh hay một tuần nữa sẽ khởi hành chuyến đi lấy thuốc ở xa. Anh bèn từ chối:

– Hôm trước đệ lỡ hứa với các anh, mà hiện giờ đệ có công chuyện nên đệ không đi được!

***

Đến ngày mùng 4 tháng 9, anh dạo chơi thăm những người thân hữu và giã từ một vài đồng đạo.

Sáng mùng 5, khác hơn mọi khi, anh công phu sớm hơn thường lệ rồi đi thăm phòng thuốc Nam, sau đó về nhà song thân chẩn mạch cho mẹ. Thường ngày thì xem mạch xong anh đến nhà thuốc bốc thuốc đem về. Hôm nay xem mạch xong anh nói với mẹ:

– Con có công chuyện hôm nay mẹ đi hốt thuốc giùm con!

Mẹ anh nói:

– Nếu con có công chuyện thì con lo đi làm đi, để mẹ đem toa thuốc lại đằng đẳng hốt cũng được!

Khi bà đi rồi không bao lâu người em gái từ trong bước ra nhà trước, thấy anh đang nằm nghiêng bên hữu, hai tay chắp đưa lên trán, cô hỏi nhưng không nghe anh trả lời, cô nhìn thấy hai chân của anh hơi run run, nên cô hốt hoảng la lên. Lúc ấy kề bên nhà, cách một con mương, có gia đình đang chuẩn bị cúng giỗ nên khi nghe la thất thanh mọi người ùa sang. Không ai biết ất giáp gì cả liền bu lại vạch anh lưng cạo gió, trong khi đó thì anh đã tắt hơi tự bao giờ!

Đang lao xao cạo gió cho anh, thì tức thời ông Bảy (thầy dạy nghề thuốc cho anh) bước vào ngăn lại, sửa thân thể của anh lại cho trang nghiêm, rồi cùng nhau luân phiên hộ niệm. Vì ông Bảy vừa nằm chiêm bao thấy cảnh tượng giống y như ông vừa mới bước vào nhà của học trò mình. Lúc ấy khoảng gần 9 giờ sáng ngày mùng 5 – 9 – 1984, anh hưởng dương 30 tuổi.

Thân quyến và chư đồng đạo hộ niệm đến 9 giờ sáng hôm sau mới nhập mạch. Khi ấy các khớp xương mềm mại, riêng đỉnh đầu còn ấm nóng.

(Thuật theo lời Phạm Thị Nhẹ, chị dâu thứ Hai của anh, hai vợ chồng Sáu Hoàn, và người anh rể thứ Ba).