KINH THỦ LĂNG NGHIÊM LƯỢC GIẢNG
ŚŪRAMGAMA-SŪTRA
Tuyên Hoá Thượng Nhân giảng thuật
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Nhuận Châu

 

VII. PHÂN ĐỊNH RÕ TÔNG THÚ CỦA KINH

Tông có nghĩa là tôn sùng, quý trọng.

Thú là chỗ quy hướng sùng thượng.

Giáo lý của Đức Phật dạy cho hàng Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác) liên quan chủ yếu đến nhân quả. Đây là giáo pháp quyền thừa. Đức Phật thuyết gồm cả hai giáo pháp: quyền thừa và thật thừa. Thật thừa có nghĩa là giáo lý bất biến, hằng vĩnh. Trong giáo pháp quyền thừa, Nhân là ‘tông”, Quả là “thú.” Khi đạt đến chân tướng, thật thừa, có nghĩa là đã có được chỗ̃ ngộ nhập. Do vậy, ngộ là “tông”, nhập là “thú.”

Trong kinh này, A-nan đại diện cho đương cơ hỏi và nghe pháp. A-nan gặp nạn, Đức Phật giải cứu xong rồi dạy A-nan từ bỏ pháp tu Tiểu thừa hướng về Đại thừa. Đó là tông.

Sự chứng ngộ quả vị tối thượng của A-nan là thú.

Tông và thú đồng thời thông suốt đến Phật đạo và là con đường dẫn đến Phật quả. Vậy nên khác biệt rõ ràng với các kinh điển Tiểu thừa, chỉ nói về quả vị nhỏ nên không thể nào đạt được quả vị Phật.