KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
ĐOÀN TRUNG CÒN, NGUYỄN MINH TIẾN dịch và chú giải
  NGUYỄN MINH HIỂN hiệu đính

 

PHẨM THÁNH HẠNH

Phẩm thứ bảy – Phần một[54]

Lúc ấy, đức Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát nên đối với kinh Đại Niết-bàn này, chuyên tâm suy xét về năm hạnh. Những gì là năm hạnh? Một là Thánh hạnh, hai là Phạm hạnh, ba là Thiên hạnh, bốn là Anh nhi hạnh và năm là Bệnh hạnh.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát thường nên tu tập năm công hạnh ấy. Lại còn một hạnh nữa gọi là hạnh Như Lai, đó là nói kinh Đại thừa Đại Niết-bàn.

“Ca-diếp! Bồ Tát ma-ha-tát tu tập Thánh hạnh như thế nào? Bồ Tát ma-ha-tát hoặc theo Thanh văn, hoặc theo Như Lai, được nghe kinh Đại Niết-bàn này; nghe rồi liền sanh lòng tin. Tin rồi nên suy xét rằng: ‘Chư Phật Thế Tôn có đạo cao trổi hơn hết, có Chánh pháp lớn lao, có Đại chúng tu hành chân chánh, lại có kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nay ta nên vì lòng ái mộ và ham muốn kinh Đại thừa mà lìa bỏ vợ con, quyến thuộc thân ái, nơi ăn chốn ở, vàng bạc trân bảo, chuỗi ngọc tốt đẹp, hương hoa kỹ nhạc, tôi tớ hầu hạ gái trai lớn nhỏ, voi ngựa xe cộ, bò dê gà chó… mọi thứ.’

“Lại suy xét rằng: ‘Đời sống gia đình chật hẹp tù túng, dường như lao ngục, hết thảy phiền não đều do đó mà sanh ra. Xuất gia thì rộng rãi thoáng đãng, dường như hư không, tất cả pháp lành do đó mà nảy nở, tăng trưởng. Nếu ở nhà thì chẳng được suốt đời tu tập hạnh thanh tịnh. Nay ta nên cạo râu xuống tóc, xuất gia học đạo.’ Suy xét như vậy rồi, tự thấy nhất định phải xuất gia tu học đạo Bồ-đề vô thượng chân chánh.

“Khi Bồ Tát muốn xuất gia như vậy, thiên ma Ba-tuần hết sức khổ não, tự nói rằng: ‘Bồ Tát ấy rồi sẽ cùng ta khởi cuộc chiến tranh.’ Thiện nam tử! Nhưng vị Bồ Tát như vậy có lý nào lại gây sự chiến tranh với kẻ khác?

“Lúc ấy, Bồ Tát liền đến Tăng phường.[55] Nếu gặp được Như Lai và đệ tử Phật, oai nghi đầy đủ, các căn an tịnh, trong lòng liền được nhu hòa, trong sạch, tịch diệt, liền cầu xin xuất gia, cạo râu xuống tóc, mặc ba tấm pháp y.[56] Khi xuất gia rồi, nghiêm giữ mọi giới cấm, oai nghi trọn đủ, đi đứng an tịnh, không xúc phạm bất cứ ai; cho đến đối với tội nhỏ cũng sanh lòng sợ sệt. Tâm giữ giới của Bồ Tát ấy bền chắc như kim cang.

“Thiện nam tử! Ví như có người dùng một cái phao để bơi qua biển cả. Bấy giờ, giữa biển có một quỷ la-sát bám theo người ấy hỏi xin cái phao. Nghe xong, người ấy liền suy nghĩ rằng: ‘Nay nếu ta cho cái phao, ắt phải bị chết chìm.’ Bèn đáp rằng: “La-sát! Thà ngươi giết ta đi, chứ ngươi không thể lấy cái phao này.’

“La-sát lại nói rằng: ‘Nếu ông không thể cho tôi cả cái phao, thì xin thương tình cho tôi phân nửa.’ Người ấy cũng không chịu.

“La-sát lại nói: ‘Nếu không thể cho tôi phân nửa, mong ông rủ lòng cho tôi một phần ba.’ Người ấy cũng chẳng thuận.

“La-sát lại năn nỉ: ‘Nếu chẳng được vậy, cũng nên thí cho tôi một miếng chỉ bằng bàn tay.’ Người ấy cũng nhất định không chịu.

“La-sát lại nói: ‘Nay nếu ông không thể cho tôi một miếng bằng bàn tay, tôi đây phải chịu đói khổ bức bách. Cầu xin ông giúp cho tôi một mảnh nhỏ bằng hạt bụi cũng được.’

“Người ấy đáp rằng: ‘Chỗ đòi hỏi của ông thật cũng không nhiều. Nhưng nay tôi phải vượt biển, không biết gần xa như thế nào. Nếu tôi cho ông dù một mảnh nhỏ, hơi trong phao sẽ theo đó mà thoát dần ra hết. Như vậy tôi biết nhờ vào đâu để vượt qua biển cả? Giữa đường ắt phải chìm xuống nước mà chết!’

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn giới cấm cũng vậy, như người vượt biển khéo giữ gìn cái phao. Bồ Tát trong khi giữ gìn giới cấm như vậy, thường có bọn la-sát hung dữ là các phiền não đến nói rằng: “Ông nên tin tôi, tôi chẳng bao giờ lại đi lừa dối ông. Nếu chỉ phá Bốn giới cấm nặng thôi, còn giữ đủ các giới khác; nhờ nhân duyên ấy sẽ vẫn được yên ổn, vào Niết-bàn.’ Lúc ấy, Bồ Tát nên đáp rằng: ‘Thà ta giữ giới cấm ấy mà vào địa ngục A-tỳ chứ quyết không hủy phạm để sanh lên cõi trời.’

“La-sát phiền não lại nói rằng: ‘Như ông không thể phá Bốn giới cấm nặng, vậy nên phá các giới tăng tàn. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Bồ Tát cũng không nên nghe theo lời xúi giục ấy.

“La-sát lại nói rằng: ‘Như ông không thể phạm các giới tăng tàn, cũng nên phạm tội thâu-lan-già. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn và sẽ vào Niết-bàn.” Lúc ấy, Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát lại xúi giục rằng: ‘Như ông không thể phạm thâu-lan-già, vậy ông có thể phạm xả đọa. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Lúc ấy Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát lại nói rằng: ‘Như ông không thể phạm xả đọa, nên phạm ba-dật-đề. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’ Lúc ấy, Bồ Tát cũng chẳng nghe theo.

“La-sát nói tiếp rằng: ‘Như ông không thể phạm ba-dật-đề, tôi xin ông hảy hủy phá giới đột-kiết-la. Nhờ nhân duyên ấy, ông sẽ được yên ổn, được vào Niết-bàn.’

“Lúc ấy, Bồ Tát tự suy nghĩ rằng: ‘Ngày nay, nếu ta phạm tội đột-kiết-la và không tự bộc lộ, ắt ta không thể sang đến bờ bên kia của biển sanh tử mà được Niết-bàn.’ Bồ Tát ma-ha-tát đối với các giới nhỏ nhất trong giới luật cũng giữ gìn một cách kiên cố, tâm bền chắc như kim cang.

“Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn Bốn giới cấm nặng cho đến các giới đột-kiết-la,[57] kiên trì cẩn trọng như nhau, không có sai khác. Nếu Bồ Tát giữ gìn được kiên trì như vậy tức là thành tựu đủ năm phần của giới. Đó là thành tựu giới làm thanh tịnh các nghiệp căn bản của Bồ Tát; giới làm thanh tịnh các hành vi liên quan khác trước đây và sau này; giới làm thanh tịnh sự nhận thức, thấy biết, xa lìa những nhận thức sai lầm, xấu ác; giới làm thanh tịnh mọi ý niệm, luôn duy trì, giữ gìn chánh niệm; và giới hồi hướng [mọi công đức] về quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Ca-diếp! Vị Bồ Tát ma-ha-tát này lại có đủ hai thứ giới. Một là giới nhận lãnh thọ học những kiến thức thế tục, hai là giới thành tựu Chánh pháp. Nếu Bồ Tát giữ giới thành tựu Chánh pháp thì không bao giờ làm việc ác. Nếu muốn giữ giới nhận lãnh thọ học những kiến thức thế tục thì trước phải theo đúng pháp tác bạch tứ Yết-ma rồi sau mới được thọ nhận.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có hai thứ giới: một là giới có tính chất quan trọng, hai là giới nhằm ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian. Giới có tính chất quan trọng là nói Bốn giới cấm nặng. Giới ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian là không làm [những điều như] buôn bán, cân non, đong thiếu, dối gạt người khác, cậy thế lực kẻ khác, chiếm đoạt tài vật người khác, cố ý hại người, phá hoại sự thành công của người khác, [lười nhác] ngủ ngày, làm ruộng, trồng cây, khuếch trương sự nghiệp riêng; không [vì lợi mà] nuôi voi, ngựa, bò, dê, lạc đà, lừa, gà, chó, khỉ, chim sẻ, chim két, chim cộng mạng, câu-chỉ-la, chó sói, cọp, beo, mèo, chồn… hoặc các thú dữ khác; không tích lũy, chứa giữ những thứ như xe cộ, kẻ hầu hạ trai, gái, lớn, nhỏ… hoặc vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, xa cừ, mã não, san hô, ngọc bích, các thứ ngọc thạch, chén bát bằng đồng đỏ, thiếc trắng và bằng thau, y phục dệt bằng lông thú hoặc ghép bằng lông chim, tất cả các giống lúa, gạo, lúa mạch lớn, lúa mạch nhỏ, đậu, mè, bắp, nếp, đồ ăn còn sống hoặc nấu chín…

“[Người giữ giới] chỉ ăn mỗi ngày một bữa, đă ăn rồi thì không ăn nữa. Nếu đi khất thực hoặc khi ăn chung với Chúng tăng thường tự biết no bụng thì dừng, không nhận sự mời thỉnh đặc biệt. Không ăn thịt, không uống rượu, không ăn năm món cay nồng.[58] Nhờ vậy trong thân không có mùi hôi, thường được chư thiên và tất cả người đời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. [Những kẻ] nhanh chân bước vội vì miếng ăn, rốt cùng không thể được sống lâu. [Người giữ giới chỉ] nhận lãnh y phục vừa đủ che thân; dù đi tới đâu cũng luôn có đủ ba tấm pháp y và bình bát, không lìa hai món ấy, như con chim không lìa đôi cánh.

“[Người giữ giới] không tích lũy chứa giữ các loại củ rễ, thân, mắt ghép, nhánh ghép, hạt giống của cây. Không tích lũy chứa giữ kho báu như vàng, bạc, đồ ăn uống chất chứa nơi nhà bếp và trong kho lẫm, áo quần, đồ trang sức, giường cao rộng lớn, giường bằng ngà voi và bằng vàng, những món thêu dệt sặc sỡ chẳng nên dùng làm nệm ngồi. Không chứa trữ những chiếu dệt bằng các nguyên liệu nhỏ mịn. Không ngồi trên bành voi, yên ngựa… Không được dùng loại vải nhỏ mịn và đẹp mà trải giường nằm. Ở đầu giường không được để hai cái gối, cũng không được nhận giữ gối rất đẹp màu đỏ hoặc gối bằng cây sơn thếp màu vàng. Không khi nào xem sự đấu nhau của voi, ngựa, chiến xa, quân đội, [cho đến] đàn ông, đàn bà, bò, dê, trâu, gà, trĩ, két… cũng không được cố ý đến xem chiến trận.

“[Người giữ giới cũng] không được lắng nghe những tiếng sáo, địch, ốc tù và, tiếng trống, tiếng đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, đàn không hầu… cùng mọi tiếng ca nhạc múa hát, chỉ trừ [những âm thanh để dâng lên] cúng dường Phật. Không tham gia các trò vui đánh cờ, bài bạc, trò ba-la-tắc.[59] Không xem các loài sư tử, voi đấu nhau, không chơi đánh cờ, sáu môn cờ bạc ăn thua, đánh cầu, ném đá, thảy hồ, dắt đường, chơi cờ tám đường quanh thành,[60] [nói chung] hết thảy mọi trò vui đùa bỡn cợt đều không nên tham dự vào hoặc đến xem…

“[Người giữ giới cũng] không được xem tướng tay, chân, mặt, mắt… Không được dùng móng chân, móng tay, gương soi, cỏ thi, nhành dương, bát thủ, sọ người mà làm quẻ bói. Cũng không được ngước nhìn các vì sao trên trời, trừ khi là để phá tan cơn buồn ngủ. Không được nhận những sứ mạng đi lại do kẻ có quyền chức giao phó, không đem việc người này nói với người kia, đem việc người kia nói với người này… Không bợ đỡ nịnh hót, sống bằng tà mạng.[61] Cũng không được nói việc vua quan, trộm cướp, đấu tranh, ăn uống, cùng những việc thất mùa đói kém, lo âu sợ sệt, no đủ, vui sướng, an ổn trong cõi nước.

“Thiện nam tử! Đó gọi là giới mà vị Bồ Tát giữ theo để ngăn ngừa sự ganh ghét của thế gian. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát giữ trọn những giới ngăn che, chế ngự như vậy, cũng không hề xem nhẹ hơn các giới có tính chất quan trọng.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát sau khi thọ trì các giới cấm như vậy rồi, liền phát nguyện rằng: ‘Thà [tôi] đem thân này lao vào hầm sâu lửa dữ chứ quyết không bao giờ hủy phạm các giới cấm mà chư Phật thời quá khứ, vị lai và hiện tại đã chế định, [chẳng hạn như] làm những việc không trong sạch với người nữ thuộc dòng sát-lỵ, bà-la-môn, trưởng giả hay cư sĩ…’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà ta dùng sắt nóng đắp quanh thân hình chứ quyết không bao giờ dám nhận y phục của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà ta bỏ hòn sắt nóng vào miệng nuốt chứ quyết không bao giờ dám dùng đến những thức ăn uống của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà nằm trên sắt nóng chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận giường nằm, nệm gối của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Thà thân ta phải chịu đựng ba trăm mũi giáo chứ quyết không bao giờ dám nhận thuốc men của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà nhảy vào nồi sắt nóng chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận phòng ốc, nhà cửa của người đàn việt có tín tâm khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà tự dùng chùy sắt đập nát toàn thân này thành bụi nhỏ chứ quyết không bao giờ dám thọ nhận sự cung kính lễ bái của các hàng sát-lỵ, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ… khi tự mình đã phá giới.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà dùng lưỡi đao, giáo bằng sắt nóng mà tự khoét hai mắt ra chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô nhìn những hình sắc đẹp bên ngoài.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dùi sắt tự đâm thủng lỗ tai chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà lắng nghe những âm thanh hay lạ [của thế tục].’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dao bén tự cắt bỏ mũi mình chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham ngửi các mùi thơm.’

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà lấy dao bén tự cắt đứt lưỡi mình chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham đắm những vị ngon.”

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại phát nguyện rằng: ‘Ta thà dùng lưỡi búa sắc bén tự chặt đứt thân mình, chứ quyết không bao giờ đem tâm nhiễm ô mà tham đắm những sự xúc chạm êm ái.’

“Vì sao vậy? Vì những nhân duyên ấy có thể làm cho người tu hành đọa vào nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn giới cấm. Bồ Tát ma-ha-tát giữ gìn các giới cấm như vậy rồi, liền bố thí [mọi công đức thành tựu] cho hết thảy chúng sanh. Vì nhân duyên ấy, nguyện cho tất cả chúng sanh đều giữ gìn giới cấm, được giới thanh tịnh, giới tốt lành, giới không thiếu sót, giới không bị hủy phá, giới Đại thừa, giới không thối chuyển, giới tùy thuận, giới rốt ráo, giới thành tựu đầy đủ các pháp ba-la-mật.

“Thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát tu trì giới thanh tịnh như vậy, liền được bắt đầu trụ vào địa vị Bất động.[62] Sao gọi là địa vị Bất động? Bồ Tát trụ vào địa vị Bất động thì không còn có những sự dao động, sa đọa, thối chuyển hay tán thất.

“Thiện nam tử! Ví như núi Tu-di, lốc xoáy và những cơn gió mạnh không thể làm cho núi ấy lay động, sụp đổ, đẩy lùi hay vỡ nát. Vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Bất động cũng vậy, không hề bị dao động vì hình sắc, âm thanh, hương vị, xúc cảm… không còn bị sa đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, không thể thối lui trở lại địa vị Thanh văn, Phật Bích chi, không bị những luồng gió tà kiến làm cho tán loạn mà rơi vào nếp sống tà vạy không chân chánh.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bất động còn có nghĩa là không bị dao động bởi tham dục, sân khuể, ngu si; không sa đọa còn có nghĩa là không rơi vào Bốn cấm giới nặng; không thối chuyển còn có nghĩa là không thối lui, buông bỏ giới luật mà quay về đời sống thế tục; không tán thất còn có nghĩa là không vì trái nghịch với kinh điển Đại thừa mà phải bị tán loạn, hư hoại mất.

“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng không bị các ma phiền não làm khuynh động, không bị ma năm ấm làm sa đọa. Cho đến khi [sắp thành đạo] ngồi nơi đạo tràng dưới cội cây Bồ-đề, tuy có chúng ma từ cõi trời đến quấy phá cũng không thể làm cho Bồ Tát thối lui đối với quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bồ Tát cũng không còn bị ma chết làm tán hoại.

“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu tập Thánh hạnh.

“Thiện nam tử! Sao gọi là Thánh hạnh? Thánh hạnh, đó là chỗ hành trì của Phật và Bồ Tát. Vì thế nên gọi là Thánh hạnh.

“Vì sao gọi chư Phật, Bồ Tát là thánh nhân? Vì các vị ấy có pháp của bậc thánh, thường quán xét tánh rỗng không vắng lặng của các pháp. Vì nghĩa ấy, nên gọi là thánh nhân. Vì có giới của bậc thánh nên gọi là thánh nhân. Vì có định, huệ của bậc thánh nên gọi là thánh nhân. Vì có Bảy món báu của bậc Thánh là: tín, giới, tàm, quý,[63] đa văn, trí huệ, xả ly, cho nên gọi là Thánh nhân. Lại có bảy Thánh giác[64] nên gọi là Thánh nhân. Vì nghĩa ấy, nên lại gọi là Thánh hạnh.”

KINH ĐẠI BÁT NIẾT-BÀN
HẾT QUYỂN MƯỜI MỘT
[54] Theo Nam bản thì từ đây bắt đầu quyển 11, phẩm Thánh hạnh thứ 19, phần một.

[55] Tăng phường: Nơi tu tập của chư tăng, như chùa chiền, tinh xá…

[56] Ba tấm pháp y: Bộ pháp phục của vị tỳ-kheo gồm ba tấm y là y an-đà-hội, y uất-đa-la-tăng và y tăng-già-lê. Người đã xuất gia chỉ được mặc các y này, không được sử dụng y phục của người thế tục.

[57] Đột-kiết-la hay Bách chúng học pháp (100 điều cần phải học) là những giới nhỏ nhặt nhất trong giới luật của vị tỳ-kheo, quy định chi tiết cách ứng xử hàng ngày, tạo nên oai nghi tế hạnh của người xuất gia. Những pháp này rất chi ly, nhỏ nhặt và không nhất thiết mỗi mỗi khi phạm vào đều phải bị xử phạt, nhưng lại là khuôn mẫu rất quan trọng để vị tỳ-kheo có thể sống tốt đời sống tu tập.

[58] Năm món cay (ngũ vị tân): 1. tỏi (đại toán), 2. hành (cách thông), 3. hẹ (từ thông), 4. kiệu (lan thông), 5. nén (hưng cừ). Năm món này có vị cay nồng, kích thích sự ham muốn nhục dục, nên người xuất gia không nên ăn.

[59] Trò ba-la-tắc: một trò chơi đặc biệt ở Ấn Độ thời cổ, gồm 2 người chia ra hai phe, cưỡi trên voi hoặc ngựa, xông vào đấu trường để tranh nhau một vị trí định trước, ai được là thắng. Trong kinh văn Hán tạng đôi khi cũng gọi trò chơi này là tượng mã đấu, nhưng thật ra chỉ là trò chơi cưỡi trên lưng voi, ngựa chứ voi và ngựa thật không đấu nhau.

[60] Cờ tám đường quanh thành: Nguyên bản là “bát đạo hành thành”. Theo Thụy ứng bản khởi kinh thì đây là một trò chơi giống như đánh cờ, dùng tám bức vẽ làm đường đi cho các quân cờ, mô phỏng sự kiện thái tử ra khỏi thành xuất gia có bốn vị thiên vương theo chân ngựa thái tử… Tuy không hiểu cụ thể nhưng có thể biết đây là một trò giải trí thời đó.

[61] Tà mạng: Trái với chánh mạng, nghĩa là sanh sống bằng những hành vi, nghề nghiệp tà vạy, không chân chánh. Tà mạng của người cư sĩ là những nghề nghiệp gây tổn hại đến người khác, nhưng đối với vị tỳ-kheo thì chánh mạng là phải dùng việc khất thực đúng pháp để nuôi sống, nên nếu làm bất cứ việc gì không đúng Chánh pháp để kiếm sống đều gọi là tà mạng, chẳng hạn như tất cả các nghề nghiệp của thế gian.

[62] Bất động địa, là địa vị tu chứng thứ 8 trong Thập địa của hàng Bồ Tát. Đạt đến địa vị này, Bồ Tát không còn bị dao động bởi bất kỳ một cảnh ngộ nào, và đã biết chắc khi nào mình sẽ thành tựu quả vị Phật.

[63] Tàm và quý: Tàm có nghĩa là tự hổ thẹn với chính mình về những việc sai trái đã mắc phải. Quý có nghĩa là xấu hổ với người khác vì đã làm chuyện sai trái. Như vậy, người có đủ hai đức tàm và quý thì dẫu có hay không có sự chứng kiến của người khác cũng chẳng hề phạm vào những điều xấu ác.

[64] Bảy Thánh giác, hay Thất Thánh giác, cũng gọi là Thất giác chi, Thất giác ý, bao gồm: 1. Trạch pháp giác chi 2. Tinh tấn giác chi 3. Hỷ giác chi  4. Khinh an giác chi 5. Niệm giác chi 6. Định giác chi và 7. Xả giác chi.

Pages: 1 2 3 4