PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 7: MẬT THÂN CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Tịch Tuệ đến trước Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ thưa:

–Thưa Đại bí mật chủ! Bồ-tát hãy vì tôi mà lược nói về bí mật của Như Lai. Sao gọi là pháp bí mật của Như Lai?

Bồ-tát Kim Cang Thủ bảo Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Này thiện nam! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Nay ta nương vào oai thần của Phật vì ông mà nói bí mật của Như Lai. Có ba thứ mật: Một là mật thân; hai là mật ngữ; ba là mật tâm. Sao gọi là mật thân của Như Lai?

Này Tịch Tuệ! Nghĩa là Như Lai ở trong không tư duy, không phân biệt mà có khả năng thị hiện các tướng oai nghi.

Này thiện nam! Hoặc trời hoặc người, nếu có ai muốn thấy Như Lai ngồi rồi mới sinh tâm tôn trọng, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai ngồi; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai đi, liền cho những người ấy thấy Như Lai đi; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai đứng, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai đứng; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai nằm, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai nằm; hoặc có trời, người muốn nghe Như Lai nói pháp rồi mới sinh tâm tôn trọng, liền khiến cho những người ấy thấy Phật nói pháp; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai im lặng, liền khiến những người ấy thấy Như Lai im lặng; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai thiền định, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai thiền định; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai xả định, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai xả định; hoặc có trời, người muốn thấy Như Lai quán mà mắt không nháy, liền khiến cho những người ấy thấy Như Lai quán sát mà không nháy; hoặc có trời, người muốn thấy thần thông biến hóa của Phật, liền khiến cho những người ấy thấy thần thông biến hóa của Phật; hoặc có trời, người muốn quán tướng sắc vàng của Phật, liền khiến cho những người ấy thấy được thân sắc vàng; hoặc có người muốn thấy tướng màu bạc, màu thủy tinh, màu lưu ly, màu mã não, màu san hô, màu hổ phách, màu châu đỏ, màu châu trắng, cùng với các màu xanh, vàng, đỏ, trắng… như màu mặt trăng, màu mặt trời, màu lửa, màu ánh sáng tụ lại, màu Đế Thích, màu Phạm vương, màu tuyết, màu vàng của giống chim mái, màu châu sa, màu nước, màu hoa Vô ưu, màu hoa Chiêm-ba-ca, màu hoa Tô-mana, màu hoa Bà-sư-ca, màu hoa Câu-mẩu-bà, màu hoa Bát-nột-ma, màu hoa Bôn-noa-lợi-ca, màu các loại hoa đẹp, màu Tỳ-sa-môn Thiên vương, màu Trì Quốc Thiên vương, màu hoa sen mới nở, màu tạng bảo cát tường, màu ma-ni bảo, màu đế thanh bảo, màu hư không tịnh quang; các màu sắc tướng như vậy, cho đến sắc tướng vô biên công đức, Đức Như Lai tùy theo sự tin muốn của những trời, người ấy, mà khiến cho chúng thấy được thân sắc tướng của Phật.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Cho đến tam thiên đại thiên thế giới,

hằng hà sa số tất cả chúng sinh đều được thân người, các chúng sinh ấy đối với thân hình hiển sắc tướng và oai nghi của Phật Như Lai, tùy theo sự suy nghĩ tin hiểu thảy đều thành tựu. Như một chúng sinh tin hiểu cũng như vậy. Tất cả chúng sinh ấy đối với hình hiển sắc tướng và các oai nghi của Như Lai, suy nghĩ tin hiểu đều được thành tựu. Lại nữa, tâm tin hiểu của chúng sinh mỗi mỗi đều sai biệt.

Tịch Tuệ! Do duyên như vậy, cho nên Như Lai rộng khiến tất cả chúng sinh đều tùy theo sự tin hiểu sự oai nghi mà sinh tâm hoan hỷ, rồi tùy theo khả năng tin hiểu đó khiến các chúng sinh hiểu biết sự oai nghi của Như Lai. Không phải vì thế mà làm cho thân tâm của Như Lai bị loạn động, cũng không tìm hiểu mà có thể biết hành nghiệp tâm ý sai biệt đời trước của tất cả chúng sinh. Thế nên, Đức Như Lai tùy ứng mà rộng hiện oai nghi. Ví như gương tròn trong sáng, đặt ở các nơi để soi các hình sắc, tùy theo treo chỗ nào, thì tất cả hình sắc đều hiện rõ trong gương, những hình sắc được in trong gương đó bình đẳng không tăng, không giảm, mà gương tròn ấy không có suy nghĩ, không có phân biệt.

Này Tịch Tuệ! Đức Như Lai cũng như vậy, biết rõ tâm ý của tất cả chúng sinh, tùy theo sự hiện tướng mà khiến họ hoan hỷ. Tuy vậy, nhưng Phật Như Lai không có suy nghĩ, cũng không có phân biệt, lại không tìm hiểu. Đây gọi là mật thân của Như Lai.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Thân của Như Lai không phải do uẩn, xứ, giới tạo thành, cũng không phải do nghiệp tạo thành, cũng không phải từ phiền não sinh, không từ nơi bào thai cha mẹ sinh ra, không phải Yết-la-lam v.v… đại chủng sinh ra, không phải máu, thịt, nhiễm ô, gân xương liền nhau, hơi thở ra vào v.v… nuôi dưỡng mà sinh ra.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Thân Như Lai chính là chẳng phải thân, nghĩa là Pháp thân như thân hư không, chẳng phải thân sắc tướng, mà là thân lìa các hý luận, không có sở hành. Nếu các chúng sinh để được hóa độ muốn thấy sắc tướng sinh lòng tin tôn trọng, thì Như Lai mới hiện sắc thân các cảnh đối ngại. Nếu các chúng sinh muốn pháp lìa tướng sinh lòng tin tôn trọng, đối với tất cả mọi nơi, tất cả chủng loại, không có cảnh đối ngại, thì ngay cả Thiên nhãn cũng không thể nhìn thấy.

Tịch Tuệ nên biết! Cái thấy của tất cả đại chúng trong hội đều khác. Hoặc có chúng sinh, có người thấy thân Phật, có người lại không thấy. Hoặc có người xa thì thấy, mà gần lại không thấy; hoặc gần thấy mà xa không thấy. Hoặc xa cũng không thấy, mà gần cũng không thấy. Hoặc tâm chuyên chú thì thấy, tán loạn thì không thấy; hoặc tán loạn thì thấy mà chuyên chú thì không thấy. Hoặc người khác quán thì thấy, mình quán thì không thấy; hoặc mình quán thì thấy, mà người khác quán thì không thấy. Hoặc trong cảnh mộng thì thấy, mà khi tỉnh dậy thì không thấy; hoặc lúc thức thì thấy, lúc trong mộng thì không thấy. Hoặc trong định thì thấy, xả định lại không thấy; hoặc xả định thì thấy, mà trong định thì không thấy. Hoặc tưởng thiện thì thấy, tưởng bất thiện thì không thấy; hoặc tưởng bất thiện thì thấy, tưởng thiện thì không thấy. Hoặc tâm tỉnh thức thì thấy, tâm không tỉnh thức thì không thấy, hoặc tâm không tỉnh thức lại thấy, mà tỉnh thức thì không thấy. Hoặc tâm gia hạnh thì thấy, mà không gia hạnh thì không thấy; hoặc tâm không gia hạnh lại thấy, mà gia hạnh thì không thấy. Những thứ sai biệt như vậy và vô lượng tướng khác quán thân Như Lai. Thiên tử ở Sắc giới, thân tướng tịch tĩnh, sở hành tịch tĩnh, oai nghi tề chỉnh, tâm luôn trụ định, khéo tịch tĩnh, khéo điều phục như vậy, nhưng giương mắt lên cũng không thể quán thấy thân lượng sắc tướng của Như Lai. Vì sao? Vì thân Như Lai có đầy đủ vô lượng sắc tướng trang nghiêm, ngang bằng với hư không lấy Pháp thân làm tánh.

Ví như hư không rộng lớn vô cùng, thân tướng của Như Lai cũng như vậy. Lại như hư không đâu đâu cũng có, thông đạt tất cả; thân tướng của Như Lai cũng lại như vậy, hòa nhập khắp tất cả và thông đạt hết tất cả. Lại như hư không lìa các hý luận; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, lìa mọi hý luận. Lại như hư không nuôi lớn tất cả chúng sinh; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, nuôi lớn tất cả chúng sinh. Lại như hư không không có chủng loại, không có phân biệt; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, không có chủng loại, không có phân biệt. Lại như hư không hòa nhập vào tất cả sắc tướng quang minh; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, hòa nhập vào tất cả sắc tướng quang minh. Lại như tất cả sắc tướng quang minh đều trụ trong hư không; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, tất cả sắc tướng quang minh của chúng sinh đều trụ vào thân Phật. Lại như tất cả thuốc thang, cỏ cây, vườn rừng đều nương vào hư không mà phát triển tươi tốt; thân tướng Như Lai cũng lại như vậy, làm tươi tốt tất cả căn lành của chúng sinh. Lại như hư không, không phải thường, không phải không thường, không thể đem lời nói để trình bày; thân Như Lai cũng lại như vậy, không phải thường, không phải vô thường, không thể dùng lời nói để trình bày, cũng không thể quán đảnh tướng của Như Lai.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Ta không thấy có tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… ở thế gian mà có thể quán thấy đảnh tướng của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì sao? Này Tịch Tuệ! Ta nhớ lúc Đức Thế Tôn Như Lai thành đạo chưa được bao lâu, chuyển diệu pháp luân tại vườn Lộc dã chư Thiên đọa xứ, nước Ba-la-nại. Lúc đó, ở phương Đông có Đức Phật Thế Tôn hiệu là Chiêm-ba-ca Hoa Sắc, thế giới tên là Như huyễn, nước tên Điều oán. Thế giới ấy có vị Bồ-tát tên là Phong Trì, đến thế giới Ta-bà này chiêm ngưỡng đảnh lễ thân gần Đức Thế Tôn Như Lai. Đến rồi, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi đứng trước Thế Tôn. Khi ấy, Bồ-tát Phong Trì nương vào oai thần của Phật nghĩ như vầy: “Thân tướng của Phật Thế Tôn to lớn vô lượng, vô biên, không thể quán thấy đảnh của Ngài, nay ta đối với thân vô lượng, vô biên của Thế Tôn cầu xin thân có hạn lượng.”

Bồ-tát Phong Trì nghĩ như thế rồi, tự thấy thân mình cao đến sáu vạn tám ngàn do-tuần, thấy thân tướng Phật cao tám trăm bốn mươi vạn do-tuần. Lại nghĩ như vầy: “Ta nay tự dùng sở đắc du hý thần lực để tính xem thân tướng vô biên của Như Lai.”

Nghĩ như vậy rồi, Bồ-tát liền thừa oai thần Phật, tự dùng sức thần thông bay lên phương trên vượt qua trăm ngàn ức cõi Phật, có thế giới tên Đại liên hoa, Phật hiệu Liên Hoa Cát Tường Tạng Vương Như Lai, hiện đang nói pháp giáo hóa chúng sinh. Bồ-tát đến rồi, quán sát kỹ lưỡng, nhưng cũng không thể thấy được đảnh tướng của Như Lai, lại cũng không thể tính biết thân tướng Phật là bao nhiêu. Lúc đó Bồ-tát Phong Trì đến trước Đức Thế Tôn Liên Hoa Cát Tường Tạng Vương Như Lai, đảnh lễ sát chân Phật nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi đến trước bạch rằng:

–Bạch Thế Tôn! Con đến đây cách thế giới Ta-bà gần xa bao nhiêu?

Đức Phật ấy đáp:

–Này thiện nam! Quá trăm ngàn ức triệu cõi Phật rồi mới đến thế giới này.

Bồ-tát Phong Trì bạch với Đức Phật ấy:

–Bạch Thế Tôn! Đã cách xa như thế sao con không thấy đảnh tướng của Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni Như Lai và cũng không thể quán biết thân của Phật là bao nhiêu, cho nên con mới từ xa đến đây để thưa hỏi.

Đức Phật ấy đáp:

–Này thiện nam! Giả sử như nay ông dùng hết thần lực bay đến tất cả thế giới ở tận phương trên, trải qua hằng hà sa số kiếp đi chăng nữa, cũng không thể biết được thân vô biên của Phật Thíchca.

Lại nữa, này thiện nam! Giả sử đem hết tất cả pháp ra để ví dụ cũng không thể ví dụ. Đức Phật Thích-ca Như Lai có Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, đầy đủ các công đức, hoặc thân, ngữ, tâm; hoặc sắc hoặc tướng, đem tất cả pháp ví dụ cũng không thể ví dụ hết được. Vì Đức Như Lai ấy vượt hơn số đếm, chỉ trừ hư không mới có thể ví dụ được.

Những gì được gọi là Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến của Như Lai cũng như hư không; hoặc thân, ngữ, tâm, hoặc sắc hoặc tướng, ở đây nói, tất cả đều như hư không. Vì thế nên biết, hư không vô lượng, nên thân tướng của Như Lai cũng vô lượng.

Tịch Tuệ! Bồ-tát Phong Trì ở chỗ Đức Phật Liên Hoa Cát Tường Tạng Vương Như Lai nghe nói vậy rồi sinh tâm hy hữu, vui vẻ phấn khởi thích thú khoái lạc, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải bảy vòng, nương vào oai thần của Phật trong khoảng sát-na rời khỏi cõi Phật ấy, trở về thế giới Ta-bà, đứng trước Phật Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, chắp tay chí thành hướng lên Phật Thế Tôn nói kệ rằng:

Tất cả pháp Phật rất rộng lớn
Ngang bằng hư không thật vô biên
Nếu ai muốn biết ngằn mé ấy
Người ấy chiêu lấy sự tổn hại.
Con đã vượt qua trăm ngàn ức
Hằng hà sa số các cõi Phật
Đến thế giới của Phật Như Lai
Vì muốn quán xem lượng thân Phật.
Khi con đến cõi Phật kia rồi
Thế giới tên là Đại liên hoa
Nhưng vẫn không thể thấy đảnh Phật
Cũng không biết được thân bao nhiêu.
Hóa chủ Thế Tôn ở cõi ấy
Hiệu là Cát Tường Tạng Vương Tôn
Phật ấy biết rõ ý tưởng con
Nên đã vì con nói thế này:
Nếu người muốn dùng pháp thí dụ
Để đem dụ pháp Phật vô biên
Đã không biết được thân tướng Phật
Trở lại chuốc lấy tội báng Phật.
Chỉ có một pháp đem ví dụ
Đồng với pháp Phật không có khác
Đó là hư không rộng vô biên
Không thể biết được ngằn mé đó.
Như hư không kia thật to lớn
Công đức của Phật cũng như vậy
Là Giới, Định, Tuệ, Giải thoát môn
Cùng với Giải thoát tri kiến thảy
Như số lượng lớn của hư không
Sắc tướng của Phật cũng như vậy
Đảnh tướng cao rộng không thể quán
Cùng với hư không giới không khác,
Như hư không kia rất bao la
Thân Phật rộng lớn cũng như trên
Do thân rộng lớn thật vô biên
Ánh sáng chiếu khắp cũng như vậy,
Do ánh sáng rạng ngời như thế
Mật ngữ rộng lớn cũng như vậy
Mật ngữ rộng lớn không ngằn mé
Mật tâm to lớn cũng như thế,
Do vì mật tâm lớn như thế
Lòng từ chư Phật cũng như vậy,
Lòng Từ chư Phật rộng vô biên
Trí Phật rộng lớn cũng như vậy,
Bởi do trí Phật lớn như thế
Nên thân Phật lớn cũng như vậy
Bồ-đề phát sinh phước thù thắng
Rộng lớn vô cùng cũng như vậy.
Từ tâm Bồ-đề sinh ra phước
Tướng thù thắng từ phước sinh ra
Hư không giới rộng lớn vô biên
Phát sinh các công đức tối thượng
Chỗ có tất cả chúng sinh loại
Rộng nhiếp tất cả các phước uẩn
Tất cả Bồ-tát cũng như vậy
Đều từ tâm Bồ-đề mà ra
Chỗ có tất cả chúng Bồ-tát
Tuyên nói phước uẩn thật rộng lớn
Nếu hay hộ trì chánh pháp môn
Hộ trì phước, tụ phước hơn nhiều
Giả sử trí Gia hạnh của Phật
Trải qua ức kiếp để tuyên dương
Hộ trì chánh pháp phước vô biên
Không thể biết hết số tận cùng.
Tâm đại Bồ-đề sinh ra phước
Hộ trì chánh pháp phước vô biên
Nếu đem so sánh Không giải thoát
Trong mười sáu phần không bằng một
Không giải thoát môn đã nhiếp thuộc
Cũng lại không lìa tâm Bồ-đề
Hộ trì chánh pháp các phước môn
Tất cả đều cùng nhiếp vào đấy.
Nếu hay hiểu rõ pháp thú này
Thì là Bồ-tát đại danh xưng
Bồ-đề công đức được vô biên
Đây chính là tu hạnh Bồ-tát.
Khi con đã nói kệ này rồi
Trăm ngàn ức cõi đều chấn động
Có trăm ngàn ức hàng trời, người
Đánh trống thổi kèn ca vô số,
Có trăm ngàn ức số chúng sinh
Đều phát tâm Bồ-đề rộng lớn
Nghe đại oai thần Phật như vậy
Nay con, Phong Trì như thật nói
Phật có chẳng nghĩ bàn như vậy
Vô lượng, vô biên, lại vô thượng
Chư Phật rộng hiện các tướng môn
Là trí tự nhiên chân bí mật.

Tịch Tuệ nên biết! Nói như vậy tức là bí mật của Như Lai.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Thân tướng của Như Lai, trong một chúng hội mà có người thấy, có người không thấy. Người được thấy thì hoan hỷ chiêm ngưỡng, còn người không thấy thì im lặng ngơ ngác.

Tịch Tuệ nên biết! Đức Như Lai không nuôi sống bằng đoàn thực. Lại có chúng sinh thấy Phật cũng thọ thức ăn thế gian, có oai lực đầy đủ tu hạnh Bồ-đề, các chúng Hiền thánh thường đi theo sau nhận thức ăn vào trong bình bát. Do vậy nên chúng sinh thấy Phật Như Lai đều đem thức ăn bỏ vào trong bát. Các Hiền thánh ấy đã thọ thực rồi, nếu có chúng sinh ở trong pháp Phật đáng được hóa độ, căn lành đời trước nghiệp chướng đã hết, tuy đang hiện diện khắp nơi, nhưng không được ăn uống, phải chịu đói khát ốm gầy, do nhờ vào thiện lực đời trước đó, cho nên các chúng sinh ấy được ăn các thức ăn dư của Như Lai. Ăn uống no đủ rồi, tâm được khinh an thân thể tươi nhuần, thâm tâm thanh tịnh, liền phát tâm đạt đến quả vị Giác ngộ cao tột. Nếu các chúng sinh đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, ác thú, không thể phát tâm đại Bồ-đề. Vì lý do đó cho đến tận cảnh giới Niết-bàn. Tịch Tuệ nên biết! Như Lai không thọ thức ăn thế gian, mà Như Lai chỉ nuôi sống bằng Pháp thực. Thân Phật kiên cố như trời Na-la-diên, do chân thật cho nên không bị phá hoại, là từ Kim cang mà thành.

Tịch Tuệ! Thân Như Lai không phải sinh từ thục tạng mà thành, cũng không phải từ sữa mẹ tạp nhạp bất tịnh mà thành. Thân Như Lai là vàng Diêm-phù-đàn, không có khiếm khuyết, không đoạn, lìa các lỗi lầm. Thân Như Lai đầy đủ oai lực, thể lại chắc chắn cũng như Kim cang, rất mềm mại như y Ca-tả-lân-na, ai sờ vào thân Phật đều được diệu lạc.

Tịch Tuệ nên biết! Thuở nọ có các Thiên tử, Thiên nữ đầy đủ oai lực đảnh lễ sát chân Phật, khi đảnh lễ sờ vào chân Phật, sờ xong liền phát tâm đạt được quả vị Giác ngộ cao tột. Vì thế nên biết, Như Lai không sinh từ tạp nhiễm.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Ở thế gian chúng sinh có tâm tham, chỉ thoáng thấy qua thân Như Lai, tự thân liền sinh tưởng lìa tham. Chúng sinh có tâm sân thoáng thấy qua thân Như Lai, liền khởi lên tâm Từ. Chúng sinh có tâm si thoáng thấy qua thân Như Lai, liền được trí sáng chiếu diệu. Chúng sinh có tâm đẳng phần thoáng thấy qua thân Như Lai, được lìa phiền não. Chúng sinh keo kiệt thoáng thấy qua thân Như Lai, liền tin hiểu xả pháp. Chúng sinh phá giới thoáng thấy qua thân Như Lai, liền tin hiểu giới pháp thanh tịnh. Chúng sinh có tâm giận dữ thoáng thấy qua thân Như Lai, liền được pháp nhẫn. Chúng sinh biếng nhác thoáng thấy qua thân Như Lai, liền khởi lên siêng năng. Chúng sinh có tâm tán loạn thoáng thấy qua thân Như Lai, liền được tịch định. Chúng sinh ngu si thoáng thấy qua thân Như Lai, liền được tuệ thù thắng. Này thiện nam! Nói tóm lại nếu các chúng sinh thoáng thấy qua thân Như Lai, không bao giờ xa lìa thiện pháp, tất cả sự bất thiện, nghi ngờ v.v… các nhiễm pháp thảy đều tiêu trừ, an lập thiện tâm. Tuy vậy, nhưng Như Lai vẫn thường an trụ không có xả phân biệt. Đây gọi là mật thân của Như Lai.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Lại như Đức Như Lai hóa làm người để làm các Phật sự, mà tâm Phật Như Lai không có gia hạnh, không tìm hiểu, cũng không tác ý, cũng không có ý nghĩ như vầy: “Ta có thể hóa thành các hóa nhân, nhưng chúng sinh được hóa độ đó đáng được hóa độ, hoặc thế giới này hoặc thế giới khác, cho đến trăm ngàn ức thế giới tất cả chúng sinh, vì muốn thành thục làm việc lợi ích.” Đây gọi là mật thân của Như Lai.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Thân Như Lai phóng ánh sáng lớn, có vô số trăm ngàn màu sắc. ánh sáng ấy chiếu khắp mười phương hằng hà sa số cõi Phật, thành thục khắp tất cả chúng sinh. Tuy vậy, nhưng Như Lai không có tìm hiểu, không gia hạnh, không tác ý. Đây gọi là mật thân trong thân nghiệp thanh tịnh của Như Lai.

Tịch Tuệ nên biết! Đây chỉ lược nói về mật thân trong thân nghiệp thanh tịnh của Như Lai. Nếu nói rộng ra thì trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp cũng không thể hết được.

Khi Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nói pháp chẳng nghĩ bàn về mật thân của Như Lai, trong hội có mười ngàn người phát tâm đạt được quả vị Giác ngộ, tám ngàn Bồ-tát được Pháp nhẫn.

Đồng thời trong hội có các chư Thiên rải hoa lên trên Đức Phật và cúng dường Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ. Lúc đó Đức Thế Tôn duỗi cánh tay phải sắc vàng rờ lên đảnh đầu của Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ khen ngợi:

–Hay thay, hay thay, Đại bí mật chủ! Ông đã khéo tuyên nói pháp chẳng nghĩ bàn về mật thân của Như Lai mà ta đều biết cả. Pháp của ông đã nói ta nay tùy hỷ.