LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Năm trăm Đại A-la-hán cùng tạo luận
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch Phạn sáng Hán
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

CHƯƠNG VI: CĂN UẨN

Phẩm Thứ Bảy: LUẬN VỀ NHÂN DUYÊN

(Cuối quyển 156)

Các căn là nhân của quá khứ, thì căn ấy duyên với quá khứ chăng? Các chương như vậy và giải thích về nghĩa từng chương đã lĩnh hội rồi, tiếp theo nên phân biệt rộng ra.

Hỏi: Vì sao soạn ra phần luận này?

Đáp: Bởi vì ngăn chặn về ý bác bỏ không có hai đời quá khứ-vị lai, và bác bỏ không có nhân duyên, cho đến nói rộng ra, cho nên soạn ra phần luận này. Trong này, dựa vào hai duyên mà soạn luận, đó là Nhân duyên và Sở duyên duyên.

Hỏi: Vì sao không dựa vào hai duyên còn lại để soạn luận?

Đáp: Bởi vì Đẳng vô gián duyên chỉ có một sát-na, Tăng thượng duyên bao gồm tất cả các pháp, nếu dựa vào hai duyên ấy để soạn luận thì văn nghĩa đều không uyển chuyển phong phú, cho nên ở đây chỉ dựa vào hai duyên mà soạn luận.

Trong này nên đưa ra Tỳ-bà-sa tóm lược, đó là trong hai mươi hai căn, mười bốn căn có sở duyên, tám căn không có sở duyên. Trong căn có sở duyên, thì phẩm tương ưng với năm Thức thân, quá khứ duyên với quá khứ, hiện tại duyên với hiện tại, pháp sinh ở vị lai duyên với vị lai, pháp bất thiện duyên với ba đời; phẩm tương ưng với Ý thức thân tùy theo ở đời nào, nếu sinh hay là không sinh thì đều duyên với ba đời và pháp vô vi.

Lại nữa, căn do kiến Khổ-kiến Tập mà đoạn, cùng duyên với năm bộ; căn do kiến Diệt-kiến Đạo mà đoạn, chỉ duyên với bộ của mình và không đoạn; căn do tu mà đoạn và không đoạn, cùng duyên với năm bộ và không đoạn.

Lại nữa, căn hệ thuộc cõi Dục-Sắc và không hệ thuộc, cùng duyên với hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc; căn hệ thuộc cõi Vô sắc, chỉ duyên với hệ thuộc cõi Sắc-Vô sắc và không đoạn.

Nhân tùy theo sai biệt cũng cần phải nhận biết. Đó gọi là Tỳ-bàsa tóm lược trong phần này. Nghĩa đã nói tùy theo văn giải thích rộng ra, như lý nên biết. Trong đó, tất cả phần đầu đảo lại tóm lược về Nhân mà mở rộng về Duyên, tất cả phần sau đảo lại tóm lược về Duyên mà mở rộng về Nhân. Trong này, các Nhẫn dùng tên gọi của Trí cho nên nói là quyến thuộc của Trí.