TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm Bảy: Phát nguyện

[Giải]    Phần trên khuyến tấn phát tâm Vô thượng Bồ đề, tức là biện minh sự thù thắng khuyến tấn phát tâm, khuyến khích tu tâm Đại bi, hành Bồ tát đạo. Nhân vì có hai phần trên biện minh sự thù thắng để khuyến khích phát tâm, cho nên đến phẩm này trình bày sự chính thức phát nguyện thù thắng đó.

Theo thực thể mà giảng, nguyện tức là lòng mong cầu (Hán: dục). Lòng mong cầu quán thông cả ba tính: thiện, ác và vô ký. Nguyện, ở đây, tức là lòng mong cầu có tính thiện. Nguyện của ba Thừa đều là vô lậu, không phải hữu lậu. Sự phát khởi của nguyện, cũng giống như hạt giống nẩy mầm, ở Trung quốc thường gọi là lập chí. Nguyện và hồi hướng không giống nhau. Sau khi công đức đã viên mãn, đem hướng về một nẽo nào đó, gọi là hồi hướng; còn trước khi có công đức, muốn tu tập công đức, gọi là phát nguyện.

F2. Chánh thức phát thù thắng nguyện
G1. Thiện Sinh hỏi đáp

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Ai là kẻ có thể tu nghiệp ba mươi hai tướng?”

Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Người trí có thể tu.”

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là người trí?

– Thiện nam tử! Người trí là kẻ có thể phát nguyện rộng lớn vô thượng.

[Giải]    Thiện Sinh hỏi tiếp: “Thế nào là trí?”, Phật trả lời: “Phát vô thượng đại nguyện.” Vô thượng, tức là cao nhất, trên hết, có nghĩa là “tâm lượng rộng lớn, chí thú sâu xa”.

G2. Nói tổng quát về việc phát nguyện
I1. Nhân của sự phát nguyện

Bậc Đại Bồ tát sau khi phát tâm, tất cả nghiệp lành của thân, khẩu, ý, đều hồi hướng, đều nguyện vì chúng sinh, trong tương lai được thành Phật, tất cả chúng sinh cũng được thành Phật. Bậc Đại Bồ tát thường gần gũi chư Phật, Thanh văn, Duyên giác, cùng những bậc thiện tri thức, cúng dàng, cung kính, thưa hỏi Phật Pháp thâm sâu, thọ trì không xao lảng.

[Giải]    Đại (Phạn: ma ha), có nghĩa là thù thắng.

Từ lúc chân chánh phát Bồ đề tâm, tức là Bồ tát sơ trụ hoặc sơ địa trở lên.

Phát tâm, tức là phát Bồ đề tâm.

Nguyện, tức là giống như mười đại nguyện vương của Đức Phổ Hiền, mười hai đại nguyện của Phật Dược Sư, bốn mươi tám nguyện của Đức A Di Đà, mỗi đều khác biệt. Bốn hoằng thệ nguyện, tức là nguyện chung. Tất cả không ngoài việc nguyện chúng sinh được hưởng chung thành quả tu hành của hành giả.

Gần gũi, cũng là một trong mười đại nguyện của Phổ Hiền. Hai nguyện này (nguyện trong tương lai thành Phật, nguyện tất cả chúng sinh cũng được thành Phật) vẫn là nguyện chung (Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành và chúng sinh vô biên thệ nguyện độ).

I2. Chánh thức trình bày lời nguyện

Các vị Đại Bồ tát ấy phát nguyện rằng: “Con nay gần gũi chư Phật, Thanh văn, Duyên giác, và bạn lành. Chẳng thà thọ vô lượng khổ não dữ dội, nhưng đối với đạo Bồ đề quyết không thoái chuyển. Chúng sinh nếu dùng lòng độc ác đến đánh đập, chửi rủa, hủy nhục con, nguyện con nhờ nhân duyên nầy, tăng trưởng tâm từ bi, không sinh niệm ác. Nguyện con đời sau, bất cứ chỗ nào, đều không thọ thân người nữ, không căn, hai căn, hoặc làm thân nô tỳ. Lại nguyện thân con được sức lực tự tại, để lĩnh đạo kẻ khác, mà không nguyện cho kẻ khác được sức lực tự tại mà sai khiến con. Nguyện thân con không bị tàn khuyết, và được xa lìa bạn ác. Nguyện con không sinh vào nước dữ, bộ lạc dã man, mà thường sinh vào dòng họ cao sang, dung nhan tuấn tú, của báu tự tại. Nguyện được tâm ý hiền hòa, tự tại, cương nghị và dũng mãnh. Nếu nói ra điều gì, người nghe đều vui nhận. Xa lìa các chướng ngại, không còn phóng dật, lìa bỏ tất cả nghiệp ác của thân, khẩu, ý; thường vì chúng sinh mà làm tất cả sự lợi ích. Vì muốn lợi ích chúng sinh, không tham tiếc thân mệnh, Không vì thân mệnh mình mà tạo nghiệp ác. Khi làm lợi chúng sinh, không cần sự trả ơn. Thường hay thọ trì mười hai phần giáo. Sau khi thọ trì, đem dạy kẻ khác. Có thể dẹp tan sai lầm và nghiệp ác của chúng sinh. Tất cả sự việc trên đời, không gì hơn được. Sau khi được hơn tất cả, giáo hóa chúng sinh. Khéo trị các chứng bệnh nặng nơi thân tâm của chúng sinh. Thấy người chia ly, giúp cho hòa hợp. Thấy người sợ hãi, tìm cách che chở, cứu vớt. Kế đó nói pháp lành, khiến họ nghe xong, tâm ý nhu hòa phục thiện. Thấy chúng sinh đói khát, bố thí thân mình, làm cho họ được no đủ. Nguyện họ không sinh tâm tham ác. Khi ăn thân nầy, nguyện họ không tham luyến, như ăn cây cỏ. Thường hay cúng dàng sư trưởng, cha mẹ, bạn lành và bậc Hiền đức. Đối người thân, kẻ thù, tâm thường bình đẳng. Thường tu pháp lục niệm, quán vô ngã, và mười hai nhân duyên. Nơi không có ngôi Tam bảo, thường ở nơi tịch tĩnh, tu tập tâm từ bi. Tất cả chúng sinh, hoặc nghe tên, hoặc thấy thân, hoặc chạm vào thân, đều được xa lìa phiền não.” Tuy Bồ tát biết rằng, trừ quả Vô thượng Bồ đề ra, không nên cầu quả vị khác, song vì chúng sinh nên vẫn mong cầu, hầu làm lợi ích rộng lớn cho họ.

[Giải]    Người không thoái chuyển, không luận gặp bất cứ sự khổ não nào, dù là đánh, chưởi, hủy nhục, cũng không sinh khởi ác niệm, đây tức là tâm đại từ bi.

Tu hành độ chúng sinh cần phải có tướng mạo, sức lực đầy đủ, người nữ thì lại yếu ớt; không căn, tức là không có tướng trượng phu; hai căn, tức là nam căn, nữ căn không quyết định; thân nô tỳ, thì không có được sự tự tại.

Bồ tát tuy thường tùy thuận chúng sinh, nhưng cần phải có năng lực cải đổi chúng sinh và năng lực giáo hóa chúng sinh, không bị kẻ khác chi phối.

Nước dữ, tức là các nước có vua ác, luật pháp khắc nghiệt. Bộ lạc dã man (Hán: biên duệ), không chỉ nơi nào nhất định, mà muốn chỉ những nơi không có văn hóa, hoặc khí hậu khắc nghiệt (như sa mạc hoặc miền hàn đới).

Sinh vào dòng họ cao sang, ắt được nhiều người khâm phục, kính ngưỡng. Dung nhan tuấn tú, tức là mạnh mẽ hùng dũng. Bệnh nặng nơi tâm, tức là bệnh phiền não.

Trên đây là lời nguyện chính thức.

I3. Nêu rõ quả báo của sự phát nguyện
J1. Nêu tổng quát lợi ích của sự lập nguyện

Thiện nam tử! Bồ tát nếu lập đại nguyện như vậy, phải biết kẻ đó là vị trưởng giả đầy đủ vô thượng pháp tài, đang cầu ngôi vị Pháp vương mà chưa được.

[Giải]    Bồ tát vì lợi ích chúng sinh nên cầu được ngôi vị Pháp vương. Lúc phát nguyện vẫn còn chưa chứng được quả vị này, thế nhưng, nếu có thể lập những lời thệ nguyện như trên, tức đã là vị trưởng giả đầy đủ pháp tài.

J2. Nêu riêng trưởng giả đầy đủ pháp tài

Thiện nam tử! (1) Bậc Đại Bồ tát làm tròn ba việc thì được gọi là vị trưởng giả đầy đủ pháp tài: một là tâm không ưa thích kinh điển ngoại đạo; hai là tâm không tham luyến cảnh vui sinh tử; ba là thường ưa thích cúng dàng Tam Bảo. (2) Lại có ba việc: một là vì chúng sinh thọ khổ, tâm không hối hận; hai là đầy đủ trí tuệ vi diệu vô thượng; ba là khi đủ pháp lành, không sinh kiêu mạn. (3) Lại có ba việc: một là vì chúng sinh mà chịu khổ địa ngục, nhưng vẫn xem như thọ sự vui của cõi Tam thiền; hai là thấy người khác được lợi, tâm không sinh ghen ghét; ba là không vì quả báo trong sinh tử mà tạo nghiệp lành. (4) Lại có ba việc: một là thấy người thọ khổ, coi như chính mình thọ; hai là làm tất cả điều lành đều vì chúng sinh; ba là khéo lập phương tiện làm người thoát khổ. (5) Lại có ba việc: một là quán sát sự vui trong sinh tử như rắn độc; hai là ưa trong cảnh sinh tử làm lợi ích chúng sinh; ba là quán Vô sinh pháp nhẫn có nhiều công đức. (6) Lại có ba việc: một là vì lợi ích chúng sinh mà bố thí thân thể; hai là bố thí mệnh sống; ba là bố thí của cải. (7) Lại có ba việc: một là nghe nhiều Phật pháp không nhàm chán; hai là nhẫn chịu cảnh ác; ba là dạy kẻ khác tu nhẫn nhục. (8) Lại có ba việc: một là hay xét lỗi mình; hai là khéo che lỗi người; ba là ưa tu tâm từ. (9) Lại có ba việc: một là chí tâm thọ trì cấm giới; hai là dùng pháp Tứ Nhiếp thâu phục chúng sinh; ba là lời nói dịu dàng không thô bạo. (10) Lại có ba việc: một là đem Phật pháp bố thí chúng sinh; hai là đem tài sản bố thí chúng sinh; ba là khuyến khích chúng sinh bố thí tài sản và Phật pháp. (11) Lại có ba việc: một là thường đem pháp Đại Thừa giáo hóa chúng sinh; hai là thường tu tập làm tiến bộ; ba là không khinh mạn chúng sinh. (12) Lại có ba việc: một là dù đầy phiền não, nhưng vẫn nhẫn chịu được; hai là tuy biết phiền não nhiều lỗi lầm, lòng vẫn an vui không nhàm chán; ba là tuy mình đầy đủ phiền não, có thể diệt trừ phiền não cho kẻ khác. (13) Lại có ba việc: một là thấy người được lợi, vui như mình được; hai là được sự an vui, không giữ riêng mình hưởng thọ; ba là đối giáo pháp Tiểu Thừa, không sinh tâm tự mãn. (14) Lại có ba việc: một là nghe sự khổ hạnh của Bồ tát, tâm không kinh sợ; hai là có người đến xin, không bao giờ từ chối; ba là không bao giờ nghĩ mình hơn tất cả.

[Giải] Mười bốn loại ba việc này, như trong văn trình bày, tương đối dễ hiểu.

J3. Nêu rõ vị Pháp vương tự tại

Thiện nam tử! Bồ tát nếu quán nhân, quán quả, quán nhân quả, hay là quán quả nhân, Bồ tát đó có thể đoạn nhân quả thế gian. Nếu Bồ tát có thể đoạn trừ được nhân quả, chứng được nhân quả, thì gọi là pháp quả, là vua của các pháp, tự tại với các pháp.

[Giải]    Ở đây biện minh năng quán, sở quán, gây thiện nhân thì được thiện quả, xả bỏ ác nhân thì thoát ly được ác quả.

Từ nhân quán sát quả, gọi là quán nhân quả; từ quả quán nhân, gọi là quán quả nhân. Như quán khổ, tập, diệt, đạo, tức là từ quả quán nhân.

Đoạn được nhân quả, mới có thể chứng đắc nhân quả. Đoạn nhân quả, tức là đoạn đức; còn chứng đắc nhân quả, tức là ân đức và trí đức.

Vua, có nghĩa là tự tại, có thể chi phối tất cả, mà không bị một ai chi phối. Kinh Pháp Hoa có nói: “Ta là pháp vương, tự tại với tất cả các pháp.”

Tâm của phàm phu, cũng có thể gây tạo tất cả pháp, cho nên gọi là tâm vương; thế nhưng chưa đạt đến trình độ tự tại đối với tất cả các pháp, cho nên chưa được gọi là pháp vương.

G3. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia lập nguyện như vậy không khó, Bồ tát tại gia lập nguyện như vậy mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Đoạn này nói cần phải thường thường tinh tiến, không phóng dật, khuyến khích phát tâm và cảnh tỉnh hàng Bồ tát tại gia.