LUẬN ĐẠI TRÍ ĐỘ
Tác giả: Bồ tát Long Thọ
Hán dịch: Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thiện Siêu

 

GIẢI THÍCH: PHẨM BA GIẢ THỨ 7

(Kinh Đại Bát-nhã ghi: Phần 2, Phẩm Thiện Hiện thứ 6)

KINH: Bấy giờ Phật bảo Tuệ mạng Tu-bồ-đề: Ông hãy dạy Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát ma-ha-tát, như các Bồ-tát maha-tát đáng được thành tựu Bát-nhã ba-la-mật.

Liền khi ấy, các Bồ-tát ma-ha-tát và đại đệ tử Thanh-văn, chư thiên v.v… khởi niệm rằng: Tuệ mạng Tu-bồ-đề dùng sức trí tuệ của mình sẽ nói Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát ma-ha-tát ư? Hay là nhờ sức Phật?

Tuệ mạng Tu-bồ-đề biết tâm các Bồ-tát ma-ha-tát, các đại đệ tử, chư thiên, liền nói với Tuệ mạng Xá-lợi-phất rằng: Đệ tử Phật dám có thuyết pháp, có giáo thọ, đều nhờ Phật lực. Phật thuyết pháp không trái với pháp tướng. Các thiện nam tử học pháp ấy, được chứng pháp ấy. Phật thuyết pháp như đèn truyền chiếu. Xá-lợi-phất! Hết thảy Thanh-văn, Bích-chi Phật, thật không có năng lực thuyết Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát ma-ha-tát.

Bấy giờ Tuệ mạng Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế Tôn nói Bồ-tát, danh tự Bồ-tát. Pháp gì gọi là Bồ-tát? Bạch Thế Tôn!

Chúng con không thấy pháp gọi là Bồ-tát, làm sao dạy cho Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bát-nhã ba-la-mật cũng chỉ có danh tự gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng chỉ là danh tự. Danh tự ấy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa.

Tu-bồ-đề! Ví như nói tên ngã do hòa hợp mà có. Tên ngã ấy không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói, như các danh tự chúng sinh, thọ mạng, sinh giả, dưỡng dục, chúng số, người, kẻ làm, kẻ khiến làm, kẻ khởi dậy, kẻ khiến khởi dậy, kẻ thọ, kẻ khiến thọ, kẻ biết, kẻ thấy v.v… là pháp do hòa hợp nên có. Các danh tự ấy không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói. Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy, đều do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.

Tu-bồ-đề! Ví như thân do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.

Tu-bồ-đề! Ví như sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.

Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy, đều do hòa hợp nên có, là không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói.

Tu-bồ-đề! Ví như mắt, do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói. Mắt ấy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý, do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói; sắc cho đến pháp cũng như vậy. Nhãn giới do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự thế gian để nói , cho đến ý thức giới cũng như vậy. Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-lamật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy, đều do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự để nói. Danh tự ấy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa.

Tu-bồ-đề! Ví như nội thân, gọi là đầu, chỉ có danh tự; gọi là cổ, vai, tay, lưng, gân, bắp vế, xương đùi, cẳng chân, là do hòa hợp nên có. Pháp ấy và danh tự không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự để nói; danh tự ấy cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy, đều do hòa hợp nên có, chỉ dùng danh tự để nói; pháp ấy cũng không sinh không diệt, không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa.

Tu-bồ-đề! Ví như ngoại vật cỏ, cây, cành, lá, cọng, mắc, tất cả vật ấy chỉ dùng danh tự để nói; pháp ấy và danh tự, cũng không sinh không diệt, chẳng phải ở trong chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở chặng giữa. Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy, đều do hòa hợp nên có; pháp ấy và danh tự, cũng không sinh không diệt, chẳng phải ở trong chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa.

Tu-bồ-đề! Ví như quá khứ chư Phật, do hòa hợp nên có, là cũng không sinh không diệt, chỉ dùng danh tự để nói; pháp ấy cũng chẳng phải trong chẳng phải ngoài, chẳng phải ở giữa. Bátnhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy.

Tu-bồ-đề! Ví như mộng, tiếng vang, bóng, huyễn, sóng nắng, việc biến hóa của Phật, đều là hòa hợp nên có, chỉ dùng danh tự để nói; pháp ấy và danh tự, không sinh không diệt, chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa. Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát cũng như vậy.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, giả đặt ra danh, giả đặt ra thọ, giả đặt ra pháp, như vậy nên học.

LUẬN. Hỏi: Phật đã nói các Bồ-tát ma-ha-tát có phước đức, trí tuệ, lợi căn hơn các Thanh-văn, cớ sao lại sai Tu-bồ-đề thuyết?

Đáp: Trong chương Tướng lưỡi ở trước đã nói, do có hai nhân duyên nên Phật sai khiến Tu-bồ-đề thuyết.

– Lại nữa, Phật có oai đức tôn trọng, vì tâm kính sợ không dám hỏi Phật, sợ không tự mình hỏi hết.

– Lại nữa, Phật biết tâm chúng có nghi, vì chúng sinh kính sợ Phật, không dám phát ra lời hỏi, vì sao? Vì chúng sinh thấy thân Phật như núi Tu-di, lưỡi trùm ba ngàn đại thiên thế giới, thân xuất ra vô lượng các thứ ánh sáng, khi ấy chúng hội, tâm đều kinh sợ, không dám phát ra lời hỏi, mỗi mỗi tự nghĩ: Ta sẽ làm sao theo Phật nghe pháp? Vì vậy, Phật sai Tu-bồ-đề thuyết pháp cho chúng và nói: Ông thuyết pháp đều là do Phật lực, như trong Kinh nói.

– Lại nữa, Bát-nhã ba-la-mật có hai thứ: Một là thuyết chung cho cả Thanh-văn, Bồ-tát, hai là chỉ thuyết cho pháp thân Bồ-tát . Vì tạp thuyết nên sai Tu-bồ-đề trước hết, rồi đến Di-lặc, Xá-lợi-phất, Thích-đề-hoàn nhơn.

Khi ấy, chúng hội nghe Phật sai Tu-bồ-đề thuyết, tâm đều kinh nghi. Tu-bồ-đề biết tâm mọi người, nên nói với Xá-lợi-phất v.v… hết thảy Thanh-văn thuyết được, biết được, đều nhờ Phật lực. Chúng ta sẽ thừa oai lực Phật thuyết pháp; ví như người truyền ngữ, vì cớ sao? Vì Phật thuyết pháp không trái với pháp tướng. Các đệ tử học pháp ấy được chứng ngộ, dám có nói gì đều nhờ Phật lực. Điều chúng ta nói, tức là Phật nói, vì cớ sao? Vì hiện tại ở trước Phật mà thuyết, chứ chúng ta tuy có con mắt trí tuệ, nếu không gặp Phật pháp, thời không thấy gì; ví như đêm đi đường hiểm, không có người cầm đèn, thời không qua được. Phật cũng như vậy, nếu không lấy đèn trí tuệ chiếu soi cho chúng ta, thời chúng ta không thấy gì.

Lại nói với Xá-lợi-phất: Hết thảy Thanh-văn, Bích-chi Phật còn không có sức có thể nói Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát, huống tôi, một người, vì cớ sao? Vì trí tuệ Bồ-tát rất sâu, hỏi đáp sâu xa; các pháp thiển cận khác, đối trước Bồ-tát nói ra còn khó, huống gì pháp sâu xa; như người có thể ăn một hộc cơm mà đi theo xin người chỉ có một đấu cơm để trừ đói, thời không thể trừ được. Vì vậy nên nói Thanh-văn, Bích-chi Phật không có sức có thể nói Bát-nhã cho các Bồ-tát. Tu-bồ-đề rất rõ Bồ-tát tôn quí, Phật cũng nhận như vậy. Nay Tu-bồ-đề muốn thuyết pháp thật tướng nên nói: Trong hết thảy pháp tìm Bồ-tát không thể có được, vì Bồ-tát không thể có được nên danh tự Bồ-tát cũng không thể có được. Vì Bồ-tát, danh tự Bồ-tát không thể có được nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không thể có được. Ba việc ấy không thể có được, ta làm sao dạy Bát-nhã ba-la-mật cho Bồ-tát?

Hỏi: Phật sai Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã cho các Bồ-tát, mà Tubồ-đề nói không có Bồ-tát, là trái với Phật, sao Phật tán đồng?

Đáp: Có hai cách nói: Một là tâm chấp trước mà nói, hai là tâm không chấp trước mà nói. Nay Tu-bồ-đề dùng tâm không chấp trước mà nói Không, Phật không quở trách.

– Lại nữa, Tu-bồ-đề thường thực hành Không Tam-muội, biết các pháp là không, nên Phật bảo Tu-bồ-đề thuyết Bát-nhã ba-la-mật cho các Bồ-tát, mà Bồ-tát là rốt ráo không; thế nên Tu-bồ-đề kinh ngạc nói: Làm sao có Bồ-tát? Phật liền thuật thành: Bồ-tát như vậy từ khi phát tâm lại đây cho đến khi thành Phật đạo, đều rốt ráo không, nên không thể có được. Nếu dạy như vậy, tức là dạy Bát-nhã ba-lamật cho Bồ-tát.

– Lại nữa, phàm có hai pháp: 1. Danh tự, 2. Nghĩa của danh tự. Như lửa có thể chiếu sáng, có thể đốt là nghĩa của nó. Chiếu sáng là tạo sắc, đốt là hỏa đại (đất, nước, gió, lửa là bốn đại năng tạo; sắc, hương, vị, xúc là bốn đại sở tạo – ND). Hai pháp ấy hợp lại gọi là lửa. Nếu lìa hai pháp ấy có lửa, lại phải nên có công dụng thứ ba. Song trừ đốt trừ chiếu sáng lại không có công dụng thứ ba, nên biết hai pháp hòa hợp giả gọi là lửa; tên lửa ấy không ở trong hai pháp, vì sao? Vì pháp có hai, mà lửa là một, một không làm hai, hai không làm một. Nghĩa và danh hai pháp không hợp nhau, vì cớ sao? Vì nếu hai pháp hợp làm một, thời khi nói lửa lẽ phải bị cháy miệng; nếu hai pháp lìa nhau, thời khi tìm lửa lẽ đáng được nước. Có các nhân duyên như vậy, biết lửa không ở trong hai pháp. Nhưng nếu lửa lìa ngoài hai pháp thời khi nghe tên lửa, không nên ở nơi hai pháp sinh tưởng lửa. Nhưng nếu lửa ở chặng giữa hai pháp, thời không có chỗ nương tựa. Hết thảy pháp hữu vi, đều không có chỗ nương tựa, nếu ở trung gian thời không thể biết! Vì vậy, lửa không ở ba chỗ, chỉ có tên giả. Bồ-tát cũng như vậy, do hai pháp là danh và sắc hòa hợp nên gọi là Bồ-tát. Việc sắc khác, việc danh khác, nếu quyết định có Bồ-tát thời nên lại có việc thứ ba, nhưng không có việc ấy, nên biết giả gọi là Bồ-tát. Danh tự Bồ-tát cũng như vậy không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Trong đây Phật nói thí dụ, như năm uẩn hòa hợp nên gọi là ngã, mà thật ngã không thể có được. Chúng sinh cho đến kẻ biết kẻ thấy đều là pháp giả danh do năm uẩn nhân duyên hòa hợp sinh. Các pháp ấy thật không sinh không diệt, thế gian chỉ dùng danh tự để nói. Bồ-tát, danh tự Bồ-tát, Bát-nhã ba-la-mật cũng như vậy, đều là pháp giả danh do nhân duyên hòa hợp. Trong đây Phật lại nói thí dụ.

Có người nói, do năm uẩn hòa hợp có chúng sinh, nên chúng sinh không, nhưng có pháp năm uẩn, Phật nói chúng sinh không, năm uẩn cũng do hòa hợp nên giả gọi là có. Mười hai xứ, mười tám giới cũng như vậy.

– Lại nữa, Bồ-tát có hai hạng: 1. Tọa thiền, 2. Tụng kinh. Hạng tọa thiền thường quán thân do các phần xương v.v… hòa hợp giả gọi là thân, tức lấy cảnh sở quán ấy làm thí dụ, mà biết rằng phần xương đầu hòa hợp nên gọi là đầu, phần xương chân hòa hợp nên gọi là chân; xương đầu, xương chân v.v… hòa hợp nên gọi là thân, mỗi mỗi truy tìm, đều không có căn bản, vì cớ sao? Vì đây là điều thường tập, thường quán nên lấy đó làm thí dụ.

Hạng không tọa thiền thì lấy cây, cỏ, cành, lá, hoa, trái làm thí dụ. Như chư Phật quá khứ, cũng chỉ có danh tự, dùng danh tự ấy có thể thuyết giảng. Mười thí dụ cũng chỉ có danh tự. Nghĩa Bồ-tát cũng như vậy. Nghĩa mười thí dụ như trước đã nói.

Bồ-tát nên học ba thứ Ba-la-nhiếp-đề như vầy: 1. Pháp năm uẩn v.v… ấy là pháp Ba-la-nhiếp-đề. 2. Năm uẩn nhân duyên hòa hợp nên gọi là chúng sinh; các xương hòa hợp nên gọi là xương đầu; như gốc, cành, nhánh, lá hòa hợp nên gọi là cây; ấy là thọ Ba-la-nhiếp-đề. 3. Dùng danh tự ấy, chấp thủ tướng hai pháp, nói là hai thứ; ấy là danh tự Ba-la-nhiếp-đề.

– Lại nữa, các vi trần hòa hợp nên có pháp thô sinh ra, như vi trần hòa hợp nên có sắc thô, ấy là pháp Ba-la-nhiếp-đề, vì từ pháp có pháp. Pháp thô ấy hòa hợp mà có tên gọi, như do vì hay đốt hay chiếu sáng nên có tên gọi là lửa; do danh và sắc nên có người, danh và sắc là pháp, người là tên giả, ấy là thọ Ba-la-nhiếp-đề. Vì chấp thủ sắc, chấp thủ danh nên gọi là thọ. Bên cạnh nhiều danh tự lại có nhiều danh tự; như bên cạnh danh tự cột, kèo, ngói v.v… lại có danh tự nhà; như bên cạnh danh tự cành, lá có danh tự cây; ấy là danh tự Ba-la-nhiếp-đề.

Hành giả trước hết phá danh tự Ba-la-nhiếp-đề, đến phá thọ Ba-la-nhiếp-đề, sau phá thọ Ba-la-nhiếp-đề đến phá pháp Ba-lanhiếp-đề. Phá pháp Ba-la-nhiếp-đề là đến trong thật tướng các pháp. Thật tướng các pháp chính là các pháp và danh tự Không Bát-nhã ba-la-mật.

KINH: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bátnhã ba-la-mật không thấy sắc danh tự là thường, không thấy thọ, tưởng, hành, thức danh tự là thường; không thấy sắc danh tự vô thường, không thấy thọ tưởng hành thức danh tự vô thường; không thấy sắc danh tự vui; không thấy sắc danh tự khổ, không thấy sắc danh tự ngã, không thấy sắc danh tự vô ngã; không thấy sắc danh tự không, không thấy sắc danh tự vô tướng, không thấy sắc danh tự vô tác, không thấy sắc danh tự tịch diệt; không thấy sắc danh tự nhơ, không thấy sắc danh tự sạch; không thấy sắc danh tự sinh, không thấy sắc danh tự diệt; không thấy sắc danh tự trong, không thấy sắc danh tự ngoài, không thấy sắc danh tự ở chặng giữa; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nhãn và sắc, nhãn thức, nhãn xúc, nhân duyên nhãn và xúc sinh ra các thọ, cho đến ý và pháp, ý thức, ý xúc, nhân duyên ý và xúc sinh ra các thọ cũng như vậy, vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, danh tự Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồ-tát, nơi tánh hữu vi cũng không thấy, nơi tánh vô vi cũng không thấy. Bồtát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đều không khởi phân biệt pháp ấy. Bồ-tát ấy thực hành Bát-nhã ba-la-mật, trú trong pháp bất hoại, khi tu bốn niệm xứ, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, không thấy danh tự Bát-nhã ba-la-mật, không thấy Bồ-tát, không thấy danh tự Bồ-tát. Cho đến khi tu mười tám pháp không chung, không thấy Bát-nhã ba-la-mật, không thấy danh tự Bát-nhã ba-lamật; cũng không thấy Bồ-tát, không thấy danh tự Bồ-tát. Như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành Bát-nhã ba-la-mật, chỉ biết thật tướng các pháp, thật tướng các pháp là không nhơ không sạch.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành Bátnhã ba-la-mật, nên biết ấy là danh tự giả đặt ra; biết danh tự giả rồi, không chấp trước sắc, không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức; không chấp trước mắt cho đến ý; không chấp trước sắc cho đến pháp; không chấp trước nhãn thức cho đến không chấp trước ý thức; không chấp trước nhãn xúc cho đến không chấp trước ý xúc; không chấp trước nhãn và xúc làm nhân duyên sinh thọ hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, cho đến không chấp trước ý và xúc làm nhân duyên sinh thọ hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui; không chấp trước tánh hữu vi, không chấp trước tánh vô vi; không chấp trước Thí bala-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật; không chấp trước ba mươi hai tướng, không chấp trước thân Bồ-tát, không chấp trước nhục nhãn Bồ-tát, không chấp trước Phật nhãn; không chấp trước Trí ba-la-mật, không chấp trước Thần thông ba-la-mật, không chấp trước nội không cho đến không chấp trước vô pháp hữu pháp không; không chấp trước thành tựu chúng sinh, không chấp trước nghiêm tịnh Phật độ, không chấp trước pháp phương tiện, vì cớ sao? Vì các pháp ấy, không có người chấp trước, không có pháp chấp trước, không có chỗ chấp trước, vì đều không có.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành Bátnhã ba-la-mật, không chấp trước hết thảy pháp, bèn tăng ích Thí ba-la-mật, Giới ba-la-mật, Nhẫn ba-la-mật, Tấn ba-la-mật, Thiền ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật, vào Bồ-tát vị, được địa vị bất thối, đầy đủ Bồ-tát thần thông, dạo qua một nước Phật đến một nước Phật, thành tựu chúng sinh, cung kính tôn trọng, tán thán chư Phật, vì nghiêm tịnh Phật độ, vì thấy chư Phật để cúng dường, đồ cúng dường thành tựu thiện căn, đều được tùy ý. Cũng nghe chư Phật thuyết pháp, nghe rồi cho đến khi chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trọn không quên mất, được các môn Đà-la-ni, các môn Tam-muội.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát khi thực hành Bátnhã ba-la-mật, nên biết các pháp là tên giả đặt ra.

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Sắc là Bồ-tát chăng; thọ, tưởng, hành, thức là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc, tiếng, mùi, vị, xúc, pháp là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Nhãn thức cho đến ý thức là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Địa chủng là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Nước, lửa, gió, không, thức chủng là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Vô minh là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Cho đến già chết là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Lìa sắc là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Cho đến lìa lão tử là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Tướng sắc như là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Cho đến tướng lão tử như là Bồ-tát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Lìa tướng sắc như cho đến lìa tướng lão tử như là Bồtát chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ông quán xét nghĩa thế nào mà nói sắc chẳng phải Bồ-tát, cho đến lão tử chẳng phải Bồ-tát? Lìa sắc chẳng phải Bồ-tát, cho đến lìa lão tử chẳng phải Bồ-tát? Tướng sắc như chẳng phải Bồ-tát, cho đến tướng lão tử như chẳng phải Bồ-tát? Lìa tướng sắc như chẳng phải Bồ-tát cho đến lìa tướng lão tử như chẳng phải Bồ-tát?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh rốt ráo không thể có được, huống gì sẽ là Bồ-tát! Sắc không thể có được, huống gì là sắc, lìa sắc, sắc như, lìa sắc như là Bồ-tát! Cho đến lão tử không thể có được, huống gì là lão tử, lìa lão tử, lão tử như, lìa lão tử như là Bồ-tát!

Phật bảo Tu-bồ-đề: Lành thay, lành thay! Như vậy, Tu-bồđề! Bồ-tát ma-ha-tát nên học như vậy, vì chúng sinh không thể có được nên Bát-nhã ba-la-mật cũng không thể có được.

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Sắc là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Sắc thường là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức thường là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc vô thường là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức vô thường là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc lạc là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức vui là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc khổ là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức khổ là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc ngã là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức ngã là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc phi ngã là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức phi ngã là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao? Sắc không là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức không là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc phi không là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức phi không là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc tướng là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức tướng là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc vô tướng là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức vô tướng là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc tác là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức tác là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Sắc vô tác là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

– Thọ, tưởng, hành, thức vô tác là Bồ-tát nghĩa chăng?

– Thưa không, bạch Thế Tôn! Cho đến lão tử cũng như vậy.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Ông quán xét nghĩa thế nào mà nói sắc chẳng phải Bồ-tát nghĩa; thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải Bồ-tát nghĩa; cho đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô tác chẳng phải Bồtát nghĩa, cho đến lão tử cũng như vậy?

Tu-bồ-đề thưa: Bạch Thế Tôn! Sắc rốt ráo không thể có được, huống gì vô sắc là Bồ-tát nghĩa; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc thường rốt ráo không thể có được, huống gì sắc vô thường là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc lạc rốt ráo không thể có được, huống gì sắc khổ là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc ngã rốt ráo không thể có được, huống gì sắc phi ngã là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc có rốt ráo không thể có được, huống gì sắc Không là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc tướng rốt ráo không thể có được, huống gì sắc vô tướng là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Bạch Thế Tôn! Sắc tác là rốt ráo không thể có được, huống gì sắc vô tác là Bồ-tát nghĩa; cho đến thức cũng như vậy.

Phật bảo Tu-bồ-đề: Lành thay, lành thay! Như vậy, Tu-bồđề! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, sắc nghĩa không thể có được; thọ, tưởng, hành, thức nghĩa cho đến vô tác nghĩa không thể có được, nên học Bát-nhã ba-la-mật như vậy.

Tu-bồ-đề! Ông nói con không thấy pháp gọi là Bồ-tát. Tubồ-đề! Các pháp không thấy các pháp, các pháp không thấy pháp tánh, pháp tánh không thấy các pháp; pháp tánh không thấy địa chủng, địa chủng không thấy pháp tánh, cho đến thức chủng không thấy pháp tánh, pháp tánh không thấy thức chủng; pháp tánh không thấy tánh mắt, sắc, nhãn thức; tánh mắt, sắc, nhãn thức không thấy pháp tánh, cho đến pháp tánh không thấy tánh ý, pháp, ý thức; tánh ý, pháp, ý thức không thấy pháp tánh.

Tu-bồ-đề! Tánh hữu vi không thấy tánh vô vi, tánh vô vi không thấy tánh hữu vi, vì cớ sao? Vì lìa hữu vi không thể nói vô vi, lìa vô vi không thể nói hữu vi.

Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, đối với các pháp không thấy gì, khi ấy không kinh, không sợ, không hãi, tâm cũng không chìm đắm, không hối hận, vì cớ sao? Vì Bồ-tát ma-ha-tát ấy không thấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không thấy mắt cho đến ý, không thấy sắc cho đến pháp, không thấy dâm, nộ, si; không thấy vô minh cho đến lão tử, không thấy ngã cho đến kẻ biết kẻ thấy; không thấy cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; không thấy tâm Thanh-văn, tâm Bích-chi Phật; không thấy Bồ-tát, không thấy pháp Bồ-tát; không thấy Phật, không thấy pháp Phật, không thấy Phật đạo. Bồ-tát ấy vì không thấy tất cả pháp, nên không kinh, không sợ, không hãi, không chìm đắm, không hối hận.

Tu-bồ-đề thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nhân duyên gì tâm Bồ-tát không chìm đắm, không hối hận?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Hết thảy tâm tâm số pháp của Bồ-tát maha-tát là không thể có được, không thể thấy, nên tâm Bồ-tát ma-hatát không chìm đắm, không hối hận.

Bạch Thế Tôn! Làm sao tâm Bồ-tát không kinh, không sợ, không hãi?

Phật bảo Tu-bồ-đề: Bồ-tát ấy, ý và ý giới không thể có được, không thể thấy, vì vậy nên không kinh, không sợ, không hãi. Như vậy, Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát đối với hết thảy pháp, không thể có được nên hành Bát-nhã ba-la-mật.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát ma-ha-tát trong tất cả hành xứ không thủ đắc Bát-nhã ba-la-mật, không thủ đắc danh tự Bồ-tát, cũng không thủ đắc tâm Bồ-tát, tức là dạy Bồ-tát ma-ha-tát.

LUẬN: Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật, quán sắc pháp danh tự chẳng phải thường chẳng phải vô thường, cho đến nơi tánh hữu vi vô vi không thấy có Bồ-tát, danh tự Bồ-tát. Như trước nói, đối với hết thảy pháp không khởi ức tưởng phân biệt. Bồ-tát trụ trong pháp bất hoại, thực hành sáu Ba-la-mật cho đến mười tám pháp không chung, dùng trí tuệ biết thật tướng các pháp, tìm trong các pháp không thấy pháp nhất định gọi là Bát-nhã ba-la-mật, cũng không thấy danh tự Bát-nhã ba-la-mật, lại không thấy Bồ-tát và danh tự Bồ-tát. Dùng trí tuệ ấy phá các phiền não vô minh v.v… dùng trí tuệ không thấy cũng không thấy ấy phá tâm chấp trước Bát-nhã ba-la-mật, danh tự Bát-nhã ba-la-mật, Bồ-tát, danh tự Bồtát, thông đạt vô ngại thật tướng thanh tịnh của các pháp. Bồ-tát được trí tuệ như vậy, hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc nghĩ đều như huyễn hóa; hoặc nghe, thấy, nghĩ, đều là hư dối, vì vậy nên không chấp trước sắc v.v… Trú trong trí tuệ vô ngại ấy, tăng ích sáu Ba-lamật, vào Bồ-tát vị, được các lợi ích như vậy.

Một chương này, Phật tự dạy Bồ-tát quán sát như vậy.

Tiếp chương sau, có người cho rằng Phật phần nhiều nói pháp Không nên trở lại hỏi Tu-bồ-đề: Nếu các pháp chẳng không, thời có thể có một pháp nhất định là Bồ-tát chăng, nghĩa là sắc là Bồ-tát chăng cho đến như như là Bồ-tát chăng?

Tu-bồ-đề nghĩ rằng: Các pháp hòa hợp nên có Bồ-tát, ta làm sao nói có một pháp nhất định là Bồ-tát? Vì vậy nên nói: Thưa không, bạch Thế Tôn.

Vì Tu-bồ-đề khéo chứng đắc chúng sinh không, nên Phật dạy: Lành thay, lành thay! Bồ-tát biết chúng sinh không, không thể có được, cần nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật. Sắc là Bồ-tát nghĩa, cho đến vô tác rốt ráo không cũng như vậy.

Tu-bồ-đề vào trong các pháp Không sâu xa, không nghi hoặc nên có thể lợi ích cho các Bồ-tát. Cho nên Phật tán thán: Lành thay, lành thay! Phép của Bồ-tát là phải học Bát-nhã ba-la-mật, hết thảy pháp Không, không thể có được.

Như Tu-bồ-đề nói: Con không thấy pháp ấy và danh tự là Bồ-tát.

Phật dạy: Chẳng phải chỉ riêng Bồ-tát không thể thấy mà hoàn toàn không có pháp thấy pháp; pháp tánh vô lượng không thể thấy, thế nên các pháp không thấy pháp tánh. Các pháp do nhân duyên hòa hợp sinh, không có tự tánh, rốt ráo không, nên pháp tánh không thấy các pháp, sắc tánh không thấy pháp tánh, pháp tánh không thấy sắc tánh, cho đến thức tánh cũng như vậy. Năm uẩn tánh cùng pháp tánh đồng danh nên gọi là tánh. Mười hai xứ, mười tám giới, pháp hữu vi, pháp vô vi cũng như vậy. Lược nói nhân duyên: Lìa tánh hữu vi không nói được tánh vô vi, lìa tánh vô vi không nói được tánh hữu vi, vì trong hai pháp ấy bao gồm hết thảy pháp.

Bồ-tát ấy tuy không thấy hết thảy pháp, cũng không sợ hãi, vì cớ sao? Vì có chỗ thấy, có chỗ không thấy thời có sợ hãi, nếu hoàn toàn không thấy gì thời không sợ hãi. Đó là năm uẩn cho đến mười tám pháp không chung.

Hỏi: Nếu Phật đã nói nhân duyên không sợ hãi, sao Tu-bồ-đề còn hỏi lại?

Đáp: Tu-bồ-đề nếu bảo các pháp hoàn toàn không, không có gì thời sợ đọa vào tà kiến, vì cớ sao? Vì đệ tử Phật do được chánh kiến nên gọi là người hành đạo, làm sao nói hoàn toàn không thể thấy gì? Phật biết tâm Tu-bồ-đề cho nên nói hết thảy tâm tâm số pháp không thể có được, không thể thấy, nên không sợ. Người phàm phu muốn vào trong Không, thấy tâm tâm số pháp có thể có được, còn ngoại pháp không thể có được, nên sợ hãi. Còn Bồ-tát cho tâm tâm số pháp là hư dối không thật, quả báo điên đảo, không thể chỉ cho người thật sự, nên không sợ hãi. Do nghĩa ấy khác nhau cho nên còn hỏi lại.

Hỏi: Nếu như vậy, cớ sao còn có câu hỏi thứ ba?

Đáp: Tâm tâm số pháp có thể thấy được ở trong ý thức; ý và ý thức là cội gốc của tâm tâm số pháp, vì cớ sao? Vì trong ý thức phân biệt nhiều, nên sinh sợ hãi, còn năm thức thời khắc quá ngắn không phân biệt được gì. Muốn phá cội gốc sợ hãi cho nên còn hỏi lại, không lỗi. Nếu Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật được như vậy, thời tuy không thấy bốn việc là: Bồ-tát, danh tự Bồ-tát, Bát-nhã bala-mật, danh tự Bát-nhã ba-la-mật, mà có thể do ba nhân duyên, nên không sợ, tức là dạy cho Bồ-tát Bát-nhã ba-la-mật, hoặc chỉ liễu giải tướng Bát-nhã ba-la-mật ấy là hành Bát-nhã ba-la-mật. Không từ mười phương cầu, cũng không ai cho, cũng chẳng phải như vàng bạc, vật báu, ra sức cầu mới được.