Lời Cùng Tử
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Hồi ấy cô Đức tuổi chỉ mới hăm bảy, hăm tám được Thầy chỉ định làm huynh trưởng Viên Chiếu. Cầm đầu đám lục lăng như chúng tôi ở độ tuổi ấy, đủ để lâu lâu cô rớt giọt ngắn giọt dài, đắp y sụt sịt xin… từ chức với Thầy.

Mỗi lần như vậy chúng tôi thường núp vào chỗ khuất, cười hi hí với nhau, chỉ trỏ về phía cô, biết chắc là Thầy dỗ một hồi thế nào mọi việc đâu lại vào đấy, vì cô vốn hiếu để, đâu dám kháng lại “chiếu chỉ” của Thầy.

Chị Thủy có lần buồn chi đó cũng tìm lên núi rên rỉ với Thầy:

– Tụi con giống anh em tí hon bị Thầy bỏ trong rừng cho bà chằn ăn thịt quá!

Rồi chị về kể lại tôi nghe:

– Thầy nói với chị, sắp mấy đứa ở trong rừng Thầy cũng rất lo, có đêm không ngủ được. Nhưng trong buổi giao thời các tăng sĩ đang tuổi thanh niên trai tráng, nếu Thầy sắp ở trong rừng thì sợ người ta không tin quý thầy tập tu, mà tưởng là trốn vào đó để… tập trận! Thầy sắp các con vào rừng thì đỡ bị hiểu lầm hơn, nhưng Thầy vẫn không an lòng!

Chúng tôi còn nhỏ vô tư, nào hiểu nỗi băn khoăn của Thầy. Về sau này, Thầy cười vui vẻ bảo chúng tôi:

– Thầy sắp vậy mà giờ xem ra Thường Chiếu, Viên Chiếu đều ở đúng chỗ đúng nơi.

Mỗi lần Thầy vào thăm, chúng tôi trình báo chuyện tu học, có khi méc ai đó phê bình đường lối tự viện, Thầy cười nhẹ nhàng bảo:

– Tụi con sống như vầy mà không cãi lẫy nhau là hay rồi.

Câu Thầy nói bình dị đơn giản mà sao cứ làm tôi nao lòng.

Cãi nhau ư? Chí choé sơ sơ thì cũng có, nhưng quả tình dưới sự chăn dắt của Thầy chẳng có điều gì để tôi phàn nàn về các chị mình. Cô Hoa hay hù dọa vậy chứ làm việc rất hy sinh. Chị Huệ thì hiếm khi kiếm chuyện đi đâu, mặc ai mệt hay ngán việc viện đủ cớ để đi vắng, thì chị quanh năm suốt tháng cứ trụ một chỗ, làm chu toàn mọi việc: cạo gió, nấu ăn, cuốc đất, phảng cỏ… Tôi thường nói với chị Phượng: “Chị Huệ là cây cột cái ở chùa!” (Cột trụ thì không đi đâu hết. Giống như chị Hạnh Giác cũng là… cao ni, vì chị cao tới… một thước bảy)!

Cô Đức ốm yếu ngày nào không cuốc đất thì đi hái cỏ diệu cỏ trai cho chúng tôi ăn, tìm cách bồi dưỡng phục sức cho chúng. Có lần cô và chị Thủy làm ruộng thấm mệt sao đó cùng rỉ tai rủ nhau lén về trước. Chuyện này tôi không hay, chỉ nghe chị Thủy thuật lại:

– Mấy đứa biết hôn, chị với già Đức vừa vô tới cái mương thì gặp Thầy đi thăm ruộng đột xuất. Đúng là “thiên bất dung gian”, kết quả hai đứa… bị Thầy bắt vét mương tới trưa luôn.

Tôi nhớ lại cảnh tượng đó là bắt cười. Vì khi kiểng xả công tác đổ hồi, từ ngoài ruộng đi vào tôi thấy hai bà chị quí hóa còn mãi lom khom vét mương, mình mẩy ướt mem bùn đất.

Cung cách làm việc của Thầy tôi dư biết, vì Thầy thường vào hướng dẫn chúng tôi lao tác, người dạy dọn sách chỗ này, phát quang nơi kia.

Có lần Thầy chỉ cái gốc cây nằm ven đường đi, hạ lịnh bảo đốt, nhưng rồi vô thăm lại thấy nó còn nằm ỳ ra đó. Thầy hỏi, chị Thủy gãi đầu thưa:

– Dạ tụi con đốt hoài mà nó không cháy.

Thầy khảo sát kỹ và khều từ trong bụng cây đủ thứ tàn dư của các củ khoai ra, do chúng tôi đã chực sẵn, hễ chị Thủy vừa nhen lửa là hè nhau ném khoai mì, khoai lang tới tấp vào nướng ăn, nên lửa chỉ đủ chín khoai chứ không cháy nổi gốc cây. Lần này nhờ có Thầy giám sát nên gốc cây cháy ngon lành và được dọn sạch.

Từ việc gặt lúa vét mương Thầy đều chỉ bảo cặn kẽ và thường làm trước để chúng tôi bắt chước theo. Có lần qua cái mương Thầy bị té và bệnh nặng, phải nằm dưỡng ở Thường Chiếu. Lúc ấy chúng tôi hoảng phải biết! Cứ nơm nớp sợ thầm mình mồ côi sớm. Lần đó quý cô Bảy Huệ đã trách nhẹ:

– Ông già thương con gái!…

Viên Chiếu ở tít trong xa, đường ngoằn ngoèo gò nổng. Thuở mới giải phóng, xe Honda thuộc hàng xa xí phẩm nên quý thầy Thường Chiếu hay chở Thầy vào giảng kinh bằng xe đạp. Nhưng lâu dần Thầy không nỡ để quý thầy chở và quyết định tập đi xe đạp để vào Viên Chiếu giảng kinh. (Tính ra Viên Chiếu làm Thầy cực nhiều nhất).

Có lần nghe tin Thầy bị bịnh nặng ở Chân Không, già Liễu nhấp nhỏm phát biểu:

– Nếu Thầy có chuyện gì, giờ này mà đón không được xe để đi thăm thì dù có lội bộ tới Vũng Tàu tui cũng đi!

Hồi đó mỗi tối tôi thường thức chép kinh. Có lần các chị đưa tôi quyển sổ của Thầy. Tôi thích nhất hai chuyện Thầy chép tay trong đó. Đại khái kể về ông Washington lúc còn nhỏ, có lần vô ý chặt cây quý của cha trồng, cha ông về tức giận tra hỏi, ông liền nhận ngay là chính mình chặt. Người cha lập tức đổi giận làm vui, ôm con vào lòng mà nói:

– Tất cả sản nghiệp của cha cũng không quý bằng tính ngay thật biết nhận lỗi của con.

Còn chuyện thứ hai kể về ông Gandhi có lần dối mẹ, mẹ ông biết được nhịn không ăn cơm. Gandhi nài nỉ mãi, mẹ ông cương quyết nói:

– Mẹ thà chết còn hơn là có đứa con nói dối. Gandhi là người con chí hiếu, ông chạy ngay vào bếp gắp than bỏ lên tay mình thề sẽ không bao giờ nói dối nữa.

Và ông xác nhận, vết phỏng nơi tay chính là thiên thần hộ mệnh giúp ông ở mãi trong vòng thành thực.

Tôi biết mình không thể sở hữu cuốn sổ tay của Thầy nên đã chép những điều ấy vào… lòng!

Tôi hiểu Thầy không thích dối trá – Có thể sẽ có người nói: “Ai mà không ghét dối trá? – dù người ta ghét sự dối gian nhưng đôi khi bản thân cũng không thoát khỏi điều này! Tôi tin và luôn tự hào rằng Thầy tôi rất trung thực. Khi giảng về tướng lưỡi rộng dài của Phật, Thầy đã giải thích:

– Ở Ấn Độ khoa tướng số cho rằng ai hai đời không nói dối thì có tướng lưỡi dài tới mí tóc, nên khi nhắc tới tướng lưỡi rộng dài, là ngụ ý ca ngợi người đó không nói dối. Chư Phật khen ngợi Phật Thích Ca có tướng lưỡi rộng dài khắp tam thiên là có ý nói rằng Phật Thích Ca muôn ngàn lần chân thật.

Bản thân tôi cũng nhận ra nói thật quả không dễ, chỉ cần nói dối một chút… đâu hại ai mà còn tránh được biết bao thiệt hại cho mình (?) – đỡ bị la, đỡ bị trách, đỡ bị cười nhạo… nghĩa là dối trá… thu được lợi nhiều hơn là thành thật! (?) Tận đáy lòng, tôi cảm nhận rằng tính chân thật cũng giống như kim cương (khó mua, khó sở hữu), muốn đeo kim cương thì thà giữ đức chân thật. Mỗi khi gần một người nào, đang mến mộ họ mà nhận ra họ nói dối tỉnh rụi, tỉnh queo (cho rằng lời dối đó không hại ai), tôi thất vọng âm thầm như ngắm phải viên ngọc có tì vết. Thôi thì cứ cầu cho bản thân tôi và tất cả mọi người sớm hay muộn gỉ rồi cũng sẽ có tướng lưỡi rộng dài như Phật.

Thầy thường dạy:

– Thầy chủ trương “Thiền giáo đồng hành”, y theo kinh điển mà tu. Giả sử mình chưa triệt ngộ thì nhắc lời Phật Tổ dạy cho người sau vẫn không lỗi, mà cũng không sợ họ lạc vì cách tu “biết vọng” giản dị! Hồi nào chấp vọng tưởng là thật, bám riết vào, giờ hiểu nó là hư dối thì đừng theo, không cần đè, không cần nhăn nhó cấm không cho vọng tưởng nổi lên, chỉ cần giác kịp ngay khi vọng tưởng vừa khởi là tốt rồi. Niệm Phật hay khán thoại đầu còn có câu để bám vào, còn tu “không theo vọng” thì chẳng có chỗ nào để bám. Mới tu, tập khí còn nhiều nên thấy khó; tu thuần thục thì sẽ thấy nhẹ nhàng. Chỉ sợ không chịu tu, chứ có tâm chịu tu thì “đồ tể chịu quăng dao cũng thành Phật” nên nói: “Bồ tát và dạ xoa cách nhau một sợi chỉ”. Hoàn cảnh bây giờ người ta dễ căng thẳng thần kinh, Thầy chỉ dạy như Phật Tổ đã từng tu. Ai chịu tu thì tiến bộ an vui, không tiến thì ở nguyên vị cũ chứ không bị tai hại gì khác. Lý đạo đơn giản nhưng vi diệu, lặng lẽ không phô trương; nếu tu mà thiếu niềm tin, thiếu nghị lực, lại nôn nóng muốn cho mau đạt thì dễ bị gạt, dễ rơi vào đường tà. Cho dù đường dài thăm thẳm, cứ nhắm đích kiên nhẫn thẳng tiến, thì rồi cũng tới…

Sao mà bây giờ tôi nhớ rõ mồn một lời Thầy, giống như cùng tử đi hoang rồi quay về uống chén thuốc đắng của cha vậy.

Mùa hạ năm rồi, tôi nằm mơ thấy Thầy đang thuyết pháp giữa đông đảo đồ chúng thì ông Krishnamurti đến thăm Thầy (tôi hiếm khi nghĩ đến và cũng ít đọc sách của ông). Trong mơ, ông Krishnamurti rất trẻ và đẹp cực kỳ, nét đẹp thanh khiết tốn nghiêm đến độ tôi nghĩ là đẹp như Phật (dù thực tế ông đã già và qua đời rồi). Thầy đàm đạo với ông ta vẻ như cùng đồng cảm sâu sắc – không cần thông dịch viên – Người ái mộ chen nhau chiêm ngưỡng đông nghịt; nhiếp ảnh, ký giả… chụp hình, quay phim lia lịa. Ông Krishnamurti nói, ông đến để nghe Thầy giảng và tìm hiểu đường lối của Thầy. Sau đó ông trao Thầy cái bình, bên trong chứa tới ba phần tư đồng tiền vàng, ông giải thích đó là “của” ông để dành, nay ông trao lại cho Thầy làm Phật sự.

Tới đây thì tôi thức giấc. Ngày hôm ấy lòng lâng lâng vui vẻ bình an, thấy ai cũng giống Phật hết, tâm tư dễ bao dung tha thứ. Qua ngày sau, tâm vọng của tôi về lại, nhìn ai cũng muốn… gây hết! Dù gì tôi cũng khám phá ra rằng, nằm mơ thấy các bậc thánh luôn làm mình nhẹ nhõm.

Như Thầy từng nói, các vị đức hạnh đâu có thì giờ đi báo mộng cho người này người kia, vì tâm cảm nên có ứng thôi (nhưng… nếu Thầy có nhận cái bình tiền vàng thiệt, thì Thầy nhớ… cho con một đồng vàng!)