NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

7. HÃY GIÚP TUỔI TRẺ TÌM VỀ NGUỒN CỘI CỦA MÌNH

Các bậc cha mẹ thân mến,
Cộng đồng chúng ta đã có mặt ở các xứ Âu Mỹ từ hơn hai thập niên qua, với bao nhiêu thăng trầm cùng năm tháng. Sau những phấn đấu liên tục để vượt qua những khó khăn ban đầu, chúng ta thấy có nhiều cá nhân và gia đình đã thành công đáng kể về mọi mặt. Một số trong chúng ta đến Mỹ với một mớ kiến thức văn hóa Việt đáng kể, với những hiểu biết khá am tường về cung cách sanh sống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, thế hệ con em chúng ta, đa phần hiểu biết rất mù mờ về cội nguồn dân tộc. Đa phần các em ít biết về một dân tộc Việt Nam cang cường dũng cảm, đã bao phen làm cho những tên giặc khét tiếng phải kinh hồn bạt vía. Chính chỗ hiểu biết mù mờ về cội nguồn dân tộc nầy đã tạo ra không biết bao nhiêu là vấn đề, từ việc lấy làm khó chịu khi có ai đó ở trường hay ở sở biết mình là người Việt, đến việc chối bỏ hẳn nguồn gốc Việt Nam của mình.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Đừng sợ con em mình không nói giỏi tiếng Mỹ, tiếng Pháp, mà hãy lo sợ khi các em không nói được tiếng mẹ đẻ. Đừng sợ con em mình không hội nhập vào xã hội mới ở đây, mà hãy sợ khi các em không biết gì về nguồn cội dân tộc. Muốn làm được điều nầy, việc trước tiên cũng là trách nhiệm hàng đầu của các bậc cha mẹ là phải cố gắng giúp cho các em biết nói và biết viết tiếng mẹ đẻ. Quý vị phụ huynh có thao thức khi thấy những người Mỹ, Pháp gốc Việt, ngoài khuôn mặt và vóc dáng ra, không còn cái gì được gọi là giống với tổ tiên của họ nữa cả ? Họ đã hoàn toàn quên hẳn tiếng mẹ đẻ, hoặc chỉ còn hiểu được phần nào, nhưng không viết, không nói được. Do chỗ họ không có khả năng đọc những bài viết về văn hóa và đất nước họ, nên họ xa dần và xa dần những phong tục và tập quán cổ truyền cao đẹp. Họ sẽ không biết thế nào là nếp sống cao đẹp của cha anh, thế nào là tình cha nghĩa mẹ, thế nào là keo sơn gắn bó của nghĩa vợ tình chồng, thế nào là mối liên hệ quí báu của hệ thống đại gia đình Việt Nam… Họ rất rành về những chiến công hiển hách của Nả Phá Luân, George Washington, hay Mac Arthur, nhưng họ không biết gì hết về những danh tướng Trần Hưng Đạo đã từng bao phen phá tan giặc Mông Cổ, Lý Thường Kiệt hiển hách với phá Tống bình Chiêm, hoặc những vì vua đích thân dẹp giặc giữ vững sơn hà bờ cõi như Đại Đế Quang Trung đã làm khiếp đảm giặc Thanh. Nói như vậy không có nghĩa là mình bảo thủ, chỉ một bề khư khư ôm giữ cái của mình, rồi không học hỏi những cái hay cái đẹp của người. Dân tộc và đất nước Việt Nam đã không từng trải qua một cuộc trường kỳ di cư, từ cao nguyên Tây Tạng đến Thủy Chân Lạp đó hay sao ? Thế mà chúng ta vẫn giữ được cái gốc của bộ tộc Lạc Việt, chúng ta vẫn không bị những dân tộc lớn hơn gấp hàng năm sáu chục lần đồng hóa. Nhờ đâu mà chúng ta được như vậy ? Có lẽ nhờ cha anh chúng ta đã tài tình phối hợp những cái hay cái đẹp của người với cái hay cái đẹp của mình, để tự tạo cho mình một nét Việt Nam đặc thù.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Có lẽ thời gian trên hai mươi năm sống trên đất người, đã đủ cho chúng ta thấy để đối chiếu và so sánh giữa văn hóa mình với văn hóa người. Có lẽ bây giờ ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng văn hóa Việt Nam thật đáng cho chúng ta tự hào. Có lẽ giờ nầy những ai thật sự thao thức cho tương lai của thế hệ trẻ, đều muốn những người trẻ Việt Nam phải được sống chan hòa trong cái nếp sống văn hóa cao đẹp ấy. Hãy cố mà nuôi nấng con em trong chiều hướng sao cho các em vẫn hội nhập vào xã hội mới, mà vẫn giữ được dân tộc tính của mình. Đừng để cho những người trẻ Việt Nam phải dùng tiếng Tây, tiếng Mỹ trong các cuộc nói chuyện hằng ngày trong gia đình. Muốn cho con em biết nói, biết đọc và biết viết tiếng mẹ đẻ, các bậc cha mẹ phải thực sự cố gắng nhiều lắm. – trường, đương nhiên là các em phải học tiếng nước người, nhưng về đến nhà, làm sao hướng dẫn các em nói tiếng mình mà các em không cảm thấy khó chịu. Hãy mở rộng vòng tay ra mà đón nhận các em. Hãy cố mà nói với các em bằng chính tiếng mẹ đẻ của các em. Tiếng Tây, tiếng Mỹ cho dù các em có giỏi thế mấy, cũng không chắc gì các em đã tìm được những dòng suối mát và ngọt ngào như trong chính tiếng mẹ đẻ của các em. Hãy thương các thế hệ trẻ nhiều hơn nữa quý vị ạ ! Đừng để cho các thế hệ trẻ mai sau cảm thấy lạc loài giữa những nền văn hóa ngoại chủng.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Muốn cho các thế hệ trẻ không quên tiếng nước mình, ngoài chuyện khuyến khích các em nói tiếng Việt ở nhà, chúng ta cũng nên hướng dẫn con em chúng ta theo học các lớp Việt Ngữ của các trung tâm Việt Ngữ. Đây không phải là những việc dễ làm vì giờ nào các em đến trung tâm Việt ngữ để học ? Giờ nào các em đi chơi hoặc giải trí cuối tuần ? Hơn nữa, đa phần cha mẹ ở lứa tuổi trung niên ở đây luôn phải bù đầu với những sinh kế hằng ngày, cũng là một trở ngại không nhỏ trong việc dạy dỗ tiếng Việt cho các em. Nhưng quý vị ơi ! Tương lai con cái và những thế hệ trẻ có lẽ cần hơn những tiền bạc mà chúng ta đang tìm kiếm nhiều lắm. Vậy thì thay vì làm việc quá giờ để có thêm nhiều tiền, nếu hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể dành những giờ đó dạy dỗ con em chúng ta về tiếng Việt, về văn hóa Việt và những nếp sống cao đẹp của dân tộc Việt. Chỉ có quý vị, những bậc cha mẹ mới có thể làm được những điều nầy cho con em mình mà thôi. Quý vị đã vì tương lai của con em mình mà vượt ngàn khơi, hi sinh tất cả, kể cả sinh mạng, để đến được xứ sở nầy, xin quý vị hãy hi sinh thêm một chút nữa cho tương lai con em mình được trọn vẹn. Hãy bằng mọi cách đánh thức và nhắc nhở các em rằng các em là những hậu duệ của một dân tộc kiêu hùng, có một nền văn hóa thật đẹp và thật dễ thương. Hãy cố gắng đừng để cho các em quên mất các em là những người Việt Nam, dù ở bất cứ chân trời góc bể xa xăm nào của địa cầu nầy.