NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Châu Quần Tranh
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Châu Quần Tranh

(thư thứ nhất)

Ngài Ngẫu Ích sanh vào cuối đời Minh, mất vào đầu đời Thanh[1], một đời hoằng pháp đều ở phương Nam, chưa từng lên đất Bắc. Thêm nữa, trong những năm đầu thời Thuận Trị, phương Nam còn nhiều chỗ chưa quy phục, sau khi vua Sùng Trinh[2] thăng hà, lãnh thổ nhà Minh tan nát, phàm trước thuật gì, đại sư đều chỉ ghi năm tháng, không ghi quốc hiệu và niên hiệu. Đến khi các xứ Ninh Ba, Phước Kiến quy thuận [nhà Thanh], chưa đầy một hai năm sau, đại sư bèn nhập Niết Bàn, nhưng trong tông Thiên Thai có người bắt chước, trước thuật vào thời Khang Hy cũng chẳng ghi quốc hiệu và niên hiệu, có thể nói là vu báng, khinh miệt ngài Ngẫu Ích lẫn quốc gia vậy. Do chẳng khéo học nên mới có chuyện như thế!Học giả ở phương Nam đa số thiên về giáo pháp Thiên Thai, các học giả phương Bắc đa số chuộng giáo nghĩa Hiền Thủ hoặc Từ Ân. Do không người học tập nên những tác phẩm [của tông Thiên Thai được lưu hành ở phương Bắc] cũng ít. Thanh Thế Tông (Ung Chánh) tuy đề xướng khắc in Đại Tạng, nhưng đầu mùa Hạ năm ấy đã lên làm khách cõi trời. Những kinh sách được đưa vào hay gạt ra khỏi Đại Tạng đời Thanh thường nói là do Thanh Thế Tông định đoạt, nhưng thật ra quá nửa là do vị thân vương đặc phái và vị đại hòa thượng thủ lãnh tổng lý việc in khắc Đại Tạng chủ trì.

Hơn nữa, những vị Tăng sắp đặt việc in khắc đều là người thuộc các tông Hiền Thủ, Từ Ân, Lâm Tế. Tông Thiên Thai chỉ có một vị, nhưng chỉ giữ vai trò giảo duyệt, không có quyền quyết định. Những trước thuật của ngài Ngẫu Ích được nhập tạng chỉ có hai thứ là Tướng Tông Bát Yếu[3] và Thích Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn[4], những thứ khác ở phương Bắc không có, lấy đâu mà nhập tạng cho được? Đây là chuyện thuộc về cuối đời Ung Chánh, đầu đời Càn Long. Đến cuối đời Càn Long, ở kinh đô, những trước thuật của ngài Ngẫu Ích không còn được bao nhiêu. Triệt Ngộ lão nhân đọc bộ Duyệt Tạng Tri Tân[5], liền muốn khắc in. Ngài mong tìm được một bộ thì chẳng cần phải chép riêng[6] hòng giảm bớt tâm lực nên tìm tòi khắp nơi, chỉ được một bộ. Phàm những trước thuật của đại sư được truyền đến kinh đô thì ngài Triệt Ngộ và môn nhân của ngài Triệt Ngộ đều cho khắc bản, cũng được mười hay hai mươi loại.

Những kẻ không biết thời thế cứ đổ riệt Thanh Thế Tông chẳng chọn lấy những tác phẩm ấy, đúng là đã vu báng vua Thế Tông. Nếu như Thanh Thế Tông được thấy toàn bộ những trước tác của ngài Ngẫu Ích chắc chắn sẽ cho nhập tạng toàn bộ, chẳng sót bộ nào. Phải biết: Đại Tạng kinh đời Thanh do Thanh Thế Tông khởi xướng, đến khi Thanh Thế Tông băng hà, Cao Tông (Càn Long) kế vị, phàm những chuyện khắc in Đại Tạng đều do những người có quyền thế trong giới Tăng – tục thời ấy làm chủ, chẳng qua Cao Tông cũng chỉ chủ trì trên danh nghĩa đó thôi. Vì sao biết như vậy? Bộ Giản Ma Biện Dị Lục[7] do Thế Tông soạn vừa mới hoàn tất bản thảo, còn chưa sửa chữa hoàn chỉnh, vua liền băng hà ngay. Tuy Cao Tông sai người biên chép, khắc bản, nhưng chẳng rảnh rỗi để kiểm điểm. Do vua không sai một bậc đại thông gia chủ trì, nên rốt cuộc sai ngoa không biết bao nhiêu mà kể. Di bút của cha mà còn để như thế, huống gì là Đại Tạng?

Vả nữa, lúc Thế Tông bắt đầu soạn tác phẩm này liền ban lời dụ, trong đó có nhắc đến chuyện nhập tạng lưu thông. Về sau, chỉ khắc bản in sách, rốt cuộc không nhập tạng, chỉ đem lời dụ này in kèm vào sau cuốn Ngữ Lục của Viên Minh cư sĩ[8], há cũng nên bảo là vì Thế Tông tỵ hiềm sách ấy có tập khí nên không được nhập tạng ư? Nguyên nhân chẳng được nhập tạng là vì những kẻ ngoại hộ của con cháu sư Hán Nguyệt Tạng[9] đa phần là những người đang nắm quyền, nên chẳng ai dám đề xướng [nhập tạng sách ấy] mà thôi. Nếu luận về tập khí, có thể nói ngài Ngẫu Ích hoàn toàn không có; thế nhưng những kẻ thiền hòa[10] mù quáng cho là Ngài uổng có văn tự, nhưng chưa đại ngộ, cống cao ngã mạn. Những kẻ như thế ngửa mặt nhổ lên trời, há có nên lấy những lời của họ để làm cơ sở bình luận ư? Những kẻ hủy báng Thanh Thế Tông cũng như hủy báng ngài Ngẫu Ích, đều là những kẻ nghe lỏm nói mò, hùa theo phụ họa mà thôi!

(thư thứ hai)

Hôm qua nhận được tin từ Sư Đạo cho biết tháng trước bệnh tình ông thật nguy ngập, gần đây đã thuyên giảm, may mắn thay! Con người xử thế, nhất nhất nên án theo bổn phận, chẳng được lầm lạc lo lắng vượt ngoài bổn phận. Đấy là như câu nói: “Quân tử chẳng nghĩ ra ngoài địa vị”. Lại nói: “Quân tử chỉ thuận theo địa vị mà hành”. Tuy ông đã hơi sanh tín tâm đối với pháp môn Tịnh Độ, nhưng vẫn còn có ý niệm ham cao chuộng lạ chưa buông xuống được, chưa chịu tu tập như hàng ngu phu, ngu phụ. Phải biết liễu sanh tử đối với ngu phu, ngu phụ thì dễ, bởi tâm họ chẳng có dị kiến; còn nếu là bậc thông Tông, thông Giáo mà khắp thân buông xuống được, thực hành công phu của kẻ ngu phu, ngu phụ thì cũng dễ. Nếu không, bậc cao nhân thông Tông, thông Giáo lại chẳng bằng kẻ ngu phu, ngu phụ đới nghiệp vãng sanh! Pháp môn Tịnh Độ lấy vãng sanh làm chánh yếu, tùy duyên, tùy phận, chuyên tinh chí hướng; chắc chắn Phật chẳng dối người! Nếu không, cầu thăng hóa ra bị đọa, đấy chính là tự mình tạo lỗi, nào phải lỗi Phật đâu!

(thư thứ ba)

Học Phật phải chuyên chú lấy việc giải thoát cho chính mình làm chuyện chánh yếu, nhưng cũng phải tùy phần tùy sức làm chuyện công đức. Nếu là người có sức lớn lao thì mới có thể triệt để buông xuống, triệt để đề khởi. Còn người trung hạ căn, nếu hết thảy đều không làm sẽ trở thành biếng nhác, lười trễ, ngay cả tự lợi cũng chẳng nỗ lực, chuyện lợi người hoàn toàn gác qua một bên, rớt vào thói tệ “dù chỉ nhổ một sợi lông để làm lợi cho người khác cũng chẳng chịu làm” của Dương Tử[11]. Vì thế, phải hành cả hai pháp để bổ trợ cho nhau, nhưng chuyên chú nơi tự lợi. Cũng chớ nên hiểu lầm lời của ông Nhị Lâm (Bành Tế Thanh). Hiểu lầm sẽ đắc tội với ông Nhị Lâm chẳng nhỏ! Ý của ông Nhị Lâm là phải chuyên chú nơi tự lợi, chứ không phải hoàn toàn vứt bỏ chuyện tùy phần tùy sức dạy người khác tu tập pháp môn Tịnh Độ. Chuyện lợi người chỉ bậc đại Bồ Tát mới có thể gánh vác nổi, những kẻ kém cỏi hơn nào ai dám nói lời lẽ lớn lao ấy? Người trung hạ căn phải biết tùy phần tùy lực để làm chuyện lợi ích người khác thì mới hợp với cái đạo tu hành tự lợi vậy! Do vì pháp môn tu hành có Lục Độ, vạn hạnh; nên tự mình chưa độ thoát thì lợi người vẫn thuộc về tự lợi.

Nhưng chẳng nên chuyên chú làm những chuyện thuộc về hình tích bên ngoài, còn chuyện đối trị phiền não tập khí trong tâm mình bèn gác lại, không nhắc gì tới, tức là có ngoại hạnh, nhưng công phu bên trong hoàn toàn bỏ phế! Do đấy, đâm ra nẩy sanh ngã mạn, tự cho công hạnh lợi tha là đức hạnh, sẽ bị tổn thất rất nhiều. Ví như ăn cơm phải có thức ăn kèm vào, cũng như thân thể phải dùng áo mũ để trang hoàng. Trên con đường tu hành để liễu sanh tử dài dằng dặc, sao lại muốn thâm nhập một môn, phế sạch các môn khác? Thâm nhập một môn[12], bỏ hết các môn khác chỉ có lúc đả thất thì được. Bình thời, nếu không phải là Bồ Tát tái lai, trọn chưa có ai chẳng vướng mối tệ trở thành giải đãi, khinh mạn! Bởi cái tâm phàm phu hễ cái gì thường có quá ắt sẽ sanh chán!

Trời sanh ra muôn vật ắt phải dùng trời tạnh, mưa dầm xoay vần, nóng -lạnh đắp đổi thì mới có thực tế sanh thành tạo hóa. Nếu cứ thường tạnh hoặc mưa mãi, hoặc nóng mãi, lạnh mãi thì dưới gầm trời sẽ không có một vật nào cả! Huống chi tâm bọn ta như khỉ vượn, chẳng dùng đủ mọi pháp đối trị muốn cho nó ở yên một chỗ, chẳng rong ruổi lung tung thì rất ư là khó! Con người hãy nên tự lượng sức mình, chớ nên thiên chấp một pháp, cũng chớ nên tràn lan không lớp lang gì, lấy trì giới niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chánh. Gặp hết thảy mọi người, trên là cha mẹ, giữa là anh em, bè bạn, dưới là vợ con, đầy tớ, đều đem chuyện này chỉ dạy, há có nên nói đây chẳng phải là tự lợi ư? Một ngọn đèn chỉ là một ngọn đèn, một ngọn đèn thắp truyền sang trăm ngàn vạn ức ngọn đèn, nhưng ngọn đèn ấy trọn chẳng bị tổn hại gì, ai được, ai mất, nào đến, nào đi? Còn phải đợi hỏi người khác mới hiểu rõ nữa ư?

(thư thứ tư)

Ngày Rằm tháng trước nhận được thư ông. Do ông bảo khi Mạnh Do[13] đến, ông sẽ lên đường ngay, nên sợ Thư trả lời sẽ bị lạc mất. Vì thế, không phúc đáp. Trưa nay lại nhận được thư ông, biết Mạnh Do còn chưa về lại tỉnh nhà. Do ông ta nấn ná chưa về, nên ông không dám dứt khoát. Nếu ông ta trở về, ông sẽ dứt khoát lên đường. Sao ông không hiểu lòng tôi và tấm lòng những người khác mà thành ra đạo lý ương ngạnh như thế? Quang cũng là người xuất gia, há cứ nhất định phải ngăn trở ông, trở ngại ông, học theo thói người tại gia lưu luyến nhà cửa, chẳng muốn cho người khác mau được giải thoát ư? Nhưng cơ duyên gặp gỡ của mỗi người có muôn vàn kiểu chẳng giống nhau.

Luận theo phần ông, quả thật tại gia có ích rất lớn, còn xuất gia chỉ được lợi ích nhỏ nhoi. Tổ nghiệp của ông gần như sống qua ngày được, trên có mẹ hiền để thờ, giữa có anh em để nương tựa, trong nhà có vợ hiền, dưới gối không con cái. Nhưng anh cả của ông khá tin tưởng vào Phật pháp, chú Ba, chú Tư cũng chẳng chống trái đạo pháp lắm. Ông tại gia dốc sức tu Tịnh nghiệp, cũng có thể hướng dẫn khiến cho mẹ hiền sanh lòng tin niệm Phật, ngõ hầu được liễu thoát mà cũng có thể vì anh em đang ở ngoài lo liệu chuyện trong gia đình, cũng như suất lãnh vợ, em dâu v.v… cùng tu Tịnh nghiệp, cùng thoát vòng khổ. Bên ngoài thì xóm giềng, thân thích, tùy duyên hướng dẫn, chỉ vẽ, thì nhà cửa bèn thành đạo tràng, hết thảy mẹ, anh em, vợ con, cháu chắt, xóm giềng, thân bằng đều thành pháp quyến. Tùy sức, tùy phận, thân làm gương, miệng giáo hóa khiến cho mọi kẻ lạc đường ở Vĩnh Gia cùng những kẻ chủng tánh tà kiến kia cùng được nạp vào trong lò luyện lớn là pháp môn Tịnh Độ chí cực viên đốn của Phật pháp, cùng trở thành pháp khí[14], cùng tu Tịnh nghiệp, tương lai cùng lên Liên Bang, cùng chứng Bồ Đề. Há chẳng bằng ông xuất gia làm Tăng, bỏ mẹ đi xa, người trong nhà ôm mối hận không người nương cậy, mẹ đem lòng oán con hay sao? Đã thế, những kẻ chẳng hiểu rõ lý cùng cực sẽ đâm ra nói Phật pháp trái nghịch thế đạo, lầm sanh hủy báng, khiến cho những kẻ ấy tạo ác nghiệp, đọa ác đạo. Chưa thấy ích gì mà trước hết đã mắc lấy những tổn hại to lớn như thế, như vậy là tốt hơn hay sao?

Huống chi mẹ ông đã không bằng lòng, há có nên chẳng tuân theo ý mẹ, vẫn cứ ôm ấp ý niệm ấy? Nếu như mẹ ông trọn chẳng bằng lòng cho ông tu hành, thì [chuyện bỏ nhà đi xuất gia] còn chấp nhận được! Chứ ông tu hành mẹ rất hoan hỷ, lẽ đâu lại muốn bỏ mẹ đi tu? Trong Phật pháp có đủ mọi công nghiệp, Lục Độ vạn hạnh đều vì lợi ích chúng sanh. Ông không xuất gia sẽ có lợi ích lớn lao cho mẹ, chỉ nội một điều này đã nên chiều theo lòng mẹ, sống trong cõi trần học đạo, khiến cho mẹ hằng ngày trông thấy quen mắt, chẳng mong mẹ tin tưởng mà mẹ tự nhiên tin tưởng, còn công đức nào lớn lao hơn? Huống chi nào phải chỉ một mình mẹ [được lợi ích]?

Hơn nữa, mẹ đã không chấp thuận, thì về mặt đạo nghĩa, chẳng nên nghĩ tới chuyện xuất gia nữa! Vì trong giới luật nhà Phật, cha mẹ chẳng bằng lòng cho con xuất gia, mình cứ tự tiện xuất gia thì [nhà chùa] chẳng được phép dung nạp, xuống tóc, và thọ giới v.v… Nếu không cả thầy lẫn trò đều mắc tội. Ông đã thờ Quang làm thầy, coi Quang là thiện tri thức, tuy Quang thật chẳng phải là thiện tri thức, nhưng chuyện trái nghịch Phật pháp quyết chẳng dám làm. Chỉ mong ông nghe theo lời Quang, thuận lòng mẹ, tại gia tu hành mới nên! Cổ nhân có người vì tri kỷ, chẳng ngại đem thân đền đáp. Huống chi mẹ ông đã lưu giữ ông, Quang khuyên ông: Lẽ nào lại chống trái, cố chấp không thay đổi ư? Phải biết: Hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu Thập Thiện Nghiệp, chính là chánh nhân để vãng sanh Tây Phương. Hãy nên học đòi Vương Hư Trung[15], Châu An Sĩ, Bành Xích Mộc (Bành Thiệu Thăng) ba vị tiên sinh thì mới chẳng thẹn là đệ tử Phật!

(thư thứ năm)

Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên, chuyện được thành hay chăng đều do nhân duyên gây ra. Tuy có người làm cho chuyện ấy thành hay bại, nhưng quyền lực thực tế là do cái nhân trước của chính ta, chứ không do cái duyên hiện tại. Hiểu điều này sẽ vui theo mạng trời, chẳng oán, chẳng hận, thuận theo địa vị mà hành, không trong hoàn cảnh nào chẳng tự tại vậy! Riêng ông chẳng biết phận làm con, đúng lý ra phải nghe lời cha mẹ. Thêm nữa, muốn làm học trò của người ta, nên nghe theo lời thầy. Những gì cha mẹ mưu tính cho con cái rất có thể không thích đáng, là vì yêu thương sâu nặng nên có thể bị thiên lệch, còn thầy đã có thể coi là bậc tri thức, trọn chẳng đến nỗi tính toán những điều quá sai lầm.

Sống trong cõi trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục, chính là chuyện đạt nhân danh sĩ lẫn ngu phu, ngu phụ đều có thể làm được. Gắng sức tu trì, do tại gia có đủ mọi hệ lụy, nên coi như những lời cảnh tỉnh[16], lâu dài sanh cái tâm chán lìa, ngõ hầu sẽ dài lâu nuôi lớn cái tâm ưa thích, lấy bệnh làm thuốc, biến tắc thành thông, trên chẳng khiến mẹ phải thở than, dưới gia đình riêng của mình chẳng mất nơi nương tựa, lại còn khiến cho hết thảy mọi người do cùng thấy nghe bèn được tăng trưởng Tịnh nghiệp, còn vui nào bằng?

Chỉ mong ông trên là nghe theo lời mẹ, cũng như thuận theo lòng Quang, tùy phận tùy duyên tự lợi, lợi tha. Bồ Tát bỏ đầu, mắt, tủy, não để cứu chúng sanh đói khát. Tại gia tu hành đối với mẹ, đối với ông đều có lợi ích lớn lao, sao lại lầm sanh chống trái? Như ông cứ nhất quyết muốn y theo tâm hạnh của mình, làm sao Quang có thể chấp nhận như thế được, chỉ mong hãy đem cái danh tự thầy trò giả tạm thủ tiêu đi, ông cứ việc bái vị cao tăng nào đó làm thầy, Quang hoàn toàn không hỏi đến nữa. Ngày sau gặp gỡ như người đi trên cùng một đường gặp nhau, đừng giữ cái lễ thầy trò nữa!

Nếu không như thế thì xin hãy nghe theo lời tôi nói, thay Quang khuyến hóa trai gái vùng Âu Giang[17] cùng vào Liên Trì Hải Hội. So với việc ông cứ muốn làm Tăng, khiến cho mẹ chẳng vui lòng, anh em, vợ con đều buồn bã, người xứ Âu Giang lầm lạc khởi lên tâm nghiệp phỉ báng Phật pháp. Lẽ được – mất khác biệt tựa hồ một trời, một vực, ông hãy thử nghĩ kỹ xem: Quang vì ông hay là hại ông vậy? Quang đã nói hết lời, chẳng thể viết thêm một chữ thừa thãi nào nữa, mặc lòng ông tự tiện mà thôi!

(thư thứ sáu)

Một pháp nhân quả là bước đầu để nhập môn Phật giáo, cũng là phương sách trọng yếu để thành tâm, chánh ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cuốn sách của họ Đinh[18] dù có sai sót, nhưng về đại thể là tốt. Chớ vì họ Viên thiếu đức mà cho là chẳng đáng lưu thông. Họ Viên[19] đã mất rồi, người biết ông ta thiếu đức được mấy người? Nếu như chuyện nhân quả báo ứng đập vào mắt, thấm vào lòng, dẫu họ Viên hèn kém cũng nên giảm lòng tà, giữ lòng thành, khắc kỷ, giữ lễ, mong chính mình tránh khỏi tội lệ, vun trồng phước đời sau, chớ vì một lỗi mà giấu kín đi.

Hơn nữa, họ Viên lúc ban đầu bài bác Phật, sau đọc nhiều, đọc sâu hơn, biết đích xác nhân quả không sai chạy mảy may, tuy chưa dứt khoát nghiên cứu sách vở nhà Phật, nhưng xem đến những sự tích cảm ứng đã được ghi chép thì quả thật tâm đã vui mừng, khâm phục Phật pháp. Sở dĩ, ông ta chưa được như ông Bành Nhị Lâm là vì do văn tự chướng ngại sâu xa, lại thêm biếng nhác, trễ nãi, thành ra kết quả chỉ là gieo nhân cho tương lai, đáng tiếc thay! Tôi cho rằng do ông Viên, ông Kỷ[20] học rộng mà còn chăm chú gom soạn nhân quả báo ứng như thế, người sau xem đến, há đâu chẳng cảm động sâu xa ư? Nếu không muốn lưu thông thì thôi, còn muốn lưu thông hãy nên lưu thông, đừng có nên nghĩ ngợi thái quá!

(thư thứ bảy)

Giảng Khởi Tín Luận rất tốt, chỉ e ít người lãnh hội được, nên kẻ căn cơ nông cạn sẽ bị mất lợi ích nhiều. Có lẽ nên giảng kèm pháp môn Tịnh Độ khiến cho họ trước hết biết được đạo trọng yếu để liễu sanh tử, lại còn biết được tâm pháp trọng yếu của Phật pháp thì cả Lý lẫn Cơ đều được khế hợp. Để đối chứng cấp thuốc cho người hiện thời thì nhân quả báo ứng là bậc nhất, còn trong các pháp nên tu thì Tịnh Độ là bậc nhất. Nếu nghiên cứu Khởi Tín Luận thì tuy cũng có nhân quả Tịnh Độ, nhưng tri kiến phàm phu không thể lãnh hội trọn vẹn nghĩa lý, lại còn chẳng thể nương theo luận ấy để khởi tu, chỉ hiểu được ý nghĩa mà thôi! Bất luận căn tánh nào, không thể không trước hết nghiên cứu nhân quả, Tịnh Độ; còn về giáo tướng thì cũng phải chọn người mà thí, bởi lẽ học trò mỗi người có chuyện phải học riêng, Phật học chỉ là chuyện kèm thêm. Nếu người căn cơ thiên tánh cạn cợt lại chuyên chú vào giáo tướng, rất có thể sẽ quăng Tịnh Độ ra sau ót, đến nỗi thành ra kết quả “có nhân mà không có quả”! Đấy là lập cách chẳng phù hợp căn cơ vậy.

Nay trong những kẻ tôn sùng Tướng tông, thói tệ ấy cũng giống như thế. Chuyện họ đề xướng chẳng thật sự vì liễu sanh tử mà chỉ vì thông suốt Lý Tánh để thuyết giảng mà thôi! Nếu như họ biết được nỗi khó khăn của việc dùng Tự Lực để liễu sanh tử, quyết sẽ chẳng chịu dốc sức nơi chuyện ấy, bỏ qua Tịnh Độ không hỏi đến! Nếu kẻ nào chê bai thì kẻ ấy đều thuộc hạng ham cao chuộng thù thắng, chẳng biết duyên do của sự cao, sự thù thắng. Nếu thật sự biết thì dù có giết họ, họ cũng chẳng chịu gác bỏ Tịnh Độ không dốc sức tu! Thật là học đạo khó khăn thay! Chí của sư Hoằng Nhất chỉ có mình ngài Hoằng Nhất biết rõ. Nếu chẳng đại tinh tấn, tâm sanh tử không khẩn thiết sẽ thành hạng biếng nhác, bê trễ.

Tăng nhân ngày nay thật khó khiến cho người ta tin tưởng, nhưng đã truy điệu Tăng nhân, há nên phỉ báng Tăng nhân. Nếu nêu lên những điều thiện, răn dè những điều bất thiện thì không mắc lỗi gì. Nhưng nếu đã dự vào hàng học trò người ta, thì chuyện chỉ trích cũng nên im lặng. Chuyện ấy chỉ có người đức cao trọng vọng mới có thể tiến hành, không phải là chuyện hàng chim non miệng vàng nên làm.

Những kinh hư rách không thể tu bổ được thì đốt đi cũng không sao! Nếu còn xem được, còn có thể tu bổ được thì chẳng nên thiêu. Nếu chẳng biết lẽ biến thông, cứ một mực không dám thiêu, kinh ấy rốt cuộc chẳng thể xem, mà cũng không được cất giữ như kinh tốt, thành ra khinh nhờn, lại còn tạo thành cái lỗi khinh nhờn cho người đời sau vậy, há có nên chẳng biết quyền biến ư? Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Lúc này nếu chẳng coi nhân quả là nhiệm vụ cấp bách để cứu nước cứu dân thì dù ông trí xảo, đạo đức cao siêu đến đâu cũng chỉ uổng công, bởi lẽ chẳng giảng đạo lý cũng như không có vương pháp vậy!

***

[1] Ngài Ngẫu Ích sanh năm 1599 (năm Vạn Lịch thứ 27 đời Minh), mất năm 1655 (nhằm năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh). Dẫu nhà Thanh đã chiếm được Trung Hoa, nhưng con cháu nhà Minh vẫn chiếm cứ một số vùng ở Nam Trung Hoa, xưng là Nam Minh, như Phước Vương (Châu Do Tung), Đường Vương (Châu Duật Kiện) và Quế Vương (Châu Do Lang). Mãi đến năm Khang Hy thứ hai (1663), nhà Thanh mới hoàn toàn diệt được con cháu nhà Minh, bình định được Trung Hoa. Dư đảng di thần nhà Minh một số theo Trịnh Thành Công chạy ra Đài Loan tiếp tục phù Minh phản Thanh.

[2] Sùng Trinh là vua cuối đời Minh. Trước khi quân Mãn Châu chiếm Trung Hoa, Lý Tự Thành đã nổi loạn lật đổ nhà Minh, xưng quốc hiệu là Đại Thuận, làm vua gần được hai năm (1644-1645).

[3] Tướng Tông Bát Yếu: Tên gọi đầy đủ của tác phẩm này là Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải, là một tác phẩm chú thích của ngài Ngẫu Ích cho tám tác phẩm trọng yếu của tông Pháp Tướng (Duy Thức). Tám tác phẩm ấy là: 1. Bách Pháp Minh Môn Luận của ngài Thế Thân 2. Duy Thức Tam Thập Luận cũng của ngài Thế Thân 3. Quán Sở Duyên Duyên Luận của ngài Trần Na 4. Lục Ly Hợp Thích Pháp Thức của ngài Trừng Quán (cuốn này trích từ bộ Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao) 5. Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích của ngài Hộ Pháp 6. Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận của ngài Thương Yết La Chủ 7. Tam Chi Tỷ Lượng của ngài Huyền Trang và 8. Bát Thức Quy Củ Tụng cũng của ngài Huyền Trang.

[4] Đây là tác phẩm chú giải bộ Đại Thừa Chỉ Quán của ngài Huệ Tư (thầy ngài Trí Khải).

[5] Duyệt Tạng Tri Tân gồm bốn mươi tám quyển, là một loại sách tổng mục, phân định 1.773 bộ kinh sách trong Đại Tạng thành bốn loại Kinh, Luật, Luận và Tạp. Đối với mỗi tác phẩm đều có những lời giải thích thiết yếu. Nội dung gồm:

1) Kinh Tạng: gồm 976 bộ kinh Đại Thừa (căn cứ theo tiêu chuẩn ngũ thời phán giáo của tông Thiên Thai) và 211 bộ kinh Tiểu Thừa.

2) Luật Tạng gồm 30 bộ Luật Đại Thừa và 61 bộ Luật Tiểu Thừa.

3) Luận Tạng gồm luận Đại Thừa, chia thành 71 bộ Thích Kinh Luận (luận nhằm giải thích kinh theo từng đoạn kinh) và 117 bộ Tông Kinh Luận (giải thích giáo nghĩa chánh yếu của một kinh), 32 bộ Chư Luận Thích (chú giải các bộ luận)) và 47 bộ luận Tiểu Thừa.

4) Tạp Tạng gồm các thể loại: Tây Phương (những kinh điển của ngoại đạo hoặc bị nghi ngờ là ngụy tạo của Ấn Độ, gồm 48 bộ) và Thử Độ (những nghi thức sám hối, các trước tác Tịnh Độ, Thiên Thai, Thiền Tông, Hiền Thủ Tông, Từ Ân Tông, Mật Tông, Luật Tông, truyện ký, hộ pháp, âm nghĩa, mục lục, bài tựa, bài tán, pháp sự v.v… của Trung Hoa, tổng cộng 176 bộ).

[6] Thuở xưa, in sách bằng ván gỗ (thường gọi là in mộc bản). Trước hết phải nhờ người chữ tốt chép lại bản sách ấy rõ ràng, rồi đưa bản chép ấy cho thợ khắc gỗ khắc ngược những chữ ấy lên ván gỗ. Nhà in sẽ dùng những ván gỗ ấy, phết mực lên, áp xuống giấy trắng để in thành sách.

[7] Bộ sách này gồm tám quyển, biên soạn vào năm Ung Chánh thứ 11 (1733). Nguyên khởi là do sư Hán Nguyệt Pháp Tạng thuộc dòng Thiền Lâm Tế soạn cuốn Ngũ Tông Nguyên, môn nhân của Sư là Đàm Cát Hoằng Nhẫn cũng soạn cuốn Ngũ Tông Cứu để đả kích giáo nghĩa dòng Thiền Tào Động lúc ấy, gây nên tranh luận ồn ào trong chốn Thiền lâm bấy giờ, cho đến tận đời Thanh vẫn còn chưa dứt. Thanh Thế Tông bèn soạn tác phẩm này, phán định chủ trương của Hán Nguyệt và Hoằng Nhẫn là tà ma dị thuyết, phê phán những cuốn Ngữ Lục của hai vị này. Vua còn chê trách môn nhân của hai vị trên ăn thịt, uống rượu, hủy phá giới luật, gây nguy hại cho Phật giáo rất lớn, cần phải phế trừ.

[8] Viên Minh là một biệt hiệu khác của Ung Chánh. Tác phẩm này có tên là Viên Minh Bách Vấn, trích ra từ quyển thứ 12 của bộ Ung Chánh Ngự Soạn Ngữ Lục. Tác phẩm này gồm một trăm đoạn văn ngắn biện định về Thiền Tông.

[9] Tức sư Hán Nguyệt Pháp Tạng. Đệ tử tại gia của môn nhân ngài Hán Nguyệt Pháp Tạng là những kẻ đương nắm giữ quyền chức thời ấy nên họ tìm cách ngăn không cho cuốn Giản Ma Biện Dị Lục được nhập tạng.

[10] Thiền hòa: Gọi tắt của “thiền hòa tử” hoặc “thiền hòa giả”, là tiếng để chỉ những người tham Thiền.

[11] Tức Dương Châu, tự Tử Cư, người nước Vệ, sống vào thời Chiến Quốc, chủ trương Vị Ngã, nhổ một cái lông mà có lợi cho người khác cũng không làm.

[12] Ở đây, xin đừng hiểu lầm ý Tổ. Tổ nói quở trách người thâm nhập một môn là người chấp khăng khăng vào pháp môn của chính mình, bài xích các pháp môn khác, không chịu học hỏi kinh điển nhà Phật, chứ không hề dạy tu tập tràn lan, pháp nào cũng tu, pháp nào cũng học, không biết lượng sức. Vì thế, chư Tổ Tịnh Độ thường đề xướng “thâm nhập một môn, trường thời huân tu”. Đọc kỹ những lời giáo huấn của Tổ, sẽ thấy Tổ quở trách chuyện học tràn lan không chuyên nhất. Ý của Tổ ở đây nhằm quở trách những kẻ chỉ cho niệm Phật là đủ, không bận tâm tu tập các trợ hạnh khác để hỗ trợ chánh hạnh Niệm Phật.

[13] Mạnh Do là anh ruột của Châu Quần Tranh.

[14] Pháp khí: Chỉ những người có thể tu hành Phật đạo. Sách Sơn Đường Tứ Khảo chép: “Nhị Tổ Huệ Khả thờ ngài Đạt Ma đã lâu, chưa được nghe giáo huấn, bèn chặt tay cầu pháp, Sư biết là pháp khí, bèn trao cho y bát”.

[15] Chính là ông Vương Nhật Hưu, tác giả bộ Long Thư Tịnh Độ Văn.

[16] Nguyên văn “đương đầu bổng hát”: Tông Lâm Tế dùng gậy đánh, tiếng hét để khai ngộ. Nên “đương đầu bổng hát” cũng có nghĩa là nhân duyên, cảnh tượng giúp mình tỉnh giác.

[17] Âu Giang: Con sông lớn thứ hai của tỉnh Chiết Giang, phát nguyên từ núi Đồng Cung, chảy theo hướng về Đông Nam đến huyện Thanh Điền mới có tên là Âu Giang, đổ ra biển ở thành phố Ôn Châu.

[18] Họ Đinh ở đây là ông Đinh Phước Bảo, trong lá thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn, Tổ có nói: “Cuốn Phật Học Đại Từ Điển do ông Đinh Phước Bảo biên soạn, danh tướng thật rộng, nhưng khảo cứu chưa thật tường tận. Nói chung, cứ ba mươi điều có một điều bị sai lạc, chỉ có bậc thông gia mới phân biệt được, nếu không rất có thể do đó bị lầm”.

[19] Họ Viên ở đây là ông Viên Tử Tài (1716-1797). Lời tựa cuốn Kỷ Văn Đạt Công Bút Ký Trích Yếu có chép: “Từ đời Thanh đến nay, người bác học đa văn thì tiên sinh Giang Thận Tu là bậc nhất, kế đến là Kỷ Văn Đạt rồi đến là ông Viên Tử Tài… Viên Tử Tài thoạt đầu bài bác Phật, đến tuổi trung niên trở đi, lịch duyệt ngày càng sâu, bèn sanh lòng tin chân thật đối với Phật pháp, chỉ vì cuồng vọng, tự đại, lười nhác, biếng trễ, chẳng chịu thân cận cao nhân, lắng lòng nghiên cứu…”. Qua lời nhận định này, có thể đoan chắc họ Viên nói ở đây là ông Viên Tử Tài. Ông tên thật là Viên Mai, tự Tử Tài, hiệu Tùy Viên Lão Nhân, là người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Gia Khánh, từng làm tri huyện bốn lần. Về sau, từ quan sống ở Tiểu Thương Sơn tại Nam Kinh, dựng Tùy Viên để hưởng nhàn, chuyên tâm viết lách, nghiên cứu nghệ thuật ẩm thực. Ngoài danh hiệu lý luận gia lừng danh, ông cũng là một nhà văn nổi tiếng biết thưởng thức món ăn ngon. Thi văn của ông trang nhã, bóng bẩy, tình tứ. Bộ Tùy Viên Thực Đơn của ông nổi tiếng đến nỗi được xuất bản ngay trong đời Thanh, và được phiên dịch sang tiếng Nhật. Năm 1983, Quảng Đông Khoa Kỹ Xuất Bản Xã đã tái bản cuốn sách này.

[20] Ông Kỷ ở đây là Kỷ Văn Đạt (1724-1805) tên thật là Kỷ Quân, tự Hiểu Lam, tên thụy là Văn Đạt. Người huyện Hiến, tỉnh Hà Bắc, làm quan đến chức thượng thư bộ Lễ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, từng đảm nhiệm việc biên tập tác phẩm đồ sộ Tứ Khố Toàn Thư dưới thời Càn Long.