NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Cư Sĩ Bao Hữu Vũ
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư trả lời cư sĩ Bao Hữu Vũ

(thư thứ nhất)

Vừa nhận được thư, khôn ngăn cảm khái, thẹn thùng. Ấn Quang là một ông Tăng chỉ biết đến cơm cháo, những chuyện trong pháp môn nhất loạt chẳng biết gì, chỉ có mỗi Tịnh Độ là khá muốn cho cả mình lẫn người cùng được vãng sanh. Bởi vậy, nếu có kẻ Tăng, người tục hỏi đến, đều dùng chuyện này để phụng đáp. Cư sĩ Từ Úy Như cho rằng những phân tích rõ ràng giới hạn giữa Thiền và Tịnh, cũng như những nghị luận ngoài da về sự khó – dễ, được – mất giữa Tự Lực và Phật Lực, cũng như việc trọng lòng kính, giữ lòng thành [của tôi] đều hơi có ích cho hàng sơ cơ cho nên tuy văn từ tệ vụng cũng chẳng vứt bỏ, ba bốn lượt ấn loát lưu thông, ngõ hầu những ai có chí liễu sanh tử đều cùng nhận lấy những lời nghị luận ngô nghê này[1] mà thôi. Nhưng đem cơm thừa canh cặn bày trước mặt người đã no ứ tiệc vua ắt sẽ nhớm gờm mắc ọe, nào còn dám chú giải kinh?

Các hạ chẳng cho [lời tôi] là chua hôi, đáng vứt bỏ, nên kính tặng một bộ Văn Sao hủ bại. Bản này do ông Từ Úy Như yêu cầu Thương Vụ Ấn Thư Quán sắp chữ in riêng. Năm nay in ra, do Thư Quán sợ bán không được nên chỉ in hai ngàn bản. In sách xong, chưa kịp phát hành đã bán hết sạch. Tuy còn bản lưu, nhưng do Thư Quán ấy chú trọng những cuốn sách mới mang tính thời thượng cho nên đến nay vẫn chưa in lần thứ hai. Một hai năm nay, cũng có bạn bè quen biết khuyên Quang khắc in, Quang tính đợi cho Thương Vụ Ấn Thư Quán sắp xếp sách hoàn chỉnh rồi mới cho khắc ván để đỡ tốn tâm lực. Năm ngoái, miền Bắc mất mùa lớn, các thiện sĩ lập cách quyên mộ, Quang bèn đem hết số tiền dự định khắc kinh ra đóng góp cho công cuộc cứu trợ, làm như thế hai lần tổng cộng là năm trăm đồng. Nếu như [sách này] có ích cho hàng sơ cơ, hãy nên in ra, lưu truyền, chưa hề chẳng có lợi cho người khác vậy!

(thư thứ hai)

Biển cả sanh tử không nhờ niệm Phật không cách nào vượt được! Muốn biết gốc cội của pháp niệm Phật nhưng chẳng xem kinh luận Tịnh Độ, làm sao biết được? Vì thế, hằng ngày nên tụng kinh A Di Đà, thường xem kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Đó là Tịnh Độ Tam Kinh. Đọc những kinh ấy sẽ biết thệ nguyện rộng sâu của Phật A Di Đà, cảnh duyên thù thắng của Tịnh Độ, hành tướng vãng sanh của hành nhân. Ngoài ra, khai thị phương pháp niệm Phật thân thiết nhất thì có chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông ở cuối quyển năm kinh Lăng Nghiêm. Lại còn có phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm, dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Đọc những kinh này sẽ biết pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là bước cuối cùng để thành Phật trong một đời của kinh Hoa Nghiêm, là phương tiện tối thắng để tự lợi lúc tu nhân, để lợi tha khi đã chứng quả của mười phương tam thế chư Phật. Những kẻ nói xằng pháp môn Tịnh Độ là Quyền – Tiệm – Tiểu Thừa đều là những kẻ có tội cực nặng hủy báng kinh Hoa Nghiêm và hủy báng Phật – Pháp – Tăng. Còn những bản chú giải ba kinh Tịnh Độ và những sách Tịnh Độ nên chuyên tinh xem đọc thì trong lá thơ gởi cho bà Từ nữ sĩ trong bộ Văn Sao tôi đã trình bày đầy đủ. Ở đây không phải viết chi tiết nữa!

Phép Thập Niệm buổi sáng nên thực hành vào lúc súc miệng, rửa ráy xong và trước khi thực hành công khóa. Trong Tịnh Độ Thập Yếu và Tây Quy Trực Chỉ đều có nghi thức này, làm theo đó là được rồi! Nhưng chẳng được niệm hơn mười niệm vì niệm nhiều sẽ bị tổn khí, trong bộ Văn Sao, Quang cũng đã nhiều lần nêu lẽ lợi – hại. Công khóa sáng tối cứ chiếu theo công khóa mà niệm là được. Nếu công việc đa đoan, chẳng rảnh rỗi để niệm công khóa thì dùng cách Thập Niệm cũng được! Ngoài ra thì chỉ niệm một câu “nam-mô A Di Đà Phật” là được rồi!

Pháp Thập Niệm vừa nói đó cứ hết một hơi là một niệm, niệm mười hơi như thế thì gọi là Thập Niệm. Như người hơi mạnh, một niệm có thể niệm được nhiều đến mười, hai mươi câu; người khí yếu, chỉ niệm được vài câu. Bất luận niệm Phật nhiều ít, chỉ lấy từ một hơi đến mười hơi làm chừng. Chỗ mầu nhiệm của pháp này trong bộ Văn Sao cũng đã nói rồi. Nếu niệm nhiều sẽ bị tổn khí thành bệnh, không thể không biết. Cổ nhân nói: “Thông minh chẳng cự nổi nghiệp, phú quý chẳng khỏi luân hồi”. Sanh tử xảy đến không dựa vào đâu được, chỉ có A Di Đà Phật là nương dựa được. Tiếc là người đời biết điều này quá ít; tuy biết nhưng chân tín thật niệm lại càng ít hơn nữa! Ông Vương Thiết San ở Thông Châu[2] từng làm chức Phiên Đài[3] ở Quảng Tây vào đời nhà Thanh trước kia, cõi ấy thổ phỉ rất nhiều, ông bày kế tiễu trừ, giết không biết bao nhiêu mà kể. Năm trước mắc bệnh, nhắm mắt liền thấy mình ở trong nhà tối, quỷ thật đông cùng xông đến bức bách, hoảng sợ thức dậy. Suốt ba ngày ba đêm như thế, vừa chợp mắt liền thấy cảnh ấy. Con người suy sụp, hơi thở thoi thóp. Bà vợ ông ta khuyên ông niệm Phật, liền niệm mấy mươi tiếng bèn ngủ được. Do ngủ được đẫy giấc, tinh thần dần dần tỉnh táo, bệnh liền giảm bớt. Ông liền trường trai niệm Phật. Nếu lúc ấy không có ai đem pháp Niệm Phật bảo cho, e rằng vạn phần chẳng sống được đến bây giờ. Vì thế, dạy người niệm Phật công đức vô lượng; những người biết đến lợi ích niệm Phật đều là do thiện căn nhiều đời nhiều kiếp tạo thành.

Những chuyện lệnh thân đã được thấy quả thật là hiếm lạ, có thể nói là đời trước đã có thiện căn, nhưng phải tự gắng tu trì thật cẩn thận, ngõ hầu chẳng uổng giấc mộng ấy. Nếu vì tri kiến phàm phu, lầm lạc bảo mình đã được Tam Bảo gia bị, đã dự vào dòng Thánh, từ đó sanh ra đại ngã mạn, chưa đắc bảo là đắc, chưa chứng nói là chứng thì là do thiện nhân chuốc lấy ác quả. Người trong đời Mạt tâm trí hèn kém, thường mắc cái bệnh này! Ấy là như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Tâm chẳng coi đó là thánh [cảnh] thì gọi là cảnh giới lành. Nếu hiểu là cảnh thánh sẽ bị mắc vào các tà”, chính là nói về điều này vậy! Xin hãy đem chuyện tận lực tu pháp môn Tịnh Độ để tự khích lệ thì tương lai chắc chắn đạt được đại lợi ích.

Phải biết một pháp Tịnh Độ chính là lò luyện lớn để nung phàm luyện thánh của mười phương ba đời chư Phật. Chúng sanh trong chín pháp giới nếu không vào trong lò ấy thì không ai thoát ra ngoài [chín pháp giới] được, bởi thoát ra chính là rốt ráo thành Phật vậy! Tin tưởng được như thế mới gọi là Chánh Tín, mới gọi là “có Tịnh Độ” vậy!

***

[1] Nguyên văn là “sô nghị” (lời nghị luận của kẻ tiều phu), ý nói chẳng phải là cao kiến gì nên tạm dịch là “lời nghị luận ngô nghê”.

[2] Thông Châu: tên đất cũ, có hai nơi:

1) Ở tỉnh Hà Bắc, nay đổi thành Thông Huyện.

2) Tại tỉnh Giang Tô, nay đổi thành huyện Nam Thông.

Không rõ Thông Châu nói ở đây là Thông Châu thuộc tỉnh nào; nhưng trong những lá thư sau Tổ có nói là Bắc Thông Châu, nên chúng tôi đoán Thông Châu nói ở đây thuộc tỉnh Hà Bắc.

[3] Phiên Đài chức quan tương đương với Bố Chánh của ta, lo việc trị an trong một tỉnh.