TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm Sáu: Tu tập nghiệp ba mươi hai tướng

[Giải] Muốn thành tựu Bồ đề tối thắng, cần phải tu tập nhân phước đức của nghiệp ba mươi hai tướng.

G2. Khuyến phát tâm tu nghiệp ba mươi hai tướng
H1. Thiện Sinh hỏi tiếp

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Phật đã dạy, thân lực của Bồ tát khi nào được thành tựu?”

[Giải] Thiện Sinh hỏi tiếp phần trên, tức là hỏi Phật khi nào thành tựu được thân lực.

H2. Như Lai nói tổng quát
I1. Chánh thức trả lời thành tựu thân lực

Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Thiện nam tử! Bồ tát lúc mới bắt đầu tu nghiệp ba mươi hai tướng, liền được thành tựu thân lực.

[Giải] Đức Phật trả lời thời điểm thành tựu thân lực vừa thuật ở phần trên là lúc tu thành nghiệp ba mươi hai tướng.

I2. Biện minh tổng quát công đức tu ba mươi hai tướng
J1. Biện minh sơ lược công đức

Thiện nam tử! Hành giả lúc tu tập hạnh nghiệp như vậy được gọi là Bồ tát. Vị Bồ tát nầy được hai tam muội: một là tam muội giải thoát, hai là tam muội hiện hữu trong ba cõi. Lại được hai tam muội: một là tam muội biết đời quá khứ, hai là tam muội sinh ra nhân của Chính pháp. Thiện nam tử! Bồ tát lúc bắt đầu tu tập hạnh nghiệp ba mươi hai tướng, cho đến lúc thành bậc Vô thượng Chính đẳng Chính giác, trong khoảng trung gian, nghe nhiều Phật pháp không biết nhàm chán. Bậc Đại Bồ tát khi tu hành nghiệp ba mươi hai tướng, lúc tu mỗi tướng, đều đem trăm phúc trang nghiêm. Khi tu tập tâm Bồ đề được năm mươi phúc, và đến khi viên mãn lại được thêm năm mươi phúc. Vì thế gọi là một trăm loại phúc đức.

[Giải]    Đây là Bồ tát chân chánh, bởi do tu tập nghiệp ba mươi hai tướng, lúc quyết định thú hướng Vô thượng Bồ đề, tức là lúc chứng đắc “Bồ đề định”. Trong hai mươi lăm cõi hữu, không đọa ba đường ác, gọi là “hữu định”. Biết đời quá khứ của mình, gọi là “tri túc mệnh định”. Có thể liễu giải chánh pháp, tu hành chánh pháp, gọi là “sinh chánh pháp nhân định”.

Từ lúc bắt đầu phát tâm tu tập nghiệp ba mươi hai tướng, nhẫn đến lúc chứng đắc Vô thượng biến chánh giác, trong khoảng trung gian, nghe nhiều không biết nhàm chán.

Mỗi tướng đều có trăm phước đức, có nghĩa là tu hành năm mươi, tức là mười pháp thiện, mỗi pháp có năm thiện căn, hợp thành năm mươi, đến lúc tâm đầy đủ, mười pháp thiện, mỗi pháp lại có năm thiện căn, lại hợp thành năm mươi, đây gọi là một trăm loại phước đức.

J2. So sánh hiển thị công đức

Thiện nam tử! Tất cả phúc đức của thế gian, không bằng công đức của một lỗ chân lông của Đức Như Lai. Công đức của tất cả chân lông của Như Lai, không bằng công đức của một hảo trong tám mươi hảo. Tụ hợp tất cả công đức của tám mươi hảo, không bằng công đức của một tướng trong ba mươi hai tướng. Tất cả công đức của các tướng, không bằng công đức của tướng Bạch hào. Công đức của tướng Bạch hào lại không bằng công đức của tướng Vô kiến đỉnh.

[Giải]    Tất cả phước đức của thế gian, không bằng công đức của một lổ chân lông của Phật, đây là đem công đức của cả tam giới so sánh với một sợi chân lông của Phật.

Bạch hào tướng, tức là tướng bạch hào quang giữa chặn mày. Đức Phật lúc nói kinh Pháp Hoa, phóng bạch hào tướng quang giữa chặn mày, lúc nói kinh Lăng Nghiêm,  phóng vô kiến đỉnh tướng quang. Bạch hào tướng và vô kiến đỉnh tướng, đều là tướng thù thắng nhất.

J3. Đề xuất hạng người tu tập ba mươi hai tướng

Thiện nam tử! Bồ tát thường ở trong vô lượng kiếp, vì chư chúng sinh làm lợi ích lớn. Chí tâm siêng năng làm tất cả nghiệp lành. Vì thế Như Lai thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Ba mươi hai tướng đó, tức là quả báo của tâm Đại bi. Chuyển luân thánh vương tuy cũng có ba mươi hai tướng, song không được rõ ràng và hoàn bị như của đức Phật. Nghiệp thể của ba mươi hai tướng đó tức là thân, khẩu, ý. Chỉ có người ở ba châu, Đông thắng thần châu, Nam thiệm bộ châu, và Tây ngưu hóa châu, mới có thể tu nghiệp ba mươi hai tướng đó, chứ không phải người cõi trời, hay người ở Bắc câu lô châu. Vả lại, phải là thân người nam, không phải là thân người nữ, mới được ba mươi hai tướng nầy. Các vị Đại Bồ tát tu nghiệp ba mươi hai tướng được viên mãn, tức là viên mãn ba A tăng kỳ kiếp, sẽ chứng đắc Vô thượng Chính đẳng Bồ đề.

[Giải]    Ba mươi hai tướng, tức là quả báo của tâm Đại bi, do vì khi tu nhân, tu tập tâm Đại bi, cho nên được công đức quả báo ba mươi hai tướng. Luân vương, có bốn loại: kim, ngân, đồng và thiết; chuyển luân vương tức là kim luân vương, thống nhiếp bốn châu thiên hạ. Kim luân vương tuy cũng có ba mươi hai tướng, nhưng không bằng ba mươi hai tướng của Đức Phật quang minh hiển hiện.

Thành tựu nghiệp ba mươi hai tướng là do ba nghiệp thân khẩu ý mà thành. Tướng người nam cũng là một trong ba mươi hai tướng. Tu tập viên mãn nghiệp ba mươi hai tướng, tức là viên mãn ba vô số kiếp, tuần tự sẽ chứng đắc Vô thượng chánh biến giác.

J4. Chỉ rõ thời gian tu ba mươi hai tướng

Thiện nam tử! Khi xưa ta ở nơi Đức Phật Bảo Đỉnh, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ nhất; ở Đức Phật Nhiên Đăng, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ hai; ở Đức Phật Ca Diếp, viên mãn A tăng kỳ kiếp thứ ba.

Thiện nam tử! Ta ở Đức Cổ Phật Thích Ca Mâu Ni, mới bắt đầu phát tâm Vô thượng Bồ đề. Sau khi phát tâm, ta đã cúng dường chư Phật, nhiều như số cát trong vô lượng sông Hằng; trồng các căn lành, tu tập đạo hạnh, gìn giữ giới luật, siêng năng, và nghe nhiều Phật pháp. Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát sau khi tu nghiệp ba mươi hai tướng ấy, tự biết mình sẽ chứng đắc quả Vô thượng Chính đẳng Bồ đề, rõ ràng như xem quả Am ma lặc trong lòng bàn tay. Nghiệp ba mươi hai tướng tuy cố định, xong khi tu tập các nghiệp nầy, không cần theo thứ tự nhất định.

[Giải]    Phật Ca Diếp là Đức Phật thứ ba trong Hiền kiếp, tức là Đức Phật trước Phật Thích Ca.

Lúc tu tập viên mãn nghiệp ba mươi hai tướng, nhưng chưa nói trước tien phải tu công đức nào?

Quả Am ma lặc, đây gọi là quả “khó phân biệt”. Người Aán độ thường đặt trong lòng bàn tay, lấy ý “rõ như lòng bàn tay”.

I3. Biện minh riêng biệt thứ tự tu tập nghiệp ba mươi hai tướng
J1. Nói khái quát trước tiên phải tu tướng nào

(1) Hoặc có kẻ nói, Đức Như Lai trước được tướng con mắt như mắt Ngưu Vương. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, ưa đem cặp mắt hiền từ nhìn chúng sinh, vì thế nên được tướng mắt như Ngưu Vương, và kế đó được các tướng khác; (2) hoặc có kẻ nói, Đức Như Lai trước được tướng tám thứ Phạm âm, kế đó được các tướng khác. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thường dùng lời nhỏ nhẹ, lời chào đón, lời chân thực, dạy dỗ chúng sinh, vì thế nên trước được tám thứ Phạm Âm; (3) hoặc có kẻ nói, Đức Như Lai trước được tướng Vô kiến đỉnh, kế đó được các tướng khác. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, cúng dường sư trưởng, chư Phật, Bồ tát, cúi đầu lễ bái, phá tâm kiêu mạn, vì thế nên trước được tướng Vô kiến đỉnh; (4) hoặc có kẻ nói, Đức Như Lai trước được tướng lông Bạch hào, kế đó được các tướng khác. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, đã không dối gạt tất cả chúng sinh, vì thế nên trước được tướng lông Bạch hào. Trừ Đức Phật Thế Tôn, không kẻ nào có thể nói rành rẽ nghiệp của các tướng đó như vậy.

[Giải]    Đoạn này nói khái quát trước tiên tu tướng nào. Phần trên tuy nói đến công đức khi đã thành tựu ba mươi hai tướng, nhưng chưa nói trước tiên phải tu công đức nào?

Đức Phật nói: “Thứ tự tu tập, không bắt buộc trước tiên phải nên tu tướng nào, đại khái tùy thuộc cơ duyên phát khởi trước sau mà quyết định.” Xưa nay có nhiều người cho rằng trước tiên phải tu tướng nào.

Tướng mắt như ngưu vương, tức là trong một âm thanh, có tám loại công đức.

Lời chào đón, tức là mở lời trước.

Tướng vô kiến đỉnh, do vì Đức Phật lúc chào đời, bà mẹ nuôi không thể thấy được đảnh của Ngài, ngài Trì Địa Bồ tát quán sát vô lượng thế giới ở phương trên, cũng không thể thấy được “vô kiến đỉnh” này.

Ở đây chân chánh hiển minh diệu chân như tướng của tất cả các pháp, nghĩa là diệu lý không còn đối đãi, nhất tướng vô tướng, bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, cho nên khó mà thấy được.

Đức Phật là bậc Chí tôn vô thượng, Bồ tát là bậc đi trước, hoặc là bậc có đức hạnh. Cúi đầu lễ bái, tức là năm vóc gieo xuống đất. Trong phép lễ lạy có nhiều nghi thức khác nhau.

Kiêu, là tiểu tùy phiền não, đặc tính là chấp trước vào công đức của mình; mạn, là căn bổn phiền não, tức là cậy mình hiếp người; có bảy loại mạn, chín loại mạn khác nhau.

Những việc không công bình trên thế gian, đều là do tâm mạn sinh khởi, cội rễ là vì có ngã kiến.

Cúi lạy chân của chư Phật, Bồ tát, để phá tâm kiêu mạn, ắt có thể thông đại tất cả đều bình đẳng. Người thường, vì kiêu mạn, vì không bình đẳng, cho nên không được tướng vô kiến đỉnh.

Tướng lông bạch hào, chữ lông (hán: mao) nên đổi là ánh sáng (hán: quang). Bạch hào quang tướng, thấu suốt có ánh sáng, dài mịn co duỗi tự tại, nhân vì không lừa dối chúng sinh mà thành tựu, biểu thị trung đạo thức tướng.

Tuy có những thuyết minh trước phải nên tu tướng nào, thế nhưng, theo ý của Đức Phật, không nhất định phải tu tướng nào trước tướng nào sau. Tùy theo cơ duyên, nhân duyên mà tu, đều có thể được.

J2. Chánh thức nói thứ tự tu tập ba mươi hai tướng

Hoặc có kẻ theo thứ lớp nói rằng: (1) Đức Như Lai trước được tướng lòng bàn chân bằng phẳng, kế đó được các tướng khác. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, bố thí, giữ giới, tu tập đạo hạnh, tâm không lay động, vì thế nên trước được tướng lòng bàn chân bằng phẳng; (2) được tướng ấy rồi, kế được lòng bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, cúng dàng cha mẹ, sư trưởng, bạn lành, đúng như pháp mà ủng hộ tất cả chúng sinh, vì thế lòng bàn chân, bàn tay đều có tướng bánh xe ngàn căm; (3) được tướng ấy rồi, kế được tướng ngón tay thon dài. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, chí tâm thọ trì giới ưu bà tắc thứ nhất và thứ tư, vì thế được tướng ngón tay thon dài, và tướng bàn chân dài; (4) được tướng ấy rồi, kế được tướng hai vai đầy đặn. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, tùy thuận lời dạy của sư trưởng, cha mẹ, bạn lành, vì thế được tướng hai vai đầy đặn; (5) được tướng ấy rồi, kế được tướng màn lưới giữa các ngón tay và chân. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, đem pháp Tứ nhiếp nhiếp thọ chúng sinh, thế nên được tướng màn lưới giữa các ngón tay và chân; (6) được tướng ấy rồi, kế dược tướng tay chân mềm mại hơn các tướng khác của thân thể. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, dùng tay thoa bóp, tắm rửa thân thể của cha mẹ, sư trưởng, làm sạch cấu nhơ, lại dùng dầu thơm thoa xức, vì thế nên được tướng tay chân mềm mại; (7) được tướng ấy rồi, kế được tướng lông trên thân đều xoay về phía phải và hướng lên. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thường dạy dỗ chúng sinh, khiến tu bố thí, giữ giới và làm các việc lành, thế nên được tướng lông xoay về phía phải và hướng lên; (8) được tướng ấy rồi, kế được tướng bắp đùi như Lộc vương. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, chí tâm nghe Pháp, chí tâm nói Pháp, vì muốn phá tan các tội lỗi sinh tử, thế nên được tướng bắp đùi như Lộc vương; (9) được tướng ấy rồi, kế được tướng thân tròn trịa, như cây Ni câu đà. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thường bố thí thuốc men cho tất cả chúng sinh có bệnh, thế nên được tướng thân thể tròn trịa; (10) được tướng ấy rồi, kế được tướng cánh tay dài quá đầu gối. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, không bao giờ lừa dối tất cả Hiền thánh, cha mẹ, sư trưởng, bạn bè, cùng bậc thiện tri thức, thế nên được tướng cánh tay dài quá đầu gối; (11) được tướng ấy rồi, kế được tướng Âm tàng của Tượng vương, Mã vương. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thấy người sợ hãi liền che chở, nâng đỡ họ, thường sinh tâm hổ thẹn, không nói lỗi người, lại khéo che tội cho họ, thế nên được tướng Âm tàng như vậy; (12) được tướng ấy rồi, kế được tướng thân mềm mại, mỗi chân lông chỉ mọc một sợi lông. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, gần gũi người trí, ưa nghe và đàm luận Chính pháp, nghe xong vui vẻ tu hành, lại hay sửa sang đường sá, nhặt dọn gai góc, thế nên được tướng da thịt mịn màng, mỗi chân lông mọc một sợi lông; (13) được tướng ấy rồi, kế được tướng thân màu hoàng kim. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thường bố thí chúng sinh nhà cửa, giường chiếu, thức ăn, đèn đuốc, thế nên được tướng thân màu hoàng kim; (14) được tướng ấy rồi, kế được tướng bảy chỗ trên thân tròn đầy. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, dù chỗ đáng giận cũng không sinh lòng giận, vui vẻ bố thí những gì mà chúng sinh mong muốn, thế nên được tướng bảy chỗ trên thân tròn đầy; (15) được tướng ấy rồi, kế được tướng chỗ những khớp xương đều viên mãn. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, khéo phân biệt tướng lành dữ, lời nói không sai lầm, không nói lời vô nghĩa, thường nói Pháp thích hợp với căn cơ chúng sinh, nếu không thì không nói, thế nên được tướng chỗ những khớp xương viên mãn; (16), (17) được tướng ấy rồi, kế được hai tướng: một là thân trên, hai là hai má, đều như tướng của sư tử. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, tự mình không nói đâm thọc, lại dạy người khác không nói đâm thọc, thế nên được hai tướng như thế; (18), (19), (20) được tướng ấy rồi, kế được ba tướng: một là có bốn mươi cái răng, hai là răng thật trắng, ba là răng mọc khít và bằng nhau. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, dùng mười pháp lành giáo hóa, chúng sinh thọ rồi, tâm sinh vui mừng, lại thường ưa ca tụng công đức kẻ khác, thế nên được ba tướng như vậy; (21) được tướng ấy rồi, kế được tướng bốn răng nanh trắng sạch. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, tu tập tâm từ bi của cõi dục giới, thường hay suy ngẫm pháp lành, thế nên được tướng bốn răng nanh trắng sạch; (22) được tướng ấy rồi, kế được tướng vị giác thù thắng nhất. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, không đợi người xin rồi sau mới bố thí, thế nên được tướng vị giác thù thắng nhất; (23), (24) được tướng ấy rồi, kế được hai tướng: một là tướng nhục kế, hai là tướng lưỡi rộng dài. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, chí tâm thọ trì pháp Thập thiện, đồng thời giáo hóa chúng sinh, thế nên được hai tướng như thế; (25) được tướng ấy rồi, kế được tướng Phạm âm. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, tự mình không nói lời ác, dạy dỗ kẻ khác không nói lời ác, thế nên được tướng Phạm âm; (26) được tướng ấy rồi, kế được tướng cặp mắt xanh biếc như Ngưu vương. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, đem cặp mắt từ ái nhìn chúng sinh, thân thù bình đẳng, thế nên được tướng cặp mắt xanh như Ngưu vương; (27) được tướng ấy rồi, kế được tướng Bạch hào. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, giảng nói chính pháp, chân thực không hư dối, thế nên được tướng Bạch hào; (28) được tướng ấy rồi, kế được tướng Vô kiến đỉnh. Vì sao? Lúc tu hạnh Bồ tát, trong vô lượng đời, thường cung kính lễ bái tất cả Hiền thánh, sư trưởng, cha mẹ, tôn trọng, ca ngợi, cung kính, cúng dàng, thế nên được tướng Vô kiến đỉnh.

I4. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai loại, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia tu nghiệp như vậy không khó, Bồ tát tại gia tu nghiệp như vậy mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.”

[Giải]    Bồ tát tại gia có nhiều chướng ngại ràng buộc, vì khó tu nên khuyến khích tinh tiến.