KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 6: KHEN NGỢI CÔNG ĐỨC CỦA NHƯ LAI

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn thật là hy hữu. Vì công đức của các Đức Như Lai luôn đầy đủ: Từ cõi trời giáng xuống đầy đủ, nhập thai đầy đủ, trụ thai đầy đủ, xuất thai đầy đủ, mẹ sinh đầy đủ, căn lành đầy đủ, các tướng đầy đủ, các vẻ đẹp đầy đủ, trang nghiêm đầy đủ, xuất gia đầy đủ, nhập định đầy đủ, đại nhập định đầy đủ, thâm tâm đầy đủ, chí tâm đầy đủ, chân tín đầy đủ, vô úy đầy đủ, giới thân đầy đủ, định thân đầy đủ, tuệ thân đầy đủ, giải thoát thân đầy đủ, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, các thần thông đầy đủ, chứng trí đầy đủ, đạt đến nhất thiết chủng trí rốt ráo đệ nhất, đạt đến Từ, đại Từ rốt ráo đệ nhất, đạt đến Bi, đại Bi rốt ráo đệ nhất, đạt đến Hỷ, đại Hỷ rốt ráo đệ nhất, đạt đến Xả, đại Xả rốt ráo đệ nhất, đạt đến tối thắng không gì sánh rốt ráo đệ nhất, đạt đến chư oai nghi rốt ráo đệ nhất, đạt đến chư thần thông rốt ráo đệ nhất, đạt đến hất thảy các pháp vô ngại rốt ráo đệ nhất, đạt đến thị xứ phi xứ lực rốt ráo đệ nhất, đạt đến sự mỡ bày dẫn dắt tạo lợi ích rốt ráo đệ nhất, đạt đến Xa-ma-tha, Tỳ-bà-xá-na rốt ráo đệ nhất, đạt đến tất cả thiền định giải thoát Tam-ma-bạt-đề rốt ráo đệ nhất; đạt đến không tham, không sân, không si, không mạn, không phóng dật, không ganh ghét, không sân hận, lìa bỏ các sai lầm, giải thoát năm đường, đạt đến bốn vô úy rốt ráo đệ nhất; khiến cho tất cả chúng sinh trồng các căn lành, thọ nghiệp quả báo, phát khởi giáo luận rốt ráo đệ nhất; khiến cho tất cả chúng sinh đối với các nhóm giới hạnh không đỗ vỡ, không thiếu sót, không ô trược, không xen tạp, thành tựu chí trượng phu, không bị xúc phạm, được người trí khen ngợi, không có lỗi lầm. Tất cả thế gian, hoặc Trời, hoặc Người, hoặc Phạm, hoặc Ma, hoặc Sa-môn, hoặc Bàla-môn, cho đến không ai có thể như pháp mà chê trách, hủy báng một cách phi lý được.

Này Tôn giả A-nan! Công đức của chư Phật Thế Tôn với hết sức thù thắng, trong các loại chúng sinh nơi tất cả thế gian, không một ai có thể lường tính, nói về công đức của Như Lai như giới mà biết được một phần nhỏ, vậy nơi nào có người lại có thể hơn Phật?

Này Tôn giả A-nan! Từ nay các vị phải nên như thế mà quán. Cõi hư không rộng lớn như vậy, bốn phương của hư không rộng lớn như thế, tôi đều biết rõ biên vực, hạn lượng của nó, nhưng công đức của chư Phật thì không thể lường tính được.

Như vậy Tôn giả A-nan! Tất cả không lượng về giới, định, tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến, cho đến tất cả oai nghi, thần thông, lợi ích vô ngại hiện có của chư Phật Thế Tôn là không thể nói được, không thể hiện bày rõ ràng, không thể biết được, không thể vào được. Vì sao? Này Tôn giả A-nan! Vì các công đức hiện có của chư Phật Thế Tôn đều không có biên vực. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn có vô lượng giới hạnh, có vô lượng định hạnh, có vô lượng tuệ hạnh, có vô lượng giải thoát hạnh, có vô lượng giải thoát tri kiến, cho đến có hết thảy mọi vô lượng công đức. Thế nên, này Tôn giả A-nan! Phải biết chư Phật Thế Tôn có đầy đủ các thứ như vậy.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến muốn làm rõ nghĩa này, nên nói kệ tụng:

Khi Thế Tôn giáng trần nhập thai
Trụ không nghĩ bàn, xuất cũng vậy
Sinh nhà giàu sang, mẹ hơn người
Các công đức tối thượng bậc nhất.
Thân Phật có đủ ba hai tướng
Vẻ đẹp trang nghiêm đủ khắp thân
Việc làm chư Phật không nghĩ bàn
Do nơi nhiều kiếp mãi tu tập.
Thắng thượng hơn người cầu xuất gia
Thành tựu thiền định đại Tam-muội
Chánh tâm, nhuần tín rất kiên cố
Tất cả phương tiện thảy biết rõ.
Giới hạnh Tam-muội đều đầy đủ
Trí tuệ đầy tròn không ai bằng
Giải thoát tri kiến cũng đã đạt
Thần thông oai đức đã rốt ráo.
Hay diệt khổ đau cứu chúng sinh
Từ bi hạnh chính lấy làm đầu
Hỷ xả diệu hạnh cũng bình đẳng
Chư Phật Thế Tôn tự chứng biết.
Thân, khẩu, thường hợp với ý hành
Việc làm trí tuệ khó nghĩ lường
Oai nghi siêu tuyệt hơn thế gian
Thần lực Pháp vương đến bờ giác.
Tam-muội không tránh, như thấy pháp
Chỗ đúng, chỗ sai đều biết rõ
Thiền định, giải thoát khó suy lường
Hay làm lợi ích các chúng sinh.
Định, tuệ, chỉ, quán đã thành tựu
Hào quang chiếu rõ diệt tâm uế
Không có tham, sân, các lỗi lầm
Giải thoát vô úy đều khéo học.
Giới hạnh không phá cũng không yếu
Không trược, không tạp, rất thanh tịnh
Chúng sinh gặp Phật không sân não
Không cầu quả báo khen ngợi trí.
Trong không lỗi lầm, ngoài không hoại
Giả sử Trời, Người và Phạm, Ma
Hoặc lại Sa-môn, Bà-la-môn
Không thể chê trách, thường thanh tịnh.
Cõi hư không còn có thể tận
Các phương cũng có thể rất rộng
Vô Thượng Điều Ngự, Thiên Nhân Sư
Giới hạnh thanh tịnh khó lường được.
Biển cả có thể miệng uống khô
Vô biên dòng nước cũng như vậy
Hào quang chư Phật không thể biết
Giới hạnh thanh tịnh ai được thấy.
Tu-di miệng có thể thổi tan
Đại, tiểu Thiết vi cũng như vậy
Diệu hạnh chư Phật không thể biết
Giới hạnh thanh tịnh khó cùng tận.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến tự suy nghĩ: “Hiện nay Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nếu hạ oai thần đến với chúng hội này thì tốt đẹp biết bao. Nay ta cũng nên vì các Đại Bồ-tát, thưa hỏi Đức Thế Tôn về pháp mon Tam-muội Niệm Phật vi diệu của tất cả Bồ-tát, trước đây Đức Như Lai đã nêu tên, bây giờ Ngài cũng nên vì các đệ tử diễn giảng pháp này, nói rõ nghĩa lý. Bạch Thế Tôn! Thế Tôn có thể ra khỏi thiền tịch an ổn chăng?”

Lúc này, Đức Thế Tôn biết Đại Bồ-tát Bất Không Kiến suy nghĩ như vậy nên ngay tại chúng hội, do thần lực của Phật, đại địa của tam thiên đại thiên thế giới này bỗng chấn động đủ sáu cách, chấn động như vậy xong, Đức Thế Tôn lại dùng thần lực phóng ra ánh sáng lớn chiếu soi khắp tam thiên đại thiên thế giới, khiến cho ánh sáng của tất cả tinh tú ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, cho đến cung điện của các trời nơi cõi Dục đều biến mất, không hiện.

Lại có vô lượng, vô biên, không thể nghĩ bàn, hằng hà sa số các cung điện của Phạm thiên cũng đều trở nên tăm tối, cho đến tất cả cung trời ở cõi Sắc cũng vì hào quang của Phật nên đều không hiện. Khi các ánh sáng đó không hiện thì chỉ có hào quang từ thần lực của Phật Thế Tôn là rực sáng.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với tâm đại Từ luôn được un đúc, vì muốn làm lợi ích cho các chúng sinh nên từ thiền định đứng dậy, đi từ từ đến chỗ đại chúng đang vây quanh, quan sát Đại Bồ-tát Bất Không Kiến và tất cả chúng hội. Khi ấy chư Thiên và loài Người, hoặc Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, các loại Rồng, Dạ-xoa, A-tu-la, của tất cả thế gian được thấy hào quang của Đức Phật, tất cả đều từ tòa sen đang ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, cung kính chắp tay lễ bái Đức Thế Tôn rồi trở về chỗ cũ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, thân tướng sáng tỏa, đoan nghiêm, thù thắng, các căn vắng lặng sạch trong như voi chúa được điều phục, tâm ý an nhiên như nước lắng trong, Nhất thiết chủng trí tròn đầy, tự tại đến đây, nên càng sinh tâm vui mừng.

Khi ấy, Bồ-tát Bất Không Kiến liền nói với Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Ông xem Đức Thế Tôn từ thiền định đứng dậy, rồi từ đó đến đây chắc chắn Thế Tôn sẽ khai diễn lý lẽ chân thật đệ nhất, không hề hư vọng. Đức Như Lai Thế Tôn nói lời vi diệu, nói lời chân chánh, nói lời thành thật, nói lời như thật, nói lời không khác, nói lời khéo léo, tâm khéo suy nghĩ, thường làm việc lành, thân nghiệp không lỗi, khẩu nghiệp không lỗi, ý nghiệp không lỗi, tất cả công đức đều được đầy đủ. Đó là đầy đủ giới tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ định tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ tuệ tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ giải thoát tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ giải thoát tri kiến tụ tối thượng bậc nhất, đầy đủ oai nghi tối thượng bậc nhất, đầy đủ thần thông tối thượng bậc nhất, đầy đủ lợi ích tối thượng bậc nhất, đầy đủ biện tài không nghĩ bàn tối thượng bậc nhất, đầy đủ thành tựu tối thượng bậc nhất, đầy đủ vi diệu tối thượng bậc nhất, đầy đủ bất thoái chuyển tối thượng bậc nhất, đầy đủ nhập thai tối thượng bậc nhất, đầy đủ sự trụ thai tối thượng bậc nhất, đầy đủ sự sinh ra trong gia đình tối thượng bậc nhất, đầy đủ công đức tròn đầy tối thượng bậc nhất, đầy đủ các tướng không nghĩ bàn tối thượng bậc nhất, đầy đủ các vẻ đẹp không nghĩ bàn tối thượng bậc nhất, đầy đủ nghiệp quá khứ tối thượng bậc nhất, đầy đủ căn lành tối thượng bậc nhất, đầy đủ sự phát tâm trọn vẹn tối thượng bậc nhất, đầy đủ tín tâm, đầy đủ sự dứt trừ phiền não, đầy đủ sức diệt trừ lớn các phiền não, đầy đủ sự từ bỏ gia đình, đầy đủ sự nhận biết về năm chủng loại… Đó là đầy đủ giới thân bậc nhất, đầy đủ định thân bậc nhất, đầy đủ tuệ thân bậc nhất, đầy đủ giải thoát thân bậc nhất, đầy đủ giải thoát tri kiến thân bậc nhất, đã đạt đến thần thông rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí chứng vô dư rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến phân chỗ biệt pháp rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến phân biệt nghĩa rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến phân biệt biện tài rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến sự vắng lặng rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến sự minh đạt rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến căn, lực, giác, đạo rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tâm Từ và đại Từ rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến lòng Bi và đại Bi rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tâm Hỷ và đại Hỷ rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tâm Xả và đại Xả rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến oai nghi không nghĩ bàn rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến sự hổ thẹn rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến tự tại đối với tất cả pháp rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí tri kiến quá khứ vô ngại rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí tri kiến vị lai vô ngại rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến trí tri kiến hiện tại vô ngại rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến thân nghiệp tùy trí tuệ hành rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành rốt ráo bậc nhất, đã đạt đến ý nghiệp tùy trí tuệ hành rốt ráo bậc nhất.

Này Tôn giả A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác trong một niệm có thể nhận biết một cách rõ ràng về tâm, tâm hành của tất cả chúng sinh, hoặc thiện, hoặc ác, hoặc sạch, hoặc nhơ.

Bấy giờ Đại Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như biển cả, vì sự tích tụ của tịnh giới thăm thẳm như đáy biển.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như núi Tu-di, vì sự tích tụ của Tam-muội không thể lay động.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như hư không, vì sự tích tụ của trí tuệ không có biên vực.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như hư không, vì thu lấy tất cả chúng sinh không hề chướng ngại.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như mặt trời, vì các thế gian mà làm sáng rõ các pháp.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như khối lửa lớn, vì thiêu đốt các củi phiền não của tất cả chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như sống, như hào, như ao, như suối, vì rửa sạch các thứ cấu uế sinh, lão, bệnh, tử của chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn như bậc lương y, vì trị lành tất cả bệnh tật khổ đau của tất cả chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn như đám mây mưa lớn, vì dùng nước pháp làm thấm ướt sự gầy mòn của chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn như vua sư tử, vì phá trừ sự tự cao tự mãn của tất cả chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như chiếc thuyền lớn, vì đưa chúng sinh qua sông sinh tử.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như lực sĩ cõi trời, vì hàng phục được tất cả lực sĩ của thế gian.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như hoa Ưu-đàm, vì tất cả thế gian khó được thấy.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như cây hoa Balợi-chất-đa, vì có ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, rất đáng yêu thích.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn giống như cha mẹ, vì đem lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn luôn làm lợi ích, an lạc để có thể khiến cho tất cả chúng sinh được an trú.

Này Tôn giả A-nan! Nếu có người nói: “Đức Như Lai xuất thế có vô lượng biện tài.” Người nói như vậy gọi là khéo nói về Đức Như Lai.

Hoặc nói: “Đức Như Lai xuất thế có biện tài không thể nghĩ bàn”, đó gọi là khéo nói.

Này Tôn giả A-nan! có thể nói một cách tóm lược: “Đức Như Lai xuất thế có biện tài vô biên, Đức Như Lai xuất thế có biện tài vô ngại, Đức Như Lai xuất thế có biện tài không nắm giữ, tham chấp, Đức Như Lai xuất thế có biện tài thắng giải thoát, Đức Như Lai xuất thế có biện tài tùy thuận nghĩa, biện tài tương ưng nghĩa, biện tài thanh tịnh vi diệu, biện tài khéo hỏi, biện tài không hỏi, biện tài bậc thượng, biện tài vô thượng, biện tài Từ, biện tài đại Từ, biện tài Bi, biện tài đại Bi, biện tài Hỷ, biện tài đại Hỷ, biện tài Xả, biện tài đại Xả. Đức Phật xuất thế có biện tài lợi ích.”

Này Tôn giả A-nan! nếu có người nói: “Đức Như Lai xuất thế tạo đầy đủ lợi ích cho tất cả chúng sinh” thì gọi người ấy là khéo nói về Đức Như Lai.

Này Tôn giả A-nan! Nếu có người nói một cách chân chánh: “Đồng nghĩa với sự biện tài, tạo lợi ích cho chúng sinh, chính là sự xuất hiện của Đức Như Lai ở thế gian.” Rồi lại nói: “Biện tài tạo lợi ích của Như Lai là vì tất cả chúng sinh đều được lợi ích, nên ngôn âm chân chánh của Như Lai đều khiến cho khắp nơi chốn được đầy đủ, vì vậy nên Đức Như Lai xuất hiện ở thế gian”, người ấy cũng được gọi là khéo nói về Đức Như Lai.

Này Tôn giả A-nan! Nếu có người nói: “Chúng sinh không chỗ nương, chúng sinh không chỗ dựa, chúng sinh không ai cứu độ chúng sinh không ai che chở, chúng sinh không ai xót thương. Đức Như Lai xuất thế là chỗ nương, chỗ dựa, là sự cứu độ che chở, vì xót thương chúng sinh.” Như vậy gọi là khéo nói về Đức Như Lai.

Này Tôn giả A-nan! Giả sử nay tôi trải qua một kiếp hay ít hơn một kiếp, mãi ca ngợi công đức biện tài của chư Phật Thế Tôn, rốt cuộc cũng không nói được một phần. Lại trải qua vô lượng kiếp diễn nói đầy đủ về công đức biện tài của Đức Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác rốt cuộc cũng không nói được một phần nhỏ.

Này Tôn giả A-nan! Ví như có người già bệnh, ốm yếu, đi đến chỗ đại chúng rồi nói: Mọi người nên biết! Tôi tuy tuổi đã già sức yếu, bị bệnh hoạn nhưng vẫn có thể dùng đầu một sợi lông hút nước biển cả, làm cho khô cạn tức khắc.

Người ấy hoàn toàn không có thần thông, chú thuật gì cả mà dám quả quyết như vậy. Này Tôn giả! Ý Tôn giả thế nào? Điều người ấy nói có thực hiện được không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Không được! Thưa Đại sĩ!

Bồ-tát Bất Không Kiến lại nói:

–Lời của người ấy thì chư Thiên và loài người nơi tất cả thế gian chưa thể làm được việc hy hữu này. Vậy mà người khốn khổ ấy lại nói có thể dùng đầu một sợi lông làm khô hết nước nơi biển cả! có thể suy niệm như vậy chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Chẳng thể! Thưa Đại sĩ!

–Như vậy, này Tôn giả! Việc ấy vốn không dựa vào đâu để tin! Nay tôi khen nói công đức biện tài của chư Phật Thế Tôn, rốt cuộc cũng không nêu được một phần nhỏ. Việc này cũng giống như vậy.

Này Tôn giả A-nan! Hãy để việc ấy lại. Giả sử hôm nay Đức Phật trở lại chúng hội, tự khen ngợi một phần nhỏ về công đức ấy, dẫu biết trải qua trăm ngàn ức na-do-tha kiếp cũng không thể hết, huống chi là người khác.

Này Tôn giả A-nan! Hãy để việc ấy lại. Nay tôi lại nói: “Giả sử tất cả chúng sinh hiện ở nơi đại địa này, với bao nhiêu chủng loại, hoặc có chân, hoặc không chân, hoặc hai chân, bốn chân, cho đến nhiều chân. Hoặc có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, thế giới như vậy và lấy mười phương vô lượng, vô biên chúng sinh hiện có trong các thế giới ấy, giả sử tất cả trong một lúc đều thành Phật, các Thế Tôn ấy trải qua vô lượng kiếp đều trở lại khen ngợi một phần nhỏ công đức của Phật, rốt cuộc cũng không thể hết.

Này Tôn giả A-nan! Nên biết, tất cả chư Phật Thế Tôn mới có đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn như vậy.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến vì nhằm làm rõ nghĩa này, nên nói kệ tụng:

Tôn giả hãy xem Pháp Vương đến
Tất cả thế gian nên cúng dường
Công đức oai quang rất chói lọi
Đầy tất cả trí khó lay động.
Lời hay tối thượng, Phật chân thuyết
Nói thật, nói đúng, nói không khác
Khéo nói Thánh pháp, biết chân thật
Thân, miệng, không lỗi ý cũng vậy.
Tâm không nghĩ khác, dứt phân biệt
Giới hạnh tối thắng, Tam-muội sâu
Trí tuệ giải thoát thật siêu việt
Tri kiến giải thoát không ai bằng.
Oai nghi đầy đủ không nghĩ bàn
Thần thông vô thượng, trí như thật
Lợi ích thế gian vô hạn lượng
Biện tài diệu hạnh cũng vô cùng.
Từ trời hạ sinh như Ngưu vương
Nhập thai thành tựu hơn thế gian
Trụ thai lạ thường không gì sánh
Sinh nhà đầy đủ, mẹ tôn quý.
Các căn thành tựu tốt đẹp nhất
Tướng tốt, viên mãn không nghĩ bàn
Thượng diệu, hoàn bị rất trang nghiêm
Tất cả phân minh đời chiêm ngưỡng.
Chơn tâm, toàn vẹn tín thanh tịnh
Thiền định trừ cấu, có oai lớn
Từ bỏ thế tục, thích xuất gia
Thành tựu Bồ-đề được năm thứ.
Đã vượt thần thông đạt đệ nhất
Trí tuệ vô ngại cũng vô biên
Với Xa-ma-tha, Tỳ-xá-na
Pháp vương thông đạt, được tự tại.
Nước trong biển cả rộng và sâu
Hoặc dùng sợi lông mà do được
Điều Ngự Trượng Phu, giới thanh tịnh
Tuy qua nhiều kiếp không thể biết.
Tu-di tuy vững có thể động
Dùng tay đưa đến cung Phạm thiên
Khi chư Phật mới trụ thiền định
Không ai có thể loạn động được.
Hư không dung chứa vẫn cùng tận
Bốn phương tuy rộng biết giới hạn
Trọn không thấy được cảnh chánh giác
Tư duy phân biệt chỗ này nọ.
Tôn giả! Đại địa thật rộng lớn
Nhưng vẫn biết nó rộng bao nhiêu
Nhân Trung Tôn xa lìa phiền não
Tâm ý thức Phật không cùng tận.
Mặt trời chiếu sáng trừ tăm tối
Xem các thiệc, ác hoặc thấy sắc
Thế gian sư tự tại như vậy
Hay xua mây vô minh đen tối.
Ví như trăng thu ra khỏi mây
Chúng sinh trông thấy đều vui vẻ
Pháp vương trí sáng như trăng rằm
Như xem sắc đẹp ai không thích?
Như đèn sáng đêm dài tối tăm
Để người mắt sáng thấy đường đi
Người trí thế gian trừ tăm tối
Thường dùng pháp sáng chiếu chúng sinh.
Bậc Tự tại hay bày đuốc pháp
Đại sư trời, người vì chúng sinh
Tất cả các hữu đều diệt hết
Cho nên gọi Phật: Vua ánh sáng.
Thánh trí như nước sông và suối
Rửa sạch bụi sinh, lão, bệnh, tử
Như đại y vương cho thuốc hay
Điều Ngự luôn trừ các bệnh, khổ.
Giống như Long vương đổ mưa lớn
Làm nước tràn đầy các đại địa
Chư Phật hành Từ bi như vậy
Dư đủ cho những người ưa pháp.
Khi vua Đại Sư Tử gầm lên
Hàng phục các thú ác thế gian
Thế Tôn cũng vậy, quyết định nói
Phá trừ tâm ngã mạn, ngoại đạo.
Như thuyền bè lớn thường qua lại
Đưa chở những người đến và đi
Chư Phật cũng vậy hiện cùng khắp
Cứu chúng sinh chìm trong bốn dòng.
Hoa Ưu-đàm-bát đời hiếm có
Diêm-phù-đề càng khó được xem
Thế Tôn trời người rất khó gặp
Là chỗ quy y cả thế gian.
Như khi hoa cây Ba-lợi nở
Trời Tam thập tam rất vui mừng
Tướng tốt đại nhân hiện ở đời
Chúng sinh xem thấy đều vui vẻ.
Thần biến Thế Tôn khó cùng tận
Như hiện nay tôi đang nói rõ
Tôi đã khen công đức chư Phật
Rốt ráo lợi ích các chúng sinh.