NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

6. HÃY LẮNG NGHE NIỀM THAO THỨC NƠI TUỔI TRẺ

Các bậc cha mẹ thân mến,
Chúng ta đã đến đất nước nầy từ hơn hai thập niên nay, chúng ta đã nhìn thấy những thành đạt vẻ vang cũng như những thất bại ê chề của con em chúng ta trên trường học vấn rồi. Dân tộc chúng ta là một dân tộc siêng năng, cần mẫn và thông minh thế nào chúng ta đã thấy rõ. Những người Việt Nam chúng ta có thể là một bác nông dân cần cù, một tài xế giỏi, một kỹ sư tài ba, một bác sĩ tận tâm với nghề nghiệp, một người thương gia tinh tế và lanh lợi, một luật sư biện bác tinh thông, một nhà địa ốc, một kiến trúc sư, một họa sĩ tài tình, vân vân và vân vân.
Thế thì tại sao chúng ta lại bắt ép con cái chúng ta phải học bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ hoặc kiến trúc sư….mà không là những khoa xã hội, nhân văn, tâm lý hoặc âm nhạc ? Có lẽ tại đất nước chúng ta một thời thiếu thốn nhiều quá những bác sĩ, kỹ sư. Kính thưa quý vị, đã qua rồi cái thời xa xưa lạc hậu ấy. Chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ thứ ba, mọi chuyện mọi việc đều thay đổi. Như thế thì cái quan niệm bắt ép con cái phải nghe theo ý kiến của mình, còn thì một đời lê lết theo sau của con trẻ cứ mặc kệ ấy, không còn hợp thời nữa rồi. Chính người viết bài nầy, suýt chút nữa cũng đã giẫm phải vết xe cổ lỗ ấy. Khoảng năm sáu năm về trước, khi con trai tôi mới bắt đầu đại học, tôi có tỏ ý muốn con nên học y khoa vì gia đình tự hồi nào đến giờ chưa có ai làm bác sĩ. Tôi đã cố thuyết phục con tôi từ những năm còn ở trung học. Con trai tôi cũng hiểu được nỗi niềm thao thức của tôi nên cũng khó xử vô cùng. Vì tôi đang là một cố vấn hướng nghiệp nên tôi cũng biết rằng hễ con cái thích hợp ngành nào, đi ngành đó thì cơ hội thành công sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, hình như thành kiến bác sĩ kỹ sư đã ăn sâu vào máu của những người Việt Nam chúng ta rồi quý vị ạ ! Cuối cùng cha con tôi quyết định một buổi nói chuyện thật cởi mở và tôi đã lắng nghe những thao thức của con tôi. Con tôi đã tâm sự với tôi rằng : “Thưa ba, con có thể học bác sĩ như ba muốn, nhưng con sẽ không là một bác sĩ giỏi và có lương tâm vì con không thích ngành nầy. Tuy nhiên, nếu ba cho con theo học ngành Vật Lý, con có thể trở thành một nhà khoa học giỏi và tận tâm vì con thích lắm khoa Vật Lý.” Tôi đã vui vẻ chấp nhận cho con tôi vào học ngành Vật Lý ở một trường cũng khá nổi tiếng của Mỹ. Thời gian sáu năm qua đã chứng minh hùng hồn những điều con tôi đã tâm sự với tôi, khi ra trường bốn năm với hạng tối ưu (suma cum laude) của một trường nổi tiếng, được học bổng toàn phần cho chương trình Tiến Sĩ.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Làm sao để cho các em sống hòa nhập vào xã hội Mỹ mà vẫn giữ được những nét đặc thù thật Việt Nam ? Thiết nghĩ chúng ta sẽ không có con đường nào khác là phải tìm sống cách thông cảm và hòa điệu theo những thao thức của các em. Quý vị có biết không có nhiều con em chúng ta đã tự hỏi không biết phải sống làm sao đây mới vừa lòng cả cha mẹ, thầy cô và bạn bè trang lứa ? Các em cảm thấy bị mắc kẹt giữa nền giáo dục ở trường và lối giáo dục ở nhà. Hễ theo trường thì bị cha mẹ la rầy. Hễ theo nhà thì không thích hợp với xã hội mới. Các bậc cha mẹ có biết không con em mình cần lắm nơi mình sự thông cảm. Thông cảm ở đây không có nghĩa là mềm mỏng nhịn con trong tất cả để gia đình được yên ấm. Ngược lại, thông cảm ở đây là cho dù có bận bịu công ăn việc làm đến như thế nào, các bậc cha mẹ cũng phải dành ra một số thì giờ để được gần gũi, để biết được những thao thức của con trẻ. Thông cảm ở đây cũng có nghĩa là cởi mở với con em trong mọi vấn đề. Cởi mở mà vẫn giữ lễ nghi phong cách của một gia đình Việt Nam, để cho con em chúng ta không phải lâm vào tình trạng hỗn hào mất dạy như một số trẻ con của xã hội Âu Mỹ. Thông cảm ở đây cũng còn có nghĩa là dùng lời ái ngôn ái ngữ mà dạy dỗ con cái thay vì dùng kỷ luật hoặc hình phạt. Thông cảm những thao thức của con trẻ ở đây còn có nghĩa là hãy lấy sự tương kính làm kim chỉ nam dạy dỗ trẻ. Chúng ta, nhất là những người con Phật há không nhớ lời Phật dạy hay sao ? Tất cả mọi con người đều phải được tôn kính như nhau. Nếu chúng ta áp dụng được lời vàng của Phật ngay chính nơi con trẻ của chúng ta, thì các em sẽ đối xử với tất cả mọi người cũng trong thái độ tương kính ấy. Thông cảm những thao thức của trẻ con ở đây không có nghĩa là phải chiều chuộng con hết mực, con muốn gì được nấy, hoặc giả cha mẹ làm hết công chuyện cho con. Lúc còn nhỏ, ai lại không muốn được chiều chuộng ? Ai lại không muốn người khác làm hết các công việc cho mình ? Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên luôn nhớ rằng làm như vậy vô hình chung là chính mình đã tập những thói quen tệ hại cho con trẻ về sau nầy. Thông cảm ở đây cũng còn có nghĩa là các bậc làm cha mẹ nên khéo léo khích lệ những điểm đáng phát huy của con trẻ, mà cũng nên thật tế nhị mỗi khi các em phạm phải những điều sai quấy.

Các bậc cha mẹ thân mến,
Chẳng những chúng ta, mà cả các con em của chúng ta đều đã gặp quá nhiều khó khăn trong những sinh hoạt hằng ngày trên những mảnh đất xa lạ nầy. Vậy thì bổn phận chúng ta, bổn phận của những người đi trước, phải cố mà thông cảm cho bằng được những thao thức của tuổi trẻ. Các em còn non trẻ lắm, chúng ta đừng mong chờ ở sự thông cảm của các em. Chúng ta hãy cố mà vượt thoát những bảo thủ sai lầm để cùng con cái hòa nhập vào nếp sống của nền văn hóa ngoại chủng nầy, hòa nhập mà vẫn giữ được những nét Việt Nam thật đẹp, thật dễ thương. Hãy cố mà thông cảm với các em, nhưng bên cạnh đó, lúc nào cũng dạy cho các em biết rằng dù ở chân trời góc bể nào của địa cầu nầy, các em vẫn là những người Việt Nam. Hãy thông cảm trong yêu thương và sẵn sàng chia xẻ với các em những buồn vui của một người tha hương.

Hãy chứng tỏ cho các em thấy rằng gia đình và cha mẹ luôn là nơi nương tựa an toàn nhất, luôn là nguồn suối ngọt ngào, hoặc giả là thiên đường yên tĩnh cho con trẻ sau những vật lộn nghiệt ngã của trường đời.