HỌC PHẬT TAM YẾU
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Pháp Chánh dịch

 

V. TÍN TÂM VÀ SỰ TU HỌC

(1) Sự cần thiết của tín tâm.

Nhân duyên cho sự tu học Phật pháp không phải chỉ có một, có người do lòng tín ngưỡng mà đến, có người do lòng từ bi mà đến, có người vì sự tìm cầu trí tuệ mà đến. Thế nhưng (động cơ) để chân thật bước vào cửa Phật, cần phải suy tôn “tín tâm” là sự cần thiết bậc nhất.

Trong quá trình hoàn chỉnh (tín, giải, hành, chứng) cho sự học Phật, tín tâm cũng là trước tiên, là thứ nhất. Trong Thanh văn thừa có nói: “Tín đưa vào Phật pháp, giới đưa đến giải thoát.” Trong Bồ tát thừa cũng nói: “Tín đưa vào Phật pháp, trí (tuệ) đưa đến giải thoát.” Giữa giới và trí (tuệ), tuy không ngại có sự nghiêng nặng (một bên), thế nhưng sự kiện “tín (tâm) đưa vào Phật pháp” là nhất trí, không thể thiếu sót. Cho nên, nếu chúng ta muốn học Phật, muốn vào Phật pháp để được sự lợi ích chân thật, không thể không tu tập tín tâm, tăng trưởng tín tâm. Nếu như không thể phát khởi tín tâm thanh tịnh đối với Tam bảo, thì đối với Phật pháp sẽ không có phần, sẽ lênh đênh bên ngoài cửa Phật pháp.

“Pháp ta rất thâm diệu, không tin làm sao hiểu?” Lúc đức Thích Tôn mới thành đạo, ngài nghĩ đến việc thuyết pháp không dễ dàng, chỉ có những người có đầy đủ tín tâm mới có thể lãnh thọ tu học. Ngài Long Thọ dùng thí dụ nói: “Giống như người đi vào núi báu, nhưng lại không có tay, rốt cuộc không thâu lượm được gì. Thấy Phật nghe pháp mà không có tín tâm, rốt cuộc không thu lượm được gì trong Phật pháp.” Điều này có thể thấy rằng vô lượng vô biên công đức của Phật pháp đều từ cội gốc của tín tâm mà đến, cho nên trong kinh nói: “Tín tâm là căn nguyên của đạo, là mẹ của công đức.” Tín tâm quan trọng đến như vậy!

Lúc đức Phật còn tại thế, vì muốn nhiếp hóa một nhóm ngư dân bên bờ sông Hằng, ngài bèn hóa hiện thành một người đi trên mặt nước, từ bên bờ bên kia đi đến. Những người đánh cá lấy làm vô cùng kinh dị, thì người đó nói: “Chẳng qua, ta nghe theo lời dạy của Phật mà thôi. Điều này đâu có gì lạ.” Những người đánh cá bèn sinh khởi lòng tin mãnh liệt, đức Phật sau đó bèn đến giáo hóa bọn họ. Sau khi đức Phật diệt độ năm sáu trăm năm, theo truyền thuyết (Thiên chúa giáo), có một người tên Peter xuất thân từ nghề đánh cá, đang đi trên thuyền giữa biển, gặp cơn bão lớn, bổng nhiên thấy thầy mình là Jesus đang đi trên mặt biển. Peter nghe Jesus gọi: “Hãy lại đây”, định nhảy xuống biển để đi đến, thốt nhiên nghĩ đến sóng gió bèn cảm thấy sợ hãi. Jesus trách ông ta: “Không đủ lòng tin.” Câu chuyện này, rõ ràng là một phiên bản (copy) của truyền thuyết trong Phật giáo, nhưng cũng là một biểu thị sức mạnh của tín tâm (lòng tin).

(2) Chánh tín và mê tín.

Bàn đến tín ngưỡng, trước tiên cần phải thảo luận chánh tín và mê tín. Điều này tuy không thể dễ dàng làm sáng tỏ, nhưng không phải không thể biện biệt. Giữa các tôn giáo với nhau, thông thường, tôn giáo này chỉ trích tôn giáo kia là mê tín. Như tín đồ thần giáo của Tây phương, bọn họ có thể cúng tượng Maria, có thể cúng tượng Jesus, có thể quỳ dưới đất kêu gào “Cha trên trời”, khi bệnh hoạn có thể cầu nguyện thánh thần, nhưng đối với sự lễ kính kinh tượng của Phật giáo lại chê trách là mê tín.

Hễ không muốn hiểu rõ đối phương, dùng chủ quan mạt sát đối phương, thật ra chỉ là “mê muội nên không tin” mà thôi. Mê tín và chánh tín không thể từ quan điểm của bọn họ mà đưa đến kết luận.

Mê tín và chánh tín có thể từ hai phương diện mà nói:

(a) Ước định đối tượng của lòng tin mà nói: Nếu là chánh tín thì đối tượng cho sự tin tưởng phải có những đặc tính sau: (chân) thật, (đạo) đức, năng (lực). Như tin Phật, đức Phật là một hiện hữu chân thật, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở Ấn Độ. Đức Phật là xác thật có Phật đức, ngài có trí tuệ của bậc Đại Giác (trí đức), có đoạn đức của sự đoạn trừ phiền não, và có ân đức của lòng từ bi vô lượng.

Đức Phật là sự tịnh hóa cứu cánh viên thành của nhân tính, xác thật đáng được chúng ta tin tưởng kính trọng. Đức Phật là bậc Đạo Sư của chúng ta, nhân vì đức năng của Phật có thể dẫn dắt chúng ta hướng đến sự tu tập thiện hạnh xuất thế gian, đạt đến cảnh giới đồng đẳng (ngang hàng) với chư Phật. Đức Phật có thực, đức, năng, đáng được kính trọng tin tưởng, cần phải kính trọng tin tưởng, cho nên tin Phật là chánh tín. Còn như vị chủ tể sáng tạo vũ trụ, làm cách nào cũng không thể chứng minh sự hiện hữu thật sự của họ. Nói rằng thần đem ẩm thực ban bố cho loài người, đương nhiên cũng không có (sự chứng minh sự có thực của) công dụng này. Không thực thể, không công dụng, mà lại nhẹ dạ tin tưởng, đây tức là mê tín. Lại nữa, như đi trong đêm tối, sợ quỷ bèn kêu cha kêu mẹ, sợ quỷ bèn huýt gió, tuy trở nên gan dạ trong giây lát, tuy cũng có công dụng (bớt sợ), thế nhưng, kêu cha kêu mẹ, hoặc huýt gió, chắc chắn không (thật sự) có tác dụng trừ quỷ. Cho nên những tôn giáo thông thường, do sự tín ngưỡng tha lực đưa đến sự an ủi tự ngã, huyễn giác tự ngã, và do sự chuyên nhất tinh thành mà dẫn khởi những kinh nghiệm đặc thù, tuy cũng có tác dụng, nhưng nếu tin tưởng cho đó là thần, hoặc thần lực, thì đây vẫn là mê tín. Thế nhưng, tín đồ của thần giáo cũng không nên thất vọng. Mê tín cũng có thể hữu dụng (dĩ nhiên cũng có tai hại), mê tín không nhất định là xấu, so với không có tín ngưỡng (vô thần) còn khá hơn nhiều.

(b) Ước định tâm tình của người tin mà nói: Nếu như trải qua một sự hiểu rõ chính xác, thấy được sự thật, tin tưởng mạnh mẽ, thì đây gọi là trí tín, chánh tín. Nếu như hùa theo một cách mù quáng, nhân vì cha mẹ, nhân vì bạn bè, tin mà không hiểu, thì đây là mê tín.

Đem hai phương diện này kết hợp lại với nhau, thì sẽ đưa đến bốn trường hợp: (a) Đối tượng của lòng tin quả thật có “thực, đức, năng”, thế nhưng người tin lại tín ngưỡng một cách hồ đồ. Giống như một món thuốc có công dụng trị một loại bịnh nào đó, người uống tuy không biết tánh chất của thuốc, nhưng vì tin tưởng thầy thuốc nên uống thuốc, đây vẫn có thể gọi là chánh tín. Thế nhưng trường hợp như vậy không phải là lý tưởng, vẫn có thể đi lạc đường (chẳng hạn như thầy thuốc không nhất định là đáng tin cậy), cho nên nói: “Có lòng tin mà không có trí tuệ, đây là sự ngu si.” (b) Đối tượng của lòng tin không có thật thể, thật dụng, thế nhưng người tin đã trải qua một sự suy tư khảo lự. Điều này có vẻ như trí tín, thế nhưng do vì sự tư khảo không chánh xác, từ sự nhận xét sai lầm mà dẫn đến tín ngưỡng, không thể không cho rằng đây cũng là mê tín. (c) Đối tượng của lòng tin đích xác là có thật, đức, năng, mà người tin cũng đã trải qua một sự tư khảo, thì đây quả thật là chánh tín. (d) Đối tượng của lòng tin hoàn toàn không có thật, người tin chỉ phụ họa theo một cách mù quáng, thì đây là mê tín trong sự mê tín. Chúng ta học Phật cần phải dùng sự chánh tín “năng sở tương ưng” làm mục tiêu, nếu không [được như vậy], thì sự tin Tam bảo, tin nhân quả, tin thiện ác, tin ba đời, mặc dù không hiểu rõ một cách chính xác, cũng không mất danh phận là một đệ tử chánh tín của Phật giáo.

(3) Thuận tín và tịnh tín.

Phần trên nói về tín tâm là nói một cách thông thường. Trong kinh Phật nói về “tín” tức là phần lớn nói về “chánh tín” Phật pháp. Cho nên Phật giáo ở miền Tây bắc Ấn Độ, như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ và Du Già Sư, chuyên môn thảo luận về mặt “thuần thiện” của tín tâm. Thật ra, tín tâm không phải chỉ là “thiện tịnh”, cho nên Đại Chúng Bộ và Phân Biệt Thuyết Hệ ở miền Đông nam Ấn Độ, phân biệt “tín tâm” thành hai loại: (a) “thuận tín”, cũng giống như người thế gian nói về tín ngưỡng, điều này có thiện, có ác, có vô ký. Như bọn đảng viên của đảng Cộng Sản (Trung Quốc) hiện nay, không thể nói chúng là không có tín ngưỡng, nhưng mà là một loại tín ngưỡng tạp nhiễm, tà ác. (b) Chỉ riêng tín tâm của Phật pháp là thiện tịnh.

Tôi (Ấn Thuận) nhớ cư sĩ Lương Thấu Minh đã từng nói: “Đặc trưng của văn hóa Tây phương là tôn giáo, là tín ngưỡng; còn đặc trưng của văn hóa Trung Quốc là luận lý, là lý tính (?)” Thế nhưng, ông ấy chưa từng để ý đến văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là văn hóa Phật giáo, “tôn giáo là triết học, triết học là tôn giáo.” Tín ngưỡng và lý tính tương ưng. Tín và trí hợp nhất. Đây là đặc trưng của Phật pháp. Y vào Phật pháp mà nói: Tín (lòng tin), đương nhiên là đặt nặng trên tình ý, thế nhưng, đối tượng của tín, là dự tưởng mà lý trí có thể thông đạt. Trí, tuy nhiên là sự hiểu biết (tri), thế nhưng, lại không phải là những tri thức trừu tượng không thực tế, mà các đối tượng biết được bằng trí có một nội dung chân thực, đáng được hâm mộ, cung kính. Trong Phật pháp, tín và trí, mỗi bên đều có những tác dụng độc đáo, tuy học giả có thể nghiêng nặng về một bên, nhưng chắc chắn hai bên không có sự tách rời, mâu thuẫn. Tín tâm tức là lý trí, lý trí tức là tín tâm. Điều này có thể từ trong sự giải thuyết về “tín”, hoàn toàn hiển phát rõ ràng.

“Tín” là gì? Dùng “tâm tịnh” làm thể tánh. Điều này quả thật vô cùng khó hiểu. Cần phải từ nhân duyên phát khởi tín tâm và từ thành quả của sự phát khởi tín tâm mà thuyết minh. “Thâm nhẫn” là sự nhận khả sâu sắc, tức là sự “tín giải.” Do sự lý giải sâu xa, mạnh mẽ, thì có thể dẫn phát tín tâm, cho nên nói: “Thắng giải là nhân của tín.” “Nhạo dục” là sự mong cầu thực hiện được mục đích, nguyện vọng. Có tín tâm, ắt là phải có nguyện dục (sự mong cầu), cho nên nói: “Nguyện dục là kết quả của tín.” Điều này cũng gần giống như tu tưởng của ông Tôn Dật Tiên là: “Có tư tưởng, sau đó có tín ngưỡng, có tín ngưỡng, sau đó có lực lượng.”

“Tín tâm”, hiển xuất từ lý giải và lòng mong muốn khẩn thiết sâu xa, là từ sự lý giải mà phát xuất, mà cũng là do ý dục kích phát. Tín dùng tâm tịnh làm thể tánh, đây là cảm tưởng tốt và lòng ngưỡng mộ chân thành và thuần khiết. Đây là lực lượng khiến cho nội tâm quay về sự an định trong sáng và thanh tịnh (Hán: trừng tịnh), cho nên nói “giống như thủy thanh châu” có thể khiến cho nước đục trở thành trong. Một khi tín tâm sinh khởi, tâm địa thuần tịnh và an định, không còn nghi ngờ, đối với Tam bảo lòng tràn đầy sự chân thành sùng kính ngưỡng mộ. Do vì nhìn được sự chân thật, lòng tin tha thiết, đương nhiên sẽ có sự đòi hỏi chính mình dấn thân thực hiện sự tu tập Phật pháp. Điều này có thể thấy đức Phật nói tịnh tín là phát xuất từ lý trí, hoàn toàn khác biệt so với sự tín ngưỡng của thần giáo.

Những tín đồ của thần giáo Tây phương, có tín ngưỡng nhưng không trọng lý tính. Trong sinh hoạt tôn giáo, không cần đến lý trí. Còn những nhà khoa học duy vật thì chỉ có lý trí mà không có tín (ngưỡng). Hai bên tạo thành sự đối lập của tư tưởng. Có một số người nghĩ rằng hộ trì tín ngưỡng thần giáo theo truyền thống sẽ có ích lợi cho sự an định của xã hội. Thế nhưng bọn họ không thể đạt đến trình độ tín và trí hợp nhất, mà chỉ là trong một tuần lễ, sau những ngày sinh hoạt vô thần phi tôn giáo, nhưng đến ngày chủ nhật thì lại đi vào nhà thờ để sinh hoạt tôn giáo. Sinh hoạt tín ngưỡng và lý trí miễn cưỡng hợp tác một cách máy móc, khiến cho họ mắc phải chứng bệnh phá liệt nhân cách của nội tâm. Chẳng lạ gì số người điên cuồng càng lúc càng nhiều, sự khổ nạn của thời đại càng lúc càng nghiêm trọng.

Tại Trung Quốc, tuy cũng có tư tưởng “tri hành hợp nhất”, “tức tri tức hành” (thật ra là du nhập từ Phật giáo), cho rằng tri mà không hành thì không phải “chân tri.” Nhưng bọn họ không hiểu rằng, nếu chỉ xem “tri” là tri thức trừu tượng, làm công cụ của sự sinh hoạt, mà không làm cho nó trở thành (hợp nhất với) chính mình, thì sẽ không thấy rằng điều (đã được “tri”) này có thể thực hành, cần phải từ “tri” mà phát khởi tín nguyện, điều này mới bảo chứng là “ắt sẽ làm.” Nói cách khác, không có sự hợp nhất giữa tín và trí, quyết định không thể “tri hành hợp nhất.” Sự chánh tín “tín trí tương thành” của Phật giáo mới chính là thuốc a già đà mà nhân loại thời nay đang cấp bách cần cầu.

(4) Tín nhẫn, tín cầu và chứng tín.

Tín tâm, không phải chỉ ở lúc đầu, mà cũng phải là ở “lúc sau.” Trong lịch trình học Phật, tín tâm quán triệt tất cả, ước định thứ tự từ cạn đến sâu, (Bát nhã đạo) có thể phân làm ba giai đoạn:

(a) Tín khả (hoặc tín nhẫn): Đây là đối với Phật pháp, từ sự lý giải thâm khắc mà phát khởi tịnh tín. Đến đây, tín tâm thành tựu; tín tâm thuần tịnh, tương ưng với sự lý giải minh đạt. Đây là tín giải vị.

(b) Tín cầu: Đây là dựa vào chân tín (lòng tin chân thật vững chắc)  của sự tín khả mà phát khởi sự tu học tinh tiến. Trong quá trình xác lập tín giải để tiến cầu, càng lúc càng đến gần mục tiêu. Tín tâm càng lúc càng tăng thắng.

(c) Tín chứng (hay chứng tín): Đây là trải qua sự tu tập thực tiển mà đạt đến sự chứng thực. Tịnh tín trong quá khứ, hoặc từ sự nghe pháp (giáo lượng) mà đến, hoặc từ sự suy tư nghĩa lý (tỉ lượng) mà đến. Đến lúc này thì mới có thể “chứng ngộ mà không cần người khác”, “không nương vào văn tự”, thông đạt hiện lượng. Đây là chứng vị. Trong Đại thừa, đây là cảnh giới “tịnh thắng ý lạc” của Sơ địa; trong Thanh văn thừa, đây là đắc “tứ chứng tín”, hoặc “tứ bất hoại tín” của Sơ quả. Một mực tín ngưỡng Phật, pháp, tăng và giới thì mới đắc được sự tự tín triệt để, không còn một hào ly nghi hoặc.

Nếu ước định “một niệm tịnh tín” mà nói, thật ra không có gì khó khăn. Khó là sự thành tựu tịnh tín. Thanh văn phải đến Nhẫn vị, Bồ tát phải đến Sơ trụ, đến đây mới thành tựu tịnh tín. Trước đó, như Noãn vị của Thanh văn tuy cũng có “tiểu lượng tín”, nhưng dễ dàng thoái thất. Như Bồ tát dưới bậc Sơ trụ, ở giai vị Thập tín, tín tâm giống như “lông nhẹ”, theo gió bay đông bay tây. Đây tuy cũng là tịnh tín, nhưng chưa kiên định, chưa đạt đến giai vị Bất thoái. Chúng ta tu học tín tâm, cần phải nỗ lực tăng gia “tịnh tín”, cần phải tu học đến khi thành tựu giai vị Bất thoái. Nếu các học giả không thể đạt được thắng giải đối với Tam bảo, Tứ đế, thì cũng không đạt được tịnh tín đối với Phật pháp. Tuy Tam bảo và Tứ đế là chân thực, có “đức”, có “năng”, những kẻ sơ học, nếu có thể “tín ngưỡng”, “thuận tín”, thì cũng được gọi là chánh tín Phật giáo, là cánh cửa quan yếu của sự học Phật. Thế nhưng, nghiêm cách mà nói, nếu không trải qua sự “thắng giải”, thì vẫn chưa biểu hiện được sự đặc sắc của Chánh tín.

(5) Chánh thường đạo và phương tiện đạo.

Từ lúc phát khởi chánh tín đến khi tu học thành tựu chánh tín, đây là sự tu học sơ khởi nhất của chánh tín. Trong đây có hai phương pháp tiến tu:

(A) Chánh thường đạo để tu tập tín tâm.

Chánh tín cần phải có chánh nguyện. Trong Thanh văn thừa đó là tâm xuất ly, trong Đại thừa đó là tâm Bồ đề. Phương pháp thông thường, như Luận Đại Thừa Khởi Tín nói về tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, lại tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, chỉ quán để trợ thành. Đây có thể thấy tín nguyện Đại thừa “tự lợi lợi tha”, cần phải từ sự tu tập “sự hành” và “lý hành” mà hoàn thành. Nói cách khác, tín tâm không phải là riêng rẽ, mà là tương ưng với các loại công đức, nương vào sự tu tập các loại công đức để trợ thành. Thế nhưng, kinh luận nói về Bồ đề tâm, trong Bát nhã đạo có ba loại: Ban đầu là “nguyện Bồ đề tâm”, kế đến là “hành Bồ đề tâm”, và cuối cùng là “chứng (trí) Bồ đề tâm.” Hai loại đầu được gọi là thế tục Bồ đề tâm, loại sau cùng được gọi là thắng nghĩa Bồ đề tâm. Nếu như nói “Bồ đề tâm là ly ngôn thuyết tướng”, thì đây là ước định thắng nghĩa Bồ đề tâm mà nói. Nếu như nói “Bồ đề tâm là do từ bi mà thành tựu”, thì đây là ước định “hành Bồ đề tâm” mà nói. Còn như bắt đầu học tập tín nguyện Đại thừa, thì đây là ước định “nguyện Bồ đề tâm” mà nói, tức là tín nguyện “trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh.” Những hành giả sơ học, đối với vô biên công đức của Phật Bồ tát, vô biên khổ bức của tất cả chúng sinh, sự chân thật lợi ích của sự tế độ thế gian của Phật pháp, các loại công đức của sự phát Bồ đề tâm, cần phải thường thường lắng nghe, thường thường suy ngẫm. Điều này có lực lượng mạnh nhất đối với việc kích phát tín nguyện Đại thừa. Nếu như đã phát tín nguyện Đại thừa, cần phải thọ Bồ tát giới. Đây tức là nguyện Bồ đề tâm, là chủng tử cho Pháp thân. Bồ đề tâm là đại giới căn bổn độc nhất của Bồ tát. Thọ giới tức là lập nguyện, y vào giới mà tu học, thì có thể theo thứ tự mà tiến tu, đạt đến sự thành tựu Đại thừa chánh tín.

(B) Phương tiện đạo để tu tập tín tâm.

Đây là phương pháp tu học cho hàng Bồ tát “tín tăng thượng.” Do vì người mới học pháp (Đại thừa) này, tâm tánh khiếp nhược, cho nên đặc biệt xem trọng “tín ngưỡng”, y vào sự gia bị của Phật lực để tu tập. Như ngài Long Thọ nói: “Đây là dùng tín (nguyện) tinh tiến làm cửa để tiến nhập Phật pháp, mà cũng là dị hành đạo, (dành cho hành giả) ưa thích tích tập công đức của Phật để vãng sanh Tịnh độ.” Nếu nói đến phương pháp tu tập viên mãn, phải kể đến mười Đại hạnh nguyện của phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Đây là vì đức Phật là bậc thực chứng viên mãn Vô thượng Bồ đề, cho nên đem tín nguyện tập trung vào đức Phật mà tu tập. Trong Thập đại hạnh nguyện: (1) Lễ kính chư Phật, (2) xưng tán Như Lai, là lễ nghi mà hàng đệ tử của Phật phải thực hành. (3) Quảng tu cúng dường là chánh hạnh để được gặp Phật, tu phước. (6) Thỉnh chuyển pháp luân, (7) thỉnh Phật trụ thế, là từ việc Phạm Vương thỉnh Phật thuyết pháp, và ngài A Nan không thỉnh Phật trụ thế. Đây đều là dựa trên pháp thức thông thường của đức Phật Thích Ca mà suy diễn đến tất cả chư Phật. (4) Sám hối nghiệp chướng, như pháp sám hối bằng cách xưng niệm danh hiệu Phật trong Kinh Quyết Định Tỳ Ni. Đại thừa là chung cho tại gia và xuất gia, cho nên không cần sử dụng “tác pháp sám hối” của Tăng già, mà chú trọng đến sự sám hối trước đức Phật. (5) Tùy hỷ công đức, (10) Phổ giai hồi hướng: Đây là điều mà Phật pháp Đại thừa đặc biệt xem trọng. (8) Tùy thuận Phật học: tức là y theo nhân hành, quả hành của Phật mà tùy thuận tu học. (9) Hằng thuận chúng sinh: là tăng trưởng tâm Đại bi.

Thập đại hạnh nguyện có ba đặc điểm lớn: (1) Phật và Phật bình đẳng, cho nên từ một đức Phật (Tỳ Lô Giá Na) mà thông đến tất cả Phật, tận hư không, biến pháp giới, mà không bị cục hạn vào một thời điểm, một địa phương, một vị Phật. (2) Đặt nặng đến “quán niệm”, không những sám hối, tùy hỷ, hồi hướng là do từ tâm niệm mà tu tập, mà ngay cả khi việc lễ Phật, cúng dường, tán thán Phật, v.v…, cũng chỉ do từ tâm niệm. Chẳng hạn như nói: “Thâm tâm tín giải, như ở trước mắt.” Đây tức là pháp dị hành đạo, niệm Phật trong tâm, đạt đến sự thành tựu, tức là Niệm Phật Tam Muội. (3) Đây là đặt nặng vào quả đức của Phật (thu nhiếp cả công đức của Pháp và Tăng), mà phát khởi tín ngưỡng. Tất cả nương vào đức Phật mà dẫn phát. Còn như tâm (Đại) bi tùy thuận chúng sinh là vì “nếu có thể tùy thuận chúng sanh, tức là có thể tùy thuận cúng dường chư Phật.” Nếu tôn trọng thừa sự chúng sanh, tức là tôn trọng thừa sự Như Lai. Nếu làm cho chúng sanh sinh tâm hoan hỷ, tức là làm cho tất cả Như Lai hoan hỷ. Vì sao? Chư Phật Như Lai dùng tâm Đại bi làm thể (tánh). Điều này cũng gần giống lý luận “Vì Thượng đế thương loài người, cho nên tôi cũng thương loài người.” Đây là lý do đặt nặng vào “tín ngưỡng.”

Bồ tát “tín tăng thượng”, tín nguyện tập trung vào Phật, niệm niệm không quên Phật, có thể tùy nguyện vãng sanh thế giới Cực Lạc. Vì chỉ do quán niệm tín nguyện cho nên là dị hành đạo. Thế nhưng, do vì tâm tâm nghĩ nhớ đến công đức của Như Lai, niệm niệm thường tùy Phật học, niệm niệm hằng thuận chúng sanh, nếu như tín nguyện tăng trưởng, cũng có thể dẫn phát “bi hành, trí hành”, vì pháp vì người. Ngài Long Thọ nói dị hành đạo có thể “tăng trưởng phước lực, tâm địa nhu nhuyễn, … Sau khi tín công đức thanh tịnh đệ nhất của chư Phật, thương xót chúng sanh, tu hành lục Ba la mật..” Cho nên tuy là dị hành đạo, là pháp học của Bồ tát tín tăng thượng, nhưng hành giả Đại thừa ở Ấn Độ, ngày đêm sáu thời, trong lúc lễ Phật, đều tu pháp sám hối, tùy hỷ, khuyến thỉnh, hồi hướng. Chẳng qua, Bồ tát trí tăng thượng, bi tăng thượng đặt nặng vào bi hành và trí hành mà thôi.