PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: TRÌ QUỐC LUÂN VƯƠNG ĐI TRƯỚC

Bấy giờ các Bồ-tát trong chúng hội đều khởi lên ý nghĩ như vầy: “Đại bí mật chủ Đại Bồ-tát Kim Cang Thủ thuở xưa đã ở chỗ Phật Thế Tôn nào? Thân cận nghe pháp và gieo trồng nhiều căn lành, lại phát những đại thệ nguyện gì mà được như vậy; đầy đủ biện tài khéo nói các pháp?”

Đức Thế Tôn biết được tâm nghi của các Bồ-tát, nên bảo Bồtát Tịch Tuệ:

–Này thiện nam! Ta nhớ thời quá khứ trải qua a-tăng-kỳ kiếp, lại quá hơn số kiếp a-tăng-kỳ trước vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn, có kiếp tên là Thiện hiện, thế giới tên Trang nghiêm, có Đức Phật ra đời hiệu là Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư Phật, Thế Tôn.

Tịch Tuệ nên biết! Thế giới Trang nghiêm kia rộng lớn tốt đẹp an ổn sung sướng, nhân dân đông đúc, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, không có các thứ sỏi đá, gai gốc nhơ bẩn, cỏ cây vườn rừng xanh tươi rậm rạp, trông thật đáng yêu. Lại còn có danh hoa, cỏ mịn xanh rờn mơn mởn tốt đẹp bao phủ cả mặt đất. Cũng như tướng tốt đẹp của chim Khổng tước, mỗi khi nó quay cổ sang phía bên phải, để lộ ra sắc hương làm cho mọi người vui thích. Khi nó đáp chân xuống đất thì thụt vô bốn ngón, cất cánh lên thì xòe ra bốn ngón. Nó luôn thích hợp với bốn mùa cực lạnh, nóng, vừa, mát. Gió thổi nhè nhẹ làm cho con người sảng khoái. Đất ấy trang nghiêm như Phệ-lưu-ly, nhân dân ở nơi ấy sắc tướng tốt đẹp, ít có tham, sân, si và các phiền não khác. Con người có sẵn lòng hiếu để yêu mến, đầy đủ thế lực, nghe nói những lời hay thì tự hiểu lấy. Trong giáo pháp của Thế Tôn Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai có mười hai triệu chúng Thanh văn và ba mươi hai ức Bồ-tát. Con người thời đó sống đến ba mươi sáu ức tuổi mới mạng chung.

Tịch Tuệ nên biết! Trong kiếp Thiện hiện, thế giới Trang nghiêm ấy, ở bốn đại châu mỗi đại châu rộng đến tám vạn bốn ngàn do-tuần; mỗi một do-tuần lại có một ngàn quốc thành, quận ấp, xóm làng bao bọc xung quanh. Trong thế giới Trang nghiêm ấy có nước lớn, thành trì tên là Cực thanh tịnh, chu vi của thành nước này rất lớn. Phía Bắc sáu mươi bốn do-tuần; phía Nam bốn mươi do-tuần; Đông, Tây cũng vậy. Có mười ngàn vườn làm cảnh trí trang nghiêm. Trong quốc thành ấy lại có mười ngàn châu thành, huyện ấp. Thành của nước ấy rất thanh tịnh, có đại Chuyển luân thánh vương tên là Trì Quốc, đầy đủ bảy báu, làm chủ trong bốn đại châu, đã từng ở chỗ các Đức Phật thuở trước gieo trồng rất nhiều căn lành, phước đức oai quang rất tối thắng, tâm không còn thoái chuyển nơi đạo Giác ngộ.

Này Tịch Tuệ! Quốc thành của Chuyển luân thánh vương Trì Quốc đang ở đó ngang rộng bằng thẳng mười sáu do-tuần, rộng lớn đặc biệt, có bảy lớp tường làm bằng bảy báu, trên đó lại có bảy tầng lầu gác, bảy lớp lưới báu, treo các linh báu, bên trong tường xung quanh có bốn vườn lớn. Một là Chúng hoa; hai là Đức hỷ; ba là Khổng tước hỷ; bốn là Thời phân khoái lạc. Trong các vườn ấy đều có các ao lớn. Một là Hoan hỷ; hai là Hỷ thượng; ba là Hương thượng; bốn là Thuận lưu. Các ao ấy ngang dọc nửa do-tuần, đều dùng gạch báu làm tầng cấp, vàng Diêm-phù-đàn làm đáy, trải cát bằng vàng, trong ao chứa đầy nước bát công đức, lại có hoa sen mọc đầy cả bên trong. Lại có các loại chim như ngỗng, nhạn, thứu, uyên ương bơi lội trên nước. Chuyển luân thánh vương Trì Quốc có đến bảy vạn cung tần thể nữ tướng mạo đẹp đẽ lạ thường, luôn theo hầu một hoàng hậu quý báu. Các cung tần này đều đã phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ. Vua có một ngàn người con trai, thân tướng đoan nghiêm, mạnh mẽ vô úy, có khả năng hàng phục quân địch. Mỗi hoàng tử đều có đầy đủ hai mươi tám tướng đại trượng phu, có lòng tin thanh tịnh sâu sắc đối với pháp Giác ngộ cao tột.

Này Tịch Tuệ! Đức Thế Tôn Vô Biên Công Đức Báo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai khi đó, ở trong thành của nước lớn hết sức thanh tịnh. Chuyển luân thánh vương Trì Quốc cùng các Đại thần, Bà-la-môn, Trưởng giả cho đến tất cả nhân dân thảy đều cung kính tôn trọng cúng dường và có lòng tin thanh tịnh đối với Đức Như Lai Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương và chúng Tỳ-kheo, suốt một ức năm phụng thờ cúng dường, vui vẻ rộng đem các món ăn uống trân châu, y phục tốt đẹp, cho đến những vật thọ dụng đều dâng cúng các Tỳ-kheo, còn đem ba khu vườn dâng cúng để làm nơi dạo chơi nghỉ ngơi cho Đức Phật ấy.

Này Tịch Tuệ! Vị Chuyển luân vương ấy có các thái tử tâm đều thanh tịnh, không buông lung, luôn thân cận Đức Phật và rất thích nghe chánh pháp, không bị dục lạc làm nhiễm trước. Do không buông lung, tâm luôn tịch tĩnh, thích nghe chánh pháp, cho nên không bao lâu các thái tử được năm thần thông, tất cả đều bay lên hư không cũng như Nga vương bay liệng tự tại từ vườn này đến vườn khác, từ thành ấp này đế thành ấp kia, cho đến dạo chơi khắp bốn đại châu; từ trên hư không nói kệ rằng:

Chư Phật ra đời được lợi gì?
Khắp cả nhân gian lợi thâm sâu
Nhân giả nghe pháp tâm tinh tấn
Trải qua trăm kiếp rất khó được
Nay đây Thế Tôn vừa xuất thế
Tuyên nói chánh pháp đạo tịch tĩnh
Nay con thân cận Đấng Thiện Thệ
Nhờ nghe chánh pháp sinh đường thiện
Nghe chánh pháp rồi phá nẻo ác
Nghe chánh pháp rồi đường thiện sinh
Nhờ nghe chánh pháp phiền não diệt
Tâm được mát mẻ vui tối thượng.
Lúc ở hư không nói kệ này
Tất cả đại địa sáu chấn động
Trời, người hư không phát tiếng hay
Tuôn trận mưa hoa ý vui thích
Nếu người thấy được Phật Đại Sư
Thì công đức này nói không hết
Vậy nên đảnh lễ Đấng Lưỡng Túc
Chắp tay chí thành sinh kính tín
Thế Tôn hay biết tâm chúng sinh
Chiếu theo trình độ mà nói pháp
Nghe pháp trải qua ba sáu ức
Mọi người đều trụ đạo Bồ-đề
Lại còn có đến ba trăm ức
Người được Pháp nhãn tịnh tối thượng
Tất cả đều sinh tâm nhàm chán
Quy Phật xuất gia nương chánh giáo
Lại có bốn ức trăm ngàn triệu
Người thọ tịnh giới làm Phật sự
Nghe pháp cúng dường Phật Thế Tôn
Xong rồi tất cả về chỗ cũ.

Các thái tử nói kệ này xong, cùng cúng dường cho cha mình là Chuyển luân thánh vương Trì Quốc, lựa chọn Long kiên, hương Chiên-đàn đẹp dựng lên thành một lầu gác rộng lớn trang nghiêm đẹp đẽ lạ thường ngang dọc ngay thẳng mười do-tuần, phân chia đều bốn phương bốn góc. Lầu quán môn đều làm bằng Long kiên, hương Chiên-đàn, bào gọt tròn trịa như cung điện trời. Hương của Long kiên trị giá gần gấp đôi giá trị của vàng Diêm-phù-đàn. Lầu gác này được xây dựng khéo léo sắc sảo. Lúc đó Chuyển luân thánh vương muốn đến chỗ Đức Thế Tôn Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai, chiêm ngưỡng đảnh lễ và lắng nghe chánh pháp. Đồng thời có các thái tử và các cung tần quyến thuộc theo hầu vua cha vào trong lầu gác lớn bằng chiênđàn. Nhà vua ngồi trên tòa Sư tử được trang nghiêm bằng hoa sen. Thái tử, cung tần, các thần bề tôi, nhân dân đều tôn trọng dùng vô số vòng hoa, hương xoa và các loại y phục đẹp nhất, tràng phan bảo cái báu, âm nhạc vi diệu rộng đem cúng dường. Lại dùng lưới báu phủ lên lầu gác, mọi người cầm nắm đi trước, tức thời bay vọt lên hư không, cũng như vua loài Ngỗng bay đi tự tại. Đến trước chỗ Phật, tòa lầu gác từ từ hạ xuống mặt đất. Chuyển luân thánh vương Trì Quốc và thái tử, cung tần từ trong lầu bước ra nhẹ nhàng, trang nghiêm đến trước chỗ Phật đảnh lễ sát hai chân Ngài và chúng Tỳkheo. Đảnh lễ xong họ nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi đứng trước Phật, chắp tay lắng nghe chánh pháp.

Lúc đó, Đức Thế Tôn Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai biết Chuyển luân thánh vương Trì Quốc đến trong hội Phật muốn nghe pháp. Đức Phật liền theo ý muốn đó mà tuyên thuyết diệu pháp, chỉ bày được vui vẻ, lợi lạc.

Phật dạy:

–Này Đại vương! Đại vương nay nên biết! Có bốn pháp, nếu ai tu hành đúng như lý thì có thể an trụ Đại thừa hướng đến con đường thù thắng, tất cả thiện pháp không bị hoại mất. Bốn pháp là gì? Này Đại vương! Một là tin pháp, có khả năng hướng đến đạo thù thắng. Sao gọi là tin? Vì có tin thì mới có thể tùy thuận với hạt giống Hiền thánh, những gì không nên làm thì không làm. Hai là tôn trọng, có khả năng hướng đến đạo thù thắng. Do tôn trọng cho nên có thể nghe nhận được diệu pháp của các bậc Thánh nói, khi đã nghe pháp thì tai không nghe những việc bên ngoài. Ba là không ngã mạn, có khả năng hướng đến đạo thù thắng. Do không ngã mạn, nên sinh tâm quy kính đảnh lễ tất cả Hiền thánh. Bốn là tinh tấn, có khả năng hướng đến đạo thù thắng. Nhờ tinh tấn nên thân tâm đều được khinh an, hễ làm các thiện pháp đều được thành tựu.

Này Đại vương! Bốn pháp này nếu tu hành đúng lý, thì có thể trụ vào Đại thừa hướng đến đạo thù thắng.

Lại nữa, này Đại vương! Có bốn pháp, nếu ai hành trì viên mãn, thì có thể trụ vào Đại thừa, thành tựu không buông lung, tâm không phóng đãng. Bốn pháp ấy là gì? Một là giới bảo hộ các căn; hai là quán lỗi lầm của dục; ba là nhiếp thọ tất cả tưởng vô thường; bốn là đối với pháp quyết định là mạng căn tối thượng.

Đại vương, bốn pháp này, nếu ai thực hành viên mãn, thì có thể trụ vào Đại thừa, thành tựu hạnh không buông lung, tâm không phóng đãng.

Này Đại vương! Lại có bốn pháp, nếu các vị vua chúa tu hành đầy đủ, thì gọi là bậc Quân vương nhân từ. Bốn pháp ấy là gì? Một là không rời bỏ tâm đại Bồ-đề; hai là đem pháp Bồ-đề giảng dạy cho người khác; ba là đem các căn lành để hồi hướng Bồ-đề; bốn là khi nghe được sức đại oai đức của Thế Tôn nghe thấy rồi, đối với oai lực của các hàng Trời, Người, Thanh văn, Duyên giác sinh tâm hoan hỷ. Tuy vậy, nhưng chỉ cầu đại lực của Phật mà thôi.

Đại vương, bốn pháp này, nếu các vua chúa tu hành đầy đủ, thì gọi là bậc Quân vương nhân từ. Thế nên Đại vương phải thường tu hạnh không buông lung, lòng tin thanh tịnh hâm mộ chánh pháp, khởi lên sự ham muốn pháp mà siêng cầu chánh pháp, luôn dạo chơi trong vườn chánh pháp, nhưng không đắm trước cảnh giới. Vì sao? Đại vương nên biết! Dục là không bao giờ nhàm chán, mà khi hành giả đã nhàm chán thì là Thánh tuệ.

Lại nữa, này Đại vương! Tuổi thọ thì ngắn ngủi mạng sống không lâu dài, đã qua đời khác thì tội nghiệp đáng sợ. Do vậy nên biết, phải luôn thân cận, cung kính, cúng dường chư Phật Như Lai, đem căn lành mà hồi hướng bốn chỗ. Bốn pháp ấy là gì? Một là hồi hướng quả báo vô tận; hai là hồi hướng pháp môn vô tận; ba là hồi hướng diệu trí vô tận; bốn là hồi hướng biện tài vô tận.

Đại vương, lại có bốn pháp. Một là do thân thanh tịnh nên có thể thành tựu tuệ hạnh; hai là do lời nói thanh tịnh nên có thể thành tựu văn hạnh; ba là do tâm thanh tịnh nên có thể thành tựu giới hạnh; bốn là do tuệ thanh tịnh nên có thể thành tựu trí hạnh.

Lại có bốn pháp: Một là do phương tiện viên mãn nên có khả năng thành thục hữu tình; hai là do tuệ viên mãn nên có khả năng hàng phục các ma; ba là do nguyện viên mãn nên có khả năng hành trì đúng như lời nói; bốn là do gặp Phật nên được viên mãn tất cả pháp Phật.

Khi ấy, Chuyển luân thánh vương Trì Quốc ở chỗ Phật, được nghe chánh pháp, được chỉ bày những điều lợi ích, sinh tâm hoan hỷ thích thú khoái lạc, đem các chân châu diệu bảo vô giá và tất cả sở hữu thọ dụng của vua dâng lên cúng dường chư Phật, nguyện suốt đời tu các phạm hạnh, giữ gìn năm giới. Lúc đó, các cung tần của vua nghe chánh pháp của Đức Phật ấy nói xong, tâm rất vui thích phấn khởi hoan hỷ, đều đem y đang mặc và các món trang sức choàng lên thân Phật, nguyện suốt đời tu các phạm hạnh, giữ gìn năm giới, phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ.

Lúc đó, Chuyển luân thánh vương Trì Quốc được các thiện lợi, tăng ích pháp tài, liền cùng với cung tần quyến thuộc chí thành đảnh lễ sát chân Phật và chúng đại Tỳ-kheo, nhiễu quanh bên phải bảy vòng xong vào trong lầu gác cao lớn vọt lên hư không bay đi tự tại, trở về trong thành của đại quốc rất thanh tịnh.

Sau một thời gian, Chuyển luân thánh vương Trì Quốc chọn ngày trăng tròn, nghiêm giá đi dạo chơi xem ngắm các vườn hoa lớn, đánh trống thổi kèn, tấu lên những bản ca hay, đi trong cảnh thích thú vui nhộn. Lúc đó có hai cung nữ đứng đầu trong đoàn cung nữ, một tên là Vô Hủy, hai tên là Vô Tỷ cùng đến ao Hoan hỷ, tắm rửa sạch sẽ, mặc áo đến ngồi trên tòa Sư tử hoa sen. Ở trong tòa của hai cung nữ này đều có một đồng tử tự nhiên hóa sinh ngồi kiết già. Các đồng tử ấy có tướng mạo đoan nghiêm, đẹp đẽ không ai sánh bằng ai nấy đều thích nhìn ngắm. Trong khoảng sát-na, mỗi đồng tử bèn bay lên hư không, đồng thời trong hư không có tiếng Hiền thánh nói: “Hai đồng tử này, một vị tên là Pháp Tư, một vị tên là Pháp Tuệ.” Hai tên này có ra từ đó.

Đồng tử Pháp Tư hóa sinh từ tòa cung nữ Vô Hủy. Đồng tử Pháp Tuệ hóa sinh từ tòa của cung nữ Vô Tỷ. Hai vị đồng tử ấy ngồi kiết già trong hư không cùng nói kệ rằng:

Nhân giả, nay tôi được thiện lợi
Đó là phát sinh tâm Bồ-đề
Đã phát tâm rồi gặp Thế Tôn
Khởi tâm thanh tịnh xin kính lễ:
Biển lớn rộng sâu khó đến đáy
Sinh tử xoay vần không dừng dứt
Rộng cứu hữu tình vượt tử sinh
Tâm Bồ-đề này nguyện giữ mãi.
Có thế giới tên Vô hủy thân
Có Thế Tôn hiệu Thời Phần Vương
Ta từ nơi ấy đến cầu pháp
Muốn thấy công đức của Mâu-ni
Lúc ta mỗi mỗi ngồi kiết già
Hóa sinh từ tòa của hai mẹ
Cha ta, Trì Quốc đại Thánh vương
Nên đến chắp tay xin kính lễ
Mong cha hãy nghe lời con nói
Trăm ức, ngàn kiếp mới được pháp
Cho đến viên thành đại Bồ-đề
Những gì đã được không rời bỏ
Bởi Phật xuất thế thật rất khó
Cha mẹ khó được ở pháp vị
Nếu gặp thiện hữu trong khoảnh khắc
Diệu bảo thanh tịnh tùy ý hiện
Dục và tinh tấn, không phóng dật
Xuất gia được lợi đủ chánh tri
Siêng tu lợi ích tâm điều thuận
Tàm, quý, đa văn đủ thiện giới
Từ bi điều tịch vì hữu tình
Rộng khiến tất cả được pháp nhẫn
Tinh tấn, cần lực, tâm vô trước
Thành thục nhiếp thọ các quần sinh
Vì tâm lìa tướng nên hỷ lạc
Đối với thân mạng không luyến tiếc
Nghĩ nhớ chánh pháp như cứu lửa
Nguyện được công đức của chư Phật
Phụ vương tối thượng rất khó gặp
Con đã tán thán pháp tối thượng
Con từ cõi Phật kia mà đến
Rồi lại trở về nơi cõi kia
Chúng con đã trụ vị Bồ-tát
Rộng hay nhiếp thọ các pháp thiện
Trong sát-na được năm thần thông
Tùy niệm, tùy quán ý hiểu rõ.

Khi ấy, Chuyển luân thánh vương Trì Quốc cùng với cung tần quyến thuộc và hai đồng tử Trí giả Bồ-tát dùng sức thần thông bay lên hư không đồng đến hội của Đức Thế Tôn Vô Biên Công Đức Bảo Chúng Trang Nghiêm Vương Như Lai. Đến nơi tất cả đều đảnh lễ sát chân Phật, tất cả chúng hội đều tôn trọng cung kính.

Lúc đó, Đức Phật ấy quán biết hai đồng tử là Phật tử chân chánh, rất muốn nghe đạo pháp Bồ-tát. Biết được ý đó, Đức Phật ấy liền tuyên nói chánh pháp thậm thâm.

Đức Phật nói:

–Này thiện nam! Nên biết các pháp là từ duyên sinh, trong đó không có chủ tể cũng không có tác giả, bên trong là không, bên ngoài không sở hành. Các pháp đều không, luống dối, không thật, đối với cái thấy và hành động đều là thanh tịnh, cũng như hư không không thể nắm bắt.

Đức Phật ấy có nhiều pháp môn như vậy. Lúc tuyên nói pháp thanh tịnh ấy, có bảy mươi sáu triệu và ba ức người trong chúng hội được Vô sinh pháp nhẫn. Lúc bấy giờ Chuyển luân thánh vương Trì Quốc ở trong hội Phật, cúng dường trải qua bảy ngày đêm, rồi cùng với các con và cung tần quyến thuộc, trong khoảng sát-na đều trở về chỗ cũ.

Sau một thời gian, Luân vương ngồi một mình trên tòa Sư tử hoa sen trong tòa lầu gác nghĩ như vầy: “Một ngàn đứa con của ta đều đã an trụ trong pháp Giác ngộ, nhưng trong số đó đứa nào thành quả vị Giác ngộ trước. Vậy nay ta nên bày ra một cách để thử nghiệm việc này.”

Nghĩ vậy rồi, vua liền ra lệnh cho người hầu dùng bảy báu làm thành một cái bình đẹp. Cắt đặt đâu đó hoàn thành rồi, sai viết tên của ngàn đứa con bỏ vào trong bình đó. Sau đó, trong bảy ngày đêm dùng các thứ hương hoa, hương xoa, hương bột vi diệu… đánh trống, thổi loa, ca hát nghiêm thân cúng dường bình được đựng danh tự ấy. Lúc đó, trong hư không có mười ngàn trời, người hỗ trợ rải các thứ tốt đẹp cúng dường. Trải qua bảy ngày đêm cúng dường như vậy rồi mới cho triệu tập hết các cung tần quyến thuộc và ngàn người con cùng hai đồng tử đến tập hợp ở trước, rồi lại đem bình báu để lên giường bằng vàng quý báu, đặt để đâu đó rồi ra lệnh người hầu lấy tên trong bình ra. Vâng lệnh, người hầu đến bên bình lấy một tên đầu tiên, đến dâng lên vua. Tên ấy chính là thái tử Thanh Tịnh Tuệ. Sau đó, lần lượt lấy hết tên trong bình, tức thì trong khoảng sát-na cả đại địa sáu điệu chấn động, tất cả nhạc cụ mà các cung tần đang nắm đó, không trổi mà tự nhiên phát ra tiếng ca vi diệu.

Tịch Tuệ nên biết! Thái tử Thanh Tịnh Tuệ, tên được lấy ra đầu tiên từ trong bình thuở đó đâu phải người nào lạ, chính là Đức Quá khứ Câu-lưu-tôn Như Lai trong hiền kiếp này. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tối Thắng Quân, chính là Đức quá khứ Câu-nahàm Mâu-ni Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tịch Chư Căn, chính là Đức quá khứ Ca-diếp Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Nhất Thiết Nghĩa Thành. Tịch Tuệ nên biết! Chính là ta đây. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Bảo Đới, sẽ thành Phật trong vị lai hiệu là Từ Thị Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Ngưu Vương, sẽ thành Phật trong vị lai hiệu là Sư Tử Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Điện Thiên, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Đại Tràng Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Hiền Vương, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Diệu Hoa Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tịnh Quang Cát Tường, vị lai sẽ thành Phật hiệu Hoa Thị Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Liên Hoa Nhãn, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Thiện Túc Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Vô Cấu Quang, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Diệu Nhãn Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tịnh Trì, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Diệu Tý Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tuệ Vương, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Minh Diệm Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Thiện Trang Nghiêm, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Minh Châu Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tăng Trường Phần, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Đạo Sư Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Tịnh Nghiêm Vương, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Trì Thắng Công Đức Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Cát Tường Mật, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Thắng Tài Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Diệu Quang Thân, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Trí Tích Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Dũng Kiện, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Bảo Tích Như Lai. Người bốc tên kế tiếp là Thái tử Bảo Xứng, vị lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Minh Như Lai.

Tịch Tuệ nên biết! Nói rộng như thế, trong một ngàn người con kia tiếp tục bốc, cho đến tên của Thái tử Đại Phong Trang Nghiêm, đương lai sẽ thành Phật hiệu là Vô Biên Công Đức Bảo Xưng Như Lai. Này Tịch Tuệ! Chỉ còn lại một tên duy nhất trong bình tự tại và người bốc cuối cùng là Thái tử Vô Biên Tuệ. Trong một ngàn người con, vị Thái tử này là nhỏ nhất. Lúc đó các người anh khinh chê, nói:

–Các anh đây sẽ thành Phật, đã làm Phật sự, đã độ hữu tình, còn em cuối cùng làm gì đây?

Thái tử Vô Biên Tuệ liền nói kệ rằng:

Pháp Phật vô biên như hư không
Hữu tình và tuệ cũng vô tận
Hạnh nguyện thanh tịnh giới huân tu
Nên nghe em nói hạnh nguyện này:
Thọ lượng các anh số bao nhiêu
Vương giả chúng hội số bao nhiêu
Thọ lượng của em gom cả lại
Nguyện chúng Thanh văn sẽ như vậy.
Thái tử nói kệ ấy vừa xong
Chúng trời hư không khen: Hay thay!
Bồ-tát ý vui tịnh châu viên
Lợi ích hữu tình vô cùng tận.

Này Tịch Tuệ! Khi ấy, vị Thái tử nhỏ nhất Vô Biên Tuệ sẽ thành Phật hiệu là Lạc Dục Như Lai, vị Phật cuối cùng ở trong hiền kiếp. Tịch Tuệ! Thọ lượng của chư Phật và chúng Thanh văn trong hiền kiếp như thế nào, thì Đức Lạc Dục Như Lai cũng sẽ được như thế đấy. Vì Đức Như Lai kia khéo vui với dục nên Đức Như Lai ấy có tên là Lạc Dục.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Ông hãy quán Đại Bồ-tát này, phương tiện khéo léo, tịnh giới đầy đủ, không hủy đại nguyện, thắng hạnh viên mãn. Chín trăm chín mươi chín vị Thái tử kia, cho đến Thái tử Vô Biên Tuệ, công đức như trên thảy đều thành tựu.

Khi ấy, ngàn vị thái tử đều hỏi hai vị Bồ-tát đồng tử:

–Pháp Tư, Pháp Tuệ! Hai vị thiện nam thuở xưa đã phát nguyện lực thù thắng gì mà nay được như vậy?

Đồng tử Pháp Tư đáp:

–Này các nhân giả! Tôi cùng với các vị đều như Kim Cang Thủ, thắng hạnh của Bồ-tát phải liên tục, không lìa sự bí mật vô thượng của tất cả Như Lai, không lìa tất cả pháp Phật đã dạy và sự tin hiểu.

Đồng tử Pháp Tuệ đáp:

–Nay tôi và các anh đầy đủ nguyện lực thù thắng, mong rằng tôi và các anh đều chứng Bồ-đề. Thành Bồ-đề rồi, ta đều khuyến thỉnh chuyển diệu pháp luân, đúng như nguyện lực của mình ở chỗ Đức Phật ấy đã được thọ ký Bồ-đề.

Tịch Tuệ! Chuyển luân thánh vương Trì Quốc thuở ấy đâu phải người nào lạ, tức là Đức Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác, thuở xưa nhân ở trong địa vị Luân vương. Một ngàn Thái tử của vị Luân vương ấy chính là một ngàn vị Phật Như Lai ở trong hiền kiếp. Từ Đức Câu-lưu-tôn Như Lai cho đến Đức Lạc Dục Như Lai. Đồng tử Pháp Tư hóa sinh từ tòa của cung nữ Vô Hủy thuở đó tức là Kim Cang Thủ Đại bí mật chủ dùng thần lực hóa ra. Đồng tử Pháp Tuệ hóa sinh từ tòa của cung nữ Vô Tỷ thuở đó chính là Phạm vương Thi-khí.

Tịch Tuệ! Các cung tần của Chuyển luân thánh vương Trì Quốc thuở đó chính là các chúng Bồ-tát trong hội này. Các cung tần ấy được một ngàn Thái tử hóa độ thành thục, đều được tâm an trụ vào Đại thừa không thoái chuyển với đạo Giác ngộ cao. Các cung nữ ấy ở trong hiền kiếp lần lượt được thọ ký Bồ-đề.

Tịch Tuệ! Ông nên quán lý của pháp duyên sinh không trái nhau, các nhân căn lành và quả của hạnh thù thắng mà tâm đã phát không hề hoại mất. Nay các Bồ-tát Đại sĩ trong hội này đều có thể tăng trưởng ý vui tối thắng.