KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: THỌ TRÌ

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Trong chúng đây có người đang ở trước ta, nghe ta giảng nói Tam-muội này, sau khi ta diệt độ, sinh ra nơi nào lại nghe được Tam-muội báu ấy, tuy là nghe nhưng không tin, phỉ báng, khinh chê thì kẻ đó đã xa lìa bạn lành, theo gần bạn ác.

Này Hiền Hộ! Lại có người được ở chỗ người thiện, nghe Tammuội, kinh điển rất sâu xa, rất tốt đẹp này, còn không phát sinh lòng tin không cho là chân thật, không thể hiểu rõ, huống gì là ở chỗ người ác mà nghe kinh điển này, làm sao có thể sinh lòng tin tưởng và hiểu rõ! Vì sao? Này Hiền Hộ! Vì lời dạy của chư Phật Như Lai là khó tin, trí tuệ của chư Phật Thế Tôn là khó nhận biết.

Này Hiền Hộ! Nếu thành tựu được Tam-muội này, sau đó vào đời vị lai mới có thể cùng với chúng sinh làm tăng trưởng pháp Phật.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Cũng có các Đại Bồ-tát hoặc tại gia, hoặc xuất gia nghe Tam-muội này đều không sợ, không kinh hãi, không hối hận, không thoái lui, không phỉ báng, không chê bai, nghe rồi tùy ý vui vẻ, phát sinh lòng tin kinh, cho đấy là chân thật, không còn vướng nghi ngờ, đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ về nghĩa lý.

Này Hiền Hộ! Những người như vậy Thế Tôn đều thấy, đều biết, đều hiểu rõ.

Này Hiền Hộ! Các Đức Phật Thế Tôn làm sao thấy được thiện nam, thiện nữ này, làm sao biết, làm sao hiểu rõ?

Này Hiền Hộ! Nếu có thể đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ về môn Tam-muội này thì người đó hoàn toàn không làm ác, không phá giới thanh tịnh, không hủy hoại chánh tín, không vào đường tà.

Này Hiền Hộ! Các thiện nam, thiện nữ này nhất định có đức tin sâu dày về tư duy thành tựu, có thể phân biệt được chỗ suy nghĩ trọn nên, ở trong pháp ấy đầy đủ lòng tin, thường có thể đọc tụng ghi nhận pháp này. Hiền Hộ nên biết, người này nhất định không mong cầu công đức nhỏ, cũng không gieo trồng căn lành mỏng.

Này Hiền Hộ! Thiện nam, thiện nữ ấy sinh ra ở chỗ nào dù có thiếu thốn vật dụng nhưng các căn lành thì rộng lớn không nhỏ.

Này Hiền Hộ! Đó là các thiện nam, thiện nữ đã ở chỗ Như Lai vào thời quá khứ tu hành, cúng dường, gieo trồng các căn lành.

Này Hiền Hộ! Ông nên biết: Các vị này chẳng phải ở chỗ một Đức Như Lai tu hành cúng dường, gieo trồng các căn lành, cũng chẳng phải ở chỗ hai, ba, bốn, năm cho đến mười Đức Như Lai gieo trồng các căn lành, cũng chẳng phải ở chỗ trăm ngàn ức vô số các Đức Như Lai gieo trồng căn lành.

Này Hiền Hộ! Ông nên biết: Các thiện nam, thiện nữ này vào thời quá khứ đã ở chỗ trăm ngàn vô lượng, vô biên các Đức Như Lai tu hành cúng dường, gieo trồng các căn lành, mới nghe được Tammuội Niệm Phật hiện tiền này, nghe rồi, phát sinh lòng tin sâu xa, hiểu rõ, cho là chân thật, không còn nghi ngờ, được nghe rồi lại thích muốn ghi chép, đọc tụng, thọ trì, cho đến giảng giải rộng rãi nghĩa lý cho người khác. Vì sao vậy?

Này Hiền Hộ! Vì các thiện nam, thiện nữ này, đời trước đã ở nơi các Đức Như Lai lãnh hội Tam-muội này và đọc tụng, thọ trì. Do ý nghĩa này, nên sau khi Như Lai diệt độ, vào đời mạt pháp, năm trăm năm cuối khi chánh pháp sắp diệt, lúc chánh pháp sắp hoại trở lại được nghe Tam-muội này, nghe rồi phát sinh lòng tin sâu xa, không kinh sợ, nghi ngờ, không thoái lui, không mất, lại còn phát sinh niềm vui lớn tràn đầy thân tâm, đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ ý nghĩa lý, giảng thuyết cho người khác nghe để tu hành dù chỉ trong một ngày một đêm.

Này Hiền Hộ! Nếu có người nào nghe Tam-muội này mà không kinh sợ cũng không thoái mất, không phỉ báng, nghe rồi liền vui vẻ cho là chân thật, biết suy nghĩ phân biệt, làm cho tâm ý hiểu rõ, có thể chỉ làm cho người khác tạm thời khen ngợi là đã được phước đức lớn lao không thể lường tính, huống gì là có thể đọc tụng, thọ trì, siêng năng suy nghĩ và thực hành, giảng giải rộng rãi cho người khác, dù chỉ trong một ngày một đêm.

Này Hiền Hộ! Ông nên biết: Những thiện nam, thiện nữ đó,

nhân việc này mà đạt được hơn vô lượng a-tăng-kỳ công đức lớn, mau được an trụ ở quả vị bất thoái chuyển, tùy theo ý nguyện mong muốn gì thì liền được thành tựu.

Này Hiền Hộ! Việc này là như vậy, nay ta vì ông nói thêm ví dụ để làm rõ nghĩa ấy.

Này Hiền Hộ! Ví như có người đem tất cả đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới này tán nhỏ thành bụi. Lại lấy tất cả cây cỏ, cành lá không kể lớn nhỏ cũng đem tán nhỏ thành bụi. Lúc ấy, người kia lấy một hạt bụi trong đống bụi đó, phá hủy cho nhỏ ra thành nhiều hạt bụi theo số lượng như ở trên. Sau đó, lại lấy tất cả hạt bụi ấy lần lượt phân nhỏ ra thành như số hạt bụi lúc đầu.

Này Hiền Hộ! Ý ông thế nào? Số hạt bụi này có nhiều chăng?

Bồ-tát Hiền Hộ đáp:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phật nói:

–Này Hiền Hộ! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đem châu báu đầy khắp trong vô số cõi Phật nhiều như số hạt bụi ở trên để bố thí thì này Hiền Hộ, ý ông thế nào? Thiện nam, thiện nữ kia được phước đức có nhiều không?

Bồ-tát Hiền Hộ đáp:

–Bạch Thế Tôn! Rất nhiều. Những thiện nam, thiện nữ ấy do việc này mà đạt được phước đức là vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ vượt hơn số lượng kia.

Phật lại bảo:

–Này Hiền Hộ! Ta nói cho ông rõ. Nếu các thiện nam, thiện nữ đem bảy báu đầy khắp các cõi Phật nhiều như số hạt bụi nói ở trên để bố thí thì được phước đức nhiều như vậy.

Lại có thiện nam, thiện nữ nghe Tam-muội Niệm Phật hiện tiền này, liền sinh tâm tin tưởng, vui vẻ, phân biệt cho là chân thật, tâm ý hiểu rõ, đọc tụng, thọ trì cho đến tạm thời giảng nói cho người khác thì các thiện nam, thiện nữ đó được phước đức nhiều hơn phước đức bố thí ở trước đến vô lượng, vô biên không thể tính đếm, không thể nêu số, không thể nghĩ lường.

Này Hiền Hộ! Thiện nam, thiện nữ ấy nghe Tam-muội liền tùy ý vui vẻ, chỉ tạm thời giảng nói cho người khác còn được vô lượng, vô biên phước đức, huống gì là các thiện nam, thiện nữ đối với kinh điển nói về Tam-muội này nghe rồi tin theo, tin rồi ghi nhận, ghi nhận rồi giảng thuyết, như giảng thuyết mà thực hành.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ lại nghĩa này nên nói kệ:

Đem bảy báu đầy khắp thế giới
Thực hành bố thí cho tất cả
Ta nói phước ấy tuy là nhiều
Không bằng công đức do nghe kinh.
Bồ-tát vì cầu nhiều phước đức
Tin hiểu, đọc tụng và suy nghĩ
Giảng thuyết tu hành Tam-muội này
Được phước còn nhiều hơn phước kia.
Tam thiên thế giới tán thành bụi
Một bụi lại phân nhiều vô số
Đem châu báu đầy khắp các cõi
Nhiều như bụi ấy mà bố thí.
Kinh Tam-muội chư Phật đã thuyết
Đem giảng cho người một bài kệ
Ta nói người này được công đức
Hơn người thí kia không thể lường.
Nếu giảng thuyết đầy đủ cho người
Thời gian một lần vắt sữa bò
Suy nghĩ rộng thêm các căn lành
Huống là lâu dài, phước vô lượng.
Tất cả chúng sinh đều làm Phật
Chung cảnh tịnh, tuệ chứng như vậy
Giả sử ở trong vô số kiếp
Kệ này phước nói không cùng tận.
Thế gian chư Phật đều đã diệt
Trong vô số kiếp thường giảng nói
Phước đức kia cũng không cùng tận
Kinh kệ bốn câu, duyên sâu dày.
Tất cả thế giới có những gì
Bốn phương, trên, dưới và bốn góc
Châu báu đầy khắp đem cho người
Vì cầu phước lớn dâng chư Phật.
Công đức ấy khó có thể lường
So sánh với rất nhiều thế giới
Người nghe, ghi nhận Tam-muội này
Khéo giảng thuyết phước còn hơn trước.
Với việc này người nào không nghi
Thì với các pháp cũng hiểu rõ
Người đó dứt tuyệt các đường ác
Có thể nhập Tam-muội thắng, tịch.
Nếu người đó thường cúng dường ta
Sẽ được nhiều phước không thể bàn
Học rộng tăng trưởng chứng Bồ-đề
Do chư Phật khen ngợi các định.
Nay ta thành thật nói với ông
Phải nên tinh tấn chớ buông lung
Một lòng vui mừng phát nguyện lớn
Tất nhiên mau chứng quả Bồ-đề.
Người kia cúng dường hàng trăm Phật
Mới thọ trì được Tam-muội này
Giả sử đời sau lúc sợ hãi
Sẽ mau tự chứng định vi diệu.
Nếu ai thấy ta, các Tỳ-kheo
Cùng các bậc Đại sĩ Hiền Hộ
Bồ-tát ưa học rộng như vậy
Nhất định sẽ được Tam-muội này.
Nếu người nào nghe Tam-muội này
Ghi chép hoặc giải nghĩa cho người
Đà-la-ni này Thế Tôn khen
Có thể chứng đắc Bồ-đề, Phật.
Nếu ai khéo nghĩ Tam-muội ấy
Tất cả chư Phật đều khen ngợi
Được dòng họ tốt và học rộng
Chư Phật thứ lớp mà giảng nói.