TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm Năm: Ba loại Bồ đề

[Giải] Ba loại Bồ đề, tức là Thanh văn, Duyên giác, và chư Phật Bồ tát. Tông chỉ của phẩm này là từ ba loại Bồ đề, biện minh chư Phật Bồ tát là tối thắng.

E2. Khuyến thù thắng nguyện riêng biệt
F1. Biện minh sự thù thắng khuyến phát tâm
G1. Biện minh ba loại Bồ đề khuyến phát tâm
H1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh văn Bồ đề, Duyên giác Bồ đề, và Phật Bồ đề. Nếu thành tựu Bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh văn, Bích chi phật không được gọi là Phật? Nếu kẻ giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng ngộ pháp tính, tại sao không gọi là Phật? Nếu kẻ chứng được Nhất thiết trí được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng chứng được Nhất thiết trí, tại sao không gọi là Phật? Ở đây nói Nhất thiết trí tức là bốn Thánh đế.”

[Giải]    Ba loại Bồ đề, tức là trong kinh nói đến Bồ đề của Thanh văn, Duyên giác và chư Phật. Chứng đắc Thanh văn Bồ đề, tức là chứng quả A la hán, chứng đắc Duyên giác Bồ đề, tức là chứng quả Bích chi phật. Hai hạng này tuy được giải thoát sinh tử, nhưng không được gọi là Vô thượng Bồ đề, cần phải chứng chư Phật Vô thượng Bồ đề, mới thực là chân chánh Bồ đề. Biện minh ba loại Bồ đề, cần phải bỏ “liệt” lấy “thắng”. Phẩm này cũng do Thiện Sinh hỏi, Đức Phật trả lời, các phẩm trong bổn kinh cũng đều như vậy, giống như kinh Kim Cương, do Tu Bồ Đề hỏi, Đức Phật trả lời.

Ý nghĩa của câu hỏi là:

(1) Thanh văn nghe Đức Phật giảng pháp Tứ đế mà chứng quả A la hán, Duyên giác do quán sát nhân duyên mà giác ngộ, đồng chứng một loại Bồ đề, tại sao Thanh văn được gọi là Thanh văn, Duyên giác được gọi là Duyên giác, mà không được gọi là Phật?

(2) Nếu như do giác ngộ pháp tính mà được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng giác ngộ pháp tính. Nếu bậc Nhất thiết trí được gọi là Phật, Thanh văn, Duyên giác cũng biết tất cả pháp, tại sao không được gọi là Phật?

(3) Vì pháp Tứ đế bao nhiếp tất cả pháp: khổ đế, tập đế bao nhiếp nhân quả thế gian, diệt đế tức là sự giải thoát sinh tử chứng đắc Niết bàn, đạo đế tức là phương pháp đạt đến Niết bàn, tức là bao nhiếp nhân quả xuất thế gian, vì sao Thanh văn, Duyên giác không được gọi là Phật?

Ý nghĩa của ba câu hỏi trên, ý muốn phát khởi Đức Phật thuyết minh về sự khác biệt giữa ba loại Bồ đề!

H2. Như Lai trả lời
I1. Trả lời căn cứ theo ba nghĩa của câu hỏi

– Thiện nam tử! Bồ đề có ba loại: một là từ sự nghe Pháp mà chứng được; hai là từ sự suy tư mà chứng được, ba là từ sự tu hành mà chứng được. Thanh văn từ sự nghe Pháp mà ngộ được, nên không gọi là Phật. Bích chi phật từ sự suy tư mà chứng được ít phần, nên gọi là Bích chi phật. Chư Phật là bậc không thầy, cũng không nhờ nghe Pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật. Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính, nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là tổng tướng, hai là biệt tướng. Hàng Thanh văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Bích chi phật, tuy đồng với Thanh văn biết tổng tướng, song chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Bích chi phật. Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả tổng tướng, biệt tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ.

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh văn, Duyên giác tuy biết rõ bốn Thánh đế, xong trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa nầy nên không gọi là Phật. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.

[Giải]    Thanh văn cần phải từ Phật nghe pháp mà chứng Bồ đề; Duyên giác không cần nghe Phật thuyết pháp, tức là từ sự tư duy mà chứng Bồ đề; Đức Như Lai không có thầy, từ sự tu tập mà chứng đắc tất cả sự giác ngộ, mà thành Vô thượng Bồ đề.

Cho nên Bồ tát phát tâm tu hành, tuy cũng dùng pháp của Phật nói làm phương tiện, nhưng phải do sự không chấp vào văn tự mà đạt đến sự giác ngộ (Hán: do ly ngôn diệu ngộ), không giống như hàng Thanh văn câu chấp vào pháp tướng. Bồ tát thấu rõ các pháp tính không, là do tu tập “biến giác”; Bích chi phật chỉ có ít phần giác, chưa phải sâu rộng viên mãn; nếu muốn chân thực chứng đắc Nhất thiết trí, cần phải dùng “vô sư trí”, không chấp trước vào tất cả ngôn ngữ văn tự để tu tập mà chứng đắc.

Đức Phật lại có thể thích ứng căn cơ của tất cả chúng sanh mà thuyết pháp, điều này Thanh văn, Duyên giác không thể làm được. Chỗ chứng pháp tính, được phân biệt là tổng tướng và biệt tướng.

Trí tuệ thông đạt sự hòa hợp của năm ấm là không, không có tướng nhân ngã, là tổng tướng; Bích chi phật do tự tư duy, chỉ thấu rõ tổng tướng; còn nếu thấu rõ pháp năm ấm, mỗi mỗi đều là không, không có tự tính, thì gọi là thấu rõ biệt tướng. Điều này là từ sự tu tập mà được, tất cả ngữ ngôn văn tự đều trở thành vô dụng; dùng sự vô phân biệt mà chứng biết được, là diệu trí, cho nên được gọi là Phật.

Dùng tất cả pháp làm cảnh sở duyên, mà Phật trí duyên vào cảnh, không chỗ nào là không viên mãn. Cảnh giới này của Phật, không phải Thanh văn, Duyên giác ở cảnh sở duyên chỉ biết tổng tướng, có thể so sánh được; do vì bọn họ không đầy đủ chánh biến giác, cho nên không được gọi là Phật.

I2. Nêu thêm tám việc để biện minh

Thiện nam tử! Như ba con thú, thỏ, ngựa và hương tượng, lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chấm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông; khi hàng Duyên giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông; khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh văn, Duyên giác tuy đoạn phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả phiền não và tập khí, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là phiền não nghi, hai là vô ký nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được phiền não nghi, nhưng chưa đoạn được vô ký nghi. Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Thanh văn chán sự nghe Pháp nhiều, Duyên giác nhàm sự nghĩ sâu. Chỉ có Đức Phật, đối hai việc nầy, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Thí như vật sạch để trong đồ đựng sạch, trong ngoài đều sạch. Thanh văn, Duyên giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật. Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh văn, Duyên giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh văn, Duyên giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là trí chướng, hai là giải thoát chướng thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả, thế nên gọi là Phật.

[Giải]    Hằng hà, là con sông lớn nhất ở Aán độ. Hương tượng là loài voi lớn nhất. Ở đây, dùng Hằng hà ví dụ cho con sông lớn mười hai nhân duyên lưu chuyển sinh tử. Dùng thỏ để ví dụ cho Thanh văn, ngựa ví dụ cho Duyên giác, và hương tượng ví dụ cho Phật. Ba loài tuy cùng qua sông, nhưng chỉ có hương tượng là chạm đến đáy.

Thanh văn, Duyên giác chỉ đoạn trừ phiền não, chưa đoạn trừ tập khí, giống như thỏ, ngựa miễn cưỡng qua sông, mà không triệt để, Phật ắt triệt để, đoạn trừ đến tận gốc rễ/

Nghi là một trong sáu phiền não căn bản, phiền não nghi chướng ngại, làm cho thiện pháp không sinh khởi, hoặc không tăng trưởng. Vô ký nghi, giống như quả địa cầu do bao nhiêu hạt bụi gộp thành, nặng nhẹ bao nhiêu, điều này Thanh văn, Duyên giác không cần phải biết, thế nhưng, Đức Phật thì biết rõ tất cả, cho nên trong một niệm, Đức Phật có thể biết rõ tất cả số hạt nước mưa trong hằng sa thế giới.

Thanh văn từ Đức Phật nghe pháp, chứng ngộ nhân không, nhưng không nguyện “nghe nhiều”,  Duyên giác tuy dùng sự tư duy mà chứng ngộ tính không, nhưng cũng không nguyện “nghĩ sâu”, chỉ có Đức Phật đối với núi, sông, đại địa, bụi bặm, cỏ cây, không chỗ nào là không biết, đối với sự “nghe”, sự “nghĩ”, cũng không bao giờ khởi tâm nhàm chán.

Trí tuệ ví cho vật, thân tâm ví cho đồ chứa. Thân tâm của Thanh văn, Duyên giác, do nghiệp báo mà thành, cho nên cần phải “hôi thân mẫn trí” mới chứng đắc Vô dư niết bàn, còn thân tâm “hữu dư”, thì không được rốt ráo thanh tịnh.

Thanh văn, Duyên giác, tập khí chưa thanh tịnh, cho nên thân tâm đôi lúc cũng tạo những hạnh bất tịnh, còn Đức Phật thì không chỗ nào không thanh tịnh.

Thanh văn, Duyên giác, khi thực hành lợi mình, lợi người, đều có biên tế, hạn lượng, còn Đức Phật đối với việc lợi mình lợi người đều không có biên tế, hạn lượng.

Đức Phật, ở một niệm sau cùng, có thể đoạn trừ hai chướng, trí chướng tức là sở tri chướng, giải thoát chướng tức là phiền não chướng, cái trước chướng ngại Bồ đề, cái sau chướng ngại Niết bàn. Trí nhân, tức là tâm Bồ đề, v.v…, còn trí quả, tức là Phật quả.

I3. Biện minh tổng quát công đức của Phật
J1. Chỉ tổng quát công đức của Phật

Thiện nam tử! Như Lai nói Pháp, không có hai lời, cũng không lầm lẫn, trí tuệ vô ngại, biên tài vô ngại, đầy đủ nhân trí, thời trí, tướng trí. Như Lai không có che dấu, không cần ai che chở, cũng không ai có thể nói lỗi. Như Lai biết hết phiền não của chúng sinh, nhân duyên khởi phiền não, cùng nhân duyên diệt phiền não. Như Lai không bị tám pháp thế gian làm ô nhiễm, và có lòng thương thấm thiết, cứu vớt chúng sinh khổ não. Như Lai đầy đủ mười Lực, bốn pháp Vô uy, tâm Đại bi, ba Niệm, cùng sức lực của thân tâm thảy đều viên mãn.

[Giải]    Ở đây chỉ tổng quát công đức trí tuệ của Phật. Biện tài vô ngại, tức là nói một cách tùy ý tự tại. Biết rõ tất cả tâm hành của chúng sinh, gọi là nhân trí. Biết tất cả thời gian, gọi là thời trí. Biết tất cả tướng nhân, tướng quả, tướng sai biệt, v.v…, gọi là tướng trí. Ba nghiệp thanh tịnh, hoàn toàn không có lỗi lầm, cho nên không cần phải che dấu hoặc che chở.

Tám pháp thế gian, tức là lợi, suy, hủy, dự, xưng, ky, khổ, lạc. Đối với nỗi khổ não của chúng sinh, có thể khởi lòng thương xót.

Mười lực, tức là: (1) tri thị xứ phi xứ trí lực, tức là sức biết được sự đúng, sai của sự, lý; (2) tri tam thế nghiệp báo trí lực; (3) tri chư thiền, giải thoát, tam muội trí lực; (4) tri chúng sinh tâm tính trí lực; (5) tri chủng chủng giải trí lực; (6) tri chủng chủng giới trí lực; (7) tri nhất thiết sở chí đạo trí lực; (8) tri thiên nhãn vô ngại trí lực; (9) tri túc mệnh vô lậu trí lực; (10) tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.

Bốn vô sở úy: (1) thuyết nhất thiết trí vô sở úy, nghĩa là ở giữa đại chúng, tâm không sợ hãi, cất tiếng rống sư tử: “Ta là kẻ chứng đắc tất cả chánh trí”; (2) thuyết lậu tận vô sở úy, nghĩa là nói: “Ta đã đoạn trừ tất cả phiền não”; (3) thuyết chướng đạo vô sở úy, nghĩa là tâm không sợ hãi, nói các pháp chướng ngại, như phiền não, v.v…; (4) thuyết tận khổ đạo vô sở úy.

Đức Phật có thể ở giữa đại chúng, cất tiếng rống sư tử: “Ta là bậc Nhất thiết trí, đã đoạn hết tất cả phiền não, có thể nói khởi nghiệp nào, đắc quả báo nào, và biết sự diệt tận của sự khổ. Do bốn vô úy này, có thể ở giữa đại chúng, giảng nói một cách phân minh quyết định, không một ti hào sợ hãi.

Đại bi không cần đợi nhân duyên, chúng sinh tin hay không tin, Đức Phật cũng chẳng vui hay buồn, nhân đây, sức lực của thân tâm thảy đều sung mãn.

Người đời nói: “Người có chí mới thành tựu sự nghiệp”, bởi thế, kẻ mới phát Bồ đề tâm, tuy có chí nguyện đại bi cứu độ chúng sanh, nhưng chưa có đủ lực lượng, thì cần phải siêng năng bồi dưỡng sức lực của thân và tâm.

J2. Trình bày riêng biệt thân lực và tâm lực

Thiện nam tử! Sức lực của thân tâm đều viên mãn là thế nào? Ví như trời Đao Lợi có một thành lớn tên là Thiện Kiến. Thành ấy bề rộng mười vạn dặm, có trăm vạn cung điện. Số các vị trời ở trong thành có đến một ngàn sáu mươi sáu vạn sáu ngàn sáu trăm sáu mươi sáu. Trong ba tháng mùa hạ, vua Đế Thích muốn đến rừng Ba Lợi Chất Đa du ngoạn. Trên núi Kiền Đà, có con hương tượng bảy đầu tên là Y La Bát Na. Vua Đế Thích vừa động niệm, thì voi kia đã biết, và liền đến chỗ Đế Thích. Tất cả các vị trời trong thành đều ngồi trên đầu của voi mà đến rừng Ba Lợi Chất Đa, cách thành khoảng năm mươi do tuần, du ngoạn. Sức mạnh của voi Y La Bát Na hơn tất cả các hương tượng. Giả sử tụ tập một vạn tám ngàn thớt voi như Y La Bát Na, sức mạnh đó chẳng qua chỉ bằng sức lực của một lóng tay của đức Phật. Phải nên biết rằng, sức mạnh của thân Phật mạnh hơn tất cả sức lực của chúng sinh. Thế giới không ngằn mé, chúng sinh không ngằn mé, tâm lực của Đức Như Lai cũng không ngằn mé. Bởi vậy chỉ có Đức Như Lai được tôn xưng là Phật, mà chẳng phải hàng Nhị thừa có thể được xưng là Phật.

[Giải]    Trời Đao lợi (còn gọi là Tam thập tam thiên), là tầng  trời thứ hai của cõi dục giới, thành ở trên đỉnh núi Tu di, tên là Thiện kiến. Đế Thích (Thích Đề Hoàn Nhơn) tức là thiên chúa của cõi trời này. Cây Ba lợi chất đa, dịch nghĩa là cây Hương biến, là vua trong các loài cây. Núi Kiền đà tức là núi Hương thọ. Y la bát na, nghĩa là cây Nhiệt xú lớn. Tất cả các vị trời, tức là một ngàn sáu mươi sáu vạn vị trời, đều có thể tùy ý biến hóa lớn nhỏ, có thể ngồi trên đầu con hương tượng.

Do tuần (còn gọi là do diên, chánh dịch là du thiện na), dài ba mươi dặm Aán độ.

Kết hợp sức lực của một vạn tám ngàn con hương tượng, chỉ bằng sức lực của một lóng tay của Phật. Vì thế giới vô biên, chúng sinh cũng vô biên, hình dung sức lực của Phật cũng vô biên.

J3. Nêu rõ các đức hiệu

Và cũng vì thế mà Đức Như Lai được tôn xưng là bậc Vô Thượng Sư, bậc Đại Trượng Phu; là Hương Tượng, Sư Tử, Long Vương trong loài người; là bậc Điều Ngự, bậc Đạo Sư; là bậc Đại Thuyền Sư, là bậc Đại Y Sư, là vua trong loài Đại Ngưu, là Ngưu Vương trong loài người, cũng gọi là Liên Hoa Thanh Tịnh, là bậc Không Thầy Tự Ngộ, làm Nhãn Mục cho chúng sinh. Lại cũng gọi là bậc Đại Thí Chủ, Đại Sa Môn, Đại Bà La Môn. Là bậc trì giới, tâm trí tịch tĩnh, tinh tiến tu hành, đã đến bờ bên kia, và đạt đến giải thoát.

[Giải] Trong các bậc thầy của trời người, Phật là vô thượng, nên được xưng là Vô thượng sư; có thể điều phục chúng sinh, nên được xưng là Điều ngự trượng phu; có thể đưa tất cả đến bờ bên kia, nên được xưng là Đại thuyền sư; có thể chửa trị tâm bệnh của tất cả chúng sinh, nên được xưng là Đại y sư; người được so sánh với ngưu (trâu), cho nên Đức Phật được so sánh với Đại ngưu vương; tất cả đều thanh tịnh, cho nên Đức Phật được xưng là Tịnh liên hoa; dưới cội Bồ đề, không thầy tự ngộ, nên được xưng là bậc Không thầy tự ngộ; có thể chỉ dẫn chúng sinh con đường giác ngộ, nên được xưng là Nhãn mục cho chúng sinh; bố thí tất cả, nên được xưng là bậc Đại thí chủ.

Sa môn là tên gọi chung cho người xuất gia, Bà la môn là con cháu của bậc thanh tịnh, Đức Phật là bậc thanh tịnh bậc nhất trong hàng xuất gia, cho nên được xưng là Đại sa môn, Đại bà la môn; thân tâm thanh tịnh, nên được xưng là Tịch tĩnh; có thể dứt ác làm thiện, trì giới không thoái, tu hành tinh tiến, cho nên được giải thoát rốt ráo.

J4. Kết luận Thanh văn, Duyên giác không thể so sánh được

Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác tuy đã được Bồ đề, đều không được những việc như trên. Bởi thế, chỉ có những bậc đầy đủ đức hạnh như trên mới được tôn xưng là Phật.

[Giải] Thanh văn, Duyên giác đều không có công đức của Phật như vừa thuật lạo ở trên, cho nên chỉ có Đức Phật mới được tôn xưng là Phật.

I4. Kết luận Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia phân biệt ba loại Bồ đề nầy không khó. Bồ tát tại gia phân biệt ba loại Bồ đề như vậy mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải] Ở đây, vẫn cảnh tỉnh, khuyến khích hàng Bồ tát tại gia, hoàn cảnh ác liệt, rất khó biện biệt rõ tỏ tường ba loại Bồ đề như trên.