KINH ĐẠI TẬP ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG BỒ-TÁT TAM-MUỘI NIỆM PHẬT
Hán dịch: Đời nhà Tùy, Tam tạng Đạt-ma-cấp-đa, người Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 5: KHEN ÂM THANH VI DIỆU, BIỆN TÀI THÙ THẮNG CỦA PHẬT

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến thấy các đại chúng Trời, Người, Phạm, Ma, Sa-môn, Bà-la-môn, các loại Rồng, Dạ-xoa, Cànthát-bà, A-tu-la đạt được điều chưa từng có, sinh tâm kỳ lạ đặc biệt, hoặc có lúc kinh sợ, lông nơi thân dựng đứng, hoặc vì thấy được việc này mà nhất tâm an nhiên, nên từ Tam-muội đứng dậy, bảo Tôn giả A-nan:

–Này Đại đức! Lành thay, lành thay! Chư Phật Thế Tôn thật là hiếm có, rất là hiếm có. Vì sao? Vì các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đều luôn có tâm đại Từ, đại Bi, đầy đủ vô lượng các công đức.

Này Tôn giả A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác khi đã thực chứng đạo quả Bồ-đề các vị đều hiểu rõ tất cả pháp không có sinh, thấy tất cả pháp không tạo ra, biết các pháp không thể nắm bắt được, sau đó ở tại thành Ba-la-nại, trong rừng Lộc uyển, chỗ ở của tiên ngày xưa, ba lần chuyển bánh xe mười hai hành diệu pháp vô thượng, nhưng pháp luân này, từ đầu tôi chưa hề thấy tất cả thế gian hoặc Trời, hoặc Người, hoặc Phạm, hoặc Ma, hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn có thể như pháp mà chuyển được như vậy! Những gì gọi là ba lần chuyển pháp? Sao lại gọi là mười hai hành? Đó là đây là khổ, đây là tập, đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đạo. Cho đến: khổ này đã biết, tập này đã đoạn, diệt này đã chứng, đạo này đã tu. Đó là ba lần chuyển. Ba lần chuyển như vậy gọi là mười hai hành.

Lại nữa, đây là tám Thánh đạo phần, trong đó có vô lượng chữ viết, vô lượng tên câu, vô lượng ngôn ngữ âm thanh, vô lượng nghĩa lý sâu xa, vô lượng giải thích, song nói nghĩa này chỉ nhằm để khai thị, để luận nghĩa, để phân biệt, để hiển bày nghĩa thâm diệu, để dễ biết, để được đầy đủ.

Bấy giờ Đại Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Cho nên tôi nói: “Chư Phật Thế Tôn thật hết sức hiếm có. Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác có tâm Từ bi rộng lớn, đầy đủ công đức. Các Đức Phật Thế Tôn đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi, sau đó vì các chúng Thanh văn ở trong không có giáo pháp ấy mới dùng giáo pháp để nói, trong pháp không lời mới dùng lời để nói, ở trong pháp không tướng mới dùng tướng để nói, ở trong các pháp không chứng đắc đó chỉ dạy chứng đắc. Tuy không có ngôn ngữ để nói, tướng mạo để đạt được, nhưng các bậc trí đều đã giác ngộ, các Bậc hiền thiện cũng được chứng biết, các A-la-hán đều được giải thoát, đối với sinh tử từ vô thỉ.”

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người ôm một bó cỏ rồi nói:

–Muốn dùng nó chận đứng dòng nước lớn của sông Hằng. Ý Tôn giả thế nào? Người ấy có làm được chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Thưa Đại sĩ! Không được. Vì sao? Vì điều người ấy làm không đúng với sự đời, nói chi đến chuyện được hay không.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Đúng vậy! Này Tôn giả A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng

Đẳng Chánh Giác, vì các Thanh văn nên đối với pháp không lời lại dùng lời để nói, đối với chỗ không danh tướng thì dùng danh tướng để nói, việc này cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người vốn không có miệng lưỡi, mà muốn dùng một tiếng nói vang khắp các thế gian, để ai cũng đều nghe biết. Ý Tôn giả thế nào? Người ấy có làm được không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Thưa Đại sĩ! Không được. Vì sao? Vì việc người ấy làm không hề có ở thế gian, nói chi đến chuyện được hay không.

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Đúng như vậy, Tôn giả A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vì các Thanh văn, trong cái không lời để nói lại dùng lời mà nói, với pháp không danh tướng, dùng danh tướng để nói, việc ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người tay cầm cây bút đẹp, muốn viết lên hư không, mong thành chữ viết đẹp. Ý Tôn giả thế nào? Người ấy có làm được không?

Tôn giả A-nan đáp:

–Thưa Đại sĩ! Không được. Vì sao? Vì việc người ấy làm ngược với thế gian. Sao lại hỏi được hay không?

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Đúng như vậy, Tôn giả A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì các Thanh văn nên trong pháp không lời lại dùng lời để nói, với pháp không danh tướng dùng danh tướng để nói. Việc ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như có người vốn không có tay, chân từ lúc sinh ra, cũng không chú thuật, kỹ năng, mà nói to: Tôi có thể gánh núi chúa Tu-di. Ý Tôn giả thế nào? Người ấy có làm được chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Thưa Đại sĩ! Không được. Điều người ấy nói ngược với thế gian. Sao lại hỏi được chăng?

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Đúng như vậy, Tôn giả A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì các Thanh văn nên trong pháp không lời, lại dùng lời để nói, với pháp không danh tướng, lại dùng danh tướng để nói. Nghĩa ấy cũng như thế.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Cũng như có người đến bên biển lớn, cầm một tấm ván, hoặc mang một chiếc bè con, hoặc muốn tự mình lội qua, hoặc muốn mình được nổi, nên kẻ ấy rộng bày phương tiện, nói như vầy: “Tôi qua biển cả, lên tới bờ bên kia.” Ý Tôn giả thế nào? Người đó có làm được chăng?

Tôn giả A-nan đáp:

–Thưa Đại sĩ! Không được. Vì tất cả thế gian vốn không có việc này. Sao lại nói được hay không?

Bồ-tát Bất Không Kiến nói:

–Đúng như vậy, A-nan! Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì các Thanh văn nên đối với pháp không lời lại dùng lời để nói, với pháp không danh tướng lại dùng danh tướng để nói. Nghĩa ấy cũng vậy.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến muốn làm rõ lại nghĩa này, nói kệ tụng:

Chư Phật đại Từ khó nghĩ bàn
Thường đem lòng thương soi tất cả
Vô lượng ức na-do-tha kiếp
Chánh giác, pháp môn sâu như vậy.
Bản tánh các pháp không chỗ sinh
Nhân duyên tập hội không đến, đi
Vô thượng Thiên Sư tuy khéo nói
Nhưng tự tánh thường là vắng lặng.
Chánh pháp chư Phật khó lường xét
Thế Tôn từ ái nên diễn nói
Hay mở pháp khó thấy như vậy
Lợi ích thế gian các trời, người.
Pháp không thể nói khó được nghe
Mười Lực dũng mãnh nên rộng thuyết
Chỉ rõ đạo thanh lương tối thượng
An ổn chúng trời, người thế gian.
Thế Tôn khéo nói pháp vô tướng
Không thấy tự nhiên mà giác tri
Phá trừ tất cả các ngoại đạo
Phàm phu chẳng biết sự thật này.
Biển trí chư Phật khó lường tính
Tuyên nói pháp giới cũng vô tận
Tất cả Thanh văn đều đã chứng
Khai thị chuyển biến không nghĩ bàn.
Như người đem cỏ bít sông Hằng
Tôn giả! Tôi cho chẳng làm được
Chánh giác chuyển xe vô sinh kia
Tôi cho việc ấy mới khó hơn.
Nếu người tay cầm bút năm màu
Họa hư không vô số màu sắc
Trong không lời nói dùng lời nói
Tôi cho điều ấy khó hơn kia.
Có người không tay cũng không chân
Mong cõng Tu-di qua biển cả
Trong pháp không tướng chuyển sự tướng
Tôi cho việc ấy khó hơn kia.
Có người không lưỡi cũng không miệng
Muốn một tiếng vang xa khắp cõi
Trong pháp không chứng, khiến có chứng
Tôi cho việc ấy khó hơn kia.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bảo Tôn giả Anan:

–Này Tôn giả! Các Đức Phật Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, rất là hiếm có, đối với vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, biết rõ, thông đạt tất cả các pháp rốt ráo đến bờ kia, hiệu là Phật Thế Tôn. Nhưng các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, lại tùy thuận các căn sai biệt của chúng sinh và tùy theo chỗ ưa thích, âm thanh vi diệu tự nhiên xuất hiện, tuyên nói rộng khắp, các thứ cú môn, đó là: Nếu chúng sinh thích làm bố thí, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói pháp Bố thí ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu là Đức Thế Tôn vì mình mà nói pháp thí. Nếu có chúng sinh ưa thích tu tập giới cấm, Đức Như Lai sẽ vì họ tán dương nói về Giới ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu là Đức Thế Tôn đã vì mình nói giới pháp. Nếu có chúng sinh ưa thích tu hành nhẫn nhục, Đức Như Lai sẽ vì họ tán dương nói về Nhẫn nhục ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình nói pháp nhẫn nhục. Nếu có chúng sinh ưa thích tu hành tinh tấn, Đức Như Lai sẽ vì họ tán dương nói Tinh tấn ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình nói pháp tinh tấn. Nếu có chúng sinh ưa thích tu tập thiền định, Đức Như Lai sẽ vì họ tán dương nói Thiền ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói pháp thiền. Nếu có chúng sinh ưa thích cầu trí tuệ, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói về Bát-nhã ba-la-mật. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói trí tuệ. Nếu có chúng sinh ưa thích cầu giải thoát, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi sự giải thoát. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói sự giải thoát. Nếu có chúng sinh ưa thích tu giải thoát tri kiến, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi về sự giải thoát tri kiến. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói sự giải thoát tri kiến. Nếu có chúng sinh ưa thích sinh lên cõi trời, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói pháp sinh lên cõi trời. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp sinh lên cõi trời. Nếu có chúng sinh ưa thích tu pháp vô thường, Đức Như Lai sẽ vì họ khen nói pháp vô thường. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp vô thường. Hoặc có các chúng sinh thích tu về khổ hạnh, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói về khổ hạnh. Họ cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp khổ hạnh. Hoặc có các chúng sinh thích tu về vô ngã, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói về vô ngã. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp vô ngã. Hoặc có các chúng sinh thích tu về sự vắng lặng, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói về pháp vắng lặng. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp vắng lặng. Hoặc có các chúng sinh thích tu pháp bất tịnh, Đức Như Lai sẽ vì họ khen ngợi nói về pháp bất tịnh. Kẻ ấy cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp bất tịnh. Hoặc có các chúng sinh ưa thích sinh lên cõi trời, Đức Như Lai sẽ vì họ nói về pháp sinh lên cõi trời. Họ cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình mà nói về pháp sinh lên cõi trời.

Này Tôn giả, cho đến có các chúng sinh thích đủ các thứ pháp, Đức Như Lai sẽ vì họ nói đủ các thứ pháp. Họ cũng hiểu được là Đức Thế Tôn đã vì mình giảng nói đủ các thứ pháp.

Bấy giờ Bồ-tát Bất Không Kiến muốn nêu rõ lại nghĩa này, nên nói kệ:

Chư Phật Thế Tôn âm tròn đủ
Tùy loại chúng sinh tự nhiên nói
Vì họ muốn nghe theo ý thích
Như Lai tùy thuận sẽ nói ra.
Hoặc có chúng sinh thích bố thí
Như Lai vì họ khen “Đàn độ”
Hoặc có chúng sinh thích trì giới
Như Lai vì họ khen “Thi-la”.
Hoặc có chúng sinh thích nhẫn nhục
Như Lai vì họ khen “Sằn-đề”
Hoặc có chúng sinh thích tinh tấn
Như Lai vui nói “Tỳ-lê-da”.
Hoặc có chúng sinh thích Tam-muội
Như Lai vì họ khen “Thiền định”
Hoặc có chúng sinh thích trí tuệ
Như Lai vì họ khen “Bát-nhã”.
Hoặc có chúng sinh thích giải thoát
Như Lai vì họ khen “Giải thoát”
Hoặc có chúng sinh tu vô thường
Liền nói họ nghe pháp vô thường.
Nếu họ muốn nghe khổ bất tịnh
Liền khiến họ nghe khổ bất tịnh
Hoặc họ thích nghe không, vô ngã
Tiếng không nghĩ bàn khen vắng lặng.
Nếu họ thích nghe thừa Duyên giác
Diệu âm Thế Tôn nói Duyên giác
Nếu họ thích nghe các Phật thừa
Lưỡng Túc Tôn khen đạo Bồ-đề.
Cho đến họ thích sinh Thiên cung
Tiếng Phật chỉ rõ việc sinh Thiên
Diệu âm như vậy khó nghĩ bàn
Tùy loại chúng sinh đều ứng hiện.
Chúng sinh đã nghe âm thanh tịnh
Thảy đều hướng tới Bồ-đề.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến lại bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn thật là thù thắng và đặc biệt hiếm có, là Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, luôn có căn lành tòa sáng như vậy. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn từ xa xưa đến nay hay cúng dường vô lượng, vô biên hằng hà sa số các Đức Như Lai.

Lại nữa, chư Phật thường hành các việc bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn. Đó là xả bỏ thân mạng, đầu, mắt, tủy, não làm những việc khó làm, hành trì được đủ các thứ khổ hạnh, điều phục thân tâm, sau đó mới chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khi chứng Bồ-đề rồi liền có đầy đủ vô lượng biện tài, thuyết pháp cho người khác. Những biện tài gì? Đó là: Biện tài không thể nghĩ bàn, biện tài vô thượng, biện tài không gì hơn, biện tài không chấp trước, biện tài giải thoát vi diệu, biện tài không chướng ngại, biện tài khéo hòa hợp, biện tài tương ưng, biện tài hưng khởi mạnh mẽ, biện tài nói về có không, biện tài dự biết, biện tài tạo ra tướng, biện tài không tạo ra tướng, biện tài tĩnh lặng, biện tài không khiếp nhược, biện tài trừ sân hận, biện tài với các thứ văn tự trang nghiêm, biện tài các thứ câu chữ trang nghiêm, biện tài với câu nghĩa trang nghiêm, biện tài với câu văn sâu rộng trang nghiêm, biện tài biểu hiện nghĩa thâm diệu, biện tài đối với điều sâu xa chỉ cho thấy chỗ cạn dễ hiểu, biện tài thí dụ vô biên, biện tài nhanh chóng, biện tài khéo giải thích trừ nghi, biện tài thành tựu không bờ giác, biện tài hay hỏi, biện tài hỏi lược đáp rộng, biện tài lợi ích, biện tài không hủy báng, biện tài khéo suy lường, biện tài không bế tắc, biện tài không sỉ nhục, biện tài thành tựu đầy đủ xa lìa mọi phỉ báng, biện tài thành tựu đầy đủ sự khen ngợi của người trí, biện tài đầy đủ tâm vô úy, biện tài đầy đủ sự không thấp kém, biện tài đầy đủ sự không sai lầm nơi câu văn, biện tài đầy đủ sự không quên, biện tài đầy đủ sự không mất, biện tài đầy đủ sự tùy tâm thuyết pháp, biện tài đầy đủ sự biết người khác chí tâm thuyết pháp, biện tài đầy đủ sự khai mở, sự không uế trược; biện tài hay nói âm cú, đầy đủ sự trang nghiêm; biện tài đầy đủ sự hay nói về quá khứ, biện tài đầy đủ hay nói về hiện tại, biện tài đầy đủ hay nói về vị lai, biện tài đầy đủ về bậc Thánh, biện tài đầy đủ sự biết về diệu trí vô sinh, biện tài đầy đủ có thể khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến muốn nêu lại nghĩa này, nên nói kệ:

Cúng dường bậc tối thắng
Lượng vô số vô biên
Hay chứng đạo Vô thượng
Đại Đạo sư thế gian.
Rộng tập các căn lành
Được sự khó nghĩ bàn
Vô chướng, lại vô ngại
Vô lượng cũng vô biên.
Hòa hợp nghĩa giải thoát
Bậc tôn thắng vô thượng
Khéo nói đứt lưới nghi
Tùy hỏi mà giải thích.
Các thứ giáo bí mật
Và dùng các ví dụ
Đầy đủ biện trang nghiêm
Tiếng hay khó lường xét.
Thanh tịnh đều tương ứng
Quyết rõ pháp an trụ
Không nghĩ, không thể hoại
Tâm cũng không sợ hãi.
Tiếng hay cùng trí đủ
Không kinh, không hủy tổn
Không lầm câu trang nghiêm
An lạc, không quên mất.
Không lầm các phương hướng
Được tâm tịnh không uế
Quá khứ cũng vị lai
Hiện tại không chướng ngại.
Phàm Thánh chuyển bình đẳng
Biện tài tự mình có
Xa gần cùng lúc nghe
Khi tiếng Phật nói ra.
Nước biển có thể lường
Giọt nước có thể đếm
Chư Phật đại danh xưng
Biện tài không biên vực.
Hư không đường biên tận
Tu-di dễ cân, tính
Thiên Nhân Sư vô thượng
Biện tài sâu khó lường.

*********

Bấy giờ Đại Bồ-tát Bất Không Kiến bảo Tôn giả A-nan:

–Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn là tiếng đại Phạm, là tiếng đại sư tử, là tiếng đại hùng sáng tỏ, là tiếng đại Long vương, là tiếng rống lớn vi diệu, là tiếng ca lớn vi diệu, là tiếng tuyệt hay, là tiếng gió lớn, là tiếng mây lớn, là tiếng sấm lớn.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn là tiếng đại thiện, là tiếng không nghĩ bàn, là tiếng vô lượng, là tiếng vô biên, là tiếng không thể ngợi khen, là tiếng đầy đủ, là tiếng vô ngại, là tiếng Calăng-tần-già.

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn là tiếng viên mãn, chư Như Lai là tiếng có thể chứng, chư Như Lai là tiếng có thể nhận biết, chư Như Lai là tiếng của trí sâu xa, chư Như Lai là tiếng thanh tịnh không thể hủy hoại, chư Như Lai là tiếng vô cấu, chư Như Lai là tiếng không chỉ trích, trách mắng, chư Như Lai là tiếng không thể phá tan, chư Như Lai là tiếng tuyệt hay, chư Như Lai là tiếng tuyệt hay hơn hết, chư Như Lai là tiếng không thiếu sót, chư Như Lai là tiếng không khiếp nhược, chư Như Lai là tiếng đầy đủ tất cả công đức.

Này A-nan! Chư Phật Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác khi phát ra tiếng nói, nếu muốn dùng một âm thanh lan khắp một cõi Phật, là có thể làm cho lan khắp. Nếu muốn lan khắp hai cõi Phật, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm, hoặc mười, cho đến trăm ngàn cõi Phật, cho đến một ức na-do-tha, cho đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ thế giới không thể tính biết được thì Đức Như Lai Thế Tôn lại xuất ra vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ không thể đếm, không thể biết những âm thanh khác thường như vậy, thảy đều lan khắp các thế giới ấy, khiến cho các chúng sinh được nghe tiếng nói của Đức Như Lai, đều tự suy nghĩ: “Nay Đức Thế Tôn chỉ vì ta mà chuyển pháp luân như thế.”

Này Tôn giả A-nan! Chư Phật Thế Tôn có nhưng âm thanh không thể nghĩ bàn như vậy… chư Phật Thế Tôn có những âm thanh tạo những lợi ích như vậy.

Này Tôn giả A-nan! Ví như sự chuyển động của mặt trời là vì các loại chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề, đem lợi ích lớn cho người có mắt. Lợi ích thế nào? Đó là ánh sáng chiếu rõ tất cả sự vật. Như vậy, này Tôn giả A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác với âm thanh thanh tịnh, nên khi tiếng ấy vang đến đâu, có thể vì tất cả tín căn của chúng sinh mà tùy nghi thuyết giảng, đem lại lợi ích lớn, ý nghĩa ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như trăng đêm rằm mùa thu, ánh sáng thanh tịnh tròn đầy, người ở cõi Diêm-phù-đề thấy ánh trăng rằm thì mừng vui. Cũng như vậy, này Tôn giả A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tiếng nói cũng tròn đầy, có thể tạo nên tất cả pháp âm sáng tỏ, để người nghe vui vẻ, đạt được lợi ích lớn. Nghĩa ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như nước trong biển cả bình đẳng một vị, thường trụ an nhiên khó vào, khó qua, trong đó có nhiều châu báu kỳ quý, có thể đem lại lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh, hoặc người, hoặc phi nhân. Cũng như vậy, này Tôn giả A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác tiếng nói cũng tròn đầy, bình đẳng một vị, an nhiên trong lặng, khó vào, khó lường, vi diệu, có thể đem lại an vui cho tất cả chúng sinh. Nghĩa ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như đại địa giữ vững tất cả núi rừng, sông biển, thành lớn của vua, làng xóm của dân chúng, lại có thể làm chỗ sinh trưởng cho các mầm, mộng, gốc, cành, hoa, quả, đem lại lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh. Cũng vậy, này Tôn giả A-nan! Các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chuyển âm thanh để che chở, gìn giữ tất cả, khiến cho hết thảy không bị tổn hại, còn làm cho căn lành tăng trưởng, đem đến cho chúng sinh nhiều hoa quả công đức vô cùng lợi ích nơi thế gian. Nghĩa ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như hư không dung chứa tất cả, khiến cho chúng sinh cùng các thứ được tạo ra qua lại du hành, làm lợi ích lớn. Cũng như vậy, này Tôn giả A-nan! các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chuyển âm thanh to lớn, hiển bày khắp tất cả, có thể khiến cho chúng sinh có nhiều việc phải làm, qua lại sử dụng, không ai là không được lợi ích. Nghĩa ấy cũng như vậy.

Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ví như cây Ba-lợi-chất-đa-la ở cõi trời Tam thập tam, khi nở hoa có thể khiến cho chư Thiên ở cõi trời ấy đều sinh hoan hỷ, được nhiều vui thích. Cũng vậy, này A-nan! Các Đức Như Lai, Bậc Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác khi phát ra tiếng nói thường vì tất cả chúng sinh mà mở cửa cam lồ, khiến cho họ cùng chứng đạt thường lạc. Ý nghĩa đấy cũng như vậy.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Bất Không Kiến vì muốn làm sáng tỏ nghĩa này nên nói kệ:

Đại phạm âm Thế Tôn chân thiện
Diệu âm Sư tử, Ngưu vương gầm
Long tối thượng, gầm vang thế giới
Tiếng trượng phu độ lượng hùng, sáng.
Tiếng hùng tráng như mây, sấm, gió
Tiếng không nghĩ bàn thật vô lượng
Chuyển khắp mười phương vô biên cõi
Chỗ đến vô ngại, ai cũng nghe.
Tiếng nói Như Lai rất hoàn hảo
Thế gian không gì làm chướng ngại
Cũng như tiếng Ca-lăng-tần-già
Nghe rất trong suốt, rất vi diệu.
Thánh không mong báo, người vật vui
Dạy cho chứng được tiếng tối thắng
Câu giải thoát sâu không ai bằng
Thế gian không gì hủy hoại được.
Tiếng vi diệu không vỡ, không thiếu
Liên tục không dứt, hòa nhau phát
Cứu độ thế gian đều không cùng
Đầy đủ tất cả tiếng công đức.
Điều phục trượng phu, tiếng như ý
Tiếng Phật vang khắp cả ba cõi
Tất cả chúng sinh nghĩ vui mừng
Đều cho vì mình Phật nói pháp.
Nếu muốn tiếng vang một thế giới
Hoặc hai, ba, bốn cùng với năm
Hoặc mười, hai mươi, đến năm mươi
Trăm ngàn ức số lại hơn trước.
Hoặc lại hơn cả Hằng sa chốn
Đều làm tràn đầy tất cả cõi
Khiến chúng sinh kia không nghĩ khác
Đều nghĩ: Tiếng ấy chỉ vì mình.
Ví như mặt trời khi xuất hiện
Cả cõi Diêm-phù đều chiếu sáng
Thế Tôn, Thiên Nhân Sư cũng vậy
Tiếng pháp sáng rõ chiếu thế gian.
Giống trăng mùa thu giữa các sao
Tròn trịa, đầy đặn, trong sáng nhất
Tạo mọi lợi lớn cõi Diêm-phù
Chúng sinh đã thấy đều hoan hỷ.
Tiếng Thế Tôn cũng giống trăng rằm
Không nghĩ bàn tịnh thắng thế gian
Nếu ai nghe được tâm không chán
Vì các chúng sinh tạo lợi ích.
Giống như nước biển cả vắng lặng
Sâu rộng vô biên khó đến đáy
Trong đó thường hiện các báu lạ
Vì làm lợi ích các thế gian.
Như vậy chư Phật đại danh xưng
Tiếng Phật sâu xa và vô cùng
Thường dạy chúng chứng âm thanh tịnh
Cùng các sự vui không thể hoại.
Hoặc với ba ngàn các đại địa
Hay đem đến chúng sinh các loại
Tiếng chư Phật vang khắp như vậy
Sinh tạo lợi ích cho hết thảy.
Ví như hư không dung chứa hết
Chim bay, quần sinh đều lợi ích
Như vậy tiếng túc tôn rộng chứa
Thường tạo thắng thiện lợi chúng sinh.
Giống cây Chất-đa-la, Đao-lợi
Nở hoa khiến chư Thiên hoan lạc
Tiếng cam lồ chư Phật cũng vậy
Hay làm lợi ích các chúng sinh.
Tôn giả! Nếu tôi mãn một kiếp
Hay là trăm kiếp khen tiếng Phật
Đời đời, không thể khen hết được
Tiếng Phật không nghĩ bàn như vậy.
Giả sử mười phương các chúng sinh
Thảy đều dùng miệng luôn ca ngợi
Rốt cuộc cũng chỉ đạt phần nhỏ
Tiếng Phật khó nghĩ bàn như vậy.
Giả sử hành trụ các chúng sinh
Hoặc trong nhất thời đều thành Phật
Chư Phật này nói cũng không hết
Tiếng Phật như vậy, khó nghĩ bàn.
Các diệu âm Thế Tôn như vậy
Trang nghiêm đầy đủ không ai bằng
Nếu ai hay sinh tâm vui vẻ
Thì họ không sợ rơi cõi ác.
Tiếng Phật khó nghĩ bàn như vậy
Vi diệu đệ nhất không gì bằng
Nếu có Bồ-đề được vui này
Không lâu sẽ thành Phật Pháp vương.

Bấy giờ, Tứ Thiên vương, Thiên chủ Đế Thích, Thiên vương Tu-dạ-ma, Thiên vương Đâu-suất-đà, Thiên vương Hóa lạc, Thiên vương Tha hóa tự tại, con của ma vương là Thái tử Đạo sư, Đại phạm Thiên vương là chủ thế giới Ta-bà, cho đến Thiên vương Tịnh cư và tất cả chư Thiên khác đều có đại oai đức, cùng với vô lượng các Thiên tử trong cõi Dục, cõi Sắc nghe Đại Bồ-tát Bất Không Kiến khen ngợi công đức nơi âm thanh của Đức Thế Tôn xong, tất cả đều sinh tâm tôn trọng đối với Bồ-tát Bất Không Kiến, vô cùng vui mừng, không thể kìm chế, nên dùng hương bột chiên-đàn tốt của cõi trời, những hoa trời và vòng hoa, y phục đẹp cõi trời, những tràng hoa, lọng báu, cờ phướn chạm trổ đủ màu, tung rải, che bên trên Đại Bồtát Bất Không Kiến.

Khi ấy, ở trong chúng hội có sáu vạn ức na-do-tha, trăm ngàn vị trời ở cõi Dục, cõi Sắc, nghe nói về công đức nơi âm thanh của Đức Như Lai, vì sắp chứng đắc nên liền phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trồng các căn lành.

Lại có năm ngàn Tỳ-kheo mặc áo giáp tinh tấn, trồng các căn lành, đối với đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại có bảy trăm ngàn vạn ức các Tỳ-kheo-ni phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và thệ nguyện rộng lớn.

Lại có trăm ngàn Ưu-bà-tắc đều từ hoa sen báu đứng dậy, đi thẳng đến chỗ Đại Bồ-tát Bất Không Kiến.

Lại có hai ức na-do-tha, trăm ngàn người nữ đều tự cởi các chuỗi ngọc báu đang trang sức trên người, tung lên hư không, các vật báu ấy đều dừng lại bên trên Đại Bồ-tát Bất Không Kiến, tất cả đều trồng các căn lành nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.