PHẨM ĐẠI CHÚNG THƯA HỎI

Phẩm thứ năm– Phần hai

Lúc ấy, Phật bảo Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi rằng: “Vì có nhân duyên nên trong bài kệ ấy Như Lai mới thuyết giảng không trọn nghĩa. Lại cũng có nhân duyên nên chư Phật Như Lai mới thuyết giảng pháp này.

“Thuở ấy, thành Vương Xá có một cô gái tên là Thiện Hiền. Nhân khi về thăm nhà cha mẹ, cô có đến chỗ ta mà quy y Tam bảo, rồi nói ra lời này:

“Hết thảy phụ nữ,
Đều chẳng tự do,
Hết thảy đàn ông,
Tự tại không ngại.”

“Lúc ấy, ta biết được trong lòng cô gái ấy, mới vì cô mà thuyết giảng bài kệ như vậy.[20]

“Văn-thù-sư-lợi! Lành thay, lành thay! Nay ông có thể vì tất cả chúng sanh mà hỏi Như Lai về nghĩa sâu kín như vậy.”

Văn-thù-sư-lợi lại đọc kệ rằng:

“Hết thảy mọi chúng sanh,
Đều sống nhờ ăn uống.
Hết thảy người sức mạnh,
Trong lòng không tật đố.
Hết thảy do ăn uống,
Nên mắc nhiều bệnh khổ,
Hết thảy do tu tịnh,
Nên được hưởng an vui.

“Như vậy, bạch Thế Tôn, hôm nay thọ nhận Thuần-đà cúng dường món ăn thức uống, Như Lai há không có điều lo sợ hay sao?”

Lúc ấy, đức Thế Tôn lại vì Bồ Tát Văn-thù mà đọc kệ rằng:

Chẳng phải mọi chúng sanh,
Đều sống nhờ ăn uống,
Chẳng phải người sức mạnh,
Đều không lòng tật đố.
Chẳng phải đều do ăn,
Nên mắc phải bệnh hoạn,
Chẳng phải ai tịnh hạnh,
Cũng đều được an vui.

“Văn-thù-sư-lợi! Nếu ông có bệnh thì ta cũng vậy, ắt cũng phải có bệnh khổ. Vì sao vậy? Các vị A-la-hán, Bích chi Phật, Bồ Tát, Như Lai, thật không có việc ăn uống. Chỉ vì muốn giáo hóa chúng sanh nên thị hiện thọ dụng vật thực mà vô lượng chúng sanh dâng hiến, khiến họ được trọn vẹn hạnh bố thí, để cứu giúp những cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Nếu nói rằng Như Lai sáu năm khổ hạnh nên thân thể gầy yếu, thật không thể có. Chư Phật Thế Tôn tự mình đã vượt khỏi các cảnh giới hiện hữu, không giống như kẻ phàm phu, làm sao thân thể lại phải gầy yếu? Chư Phật Thế Tôn đã tinh cần tu tập, được thân kim cang [kiên cố], chẳng giống như thân mong manh dễ hư hoại của người đời. Các đệ tử của ta cũng vậy, không thể nghĩ bàn, không phụ thuộc vào sự ăn uống.

“Hết thảy người sức mạnh, trong lòng không tật đố, câu ấy cũng chưa trọn nghĩa. Như người thế gian có khi trọn đời chẳng hề sanh lòng tật đố, nhưng cũng chẳng có sức mạnh gì!

“Hết thảy do ăn uống, nên mắc nhiều bệnh khổ, câu ấy cũng chưa trọn nghĩa. Cũng có những người mắc bệnh do các điều kiện bên ngoài, chẳng hạn như bị thương do mũi nhọn, gươm, đao, giáo, kích…

“Hết thảy do tu tịnh, nên được hưởng an vui, câu ấy cũng chưa trọn nghĩa. Thế gian cũng có những kẻ ngoại đạo, mặc dù tu hạnh thanh tịnh nhưng chịu nhiều khổ não.

“Vì nghĩa ấy, chỗ thuyết giảng của Như Lai hết thảy đều chưa trọn nghĩa. Đó gọi là Như Lai chẳng phải không có nhân duyên mà thuyết ra kệ ấy. Thật có nhân duyên nên mới thuyết giảng.

“Ngày trước, ở nước Ưu-thiền-ni có một người bà-la-môn tên là Cổ-đê-đức, đến chỗ ta ở, muốn thọ pháp Bát quan trai.[21] Lúc đó ta bèn thuyết với ông ấy bài kệ này.”[22]

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Những gì gọi là nghĩa trọn vẹn? Thế nào gọi là nghĩa bao gồm hết thảy?”

“Thiện nam tử! Trừ ra các pháp trợ đạo,[23] còn các thiện pháp an vui thường tồn đều gọi là bao gồm hết thảy. Các pháp này gọi là bao gồm hết thảy, cũng gọi là nghĩa trọn vẹn. Ngoài ra các pháp khác đều có nghĩa trọn vẹn, cũng có nghĩa chưa trọn vẹn. [Hôm nay] ta muốn khiến cho những thiện nam tử ưa chuộng Chánh pháp được rõ biết những ý nghĩa trọn vẹn và chưa trọn vẹn như thế.”[24]

Bồ Tát Ca-diếp trong lòng hết sức vui sướng, vô cùng phấn khích, liền đối trước Phật bạch rằng: “Kỳ lạ thay, Thế Tôn! Ngài xem chúng sanh đều bình đẳng, [hết lòng thương yêu] như La-hầu-la!”

Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Chỗ thấy của ông nay rất sâu xa, mầu nhiệm!”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nguyện Như Lai thuyết giảng chỗ được công đức của kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này.”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Như có ai được nghe tên kinh này thì các vị Thanh văn, Bích chi Phật không đủ sức tuyên thuyết chỗ được công đức của người đó; chỉ có chư Phật mới có thể biết. Vì sao vậy? Cảnh giới của chư Phật là không thể nghĩ bàn. [Chỉ nghe tên kinh mà còn được công đức như thế], huống chi là những người thọ trì, đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh này?

Bấy giờ, chư thiên, loài người và a-tu-la liền đối trước Phật, khác miệng đồng lời mà tụng kệ rằng:

Chư Phật khó nghĩ bàn,
Pháp, Tăng cũng như thế.
Cho nên nay khuyến thỉnh,
Xin Phật tạm nán lại.
Tôn giả Đại Ca-diếp,
Cùng với ngài A-nan,
Và đồ chúng hai vị,
Giây lát sẽ đến đây.
Lại vua nước Ma-già,
Đại vương A-xà-thế,
Hết lòng kính tín Phật,
Cũng chưa đến nơi đây.
Thỉnh nguyện đức Như Lai,
Thương xót trụ giây lát,
Ở giữa đại chúng này,
Dứt lưới nghi chúng con.

Lúc ấy, Như Lai vì đại chúng mà nói bài kệ này:

Trưởng tử trong pháp ta,
Ấy là Đại Ca-diếp,
A-nan siêng, tinh tấn,
Dứt được các mối nghi.
Các ông nên xét kỹ
A-nan bậc nghe nhiều,
Tự nhìn được hiểu rõ,
Lẽ thường và vô thường.
Vậy các ông chớ nên,
Ôm lòng lo buồn quá.

Lúc ấy, đại chúng đem mọi vật mà cúng dường Như Lai. Cúng dường Phật rồi, ai nấy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Các vị Bồ Tát số nhiều vô lượng vô biên như cát sông Hằng được chứng đắc địa vị Sơ địa.[25]

Bấy giờ, đức Thế Tôn thọ ký riêng cho Văn-thù-sư-lợi, Bồ Tát Ca-diếp và Thuần-đà. Thọ ký riêng rồi, Phật dạy rằng:

“Các vị thiện nam tử! Mỗi người nên tự tu trong tâm, cẩn thận đừng phóng dật. Nay ta thấy đau ở lưng, khắp thân thể cũng đều đau. Vậy ta muốn nằm như đứa trẻ thơ, cũng như kẻ thường đau yếu.

“Văn-thù và các ông nên vì Bốn bộ chúng[26] mà thuyết rộng Đại pháp. Nay ta đem pháp này giao phó lại cho các ông. Khi nào Ca-diếp và A-nan đến đây, các ông lại sẽ giao phó Chánh pháp này cho hai người ấy.”

Lúc ấy, Như Lai nói xong mấy lời này rồi, vì muốn điều phục chúng sanh nên hiện thân có bệnh, nằm nghiêng về bên mặt, giống như người bệnh.[27]

[20] Tức là bài kệ vừa nói ở cuối quyển 10:
Hết thảy phụ thuộc người khác,
Tất phải gọi đó là khổ.
Hết thảy do mình tự quyết,
Đó là tự tại an vui.
Những ai kiêu căng khinh mạn,
Thế lực hết sức bạo ác.
Những người hiền lành lương thiện,
Ai ai cũng mến cũng thương.
[21] Nguyên bản dùng “đệ tứ Bát giới trai pháp”, chỉ pháp tu Bát quan trai, hay Bát trai giới: tức là Tám giới, bao gồm: tức là tám điều giới bao gồm: 1. Không giết hại sinh mạng. 2. Không trộm cướp, lường gạt, chiếm đoạt những thứ thuộc về người khác không tự ý đưa cho mình. 3. Giữ Phạm hạnh thanh tịnh, không phạm vào việc dâm dục. 4. Không nói dối, không nói lời không chân thật. 5. Không uống các thứ rượu. 6. Không thoa phết các loại dầu thơm, phấn sáp lên thân thể. 7. Không đi xem, nghe các trò ca múa, đàn hát. 8. Không ngồi nằm trên giường ghế cao rộng. Ngoài ra, người thọ giới còn phải giữ không ăn quá giờ ngọ, nghĩa là chỉ ăn một lần trong ngày vào trước giờ ngọ (giữa trưa). Người thọ Bát quan trai thường là trong một khoảng thời gian một ngày một đêm, từ lúc được truyền giới cho đến lúc xả giới. Rất nhiều chùa hiện nay có tổ chức việc tu tập Bát quan trai giới mỗi tháng một hoặc hai lần, nhưng thường không trọn một ngày một đêm mà chỉ giới hạn trong một ngày thôi. Sở dĩ gọi là “đệ tứ” vì giới luật có hai hình thức là tận hình thọ (thọ giới suốt đời) và nhật dạ thọ (thọ giới trong thời gian một ngày một đêm); giới tận hình thọ có Ngũ giới, Thập giới và Cụ túc giới là 3 loại, nên giới nhật dạ thọ là Bát giới được xem là thứ tư.

[22] Đoạn tương ứng trong bản dịch Đại Bát Nê-hoàn kinh của ngài Pháp Hiển có nội dung khác biệt và có vẻ như hợp lý hơn, xin trích để độc giả tiện tham khảo: Thời hữu Bán Đầu Phạm chí dữ chư đồng chỉ tu thiên từ trai pháp lai nghệ Phật sở, vị hàng phục bỉ linh xả dị kiến nhi thuyết thử kệ. (Bấy giờ có Phạm chí Bán Đầu cùng những người đồng đạo giữ gìn trai pháp tu theo đạo thờ thiên thần, [ta] vì muốn hàng phục bọn họ, muốn làm cho họ từ bỏ kiến giải sai lầm nên mới thuyết bài kệ này.) Phạm chí Bán Đầu cũng là Bà-la-môn Cổ-đê-đức, chỉ là tên dịch nghĩa thay vì phiên âm. Bài kệ trên nói rằng “Chẳng phải ai tịnh hạnh cũng đều được an vui” là chỉ đến việc các ông này tin theo tà kiến, tuy giữ trai pháp thờ phụng thiên thần nhưng vẫn không được an vui.

[23] Tức 37 pháp trợ đạo, hay Tam thập thất đạo phẩm.

[24] Câu tương đương trong bản dịch Đại Bát Nê-hoàn kinh của ngài Pháp Hiển có vẻ như hợp lý hơn: Chư dư chúng sanh nhạo văn pháp giả, Như Lai vị bỉ hoặc hữu dư thuyết, hoặc vô dư thuyết. (Đối với các chúng sanh khác ưa thích được nghe Chánh pháp, Như Lai vì những người ấy mà thuyết nghĩa chưa trọn vẹn, hoặc thuyết nghĩa trọn vẹn.)

[25] Sơ địa: địa vị đầu tiên trong Thập địa, là mười địa vị tu chứng của hàng Bồ Tát.

[26] Bốn bộ chúng, cũng như Bốn chúng, bao gồm hai chúng xuất gia là tỳ-kheo và tỳ-kheo ni; hai chúng tại gia là ưu-bà-tắc (nam cư sĩ) và ưu-bà-di (nữ cư sĩ).

[27] Bản dịch Đại Bát Nê-hoàn kinh của ngài Pháp Hiển đến đây là chấm dứt, hết quyển 6. Nam bản từ sau đây cũng bắt đầu phẩm Hiện bệnh thứ 18 (Hiện bệnh phẩm đệ thập bát.)

Pages: 1 2