Tích Truyện Đức Từ Thị Quán Thế Âm
Thích Tâm Hòa

 

Người Vợ Hung Dữ

Phàn Giang Thành tính tình hung dữ
Lấn lướt chồng, bạo ác kiêu căng

Ngày xưa, có một người đàn ông tên là Cao Biền, tư chất thông minh có thiên tài học giỏi, mới lên mười bốn đã đậu tú tài.

Cao Biền lấy người vợ họ Phàn, tự Giang Thành. Người vợ có nhan sắc xinh đẹp, nhưng tính tình bạo ác, bướng bỉnh, thường lấn lướt chồng.

Vậy là đời Cao Biền đành vùi chôn trong âm thầm đau khổ. Lấy phải một cô vợ hung dữ như con sư tử xứ Hà Đông. Cô ta chẳng những không quan tâm, chăm sóc cho chồng mà trái lại còn hiếp đáp đến nỗi thân thể gầy ốm như khúc củi khô.

Bà nhạc mẫu vốn người hiền lương, tín phụng đức Quán Thế Âm hết lòng. Một đời quy hướng Phật pháp. Nhân thấy con mình đối đãi với chồng nó chẳng được tử tế, nên bà lấy làm lo âu.

Rồi bà mới thiết lễ cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ-tát xin gia hộ. Đêm nọ, khi đang ngủ bà mộng thấy có người nói:

– Con gái của người đời trước là một con chuột lông xanh tu luyện thành tinh, sống trong một ngôi chùa lâu năm, do vị Hòa thượng chùa ấy nuôi dưỡng. Còn Cao Biền kiếp trước là tên nho sinh nghèo khó, ở nhờ trong chùa chờ ngày đi thi. Do sơ ý hắn đã làm chết con chuột kia. Nay quả báo nhãn tiền, nợ đã vay tức phải trả.

Bà nhạc mẫu nghe nói, lòng vô cùng lo sợ. Bèn hỏi cách cứu giúp:

– Dạ thưa! Nghiệp duyên trắc trở như thế liệu có cách nào thay đổi không tiên nhân.

– Chỉ còn một cách niệm Phật Quán Âm và trì tụng kinh Phổ Môn. Vị tiên nhân trả lời.

Tỉnh mộng bà nhạc mẫu cho Cao Biền và họ nhà thông gia hay việc mình vừa chiêm bao thấy. Sau đó toàn gia trì niệm nhưng chưa có kết quả gì. Họ mới bảo Cao Biền rằng:

– Cả nhà ta đã dốc lòng thành khẩn trì tụng kinh văn, niệm danh hiệu Phật nhưng vẫn không có kết quả. Nay con hãy cùng phát tâm, hằng thường đồng tâm trì niệm, hi vọng sẽ có cảm ứng.

Cao Biền nghe nói cũng miễn cưỡng làm theo. Sau vài ngày, bỗng nhiên có một vị lão Tăng đến ở trong một ngôi chùa làng. Lão Tăng này ngoài việc thông suốt kinh văn lại thêm am tường, tinh chuyên môn tướng thuật và minh đạt lý nhân quả nữa.

Bấy giờ dân làng tranh nhau đến hỏi những việc cát hung đủ thứ. Phàn thị vì hiếu kỳ muốn tận mắt thấy cao Tăng nên cũng tháp tùng theo mọi người.

Khi vừa thấy Phàn thị, Ngài chỉ thẳng mặt và đọc liền bài kệ sáu câu. Ngài lại dùng chén nước ngậm phun lên cả mặt cô. Chính lúc ấy mọi người đều ngạc nhiên cho là “khốn rồi”, lão Tăng này chắc sẽ bị Phàn thị nó hành hung cho mà biết, vì bình nhật tính nó nóng nảy, hễ nghịch ý nó thì đừng mong an ổn.

Nhưng trái lại, Phàn thị lúc này như bị thôi miên, mặc nhiên cứ để lão Tăng làm phép; không hề tỏ chút giận dữ.

Bài kệ sáu câu của Ngài là:

“Này! Đừng nên giận, đừng nên giận nữa. Kiếp trước cũng chẳng giả. Việc này cũng chẳng thiệt. Khốn nạn. Chuột mi cắm đầu chạy đừng cho mèo đuổi bắt.”

Phàn thị nghe xong tức thì tỉnh ngộ, từ đấy về sau cải đổi hoàn toàn tính khí cũ. Cô gắng sức ăn năn, làm nhiều việc tốt để mong chuộc lại lỗi lầm xưa. Dần dần Phàn thị trở thành một người vợ hiền lương, người dâu hiếu thảo, Cao Biền cũng thấy an tâm phần nào.

Sau sự việc đó, hai vợ chồng Cao Biền xin quy y Tam bảo với lão Tăng. Một lòng trì niệm danh hiệu Phật Quán Âm, thường bố thí, cúng dường. Bà con làng xóm ai ai cũng thầm khen ngợi.

Lời bàn:

Người xưa thường nói: “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”. Thật vậy, núi có thể cạn, sông có thể mòn, song để thay đổi tâm tính một người thì thật là khó, đặc biệt là những người thường hay nóng giận, tham lam và ngu si.

Ở câu chuyện trên, hình ảnh Phàn thị bạo ác, bướng bỉnh không phải là hiếm trong xã hội hiện tại. Khi biết một người trong gia đình (có thể là vợ hoặc chồng) có tính ngang tàn, hung ác, ngu si, nóng giận, tham lam. Nói chung là rất nhiều tính xấu. Ta đừng vội vàng chê trách, mắng nhiếc, khinh khi hay xa lánh họ, vì những điều đó sẽ làm cho họ tổn thương nhiều hơn.

Như vậy, khi rơi vào những trường hợp trên chúng ta phải thật sự bình tĩnh, tư duy quán chiếu, nhìn nhận xem nguyên nhân của những tính xấu đó bắt nguồn từ đâu để tìm phương pháp hòa giải.

Chẳng hạn, chúng ta biết người thân của mình thường hay nóng giận, cáu gắt. Vậy để xử lý cái giận, ta có thể dùng lời lẽ ôn hòa, tìm hoàn cảnh thích hợp, khuyên họ thực tập chánh niệm để đưa Quán Thế Âm vào lòng, bằng cách niệm danh hiệu của Ngài.

Bồ-tát Quán Thế Âm là một thứ nước cam lộ rất tươi mát, có công năng dập tắt ngọn lửa hận thù, nóng nảy trong tâm họ. Có đức Quán Thế Âm tức là có sự thương yêu, có tinh thần trách nhiệm, do đó khi niệm đức Quán Thế Âm thì tính nóng giận kia dần dần lắng dịu thay thế vào đó là lòng vị tha, hiểu biết và thương yêu.

Khi niệm Quán Thế Âm thì sẽ không nói ra những lời, những câu có tính cách chia rẽ, đổ vỡ. Bởi vì đó là những câu nói có thể gây đau khổ dài dài cho mình và cho những người chung quanh.

Trong cuốn băng Thi Ca Niệm Phật thầy tôi (Thượng tọa Thích Chân Tính) nói về tác hại của lòng sân hận:

“Sân hận như lửa dữ
Làm hư hoại dung nhan
Thiêu đốt cả tâm can
Cháy tan rừng công đức.
Cái hại của bực tức
Gây khổ mình và người
Hiện đời không an lạc
Thác đọa ba đường ác”.

Ngu si cũng vậy. Ngu si tức là thiếu hiểu biết. Vậy để dứt trừ ngu si, đạt được sự hiểu biết phải làm sao? Xin thưa, không gì hơn niệm danh hiệu của Ngài. Vì trong khi niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, ánh sáng của hiểu biết có dịp đi vào nội tâm, nên dần dần ta bớt ngu si.

Trong số những người niệm danh hiệu đức Bồ-tát Quán Thế Âm, có rất nhiều người nghĩ rằng niệm là để tránh khỏi những tai nạn từ bên ngoài đưa đến. Họ không biết rằng hành vi của tham dục, hận thù, ngu si là những tai nạn rất lớn do chính mình tạo ra. Tham lam, sân hận, si mê chính là nguồn gốc của mọi sự khổ đau trên thế gian này. Vì thế người năng trì danh hiệu Bồ-tát cốt làm sao đánh bật được tham, sân, si ra khỏi mảnh đất tâm cũng đồng nghĩa là chấm dứt sự đau khổ.

Năng lực của phương pháp trì niệm danh hiệu Phật thật không thể nghĩ bàn. Như câu chuyện trên chúng ta thấy, người chồng chỉ miễn cưỡng trì niệm cũng có thể làm thay đổi tâm tính người vợ, huống hồ ngày nay chúng ta dốc hết một lòng thiết tha trì niệm.

Năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát có thể chuyển hóa, giải tỏa được những phiền muộn, đau buồn trong chúng ta. Chúng ta biết rằng nếu có một người thương, người đó có thể là mẹ, là cha, là thầy, hoặc là bạn của ta. Mỗi khi có vấn đề khó khăn, khổ đau, ta nhớ đến người đó, gọi tên người đó ta thấy bớt khổ. Người đó chưa phải là một vị Bồ-tát nhưng khi hình bóng của người đó hiện ra trong trái tim của ta, hoặc khi nghe tên người đó ta thấy bớt khổ, huống chi đây không phải là một người thường, đây là một người mà hạnh nguyện đã đi đến chỗ cao siêu, cho nên mỗi khi chúng ta tiếp xúc được với năng lực mầu nhiệm của Quán Thế Âm, nghe tới danh hiệu Ngài, thì phép lạ hiển hiện trong lòng ta, và tất cả những phiền muộn khổ đau của ta sẽ dần tan biến. Đây là một chuyện rất khoa học, không có gì là mê tín dị đoan.

Khi đến tu học tại đạo tràng chùa Hoằng Pháp, chúng ta sẽ cảm nhận được những giây phút an lạc, thảnh thơi trong âm vang của câu niệm Phật. Nơi đó ta có thể tiếp xúc được với những người hiền lương, đức độ, cảm thấy như mình đang từng bước, từng bước đi vào cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Đó là một hình ảnh rất dễ thương trong tâm chúng ta. Dù sau này có đi đâu, có lạc lõng tới phương trời nào, mỗi khi nghe tên của chùa Hoằng Pháp, hoặc thấy được cảnh cũ người xưa, thì tuy là ta không ở tại đó mà tâm ta cũng phần nào lắng dịu lại. Nghe tên chùa Hoằng Pháp là ta có thể hình dung được những khuôn mặt từ bi, thanh thoát, tâm ta thấy rất an lạc, vui mừng. Quán Thế Âm Bồ-tát cũng vậy. Ngài là mảnh đất lành mà biết bao con chim muốn đậu, nên mỗi khi chúng ta hình dung được Ngài, nghe được tên Ngài, thì tự nhiên những phiền não, khổ đau sẽ được tan biến. Vì vậy niệm Bồ-tát Quán Thế Âm không phải là một vấn đề mê tín.
Tâm niệm Bồ-tát Quán Thế Âm cũng giống như mang hình ảnh bà mẹ dịu hiền trong tâm ta, mỗi khi nhớ tới là ta cảm thấy êm dịu trong lòng. Người nào mà ta tin cậy và thương yêu đều có ảnh hưởng như vậy trong tâm của ta cả.