TÂY PHƯƠNG HIỆP LUẬN
Cư sĩ Viên Hoành Đạo soạn
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Trí Thông

 

Chương V
LÝ ĐẾ

        Ngay nơi tánh tức là tướng.  Vậy thì tánh, tướng chẳng phải , chẳng phải không; cánh cửa lý, sự cũng không có trở ngại .  Cho nên, lời nói khẳng định, lời nói phủ định đều sử dụng bổ túc lẫn nhau.  Nói không cũng như hồ trong trăng chiếu, như trăm ngàn bóng hoa hiện trên tấm gương sáng, khác với cái không của lông rùa, sừng thỏ.  Nói  cũng như gió cuốn, mây bay, khác với cái  cứng rắn, trở ngại của vàng ròng, đá núi.  Vì vậy, những kẻ chấp vào danh tướng là phàm phu tục tử.  Nếu bài nhân, bác quả thì rơi vào kiến chấp không của ngoại đạo.  Tuy biết cõi Phật trong mộng nhưng đều nguyện vãng sinh.  Mặc dù biết thánh hiền như bóng bọt nhưng vẫn tha thiết chiêm ngưỡng.  Nói chân, nói tướng cũng như da lành nổi ung nhọt.  Nói , nói không cũng như chấm tuyết trên lò lửa hồng.  Vì vậy, đứng về phương diện chân đế, xin phân biệt làm bốn môn:

1/ Ngay nơi tướng tức là tâm.
2/ Ngay nơi tâm tức là tướng.
3/ Không phải tâm mà cũng không phải tướng.
4/ Ly tức ly phi.

1. Ngay nơi tướng tức là tâm

Tịnh độ cảnh quán yếu môn nói: “Kinh ghi: Chân tâm trùm khắp thái hư, lượng khắp châu sa giới”.  Lại nói: “Tâm như họa sĩ vẽ ra các thứ ngũ ấm; trong tất cả thế gian đều do tâm tạo ra.  Hồ báu, đất báu, cây báu, ba mươi hai tướng, thân chánh báo của đại chúng…ở cõi Cực Lạc đều sẵn đầy đủ trong tự tâm của ta, đều do tâm ta làm ra, chứ  không phải do ai khác mà được, cũng không phải từ bên ngoài đến”.  Nếu biết rõ được điều này thì mới có thể bàn luận về ngay nơi tự tâm mà quán Phật.  Quán kinh ghi:”Các đức Phật Như Lai là thân pháp giới đi vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sinh”, đến câu “Tám mươi vẻ đẹp tùy hình”.  Đại sư Thiên Thai giải thích hai nghĩa:

– Đứng về phương diện cảm ứng đạo giao.

– Đứng về phương diện kiến giải và thực hành đi đôi với nhau.

Nếu không có lời giải thích đầu tiên thì sự tu quán không phải là quán Phật .  Nếu không có lời giải thích thứ hai thì cho rằng ngoài tâm có Phật cho đến giải thích: “Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”.

Nếu đứng về phương diện tu quán mà nói, thì mệnh danh tâm này làm Phật.  Nếu đứng về phương diện sẵn đủ mà nói, thì mệnh danh tâm này là Phật.  Đó là nghĩa trùm khắp từ đầu đến cuối của kinh này.  Cũng một đoạn khác của kinh này nói: “Tâm này quán tưởng mặt trời thì tâm này là mặt trời, tâm này quán tưởng Thế Chí thì tâm này là Thế Chí”, cho đến trong chín phẩm theo cảnh để quán tưởng cũng đều như vậy.  Lại nói: “Quán tâm, quán Phật đều thuộc cảnh hư vọng”, ý muốn nói rằng rõ được vọng tức là chân thì không cần phá vọng, sau đó liền hiển bày cái chân thật.  Ngài Kinh Khê nói: “Nói duy tâm chẳng lẽ chỉ có chân tâm sao?  Phải biết tâm phiền não trùm khắp, ông còn không biết tâm phiền não trùm khắp thì làm sao ông có thể biết rõ sắc chất sinh tử trùm khắp?  Tại sao sắc chất trùm khắp?  Vì sắc tức là tâm.  Nếu như vậy, không cần phải nhiếp Phật trở về nguồn tâm mới gọi là quán Phật trong tâm.  Hiểu rõ như thế thì không những hiểu sâu được ý Phật mà cũng là vượt hẳn thường tình”.

Tông cảnh lục ghi: “Tự tâm trùm khắp tất cả chỗ.  Vì thế, nếu thấy tha Phật thì thấy tự Phật, chứ không phá hoại cảnh giới của tự, tha, vì chỉ là một tâm mà thôi.  Chúng sinh như khuôn bao phủ tượng Phật, nếu đập vỡ được khuôn thì thấy được tự Phật, mà cũng thấy được tha Phật.  Tại sao vậy?  Tuy thấy tha Phật nhưng cũng là thấy tự Phật, vì từ một khuôn đúc ra, mà cũng không hoại tha Phật.  Bởi lẽ, trên bản chất của tự Phật, dù có biến  hiện ra hình ảnh của tha Phật mà vẫn là tự tướng phần”.  Lại nói: “Tự tâm cảm hiện, thân Phật đến tiếp dẫn”.  Thế nhưng, thân Phật thường tịch không có đến, đi.  Tâm thức của chúng sinh nương nhờ năng lực công đức thù thắng của bản Phật mà thấy có đến, đi, như muôn ngàn hình tượng trên mặt gương, khác gì những việc trong chiêm bao.  Hình tượng trên mặt gương kia chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài.  Tính chất của chiêm bao chẳng phải có mà cũng chẳng phải không, chỉ là tự tâm biến hiện, chứ  không có quan hệ gì đến Phật biến hiện.

Vì thế, nên biết, khi tịnh nghiệp chín muồi thì hành giả thấy thân Phật.  Khi quả ác sắp thành thì tâm hiện địa ngục, như người có phước đức thì cầm nắm đá nhưng trở thành vàng, người có nghiệp bần cùng thì cầm nắm vàng nhưng trở thành đá.  Đá không phải là vàng mà vàng tự hiện, vàng không phải là đá mà đá tự bày.  Có được vàng chỉ là tâm sinh, đá hiện bày chỉ từ tâm hiện.  Những sự chuyển biến ấy là do tự tâm của ta, chứ không do đâu khác mà có đá, vàng.  Kinh Chánh pháp niệm xứ ghi: “Như họa sĩ thông minh, khéo léo, sử dụng đủ loại màu sắc, anh ta sử dụng màu trắng thì vẽ ra màu trắng. Anh ta sử dụng màu đỏ, màu vàng, màu xám tro, màu đen thì vẽ ra màu đỏ, màu vàng, màu xám tro, màu đen.  Tâm nghiệp ví như họa sĩ cũng theo đây suy ra mà biết.  Tâm nghiệp nghĩ đến màu trắng thì sử dụng màu trắng; ở trong cõi trời, cõi người vẽ ra màu trắng.  Màu trắng có ý nghĩa gì?  Màu trắng chỉ về việc không bị các dục, các lậu dơ bẩn làm ô nhiễm.  Tâm nghiệp ví như họa sĩ sử dụng màu đỏ; ở trong cõi trời, cõi người có thể vẽ màu đỏ. Màu đỏ có ý nghĩa gì?  Màu đỏ chỉ về sự ưa thích thinh, hương, vị, xúc.  Tâm nghiệp ví như họa sĩ sử dụng màu vàng; ở trong cõi súc sinh có thể vẽ ra  màu vàng.  Màu vàng có ý nghĩa gì?  Màu vàng chỉ về  những chúng sinh uống máu, ăn thịt lẫn nhau; tham lam, giận dữ, si mê, giết hại với nhau.  Tâm nghiệp ví như họa sĩ sử dụng màu xám tro; ở trong cõi ngạ quỷ suy tư, quán sát để vẽ ra màu xám tro dơ bẩn.  Màu xám tro có ý nghĩa gì?  Màu xám tro chỉ về thân kia giống như rừng cây bị thiêu đốt, mà cũng chỉ về sự đói khát làm khó chịu, các thứ khổ bức bách.  Tâm nghiệp ví như họa sĩ sử dụng màu đen; ở trong cõi địa ngục vẽ ra màu đen.  Màu đen có ý nghĩa gì?  Màu đen chỉ về những nghiệp ác như rơi vào địa ngục có bức tường bằng sắt màu đen, bị trói, bị đốt thân thể đen ngòm. Tâm nghiệp ví như họa sĩ khéo sử dụng màu sắc thuộc về thiền định, nghĩ về cảnh giới trong sáng để khéo vẽ ra những màu sắc tươi đẹp.  Tất cả đều là tự tâm, chứ không phải do một người nào khác làm ra.  Vì thế, nên biết, tâm nghiệp ví như họa sĩ sử dụng màu sắc thuần tịnh vẽ tịnh độ cũng theo đây suy ra mà biết”.

Kinh Bát chu tam muội ghi: “Khi được tam muội này, bồ tát dù đang ngồi ở chỗ của mình nhưng thấy Phật A Di Đà, như có người nghe nước Tỳ Da Ly có dâm nữ Am La Bà Lợi, nước Xá Vệ có dâm nữ Tu Mạn Na, thành Vương Xá có dâm nữ Ưu Bát La Bàn Na.  Khi ấy có ba người khách mà người nào cũng đều nghe người khác khen ngợi ba cô kia vô cùng xinh đẹp.  Ngày đêm, ba người khách đều ôm lòng thầm yêu trộm nhớ cho đến trong giấc chiêm bao cũng thấy hình bóng kiều diễm kia.  Khi giật mình thức dậy, cả ba người đều suy nghĩ rằng: “Cô kia không đến, ta cũng không đi mà việc dâm thành tựu”.  Do đó, họ ngộ tất cả pháp đều như vậy chăng?  Họ đến bạch vói bồ tát Bạt Đà Hòa, bồ tát nói: “Thật vậy, các pháp đều từ tự tâm sinh ra”.  Ba người khách liền đắc bất thoái chuyển”.

Ở trong cõi nước này, nghe danh hiệu Phật A Di Đà, bồ tát thường niệm.  Vì thường niệm nên bồ tát thấy Phật A Di Đà, như có người đi xa đến một địa phương khác, tâm tư nhớ về quê xưa, vợ chồng, bà con thân thuộc, tài sản.  Trong giấc chiêm bao, người ấy trở về cố hương thấy vợ chồng, bà con thân thuộc vui mừng, trò chuyện với nhau.  Khi giật mình thức dậy, người ấy kể lại cho người tri thức biết về những việc mộng mị của mình.

Đại loại như vậy, nghe danh hiệu Phật ở phương hướng nào, bồ tát thường nhớ đến phương hướng ấy và cũng mong muốn thấy Phật, bồ tát thấy tất cả Phật, như có thầy tỳ kheo quán tưởng xương cốt của người chết ở trước mặt mình.  Có khi quán tưởng xương cốt màu xanh, có khi quán tưởng xương cốt màu trắng, màu đỏ, màu đen.  Những xương cốt kia không có ai đem đến, không có xương cốt kia, mà cũng không từ chỗ khác đến, chỉ do ý niệm quán tưởng xương cốt mà thôi.  Đại loại như vậy, bồ tát muốn thấy Phật ở phương nào thì liền thấy.  Tại sao vậy?  Vì năng lực oai thần của Phật, năng lực tam muội của Phật, năng lực công đức sẵn có của Phật.  Vì vận dụng ba năng lực ấy cho nên thấy được Phật, như cô gái trẻ đẹp sử dụng cái bình sạch sẽ đựng dầu mè loại thượng hạng hoặc đựng nước trong vắt, hoặc cô ta cầm tấm gương mới mài bằng đồng, hoặc gương thủy tinh.  Vậy thì vóc dáng của cô ta phản chiếu ở trên các mặt phẳng ấy.  Tại sao vậy?  Vì các mặt phẳng ấy trong sáng thì tự thấy được bóng của mình.  Cái bóng kia không phải từ các mặt phẳng ấy xuất hiện, cũng không phải từ bên ngoài bước vào.  Vì bồ tát khéo thanh tịnh tâm nên tùy ý thấy các đức Phật.  Khi thấy các đức Phật rồi, thì tâm tư vui mừng, phấn chấn.  Bồ tát suy nghĩ: “Phật từ đâu đến, thân ta cũng không đi”.  Ngay khi ấy liền biết rằng: “Phật không đến, ta cũng không đi”.  Bồ tát lại suy nghĩ: “Tất cả các pháp trong ba cõi đều do tâm tạo ra.  Tại sao vậy?  Vì tùy theo sự suy nghĩ của tâm thảy đều thấy được, vì tâm thấy Phật, vì tâm làm Phật, tâm tức là Phật, tâm tức là thân ta.  Tâm không tự biết mà cũng không tự thấy.  Nếu người nào muốn nắm bắt tướng của tự tâm thì đó là người ngu si.  Tâm cũng dối trá đều do vô minh sinh ra.  Người liễu ngộ được tướng của tự tâm tức là thể nhập thật tướng của các pháp”.

Vì thế, nên biết, ngoài tâm thấy Phật tức là cảnh giới của ma.  Tại sao vậy?  Vì không có một pháp nào ở ngoài tự tâm, vì tâm tánh không có pháp nào ở ngoài.  Vậy thì tất cả các pháp trong mười phương, ba đời đều không ở ngoài tự tâm.  Nếu hành giả thông suốt được ngoài tâm không có pháp nào hết thì cảnh giới ma tức là cảnh giới Phật, vì chỉ có một chân như chứ không phải có hai chân.

2. Ngay nơi tâm tức là tướng

Nếu nói các pháp tất cánh không thì phải có các pháp.  Nếu các pháp có tánh quyết định thì các pháp không thể nào thành lập được.  Kinh Bát nhã ghi: “Nếu các pháp không thể không thì không có đạo pháp, không có chứng quả”.  Kinh Pháp cú ghi: “Ở trong cái tất cánh không, bồ tát tích cực thành lập vạn hạnh”.  Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Vị đại bồ tát biết rõ thân của mình cũng như thân của chúng sinh xưa nay tịch diệt mà siêng tu phước trí không bao giờ thỏa mãn.  Đối với các cảnh giới, bồ tát vĩnh viễn xa lìa tham dục, thường ưa thích chiêm ngưỡng, phụng thờ sắc thân của các đức Phật.  Mặc dù biết cõi Phật như hư  không nhưng mà bồ tát thường trang nghiêm cõi  Phật.  Vì nghĩa này, cho nên bồ tát ưa thích tu Tịnh Độ”.  Luận Quần nghi có câu hỏi:  “Cõi nước các đức Phật đều không, hành giả quán sát chúng sinh như đại thứ năm thì đâu được chấp tướng mà bỏ Ta Bà, cầu sinh về Cực Lạc?

Đáp: Các đức Phật nói pháp không rời chân đế và tục đế.  Kinh nói: “Thành tựu tất cả pháp mà lìa tướng các pháp”.  Thành tựu tất cả pháp tức là các pháp tục đế.  Lìa tướng các pháp  tức là đệ nhất nghĩa đế (chân đế) vô tướng.  Lại nói: “Tuy biết cõi nước của các đức Phật cùng với chúng sinh đều không, nhưng thường tu Tịnh Độ, giáo hóa quần sinh”.  Ông chỉ thấy giáo nói về viên thành thật tướng và văn phá biến kế sở chấp để đạt cái tất cánh không mà không tin giáo nói về nhân duyên y tha khởi tánh thì ông là người không tin nhân quả.  Nếu ông nói về tướng đoạn diệt của các pháp thì ông là người ngoại đạo, tà kiến”.

Luận Thập nghi ghi: “Lý bất sinh bất diệt nghĩa là lý  các pháp do nhân duyên hòa hợp, chứ không có tự tánh.  Vì vậy, mong cầu cái thể của sinh cũng không bao giờ được.  Đối với sự sinh này, ngay khi các pháp sinh ra cũng không từ đâu đến, nên gọi là bất sinh.  Khi các pháp tan rã cũng không đi về đâu, nên gọi là bất diệt.  Lý bất sinh bất diệt không phải ngoài nhân duyên sinh diệt mà có, cũng không phải không cầu sinh về Tịnh Độ mới gọi là vô sinh”.  Luận Trung quán ghi:

Các pháp do duyên sinh,
Ta nói tức là không.
Đó gọi là giả danh,
Cũng là nghĩa trung đạo”.

Lại nói: “Các pháp không tự sinh, không từ cái khác sinh, không cộng sinh mà cũng không phải vô nhân, cho nên nói vô sinh…”

Lại nói: “Như có người xây cất nhà cửa, nếu xây cất trên mảnh đất trống trải thì tùy ý không có chướng ngại gì.  Nếu xây cất giữa hư không thì không bao giờ được.  Các đức Phật thuyết pháp thường dựa vào chân đế và tục đế, không phá bỏ cái giả danh để nói thật tướng của các pháp.  Người trí nóng lòng sốt ruột cầu sinh về Tịnh Độ, biết rõ thể của sinh không thật có tức là vô sinh chân thật.  Ở đây nói tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.  Kẻ ngu si bị cái sinh trói buộc, nghe nói sinh liền nghĩ là sinh, nghe nói vô sinh liền chấp là không sinh, chứ không biết sinh tức là vô sinh, vô sinh tức là sinh.  Vì không biết rõ lý này nên họ khởi tâm tranh chấp thị phi, khinh chê người cầu sinh về Tịnh Độ.  Ôi, thật là mê lầm làm sao!”

Trường Lô nói: “Người cho rằng sinh là sinh, đó là lối chấp sai lầm thuộc thường kiến.  Người cho rằng vô sinh là không sinh, đó là lối chấp sai lầm thuộc đoạn kiến.  Sinh mà không sinh, không sinh mà sinh, đó là đệ nhất nghĩa đế”.  Vĩnh Minh nói: “Ngay nơi tánh của tướng thì dụng không lìa thể. Ngay nơi tướng của tánh thì thể không lìa dụng.  Nếu muốn tán dương tánh thì chính là tán dương tướng. Nếu muốn hủy diệt tướng thì chỉ là hủy diệt tánh mà thôi”.  Thiên Như nói rằng: “Tánh có thể hiển bày tuớng, không sinh tức là sinh.  Tướng do tánh mà hiển bày, sinh tức là không sinh”.

Vậy thì ở trong âm thanh mà không phải âm thanh như âm vang của nước, của cây, của gió; ở trong sắc mà không phải sắc như cây báu, lan can, đâu có đồng với cái ngoan không của khói tắt, tro bay, cũng đâu có đồng với quyến thuộc của ma phá bỏ nguyên lý nhân quả.

3. Không phải tâm mà cũng không phải tướng

Luận Tỳ bà sa ghi: “Bồ tát mới phát tâm, trước tiên phải nhớ nghĩ đến sắc tướng, tướng thể, tướng nghiệp, tướng quả, tướng dụng của Phật, đó là sức dụng công bậc hạ.  Kế tiếp, tâm nhớ nghĩ đến mười tám pháp bất cộng của Phật, đó là sức dụng công bậc trung.  Kế nữa, tâm nhớ nghĩ đến thật tướng Phật, đó là sức dụng công bậc thượng.  Bồ tát không vướng mắc vào sắc thân và pháp thân.  Kệ nói rằng:

Không tham đắm sắc thân,
Không chấp chặt pháp thân,
Khéo biết tất cả pháp,
Thường tịch như  hư không”.

Luận Bảo tánh có nói: “Vì dựa vào nghĩa Phật, kinh ghi: “Phật bảo A Nan rằng, Như Lai không phải là pháp có thể thấy, cho nên nhãn thức không thể thấy được Như Lai”.  Vì dựa vào nghĩa Pháp, kinh ghi: “Pháp không phải là điều có thể nói, cho nên nhĩ thức không thể nghe được Pháp”.  Vì dựa vào nghĩa Tăng, kinh ghi:”Tăng nghĩa là vô vi, cho nên thân tâm không thể cúng dường, lễ lạy, tán dương được Tăng”.  Kinh Ma ha bát nhã ghi: “Vị đại bồ tát không vì sắc mà niệm Phật, không vì thọ, tưởng, hành, thức mà niệm Phật.  Do tự tánh của các pháp rỗng không, cho nên bồ tát không vì ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng mà niệm Phật.  Tại sao vậy?  Vì tự tánh của các pháp ấy thì rỗng không.  Tự tánh rỗng không thì không có đối tượng để niệm.  Không có đối tượng để niệm, đó là niệm Phật”. Luận Trí độ ghi :  “Nếu bồ tát chấp tướng, phân biệt đối với các đức Phật quá khứ mà hồi hướng thì không phải là hồi hướng.  Tại sao vậy?  Vì có tướng là một bên, không tướng là một bên, lìa cả hai bên ấy mà thực hành trung đạo, đó là thật tướng của các đức Phật.  Thế nên nói các đức Phật quá khứ thì rơi vào sự chấp tướng.  Nếu không chấp tướng mà hồi hướng thì không điên đảo”.  Kinh Phật tạng ghi: “Thấy thật tướng của các pháp chính là thấy Phật.  Thật tướng của các pháp là những gì?  Đó là các pháp tất cánh không, không có gì cả.  Vì thế, tất cánh không, không có gì cả chính là pháp Niệm Phật cho đến hành giả niệm Phật thì lìa bỏ các tưởng, các tưởng không sinh, tâm không có phân biệt, không có danh tự, không có chướng ngại, không dục, không đắc, không khởi giác quán.  Tại sao vậy?  Xá Lợi Phất !  Vì theo niệm khởi thì tất cả tưởng đều là tà kiến.  Xá Lợi Phất !  Vì theo cái không có gì cả nên không có giác, không có quán, không có sinh, không có diệt, thấu suốt được lẽ này gọi là niệm Phật.  Trong niệm ấy không có tham, không có vướng mắc, không có nghịch, không có thuận, không có danh, không có tưởng.  Xá Lợi Phất !  Không có tưởng niệm, không có ngôn ngữ chính là niệm Phật cho đến trong ấy không có một niệm nhỏ nhiệm vi tế, huống chi nghiệp của thân, khẩu, ý thô.  Chỗ mà không có nghiệp của thân, khẩu, ý thì không có nắm lấy, không có xả bỏ, không có tranh cãi, không có thưa kiện, vô niệm, vô phân biệt, rỗng không, vắng lặng, vô tánh, diệt các giác quán, đó là niệm Phật. Xá Lợi Phất !  Nếu người niệm Phật được như thế mà muốn chuyển quả đất của bốn châu thiên hạ thì tùy ý có thể chuyển, cũng có thể hàng phục được trăm ngàn ức ma; huống là cái vô minh tồi tệ kia từ nhân duyên hư dối phát sinh, không có tướng quyết định.  Như vậy, pháp ấy không có tưởng, không có hí luận, không sinh, không diệt, không thể nói hết, không thể phân biệt, không tối, không sáng, ma hoặc dân ma không thể nào suy lường được, chỉ vì sử dụng lời nói của người đời để giáo hóa mà nói rằng: “Khi niệm Phật, ông đừng chấp lấy một chút niệm nào, đừng sinh hí luận, đừng phân biệt.  Tại sao vậy?  Vì các pháp ấy đều rỗng không, không có thể tánh, không thể niệm nhất tướng (còn gọi là vô tướng), đó là chân thật niệm Phật”.

Lại nữa, Chỉ quán ghi: “Hành giả niệm Phật tam muội phải niệm như thế nào?  Niệm Phật là trở về niệm Phật tánh của ta.  Như vậy sẽ từ tâm mà được Phật hay từ thân mà được Phật?  Nhưng ngặt vì không thể dùng tâm mà được Phật, không thể dùng thân  mà được Phật, không thể dùng tâm mà được sắc tướng Phật, cũng không thể dùng sắc tướng mà được tâm Phật.  Tại sao vậy? Tâm thì Phật vô tâm, sắc thì Phật không có sắc.  Vậy thì không thể dùng sắc, tâm để được chánh đẳng giác.  Sắc tướng của Phật đã tịch diệt, cho đến thức đã tịch diệt.  Phật nói các pháp tịch diệt, nhưng người ngu si kia không biết.  Người trí hiểu rõ không thể vận dụng thân, khẩu, trí tuệ để được Phật.  Tại sao vậy?  Vì trí tuệ tìm kiếm không thể được thì tự tìm kiếm nơi ta rõ ràng không thể đươc, cũng không thể thấy.  Tất cả pháp vốn rỗng không, không có gì cả, vốn tịch diệt.  Nếu niệm Phật đươc như vậy thì gọi là môn Niệm Phật thật tướng, cũng gọi là môn tuyệt đối”.

4. Ly tức ly phi

Vĩnh Minh nói rằng: “Nếu chấp nội lực là tự tánh, nếu chấp tha lực là tha tánh, nếu chấp cơ cảm hợp nhau là cộng tánh, nếu chấp không nhân, không duyên là vô nhân tánh thì các kiến chấp trên đều là chướng ngại, chưa được viên dung”.  Nên biết, Phật lực  khó nghĩ bàn, sự mầu nhiệm cũng khó suy lường như cây a ca thúc, nếu người nữ nào chạm vào nó thì nó trổ hoa.  Cây kia không có cảm giác, mà cũng không phải không có cảm giác.  Xúc niệm không thể nghĩ bàn của đại bồ tát cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như cây tượng xỉ nhờ tiếng sấm nổ mà trổ hoa, cây tượng xỉ kia không có tai mà tại sao nó nghe được âm thanh?  Nếu nó không nghe được âm thanh thì tại sao nó trổ hoa?  Lại nữa, nếu do tiếng sấm nổ mà nó trổ hoa thì tất cả các vật khác lẽ ra cũng đều trổ hoa?  Thinh trần không thể nghĩ bàn của đại bồ tát cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như chàng dũng sĩ nghi ngờ tảng đá là bầy cọp dữ, anh ta liền bắn những mũi tên toan giết chết bầy cọp kia.  Thế nhưng, những  mũi tên ấy không cắm phập vào tảng đá, tảng đá cũng không ngậm những mũi tên ấy.  Năng lực tính tiến không thể nghĩ bàn của đại bồ tát cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như có người đi xa muôn dặm, anh ta dừng chân, tạm nghỉ ở một ngôi nhà hoang vắng.  Giữa đêm, có một con quỷ vác một thây chết để ở trước mặt anh ta.  Có một con quỷ thứ hai đuổi theo, bừng bừng phẫn nộ, quát rằng:

– Đó là vật của tôi.

Con quỷ thứ nhất nói:

– Tự tôi  mang đến.

Con quỷ thứ hai cũng nói:

– Thực sự do tôi mang đến.

Hai con quỷ mỗi con nắm một cánh tay thây chết mà giành giựt quyết liệt với nhau.

Con quỷ thứ nhất nói:

– Ở đây có người, chúng ta phải hỏi cho ra lẽ.

Con quỷ thứ hai liền hỏi anh ta:

– Thây chết này do ai mang đến?

Anh ta trầm ngâm suy nghĩ rằng, hai con quỷ ấy có sức mạnh phi thường, ta nói dối cũng chịu chết mà thôi, đâu bằng cứ nói thật, liền nói:

– Thây chết này do con quỷ thứ nhất mang đến.

Con quỷ thứ hai nghe nói như vậy thì nổi giận đùng đùng, nó nắm cánh tay của anh ta bứt lìa ra, vứt bỏ xuống đất.  Con quỷ thứ nhất đem cánh tay của thây chết để lắp dính vào chỗ bị đứt kia.  Cứ tiếp tục như thế, hai tay, hai chân, đầu, thân của anh ta hoàn toàn thay đổi.  Hai con quỷ ấy ăn cái thây đã hoán đổi kia xong, chúng lau miệng, bỏ đi.  Anh ta miên man suy nghĩ: “Chính mắt ta thấy thân thể ta đã bị quỷ ăn hết rồi.  Bây giờ, hình hài này là thịt của thây chết lắp vào”.  Trong tất cả thời, anh ta quán tưởng đến thân khác nên không đắm nhiễm ngũ dục, không cung dưỡng, không sinh tâm yêu mến vợ con cho đến đối với những lời trách móc, nhục mạ, anh ta đều chấp nhận.  Vì là thân khác nên không còn kiêu mạn nữa.  Về sau, bỗng nhiên , anh ta vỡ lẽ ra: “Nếu là thân khác thì không có ta.  Nếu không phải là thân khác thì cái thân khác hiện tại này, trong đó chẳng có gì là thân khác, không phải ta, mà cũng không phải chẳng có ta, ta cũng không có bản chất chân thật, thân khác cũng không có bản chất chân thật.  Xưa nay, nó hằng tự nhiên như vậy”, lập tức anh ta biết được tất cả pháp là ngã, mà cũng không phải ngã.  Tất cả chỉ là hư vọng mà thôi.  Năng lực quán chiếu không thể nghĩ bàn của đại bồ tát thấy tự Phật, tha Phật cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như Thương Khâu Khai là kẻ nghèo khổ, anh ta tin người giàu sang nói rằng vào lửa không bị chết cháy, vào nước không bị chết chìm, từ trên cao rớt xuống không bị thương tích gì hết.  Vì tin những lời giả dối kia, nên anh ta được bảo vật thật.  Thế nhưng, kẻ nghèo ấy không có phép thuật của người kia.  Tham dục không thể nghĩ bàn của đại bồ tát mong được địa vị bảo vương của Phật cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như hang sâu trống rỗng, tùy theo âm thanh phát ra mà có tiếng vang dội.  Tiếng vang dội kia không phải từ hư không đến, không phải từ hang sâu đến, cũng không phải từ âm thanh đến.  Nếu tiếng vang dội từ  hư  không đến thì hư không  phải có tiếng vang dội.  Nếu từ hang sâu đến thì trong hang sâu, bất cứ lúc nào cũng có tiếng vang dội.  Nếu từ âm thanh đến thì ở chỗ đất bằng phẳng, tiếng vang dội cũng lan truyền, cho đến tiếng vang dội không phải hòa hợp đến, không phải nhân duyên đến, không phải tự nhiên đến.  Tướng âm thanh không thể nghĩ bàn của đại bồ tát không đến, không đi cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như nhà ảo thuật sử dụng ảo thuật, đem con ngựa mà ông trưởng giả yêu  mến bỏ vào cái bình nhỏ, bình không lớn thêm mà con ngựa vẫn chạy nhảy lung tung một cách tự nhiên.  Trưởng giả bày thức ăn xong, con ngựa vẫn được cột ở chỗ cũ.  Pháp huyễn thuật không thể nghĩ bàn của đại bồ tát biến hiện cõi Phật cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như thuốc ha trạch ca, người ta sử dụng một lượng thuốc này để biến một ngàn lượng đồng thành vàng ròng.  Thế nhưng, không phải một ngàn lượng đồng có thể chế biến thành thuốc được.  Thuốc tinh chế không thể nghĩ bàn của đại bồ tát biến hiện cõi uế trở thành cõi tịnh cũng theo đây suy ra mà biết.

– Lại như có người sử dụng thuốc an thiện na để bôi vào mắt mình, tuy người ấy đi vào chốn đông người nhưng những người  khác không thể nào thấy được.  Công dụng thuốc không thể nghĩ bàn của đại bồ tát ở trong mỗi niệm sinh diệt liên tục mà được cái thân vô sinh cũng theo dây suy ra mà biết.

– Lại như hương thơm vô nan thắng, nếu có người sử dụng hương thơm này bôi lên mặt trống thì khi dóng trống lên, tất cả quân địch đều bỏ chạy tán loạn.

– Lại như Chuyển Luân Thánh Vương có hương thơm hải tạng, nếu người ta đốt một viên thì vua và tứ quân đều bay vút lên hư không.  Hương chánh niệm không thể nghĩ bàn của đại bồ tát hàng phục được bọn ma quân, vượt thoát ba cõi cũng theo đây suy ra mà biết.

Vì thế, nên biết, Niệm Phật tam muội không thể nghĩ bàn, như lỗ chân lông không thể nghĩ bàn của Phổ Hiền, như cái bụng không thể nghĩ bàn của phu nhân Ma Da, như trượng thất không thể nghĩ bàn  của Tịnh Danh, như cái bình nhỏ không thể nghĩ bàn của ưu bà di Cụ Túc.  Tại sao vậy?  Vì tất cả các pháp đều không thể nghĩ bàn.  Nếu có một pháp nào bằng một mảy lông mà có thể nghĩ bàn thì không phải là biển pháp giới tánh.

Như trên đã nói tâm, nói cảnh, nói hữu tướng, nói vô tướng đều là pháp nghĩ bàn.  Nhưng nếu thể nhập được cảnh giới giải thoát không thể nghĩ bàn thì biết tất cả mọi sự phân biệt về tâm, cảnh, hữu tướng, vô tướng niệm Phật cũng đều không thể nghĩ bàn.