NÓI VỚI BẬC CHA MẸ VÀ TUỔI TRẺ
Thiện Phúc

 

5. HÃY BIỂU LỘ TÌNH THƯƠNG THẬT SỰ VỚI CON CÁI

Kính thưa các bậc cha mẹ,
Đa phần người lớn chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng các cậu thanh thiếu niên ngày nay là sống vô trách nhiệm, sống phóng túng, sống cuồng, sống loạn, sống mất dạy, vân vân và vân vân. Quý vị có biết tại sao con em chúng ta lại có những lối sống hời hợt như vậy không ?

Theo thiển ý có lẽ tại chúng ta không thật sự dành tình thương yêu chân thật cho con em của chúng ta. Tình thương yêu chân thật ở đây không phải là thứ chiều chuộng quá mức, hay kỷ luật quá gắt đối với con em. Ngược lại, đó là sự nuôi nấng và dạy dỗ thật sự. Nuôi nấng cho các em phát triển lành mạnh về thể chất. Dạy dỗ các em về giáo dục, đức dục, trí dục và luân lý. Như vậy một tình thương yêu chân thật có vượt quá khả năng của các bậc cha mẹ không ? Thật tình mà nói, tình yêu thương chân thật đòi hỏi quá nhiều ở những bậc cha mẹ vô trách nhiệm, nhưng nó hoàn toàn ở trong tằm tay của đa số những bậc cha mẹ muốn nhìn thấy con cái mình có được một tương lai xán lạn hơn chính tương lai của mình. Hãy dạy các em một cách bình thường. Ngoài những giờ học ở trường, hãy chỉ cho các em biết thế nào là yêu cha thương mẹ, thế nào là yêu mến nhân sanh vạn vật ? Ngay từ lúc các em còn nhỏ, hãy cho các em học những bài học thật thà, ngay thẳng, công bình, bác ái từ ngay chính cuộc sống thật của chúng ta. Ngay từ thời thơ ấu, hãy gieo vào đầu các em những gương hạnh cần cù nhẫn nại. Hãy hướng dẫn cho các em biết thế nào là tự trọng, thế nào là lẽ phải điều trái, thế nào là có lễ phép và thế nào là vô phép vô tắc. Trong cách cư xử hằng ngày, hãy chỉ bảo cho các em biết đâu là khiêm cung từ tốn, đâu là tự kiêu tự đại ? Trong tiến trình lớn khôn của con trẻ, cha mẹ giữ một vai trò không thể thay thế được. Chính vì vậy mà cổ nhân ta có câu : “Còn cha còn mẹ như tiên, mất cha mất mẹ như chim lạc đàn.” Khổ nỗi đa phần các em ở xã hội Âu Mỹ nầy, tuy rằng vẫn còn cha mẹ đầy đủ, nhưng vẫn lêu lêu lổng lổng như chim lạc đàn nào có khác ?

Các bậc làm cha mẹ thân thương,
Bây giờ chúng ta sống và đối xử với những người chung quanh thế nào, thì về sau nầy con cái chúng ta cũng sẽ sống như vậy, hoặc giả tệ hại hơn vậy. Thấy như vậy mới biết kinh nghiệm của con trẻ về khuôn khổ lối sống, cũng như tình thương trong gia đình thật là vô cùng quan trọng cho tương lai con trẻ về sau nầy. Nếu chúng ta không chịu trao cho trẻ những tình thương chân thật, thì trẻ sẽ lớn lên trong sự thiếu vắng nầy. Các em sẽ nhìn đời một cách khô khan nhạt nhẽo. Nếu các bậc cha mẹ cứ ngày ngày gieo vào đầu trẻ những bất hòa, cãi cọ, hoặc những thị phi, tị hiềm, ganh ghét thì làm sao bảo trẻ lớn lên trong nhân hậu, dung thứ và yêu thương cho được ? Các bậc cha mẹ nên luôn nhớ rằng cuộc đời và tương lai của con trẻ sau nầy chỉ là sản phẩm của mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật của chúng ta bây giờ mà thôi. Nếu bảo trẻ đừng tham lam, mà chính bản thân mình đi chợ gặp tiền thối dư, hoặc tiền của ai đó làm rớt, chính mình lại lượm bỏ túi, thì làm sao trẻ nghe cho vô ? Dạy con nên tha thứ, mà chính mình cứ đi bươi móc lỗi lầm của người, quả là nghịch lý vô cùng. Dạy con nên khiêm cung hòa nhã, mà chính mình thì hở ra là la lối om sòm, hở ra là đập phá tứ tung, đâu có lẽ ấy. Dạy con ái ngôn ái ngữ, mà mình thì luôn mồm chửi rủa, làm sao được ? Dạy con nên sống hài hòa với mọi người, mà mình thì cứ cằn nhằn cửi nhửi, không được đâu. Làm sao dạy con nên chia xẻ nếu mình tham lam bỏn sẻn ? Bảo con siêng năng, cần mẫn và tự lập, mà cứ ngày ngày nuông chiều con một cách thái quá, làm sao được ? Thấy như vậy, các bậc làm cha mẹ nên luôn nhớ rằng chính những sinh hoạt thường nhật của chúng ta sẽ góp một phần không nhỏ về những tác phong và đạo đức của trẻ về sau nầy.

Các bậc cha mẹ thân thương,
Ngay cả những khi trẻ con phạm phải những lỗi lầm, thì các em vẫn là những thành viên thân thương trong mái ấm gia đình của chúng ta. Hãy dạy dỗ các em trong tinh thần xây dựng. Hãy trao cho các em những tình thương yêu chân thật. Hãy dạy dỗ và tha thứ cho những lỗi lầm ấy, để cho các em thấy rằng các em đang thật sự sống trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình. Xin kể cho quý vị một thí dụ điển hình về tình yêu thương chân thật. Trên hai trăm năm về trước, có một gia đình trung lưu sống ở vùng đông bắc Mỹ. Một hôm người con trai đang tỉa những cành đào trước sân, không may anh ta đạp gẫy mất cây đào mà cha anh ưa thích nhất. Chiều lại cha anh về, thấy gẫy cây đào, ông ta buồn bã bèn hỏi các con coi ai đã làm gẫy. Người con trai bèn đến bên cha nhận lỗi. Người cha chẳng những tha thứ lỗi lầm cho con, mà còn trao cho con một nụ cười, một ánh mắt, một tình thương yêu chân thật. Người cha đã ân cần nói với các con rằng: “Cành đào, dù cha có quý đến thế mấy cũng không bằng các con yêu quý của cha. Hơn nữa, chính sự thành thật của con đã làm cho cha thấy cả một vùng tương lai tươi sáng đang chờ đợi con đấy.” Quý vị có biết người cha ấy là ai không ? Thưa quý vị, người ấy không ai khác hơn là ông thân sinh ra vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, và người con làm gẫy cây đào ấy chính là Tổng Thống George Washington.

Các bậc cha mẹ thân thương,
Hãy luôn tỏ ra cho con cái biết rằng chúng ta lúc nào cũng quan tâm và theo dõi những sinh hoạt hằng ngày của con trẻ. Quan tâm ở đây không nhất thiết là lúc nào cũng nghiêm khắc, mà là cùng chia vui xẻ buồn, khuyến tấn cũng như can ngăn, khen ngợi hoặc chỉ trích trong xây dựng. Theo dõi ở đây không nhất thiết phải là theo sát từng bước khi con trẻ bước ra khỏi nhà, mà là những tâm sự và chia xẻ kinh nghiệm của một con người với một con người, của người đi trước chia xẻ với người đi sau. Làm sao mà lúc nào con trẻ cũng cảm thấy các em luôn là một phần tử quan trọng trong gia đình thì cho dù có sa ngã vào cám dỗ của sa đọa, các em cũng còn có điểm để tựa nương. Các bậc cha mẹ mà làm được như vậy, thì ngay cả những đứa con ngỗ nghịch hoặc hư hỏng vì những hoàn cảnh khách quan bên ngoài, cũng sẽ tìm về với mái ấm gia đình, nơi có những người thân thương luôn chực chờ trao cho các em những tình yêu thương chân thật nhất.