Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC
(TT)

Ư nhất niệm khoảnh … siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát” (Khoảng một niệm… vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật). Đây là nói rõ về tốc độ nhanh chóng, trong chừng một niệm, biến pháp giới hư không giới, đi khắp tất cả, hiển lộ người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thần thông diệu dụng không thể nghĩ bàn! Cảnh giới này là cảnh giới của Như Lai quả địa.

Nên nhớ: Thiên nhân ở thế giới Cực Lạc chính là thiên nhân ở “Cõi Phàm Thánh Đồng Cư” vãng sinh, họ được bổn nguyện của bốn mươi tám nguyện Phật A Di Đà gia trì nên thần thông đạo lực, trí tuệ, đức tướng của họ đều giống với Phật A Di Đà. Đây là sự thù thắng vô biên của thế giới Cực Lạc. Ở các thế giới khác không có. Người vãng sinh đến thế giới Cực Lạc tuy chưa thành Phật nhưng cũng như thành Phật, đây là ân đức của Phật A Di Đà.

Theo sách chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Na-do-tha” (Nayuta) là ức (một vạn vạn). Thời cổ, Trung Hoa hiểu chữ ức theo ba cách khác nhau: Mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn. Vì vậy, các vị Cổ Đức cũng phán định con số này không đồng nhất, như sách Huyền Ứng Âm Nghĩa nói: “Na-do-tha là mười vạn của Trung Quốc”. Lớn hơn là: “Đời Tùy, na-do-tha là một ngàn vạn” (Các thuyết khác chẳng dẫn ra). Như vậy, khó lòng xác định “na-do-tha” lớn bao nhiêu, nhưng ta có thể đoan chắc “na-do-tha trăm ngàn” là một con số rất lớn đến nổi rất khó thể tính biết được.

Câu “ư nhất niệm khoảnh… Siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát” (trong khoảng một niệm… vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật) diễn tả Thần Túc Thông, còn gọi là Thần Túc Trí Thông, Thần Cảnh Trí Thông, Thân Như Ý Thông, Thân Thông. Tốc độ năng lực này của người cõi thế giới Cực Lạc đích thật là không thể nghĩ bàn! Gần như khởi tâm động niệm liền châu biến cả mười phương ba đời, tất cả cõi chư Phật. Điều này cũng nói lên “thập phương tam thế bất ly đương niệm, vô biên sát hải chẳng ngoài nhất tâm”, đều do tự tánh biến hiện ra. Thử nghĩ:

– Loại người nào có thể làm đến được?

– Trên kinh Phật nói: Đây là cảnh giới của Pháp Thân Đại Sĩ; Bồ Tát kiến tánh mới có thể làm đến được. Phật, Bồ Tát trong mười pháp giới không có được năng lực này, tuy các ngài cũng có năng lực tham phỏng các cõi chư Phật, nhưng phạm vi không nhiều đến như vậy. Hơn nữa, còn phải mất thời gian rất dài, không thể chỉ trong một niệm liền châu biến khắp mười phương cõi nước chư Phật được.

Sách Hội Sớ giảng chữ “thần túc” (cũng gọi là “Như Ý Túc”) như sau:

Thần Túc có ba loại:

1. Vận Thân Thông: Bay trên không giống như chim bay. Vận Thân Thông còn gọi là “Thừa không hành”, bay lượn trên không giống như chim bay. Đây là nói họ phi hành tự tại, không cần công cụ phi hành. Người có thần thông cao, khi họ phi hành, chúng ta không cách chi nhìn thấy thân ảnh của họ, chỉ nhìn thấy một vệt sáng lướt nhanh qua (tốc độ của ánh sáng không nhanh như vệt sáng này). Vừa tiếp xúc mặt đất, họ liền hiện thân, đây là “Vận Thân Thông”.

2. Thắng Giải Thông: Với chỗ xa xôi nhất, chỉ tác ý tư duy liền tới ngay đó. Năng lực này cao hơn năng lực trước. Họ chỉ ngồi một chỗ bất động, muốn đến nơi nào rất xa như băng qua Thái Bình Dương, muốn đến nước Mỹ, thân họ lập tức biến mất liền đến nơi, không hề nhìn thấy dấu vết.

3. Ý Thế Thông: Với chỗ xa xôi nhất, tâm vừa nghĩ đến, thân đã ở đấy. Ý nói nơi thật xa, như mười phương cõi nước chư Phật, chỉ cần họ khởi tâm nghĩ đến, thân lập tức liền đến nơi. Người ở thế giới Cực Lạc có khả năng này. Tuy bản thân họ ngồi bất động trước Phật A Di Đà nghe kinh giảng pháp nhưng cùng một lúc hóa thân của họ đều đến cõi nước chư Phật trong mười phương để cúng dường chư Phật. Do vậy mà ở thế giới chúng ta tu hành cả ức năm cũng không bằng tu hành một ngày ở thế giới Cực Lạc! Thử nghĩ: Mỗi ngày họ thấy được biết bao nhiêu vị Phật và thọ dụng được biết bao nhiêu kinh pháp? Đủ biết phước tuệ họ tăng trưởng dường nào.

Đại Trí Độ Luận nói: “Như Ý Thông có ba thứ: Năng Đáo, Chuyển Biến, Thánh Như ý”.

Năng Đáo có bốn thứ:

Một là thân bay được đến đó như chim không trở ngại.

Hai là biến xa thành gần, chẳng qua đó mà đến được nơi ấy. Cảnh giới dù có xa xôi thế mấy, giống như hiện nay chúng ta xem truyền hình, cảnh giới đều xuất hiện ngay trước mặt trên màn hình. Chúng ta biết Pháp Tạng Bồ Tát tu hành suốt năm kiếp, tham quan và khảo sát khắp mười phương cõi nước chư Phật. Thầy của ngài là Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, phải chăng đã dẫn dắt ngài đến tham quan từng nơi? Không phải! Bản thân ngài không đi, mười phương thế giới cũng không đến mà ngài nhìn thấy ngay trước mắt, rõ ràng minh bạch. Đây là “Như Ý Thông”.

Ba là biến mất ở chỗ này hiện ra ở chỗ kia.

Bốn là trong một niệm liền đến ngay nơi đó.

  • Chuyển Biến:

Là biến nhỏ thành lớn, biến lớn thành nhỏ; biến một thành nhiều; nhiều biến thành một. Với các vật đều chuyển biến được. Ngoại đạo biến hóa không lâu được hơn bảy ngày. Chư Phật và đệ tử chuyển biến tự tại, chẳng có gần, xa.

  •  Thánh Như Ý:

Là ngay trong lục trần, có thể quán vật bất tịnh chẳng đáng ưa là tịnh, quán vật khả ái thanh tịnh thành vật bất tịnh. Chỉ mình đức Phật đắc pháp Như Ý Trí này. Đây chính là cảnh tùy tâm chuyển. Phật ở đây là Phật gì? Trong kinh Hoa Nghiêm nói: Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ. Bốn mươi mốt địa vị này trong “Lục tức Phật” của Thiên Thai Đại Sư gọi là “Phần chứng tức Phật”, họ là Phật thật không phải giả, họ đều có năng lực này.

Trong phần “Chuyển Biến”, thực tế mà nói, trên thân chúng ta có rất nhiều tế bào độc bệnh, đây là căn nguyên của tật bệnh. Nếu có năng lực “chuyển biến” này có thể khôi phục tất cả mọi tế bào độc bệnh trở thành bình thường, tật bệnh sẽ không còn, không cần uống hoặc chích thuốc, cũng không cần chẩn đoán.

– Có thật chăng?

– Có thật! Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh!

– Vì sao có tế bào độc bệnh?

– Do tâm mình có độc bệnh!

– Là độc bệnh gì?

– Phật nói là Tam Độc, độc bệnh “Tham-sân-si”. Nếu đoạn tận tâm “tham-sân-si”, độc bệnh sẽ không còn nữa, tất cả tế bào đều khôi phục bình thường. Đoan chánh tâm niệm, có thể đối trị được tất cả bệnh khổ của thân tâm; đối với bên ngoài, tất cả thiên tai thảm họa trên địa cầu đều có thể hóa giải.

Tóm lại, “tham-sân-si” là nhân của độc bệnh. “Nhân” thêm vào “duyên” thì bệnh lập tức phát tác. Duyên có hai loại: Nội duyên và ngoại duyên. Nội duyên là “não, nộ, oán, hận, phiền”, đây là tâm trạng của chúng ta. Ngoại duyên là “tài-sắc-danh-thực-thùy”. Nhân duyên vừa hội đủ, bệnh căn liền phát tác; nếu nghiêm trọng sẽ mất mạng! Biện pháp tốt nhất là chí tâm Niệm Phật; xa lìa “tài-sắc- danh- thực-thùy”; cách ly ngoại duyên; chế phục “oán, hận, não, nộ, phiền”; hạ thấp “tham-sân-si-mạn-nghi”; khống chế thật tốt, bệnh sẽ không còn nữa.

Đây là tác dụng của “chuyển biến”. Hàng ngoại đạo chuyển biến lâu nhất không quá bảy ngày. Ngoại đạo ở đây không phải chỉ người bên ngoài Phật Giáo mà chỉ cho người có tâm hướng ngoại cầu pháp gọi là ngoại đạo. Nếu không hiểu những đạo lý của Phật pháp, ngày ngày cũng đang cầu Phật, Bồ Tát gia trì, cầu thần minh gia hộ, đó cũng thuộc về ngoại đạo. Bản thân họ biến thành ngoại đạo mà không hề hay biết!

– Ngoại đạo tu trì, chuyển biến có hiệu quả chăng?

– Có! Hiệu quả này các khoa học cũng thừa nhận. Họ nói đó là “ý thức tập thể”, mọi người cùng nhau cầu nguyện, năng lực “ý thức tập thể” rất lớn có thể thay đổi hoàn cảnh trước mắt. Tôi thường nói: Đây là trị ngọn không phải trị gốc. Ở đây nói “lâu nhất không quá bảy ngày”, là trị ngọn không phải trị gốc, chỉ có thể tạm thời hóa giải nhưng không bao lâu khuyết điểm lại tái phát, bệnh lại phát sinh!

Thiên tai lại đến! Đây không phải không linh, nó vẫn là chiêu cảm từ lòng người.

Trong dự ngôn ngày xưa, phương Đông và phương Tây đều nói: Năm 1999 có thiên tai, năm 1999 và năm 2000 có đại thiên tai; đến năm 2000 thì không còn tức là tận thế. Dự ngôn nổi tiếng nhất là dự ngôn của Nostradamus, người Pháp.

Ở đây, Diệu Âm – Phổ Hạnh tôi xin được nêu ra bài viết của Nguyễn Vương Miện trên giai phẩm Xuân Nhâm Thân năm 1992 của báo Việt Luận ở Úc Châu về Nostradamus: Tên thật là Michel de Nostredame, ra đời vào ngày 14-12-1503 tại st Rémy de Provence, thuộc miền Nam nước Pháp. Trong sử ký của Pháp có ghi là cụ đậu Bác sĩ vào năm 1529 và sau đó được tuyển vào toán ngự y của Hoàng gia Pháp Quốc. Tuy nhiên, là một người thích cuộc sống rày đây mai đó, Nostradamus chỉ làm việc tại hoàng cung một vài năm và sau đó lang thang từ tỉnh này sang tỉnh khác, dùng tài chữa bệnh của mình để cứu nhân độ thế.

Cũng có sách chép: Thuở nhỏ, Nostradamus được ông nội dạy cho các loại cổ ngữ như: La Tinh, Hy Lạp và môn chiêm tinh. Trong thời gian đi ngao du sơn thủy, cụ có ghé lại Avignon là nơi chứa rất nhiều sách vở viết về khoa học huyền bí. Cụ lưu lại đây năm, bảy tháng để nghiên cứu các sách này, đồng thời học thêm những bài thuốc quí được lưu truyền trong nhân gian để bổ sung thêm nghề chữa bệnh của mình. Về sau, cụ di chuyển về vùng Salon, lập gia đình và bắt tay vào việc viết sách. Năm 1550, cụ cho xuất bản cuốn “Biên niên sử” (Almanac) ghi lại tất cả những biến cố xảy ra trong năm, và cứ cho phát hành đều đặn như vậy mỗi năm một lần. Cũng vào năm đó, cụ bắt đầu nghiên cứu lại các sách chiêm tinh và khoa học huyền bí để soạn ra bộ “Thế Kỷ Sự” (Centuries hay còn gọi là Prophenies- Lời tiên tri).

Khi biết mình sắp chết, Nostradamus gom tất cả sách vở, tài liệu ghi chép những lời tiên tri của một công trình nghiên cứu kéo dài cả chục năm trời ra đốt, và chỉ giữ lại cuốn “Prophenies” được viết bằng một thể văn đặc thù (quatrains) với những lời lẽ đầy rắc rối, bí ẩn. Trong lời phi lộ viết cho cuốn “Prophenies” (lời tiên tri), Nostradamus cho biết cụ quyết định dâng hiến công trình nghiên cứu của mình cho thần Vulcan (một vị thần trong thần thoại Hy Lạp có tài biến kim khí thành vũ khí và dụng cụ). Cụ ghi lại là vào đêm những tài liệu nói trên bị thiêu hủy, ngọn lửa thiêu đốt đống giấy tờ và sách vở bùng cháy một cách kỳ dị, như thể thần Vulcan hài lòng chấp nhận hiến vật của cụ vậy.

Trong số những sách vở Nostradamus đem ra đốt, có những bí pháp dạy phép xem sao và đoán chuyện quá khứ vị lai dựa vào các chuyển động của tinh tú. Cụ cho biết phải thiêu hủy tất cả tài liệu này vì không muốn chúng lọt vào tay “bọn phàm phu tục tử” ở đời sau. Nhưng, Nostradamus chỉ đốt vài chục cuốn sách, năm ba chồng tài liệu thì ngọn lửa làm gì lại cháy lớn đến như vậy? Có lẽ cụ đã đốt thêm những gì khác nữa, hoặc giả việc cụ mô tả “ngọn lửa bùng cháy một cách kỳ dị” chỉ nhằm nhấn mạnh đến ý nghĩa đặc biệt đằng sau hành động “đốt sách” của cụ?

Cũng trong lời phi lộ của cuốn “Lời tiên tri”, Nostradamus giải thích việc sử dụng những câu văn trúc trắc, đầy bí ẩn (quatrains) là nhằm tránh cho đám hậu sinh biết quá nhiều về những biến cố sẽ xảy đến cho loài người sau này. Cụ còn thêm là bằng lối văn rắc rối, đầy những mật ngữ sẽ khiến cho người đời sau không hiểu nổi những lời tiên đoán của cụ và chỉ nghiệm được sau khi chúng đã xảy ra mà thôi. Mà quả thật, nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy những tiên đoán của cụ về tình hình thế giới kể từ thế kỷ thứ 16 cho đến nay hoàn toàn chính xác.

Người ta kể lại rằng lúc Nostradamus chu du sang Ý, một hôm nhìn thấy một ông thầy tu còn trẻ đang đuổi bầy heo ngang qua khu phố cụ đang đi dạo, Nostradamus đột nhiên quì xuống trước mặt ông thầy tu này, cúi đầu một cách cung kính, chào: “Lạy Đức Thánh Cha!” về sau, vào năm 1585, Felice Peretti, nhà tu trẻ tuổi nói trên được bầu làm Giáo Hoàng với Thánh hiệu Secto đệ V.

Lần khác, một nhà quí tộc ở Florinville mời cụ đến ăn cơm và đàm đạo về khoa chiêm tinh. Để thử tài tiên tri của Nostradamus, nhà quí tộc chỉ vào hai con heo sữa đang thơ thẩn dạo chơi ở giữa sân và nhờ cụ đoán số phận của chúng. Nostradamus cho biết nhà quí tộc sẽ ăn con heo đen, còn con heo trắng sẽ bị chó sói bắt mất. Liền sau đó, nhà quí tộc bí mật ra lệnh cho người đầu bếp giết con heo trắng để sửa soạn cơm tối. Không may cho anh đầu bếp là khi vừa giết xong con heo, anh quay vào bếp tìm con dao để xẻ thịt, khi trở ra, con heo đã bị chó sói tha đi mất dạng! Hoảng hồn, anh đành phải giết con heo đen để nấu cơm chiều đãi khách. Đến giờ ăn, nhà quí tộc hóm hỉnh bảo Nostradamus là họ đang ăn thịt con heo trắng, nhưng cụ vẫn khăng khăng là họ đang ăn con heo đen. Nhà quí tộc cho gọi người đầu bếp lên để hỏi rõ đầu đuôi và được anh này xác nhận những sự kiện kể trên.

Ngoài ra, nếu nghiên cứu kỹ những lời tiên đoán trong cuốn “Lời tiên tri”, người ta thấy Nostradamus đã nhìn thấy trước được việc nhân loại sẽ phát minh ra xe hơi, máy truyền hình, phi cơ và việc loài người đặt chân lên mặt trăng. Ở vào thời đại của cụ (thế kỷ 16) nếu nói ra những chuyện này, thiên hạ sẽ cho cụ là người điên khùng, hoặc giả là một tên đại bịp. Nostradamus cũng tiên đoán được cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, đó là cuộc cách mạng kỹ nghệ, sự bùng nổ của hai cuộc thế chiến và việc Hoa Kỳ dùng bom nguyên tử để buộc phát xít Nhật phải đầu hàng v.v…

Không ai chối cãi những gì Nostradamus ghi lại trong cuốn “Lời tiên tri”, càng nghiệm càng thấy chính xác. Các nhà chuyên nghiên cứu về chiêm tinh và lý số ở Việt Nam thường ví Nostradamus như “Trạng Trình của Tây Phương”. Những lời tiên đoán của cụ chính xác đến độ giới nghiên cứu khoa học huyền bí trên thế giới phải lập ra một ngành nghiên cứu riêng biệt nhằm tìm cách giải thích những lời sấm đầy rắc rối và bí ẩn do cụ để lại.

Tính cho đến nay, có ít nhất là vài trăm cuốn sách dựa vào lời sấm của Nostradamus để suy đoán về những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai nhân loại. Ai cũng biết là trong kỳ Đệ Nhị thế chiến, cả phe Đức lẫn phe Đồng Minh đều khai thác những lời tiên tri của cụ vào mục đích chiến tranh tâm lý. Và Rudolf Hess, nhân vật cao cấp đứng vào hàng thứ nhì của Đức quốc xã (chỉ sau có Hitler) vì “quá tin” vào lời sấm của cụ mà bỏ sang đầu hàng Anh quốc vào năm 1941, khiến cho nội bộ phe Quốc Xã bị rung rinh.

Cũng theo Nostradamus, từ giữa thập niên 1990, những thay đổi trong cách suy nghĩ của nhân loại sẽ dẫn đến những thay đổi quan trọng trong nền khoa học của thế giới. Từ trước đến nay lối suy nghĩ của con người hoàn toàn dựa trên các “lý luận” và những khuôn thước có sẵn. Lối suy nghĩ này làm hạn chế khả năng phán đoán và giải quyết những vấn đề khó khăn, rắc rối của con người. Con người có khuynh hướng tin rằng nếu điều gì không phù hợp với những công thức “hợp lý” mà từ bấy lâu nay sự suy luận của họ vẫn dựa trên, điều đó hoàn toàn “vô lý”. Những gì không chứng minh được bằng phương pháp khoa học thực nghiệm, không giải thích được bằng lý thuyết duy vật biện chứng, điều đó không hoàn toàn có thật!

Nhưng, nhân loại đã quên mất một điều là vì quá lệ thuộc vào khoa học thực nghiệm, họ đã đánh mất khả năng nhận thức hay lãnh hội sự việc bằng một dụng cụ thật sắc bén và chính xác, đó là trực giác. Làm cách nào con người có thể sử dụng phương pháp khoa học thực nghiệm để giải thích môn chiêm tinh, lý số, khoa học thần giao cách cảm, mối quan hệ huyền bí giữa con người và vũ trụ ở chung quanh?

Nostradamus tiên đoán bắt đầu từ năm 1995 trở đi, lối suy nghĩ của nhân loại phần lớn sẽ dựa vào trực giác. Từ đó những lý thuyết làm căn bản cho khoa điện toán cũng sẽ phải thay đổi. Cũng từ những hậu quả của nền văn minh vật chất trên địa cầu đã gây nhiều ảnh hưởng tai hại cho môi trường chung quanh mà điển hình nhất là nạn ô nhiễm đối với lớp ozone, con người sẽ học được một bài học quí giá: Loài người không phải là một sinh vật có khả năng làm chủ và chi phối vũ trụ, mà nó chỉ là một phần tử nhỏ bé của cái vũ trụ bao la này.

Một điểm đáng lưu ý nữa mà ngày nay khoa học khám phá ra là vạn vật trong vũ trụ có sức chi phối lẫn nhau. Sự vận hành của các tinh tú có ảnh hưởng quan trọng trên đời sống và cá tính của con người, cây cối và muông thú trên trái đất; nhưng ngược lại, một cái búng tay của một em nhỏ có thể làm rung rinh một vì sao ở cách trái đất hàng triệu triệu cây số.

Cũng theo Nostradamus, vào khoảng tháng tư năm 1993, trên thế giới sẽ xuất hiện một loại tôn giáo mới có khả năng lôi cuốn nhiều tín đồ. Tôn giáo này sẽ đưa ra những lý thuyết kết hợp giữa tôn giáo và khoa học, làm đảo lộn tất cả những lý thuyết tôn giáo đã có từ trước đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu về tôn giáo, sở dĩ con người còn hồ nghi chưa biết nên tin tưởng hay theo đuổi một tôn giáo nào là vì đa số các tôn giáo ngày nay chưa dùng khoa học để chứng minh được các học thuyết của mình, đồng thời cũng chưa tìm được một nền tảng triết thuyết vững chắc để củng cố niềm tin của các tín đồ tôn giáo mình.

Còn rất nhiều và rất nhiều lời tiên tri thần kỳ của Nostradamus, không tiện viết hết ra đây vì quá dài! Lời tiên đoán của Nostradamus không hiểu sao lại dừng lại ở năm 2001? Có người suy luận có lẽ năm 2001 là năm đánh dấu ngày tận thế, do đó Nostradamus thấy không còn gì để bàn tiếp nữa. Tuy nhiên, cũng có người lạc quan cho rằng năm 2001 là khởi đầu một trang mới trong lịch sử nhân loại: Kỷ nguyên của hòa bình và thịnh vượng”.

Loại tôn giáo mới có khả năng kết hợp giữa tôn giáo và khoa học mà Nostradamus đã đề cập trên đây, theo thiển ý của tôi (Diệu Âm – Phổ Hạnh) không có chi là mới cả, đó chính là Phật Giáo chính thống của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có từ hơn ba ngàn năm về trước, nhưng rất tiếc con người hiện nay đã sai đường, mê muội, xếp nó vào là con đường mê tín! Chỉ biết tụng kinh, bái sám, lễ lạy, van xin cầu nguyện, chạy đuổi theo hình thức bề ngoài mà quên đi bổn gốc của nó, chính là giáo dục, giáo dục tối cao của Phật Đà dẫn dắt con người đến “chân-thiện-mỹ tuệ”, trở về với bản năng tự tánh vốn có của chính mình: là trí tuệ chân thật, đức năng chân thật và tướng hảo chân thật.

Qua quá trình thuyết giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Hòa Thượng Tịnh Không đã rất nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục tôn giáo, trong Phật Giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung. Có thể nói Hòa Thượng là người dẫn đầu, tiên phong trong vấn đề này, đã khơi dậy mạnh mẽ trong tâm thức con người về lý niệm: Giáo dục đa nguyên văn hóa, sự đoàn kết tôn giáo, tôn giáo thế giới là một nhà, Phật Giáo không phải tôn giáo mà là giáo dục chí thiện, là triết học đỉnh cao, là khoa học tối thượng v.v… và v.v… về rất nhiều phương diện. Hòa Thượng cũng đã phân tích, dẫn chứng rất tỉ mỉ về những vấn đề liên quan giữa Phật Giáo và những phát minh khoa học hiện đại. Như Lưu Tố Vân nói: “Hòa Thượng là con người của nhà Phật, là tiêu chuẩn của Phật Đà, không hổ danh là đệ tử Phật môn”. Những gì Hòa Thượng khuyên dạy đều đi đôi với việc làm của ngài:

  1. Trong thiên hạ không có người tôi hận.
  2. Trong thiên hạ không có người tôi không thể tha thứ.
  3. Trong thiên  hạ không có  người  mà  tôi  chẳng thể  yêu thương.

Thật cao quí thay và đáng khâm phục thay Bi tâm của ngài! Về vấn đề: “Tôn giáo có khả năng kết hợp giữa tôn giáo và khoa học”, thiết tưởng cũng không cần phải dài dòng, xin được viết ra đây lời của hai nhà đại bác học:

1. Bertrand Russell: Đạo Phật bắt đầu từ chỗ khoa học không thể tiến tới được nữa, vì những giới hạn của phương tiện khoa học. Những chinh phục của đạo Phật thuộc về tâm”.

(It (Buddhism) takes up where science can not lead because of the limitations of the latter’s instruments. Its conquests are those of the mind).

(Trích trong tập 1: Phê bình về những bài phê bình cuốn Đối thoại với Giáo Hoàng, tr.248).

2. Albert Einstein: “If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism needs no surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science. Buddhism is the bridge between religions and scientific thoughts, that stimulates man to discover the latent potentialities within himself and his environment. Buddhism is timeless”.

(Dịch thoát: Nếu có một tôn giáo nào có thể thích nghi với những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần duyệt xét quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ những quan niệm của mình để chấp nhận khoa học, bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học, và đồng thời cũng vượt qua khoa học. Phật giáo là một chiếc cầu nối liền tôn giáo và những tư tưởng khoa học. Chiếc cầu Phật giáo (nối liền tôn giáo và khoa học) đã kích thích con người khám phá những tiềm năng lớn lao nằm sâu kín trong chính nó và trong môi trường sống xung quanh nó. Phật giáo siêu việt qua thời gian và mãi mãi có giá trị).

(Trích trong “Đối thoại với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II. Do Giao Điểm xuất bản năm 1995 tại Hoa Kỳ, tr.314).

Đến nay, năm 2000 đã trôi qua bình an. Năm đó, tôi (Hòa Thượng Tịnh Không) đang ở Singapore, chư vị đồng học đến nói với tôi: Singapore có vị viện trưởng của Viện Thần Học đề cập đến vấn đề này, ông cảm thấy rất kinh ngạc không thể nghĩ bàn! Rõ ràng nói năm này có thiên tai. Vì sao lại không có?- Tôi giải thích: Việc này không có gì kỳ lạ! Vì sao? Vì truyền thuyết này đã truyền cách đây bốn, năm trăm năm, mọi người trên thế giới đều biết. Tôi (Hòa Thượng Tịnh Không) tin trong năm 1999 và năm 2000 có rất nhiều tín đồ trên thế giới đều cầu nguyện nên có cảm ứng vì thế thiên tai không phải không có mà chỉ chậm lại; thiên tai lớn sẽ trở thành nhỏ, thiên tai giảm nhẹ kéo lui về sau.

– Kéo lui đến khi nào?

– Bây giờ họ tiên đoán thảm họa có thể xảy ra vào năm 2012, vậy chẳng phải là lui về sau ư? Thiên tai lại đến! Người trên toàn thế giới, hiện tại rất nhiều tín đồ tôn giáo đều cầu nguyện, tôi tin rằng năm 2012 cũng trôi qua bình an. Nhưng, phải biết rằng việc này không phải như vậy là hết, vẫn còn sẽ tiếp tục về sau! Chỉ cần tâm niệm chúng ta bất thiện, tai nạn liền xuất hiện! Mà kỳ này đến chắc chắn còn đáng sợ hơn lần trước! Đây chính là bệnh chưa phát tác, ta chỉ mới tạm thời khống chế được nó nhưng chưa đoạn tận gốc, qua thời gian phát tác, sự việc sẽ càng đáng sợ hơn!

– Làm sao đoạn tận gốc?

– Tu hành tinh tấn sẽ đoạn tận gốc! Vĩnh viễn sẽ không có thiên tai.

Chúng ta cần phải nỗ lực thực hành. Mỗi tôn giáo trên toàn thế giới đều có thể tu hành tinh tấn theo kinh điển của họ. Phải hiểu rõ đạo lý trong kinh điển nói những gì và thực hành đúng theo trong kinh dạy. Đây chính là các nhà khoa học nói phải “bỏ ác dương thiện, cải tà qui chánh, đoan chánh tâm niệm”, đây là trị gốc. Điều này rất phù hợp với những gì trong Phật pháp Đại thừa nói. Hy vọng giữa tôn giáo và tôn giáo vĩnh viễn không có xung đột, học tập lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, hóa giải xung đột, đem đến cho xã hội, thế giới an định hòa bình. Đây là “chuyển biến”, một cống hiến rất lớn của tôn giáo đối với xã hội hiện nay.

Ở đây nói “Chư Phật và đệ tử chuyển biến tự tại, không có xa gần”: chuyển biến đến tự tại, vấn đề mới thật sự giải quyết; chuyển biến không đến tự tại, vấn đề không giải quyết được, chỉ là tạm thời.

Câu “Siêu quá ức na-do-tha bách thiên Phật sát, châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật” (Vượt qua ức na-do-tha trăm ngàn cõi Phật, đến khắp tất cả (các cõi ấy) cúng dường chư Phật): Muốn phước tuệ viên mãn phải cúng dường nhiều Phật. Muốn cúng dường nhiều Phật, trước tiên chính mình phải có thần thông mới làm đến được.

– Hiện tại thần thông của bạn đã “thông” chưa?

– “Thông” rồi!

– Làm thế nào “thông”?

– Về trước, khởi tâm động niệm đều tự tư tự lợi thì không “thông”. Hiện tại, tường tận rồi, chuyển đổi ý niệm lại, khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sinh, chẳng phải đã “thông” rồi sao?

Tất cả chúng sinh tức là chư Phật Như Lai. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta học theo Tôn giả A Nan, Tôn giả phát nguyện trong hội Lăng Nghiêm: “Nguyện thử thân tâm phụng trần sát”. “Phụng” là phụng sự, cúng dường. Chúng ta phải dốc hết thân tâm thừa sự cúng dường chư Phật Như Lai; chư Phật Như Lai cũng chính là tất cả chúng sinh.

Ngày nay, chúng ta quay đầu một trăm tám mươi độ, biết được tất cả chúng sinh là Báo Thân của chư Phật Như Lai. Nơi đây chính là Báo Độ của chư Phật Như Lai. Người chân thật phát tâm tu hành, ngoài chính ta ra, tất cả đều là Pháp Thân, Pháp Độ, Pháp Tánh Thân, Pháp Tánh Độ. Phải hiểu được “Châu biến tuần lịch cúng dường chư Phật” chính ngay trước mắt chúng ta, nhất định phải đem tất cả chúng sinh xem thành chư Phật Bồ Tát.

Tôi khuyên bảo mọi người phải dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm Chánh Giác, tâm từ bi, phải dưỡng cái tâm này! Từ tâm này mà nảy sinh tâm thuần thiện đối đãi với tất cả mọi người, mọi vật. Thương yêu tất cả chúng sinh thuần là tâm vô tư, không có điều kiện; vì tất cả chúng sinh phục vụ, đây chính là phát khởi tâm Đại Bồ Đề chân thật.

Cho nên, ngay hiện tiền “Cúng dường ức na-do-tha bách thiên chư Phật” chúng ta cũng có thể làm được. Đọc kinh phải chú ý chỗ này thì mới chân thật có được thọ dụng. Lý như vậy, sự như vậy, viên mãn tương ưng với cảnh giới Hoa Nghiêm, đạo lý này nhất định phải hiểu, phải ở ngay trong một niệm mà chuyển đổi lại.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ, câu “Châu biến tuần lịch” (đi khắp tất cả) ngụ ý số lượng cõi nước họ đến cực lớn. “Cúng dường chư Phật”, ý nói tuy họ phát khởi lên rất nhiều sự việc, nhưng chỉ trong khoảng một niệm đều viên mãn thành tựu hết tất cả.

Rõ ràng cõi nước Cực Lạc sự sự vô ngại: Một tức là nhiều, nhiều tức là một; kéo dài, rút ngắn đồng thời; hạt cải dung nhập núi Tu Di; mười phương chẳng rời khỏi nơi mình đang trụ. Trong một niệm trọn cúng tất cả ba đời nào khác một niệm “đương hạ tức thị” (thuật ngữ dùng trong tông Thiên Thai, “ngay chính nơi đây chính là”, diễn tả mọi pháp không ngoài tự tâm), thâu tóm trọn vẹn không sót. Vì vậy, ta thường nói: “Hoa Tạng nào khác Cực Lạc, Tịnh Độ chứa trọn vẹn sự huyền diệu”.