KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI TẬP HIỀN HỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Xà-na-quật-đa, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 4: NIỀM TIN NGAY THẲNG

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Hiền Hộ:

–Này Hiền Hộ! Các Đại Bồ-tát nào mong cầu Tam-muội quý báu ấy, nên dũng mãnh siêng năng tinh tấn, tự nhiên mau được nhập vào Tam-muội này.

Này Hiền Hộ! Ví như có người đi thuyền lớn vào biển cả, tự ý chở đầy châu báu tốt đẹp, vượt qua được tất cả các chỗ khó khăn, sắp đến bờ thì thuyền bỗng nhiên tan vỡ, châu báu chìm hết. Ngay lúc ấy, người nơi cõi Diêm-phù-đề sẽ kêu la rất là đau khổ vì đã mất hết châu báu vô giá như thế.

Này Hiền Hộ! Có thiện nam, thiện nữ cũng lại như vậy, nghe Tam-muội báu thù thắng này mà không thể ghi chép, đọc tụng hay thọ trì, cũng không thể suy nghĩ như pháp để an trụ.

Này Hiền Hộ! Nên biết, lúc ấy tất cả thiên thần khắp thế gian cũng đều cất tiếng than lớn vô cùng đau khổ: “Các chúng sinh này thật đáng thương xót! Tại sao đối với Tam-muội châu báu thù thắng của chư Phật Thế Tôn này, tất cả chư Phật đều ca tụng, đó là ấn chứng của tất cả chư Phật, tất cả chư Phật đều lấy đó để dạy bảo, là công đức tối thượng của tất cả chư Phật, là sự thành tựu đầy đủ, viên mãn, không thiếu sót, Bồ-tát nghe rồi còn phải mong cầu, thế mà các chúng sinh này lại xa lìa, không chịu ghi chép, không ưa đọc tụng, không thể ghi nhận giải thích nghĩa lý, không thể suy nghĩ để an trụ như pháp. Chúng sinh buông lung, biếng nhác như vậy, đời sau ắt sẽ chịu tổn giảm lớn.

Này Hiền Hộ! Thế nào là chúng sinh bị tổn giảm? Nghĩa là đối với Tam-muội báu này, nghe rồi mà xa lìa, không chịu ghi chép, đọc tụng thọ trì, không chịu giảng giải tư duy về nghĩa lý, không an trú như pháp để chuyên tâm tu hành, tiêu tán hết công đức, đó là tổn giảm.

Này Hiền Hộ! Những chúng sinh xấu ác, biếng nhác ấy mà đạt được lợi ích ở trong giáo pháp này là điều không thể có.

Này Hiền Hộ! Ví như có người cầm chiên-đàn đỏ đưa cho người ngu si, nhưng người kia vì ngu si nên đối với hương chiên-đàn lại tưởng là vật xú uế. Lúc ấy, người có trí bán hương chiên-đàn bảo người ngu

–Ông không nên đối với hương chiên-đàn thơm này tưởng là vật hôi thối. Vì sao? Vì chiên-đàn này là vật tinh khiết, có hương thơm bậc nhất. Sao ông lại cho là hôi? Nếu không tin, trước tiên ông phải nên ngửi thử xem nó thối hay thơm. Và dùng mắt sáng xem xét chiên-đàn này màu sắc, ánh sáng, hình thể, dày, mỏng, đẹp, xấu thế nào!

Tuy nghe người trí dùng nhiều lời khen ngợi như vậy nhưng người ngu kia vì mê muội nên càng thêm ghét, lấy tay bịt mũi không chịu ngửi, nhắm mắt không chịu nhìn.

Như vậy, này Hiền Hộ! Vào đời sau cũng sẽ có Tỳ-kheo xấu ác, ghét bỏ kinh này, việc ấy cũng vậy! Những người xấu ác kia không biết tu tập về thân, giới, tâm, tuệ, ngu si không trí giống như dê trắng lần thần, ngang ngạnh, xấu xí. Các người xấu ác kia vì ít phước nên tuy được nghe Tam-muội Chánh niệm chư Phật hiện tiền như vậy nhưng không biết cách ghi chép, không thể đọc tụng, không thể thọ trì, không thể tư duy, không thể ca tụng, thuyết giảng cho người, lại cũng không thể phát sinh tùy hỷ thì làm sao tu hành theo như lời dạy được. Người xấu ác kia mà thực hành đúng theo lời dạy là điều không thể có. Mặt khác, nghe rồi trở lại phỉ báng, hoàn toàn không có lòng tin cho đó là chân thật, tuy nghe giảng nói nhiều nhưng rốt cuộc không hiểu gì cả, lại còn bảo:

–Pháp này chỉ là lý lẽ vô nghĩa, toàn là việc thần dị khác lạ, lại thêm lời dạy thái quá, ngôn từ trau chuốt, muốn lừa dối thế gian mới tạo ra kinh điển như thế, đâu thể so sánh với các kinh do bậc Thánh giả A-nan thuật lại: Các Tỳ-kheo đời này đều nói về các kinh như vậy cả.

Vào lúc khác lại bảo:

–Kinh này chẳng phải là do Phật nói, chính do người xấu tự tạo ra văn chương nói dối là kinh thôi.

Này Hiền Hộ! Nên biết, người xấu ác như vậy thường xa lìa của

báu tốt đẹp không gì hơn này, giống như người ngu kia thấy gỗ hương thơm lại che mắt, bịt mũi, không muốn nhìn, ngửi.

Này Hiền Hộ! Như vậy, với người ngu ác kia, nghe kinh tốt đẹp và Tam-muội báu này thì không muốn ghi chép, không ưa đọc tụng, không ghi nhớ gìn giữ, không thể giảng nói, nghĩa là không có tâm gần gũi, không muốn nghe pháp.

Lại nữa, này Hiền Hộ! Ví như có người bán ngọc ma-ni, người ngu si thấy ngọc báu kia liền hỏi: Này ông, ngọc này giá trị như thế nào?

Người chủ ngọc đáp: Ông nên biết, ngọc báu này là quý nhất, thế gian không gì sánh bằng, cũng chẳng thể tạo ra được, hay dùng giá trị của thế gian mà luận bàn được. Tôi chỉ nói sơ về công năng, oai đức và giá trị của ngọc báu này để ông nghe qua. Nếu ông muốn biết ánh sáng của ngọc báu này tỏa chiếu gần xa bao nhiêu thì ông nên lấy vàng ròng rải khắp khu đất này, lúc ấy ông sẽ biết.

Nghe nói như vậy, người ngu si kia liền cười lớn và cho ngọc báu ma-ni là không có giá trị.

Cũng vậy, này Hiền Hộ! Vào đời sau, cũng sẽ có các Tỳ-kheo xấu ác nghe trong kinh này nói về Tam-muội báu thù thắng thì không tin, lại chê cười, phỉ báng. Nhưng cũng có những Tỳ-kheo tín căn sâu dày, “tuệ căn” sắc bén, đối với các Như Lai đời quá khứ, đã từng gần gũi hầu hạ, lắng nghe chánh pháp, tu tập các căn lành đúng như lời dạy. Chư vị ấy nghe Tam-muội Bồ-tát Tư duy chư Phật hiện tiền của Bồ-tát này liền có thể đọc tụng, suy nghĩ về nghĩa lý, giảng thuyết cho người, làm lợi ích khắp thế gian, nghĩa là lưu truyền rộng khắp, phát sinh lòng tin sâu xa và trí tuệ lớn, thành tựu chân chánh, đầy đủ oai nghi, thường hành hổ thẹn, sợ hãi tội lỗi, giữ gìn giới cấm, không thọ hưởng các dục, tin pháp sâu xa hay nghe và ghi nhận, được trí nhẫn thâm diệu, thường hành Từ bi. Nhờ tín căn sâu bền như vậy nên đạt được Tam-muội. Được Tam-muội rồi, đi khắp các cõi nước giảng thuyết, giải thích nghĩa lý cho người, luôn phát nguyện: “Nguyện cho kinh điển thâm diệu, Tam-muội Bồ-tát niệm Phật của Bồ-tát này được lưu truyền rộng khắp, luôn có mặt ở thế gian.”

Hoặc có chúng sinh căn lành mỏng, phước đức ít, quá khứ chưa từng gần kề chư Phật để cúng dường, hầu hạ, lắng nghe chánh pháp, chỉ vì lòng tự kiêu quá lớn để cho những ganh ghét dẫn dắt, lợi dưỡng che lấp, tiếng khen lôi kéo nên buông lung không giữ gìn giới, thường loạn tâm, không tu thiền định, xa lìa kinh điển chánh giáo, không cầu sự học rộng, chưa gặp thầy lành, chỉ gặp bạn ác. Những người này nghe Tam-muội ấy liền khinh chê phỉ báng, không có lòng tin, cho đó là không thật. Do chí tánh ngu mê, không chịu mở mang hiểu biết, lại nói: Kinh điển này chẳng phải do Phật giảng nói mà do các Tỳ-kheo căn cơ trì độn ở thế gian ngu si, tà kiến tự tạo ra chú trọng về văn chương, trau chuốt câu, chữ!

Hoặc ở giữ đại chúng nói ra như vậy, hoặc bảo: “Các người nên biết, kinh điển ấy chẳng phải do Phật nói!”

Người ngu si này đã không biết gần kề chư Phật Thế Tôn, không gieo căn lành, không cúng dường, mà còn gần gũi bạn xấu, làm các việc ác. Nên biết, người này xa lìa pháp báu cao tột, vô cùng tốt đẹp và sâu xa, vĩnh viễn mất đi pháp lợi bậc nhất không gì hơn được.

Phật bảo Hiền Hộ:

–Ta bảo ông: Hôm nay, ta ở trước đại chúng gồm đủ Phạm, Samôn, Bà-la-môn, chư Thiên, người, A-tu-la, trong tất cả thế gian giảng nói Tam-muội vi diệu này. Thiện nam, thiện nữ nào nghe rồi vui vẻ làm theo như là đọc tụng, thọ trì, suy nghĩ tin hiểu đúng sự thật, nói ra lời: “Đó chính thật là lời chư Phật giảng nói.” Nên biết, người ấy tích tụ được phước đức không thể nghĩ bàn.

Này Hiền Hộ! Hoặc lại có các thiện nam, thiện nữ đem đủ các loại châu báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới cúng dường tất cả chư Phật Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thì sẽ được công đức vô cùng lớn lao, nhưng không bằng hành trì kinh này, phước đức trước so với phước đức của việc thọ trì kinh trăm ngàn vạn lần không bằng một phần, cho đến vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ phước đức kia cũng không bằng một phần!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa này nên nói kệ:

Người ngu lầm quanh co
Căn buông thả không thuần
Bị bạn ác làm hại
Không có tâm chánh tín.
Phá giới gây tội lỗi
Vướng mắc vào ngã mạn
Họ đều cho kinh này
Chẳng phải chư Phật nói.
Các kinh điển như vậy
Chẳng do Pháp vương dạy
Họ tự ý bảo cho:
Ta sao có thể nói.
Nếu thấy Đại Điều Ngự
Thế Tôn phóng ánh sáng
Ta giảng thuyết cho họ
Họ cũng có thể nói.
Hoặc đối với kinh này
Nghe rồi vui vẻ theo
Người ấy không nghi ngờ
Cho đó là Phật nói.
Như có giới thanh tịnh
Thấy rõ điều được thấy
Phát tâm kính trọng pháp
Ta sẽ giảng pháp này.
Nếu đem báu ba ngàn
Cúng dường chư Như Lai
Mong cầu đại Bồ-đề
Phước ấy không thể nói.
Nếu có các Tỳ-kheo
Định này Phật nói ra
Người nghe phát tín tâm
Phước này hơn phước trước.